VÀI LỜI VỀ ‘MÙA XUÂN THĂM NHÀ VĂN NGUYỄN KHẢI’ CỦA TRẦN MẠNH HẢO - Tản văn Nguyễn Bàng (Sài Gòn)

Leave a Comment

VÀI LỜI VỀMÙA XUÂN THĂM NHÀ VĂN NGUYỄN KHẢICỦA TRẦN MẠNH HẢO
*
 “Có trầu, mà chẳng có cau,
 Làm sao cho đỏ môi nhau thì làm”.
Miếng trầu của người đời “có trầu mà chẳng có cau” là một nỗi éo le. Miếng trầu văn chương của bác Nguyễn Khải lại có tới ba nỗi éo le:
Một là, chỉ có cau mà không có giầu.
Hai là, cau lại chỉ là cau cảnh, cau chơi.
Ba là, cau chẳng đực, chẳng cái (dân gian gọi là cau điếc).
Thế thì: “Làm sao cho đỏ môi nhau thì làm”. Họa có trời mới làm nổi! Nhưng không, chính bác Khải đã làm được. Ấy là thiên tùy bút chính trị “Đi tìm cái tôi đã mất” mà người đời gọi là di cảo của nhà văn Nguyễn Khải. 
Khi được trao giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt 2, bác Khải đã giãi thật lòng mình: “Mừng thì rất mừng nhưng tôi đã nhận ra ngay đây là tấm bia mộ sang trọng cắm lên một đời nhà văn đã tới hồi phải kết thúc.Thế là lại buồn, ra vào ngẩn ngơ cả tháng”.
Bác Khải cũng đã nhìn lại cái tài sản tinh thần của mình bằng một đôi mắt sáng suốt: “Về gìa nhìn lại cái tài sản tinh thần thâu góp một đời chỉ là một cái kho chứa đủ tạp nham chẳng có một chút giá trị gì
Nhưng bác Khải ơi! Bác không biết đấy thôi. Chỉ một thiên tùy bút chính trị cuối đời của bác, một lá giầu tuy muộn màng nhưng đã làm thắm đỏ môi những người đọc yêu văn chương của bác!
*
Ông Trần Mạnh Hảo viết: “Nhiều người nói: Nguyễn Khải chết rồi mới dám nói thật”. Rồi ông xả một tràng từ ngữ có góc có cạnh nói về bác Khải: hèn nhát, vờ vịt vừa viết vừa run, pha trò bông phèng, giấu diếm…Từ ngữ chưa đủ, ông Hảo còn phóng bút vẽ chân dung bác Khải bằng những hình ảnh biếm họa: “con mèo giấu của quý…”, “một con vẹt”. Liệu ông Hảo có đa ngôn và ác ý khi viết và vẽ như thế?
Ông Hảo hẳn không hèn và rất nhiều người khác hẳn cũng như ông Hảo, rất không hèn. Nhưng xin hỏi, sao mấy chục năm đọc bác Khải, sao mấy chục năm các ông cầm cây bút phê bình sắc bén như dao cau, các ông đã không một lời mổ xẻ văn chương bác Khải như các ông đã nhìn thấy trong đó: những ẩn ý, những biểu tượng, những quằn quại, những hèn nhát, những vờ vịt…?
Nay, bác Khải đã về cõi vĩnh hằng được hai năm. Thiết tưởng ông Hảo không nên đưa lại bài viết cũ này lên mạng làm gì. Tài bút như ông Hảo, nên dùng vào việc phân tích những giá trị sâu sắc của thiên tùy bút chính trị bác Khải để lại cho đời, giúp những người chữ nghĩa bình dân như tôi ngộ ra. Làm thế có phải là ông Hảo góp thêm lá giầu vào cau cho bác Khải, khiến miếng trầu của bác Khải thêm thắm đỏ môi lớp hậu sinh chúng ta! Làm thế có phải là ông Hảo sẽ cùng mọi người thêm ngưỡng mộ bác Khải hơn không?

(Tác giả Nguyễn Bàng, thứ 2 từ phải qua trái)
Kẻ còm này gần như đã xem hết những tài sản tinh thần của bác Khải và đã giảng dạy văn chương bác Khải cho nhiều thế hệ học trò, thành thật mà nói, đã rất ngưỡng mộ bác Khải trước khi ngưỡng mộ đến kính cẩn cúi đầu sau lúc đọc di cảo của bác.
Nếu được phép góp ý về việc xây mộ phần cho bác Khải, tôi xin nói: Không cần mộ bia gì cả. Cứ để bác yên nghỉ dưới một nấm cỏ khâu xanh rì, trên dựng một phiến đá to, khắc đẹp và sâu dòng chữ:
Người “ĐI TÌM CÁI TÔI ĐÃ MẤT”!”.
Nhưng chẳng bao giờ có ngôi mộ đó đâu, nên nhân kỷ niệm hai năm ngày mất của nhà văn Nguyễn Khải (15/01/2008 – 15/01/2010), đành xin kính cẩn nghiêng mình trước ngôi mộ bác Khải trong tâm tưởng của riêng tôi! 
         
Mời thư giãn với nhạc phẩm ĐÓN XUÂN NÀY NHỚ XUÂN QUA
của Châu Kỳ, qua tiếng hát Hương Lan:
           
*
Sài Gòn, 20.01.2010
NGUYỄN BÀNG                                                
Địa chỉ: Thành phố Sài Gòn
Email: bnguyen37@gmail.com
.

.

.............................................................................................................
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 25.12.2019.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 

0 comments:

Đăng nhận xét