(Nguồn ảnh: internet) |
VIỆC CHẾ HÓA VÀ CHIẾT TỰ
TRONG
TỬ VI
*
“Xem Tử Vi thì phải biết Sinh Khắc Chế Hóa,
và phải là người thâm nho mới thấu triệt ý nghĩa”.
Ngày tôi còn bé thường nghe các cụ nói thế. Nghe vậy thì
biết vậy, chứ thực ra tôi chẳng hiểu mấy về câu nói này.
Khi vừa biết viết gọn quốc ngữ, tôi liền được cụ tôi
hướng dẫn lập thành lá số Tử Vi cho những người đến nhờ cụ xem giùm. Lúc ấy,
tôi sung sướng nghĩ rằng lấy một lá số Tử Vi là việc làm không mấy khó khăn.
Tôi thầm nghĩ rằng, có lẽ ngày xưa cần người thâm nho chỉ
để đọc các sách chữ Hán dạy về cách lập thành, và cách đoán số Tử Vi. Nếu nay,
cứ tìm được các bộ sách chân truyền từ xưa, rồi dịch ra Việt ngữ thì Tử Vi
không còn gì là bí hiểm, không còn là độc quyền của các cụ già thâm nho. Chỉ
việc giở sách ra là có thể lập thành một lá số Tử Vi, rồi quy nạp, dựa vào các
bộ sao, suy đoán các cách phú quý, bần tiện, thọ yểu, hạn rủi, vận may v.v…
Thời gian trôi qua, càng nghiên cứu Tử Vi, tôi càng cảm
thấy rằng đó không phải là một việc làm giản dị như trước kia tôi lầm tưởng.
Ngoài việc phân định sự Miếu, Vượng, Hãm địa của các sao,
ngoài sự Sinh Khắc Ngũ Hành, ngoài việc phối hợp Thiên Can, Địa Chi, Bát Quái,
ngoài việc quy nạp độ 500, 700 cách đoán số, (cho nhiều nhất là 1000 cách,
trong các bài phú) lại còn phải hiểu hình tính, ý nghĩa các vị sao mà Chế Hóa,
vì có những sao gặp nhau mà không thuộc về cách nào ghi trong các sách Tử Vi.
Thí dụ như Hỏa Tinh cư Ngọ thì đắc địa, gặp Kình Dương cư Ngọ hãm địa thì sao?
Thái Dương cư Tuất hãm địa gặp Kình Dương cư Tuất nhập miếu thì sao? Không thể
áp dụng tinh thần máy móc, cộng hai vị sao lại rồi chia hai, lấy trung bình.
Tốt vừa vừa hay xấu in ít?
Trong những trường hợp này, sự Chế Hóa, tinh thần diễn
dịch đóng một vai trò rất quan trọng.
Nếu chỉ áp dụng tinh thần công thức một cách máy móc, thì
sẽ gặp rất nhiều công thức này chống ngược lại công thức khác.
Sách ghi là: “Tử Phá mộ cung, bất trung, bất
hiếu”, sách lại cũng nói là “Khôi Việt, Quan Phúc” chủ thông
minh, thanh cao, nhân hậu, v.v… Vậy thì Tử Phá cư Mùi gặp Khôi Việt, Quan Phúc
là thế nào? Bất trung bất hiếu vừa vừa hay là thanh cao nhân hậu in ít??
Một vị chính tinh dù là hung ác mà được quần thần, cố
vấn, tham mưu đều thanh cao, nhân hậu thì có thể trở thành nhà cải cách, cách
mạng tuy hành động có hơi cứng rắn, đi khác với thông lệ, vượt qua dư luận.
Nhưng vị chính tinh ấy vẫn được bộ tham mưu đưa về những chiều hướng xây dựng.
