HỌ THÁI VÀ THƠ NHỚ QUÊ HƯƠNG CỦA THÁI QUỐC MƯU - Tác giả: Châu Thạch (Đà Nẵng)

Leave a Comment

HỌ THÁI VÀ THƠ NHỚ QUÊ HƯƠNG
CỦA THÁI QUỐC MƯU
*
(Tác giả Châu Thạch)
Có một “nhà thơ” cũng có chút “danh” trên thi văn đàn. Khi tranh cải chữ nghĩa với nhà thơ  Thái Quốc Mưu đã mở đề bài viết của mình như sau: 
Trước hết tôi có vài lời này với các bạn:
Nhà biên khảo bạn tôi ABC - xin tạm ẩn tên - đã nói với tôi: - Nguyên Lạc tranh cãi làm gì với ông Tàu Thái Quốc Mưu. Với ông này luôn luôn phải hiểu Việt ngữ từ chữ Tàu, hay cách hiểu của người Tàu; nội việc chê Nguyên Lac, khi Nguyên Lạc nói "tôi là thầy giáo", là nói bậy. Rõ ràng người Tàu ở nước Việt làm sao hiểu khẩu ngữ và ngữ cảnh khi hai từ "thầy giáo" xuất hiện. Nếu tôi là Nguyên Lạc, tôi không bao giờ đối thoại với anh Tàu này - ABC
Tôi trả lời anh ABC: - Ông Thái Quốc Mưu có thể giỏi tiếng Tàu, nhưng không rành tiếng Việt lắm, tiếng tình tự của dân tộc Việt Nam. Đã không rành, vậy mà đem cái "sở đoản" của mình ra giảng dạy cho người Việt mới khổ chớ, không sợ bị người cười.”
Theo tôi đây là một cách bôi bẩn dòng họ Việt Nam một cách vô ý thức. Họ ác ý chụp mũ vào cái họ “Thái” của ông Mưu để kết tội anh ấy là người Tàu, và họ bôi bẩn ông Mưu là người Tàu nên không rành tiếng Việt. Trên đất nước Việt Nam hiện nay có tất cả  170 dòng họ, trong đó chỉ có 14 họ phổ biến người Việt, còn lại trên 150 họ  mang tên trùng  với họ của các nước  trong vùng. Vậy những người mang họ đó không phải là người Việt ư? Không nói rành tiếng Việt ư?
Việc chụp mũ cho ai mang họ Thái là người Tàu là một sự ác ý, vô lý, vô đạo đức và làm chạm danh dư hàng chục triệu người Việt Nam khác có họ của mình trùng tên với họ của người  Tàu. Như họ Trương của tôi vậy, tổ tiên của tôi ở ngoài Bắc chắc cũng đủ ngàn năm, đã vào Nam lập nghiệp trên 400 năm. Không ai trong chúng tôi nghĩ mình là người Tàu cả và có nhiều người đã làm quan đầu triều thời vua nhà Nguyễn và nhiều nhân tài của Việt Nam thời nay. Họ Thái của anh Mưu cũng không khác gì họ Trương chúng tôi cả. Em ruột của anh Thái Quốc Mưu, một người là soạn giả, một người là nhà thơ đươc ái mộ nhất hiện nay. Quý vị bôi bẩn họ Thái mà không nghĩ đến Thái Quốc Tế là em ruột anh Thái Quốc Mưu, bút danh Kha Tiệm Ly là một nhà thơ có những bài văn phú chống Tàu như gươm bén, như thần công, nổi danh trong ngoài nước hiện nay. Quý vị có họ không phải Tàu, vậy tiếng Việt các vị có hơn được Kha là họ Thái không vậy? Và nếu quý vị còn ở trong nước, quý vị có dám mở miệng chống Tàu như Kha không vậy? Hay quý vị sợ mà ngậm miệng hến của mình? Qúy vị tranh luận chữ nghĩa mà vu khống người ta như thế thì còn đâu chữ nghĩa? Chữ nghĩa bị bẩn hết rồi! Ông Thái Quốc Mưu là người Việt từ đời tổ tông đến nay, mà quý vị trùm mền rồi vu cho là thằng người Tàu để đánh hội đồng. Thế có phải quý vị là nhà văn, nhà thơ hay là bọn du thủ du thực vậy? Bình luận chữ nghĩa mà quý vị mở miệng ra đã thấy ác ý thô bạo rồi thì còn chi để thấy lẽ phải nữa.
Bây giờ tôi xin chứng mình với quý vị Thái Quốc Mưu có phải là người Tàu và có rành tiếng việt không nhé, để quý vị tự nhìn lại mình có gì hơn cái người Tàu mà quý vị chụp mũ không?

