BÀI THƠ TÌNH NỞ CỦA ĐẶNG XUÂN XUYẾN VÀ NHỮNG CẢM NHẬN - Nhiều Tác Giả

Leave a Comment
(Tạo hình: Thị Nở và Chí Phèo trong phim Làng Vũ Đại Ngày Ấy ; Nguồn ảnh: internet)
BÀI THƠ TÌNH NỞ CỦA ĐẶNG XUÂN XUYẾN
VÀ NHỮNG CẢM NHẬN
*
TÌNH NỞ

Nở ơi… đận ấy… trăng hè
Giả ngây Nở để Chí đè cưỡng yêu
Ơn trời đêm ấy Chí liều
Cháo hành Thị Nở còn phiêu đến giờ.

Vườn trăng nhễ nhại chẳng ngờ
Hương tình Thị Nở tới giờ vẫn tươi.
*.
Hà Nội, chiều 30 tháng 11.2013
ĐẶNG XUÂN XUYẾN

1.
Những comments dưới bài viết: “TÌNH NỞ” ngày 19 tháng 05 năm 2015 trên dòng thời gian của facebook Đặng Xuân Xuyến:
Van Tuy Chu - Thực tình Thị Nở Chí Phèo
là yêu nhau thật chẳng điêu đâu mà.
Vũ Thị Hương Mai - "Giả ngây Nở để Chí đè cưỡng yêu"
2 từ "giả ngây" thật giàu tính nhân văn. Nở không ngốc nghếch thô kệch và dở hơi như trong nguyên tác của nhà văn Nam Cao. Nở khôn hơn, e lệ phụ nữ hơn, biết giấu đi sự khao khát ái tình khi được "Chí đè cưỡng yêu". Ở 2 chữ 'giả ngây" này Nở được thoát xác thành một người phụ nữ tinh ranh và rất là đời. Nở ở bài thơ khác hoàn toàn với Nở trong truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao. Em tin nhiều người sẽ thích Nở của anh như em.
Ngô Thanh Tuấn - Em nghĩ là bài thơ chỉ mượn chuyện tình "một đêm" của Chí Phèo với "con đĩ Nở" để ca ngợi tình yêu trong sáng, rất người của Thị Nở. Một tình yêu thể hiện thiện tính của con người nên có sức lan tỏa và làm lay động lòng người.

