(Các nhà thơ từ trái sang phải: Ngông Quốc Chân, Chế Lan Viên, Tế Hanh và Hoàng Trung Thông) |
CHẾ LAN VIÊN
VÀ BA NIỀM SỬNG SỐT
*
(Tác giả Trần Mạnh Hảo) |
Mới mười lăm, mười sáu tuổi đầu, tâm hồn cậu
thiếu niên Chế Lan Viên kỳ lạ thay, đã bằng tuổi Tháp Chàm. Hay chính là hồn
vía Tháp Chàm miền Trung đã nhập vào thân xác nhà thơ từ thuở lọt lòng, mượn
chú hài đồng họ Phan mà oa oa cất tiếng khóc nghìn năm ứ nghẹn tự muôn trùng
gạch đá?
Sau này, lớn lên, đi học tại Quy Nhơn, Chế Lan
Viên lại bị vây bủa bởi những Tháp Chàm cô độc, như những cánh tay hư vô đột
ngột giơ lên xin phát biểu ý kiến với trời xanh. Những Tháp Chàm bí mật, câm
nín mấy trăm năm chợt hu hu khóc nấc, chợt hú rít lên, rên la lên, chợt rúc lên
u u ơ ơ tiếng tù và địa phủ bằng vần điệu, bằng thi ca “Điêu tàn”, như tiếng phát ngôn của dân Hời vạn thuở. Tập thơ
được viết xong lúc tác giả mười sáu tuổi, ra mắt làng thơ năm 1937. “Điêu tàn” như một hiện tượng kỳ vĩ,
ngay lập tức làm sửng sốt thi đàn Việt Nam, “như một niềm kinh dị” theo chữ của Hoài Thanh. Không sửng sốt,
không kinh dị sao được khi một cậu thiếu niên dáng vẻ hiền lành, bỗng học được
phép chui vào quan tài của nỗi hư vô, dùng thi ca tỏ tình với cái chết.
Chế Lan Viên dẫn đầu một phái đoàn ma, kéo vào
thi đàn Việt Nam như cô hồn thập loại chúng sinh của Nguyễn Du xưa kéo về rằm
tháng bảy: “Muôn ma Hời sờ soạng dắt nhau đi” (Trên đường về).
Ông ước: “Hãy cho tôi một tinh cầu giá lạnh / Một vì sao trơ trọi cuối trời
xa” (Những sợi tơ lòng). Tinh cầu ấy, vì sao ấy, với
Chế Lan Viên chính là chiếc sọ người. Chiếc sọ người – biểu tượng hóa niềm siêu
hình thăm thẳm, bao hàm ba trạng thái: cô đơn – cái chết – hư vô từng thách đố
triết học và tôn giáo giáo. Chế Lan Viên dùng thi ca giải mã chiếc sọ người
mong tìm tôn giáo và triết học, tìm bí mật phía bên kia tồn tại, như tìm nỗi
không đâu vơ vẩn kiếp người. Với “Điêu
tàn” bầu trời kia cũng mang hình hộp sọ. Tinh cầu – sọ người bay lơ
lửng trong không gian Chế Lan Viên, như một thứ hạt giống thi ca gieo vãi hư vô
lên từng trang giấy. Đến nỗi nhà thơ muốn cắn chiếc sọ người vỡ tan như cắn hạt
bồ đào: ”Ta muốn cắn mi ra từng mảnh nhỏ / Muốn điên cuồng nuốt cả khối xương
khô” (Cái sọ người). Hãy nghe Chế Lan Viên nói về công
việc trước tác của mình: “Nền giấy trắng như xương trong bãi chém / Bỗng run lên
kinh hãi dưới tay điên / Tiếng bút đưa rợn mình như tiếng kiếm / Nạo những
thành sọ trắng của ma thiêng” (Tiết trinh). “Điêu tàn” mang âm hưởng sọ người cọ
nhau ken két, như cái chết cũng biết nghiến răng.