NỖI NHỚ QUÊ HƯƠNG TRONG
THƠ THÁI QUỐC MƯU
                                       
Hiếm có ai xa quê hương mà không nhớ đến quê hương. “Quê hương nếu ai không nhớ/ Sẽ không lớn nổi thành người” thơ của Đỗ Trung Quân hầu như đã trở thành câu thành ngữ ăn sâu vào lòng người dân Việt. Tuy thế, nỗi nhớ quê hương đó không phải ai cũng giống ai. Bởi mỗi người có sự gắn bó với quê hương khác nhau, có hoàn cảnh xa quê hương khác nhau và sự rung động của tâm hồn cũng khác nhau nữa, nên nỗi niềm thương nhớ quê hương cũng có sự khác biệt trong nội tâm mỗi người. Thơ diễn tả nỗi nhớ quê hương cũng thế, có bài da diết, có bài dằn vặt, có bài êm đềm sâu lắng, nhưng chung quy tác giả nào thật sự yêu quê hương thì tiếng lòng của họ làm cho ngôn ngữ của họ hồn nhiên đi vào tâm tư người đọc, mặc dầu thơ họ có thể tự nhiên như là lời nói mà thôi. Ba nhà thơ mà tôi có cơ hội biết đến bút pháp của họ như có hồn quê hương núp ở trong thơ, đó là Nguyệt Lãng, Trần Ngọc Hưởng và Thái Quốc Mưu, trong đó nhà thơ Thái Quốc Mưu là người thật sự xa quê hương biền biệt vì ông định cư ở xứ người bên kia bờ biển Thái Bình Dương.
Cũng như bao người ly hương khác, mỗi độ xuân về thì nhà thơ Thái Quốc Mưu lại nhớ đến quê hương, nhất là khi mùa xuân đến ở xứ ta thì nơi xứ người vẫn còn tiết đông, khiến cho cõi lòng như cũng thành băng tuyết với không gian. Nỗi buồn của Thái Quốc Mưu không giống với cái buồn của nhưng người hoà nhập với vùng đất mới định cư, mà nỗi buồn của ông trĩu nặng bởi mặc cảm tấm thân mình bèo dạt mây trôi:
Xuân đến xứ người đang tiết đông
Hỏi, đời ly xứ có buồn không?
Mả mồ tiên tổ nhờ chăm sóc
Đền miếu ông bà cậy ngó trông
Tất bật xứ người quên tết đến
Mệt lừ thân xác hết Xuân mong
Tấm thân lạc xứ con bèo dạt
Mỗi độ xuân sang tím ngắt lòng.
(Chạnh Lòng)
Đáng khen là niềm băn khoăn đầu tiên trong lòng tác giả khi nhớ đên quê hương là “Mả mồ tiên tổ”, “Đền miếu ông bà”. Điều đó thể hiện bản chất hiếu kính luôn có trong con người Việt Nam chân chính cũng có trong lòng tác giả bài thơ.
Nhà thơ Thái Quốc Mưu không nhớ quê hương một cách bất chợt trong giây phút nào đó như những người xa quê hương bận bịu với công việc
hay lao vào thú vui trong đời sống mới của đất nước thiên đàng hạ giới. Thái Quốc Mưu thương nhớ quê hương một cách triền miên theo bước đi của thời gian mà nhà thơ diễn tả là bước đi của “mùa” bằng chữ “dấu” hay chính ra là xao động của thời gian trong vạn vật:
Đêm nằm nghe dấu xuân gần đến
Chạnh nhớ quê hương ướt sượt lòng
(Than Thân)
Dấu xuân” mà tác giả nghe trong đêm là gì?
Như tác giả đã viết “Xuân đến xứ người đang tiết đông”, cho nên dấu xuân đó không thể là tiếng tuyết rơi, tiếng gió lạnh của xứ người. Vậy chỉ có thể tiếng “dấu xuân” ở ngay trong lòng tác giả suy nghĩ về xuân đang đến trên quê hương xa xôi của mình. Dấu xuân ở đây là hình ảnh nhớ lại những kỷ niệm của mùa xuân quê hương khi tác giả đang trằn trọc trong đêm ở xứ người, nơi xa ngàn vạn dặm với quê hương yêu dấu của ông.
Dấu xuân gần đến” là chỉ gần đến trên quê hương của tác giả nhưng còn rất xa với nơi chốn ông ở, với căn phòng lạnh lẽo ông đang nằm thao thức đêm đêm. Đọc hai câu thơ trên ta hình dung được Thái Quốc Mưu đang lọt thỏm vào khung trời cô liêu rộng lớn của chốn không gian ông đang ở và của chính tâm hồn ông đang cảm nhận.