Nói đến “Liêm Tham Tỵ Hợi” thì người nghiên cứu Tử Vi, có
thể nghĩ đến công thức Liêm Trinh cộng với Tham Lang ở Tý, Hợi ra quan môn, hình
ngục. Thế nhưng, Liêm Tham Tỵ Hợi cung Quan Lộc ở đó Mệnh, Quan, Tài, Di, được
các quyền tinh, quý tinh, phúc tinh giao hội đủ bộ, thì ảnh hưởng sẽ chuyển
ngược lại, không phải là người ta xử phạt mình mà lại là mình xử phạt, cầm cân
nảy mực xét xử người khác (Đây là ngày giờ sinh của một ông Biện Lý trẻ tuổi,
trong thân quyến của tôi, để quý vị chiêm nghiệm. Tuổi Đinh Sửu, tháng chạp
ngày 28, cuối giờ Tý, đêm 27 rạng 28, giờ Tý tính vào ngày 28).
Không thể căn cứ vào bộ sao tốt rồi đoán rằng mọi sự phải
tốt, không thể căn cứ vào một bộ sao xấu rồi đoán rằng việc gì cũng phải xấu.
Cũng không thể quan niệm rằng lấy cái tốt, cộng với cái xấu, hòa lẫn, chia hai,
ra cái trung bình.
Sinh Khắc, Chế Hóa là lời nhắc nhở từ căn bản vỡ lòng của
những người nghiên cứu Tử Vi, mà các sách Tử Vi chỉ trình bày được phần Sinh
Khắc Ngũ Hành, và bỏ lơ đi cái phần Chế Hóa, chỉ trình bày các công thức dưới
những hình thức có vẻ Khoa học. Đến khi áp dụng công thức thì người nghiên cứu
vô cùng hoang mang trước những công thức này chống công thức kia.
“Mệnh Đào mà ngộ Thiên Diêu
Chồng ra khỏi cửa dắt tay trai
vào”
Phú đoán chỉ nói lên một khía cạnh có thể có, chứ không
phải là một công thức máy móc.
Mệnh tại Mão được Thái Dương, Thiên Lương, Quan Phúc, nữ
Mệnh được như vậy thì sách lại nói đến không biết bao nhiêu đức tính tốt như là
thanh cao, phúc hậu, thủy chung, nhân từ v.v… lại có Đào Diêu ở đấy thì công
thức lại nói là ngoại tình. Vậy thì là thế nào? Thủy chung nửa vời hay là ngoại
tình in ít?
Chính tinh đã thủy chung lại được củng cố thêm bởi các
phúc tinh, quý tinh, thì một vài sao Đào Diêu không thể tạo ảnh hưởng ngược lại
được. Đó chỉ là dấu hiệu của một vài mối tính do người ngoài đem đến, ngỏ ý,
v.v… nhưng đương số vẫn vững lòng trung trinh.
Mục đích của bài này không phải là thảo luận hay trình
bày tất cả những trường hợp Chế Hóa. Chúng tôi chỉ muốn trình bày rằng, nếu
hoàn toàn Việt ngữ hóa Tử Vi nếu vứt bỏ hai chữ Chế Hóa thì Tử Vi chỉ còn là
một mớ công thức lộn xộn.
Sinh Khắc, Chế Hóa, bốn chữ “đầu môi chót lưỡi” thường
được giới Tử Vi Dịch Lý xưa kia nhắc nhở. Thiết tưởng, cũng không nên vì một lý
do gì mà bỏ đi chữ Chế Hóa, hoặc thay thế bằng một chữ nào khác mà mất đi cái
thâm thúy của cổ nhân, và người hậu học có thể bị đi lạc đường.
Muốn Chế Hóa thì phải suy diễn. Mà muốn suy diễn theo Tử
Vi, thì phải trở về với quan niệm Sinh Khắc, Ngũ Hành, Âm Dương, Bát Quái về vũ
trụ, về nhân sinh, của người xưa. Gần hơn hết là phải hiểu ý nghĩa các vị sao.
Tên các vị sao không phải đặt theo hứng khởi, ngẫu nhiên.
Có thể nói là tên mỗi vị sao kéo theo cả một vũ trụ quan, một nhân sinh quan.
