VÀI CẢM NGHĨ VỀ TỐ HỮU - Tạp bút Xuân Lộc (Hà Tĩnh)

Leave a Comment

VÀI CẢM NGHĨ VỀ
TỐ HỮU
*
(Tác giả Xuân Lộc)
Chẳng phải vì chuyện giá áo túi cơm, nhưng mấy tháng nay sau cái vụ sờ lông sâu của các vị quan đứng đầu làng nước, thấy chán nản với thế thái nhân tình nên không muốn động tay động chân chi cả. Hôm nay vào trang Quê choa của nhà văn Nguyễn Quang Lập, bắt gặp bài thơ Hôm qua Tố Hữu trở về * của Lê Quang Đức, bổng ngứa ngáy chân tay, cái đầu mụ muội của mình lại ngo ngoe, nên mở máy gõ vài dòng cảm nghĩ về nhà thơ Tố Hữu.
Tố Hữu là một nhà thơ cách mạng lớn, nói gì thì nói đấy vẫn là sự thật. Thế hệ mình lớn lên ở nông thôn miền bắc xã hội chủ nghĩa nào có biết thú vui gì khác ngoài việc một buổi cắp sách đến lớp (không có trường như bây giờ đâu), một buổi ngồi lưng trâu học bài, đọc sách. Nồi cơm của mẹ hai phần độn sắn, khoai, thức ăn cũng chỉ dưa cà, mắm muối, bí bầu. Quê mình có sông, gần biển nên cũng có con cá con tôm, nhưng thịt thì một năm may chỉ được vài lần nhân ngày giỗ tết, chẳng biết tô phở mặt mũi ra sao, cái kem que dài ngắn thế nào… nói chi đến sơn hào hải vị. Cái thời trẻ nít đó tuy quần chằm áo vá, chân đất, đầu trần mà lòng thì phơi phới niềm tin vào tương lai chỉ vì… thích đọc thơ Tồ Hữu.
Ôi, Tố Hữu! Thần tượng một thời tuổi trẻ của tôi, không có bài thơ nào ông viết ra mà tôi không đọc. Bây giờ sắp đến sáu mươi năm cuộc đời rồi tôi vẫn còn thuộc rất nhiều bài thơ ông viết, những bài thơ hừng hực sức sống, làm lay động khí thế của lớp lớp thanh niên ra trận giết nhau mà như đi trẫy hội. Đọc thơ Tố Hữu người ta quên hiện tại, chỉ nhìn thấy tương lại, cho dù là một tương lai mơ hồ ở mãi tận… phía Hồng Trường ** xa thẳm. Thế hệ của tôi đón nhận thơ Tố Hữu vô tư, như một điều hiển nhiên, như là món ăn tinh thần không thể thiếu, bởi cũng chẳng có món đặc sản nào khác hơn ngoài những ngợi ca công lao của Bác và đảng, ngợi ca tinh thần anh dũng hy sinh của anh bộ đội cụ Hồ. Tinh thần giải phóng miền nam, thống nhất đất nước đã chiếm trọn những con tim nóng hổi của người dân miền bắc và nhất là thế hệ thanh niên. Vì thế mà câu buột miệng vô tư của anh giai Lê Mã Lương “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù” trở thành khẩu hiệu, thành lẽ sống. Vì thế mà nhà thơ họ Phạm mới thấy “Đường ra trận mùa này đẹp lắm…” Qủa thật đấy là những bản tráng ca, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp giải phóng miền nam, thống nhất nước nhà. Nhà thơ Tố Hữu vì thế đã trở thành cây đa cây đề trong nền thơ ca cách mạng.
Bây giờ có nhiều người muốn xét lại thơ Tố Hữu, có người cho rằng thơ Tố Hữu chỉ là thơ cổ động, thơ chính trị… Tôi nghĩ không nên phủ nhận tất cả thơ Tố Hữu. Nếu cho rằng cuộc chiến tranh thống nhất đất nước do những người cộng sản Việt Nam lảnh đạo là chính nghĩa thì chiến thắng của miền bắc có một phần đóng góp không nhỏ của những bài thơ Tố Hữu viết ra…
Gõ đến đây bổng nhiên tôi nhớ đến mấy câu thơ của TTKH:
“Thủa ấy nào tôi có biết gì
Cánh hoa tan tác buổi sinh ly
Cho nên cười đáp màu hoa trắng
