ĐI BỘ
CỦA PHẠM VĂN VŨ
*
Giờ phút bể bả nói
cười
Nhẹ tênh và luễnh
loãng
Người cũng nhạt
nhẽo như mình vậy thôi
Tháng ngày chậm như
thể không trôi
Chỉ lặng thinh
ngước mắt
Nuốt đi vẫn nghẹn
trong người
Những chuyện có
thật làm mình chóng mặt
Già quá sớm mà khôn
quá muộn
Sống cầm chừng mà
nồng nhiệt làm thơ
Nhìn đất nhìn sỏi
Nhìn xuống chân
mình
Con đường loanh
quanh như câu chuyện người đi bộ
*.
PHẠM VĂN VŨ
LỜI BÌNH:
(Tác giả Nguyễn Xuân Dương) |
Thơ Phạm Văn Vũ bao giờ cũng tồn tại những nghịch
lý của cuộc sống. Luôn trăn trở với bao điều được mất. Không còn cách nào, như
anh đã viết “Sống cầm chừng mà nồng nhiệt làm thơ”. Làm thơ để giải tỏa để chia
sẻ những ẩn ức. Cái khác trong thơ Phạm Văn Vũ là các bạn cùng trang lứa viết
thơ tình như điên còn anh thì đã tạo dựng cho mình một bản ngã. Thơ anh viết về
những gì mà anh đã trải nghiệm và suy ngẫm.
Đi bộ là bài thơ viết về một moden mới trong thời
hiện đại để tự giải tỏa áp lực của cuộc sống của công việc. Có thể là buổi sáng
trước khi đi làm, có thể là buổi chiều sau một ngày lao động... người đi bộ.
Thế nhưng không như những gì mà họ mong muốn. Có
lẽ bằng chính sự trải nghiệm của mình Phạm Văn Vũ đã nhìn sâu vào những cuộc đi
bộ ấy bằng cái nhìn nhiều trăn trở:
Giờ phút bể bả nói
cười
Nhẹ tênh và luễnh
loãng
Người cũng nhạt
nhẽo như mình vậy thôi
Đáng ra thì phải thoải mái thế nhưng: Nói cười
thì bể bả. Nói bể bả thì còn có thể chấp nhận được. Còn cười mà bể bả thì tôi
chưa thật hiểu đó là cười hay khóc. Nhà thơ đã cảm nhận được sự nhạt nhẽo không
chỉ ở những người đồng hành mà chính anh cũng cảm thấy mình bể bả luễnh loãng
và nhạt nhẽo. Thế thì đi bộ để làm gì? Biết vậy họ vẫn cứ đi, đi mãi không
ngừng...
Hình như đó là khoảng thời gian trống trải để
người ta tự thẩm định lại mình và có thể nhìn sâu thêm về nững gì đang chuyển
động của cuộc sống. Tôi cứ tưởng rằng đi bộ sẽ giải tỏa cho ta những áp lực của
cuộc sống. Nhưng cuộc sống lại quá nặng nề. Xin đừng hiểu sự nặng nề của công
việc. Cha ông ta ngàn đời cày sâu cuốc bẩm một nắng hai sương mưa gió nhọc nhằn
mà vẫn không thấy áp lực đè nặng như chúng ta thời hiện đại. Tôi nghĩ áp lực
bây giờ thuộc về vấn đề nhân cách và phẩm hạnh con người đang bị phân hóa hủy
hoại. “Già quá sớm mà khôn quá muộn”. Kẻ có quyền có chức thì tham nhũng. Kẻ
không quyền thì nhỏ nhen đố kỹ ghen ăn tức ở. Kẻ bất tài thì ở ngôi cao, kẻ có
tài thì bị đõa đày. Chính vì thế, sống trong điều kiện như vậy, cảm thức về
thời gian của nhà thơ ở đây đã hoàn toàn là một nghịch lý. Ngày xưa Xuân Diệu
vội vàng còn ngày nay Phạm Văn Vũ:
Tháng ngày chậm như
thể không trôi
Chỉ lặng thinh
ngước mắt
Nuốt đi vẫn nghẹn
trong người
Tháng ngày thì không trôi, không thể xua đi cái
nặng nề u ám mà nuốt vào thì ứ nghẹn. Đọc câu thơ tôi cảm thấy có một điều gì
đó quá hệ trọng đang bủa vây tầng lớp trẻ. Bằng cách nào để giải phóng cho họ
để họ không quá bi quan hình như là một điều không thể. Nhưng bài thơ không
dừng lại ở đó mà ta hãy đọc khổ kết của bài thơ:
Nhìn đất nhìn sỏi
Nhìn xuống chân
mình
Con đường loanh
quanh như câu chuyện người đi bộ
Quãng đường của người đi bộ bao giờ cũng có điểm
xuất phát và điểm dừng để quay lại. Trên quãng đường đó nhà thơ và nói chung
tất cả những người đi bộ không ai muốn hoặc không dám nhìn lên, nhìn ra xung
quanh vì ở đó biết bao sự thật đau lòng đang diễn ra làm người ta chóng mặt. Họ
chỉ nhìn xuống đất, nhìn những viên sỏi nhỏ trên đường và chỉ dám nhìn chân
mình và rồi họ cứ quẩn quanh trên con đường loanh quanh của chính mình. Cứ thế
ngày qua ngày tháng qua tháng năm qua năm cho hết cả cuộc đời họ cứ thế quẩn
quanh trên con đường mà họ đã tự vạch ra cho mình và con đường đó cứ dần ngắn
lại khi tuổi tác tăng lên. Có nên nghĩ đây là con đường của người đi bộ hay nhà
thơ muốn gửi gắm đó cũng chính là sự "quẩn quanh nhợt nhạt" (*) của cõi người, nói
rộng ra là của nhân loại như nhà thơ Nguyễn Ngọc Hưng cũng đã từng viết “Tự xây
ngục tự mở đường giải thoát. Nhân loại loay hoay trong vòng xoáy chính mình”.
Bài thơ ngắn thôi nhưng đây là những trăn trở của
nhà thơ Phạm Văn Vũ mà chúng ta cần suy ngẫm. Cũng còn may anh vẫn “nồng nhiệt làm
thơ” những vần thơ nhiều suy tư trăn trở./.
--------
(*) Ý thơ Trần Nhuận Minh (Chơi thuyền trên vịnh Hạ
Long)
Mời thư giãn với ca cổ HỨA
của Huỳnh Bê, qua tiếng hát Hồ Minh Đương
*
NGUYỄN XUÂN DƯƠNG
Địa chỉ: Nhà số 7 Đường Thành Cổ,
Phường Vệ An - Thành phố Bắc Ninh
Email: nguyenxuanduong1940@gmail.com
Điện thoại: 037.224.23.92
.
.
…………………………………………………………………………
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 25.03.2020.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng
lại.
.
0 comments:
Đăng nhận xét