Trong lời tựa “Điêu tàn”, Chế Lan Viên viết: “Hàn Mặc Tử nói: Làm thơ tức là điên. Tôi
thêm: Làm thơ là làm sự phi thường. Thi sĩ không phải người. Nó là Người Mơ,
Người Say, Người Điên. Nó là Tiên, là Ma, là Quỷ, là Tinh, là Yêu. Nó thoát
hiện tại… Nó gào, nó thét, nó khóc, nó cười. Cái gì của nó cũng tột cùng. Nó
gào vỡ sọ, nó thét đứt hầu, nó khóc trào máu mắt, nó cười tràn ra cả tủy là
tủy. Thế mà có người tự cho là hiểu được nó rồi đem nó so sánh với Người…”. Có thể nói
đây là tuyên ngôn của trường thơ “Loạn” bấy giờ. Một số yếu tố trong tuyên ngôn
trên còn ứng với Chế Lan Viên suốt đời ví như mệnh đề “Cái gì của nó cũng tột cùng”. Chịu ảnh hưởng thi pháp Beaudelaire
và Edgar Poe, cộng với siêu hình tôn giáo và thơ Đường, nhà thơ đã làm
nên Tháp Chàm “Điêu tàn” hay
đến kinh hãi.
Những tuyên ngôn thơ trên của Chế Lan Viên, phải
chăng là sự mô phỏng Beaudelaire – kẻ gây sốc, “nhà thơ bị nguyền rủa” (le
poète maudit), loài “Ác hoa” dị thường, mở đầu trào lưu thơ hiện đại Pháp bằng
cách phá bỏ mỹ học hài hòa cổ điển Apollon, nghiêng về mỹ học phản hài hòa, xộc
xệch, rách rưới, mê sảng Dionisos, mở ra một thế giới thi ca phi thường, rùng
rợn, cuồng điên với tuyệt đỉnh đàn bà, hư vô và cái chết. Lấy màu vàng sắc
không nhà Phật nhuộm lên thi pháp Beaudelaire, kết hợp linh diệu Christ, sắc
không nhà Phật và niềm hư ảo Ấn Độ giáo Tháp Chàm, Chế Lan Viên muốn đập vỡ sọ
ma Hời tìm hư vô, tìm cái vô cùng, vô hạn. Nhưng ông đã không tìm thấy gì ngoài
nỗi cô đơn co rút lại nơi hồn mình, như loài chim cú siêu hình chui vào ruột
đêm lẩn trốn. Nhà ma học Chế Lan Viên tu với ma, sống với ma ngay từ tấm bé,
mong tìm kiếm bản thể trầm luân mình, như nhà triết học Hy Lạp Diogène thế kỷ
thứ IV trước công nguyên đốt đèn đi tìm một người hư ảnh giữa ban ngày. “Điêu tàn” tập thơ mê sảng nhất của
văn học Việt Nam, biểu hiện thiên tài kỳ lạ Chế Lan Viên, là niềm sửng sốt, là
cú sốc của mỹ học cái chết độc nhất vô nhị vậy.
Cách Mạng Tháng Tám vĩ đại 1945 đã cuốn mọi trào
lưu tư tưởng, mọi trường phái văn chương vào đứng dưới bóng cờ đỏ sao vàng. Chế
Lan Viên phải làm một lúc hai cuộc kháng chiến: chống Pháp và chống con ma Hời
siêu hình từng ám hồn ông. Cuộc chia tay giữa Chế Lan Viên với con ma xó cô đơn
thật quyết liệt, đớn đau, quằn quại, rớm máu suốt 15 năm, bằng với số năm lưu
lạc của Thúy Kiều. Tư tưởng nhà thơ đã đi về phía con người, về phía nhân dân,
phía kháng chiến, nhưng tâm hồn ông còn bị ma Hời đeo bám, cứ thập thò như cua
cáy giành giật những giấc mơ, những suy tưởng trong ông. Cuộc chiến đấu giữa
chàng Faust-Chế Lan Viên với con quỷ siêu hình để giành lại quyền sở hữu linh
hồn mình trong thi ca là cả một chặng đường thương khó. Cây thập tự tôn giáo đè
lên đôi vai tinh thần nhà thơ nặng nề hơn một số phận, hệt như nó là một phần
cơ thể khổ đau ông phải mang theo trong câm nín. Nhưng Con Người trong ông đã
tuyên chiến, đã mở giao thông hào đánh lấn, giành từng tấc đất tâm hồn lại từ phía
lô cốt hư vô. Và cuối cùng, con ma siêu hình đã bỏ chạy, đã hoảng loạn thoát ra