Là chút lòng trong chẳng biến suy…”
(Hai sắc hoa tigon)
Đây là những câu thơ tuyệt tác, cũng như những bài thơ tình tuyệt tác khác của ông hoàng Xuân Diệu, của Huy Cận, Thế Lữ, Tế Hanh thời tiền chiến… mà thời thanh niên chúng tôi không được phép đọc. Thủa ấy nào tôi cũng đâu có biết gì con đường ra trận đẹp lắm ấy phải trãi bằng bao nhiêu xương máu của người Việt Nam cùng chung máu đỏ da vàng, nào đâu biết “quân thù” mà người anh hùng họ Lê cho rằng đi đánh họ là lẽ sống đẹp nhất ấy cũng là dòng giống con Hồng cháu Lạc. Tôi cũng đâu có biết những tinh hoa của giống nòi như Văn Cao, Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Thụy An, Phùng Quán… người phải treo bút, người phải đi lao động cải tạo vì đã:
Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêụ…
(Phùng Quán - Lời mẹ dặn.)
Trong cái bi kịch “thủa ấy…” ở trên của thế hệ trước chúng tôi chắc chắn có một phần đóng góp cũng không nhỏ của tác giả “Từ ấy”.
Hình như giới văn nghệ sĩ không còn mấy người mặn mà nhắc tới Tố Hữu nữa. Đây cũng đang là một sư thật. Phải chăng đã có sự phũ phàng bạc bẽo nào đó của những đồng nghiệp? Hay đây là cái lẽ công bằng của lịch sử?
Tố Hữu đã vẽ ra một tương lai tươi sáng cho cả dân tộc với biết bao hy vọng và hứng khởi. Nhưng tiếc là cuộc đời ông cũng như lịch sử của dân tộc không lãng mạn như những câu thơ. Những năm tháng mùa đông của cuộc đời, khi thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn của quyền lực chắc là Tố Hữu đã quay nhìn lại chính mình. Tôi mơ hồ nhận ra điều ấy khi đọc những câu thơ:
Mới bình minh đó đã hoàng hôn
Đang nụ cười tươi bổng lệ tuôn
Đời thường sớm nắng chiều mưa vậy
Khuấy động lòng ta biết mấy buồn…
(Một tiếng đờn )
Một phần giữa hoàng hôn và bình minh ấy, giữa nụ cười tươi và lệ tuôn ấy, giữa nắng sớm và mưa chiều ấy, giữa máu và hoa ấy của Tố Hữu đã thuộc về dĩ vãng, thuộc về lịch sử, rồi lịch sử sẽ phán xét công bằng.Tôi tin là Tố Hữu đã đau nỗi đau thật sự của riêng ông chứ không phải của chung nhân loại khi ngậm ngùi thốt lên bên người đàn bà tri kỷ của đời mình:
Có khổ đau nào đau khổ hơn
Trái tim tự xát muối cô đơn ***
Em ơi, nghe đó…trong đêm lạnh
Đằm thắm bên em, một tiếng đờn!
(Một tiếng đờn)
Tố Hữu đau cũng như con dân nước Việt đau, nhưng tôi thấy ấm lòng hơn vì Tố Hữu ít ra cũng còn biết tự xát muối lòng mình chứ không phải như bao kẻ khác sau gần nửa thế kỷ non sông về một mối mà trên môi vẫn luôn luôn với một nụ cười khinh miệt của kẻ chiến thắng đối với đồng bào mình.
Mười bảy tuổi Tố Hữu đã nguyện hiến thân cho lý tưởng cao cả là giải phóng con người ra khỏi kiếp lầm than của chế độ, mà thơ ca là vũ khí của ông. Theo đảng, theo Bác cũng không ngoài mục đích đó. Những bài thơ đầu tiên trong tập Từ ấy vẫn rất có giá trị trong bối cảnh bất công hiện nay. Tôi vẫn hay mơ mộng rằng giá có một Tố Hữu khác xuất hiện trong thời điểm này thì sẽ lại được mọi người cùng khổ hân hoan chờ đón như Tố Hữu những năm bốn mươi của thế kỷ trước thôi. Những thân phận:
Con chim non không tổ
