HIỂU SAI VÀ XUYÊN TẠC KHÁI NIỆM THỰC NGHIỆM GIÁO DỤC - Tác giả: Chu Mộng Long (Bình Định)

Leave a Comment
(Giáo sư Hồ Ngọc Đại)
HIỂU SAI VÀ XUYÊN TẠC
KHÁI NIỆM THỰC NGHIỆM GIÁO DỤC
* 
(Tác giả Chu Mộng Long)
Bài trước tôi đã vạch trần sự bóp méo hoặc ngu ngơ dẫn đến hiểu sai khái niệm Công nghệ giáo dục. Bài này tiếp tục vạch trần một sự bóp méo, xuyên tạc khác xung quanh khái niệm Thực nghiệm. Đây là hai khái niệm chìa khóa của Chương trình công nghệ mang tên Hồ Ngọc Đại.
Bọn trí thức sống bằng nghề buôn giáo dục hết trò lưu manh vặt vãnh với sự xuyên tạc từ chuyện cải cách chữ viết, đánh vần đến nội dung văn bản thì chuyển sang vấn đề thuật ngữ để tỏ ra uyên bác, nhưng càng tỏ ra uyên bác càng bộc lộ sự ngu xuẩn.
Khái niệm thực nghiệm của hệ thống trường thực nghiệm trong Chương trình Công nghệ giáo dục ở Việt Nam vốn nằm trong thuật ngữ Practical Education với quyển sách cùng tên của Maria Edgeworth và người cha của bà Richard Lovell Edgeworth xuất bản năm 1798.
Practical không mang nghĩa là thí nghiệm, thử nghiệm mà là một quá trình thực tiễn được đúc kết thành các hoạt động và thao tác khoa học. Khái niệm này đồng nghĩa với thực hành, ứng dụng và có quan hệ với khái niệm thực chứng ra đời sau đó trong khoa học thực chứng (Positive Science) đối lập với các lý thuyết tư biện và kinh nghiệm chủ nghĩa đã từng thống trị trong triết học và khoa học trước đó.
Lý thuyết giáo dục của cha con Edgeworths dựa trên tiền đề thực nghiệm, rằng kinh nghiệm ban đầu của một đứa trẻ là hình thành các mối liên hệ mà chúng đã có từ rất sớm trong cuộc sống. Đây là tiền đề để Piaget phát triển thành công các thực nghiệm khách quan về tư duy sáng tạo của trẻ em và thúc đẩy giáo dục hiện đại đi đến bước thay thế hoàn toàn giáo dục cổ điển. Lý thuyết này khuyến khích học tập thông qua thực hành mà trẻ em có thể thực hiện qua các trò chơi để học bằng tất cả niềm vui sáng tạo. Tri thức vì thế không còn là duy nhất một con đường mà nhân loại đã đi mà mở ra "những ý tưởng khác biệt".
Các nước Bắc Âu đã thực hiện thành công loại hình giáo dục này.
Không có điểm nào trong giáo dục thực nghiệm lấy trẻ em làm chuột bạch như người ta đã cố tình gán ghép. Câu chuyện lấy trẻ em làm chuột bạch chỉ có thể là những cuộc cải cách liên miên bất thành của chính Bộ Giáo dục và Đào tạo chứ không liên quan gì đến hệ thống trường thực nghiệm của Hồ Ngọc Đại.
Và tất nhiên, cũng không có điểm nào để nói rằng, tại sao một công trình như của Hồ Ngọc Đại lại thử nghiệm đến 40 năm như người ta cố tình bóp méo để bôi nhọ với ý đồ hất cẳng nó ra khỏi hệ thống xuất bản và buôn sách của những con buôn giáo dục.
Phải nói chính xác là, hệ thống trường thực nghiệm Hồ Ngọc Đại đã tồn tại vững mạnh ở Việt Nam suốt 40 năm trong thế cạnh tranh với giáo dục đại trà chính thống. Sự thật là công trình của Hồ Ngọc Đại là một công trình cấp nhà nước đã được nghiệm thu ngay từ khi hoàn thành trên giấy và được phép ứng dụng công khai trong hệ thống độc lập của nó.
Muốn hỏi vì sao chương trình này không được phép thực hiện đại trà thì hỏi nguyên Bộ trưởng Phạm Minh Hạc. Theo tôi được biết, cũng là giáo sư tâm lý giáo dục học, nhưng theo trường phái bảo thủ của Liên Xô, Phạm Minh Hạc muốn tiêu diệt từ trong trứng nước trường thực nghiệm của Hồ Ngọc Đại để độc quyền. May mà Phạm Minh Hạc không thể, vì Hồ Ngọc Đại có thế lực (con rể của Lê Duẩn).
Các đời Bộ trưởng sau rất sợ sức bành trướng của Chương trình công nghệ giáo dục vì thành tựu của nó vượt trội hẳn chương trình chính thống vốn lạc hậu và bảo thủ suốt gần thế kỷ, mặc dù đã bao nhiêu lần cải cách nhưng chỉ là cải cách giả vờ hoặc chộp giật râu ông nọ cắm cằm bà kia.
Sự sợ hãi đó đã chín muồi khi lần đầu tiên Chương trình này được cho phép lựa chọn tự do. Mà đã cho phép lựa chọn tự do thì cũng đồng nghĩa với phe bảo thủ kia đến ngày tàn vì không còn có thể bày mưu tính kế làm dự án cải cách và độc quyền bán sách với lợi nhuận khổng lồ nữa.
Cho nên, chưa bao giờ trong giáo dục Việt Nam lại xuất hiện trò đánh đấm rất bẩn thỉu, bẩn thỉu hơn cả trò vu khống nước mắm có thạch tín. Những trì độn của giáo dục Việt Nam lâu nay đều bị bọn trí thức lưu manh đánh tráo sang cho Hồ Ngọc Đại, lợi dụng sự bức xúc lâu nay của dân để xỏ mũi, kích động dân đứng lên đấu tố và chống phá, không khác cuộc đấu tố thời cải cách ruộng đất.
Chống Hồ Ngọc Đại là cơn giãy chết cuối cùng của giáo dục Việt Nam, nếu lãnh đạo Bộ không sáng suốt nhận ra và cơ quan điều tra không vào cuộc để làm rõ những kẻ đứng đằng sau vụ này.



Mời thư giãn với nhạc phẩm TRẦN LONG ẨN
của Trần Long Ẩn, qua tiếng hát Phương Thanh:
 
*
CHU MỘNG LONG (tên thật: Châu Minh Hùng)
Địa chỉ: Khoa GD Tiểu học Mầm non, Đại học Quy Nhơn
170 An Dương Vương, phường Nguyễn Văn Cừ,
thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định
Điện thoại: 0982.03.61.75
.
.



…………………………………………………………………………
- Cập nhật từ email: tranchicuong27@yahoo.com.vn ngày 20.10.2019.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

0 comments:

Đăng nhận xét