2.
Cảm nhận của nhà Phê bình Văn học Châu Thạch:
CẢM NHẬN VỀ “TÌNH NỞ”
CỦA ĐẶNG XUÂN XUYẾN

(Tác giả Châu Thạch)
Chỉ mấy câu thơ ngắn gọn đã diễn đạt đến đỉnh cao của cảm xúc: cảm xúc xác thịt và cảm xúc tâm hồn. Đọc thơ, không ai không thấy máu nóng hình như cũng chảy rần rần trong da thịt mình trước cảnh ân ái dưới trăng của Thị Nở - Chí Phèo, hai con người bị dồn nén sinh lý lâu ngày. Đọc thơ ta cũng thấy yêu mến cái thứ tình chất phát trong tâm hồn của hai con người thật thà được bày tỏ qua tô cháo hành.
Ta thấy vườn trăng đêm ấy “nhễ nhại” nhưng không nhớp nhúa như những chốn lầu xanh đèn mờ, vì trong ánh trăng “nhễ nhại” đó nồng nàn một thứ “hương tình tới giờ vẫn tươi”.
Bài thơ nhắc đến Thị Nở và Chí Phèo, hai nhân vật trong truyện ngắn nổi tiếng có tên “Chí Phèo” của nhà văn Nam Cao xuất bản năm 1941, là một tác phẩm xuất sắc viết về tấn bi kịch của một nông dân nghèo bị tha hóa trong xã hội thời đó. Chuyện tình Thị Nở - Chí Phèo đã gây cảm hứng cho nhiều tác giả cảm tác về “Chí Phèo”, nhưng để diển tả hết cái chất nóng kích dục, cái hương tình âu yếm vọng đến trăm năm chỉ trong vài câu thơ ngắn gọn thì Đặng Xuân Xuyến đã thành công.
Chí Phèo” là một tác phẩm được nhà văn Nam Cao xây dựng những nhân vật chân thực, sống động, điển hình với ngôn ngữ tự nhiên, sinh động, gần với sinh hoạt của người nông dân thời phong kiến. Đây là một tác phẩm đã phổ biến gần như với mọi người. Do đó Đặng Xuân Xuyến đã khôn khéo khi chỉ cần dùng những câu thơ ngắn, kích động được hồi ức của con người để hình ảnh của câu chuyện sống động lại trong lòng bạn đọc. Bài thơ không cần dài nhưng dựng được lại cả câu chuyện trong trí nhớ và cô đọng câu chuyện ấy trong chủ đề “Tình Nở”, tách và làm nổi bật phẩm chất ẩn chứa trong câu chuyện tình yêu độc đáo, vốn không đẹp dưới con mắt thường tình của đời.
Bằng hai câu thơ thôi, tác giả đã giới thiệu được nhân vật, thời khắc, khung cảnh, tâm lý nhân vật và toát yếu câu chuyện xảy ra:
Nở ơi… đận ấy… trăng hè
Giả ngây Nở để Chí đè cưỡng yêu
Đận ấy” là gì? Là tiếng địa phương của một vùng nào đó, chỉ về thời gian trong quá khứ, có nghĩa là lúc ấy hay thuở ấy. Khó có tác giả nào dám dùng chữ như thế, và sự “liều” dám dùng chữ “đận ấy” đã làm cho câu thơ trở nên mộc mạc, hòa hợp với câu chuyện của miền quê. “Giả ngây Nở để Chí đè cưỡng yêu”: Câu thơ hiển hiện lại đêm trăng trong trí óc ta, hiển hiện lại thân thể Thị Nở dưới trăng và làm nóng hổi trong đầu ta đoạn phim Chí Phèo cưỡng bức Thị Nở. Đọc hai câu thơ ta thấy gì? Ta thấy tình yêu diễn ra dưới trăng của hai con người dưới đáy xã hội không bần tiện chút nào. Nếu đọc chính truyện của Nạm Cao, không ai không cảm nhận trong đêm hôm đó, nhục dục của hai người trong truyện thiên về thú tính nhiều hơn. Qua thơ Đặng Xuân Xuyến, cái thú tính đó biến mất, chữ “giả ngây’ và chữ “cưỡng” không làm nặng nề bối cảnh mà cho ta hình dung được sự lý thú của hai con người tự nguyện đến với nhau.
Với hai câu thơ kế tiếp, tác giả cũng chỉ tóm tắt một phần thân bài của câu chuyện Chí Phèo nhưng gởi vào đó những từ ngữ làm nhẹ đi dục tính trong hành động của Chí Phèo và đặt vào câu chuyện một thứ tình đằm thắm  như trở thành một kỷ niệm đẹp trong lòng mỗi người:
