TẠI SAO ĐÔNG LA BỊ CƯ DÂN MẠNG “NÉM ĐÁ”? - Tác giả: Nguyễn Trọng Tạo (Nghệ An)

Leave a Comment
(Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo ; Nguồn ảnh: internet)
TẠI SAO ĐÔNG LA BỊ
CƯ DÂN MẠNG “NÉM ĐÁ”?
* 
Mấy hôm nay, sau khi Đông La công bố trên blogcủa mình việc bị Ban chấp hành Hội Nhà Văn Việt Nam không kết nạp vào Hội, và Đơn khiếu nại gửi các tổ chức và các nhà lãnh đạo Văn Hóa Nghệ Thuật, chính trị, tư tưởng… lập tức bị cư dân mạng “ném đá” tơi bời. Có người gọi Đông La là “thằng đa lông”, có người gọi là “thằng điên”, có người gọi là “dư lợn viên”, có người gọi là “con lừa”… Nhà thơ Lệ Bình viết: Tôi có cảm giác lý trí con người không còn tồn tại trong Đông  La, khi ông tự  khoe mình là “đại tài”, … và gọi các ông Nguyên Ngọc, Lê Hiếu Đằng … đáng tuổi bố mình bằng thằng, chửi bới Trần Mạnh Hảo, Phạm Xuân Nguyên, Thu Uyên…là chó
Tò mò, tôi vào blog Đông La và đọc một lát. Xin trích một số đoạn từ các bài viết của Đông La để ai chưa biết thì đọc xem có đáng “ném đá” hắn không:
Đông La ngày đêm trằn trọc viết bảo vệ chế độ thế mà một khúc xương cũng không được gặm”.
(Trích lời Đông La sau khi không được kết nạp vào Hội Nhà Văn Việt Nam, tháng 12.2014)

1. Nói về mình:
(Nhà văn Đông La)
- Khi đọc chùm thơ đầu tay của tôi, Chế Lan Viên đã đề nghị trao giải thơ cho tôi trong cuộc thi năm 1986 của Hội Nhà Văn thành phố Hồ Chí Minh, rồi ông còn trực tiếp đứng tên giới thiệu tôi vào Hội Nhà Văn thành phố Hồ Chí Minh.
- Bà Thân Thị Thư, Trưởng Ban Tuyên Giáo Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh một lần gặp tôi cũng nói: “Em cảm ơn anh vì các bài viết của anh trên Báo Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh mà em được cấp trên khen đấy!”
- (Nguyễn Quang) Thiều chưa viết một chữ nào khen tôi nhưng khen miệng thì chính Thiều khen tôi ghê gớm nhất. Như khi đăng cho tôi bài “Những cái xác” có 4 câu, Thiều bảo “ông hay hơn Chế Lan Viên rồi”, còn bình tán trên điện thoại cả nửa tiếng.
- “Tôi bất ngờ nhận được điện thoại của anh (Hữu Thỉnh – PV), anh bảo hỏi mãi mới biết được số của tôi, anh bảo anh đọc từng chữ của tôi viết, “sao mày tài thế, giỏi thế, những bài viết của em có sức mạnh như những sư đoàn”. Từ đó, thấy lãnh đạo người ta cũng quý trọng mình thế…”
