TIẾNG KÊU CỨU … - Tác giả: Nguyễn Đăng Hành (Hà Nội)

Leave a Comment
(Nguồn ảnh: internet)

TIẾNG KÊU CỨU …
*
(Tác giả Nguyễn Đăng Hành)
Tôi mãn nguyện khi đứa trẻ ra đời được mẹ tròn con vuông. Còn vui sướng nào hơn cháu bé cứ ăn ngon ngủ yên, ngoan ngoãn, xinh xắn, khỏe mạnh, lanh lẹ kháu khỉnh thông minh. Mẹ con tôi sống ngập tràn hạnh phúc… Bỗng một ông bác sĩ kỳ lạ mò đến thăm, ôm cháu cuống cuồng hôn hít… Một thời gian bỗng cháu sốt ho lử khử. Bác sĩ ra y lệnh chuyển tim sang bên phải, đắp nối lưỡi cho thật to thật dài, lỗ mũi mắt tai chỉ cần một, một thôi! Cổ đầu tứ chi phải kéo! Phải kéo!!!!!
Đang lúc kinh hoàng xót xa thì tôi lại phải chứng kiến một cuộc đại phẫu rùng rợn của nhà sưu tuyển biên cải Gia Dũng đã biến bài thơ “Hàng cau chum nước” trong tập thơ “Hương trời” của tác giả Đàm Đức Lợi do nhà xuất bản văn học in năm 1999 thành bài “Nước hương cau” trong tuyển tập “Thơ Việt Nam 1945-2000” do nhà xuất bản lao động ấn hành năm 2001 (trang 749-750). 
Xin chép nguyên bản cả hai bài thơ của tác giả và soạn giả để cho quý vị tiện xem xét đối chiếu chiêm nghiệm phán xét:

HÀNG CAU CHUM NƯỚC 

Ông kể chuyện ngày xưa
Có hàng cau chum nước
Dưới núi tranh thân thuộc
Bên nhau sống xum vầy

Mưa từ trên tầng mây
Cau hứng đầy chum nước
Chùm hoa từ mặt đất
Gửi hương vào mưa rơi

Chiếc gáo dừa đầy vơi
Vợi đi bao cơn khát
Nước chum ngon thơm mát
Ngọt ngào mà lắng sâu

Ơi cây cau, tàu cau
Ai bện thành nỗi nhớ
Nơi đất- trời gặp gỡ
Mạch sống đằm hương nhau

Bây giờ ông còn đâu
Đốt cau trồng cao ngất
Mảnh chum đau lòng đất
Hương rơi vào mênh mông…
(in trong tập Hương trời - nhà xuất bản Văn học năm 1999)

NƯỚC HƯƠNG CAU

Ông kể lại từ xưa
Trước mái tranh thân thuộc
Có hàng cau chum nước
Người béo kẻ cao gầy

Mưa từ chín tầng mây
Rơi xuống từng tàu lá
Hoa cau thơm trắng quá
Phả vào hạt mưa trời

Chiếc áo dừa đầy vơi
Múc đi bao cơn khát
Nước trong chum thơm mát
Nghe ngấm vào thịt da

Ơi cái chum cây cau
Ai bện thành nỗi nhớ
Nơi đất trời gặp gỡ
Cuộc sống đằm hương cau

