Truyện vụ án: KHI BỐ GIÀ SA LƯỚI - Tác giả: Phương Việt Kháng (Quảng Ninh)

Leave a Comment
(Nguồn ảnh: Internet)
KHI BỐ GIÀ SA LƯỚI
*
Vụ án Valachi đã làm tiết thu nước Mỹ năm 1963 phải "nóng" lên. Một uỷ ban của Chính phủ đã báo cáo hằng tuần các kết quả điều tra và có vẻ như lần này, nước Mỹ có thể diệt trừ tận gốc thế giới bọn tội phạm Hoa Kỳ. Mặc dù đã thu nhập được bằng chứng đủ để trừng trị bọn cầm đầu thế giới Mafia, nhưng có lẽ đây lại là thất bại cay đắng nhất trong trận chiến chống Mafia của công tố viên Kimbell.
Sự việc bắt đầu từ tháng 5-1962 tại công trường xây dựng một đường xa lộ mới ở bang Georgia, cách thành phố Durham khoảng 10 cây số. Trong lúc đang di chuyển các ngôi mộ ra khỏi một nghĩa trang, người ta đã phát hiện ra xác một người đàn ông khoảng 60 tuổi mặc quần áo tù nhân trong hầm mộ của một gia đình đã tuyệt tự từ 15 năm nay. Khám nghiệm tử thi, những vết vỡ trên hộp sọ cho thấy, người đàn ông này bị chết một cách không bình thường. Khám nghiệm kỹ hơn người ta được biết, người đàn ông này đã bị giết trước đó khoảng 6 tháng. Không tìm ra một dấu vết hay bất kỳ căn cứ nào của thủ phạm. Số tù trên áo nạn nhân đã bị xé đi. Cũng không thể nhận dạng hoặc lấy dấu vân tay của nạn nhân được nữa, vì xác chết đã rữa nát.
Sau đó, vụ này đã được chuyển tiếp đến Viện Công tố thành phố Durham, nơi mà Henru Kimbell mới được bổ nhiệm làm công tố viên. Vụ án khác thường này đã được báo chí đưa tin khắp nơi chính vì thế thủ phạm sẽ biết xác nạn nhân đã bị phát hiện và chuẩn bị thủ đoạn đối phó. Công tố viên Kimbell ở trong một tình trạng không mấy thuận lợi. Ông liên hệ với tất cả các nhà tù trong nước, tuy nhiên không một nhà tù nào có tù nhân trốn trại cả. Những tù nhân trốn trại vào thời điểm xảy ra vụ án mạng thì đã đều bị bắt trở lại rồi. Ngay cả việc dựa trên quần áo tù nhân để xác định nguồn gốc trại giam cũng không đem lại kết quả, vì quần áo tù nhân ở Mỹ được thống nhất từ một loại vải cho tất cả các nhà tù. Mặt khác, thủ phạm cũng có thể mặc cho nạn nhân một bộ quần áo tù để đánh lạc hướng cơ quan điều tra khi xác chết bị phát hiện. Nhưng, theo linh cảm nghề nghiệp hơn là theo suy nghĩ logic Kimbell vẫn bám vào giả thuyết vụ án mạng này phải xảy ra trong một chuyến thuyên chuyển tù nhân. Kimbell cho rằng, nạn nhân là "hình nhân thế mạng" cho một kẻ can tội giết người, hoặc một tội nặng nào đó có thể lãnh án tử hình. Sau khi nạn nhân bị giết, kẻ đó đã vào thay thế và chỉ phải ngồi tù trong một thời gian ngắn. Kimbell cho thẩm tra tất cả các đợt thuyền chuyển tù nhân trong vòng nửa năm qua.
Kimbell cho thông báo công khai trên báo chí giả thuyết về thủ phạm, cũng như chiến dịch thẩm tra các đợt thuyên chuyển tù nhân nhằm mục đích đánh động thủ phạm, làm cho hắn hoang mang và như vậy có thể mắc sai lầm.
Đúng như dự đoán của Kimbell, ngày 22-6-1962, "sai lầm" đó đã xảy ra tại nhà tù Atlanta, thủ phủ bang Georgia. 8 giờ sáng hôm đó, khi hàng trăm tù nhân đang xếp hàng đi làm thì tù nhân Elmer Cheasty, 60 tuổi, rút từ tay áo ra một chiếc ống sắt dài 40cm, đập tới tấp vào đầu một tù nhân khác tên là Sidney Potter, 30 tuổi. Khi lực lượng quản giáo tới nơi thì Potter đã chết.