Ơn trời đêm ấy Chí liều
Cháo hành Thị Nở còn phiêu đến giờ.
Với Chí Phèo thì không có “ơn trời” vì Chí Phèo chửi cả trời. Vậy “Ơn trời” là lời của tác giả với chủ đích như một lời trách nhẹ, trách âu yếm về cái hành động liều lĩnh của Chí. Chữ “phiêu” trong câu “Cháo hành Thị Nở còn phiêu đến giờ” cũng là lời của tác giả gởi vào lòng người đọc cái hơi nóng của tô cháo mà Chí Phèo đã thưởng thức trong đêm hôm ấy, làm cho “cháo” trở thành thú vị trong tâm tưởng ta ngày hôm nay. Hai câu thơ gây ấn tượng trong lòng ta, cho ta thấy một Chí Phèo ít thô lổ, ít cộc cằn hơn. Tình yêu của họ trở nên lý tưởng với tô cháo hành “còn phiêu đến giờ”. Từ đó, tác giả đã làm cho sự thích thú của Chí Phèo lan ra và kéo dài thời gian trong lòng người đọc thơ.
Và cuối cùng tác giả khẳng định hương thơm của tình yêu - của tính bản thiện - tỏa trong vườn trăng đêm ấy vẫn còn tươi mãi đến giờ:|
Vườn trăng nhễ nhại chẳng ngờ
Hương tình Thị Nở tới giờ vẫn tươi.
Sẽ có người không thích câu “Vườn trăng nhễ nhại” nhưng với tôi tác giả dùng chữ “nhễ nhại” vô cùng hợp lý. Nhễ nhại là ở trạng thái ướt đẫm, chảy thành dòng. Vườn trăng nhễ nhại là vườn tràn đầy ánh trăng nhưng ánh trăng không trong vắt. Đây là ánh trăng nhìn qua lăng kính của người thi sĩ. Họ nhìn ánh trăng qua tâm lý khi thấy cuộc tình đang diễn ra không phải là một cuộc tình nên thơ, có phần nhục dục. Cảnh và tình trong thơ phải hòa hợp với nhau, vì vậy tác giả phải khiến cho ánh trăng không còn trong như chính nó. Hai câu thơ cuối cho ta cảm nhận một thứ hương rất lạ, đó là thứ hương tình (bản thiện) của Thị Nở, một thứ hương tình hiếm có ở những người phụ nữ bình thường.  
Tình Nở” là một bài thơ cho ta hai cảm xúc. Cảm xúc ở tâm hồn đem đến cho ta cảm nhận hương vị của một mối tình bình dân, chân chất và mộc mạc. Cái hương vị đó ta không tìm thấy khi đọc chính truyện của nhà văn Nam Cao. Nhà thơ Đặng Xuân Xuyến đã đặt vào trong sáu câu thơ ngắn của mình những từ ngữ thích đáng như “ơn trời”, “giả ngây”, “cưỡng yêu”, “hương tình”, “vẫn tươi” để thi vị hóa cái đêm hôm đó, làm cho “Tình Nở” gây hình ảnh đẹp trong thơ và tạo ấn tượng đẹp trong lòng bạn đọc. Cái cảm xúc trong tâm hồn mà tác giả tạo ra trong thơ làm cho sự cảm xúc trong xác thịt bớt đi tính dục. Từ đó hơi nóng tình dục chảy trong người khi nhớ lại cảnh ái ân đầy bản năng dưới trăng không còn lõa lồ khó nhìn nữa, mà nó trở nên một bức tranh nghệ thuật tả chân.
Có thể nói, “Tình Nở” của Đặng Xuân Xuyến đã cô đọng thi đề, thi tứ, thi ý trong những câu thơ súc tích. Thơ ngắn nên sức khái quát thật cao. Sự lựa chọn để miêu tả những khoảng khắc dồn nén thật đúng lúc và tuyệt vời. Bài thơ cũng tạo một cái nhìn mới vào truyện ngắn Chí Phèo mà từ lâu, đã được giảng dạy ở học đường theo một định hướng không hoàn toàn của nó ./.
*.
Đà Nẵng, chiều 13.04.2017
CHÂU THẠCH  (Tên thật: Trương Văn Trạn)
Địa chỉ: 75 Phan Kế Bính, Đà Nẵng.
ĐT: 0929128967 - 05113894610
Email: truongvantran@hotmail.com