Tên mỗi vị sao lại có nhiều nghĩa khác nhau, liên hệ đến cách phát âm đó. Thí
dụ như Thiên Việt là văn tinh, quý tinh, thế mà: “Hỏa Linh Hình Việt” lại
là kiếm đao búa Trời, ngụ ý sét đánh, thì chữ Việt đây còn có nghĩa là cái gì
rơi đổ xuống, chữ Việt (với bộ Kim bên cạnh) lại có nghĩa là cái búa lớn.
Như chữ Mộ là cái mồ, ngụ ý chôn vùi, lấp, bế tắc, trở
ngại. Thế mà:
“Mộ phùng Hóa Lộc mấy ai
Thực người có của tận tay chào
mời”
Thì chữ Mộ này lại là mến.
Lại như sao Thiên Y là thuốc men mà lại cũng là biểu
tượng của y là áo (ngụ ý chức tước y lộc).
Như sao Hóa Quyền ngụ ý về quyền uy, mà lại là biểu tượng
của gò má (lưỡng quyền) lại có khi là quyền biến, thay đổi.
“Lưỡng Hao, Cự, Vũ, Hóa, Quyền
Chiếu sao trấn thủ một biên
phương ngoài”
Cự là cách xa. Vũ viết như chữ Vũ là Võ, lại còn có nghĩa
là vết chân, nối gót, như bộ vũ là làm nốt công việc của người trước.
Đó là một vài khía cạnh Chiết Tự trong Tử Vi, mà xưa kia
các cụ thường áp dụng để có một cái nhìn sâu xa hơn.
Có Cự Môn, hoặc là có Vũ Khúc cũng có thể đi xa, được đi
theo sự tự chọn hoặc là bị đổi đi, tùy theo ý nghĩa các sao kết hợp thành bộ.
Chứ nào phải riệng một Lưu Thiên Mã gặp Thiên Mã cố định mới là đi. Đâu phải
chỉ có con ngựa mới đi. Rồng (Long) cũng có thể bay lên hoặc bay đi vùng vẫy.
Hổ cũng có thể đi tung hoành.
Trong Tử Vi có những tên gọi không phải là Sao. Chúng tôi
sẽ có một bài khác nói về điểm này.
Thiên Mã là Khí Dịch Mã, tạo nên sự biến chuyển. Còn tùy
các sao khác mà luận. Có khi chỉ là sự biến chuyển tốt hơn, xấu hơn, nhưng thay
đổi tại chỗ mà thôi.
Như Linh Tinh, trong trường hợp tốt thì Linh là quyền
lệnh (Hỏa Linh tương ngộ, đa trấn chư bang). Khi xấu thì Linh lại
là rụng rơi, hoặc cô đơn, cô khổ (Hỏa Linh hãm ư tử tức, đáo lão vô như
khốc). Hỏa Tinh, Linh Tinh trong một số trường hợp còn là tinh ma, yêu
quái, linh hồn v.v… dĩ nhiên là còn phải xét thêm các sao khác mà luận.
Thí dụ như:
“Tử cung Thai ngộ Hỏa Linh
Bào thai những giống yêu tinh
quỷ sầu”
Hoặc là ở Điền Trạch:
“Hồng, Diêu, Hoa Cái tốt sao
Khốc Hư, Linh Hỏa, có yêu quái
gì”
Lại còn cách:
“Tuế-Kỵ-Diêu-Linh-Khốc” là có oan hồn theo quấy phá, nếu được chính tinh tốt, phúc tinh phò trợ thì
cũng có khi là mình được một vong linh nào đó theo phò hộ.
Trên đây không phải là những
công thức Toán học Tử Vi, mà chỉ là những tinh lực, những khí vận, có thể biến chuyển như vậy. Người
nghiên cứu không thể câu chấp, mà cần có cái nhìn rộng thêm về ảnh hưởng tương
quan của các vị sao khác mà trình bày hết.
Có khoa học nào gom lại trong một hai cuốn sách mà được
đầy đủ?
Chúng tôi chỉ xin trình bày để quý bạn mới làm quen với
Tử Vi có một quan niệm rõ rệt về công dụng của Khoa này, cũng là có thêm một
khái niệm về sự Chế Hóa, Chiết Tự.
