VĂN HÓA ỨNG XỬ: NGHE VÀ NÓI - Tác giả: Vũ Thị Hương Mai (Hà Nội)

Leave a Comment
(Nguồn ảnh: internet)
VĂN HÓA ỨNG XỬ
NGHE VÀ NÓI
*
Lắng nghe người khác và gợi ý để họ nói những điều họ suy nghĩ là thể hiện một người khôn khéo. Như vậy bạn sẽ nắm bắt sự việc nhiều hơn so với đối phương. Nếu một khi cứ ỷ lại sự “học rộng tài cao” của mình mà “thao thao bất tuyệt” thì có khi lại vô tình là con rối trước mặt đối phương. Bởi người khôn luôn phải là người “nói ít nhưng nghe nhiều”, khi nói phải biết đắn đo, suy xét để lời nói có trọng lượng.
Một người ở thế chủ động trong ứng xử không nhất thiết phải nói nhiều hơn người khác, mà là nói như thế nào để người ta phục mình.
Nói ít và nghe người khác nói là thể hiện sự coi trọng đối phương. Được như vậy thì ở họ sẽ dễ nảy sinh phản ứng thuận tình với bạn. Nếu làm trái nguyên tắc này thì lập tức những khó khăn sẽ cản trở bạn.
Thời Nam Đường có một câu chuyện kể về cách ứng xử rất thâm thuý như sau:
Từ Huyền là một trong “tam từ” nổi danh uyên bác khắp thiên hạ, học rộng biết nhiều, biện thuyết rất giỏi, đã làm đến chức Tán Kỵ Thường Thị.
Một lần, triều đình đã cử Từ Huyền đi sứ Bắc Tống bàn nghị sự. Nhà Tống vốn đã nghe danh Từ Huyền, hết sức lo lắng, không biết phải chọn người nào có tài cao học rộng, biện bác ngang hàng để ra biên cương đón tiếp Từ Huyền về kinh đô. Triều Trần đã xôn xao bàn luận mà không sao tìm được một người như thế, đành phải báo với tể tướng Triệu Phổ. Chính ngay Triệu Phổ học rộng tài cao nhưng chẳng biết làm sao lại xin Tống Thái Tổ tự mình lựa chọn lấy một người.
Cuối cùng, Tống Thái Tổ bèn lấy danh sách các thị vệ có học thức rất thấp, có thể coi là thấp nhất trong triều, sai đi tiếp sứ thần Từ Huyền mà không hề có một chỉ thị hay một lời dặn dò nào cả. Người thị vệ được cử đi này rất lo lắng, sợ mình không hoàn thành được nhiệm vụ nhưng cũng không dám hỏi lại, chăm chỉ đến biên cương đón Từ Huyền xuống thuyền xuôi về kinh đô.
Khi đã lên đến thuyền, giữa cảnh non nước, Từ Huyền đã tỏ ra học rộng tài cao, cứ thao thao bất tuyệt, nói hết chuyện trên trời lại dưới đất để ra oai với người đi tiếp đón. Thật trớ trêu, viên thị vệ vốn ít học, tuy sợ hãi nhưng vẫn tỏ ra cứng rắn, bình tĩnh đón tiếp, tháp tùng sứ giả. Viên thị vệ đã để mặc cho Từ Huyền muốn nói gì thì nói, còn mình thì chỉ nghe và gật đầu, rồi lại mỉm cười, đôi khi lại tỏ ra trầm ngâm nghĩ ngợi.
Trong khi Từ Huyền đã nói bao nhiêu điều cao siêu mà vẫn không thể nào hiểu được con người đang đón tiếp mình nên đã dần dần đâm ra chán ngán và có phần lo ngại. Kết quả là việc đón tiếp vẫn diễn ra suôn sẻ, thành công, nhưng cũng không hề mất đi thể diện triều đình nhà Tống.
Uông Thụ Chi đã có câu đề phòng rằng: “Nên đề phòng lúc bạn đang nói sướng miệng”- tránh nói quá nhiều về mình, không phải với ai cũng sẵn sàng dốc bầu tâm sự. Trong cuộc trò chuyện, nếu chúng ta để ý quan sát thì có thể nhận ra một điều là: Ai cũng giành nói (mà thường khi là họ không biết rõ là họ đang nói gì) mà chẳng ai quan tâm tới điều người khác nói.
Nhưng khi cần thiết phải nói thì bạn không nên dùng ngôn từ diễn đạt một cách rối rắm, ngôn ngữ quá kiêu kỳ và bóng bẩy. Chỉ nên dùng một ngôn ngữ thường dùng để nói chuyện sao cho người nghe cảm thấy dễ hiểu nhất. Tất cả những điều bất bình thường trong lời nói, giao tiếp ứng xử đều sẽ khiến cho đối tượng mất đi cảm hứng nói chuyện.
Tránh việc nêu ra những vấn đề phức tạp, xa vời với họ hoặc những câu hỏi quá khó để họ cảm thấy khó xử, khó trả lời. Nếu họ gặp tình huống đó thì bạn có thể tin rằng họ sẽ không muốn tiếp chuyện với bạn nữa.
Bạn phải biết mình đang nói gì. Nếu không chủ động trong việc đó thì người nói chuyện với bạn sẽ cảm thấy ngán ngẩm, không còn có hứng để tiếp tục câu chuyện nữa. Qua lời nói là người ta đã có thể đánh giá được năng lực, trình độ của mình. Sự nhận biết ấy không phải ở việc nghe bạn nói ít hay nói nhiều, mà ở chỗ bạn nói như thế nào, nói hay hay nói dở. Một người mà luôn cố tỏ ra là mình hiểu biết hơn người thì sẽ được đánh giá là chẳng hiểu gì cả. Một người mà chỉ biết nói hết cả phần người khác thì sẽ chẳng biết người khác đang nghĩ gì về mình. Một người nói quá nhiều về mình thì không thể nghe những điều của người khác.
Cuộc nói chuyện mà gây được cảm hứng nói ở người khác là bạn phải biết nêu ra những câu hỏi thăm dò có tinh thân tình. Rất không nên hoặc hạn chế đến mức tối đa thẳng quan điểm riêng của mình khi đối phương đặt những câu hỏi thăm dò trong khi bạn chưa biết chắc dụng ý của họ.


Mời thư giãn với nhạc phẩm CHUYỆN TÌNH THẢO NGUYÊN
của Trần Tiến, qua tiếng hát Trần Thu Hà:


*.
VŨ THỊ HƯƠNG MAI
Địa chỉ: Khu tập thể Tổng công ty 319
quận Long Biên, thành phố Hà Nội.    
Email: huongmai8081@yahoo.com.vn
                     .

.




..............................................................................................................
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 21.09.2019.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 

0 comments:

Đăng nhận xét