- Theo quy định việc xin vào Hội Nhà văn Việt Nam phải có hai người giới thiệu, người thứ nhất, Giáo sư Mai Quốc Liên đã viết lời giới thiệu tôi là “một nhà phê bình hiếm có”. Còn người thứ hai là Giáo sư Trần Thanh Đạm. Khi tôi cảm ơn ông thì ông nói: “Tôi cũng phải cảm ơn anh vì tôi rất vinh dự được giới thiệu người như anh vào Hội”.
Như vậy, về tài đức, về thành quả văn chương, tôi hoàn toàn xứng đáng được vào Hội Nhà Văn Việt Nam.
- Nhà thơ Hải Như, tác giả lời ca khúc bất hủ Thành phố hoa phượng đỏ, đã đi hỏi số điện thoại của tôi gọi: “Đông La biết tôi là ai không? Tôi từng giới thiệu Vũ Tú Nam (từng giữ chức như Chủ tịch Hội Nhà văn bây giờ) vào Hội đấy. Nếu tôi có quyền sẽ cho chùm thơ của Đông La giải nhất. Thơ Đông La hiện đại nhưng đã đạt đến sự giản dị, không như thơ Nguyễn Quang Thiều hiện đại, nhưng rối rắm, bắt chước nước ngoài”.
- “Trong chuyện viết lách thấy người ta sai thì viết, mong góp phần giúp cho độc giả hiểu đúng vấn đề, nhất là những vấn đề rất phức tạp về chính trị, tư tưởng, triết học và khoa học. Chỉ vậy thôi không cầu mong gì hết. Vậy mà vừa rồi tôi lại đồng ý làm đơn xin vào Hội Nhà Văn Việt Nam, và hôm nay tôi được người trong cuộc báo tin là tôi đã bị loại”.
- Tôi nói tôi “đồng ý” làm đơn vì ý định làm đơn không phải do tôi mà vừa rồi một nhà văn trong Ban Chấp hành Hội Nhà Văn Việt Nam đã gặp tôi khuyên tôi nên vào Hội, rồi anh đã chuyển cho tôi một bộ hồ sơ để tôi chuẩn bị cho đúng thủ tục.
- (Nguyễn Quang) Thiều hiện là Phó Chủ tịch Hội Nhà Văn Việt Nam, cũng đã khuyên tôi vào hội: “Cái gì chứ, giúp ông vào Hội tôi sẽ làm được. Ông nên vào Hội để còn giúp tôi một tay”. Tôi nói vui: “Cung Thân lá số tử vi của tôi có Hóa Khoa, Hóa Lộc, Hóa Quyền. Khoa, Lộc ít nhiều gì tôi cũng đã có, còn quyền thì chưa. Biết đâu sau này ông nắm Hội Nhà Văn cho tôi cái quyền gì đó thì sao”. Thiều cười: “Có thể như thế”.
- Còn danh xưng “Nhà Văn” thì tôi cũng đã có, dù chỉ là Hội viên của Hội Nhà Văn thành phố Hồ Chí Minh, nhưng tôi rất tự hào vì người giới thiệu tôi chính là Nhà thơ tài danh hàng đầu Việt Nam - Chế Lan Viên! Còn nói chung người bất tài mới cần cái danh “hội viên hội nhà văn Việt Nam” để chứng tỏ, còn tôi những nhà văn hàng đầu Việt Nam cũng nể phục rồi thì còn cần gì cái danh “hội viên hội nhà văn Việt Nam”?