Cheasty không hề chống cự và ngoan ngoãn theo quản giáo lên phòng giám thị. Hắn chỉ khai đơn giản: "Tôi không biết gì nữa. Đột nhiên tôi lên cơn và thấy phải giết một ai đó. Tôi đã hoàn toàn bị ý nghĩ đó chi phối".
Viên trưởng ban án mạng của Sở Cảnh sát Atlanta đã tốn nhiều thời gian để tìm hiểu động cơ của vụ giết người, nhưng vô ích. Cheasty vẫn một mực giữ nguyên lời khai trên. Y thụ án ở nhà tù Atlanta đã được 7 tháng vì tội ăn trộm. Rất nhiều người thắc mắc là tại sao Cheasty lại hành động như vậy khi y không hề quen biết Potter và lại sắp được thả vào dịp lễ Giáng sinh năm đó, lại đột ngột giết Potter như vậy.
Kimbell đã tìm thấy thẻ nhận dạng của Cheasty trong hồ sơ tù nhân, kèm theo dấu vân tay 10 ngón và ảnh của y.
Sidney Potter thụ án trong nhà tù Atlanta với bản án 8 năm tù giam vì tội giết người bột phát. Trong hồ sơ phạm nhân của Potter, giám thị nhà tù Atlanta có ghi chú thêm: "Phiên toà không chứng minh được điều gì thêm về tội trạng của Potter. Tuy nhiên, y bị nghi ngờ là thành viên của một băng tội phạm và đã giết tay chủ chứa, vì tay này không tuân lệnh nộp tiền bảo kê hằng tuần cho băng của y. Có thể trong thời gian thụ án Potter sẽ liên lạc với cấp trên của y. Cho tiến hành theo dõi các cuộc trò chuyện với khách đến thăm". Y đã thụ án được 18 tháng và trước khi bị giết nửa giờ y được chuyển đến phòng giam của Cheasty.
Theo viên Trưởng ban án mạng thì chính Potter đã năn nỉ với quản giáo là muốn chuyển sang giam cùng phòng với Cheasty, vì hắn và Cheasty đã quen nhau từ thời còn đi lính. Mặc dù không tin vào câu chuyện tình bạn trong quân ngũ này, vì Potter mới 30 tuổi, còn Cheasty thì đã quá 60 tuổi, nhưng giám thị trại giam vẫn đồng ý cho chuyển Potter đến phòng giam của Cheasty, để tiếp tục theo dõi mối quan hệ của y với thế giới tội phạm.
Không còn tìm hiểu được gì thêm nữa, công tố viên Kimbell cầm hai tấm thẻ nhận dạng lên, nhìn đăm đăm vào hai tấm ảnh chụp Potter và Cheasty, một trong hai kẻ ông đang cần tìm. Đột nhiên, Kimbell nhận thấy, một trong hai tấm thẻ đó có vẻ khang khác, nó ráp hơn, chứ không trơn nhẵn. Nó dày và nặng hơn. Kimbell so sánh hai tấm thẻ một cách kỹ càng hơn, đặt chúng nằm lên nhau và xoay đi xoay lại. Quả nhiên, thẻ nhận dạng của Cheasty dày hơn, tông màu cũng khác, hơi sẫm hơn một chút. Càng nhìn kỹ bao nhiêu ông càng thấy có những điểm khác biệt giữa hai tấm thẻ.
Thẻ nhận dạng là một tấm thẻ nội bộ, được cấp cho mỗi tù nhân và đi theo tù nhân cho đến khi mãn hạn tù, cho dù thụ án ở bất cứ nhà tù nào trên nước Mỹ. Loại thẻ này được tiêu chuẩn hoá, làm thống nhất bằng một loại các-tông đặc biệt và được in trong nhà in của cơ quan chức năng. Chỉ qua một vài thao tác kiểm tra cơ bản, người ta dễ dàng phát hiện ra thẻ nhận dạng của Cheasty là thẻ giả. Mặt khác, khi xem lại hồ sơ của toà án đã xét xử Cheasty, Kimbell còn phát hiện ra rằng, kẻ mang thẻ nhận dạng giả và bị chuyển đến nhà tù Atlanta không phải là Cheasty. Ảnh và dấu vân tay của Cheasty còn lưu lại trong hồ sơ của toà án hoàn toàn khác với ảnh và dấu vân tay trên thẻ nhận dạng mang tên Cheasty.
