(Tháp Bút ở hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội ; Nguồn ảnh: internet) |
THÁP BÚT VÀ ĐÀI NGHIÊN
*
(Tác giả Nguyễn Bàng) |
Hồi mới
vào trung học, sáng chủ nhật nào cũng lên đền Ngọc Sơn học Hán Văn do cụ cử Tử
An Trần Lê Nhân dạy miễn phí. Học xong thường hay dạo chơi phía ngoài đền, ngắm
nhìn Tháp Bút Đài Nghiên lấp ló trong vòm lá ở lối vào đền Ngọc Sơn.
Sau đó
đến hơn nửa thế kỷ không còn ở Hà Nội nữa. Thi thoảng về cũng vì công vì việc
và tàu xe một thời mất ngày mất buổi nên không có thời gian và cũng không còn
lòng dạ nào đến thăm đền Ngọc Sơn và ngắm Tháp Bút Đài Nghiên.
Khi có
con, mỗi bận cho các con về Hà Nội cũng chỉ đưa chúng lên Tràng Tiền để ăn kem
đậu xanh Tràng Tiền rồi vội đưa các con ra ga cho kịp giờ xe lửa.
Mãi năm
2010, hai ông bà mới đưa cháu gái ngoại về Hà Nội và lên thăm đền Ngọc Sơn.
Giảng giải cho cháu nghe về sự tích Tháp Bút Đài Nghiên:
Đầu Thế
kỷ 11, dời đô ra Thăng Long, Lý Thái Tổ chú ý đến ngôi đền
cổ trên hòn đảo ở giữa hồ Lục Thủy (sau đổi ra hồ Hoàn Kiếm), bèn đặt tên là
đền Ngọc Tượng. Cuối Thế kỷ 13,
dân ta thờ các liệt sĩ chống Nguyên Mông ở đây, đổi là đền Ngọc Sơn. Đến Thế kỷ 18, đền hư hỏng nặng, chúa Trịnh Giang cho xây Cung Thụy
Khánh ở đây, cuối triều Lê bị phá tan. Đầu Thế kỷ 19, ông Tín Trai xin tiền vợ để xây tại chỗ này 1 ngôi
chùa thờ Phật, gọi là chùa Ngọc Sơn.
Năm
1843, tổ chức chấn hưng văn hóa của sĩ phu Bắc Hà mời Phật đi chỗ khác, đổi
chùa thành đền, thờ 3 vị thánh của Đạo giáo là Văn Xương (vị thần coi về văn
chương khoa cử), Lã Động Tân (1 vị trong Bát Tiên - 8 ông tiên) và Quan Đế (Quan Vân Trường), sau thờ ké
thêm Đức thánh Trần Hưng Đạo. Năm 1865 danh sĩ Nguyễn Văn Siêu quyên góp tu sửa
đền, xây kè đắp đất, dựng thêm đình Trần Ba, cầu Thê Húc, tháp Bút, đài
Nghiên.
Tháp Bút
bằng đá, cao 5 tầng, ghi 3 chữ Tả Thanh Thiên (viết lên trời xanh), đứng trên
ngọn núi xếp bằng đá hộc. Đỉnh tháp là cái bút lông dựng ngược. Lấy cớ xây tháp
để biểu dương võ công của chúa Trịnh vừa dẹp tan cuộc khởi nghĩa của quận Hẻo
Nguyễn Danh Phương, thực chất là để các nhà nho biểu dương văn chương.
(Đài Nghiên, biểu tương Văn hiến của Việt Nam ở đền Ngọc Sơn, hồ Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội ; Nguồn ảnh: internet) |
Có bút
thì phải có nghiên, thế là xây đài Nghiên. Nghiên tạc bằng đá xanh, hình nửa
quả đào, khoét lõm, được đỡ bởi 3 con cóc, đặt trên bệ cao. Thân nghiên có khắc
bài minh của Nguyễn Văn Siêu, người được mệnh danh là Thần Siêu về văn chương.
Toàn văn
bài minh bằng chữ Hán đó có nghĩa như sau:
"Xưa kia
Khoét đất làm nghiên
Chú kinh Đạo Đức
Đẽo đá làm nghiên
Viết sách Xuân Thu
Hòn đá cái nghiên
Không hẳn hình gì
Không vuông không tròn
Khéo chứa được việc
Không cao không dưới
ở vào chính giữa
Cúi nhìn Hoàn Kiếm
Ngửa trông ngọn bút
ứng "Bậc trên" trả lời rõ ràng
Ngậm nguyên khi cọ với hư không".
Phương
Đình Nguyễn Văn Siêu không nói ró chủ ý của bài mình, nhưng người đọc vẫn dễ
dàng nhận ra ý nhắc bảo của Nguyễn Văn Siêu: "Bậc trên" nếu khéo
chứa, biết trọng kẻ sĩ thì có thể làm được nhiều việc.
Mời thư giãn với nhạc phẩm HÀ NỘI ĐÊM TRỞ GIÓ
của Trọng Đài, qua tiếng hát Ngọc Tân:
*
NGUYỄN BÀNG
Địa chỉ: Thành phố Sài Gòn
Email: bnguyen37@gmail.com
.
.
.............................................................................................................
- Cập nhật theo nguyên bản tác
giả gửi qua email ngày 20.11.2019.
- Bài viết không thể hiện quan
điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ
nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
0 comments:
Đăng nhận xét