2. Nói về người khác:
- Chính Hội Nhà Văn Việt Nam có tình trạng như vậy, bởi hiện có rất nhiều Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam có thái độ và bài viết sai trái, có người đã bị bắt, nhưng hầu như trong Hội Nhà văn không ai lên tiếng phê phán, ngược lại, lại có nhiều người đồng tình với sự sai trái ấy. Như ông Trung Trung Đỉnh, một đương kim Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, luôn ca ngợi Nguyên Ngọc, người đang trên tuyến đầu chống đối, còn định thành lập “Văn đàn độc lập”. Văn Công Hùng, một Ủy viên Ban chấp hành khác của Hội Nhà Văn Việt Nam cũng ca ngợi Nguyễn Quang Lập, một nhà văn mới bị bắt và đã nhận tội, là: “Ở nước Nam này, nếu hỏi ai viết nhiều, làm việc nhiều, lao động nghiêm túc, tôi không ngần ngại trả lời: Nguyễn Quang Lập”.
Vì vậy, những cá nhân trong Ban chấp hành Hội Nhà văn như ông Trung Trung Đỉnh, Văn Công Hùng lấy cớ tôi cực đoan để loại tôi là một hành động sai trái, bất minh, hoàn toàn chỉ vì nhận thức cảm tính chủ quan và cảm tình cá nhân.
- Nguyên Ngọc cũng cần phải có đại tài đức và đại ý chí. Nhưng thực tế xem chừng Nguyên Ngọc chỉ có số 0 tròn như cái trán dồ bướng bỉnh của ông, y như một chú bé học sinh cá biệt bất trị vậy.
- Tôi được “mật báo”, trong cuộc bỏ phiếu xét đơn xin vào Hội của tôi của Ban chấp hành Hội nhà Văn Việt Nam, trong số người loại tôi có Nguyễn Quang Thiều. Không chỉ thế, Thiều còn là người vận động để tôi bị loại. Tôi vừa buồn vừa buồn cười. Buồn vì nhân tình thế thái. Buồn cười vì với cái đầu của tôi, nói theo kiểu các cụ “con ruồi bay qua cũng biết con đực con cái”, sao tôi lại từng ưu ái Thiều đến thế… Tôi có một mối quan hệ đặc biệt với Nguyễn Quang Thiều, rồi tôi sẽ viết thành nhiều “tập”. Thực ra thì cũng là có đi có lại. Thiều có quý tôi, có đăng thơ cho tôi thì tôi mới đáp trả lại.
- Ngô Bảo Châu viết về Nguyễn Quang Lập: “nhà văn này đã sớm tỏ rõ ông  chính là một trí thức thứ thiệt, có cái nhìn sắt bén về thế thái nhân tình, về hiện tình xã hội – chính trị Việt Nam. Ông không ngần ngại đăng tải những bài khá nhạy cảm, những lập trường phản biện khá dứt khoát có thể làm cho cơ quan chức năng khó chịu.Thái độ của ông chính là thái độ của một nhà văn chân chính, một kẻ sỹ có tinh thần trách nhiệm với xã hội mình đang sống”.
Một lần nữa Châu lại chứng tỏ mình chỉ biết cộng trừ nhân chia nên đã hoàn toàn sai trái khi thể hiện chính kiến và thái độ về những vấn đề và vụ việc thuộc lĩnh vực chính trị xã hội.
- Hội Nhà Văn Hà Nội từng bỏ phiếu bầu Phạm Xuân Nguyên làm chủ tịch lại là việc bầu ra người không xứng đáng. Hội Nhà Văn Hà Nội là một tổ chức thuộc nhà nước nhưng Phạm Xuân Nguyên là người luôn phản đối nhà nước thực thi pháp luật, như từng lên tiếng ủng hộ những người phạm pháp và sai trái, từ Lê Công Định, Phương Uyên đến Nhã Thuyên và hôm nay là Nguyễn Quang Lập…
- Ngay ở Hội Nhà Văn Việt Nam cũng đã có những dấu hiệu lớp kế cận Nhà thơ Hữu Thỉnh đang ráo riết xây dựng lực lượng để giành quyền theo hình mẫu bầu bán của Hội Nhà Văn Hà Nội. Việc bỏ phiếu loại tôi như là một sự tập dượt của họ. Nếu họ thành công, lúc đó văn chương sẽ không “dĩ tải đạo” như lời dạy của cha ông nữa mà là tải tà đạo, Hội Nhà Văn sẽ là tập đoàn cứ điểm làm nguy cơ tồn vong của chế độ, theo lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thêm nguy cơ hơn. Mà khi quyền lực tối cao rơi vào tay kẻ tham, kẻ dốt, kẻ ác, kẻ xấu thì đích đến của nước ta sẽ là Irắc, Lybi, Pakistan, Apganixtan chứ không phải là Bắc Âu, là Anh Pháp Mỹ, là Đức Ý Nhật đâu! Nên trong tình trạng bất ổn này, Hội Nhà Văn Việt Nam cũng cần ổn định như xã hội cần ổn định vậy, vẫn cần đến thế hệ Nhà thơ Hữu Thỉnh nắm trọng trách, có những sai trái yếu kém thì phải sửa, nếu không Hội Nhà Văn sẽ là mảnh đất gieo mầm và nuôi dưỡng sự phản loạn.

- …Đông La ngày đêm trằn trọc viết bảo vệ chế độ thế mà một khúc xương cũng không được gặm
Nguồn: http://donglasg.blogspot.com/

         
Mời thư giãn với nhạc phẩm KHÚC HÁT SÔNG QUÊ
của Nguyễn Trọng Tạo, thơ Lê Huy Mậu, qua tiếng hát Anh Thơ:
                 
*
NGUYỄN TRỌNG TẠO
Địa chỉ: Khu Chung cư Linh Đàm,
quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội.
Email: nguyentrongtao1@yahoo.com
.




  ........................................................................................
- Cập nhật từ email: ngocthai1948@gmail.com gửi ngày 17.05.2017
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến. 
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 
.  

0 comments:

Đăng nhận xét