từ chính những vết thương tâm hồn nhà thơ. Cuộc giằng xé, vật lộn giữa ma hời
với con người suốt 15 năm đã thai nghén, sinh nở ra thi phẩm “Ánh sáng phù sa” năm 1960 thật kỳ
diệu, như thể sau khi bị đóng đinh trên câu rút siêu hình, nhà thơ đã phục
sinh. (Thi phẩm này của Chế Lan Viên
vẫn còn khoảng bảy đến tám bài thơ chính trị dung tục thô thiển, ví như bài “Ngô tổng thống trong dinh thuốc độc” làm
giảm giá trị tập thơ)
Vâng, “Ánh
sáng và Phù sa” quả là một Chế Lan Viên khác hẳn với Chế Lan Viên “Điêu tàn”, một thi pháp khác, một
phong cách khác, một thể xác khác,một linh hồn khác, một ngôn ngữ khác, mỹ học
khác, một khổ đau khổ và hạnh phúc khác. “Ánh sáng và phù sa”” lập tức trở thành hiện tượng văn học kinh
động thời ấy, một niềm sửng sốt thứ hai Chế Lan Viên mang lại cho thi đàn Việt
Nam. Qua dằn vặt, chiêm nghiệm bản thân, với chút ảnh hưởng từ các nhà
thơ Eluard, Aragon, Neruda, Ritsos, Hitmet…, Chế Lan Viên đã làm cho Thơ
Mới mới thêm một lần nữa kể cả nội dung và hình thức, kể cả cảm thức sáng tạo
và thi pháp. Nhà thơ nới rộng không gian Thơ Mới từ tháp ngà nghệ thuật
ra giữa vòm trời Nhân Dân, Tổ Quốc, cùng với thế hệ các nhà thơ chống
Pháp, đưa thơ từ cặp mắt mỹ nhân, từ nỗi buồn son phấn, rong rêu xuống với đám
đông, với bùn đất, với mồ hôi, nước mắt và máu xương cuộc đời thường: “Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ / Cỏ
đón giêng hai chim én gặp mùa / Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa / Chiếc nôi
ngừng bỗng gặp cánh tay đưa” (Tiếng hát con
tàu). Xưa nhà thơ trầm mình trong cái chết, trong hư vô sọ người, thì nay ông
được tái sinh trong ròng ròng sự sống, trong thực tại nụ cười và nước mắt,
trong sự hòa điệu với triệu người: “Tôi yêu quá cuộc đời như con đẻ / Như đêm
xuân người vợ trẻ yêu chồng”…”Tâm hồn tôi khi Tổ Quốc soi vào / Thấy ngàn núi
trăm sông diễm lệ” (Chim lượn trăm vòng). Nếu
không có Cách Mạng Tháng Tám chắc Chế Lan Viên vẫn còn phải núp vào Chiêm Thành
mà khóc than nỗi vong quốc xa xưa, vẫn còn tha thẩn ngoài bãi tha ma vong thân
trên chính quê hương mình, sống trong vay mượn kể cả nỗi đầu rơi máu chảy, vay
mượn cả thân phận mất nước. Đến Tổ Quốc mình ông cũng không dám gọi tên lên,
không dám thốt lên lời sông Hồng, sông Mã, không dám gọi Trường Sơn lên mà hùng
vĩ hồn mình. Phải chăng đây chính là ý nghĩa cứu chuộc, ý nghĩa nhân văn cao cả
nhất mà Cách Mạng Tháng Tám mang lại cho không chỉ Chế Lan Viên? Vì vậy, nhà
thơ lúc nào cũng rưng rưng nhớ ơn sự tái sinh của Cách Mạng, rơm rớm chạnh niềm
đau cũ: “Thuở nước mất nằm mơ còn thấy khóc / Nỗi đau đón đường cướp hết vàng ta” (Nỗi đau ngày
cũ). Mỹ học “Ánh sáng phù sa”
là mỹ học đớn đau, mỹ học của hạt nảy mầm phải tự chết bản thể hạt đi để tái
sinh một đời sống mầm, bản thể mầm thi tứ. Nhà thơ đã về lại sông Ngô siêu hình
xưa để lấy lại vàng tâm hồn mình, lấy lại nước mắt hư vô xưa chợt hóa ngọc trai
tư tưởng bây giờ: “Xưa ở sông Ngô ta đánh mất vàng / Đánh mất tâm hồn ta.
