NGÀY XUÂN EM ĐẾN THĂM TÔI CỦA CHÂU LY - Tác giả: Nguyễn Xuân Dương (Bắc Ninh)

Leave a Comment

NGÀY XUÂN EM ĐẾN THĂM TÔI
CỦA CHÂU LY
*
NGÀY XUÂN EM ĐẾN THĂM TÔI

Em bỏ miền xuôi lên mạn ngược,
Một ngày xuân muộn ghé thăm tôi
Nắng gió hoang sơ vùng sơn cước
Thoáng thấy trong em chút ngậm ngùi

Ngày xuân vẫn biết em không rảnh
Mấy thuở thăm nhau lại chóng về
Tâm sự cho vơi niềm cô quạnh
Khi lòng còn trĩu bóng mây che.

Sẽ dẫn em ra hồ Bến Tuyết
Ngồi nghe tiếng cá quẫy chân cầu
Con cá cũng một đời đói rét
Nên dò sao nổi khúc nông sâu.

Sẽ dẫn em qua đình An Luỹ
Thăm vùng thượng đạo thuở xa xưa
Đầu xuân non nước xênh xang áo
Trăm họ hân hoan buổi phất cờ.

Đã mấy trăm năm rồi vắng bóng
Biết có còn vang tiếng thét gầm
Bờ cõi yên vui hồn thiêng mộng
Non nước chạnh lòng nhớ Quang Trung.

Dẫn em thăm lại dòng sông ấy
Chiều hoang cỏ dại xót đôi bờ
Sông Ba nghẽn lối xuôi dòng chảy
Đá sỏi cũng đành kiếp bơ vơ

Chị dẫn em thăm ngôi trường cũ
Ngày dăm bảy đứa níu chân thầy
Biết có ai còn thương với nhớ
Bóng Người khuất tựa bóng mây bay.