Bây giờ ông về đâu
Đốt cau trồng cao ngất
Chum vẫn nguyên như trước
Đợi hương cau lộc trời.
(in trong tập thơ Thơ Việt Nam 1945- 2000 do Gia Dũng biên soạn, in tại nhà xuất bản lao động)
Ừ thôi. Cái típ bài có thể… Ăn nhau ở phần hồn cốt huyết mạch cơ thể… Nhưng thật buồn ở ngay cái khổ đầu của bài thơ ông Dũng đã hăng tiết ra roi giật cương làm con ngựa thơ chệch hướng lộn phèo! Ông đảo câu hai ba, hứng chí ông lắp ghép nhồi nhét: “Kẻ béo người cao gầy” thay câu “Bên nhau sống xum vầy” thành thử từ câu thơ thuần hậu hồn nhiên tự nhiên dịu dàng, say đắm hóa ra tỉnh táo khô khan lệch lẹo, phản cảm. Hình ảnh cây cau, cái chum thành kẻ béo người gầy nó bị gò ghểnh chẹo khớp, chệch mạch loạn thần phản ý. Khổ hai nhà biên soạn bạo tay hơn. Ông thay chữ “trên” bằng chữ “chín” nghe nó cứ hài hài nhạo nhạo diễu cợt, mỉa mai thế nào ấy! Tiện tay ông phéng cả ba câu tràn đầy cảm xúc, đa cạnh lung linh nhét vào đấy một hình ảnh khiên cưỡng vô thần, ép ý, quá tỉnh táo, trơn chu. Nó ngớ ngẩn, không hề ăn nhập bài thơ.
Xin hỏi: “Người sáng tạo khổ này đứng ở góc độ vị trí nào để mà tạo ra cái cảm xúc ép buộc gò gượng này”.? Ở khổ 3, cơn khát được vơi đi nhờ việc “nước hương cau thơm mát ngọt ngào thì ông lại “múc”. Vâng. “Múc” – “Múc” kể ra nó cũng tốc độ mạnh mẽ táo bạo đấy chứ! Nhưng nó lại bị dung tục tầm thường thái quá. Ừ “múc” đã dung tục tầm thường quá thái sao lại còn đủ tỉ mẩn tỉnh táo nhận và viết: “nước trong chum” chứ không phải “ngoài chum”… Lại còn mỹ miều điệu bộ: “nghe thấm vào thịt da” chứ không phải “ngọt ngào mà lắng sâu”. Mới nghe thoạt đọc thì thấy câu thay này nó có nghề. Xem kĩ mà ngẫm nghĩ thì khác chi cái anh chàng có hàm răng đều đặn trắng muốt ngọc ngà mà lại tự đặp vào mồm mình cho nó gãy vài chiếc răng rồi nhét vào đấy vài cái răng vàng lấp lóe. Nó ngớ ngẩn, kệch cỡm, không ăn nhập, hòa nhập, hòa nhịp bài thơ. 
Ở phần cuối ông Gia Dũng cố tình gia cố lắp ghép theo chủ quan của ông để nhằm mục đích phục vụ cho tư tưởng đã được hoạch định sẵn nên từ: “Ơi cây cau tàu cau” thành “Ơi cái chum cây cau”, từ “mạch sống đằm hương nhau” thành “cuộc sống đằm hương cau”. Câu chữ thành ngây dại, giả giả, nó khiên cưỡng mất đi vẻ khoáng đạt tung tẩy lung linh nhân tình thế thái.
Ông mạnh dạn chữa chữ “còn đâu” thành “về đâu”. Câu “mảnh chum đau lòng đất/ Hương rơi vào mênh mông” (mắt chữ tứ ý hồn vía của bài) hóa ra “chum vẫn còn nguyên như trước/ Đợi hương cau lộc trời”. Ở đây ông đã thi vị hóa giả, hứng khởi lạc quan tếu. Ông đã phủ nhận nỗi lòng ý tứ tác giả ông mù tịt về phương pháp ước lệ, thuật ẩn dụ, phép đối tỷ. Ông chống lại luật tự nhiên, biến hóa vận động sinh tồn. Ông bác bỏ,tự nhiên lô ric, sự khám phá giải đáp của tác giả đã làm thay đổi mất hẳn thần thái hồn vía ý tứ, vẻ cao thiêng của bài thơ. Ông cố níu giữ cho mọi vật chất, tinh thần không được biến cải biến đổi. Nó không được vận động phải bất di bất dịch vĩnh cửu một cách duy lí chí thiếu khoa học. Ông cố cải lão hoàn đồng trường sinh bất lão, khư khư ôm cái chum mà tĩnh tại tịch mịch thụ động ...: “chum vẫn còn nguyên như trước/ Đợi hương cau lộc trời”. Thật ngây ngô giả tạo tếu táo vô hồn! “còn nguyên”, “ngồi đợi” thì có cái gì để mà nói mà viết? Vâng văn chương bao giờ mà chẳng mang theo tư tưởng dấu ấn thời đại. Nó hàm súc nghĩa đen nghĩa bóng có thực có ảo…tư tưởng, ý tưởng, nghệ thuật thi pháp đều thể hiện qua hình ảnh, hình tượng, gây ấn tượng tạo hồn vía thần thái bài thơ và nhà thơ.....
Nhưng thưa! Ngay cả nghĩa đen - cái thực mà còn không diễn đạt nổi thì làm sao mà biểu đạt truyền đạt được cái nghĩa bóng, cái ảo long lanh lấp lánh khúc xạ tới độc giả và thời đại được! (tóm lại ông chẳng biết mô tê gì về tư tưởng, tâm hồn, tình cảm và số phận nhà thơ, bài thơ, ông phủ nhận tứ thơ, ý tưởng bao quát sâu sắc chặt chẽ, thống nhất tạo ý ngoài lời, ông xóa bỏ hình ảnh, biểu tượng sống động mới mẻ ông mù điếc trước các nhãn tự ấn tượng của bài thơ như đã trình bày ở trên). Thú thực người viết bài này tò mò hiếu kì rất muốn biết rõ nhà soạn giả này thuộc quốc thể, quốc phái nào. Ông dịch thơ hay phỏng thơ? hoặc lai ghép chuyển gen biến thể cải hóa thơ theo đơn đặt hàng. Thưa ông! Thơ thiêng liêng huyền bí độc đáo lắm. Nó là sự chiêm nghiệm, khám phá giải đáp. Nó thu phát, thử nghiệm bứt phá là tiếng hát, tiếng hét, tiếng ca tiếng kêu của sự được mất sống còn. Nó vô thức liên kết với ý tưởng tạo nghệ thuật và hiệu quả. Thưởng thức cảm thụ thơ soạn giả, biên giả, đọc giả phải cần có linh giác, phải kêu gọi sự trợ giúp của máu tim, da thịt chứ đâu chỉ có, chỉ cần lí chí và sự khôn ngoan mà khéo léo sắp dặt. Thơ khác văn xuôi, nó là rượu cất chưng tinh khiết chứ đâu còn là gạo là cơm..... Nếu chỉ một mực lý chí cần cù tỉnh táo hợp lí khôn ngoan khô khan diễn đạt tuần tự như tiến thì chỉ có giết thơ thôi!
Xin ngả mũ bái chào nhà soạn giả biên giả! Mong ông tĩnh tâm tĩnh trí cứu lấy hài nhi thiên thần xinh đẹp chớ nỡ lòng quá tay: khoét mắt cắt lưỡi bịt mồm co kéo tứ chi thay đổi vị trí tim gan ...... kẻo oan! oan lắm! cho một sinh linh tinh thần quý báu!

Mời thư giãn với nhạc phẩm THẰNG BỜM CÓ CÁI QUẠT MO
của Đỗ Lộc, qua tiếng hát bé Bảo Khương:
          
*
NGUYỄN ĐĂNG HÀNH
Địa chỉ: Thôn Khoan Tế, xã Đa Tốn
huyện Gia Lâm, tỉnh Hà Nội.
Email: nguyendanghanh1234@gmail.com
Điện thoại: 036.467.78.26
.
.
.


       ........................................................................................
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 11.07.2019
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến. 
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
.    

0 comments:

Đăng nhận xét