3.
Comments dưới bài chia sẻ: “CẢM NHẬN VỀ “TÌNH NỞ” CỦA ĐẶNG XUÂN XUYẾN” ngày 27 tháng 04 năm 2017 trên dòng thời gian của facebook Trạn Trương Văn:
Tịnh Tâm - "Nở kia dở dở đần đần / Mà làm cho Chí tâm thần xốn xang". Chỉ vậy thôi, hai kẻ bần cùng trong xã hội đến với nhau được khắc họa qua những vần thơ ngắn của tác giả Xuân Xuyến rât hay! Trần tục đời thường, nhưng đã được Nhà bình thơ Châu Thạch chăt lọc kĩ lưỡng qua từng câu chữ để đưa ngươi đọc đên một sự thăng hoa của tinh yêu đẹp rất đỗi thân thương và chăp cánh cho bài thơ hay hơn, đẹp hơn trong lòng ngươi đọc. Anh Châu Thạch quả là nhà binh thơ điêu luyện tuyệt vời! ́

4.
Những comments dưới bài viết: “MỜI ĐỌC TRÍCH ĐOẠN 3 LỜI BÌNH THƠ ĐẶNG XUÂN XUYẾN” ngày 04 tháng 08 năm 2019 trên dòng thời gian của facebook Trạn Trương Văn:
Lê Thi Quỳnh Dung - Thơ và bình dành cho người từ tuổi 40 trở lên, dành cho đám trẻ nguy hiểm vô cùng.
Mai Nguyễn - Tui không thích Thị Nở bất cứ ở đâu, đây là một hình ảnh không nên đưa vào thi ca hay môn học Văn Việt Nam! Có lẽ do mình thuộc tầng lớp Tiểu tư sản nên ưa cái gì đẹp, nhẹ nhàng, rất Việt Nam .... thế thôi. Ví dụ Thị Mầu mà khi đóng phim họ tạo ra hình ảnh lẳng lơ khó chịu tui cũng không ưa...
Giao Văn Lê - Mai Nguyễn - giữa Thị Màu và Thị Nở - giống và khác nhau sao hè?
Mai Nguyễn - Giao Văn Lê Đôi khi truyện không đến nỗi nhưng phim họ tạo ra những con người nhìn thấy ghê ghê ...
Giao Văn Lê - Mai Nguyễn - nói sao? Thị Nở xấu hả? Thị Nở là người phụ nữ "đẹp" của nhân cách sống đó nghe!
nguyễn thành với - Đúng là chuyện Văn Chương thì ta có quyền nói thích hoặc không thích. Người đàn ông nào mà không thích con gái đẹp (như Mai Nguyễn chẳng hạn). Không thích cái đẹp thì có còn là đàn ông nữa không?
Có điều là truyện Chí Phèo thì Thị Nở phải xấu, xấu không thể xấu hơn được nữa thì giá trị nhân văn của truyện càng cao. Nếu Thị Nở đẹp thì tác giả xoàng quá: Xấu thế, con trai làng xa lánh như tránh một vật gì rất tởm mà cũng thành mơ ước của Chí Phèo. Mà cũng có được đâu!
Người đọc xót xa cho một số phận con người bị đẩy xuống dưới đáy xã hội.
(Có điều là tất cả các nhân vật nữ trong tác phẩm của Nam Cao không ai đẹp cả)
Mai Nguyễn - Tui có nói Thị Nở phải đẹp đâu nhưng sao tui chịu không nổi khi thấy người đàn bà vừa xấu và vừa dơ, trúng ý tác giả, mà đưa vào học làm chi. Giáo dục được gì trong việc này. Thân phận con người ai cũng biết xót xa cho những ai làm con gái đàn bà mà không đẹp không giàu (con gái nhà nghèo cũng tội lắm), nhưng nếu đó là một con người tuyệt hảo về nhân cách về cách sống hơn nhiều lần những cô gái đẹp nhà giàu...thì đúng là giáo dục. Còn đây, như hình trên, ghê quá, cho sáp nhỏ học, theo tôi, chẳng tốt và chẳng đem lại nhân văn gì cả...
Nguyên Bình - Đại huynh Châu Thạch phân tích đến tận ngọn nguồn bài thơ, với một sự cảm nhận tinh tế và độc đáo. Chúc mừng!
Văn Thanh - Nói Chí Phèo và Thị Nở là thú tính thì không chuẩn mà phải nói thiên tính, Trời ban cho các loài động vật có mục đích mới đúng. chỉ loài người có văn hóa nên tiến bộ văn minh hơn hơn thôi .
Tran Quoc Hung - Giữa tác giả thơ và tác giả bình đã có sự đồng cảm sâu sắc. Tôi nghĩ, mỗi lời nhận xét của các bạn về bài viết trên đều có cách nhìn riêng của mình. Riêng tôi, tôi rất thích lời bình của anh Châu Thạch (hơi tiếc: phải chi anh bình luôn chi tiết "giả ngây" thì hay biết mấy!)
Trạn Trương Văn - Tran Quoc Hung Cảm ơn bạn đã đồng cảm. Thật ra bài bình đăng trên facebook và web phải viết cô đọng cho ngắn để người đọc không chán. Do đó không viết hết ý được. Hơn nữa trình độ người bình cũng chỉ đến thế là hết ạ. Thân ái chúc bạn mọi sự tốt đẹp.

                   
Mời thư giãn với nhạc phẩm TRƯỚC NGÀY HỘI BẮN
của Trịnh Quý, qua tiếng hát  Ngọc Khuê và Phạm Anh Khoa:

                
(Đặng Xuân Xuyến tổng hợp).
. .....................................................................................................
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
.

0 comments:

Đăng nhận xét