Nhưng hiện tại / Như sông Tương đã trả vàng ta lại / Khắp đôi bờ tư tưởng chói
hào quang” (Vàng của lòng tin). Từ “Ánh sáng phù sa”, Chế Lan Viên nhân lên hàng chục tập thơ kỳ vĩ
khác mà nghệ thuật thi ca đã đạt tới mức toàn bích của sự kết hợp hài hòa giữa
phù sa của cảm xúc và phù sa tâm hồn, ánh sáng của trí tuệ. Ông có công làm thi
ca Việt Nam nồng cháy hơn, mê cuồng hơn, trí tuệ hơn, sang trọng và quý phái
hơn. Quả thực, “Ánh sáng và phù sa”
là niềm sửng sốt thứ hai, là đỉnh thứ hai Chế Lan Viên vậy.
Một con người 69 tuổi đã để lại hai lần trong đời
mình hai sự kiện có tính chất cột mốc: “Điêu
tàn” năm 1937, “Ánh sáng và
phù sa” năm 1960, hai lần làm sửng sốt thi đàn, trưng ra hai ông Chế
Lan Viên khác nhau như nước với lửa, như hai đỉnh thi ca ngược nhau: một đỉnh
âm siêu hình lộn ngược xuống đất và một đỉnh cao hiện thực vút lên trời, tưởng
đến thế đã vĩ đại lắm, đã thiên tài lắm. Không dè, Chế Lan Viên sau khi chết đi
vẫn còn làm kinh dị, làm sửng sốt nền thơ lần thứ ba, quá tam ba bận, bằng ba
tập “Di cảo thơ I, II và III”
khổng lồ ngoài sức tưởng tượng. Đỉnh thơ thứ ba hậu Chế Lan Viên này là đỉnh
sâu, đỉnh lộn trái tâm hồn thi hào ra chiều thứ tư của không gian thơ: “Bắt chước đào lộn hột / Vỏ tâm hồn lộn tuốt
/ Bớt bớt điều kiêng khem” (Lộn trái). Quá trình lộn
trái sự vật, lộn trái tâm hồn và tư tưởng, có khi lộn trái cả sự lộn trái, phản
biện cả sự phản biện không chỉ là phẩm chất của nhà tư tưởng, mà còn của chính
nhà thơ. Hơn nữa, Chế Lan Viên lại là nhà triết học của thi ca, lấy thi ca để
làm mềm mại và dịu dàng lại hòn đá tảng triết học, như quá trình tâm hồn hóa tư
tưởng, cảm xúc hóa tư duy. Từ bỏ Ma thuở “Điêu tàn” để đi theo Người nơi “Ánh sáng và phù sa”, cuối đời, nhất là trước lúc chết vài ba
năm, Chế Lan Viên rút vào Viên Tĩnh Viên tạm xa lánh Người để tự theo Mình, để
học theo phương pháp bất tử của loài rắn, thử lột xác tâm hồn mình, lột xác cả
niềm tin và sự hoài nghi mà Marx cho là phẩm chất đẹp nhất của người trí thức,
lột xác cả sự lột xác, Anti cả cái Anti. Trong bài “Tự tìm mình” viết năm 1997, nhà thơ vừa tìm Mình, vừa hoài nghi
Mình: “Có một kẻ vô tình trong gió nó là ai kia / Có một kẻ hữu hình trong mùi
hương, đấy là anh , chẳng lẽ / Có một cái gì đâu đó / Anh tìm anh thử hỏi làm
gì / Tìm phiên bản nào rồi anh cũng đốt đi”. Đúng là Chế
Lan Viên “Cái gì…cũng tột cùng”, tột cùng Chết, tột cùng Sống, tột cùng chính
trị, tột cùng hư vô, tột cùng đánh giặc, tột cùng hoài nghi bản thân mình, như
suốt đời ông mải tìm chiều thứ tư của tồn-tại-tôi, chiều thứ tư của cá nhân –
thời gian – tôi, như bài “…Và chiều thứ tư” ông viết năm 1997: “Cái individu anh có ba chiều không gian, một
chiều nước chảy / Tất cả những gì mất đi là mất đi trong chiều ấy / Đừng nghe,
đừng nghe, đừng nhìn, đừng nhìn, đừng hỏi, đừng hỏi / Cái chiều hư huyễn ấy /
Nó mới thật là anh đấy: thời gian”.