Trẻ mồ côi không nhà
Hai đứa cùng đau khổ
Cùng vất vưởng bê tha…
(Mồ côi)
Rồi:
Đứa vui sướng là đứa con nhà chủ
Và đứa buồn, con mụ ở làm thuê…
(Hai đứa bé)
vẫn chưa hề vắng bóng trong chế độ tốt đẹp do ông và những người đồng chí dựng lên.
Hẳn là cuối đời Tố Hữu buồn lắm khi ngắm dòng Hương Giang thấp thoáng những con đò sáng lửa về đêm…và chắc ông đã hét lên: “Trời ơi! biết đến khi mô….” trong sâu thẵm tâm thức của lòng mình.
Tôi thương Tố Hữu nhiều hơn là giận. Không thể nói ông vô can với những thân phận bị đọa đày trong cái gọi là Nhân văn giai phẩm và nhiều chuyện đau lòng khác với giới văn nghệ sĩ một thời, nhưng khi ông đã bước chân vào chốn tự cho mình độc quyền chân lý thì ông chẳng làm gì khác được để tồn tại. Tôi không biện minh cho ông, cả hệ thống phải chịu trách nhiệm trước lịch sử và bản thân Tố Hữu không thể đứng ngoài.
Nhìn tấm ảnh chụp bà mẹ già tóc bạc phơ tay nâng tấm bảng Tổ quốc ghi công hay huân huy chương gì đó trước những nhân viên công lực súng đạn, dùi cui điện đầy mình để đòi đất thì Tố Hữu có sống lại trở về cũng chỉ còn biết làm thơ mà thôi.
Tôi đồng cảm với Lê Quang Đức khi đọc:
Hôm qua Tố Hữu trở về,
Bác ngồi bác khóc trên đê đầu làng;
Thế là giấc mộng tàn hoang
Dân cày có ruộng, đã sang tay người,
Cạn khô nước mắt mẹ tôi
Hai tay nâng bảng thay lời thở than!
Mẹ thương máu thịt đã tan
Thương hồn tử sỹ bạt ngàn khói bay
Thương cho cái kiếp dân cày
Máu xương lẫn ruộng từ nay mất rồi!
Thơ Lê Quang Đức
và nhớ về một kỷ niệm, vào khoảng năm 1979 hay 1980 gì đấy tôi nhớ không chính xác, Tố Hữu sang thăm Bulgaria và có buổi họp mặt thân mật với lưu học sinh Việt nam tại thủ đô Sofia, khi cuộc gặp mặt sắp kết thúc có bạn sinh viên hỏi đùa với Tố Hữu:
Ngày mai biết đến bao giờ
Thưa anh Tố Hữu, bao giờ ngày mai?
Tố Hữu cười ha ha, vui vẻ lắm nhưng sau tiếng cười là một nét đăm chiêu, tôi biết thời điểm đó đất nước đang đứng trước muôn vàn khó khăn thiếu thốn, chắc ông cũng chạnh lòng.
Thôi thì tôi mạn phép dùng câu dân ca xứ Nghệ “Giận thì giận mà thương thì thương …” để nói về Tố Hữu và xin thành kính chúc linh hồn nhà thơ có được niềm an vui ở chốn vĩnh hằng.
---------
* Dân có ruộng dập dìu Hợp tác
Lúa mượt đồng ấm áp làng quê
Chiêm mùa cờ đỏ ven đê
Sớm trưa tiếng trống đi về trong thôn…
(Trích 30 năm đời ta có Đảng)
** Quảng trường đỏ -Maxcova
*** Có bản chép: Trái tim tự xát muối ghen hờn
Tôi không biết chính xác bản nào đúng, nhưng tôi thích hai từ ghen hờn hơn



Mời thư giãn với nhạc phẩm GIA TÀI CỦA MẸ
của Trịnh Công Sơn, qua tiếng hát Khánh Ly:
            
*
Thuận An, 10/12/2012
XUÂN LỘC 
Địa chỉ: thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Sài Gòn.
Email: xuanloc56@gmail.com 
Điện thoại: 091.831.92.33
.




  ........................................................................................
- Cập nhật từ email: dovantuyenbk@yahoo.com.vn gửi ngày 06.02.2020
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến. 
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 
.  

0 comments:

Đăng nhận xét