THẾ
ĐẤT PHƯỢNG HOÀNG NGẬM THƯ
Ở LÀNG CỔ NAM TRÌ - HƯNG YÊN
*
Đầu Xuân Canh Tý - 2020, Đào Anh Dũng xin giới thiệu tới
bạn đọc trang Đặng Xuân Xuyến câu chuyện dân gian về thực hư ứng nghiệm trong
chuyện tìm thế đất theo phong thủy của các cao nhân thời xưa với thế đất “phượng
hoàng ngậm thư" ở làng Nam Trì, xã Cổ Lễ, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng
Yên.
Đất “phượng hoàng
ngậm thư"… mãi không phát?
Làng Nam Trì hiện nay không nhà cổ, cũng chẳng từ đường
bề thế như tưởng tượng về những ngôi làng cổ nổi danh khoa bảng mà chúng tôi
vẫn thường gặp. cả làng Nam Trì là hệ thống các ngôi nhà ngói đơn sơ, san sát
nhau gọi cho người ta nhớ về những gian nhà của một thời bao cấp đã xa. Khung
cảnh của ngôi làng cổ này như muốn mách hết cho những vị khách thập phương như
chúng tôi về đời sống kinh tế còn bộn bề khó khăn, vất vả. Chính vẻ bề ngoài
của làng Nam Trì đã mang đến sự bất ngờ đến khó tin cho chúng tôi trong chuyến
hành trình tìm hiểu văn hóa ở nơi được ca tụng là có thế đất “phượng hoàng ngậm
thư”.
Từ xưa, vị trí đắc địa của ngôi làng cổ này đã đuợc ca
tụng và nổi danh suốt chiều dài lịch sử. Vị trí đắc địa này còn được hai thầy
địa lý là Cao Biền và Tả Ao đánh giá rất cao.
Tương truyền với thế đất “phượng hoàng ngậm thư” thì đây
là vùng địa linh, nơi sản sinh nhiều bậc văn nhân tài danh cho đất nước. Cũng
theo tương truyền, chính vì địa thế hiếm có này đã khiến Cao Biền và Tả Ao bỏ
công, bỏ sức giúp làng chọn đất xây đình, mong dân làng sớm có nguời vinh hiển.
Cũng chính vì những câu chuyện phong thủy ly kỳ trên mà không ít người chưa một
lần đặt chân đến Nam Trì đều nghĩ rằng đây phải là làng khoa bảng, nơi xuất
thân của nhiều bậc hiền tài.
Tuy nhiên, trong chuyến khám phá ngôi làng cổ này, những
gì thu thập được lại khác xa với sự tuởng tượng ban đầu. Nói về khoa cử công
danh thì làng Nam Trì chưa hề được phất lên, thậm chí còn thua xa nhiều làng cổ
khác ở đồng bằng Bắc Bộ. Số người đậu đạt xuyên suốt cả lịch sử khoa cử thời
phong kiến cũng chỉ có một hai người, ngày nay sự học càng tụt dốc khỉ đa số
dân làng đểu theo nghề nông, bán sức lao động để kiếm sống. Điều này được xem
là không hề tương xứng với những gì suốt nhiều thế hệ ca tụng vị trí phong thủy
đắc địa của ngôi làng cổ này.
Danh bất
hư truyền hay hữu danh… vô thực?
Để tìm hiểu sâu hơn nghịch cảnh khoa cử so với vị trí đắc
địa của làng Nam Trì. chúng tôi đã tìm đến ngôi đình nơi duy nhất hiện nay thờ
Cao Biền và Tả Ao – hai người nổi tiếng giỏi về địa lý làm thành hoàng làng.
Theo quan sát của chúng tôi, đình làng Nam Trì hiện nay
được xây trên một gò đất bao quanh hoàn toàn là nước, lối vào duy nhất là cây
cầu bê tông nối đình với đường làng. Vị trí ngôi đình này được xây lại trên
khuôn viên do chính Cao Biền tự tay chọn đất truớc đây. Người làng vẫn tin đình
làng được xây trên thế đât “cổ con rồng”. Theo lời kể của ông Vũ Công Điền, thủ
từ đình Nam Trì, sở dĩ đình làng Nam Trì do Cao Biền chọn đất gắn liền với câu
chuyện cách đây hơn một thiên niên kỷ trước. Vào giữa thế kỷ IX, Cao Biền từng
đi qua vùng đất làng Nam Trì ngày nay, bằng nhãn quan của một nhà địa lý, Cao
Biền cho rằng làng này có thế đất “phượng hoàng hàm thư”. Đây là thế đất rất
quý, với thế đất này thì Nam Trì về sau sẽ sinh ra bao bậc tài danh lập nên
nhiều công trạng lớn. Chính thế đất đẹp hiếm có của Nam Trì đã khiến Cao Biền
bỏ công giúp làng chọn đất xây đình với mong muốn cho Nam Trì mau chóng có
người hiển đạt, vinh quy!?