Nền thơ Việt Nam tự hào vì có Chế Lan Viên, một
mình mở rộng thơ ra tất cả các đề tài, từ sao trời đến con đom đóm, từ con
người đến con ma, như quá trình lửa – phản Prométhée – trong bài “Prométhée” viết năm 1987: “…Phát minh ra tro phản lửa của mình …/ Phải
có tro thì mới có ngày ngọn lửa hồi sinh / Có tro tàn vải liệm / Phủ lên những
gì đã cháy, những hoàng hôn và c những bình minh”. Thảo nào, trước
khi Chết, Chế Lan Viên di chúc lại hãy đốt xác ông thành tro bỏ vô chùa: “Tro bao giờ cũng tồn tại lâu hơn lửa / Lửa
hoan lạc một giây, tro cay đắng một mùa / Anh thiêu tất cả quá khứ thành tro là
thơ đấy / Và thiêu hồn anh sau này không là lửa, lại là tro” (Tro và lửa -1988).
“Di cảo Thơ” chính là quá
trình tro hóa ngọn lửa thi ca một đời thiêu cháy Chế Lan Viên.
Chế Lan Viên – thiên tài đầy mâu thuẫn: vừa là
lửa vừa là nước, vừa mê Phật, vừa tôn sùng Chúa, vừa say Cách Mạng và rồi nghi
ngờ Cách Mạng. Ông tự xẻ mình ra làm hai mảnh thực tại và siêu hình, vừa theo
gót Dante đạt tới ba cõi: địa ngục, luyện tội, thiên đàng, vừa theo Goethe phiêu
du tìm niềm vui cõi Người-thực-tại – Faust. Rốt ráo tinh thần “Di cảo thơ”
chừng như giấu cả trong bài tứ tuyệt “Tháp Bay-on bốn mặt” này đây: “Anh là tháp Bayon bốn mặt / Giấu đi ba còn
lại đấy là anh / Chỉ mặt đó mà nghìn trò cười khóc / Làm đau ba mặt kia trong
cõi ẩn hình”. Ba chặng đường thơ quá sức đồ sộ làm sửng
sốt thi đàn của Chế Lan Viên đi từ Ma qua Người đến Mình, rồi trước khi chết
dường như ông lại lộn về đối thoại với Ma xưa? Phải chăng hành trình khổ đau
sinh nở kia chỉ mới là gương mặt Thi Ca nhìn thấy của một Brahma-Sáng tạo Chế
Lan Viên? Còn ba gương mặt Brahma siêu hình khác ông phải đau đớn chôn cất
trong hồn, nén chúng vào bản thể như nén cà nén dưa, tự giấu hư vô mình đi mà
tồn tại, giấu đi cả Siva hủy diệt và Vishnu bảo tồn; như giờ đây Chế Lan Viên
hằng sống bằng cách tự giấu mình trong bình tro bé như bình mực của cái chết
tại tháp chùa Vĩnh Nghiêm, đặng bất tử trên Niết Bàn Thi Ca cùng với Nguyễn
Trãi, Nguyễn Du vậy.
Mời thư giãn với nhạc phẩm XIN LÀM NGƯỜI HÁT RONG
của Trần Long Ẩn, qua tiếng hát Phương Thanh:
*.
TRẦN MẠNH HẢO
Địa chỉ: Số nhà 220/22 phố Hồ Văn Huê,
quận Phú Nhuận,
thành phố Sài Gòn
Email: hungdimy@yahoo.com
…………………………………………………………………………
- Cập nhật từ email: tranchicuong27@yahoo.com.vn gửi ngày 25.12.2018.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng
lại.
.
0 comments:
Đăng nhận xét