Sau khi thẩm vấn 15 giờ đồng hồ và vượt qua nhiều khó khăn vì không phải lúc nào những biện pháp hỏi cung cũng được luật pháp cho phép, Kimbell đã biết được ai đứng sau cái tên Elmer Cheasty. Đó là Josef Valachi, một "bố già" trong làng Mafia từ thời bố già Alcapone. Từ một tay súng, Valachi đã leo lên trở thành cố vấn tài chính cho các ông trùm của thế giới ngầm. Trong suốt 20 năm qua, hắn đã phụ trách sổ sách tài chính của các "bố già" Mafia. Valachi đã được các trùm Mafia tuyệt đối tin cậy. Y biết rõ các nguồn thu bất chính của Mafia từ các hoạt động tội phạm, đầu cơ tiền tệ, buôn lậu ma tuý. Những ông trùm đã phó mặc cho Valachi sửa sang các tờ khai về thuế, sao cho cơ quan thuế vụ không phát hiện được các phi vụ làm ăn phi pháp của Mafia trên thương trường.
Tất nhiên, sau khi đã biết ruột gan về các khoản thu nhập của các ông trùm, Valachi không còn hài lòng với thù lao được trả nữa, mặc dù những khoản này cũng không phải là nhỏ. Hắn đã tự tìm cách tham gia vào chuyện làm ăn của thế giới Mafia, trước tiên là buôn bán ma tuý. Nhưng, vì muốn ăn lẻ nên đã bị rơi vào tình thế đơn thương độc mã, không đủ vốn và thế lực để về lâu về dài tránh được cảnh sát. FBI đã điều tra được những hành động phạm pháp của hắn và Valachi phải bỏ trốn. Y bị xử vắng mặt 10 năm tù. Từ khi có tên trong danh sách bị truy nã, Valachi không còn là một cố vấn tài chính của Mafia nữa, mà ngược lại đã trở thành một mối đe doạ đối với các ông trùm. Nhưng, chúng đã không tiêu diệt Valachi như vẫn thường "hô biến" những kẻ biết quá nhiều bí mật vì dù sao hắn cũng đã từng làm việc lâu năm cho chúng. Chúng đã cho Valachi "lặn xuống" bằng cách đánh trao y vào vị trí của Elmer Cheasty trong nhà tù Atlanta, sau khi cho giết gã tù nhân sắp mãn hạn tù này trong một đợt thuyên chuyển tù nhân. Tuy nhiên, khi công tố Kimbell tìm ra sự thật thì tiếng chuông báo tử của Valachi cũng đã điểm. Sidney Potter - một sát thủ của Mafia, nhận được lệnh vào khử Valachi. Sai lầm của Potter là y đã không ra tay ngay, mà để chậm mất 30 phút. Đúng trong thời gian nửa giờ đồng hồ đó, Valachi đọc báo biết được tin về phát hiện của công tố viên Kimbell và lập tức nghi ngờ ngay "bạn cùng phòng" mới của mình. Valachi đã ra tay trước và dùng một chiếc chân ghế bằng sắt đập vỡ sọ Potter.
Công tố viên Kimbell hỏi: "Từ đâu mà anh biết được Potter là sát thủ của Mafia để ra tay? Anh không hề quen biết y trước đó kia mà?". Valachi trả lời: "Tôi đã định sẽ đập vỡ sọ bất cứ đứa nào mới được chuyển đến phòng giam của tôi. Tôi biết rằng, chắc chắn kẻ đó được lệnh vào khử tôi".
Kimbell đã trở thành một nhân vật nổi tiếng nhất nước Mỹ trong thời kỳ này sau chiến tích điều tra ra nguyên nhân vụ án mạng xảy ra trong nhà tù Atlanta. Valachi đã khai mọi chuyện với Kimbell về những bí mật của các ông trùm. Trong suốt mấy tuần lễ đó báo chí liên tục đưa những tin giật gân về Mafia và còn dự đoán về ngày tận thế đang đến gần của thế giới tội phạm Hoa Kỳ!
Tuy nhiên, sau đó thì FBI đã vào cuộc vì đa số các trùm Mafia đều mắc những trọng tội trong các khung hình phạt do Bộ luật Hình sự liên bang điều chỉnh, cho nên không thể đưa chúng ra xét xử trong khuôn khổ bang Georgia được. Dư luận tạm thời lắng xuống xung quanh vụ Valachi và ngày tận thế của thế giới ngầm.