Thái Quốc Mưu thương nhớ quê hương biết bao nhiêu, và tất nhiên như bao nhiêu người khác ông thương nhớ non sông đất nước, thương nhớ phong cảnh nên thơ và hữu tình, thương nhớ những kỷ niệm ngọt ngào của thời còn trai trẻ, nhưng cái làm cho da diết lòng mình vẫn là những cái đại diện cho “chùm khế ngọt” của quê hương, mảnh vườn thân yếu thủơ ấy:
Nhớ thuở ra vườn để ngoạn du
Cây cao vọng xuống tiếng cu gù
Sáo diều réo rắc cho mây đọng
Đàn dế êm đềm cất tiếng ru
(Nhớ Quê) 
Nhà thơ nhớ nhiều đến quê hương một phần cũng vì mùa xuân trên xứ người chỉ là sự chua xót làm cho nhà thơ cảm thấy cuộc đời mình trở nên vô cùng vô vị:
Xuân đến nghe lòng chua xót thay
Làm thân lưu lạc có gì hay?
(Nghiền ngẫm)
Chua xót bởi vì:
Quê người nhân nghĩa mờ sương khói
Đất mẹ nhân tình hoá bể dâu
(Thán)
Nhà thơ Thái Quốc Mưu thuộc hạng người cố cựu, ông thương nhớ cái nghèo trong khi đang sống trên đất người giàu sang và tiện nghi đầy đủ:
Làm thân lạc xứ chao ôi nhớ!
Dưới cuộn khói lam bếp lửa hồng
(Nỗi Niềm)
Cuộn khói lam”, “bếp lửa hồng” tuy là cảnh đầm ấm nhưng rất nghèo đối với nếp sống ngày nay của tác giả. Cảnh nghèo đó của một thời xa xưa đối với nhà thơ thân thương, thú vị biết bao, canh cánh bên lòng không bao giờ phai mờ trong tâm trí và cảnh đó người đi muốn giữ lại muôn đời nên đã đem lòng lo xa cho thế hệ mai sau:
Muôn vạn chông gai khắp nẻo đường
Bụi đời pha mái tóc thêm sương
Tô son để tỏ tình non nước
Gát bút ngồi mơ chuyện cố hương
Nhớ mẩu cau trầu trong truyện cổ
Thương màu cam bưởi tỏa sau vườn
Mai đây, mốt nọ... rồi con cháu
Quên cả núi sông, cả cội nguồn/
(Nỗi buồn xa xứ)
Quê hương đau đáu trong lòng, niềm nhớ triền miên trong tâm trí đến nỗi nhà thơ đem vào trong giấc mơ quá khứ và hiện tại trộn lẫn vào nhau:
Quay về nghe ngọn gió lao xao
Khơi dậy trong ta nhớ thuở nào
Vác cuốc đào bờ moi chú dế
Tranh phần há miệng chưởi mầy tao
Ở nơi chôn rún bên đồng ruộng
Mang giỏ ra đìa dưới bóng cau
Con cá bạc đầu ngoi mặt nước
Giật mình thấy tóc trắng bờ ao.
(Về chốn xưa)
Giật mình thấy tóc trắng bờ ao” chẳng khác chi một giấc Nam Kha khi “Bừng con mắt dậy thấy mình tay không”. Đọc bài thơ ta thấy tâm trạng hụt hẫng vô cùng của tác giả khi giật mình tỉnh ra thấy đời đã qua, tóc mình đã bạc.
Lời thơ của Đỗ Trung Quân “Quê hương mỗi người chỉ một / Như là chỉ một mà thôi” rất đúng!  Cho nên nhà thơ Thái Quốc Mưu dầu nằm trên chăn ấm nệm êm vẫn nhớ đến nơi mà mình “vác cuốc đào bờ”, “mang giỏ ra đìa” thời gian khổ nhọc năm xưa. Nhà thơ thì biến nỗi nhớ thành thơ là sự thường tình, nhưng lời thơ đơn sơ, ý thơ mộc mạc mà tình thơ thấm thía là điều rất khó khăn thay! Đất mẹ linh thiêng, cho nên ai yêu quê hương thì nỗi linh thiêng có ở trong lòng, lời nói ra hay thơ sáng tác ra đều có tiếng quê hương ẩn chứa trong đó khiến cho âm vọng làm rung động con tim biết bao người ./.

  
Mời thư giãn với nhạc phẩm ĐẤT NƯỚC
của Phạm Minh Tuấn, qua tiếng hát Tùng Dương:
             
*.
CHÂU THẠCH (Trương Văn Trạn) 
Địa chỉ: 75 Phan Kế Bính, Đà Nẵng.
ĐT: 0929128967 - 05113894610
Email: truongvantran@hotmail.com




…………………………………………………………………………
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 02.01.2020.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
.    

0 comments:

Đăng nhận xét