Tương truyền, nơi Cao Biền chọn đất để xây đình là nơi có
“hoàng long địa mạch, song long tứ nhãn, nhị nhãn hiện nhị nhãn ẩn, thuỷ nhiễu
chu viên”. Nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, có một điều lạ, kể từ khi Cao
Biền chọn đất, làm đình cho đến thế kỷ XVI thì người làng Nam Trì chẳng một ai
đạt được công danh như lời ông Cao Biền truyền lại. Cái thế phong thủy “phượng
hoàng ngậm thư” của làng coi như chẳng phát huy được tác dụng nào. Chẳng hiểu
vì lý do gì từ ngày Cao Biền chọn đất xây đình cả làng không có nổi một người
đậu đạt. Chính điều này khiến cả làng hoài nghi. Đến thế kỷ XVI, nghe danh Nam
Tri có thế đất quý, thành địa lý Tả Ao đến làng. Chính ông đã khuyên dân làng
dời đình đi nơi khác, không để ở vùng đất Cao Biền lấy trước đây.
Ông Điền kể lại rằng, người Nam Trì chúng tôi đến nay vẫn
truyền tụng nhau rằng, Tả Ao tiên sinh từng sinh sống ở làng 38 năm. Vì quý cái
thế đất của làng Nam Trì nên ông đã ở mãi nơi đây đến lúc về già. Lý do mà ông
Tả Ao ở lại lâu như vậy đến nay vẫn còn là một điều bí ẩn. Lý do vì sao thầy
địa lý Tả Ao quyết định dời đình làng sang một vị trí mới, nam ở phía Tây của
làng đến nay không ai trả lời được. Đình làng nơi Tả Ao chọn đất đã bị bom cày
nát trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Hiện nay, vị trí đất đó đã bị nguời
làng tự ý xây nhà lên ở. Cũng từ khi Tả Ao chuyển đình sang chỗ mới thì làng
Nam Trì mới bắt đầu có người đậu đạt. Tuy nhiên cũng chỉ vỏn vẹn đuợc một ông
tiến sỹ, một ông quận công. Sự thực 1.000 năm qua cho thấy thế đất “phụng hoàng
ngậm thư” của Nam Trì chưa thể phát đường công danh tài lộc như hai ông thầy
địa lý Cao Biền, Tả Ao phán trước đây.
Cao nhân tất hữu cao
nhân trị
Cao Biền (821- 887), người U Châu (Bắc Kinh, Trung Quốc),
nhờ có công đánh bại quân Nam Chiếu xâm chiếm phương Nam nên năm 868, Cao Biền
được vua Đường cho trấn giữ Giao Chỉ giữ chức Tĩnh Hải tiết độ sứ và giữ chức
này đến năm 875. Dân gian cho rằng, Cao Biền là người có thuật phong thuỷ kỳ lạ
và mưu đồ xấu. Nhiều câu chuyện kể lại, khi Cao Biền giữ chức Tĩnh Hải tiết độ
sứ, ông thường “cưỡi diều” đi khắp nơi, hễ đâu có thế phong thuỷ đẹp thì yểm,
phá long mạch để không cho những đất đó sinh thành ra các bậc tài danh. Ngay
nay, ở phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh hay đất Đường Lâm (Sơn
Tây), Ba vì, Hà Nội vẫn truyền tụng những câu chuyện tương tự. Còn Tả Ao, có
thông tin, ông sinh vào thế kỷ XVI, ở làng Tả Ao, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An,
nay là huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, ông là thầy địa lý, phong thuỷ nổi tiếng
ở Việt Nam.
Một số cuốn sách Hán Nôm cổ truyền bá thuật phong thủy
của Việt Nam được cho rằng, ông là tác giả. Ngày nay, ở Việt Nam vẫn còn nhiều
truyền thuyết, giai thoại ghi lại, truyền miệng trong dân gian như việc Tả Ao
phá trấn yểm của Cao Biền trên núi Tản Viên (Hà Nội), núi Hàm Rồng (Thanh Hóa).
Ngoài ra, còn có các truyền thuyết, giai thoại Tả Ao tìm nơi đất tốt để đặt
đình chùa, đền miếu, mồ mả, nhà cửa. Làng này có tục nọ, nghề kia là do Tả Ao
chọn đất, hướng đình; họ này phát danh khoa bảng, họ kia phát công hầu, khanh
tướng là do Tả Ao tìm long mạch, huyệt đạo đặt mồ. Việc hai ông thầy địa lý
được cho là có tài năng này cùng chọn đất xây đình cho làng Nam Trì theo cách
khác nhau nhưng chẳng hiểu sao làng này mãi không phất lên được?
Mời thư giãn với nhạc phẩm TẾT QUÊ HƯƠNG
của Minh Vy, qua tiếng hát Cẩm Ly:
*
ĐÀO ANH DŨNG
Địa chỉ: Thị tứ Phùng Hưng, xã Phùng Hưng,
huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên.
Email: anhdungdao131@yahoo.com.vn
.
…………………………………………………………………………
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 20.12.2019.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng
lại.
.
0 comments:
Đăng nhận xét