Người ta chỉ còn thấy báo chí đưa tin là FBI đã chuyển Valachi đến một căn cứ quân sự nằm trên sa mạc Nebraska để tiếp tục thẩm vấn. 12 tháng trôi qua và không một tên trùm Mafia nào bị bắt, mặc dù Valachi đã khai chi tiết mọi tội lỗi của chúng với các quan chức của FBI. Ngược lại, báo chí lại đưa tin rằng, những kẻ quan tâm đến Valachi chào giá mua xác chết của y với giá 100.000 USD.
Cho đến tháng 10-1963, dư luận lại tiếp tục "nóng" lên bởi vụ Valachi. Nhưng đã không xảy ra những vụ bắt bớ hàng loạt và không có phiên toà xét xử trùm Mafia nào được mở. Lúc này, báo chí lại tập trung đưa tin về một chương trình có một không hai trên truyền hình. Thượng nghị sĩ phụ trách tư pháp Robert Kennedy đã ra lệnh cho một uỷ ban chống tội phạm có tổ chức của thượng viện tổ chức một buổi thẩm vấn Valachi tại Nhà Trắng trước ống kính của tất cả các hãng truyền hình Mỹ.
Ngay cả lễ trao giải thưởng Oscar cho diễn viên được yêu thích nhất cũng không thu hút được nhiều khán giả bằng hình ảnh và lời khai của một "bố già" Mafia như Valachi. Người ta đã ước tính là có khoảng 120 triệu người Mỹ đã theo dõi truyền hình trực tiếp buổi "trình diễn" này.
"Bố già" Mafia Valachi hiện diện trước 16 ống kính truyền hình với bộ complê sang trọng màu sẫm và một chiếc cavát tuyệt đẹp, có một chút gì đó làm người ta liên tưởng đến huyền thoại điện ảnh Pháp Jean Gabin. Lúc đó, trong phòng họp báo của Nhà Trắng có gần 300 phóng viên báo chí chen lấn với các thành viên uỷ ban chống tội phạm của thượng viện. Valachi điềm đạm ngồi vào chiếc ghế bành mà trước đó các Tổng thống và các Bộ trưởng Mỹ đã từng an toạ. Chẳng khác gì một bộ phim hình sự, hắn bắt đầu kể về cuộc đời Mafia của mình và đồng bọn: "Tôi đã giết, đã thủ tiêu cho chúng nó. Nhưng mọi việc đã xảy ra từ 30 năm trước đây..."
Đúng 30 năm đã trôi qua đối với những sự việc mà Valachi trình bày trước công luận ngày hôm đó và cả trong hai ngày tiếp theo. Hầu như đó là những vụ án đã dần dần đi vào lãng quên, mà báo chí đã đăng tải, đưa tin hàng trăm lần. Khi được một Thượng nghị sĩ hỏi liệu y có thể khai gì về những tên trùm Mafia hiện vẫn còn đang hoạt động thì Valachi trả lời rằng y đã khai hết với FBI rồi và vì quá trình điều tra vẫn đang tiếp diễn nên y không được phép khai điều đó ra trước công luận.
Trong khi đó, thực tế thì uỷ ban chống tội phạm có tổ chức của thượng viện Mỹ chỉ là một công cụ nhằm đánh lạc hướng dư luận. Uỷ ban này không tìm cách điều tra, mà đã tìm cách xoá nhoà đi thực trạng về thế giới tội phạm ở Mỹ. Đến tận bây giờ thì quá trình điều tra của FBI vẫn chưa kết thúc và không một tên trùm Mafia nào - mà bất cứ một đứa trẻ Mỹ nào chẳng biết - bị bắt giữ. Tập hồ sơ về vụ Valachi đã được cất cẩn thận vào két sắt của Bộ Tư pháp Mỹ để không bao giờ phải lôi ra nữa!


Mời thư giãn với nhạc phẩm BẠC TRẮNG TÌNH ĐỜI
của Minh Khang, qua tiếng hát Châu Việt Cương:
*.
PHƯƠNG VIỆT KHÁNG
Địa chỉ: Lô nhà số 5, phường Trần Hưng Đạo,
thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh
Email: datinh_1974@yahoo.com
..............................................................................................................
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 17.04.2019.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 

0 comments:

Đăng nhận xét