Nếu em chưa mỏi mai lên núi
Tìm cánh hoa côi sống giữa rừng
Chạnh ngắm đất trời chung một cõi
Hoa và người cùng nỗi rưng rưng.
*.
Mồng 4 tháng Giêng, Mậu Tuất
CHÂU LY
LỜI BÌNH:
(Tác giả Nguyễn Xuân Dương)
Thơ Châu Ly bao giờ cũng được viết ra từ trong cảm xúc thăng hoa, với chất thơ hoài cổ vừa đắm đuối xa xôi vừa đằm sâu lắng đọng vào lòng người nhất là những người đã bước vào độ tuổi ngũ thập tri thiên mệnh…
Với bài thơ Ngày xuân em đến thăm tôi lại được sử dụng một thủ pháp rất tài hoa. Duyên cớ để có được bài thơ này chính là cuộc viếng thăm của người em từ miền xuôi lên thăm chị trên miền ngược. Đã viếng thăm trước hết đó là tình cảm chị em, tình cảm con người. Chắc em nhớ chị, thương chị kiếp sống li quê. Em đến thăm chị có lẽ không chỉ một lần mà đã nhiều lần nên đã gắn bó với biết bao kỷ niệm, bao địa danh của miền sơn cước. Rồi cứ thế chị đã dẫn dắt em hay nói đúng hơn là chị đã dẫn dắt chúng ta đến những vùng đất tuy chưa phải là danh thắng nhưng đầy ắp kỷ niệm:
Em bỏ miền xuôi lên mạn ngược,
Một ngày xuân muộn ghé thăm tôi
Nắng gió hoang sơ vùng sơn cước
Thoáng thấy trong em chút ngậm ngùi
Hai từ “Em bỏ” đơn sơ ấy nhưng đã nói được bao điều về tình cảm của người em, một sự dứt áo ra đi rất quyết liệt vì không thế em đã không thể vượt muôn trùng để đến với chị. Từ bỏ miền quê thân yêu để có một cuộc viếng thăm của những người tuổi tác là không hề dễ dàng chút nào. Chỉ hai từ ấy thôi đã nói được đủ đầy nhất về tình cảm gắn bó của hai chị em. Thời gian đến thăm là những ngày đầu năm mới lại một lần nữa khẳng định thêm điều đó. Địa danh đến thăm không phải là phố phường phồn hoa náo nức mà là một vùng sơn cước “nắng gió hoang sơ”. Tôi cũng như đang nhòa lệ khi đọc câu thơ “Tôi thấy trong em chút ngậm ngùi” vì người em thương chị lắm dù tác giả không nói ở bài thơ này nhưng nếu ta cứ theo dòng chảy thi ca của Châu Ly ta sẽ hiểu vì sao em lại ngậm ngùi vì em thương kiếp sống tha hương của chị.
Ngày xuân vẫn biết em không rảnh
Mấy thuở thăm nhau lại chóng về
Tâm sự cho vơi niềm cô quạnh
Khi lòng còn trĩu bóng mây che.
Khổ hai của bài thơ như một điệp khúc để khẳng định sự gắn bó tình cảm như trên tôi đã khẳng định. Vâng đây không phải lần đầu mà đã nhiều lần viếng thăm nhưng do thời gian của con người luôn hữu hạn nên đã từng “Mấy thuở thăm nhau lại chóng về”. Còn lần này chị em phải tâm sự với nhau, chị phải đưa em đến những vùng đất đầy ắp kỷ niệm:
 Sẽ dẫn em ra hồ Bến Tuyết
Ngồi nghe tiếng cá quẫy chân cầu
Con cá cũng một đời đói rét
Nên dò sao nổi khúc nông sâu.
Hồ nước, ở đây cụ thể là hồ Bến Tuyết là môi trường sống của cá sao con cá nơi đây cũng một đời đói rét và cá thì biết bơi lặn sao lại không thể dò nổi khúc nông sâu?. Phải chăng nhà thơ muốn gửi gắm một điều gì đó rất hệ trọng. Đó là cõi người, mà cõi người thì lắm bon chen, đố kị và còn hơn thế nữa họ còn tàn sát lẫn nhau thì con ngườ trong cõi bon chen đó làm sao có thể dò được khúc nông sâu để sinh tồn?.
Có cần tôi phải bình luận nữa không khi thơ Châu Ly cứ như hồn sông núi, như hồn cha ông từ thuở xa xưa đang vang vọng vào lòng ta. Có những bài thơ, những câu thơ những lời bình luận đã trở nên dư thừa.
Cứ thế ta lần theo thơ Châu Ly hay nói đúng hơn ta phải hòa tan cảm xúc của ta vào cảm xúc của chị để cảm nhận cho hết những gì vừa bi thương và hùng tráng của một vùng sơn cước mà ở đó vị vua kiệt xuất Quang Trung áo vải cờ đào đã lập nên những chiến công vang dỗi. Nhà thơ đã đặt vào đây một câu hỏi đau đến xé lòng:
Đã mấy trăm năm rồi vắng bóng
Biết có còn vang tiếng thét gầm
Bờ cõi yên vui hồn thiêng mộng
Non nước chạnh lòng nhớ Quang Trung.
Dân tộc ta có quên được không? Chắc không thể quên! Nhưng nhà thơ đã đặt vào đây hai từ “Chạnh lòng”. Sao non nước lại phải chạnh lòng?. Đến đây ta mới thấy được tâm thế của nhà thơ, nghĩ suy của nhà thơ có tầm vóc như thế nào. Những gì hùng thiêng xa xưa ấy giờ đây chị phải xót xa đưa em trở lại viếng thăm vì chỉ còn lại:
Dẫn em thăm lại dòng sông ấy
Chiều hoang cỏ dại xót đôi bờ
Sông Ba nghẽn lối xuôi dòng chảy
Đá sỏi cũng đành kiếp bơ vơ
Một dòng sông Ba hùng vĩ giờ chỉ còn như thế đó. Đất nước này còn đâu những dòng sông Mã của xa xưa đang gầm lên khúc độc hành. Có chăng chỉ còn trong thơ Quang Dũng!
Tất cả giờ chỉ còn là hoang lạnh kể cả ngôi trường cũ:
Chị dẫn em thăm ngôi trường cũ
Ngày dăm bảy đứa níu chân thầy
Biết có ai còn thương với nhớ
Bóng Người khuất tựa bóng mây bay.
Đọc khổ thơ ta thấy lòng ta đang nhỏ lệ, đang rớm máu. Nhưng đó là những gì thuộc về sự tạm bỡ hữu hạn. Còn những gì tưởng như thuộc về sự vĩnh cửu bất diệt của những cánh rừng nguyên sinh giờ cũng đã xác xơ điêu tàn cô quạnh:
Nếu em chưa mỏi mai lên núi
Tìm cánh hoa côi sống giữa rừng
Chạnh ngắm đất trời chung một cõi
Hoa và người cùng nỗi rưng rưng.
Thế đó! Phải chăng từ một cuộc viếng thăm hoàn toàn mang tính riêng tư của hai con người bài thơ đã dẫn dắt chúng ta nghĩ về sự hưng vong của một đất nước. Tâm thế của bài thơ không dừng lại ở mức độ cảm xúc mà vươn lên chiều cao của trí tuệ. Một tiếng khóc xé lòng, một lời cảnh báo xót đau hình như tất cả đang dần dần bị tàn phá bị hủy diệt!


            
Mời thư giãn với nhạc phẩm KHÚC XUÂN
của Võ Thiện Thanh, qua tiếng hát Thanh Thảo và Dương Triệu Vũ:
             
*
NGUYỄN XUÂN DƯƠNG
Địa chỉ: Nhà số 7 Đường Thành Cổ,
Phường Vệ An - Thành phố Bắc Ninh
Email: nguyenxuanduong1940@gmail.com
Điện thoại: 037.224.23.92
.                                         


.
…………………………………………………………………………
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 20.12.2019.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 
.

0 comments:

Đăng nhận xét