Người xưa chiết tự Tử Vi là như vậy. Chứ không phải chiết
tự để đoán tên người như câu chuyện “Ông Thầy Tử Vi Ba Trợn” mà cụ Hoàng Hạc đã
có lần kể trong mục “1001 chuyện Tử Vi”.
Đến đây chắc có bạn đọc thắc mắc, một Linh Tinh nhiều
nghĩa như vậy thì người xưa viết chứ Linh như thế nào?
Chúng tôi đã sưu tầm nhiều lá số Tử Vi bằng chữ Hán xưa
kia, viết cũng như luận, rất sâu sắc, đứng đắn. Chúng tôi cũng sưu tầm một số
sách Tử Vi từ Đài Loan thì chữ Linh ấy được viết với bộ Hào, với bộ Nữ và với
bộ Kim một bên. Nhất là một số sách Tử Vi Đài Loan thì hiện nay dùng bộ Kim để
viết chữ Linh.
Tại sao lại có tình trạng lạ như vậy?
Xin thưa, đó không phải là một sự rắc rối, lộn xộn.
Ngôn ngữ là do sự cảm xúc, giao cảm giữa con người và vũ
trụ, vạn vật xung quanh mà tạo thành.
Văn tự chỉ là một cách để đánh dấu, ghi lại ngôn ngữ.
Khi đã có quá nhiều điểm tế nhị trong cùng một mối giao
cảm thì dùng cách đánh dấu ghi dấu tượng trưng, rồi suy diễn sau. Do đó, viết
chữ Linh nào cũng được, miến là hiểu hết những khía cạnh tế nhị liên quan đến
cái cách phát âm ấy. Vì thế mà giới Tử Vi Trung Hoa (Đài Loan hiện nay) viết
chữ Linh với bộ Kim bên cạnh, chỉ có nghĩa là cái chuông nhỏ, không xấu, không
tốt, vô thưởng vô phạt, rồi người nghiên cứu sẽ vô tư kết hợp các sao khác mà
suy diễn ý nghĩa tốt xấu, không thiên vị, cứu xét cả những điểm tế nhị có liên
quan đến âm thanh Linh.
Mỗi khoa học đều xuất phát từ một nhân sinh quan, một vũ
trụ quan. Khi nghiên cứu Tử Vi, chúng ta cần trở lại với cái nhân sinh quan vào
thời phát sinh ra Tử Vi. Chúng ta cần hiểu cái quan niệm của thời đó mà Chiết
Tự, Chế Hóa.
Không thể nào đem cái nhân sinh quan này áp dụng vào khoa
học nọ. Cũng như không thể cầm một chai thuốc Tây, và nói rằng thuốc này trị về
Hỏa vượng.
Khi Chiết Tự, khi Chế Hóa thì cần theo cái nhân sinh quan
của thời đại phát sinh ra Tử Vi.
Thí dụ: Sao Bác Sĩ, nghĩa đen là kẻ sĩ học rộng, ngụ ý là
thông minh và được trọng vọng (Thời đó chữ Sĩ, kẻ Sĩ được trọng vọng nhiều).
Chứ nào có phải nói về tâm hồn nghệ sĩ, hay là ông Bác Sĩ. Do đó, không thể nào
luận rằng các sao Thiên Y, Hóa Khoa, Bác Sĩ, họp lại thành ra bộ sao “Y Khoa
Bác Sĩ”
Và cũng không thể áp dụng công thức sao Tuế Phá đi với
Kình Dương là răng yểu, răng hô, lại thấy có Thiên Y, Hóa Khoa rồi luận ra đó
là vị Nho Sĩ chuyên chữa răng vẩu, răng hô!
Mời thư giãn với nhạc
phẩm ĐẮP MỘ CUỘC TÌNH
của Vũ Thanh, qua tiếng hát Đan Nguyên, Bằng Kiều và Quang Lê:
*
ÂN QUANG
Địa chỉ: (đang cập nhật)
Email: (đang cập nhật)
Điện thoại: (đang cập nhật)
- Đặng
Xuân Xuyến giới thiệu
-
0 comments:
Đăng nhận xét