THÚ CÂU CÁ - Tản văn Chử Văn Long (Hà Nội)

Leave a Comment

THÚ CÂU CÁ
*
Như người bị căn bệnh dị ứng, tôi chẳng thể nào quen được với những buồn vui của nền kinh tế thị trường. Vì vậy, ngoài những buổi phải có mặt ở cơ quan làm việc, tôi thường tìm về với những thú vui quê mùa, dân dã, khi thì cuốc xới, trồng tỉa lại mảnh vườn, khi thì làm chút mồi câu ra bờ ao câu cá. Thú câu cá thật tuyệt vời. Bạn hãy hình dung, khi chiếc lưỡi câu mang mồi thả xuống mặt nước trong xanh, lập tức nó kéo theo cả đoạn dây câu bằng chất hoá học đồng màu chìm nghỉm. Chỉ còn lại chiếc phao như con ong đang bị dính xuống nước, lắc lư, lắc lư, dập dềnh, nhưng chẳng thể nào cất cánh để bay lên được. Thế là tất cả tâm trí lúc này chỉ còn để vào chiếc phao nhỏ bé, mọi buồn vui giằng co, vay nợ tan mau. Một bầu trời mở ra dưới nước cũng thăm thẳm không đáy, thỉnh thoảng làn mây trắng như dải lụa vắt qua làm ta quên mất trời ở trên đầu! Hàng tre bên bờ ao đang sắp vào mùa rụng lá, khi làn gió nhẹ thoảng qua, một đôi chiếc lá bị bứt theo bay là là trên những gợn sóng mãi rồi mới chịu dính xuống mặt nước ở phía bờ bên kia.
Người tìm ra thú câu cá trước cụ Nguyễn Khuyến là ai? Chắc đã từ những trăm năm nghìn năm trước. Nhưng với tôi lúc này thì thú câu cá mới chỉ bắt đầu từ khi có bài thơ của cụ Nguyễn. Tất cả trời, nước, mây, gió thu gọn trong bài thơ tám câu, nó đưa ta vào với một thế giới mơ màng, không thời gian, không năm tháng, không tuổi tên danh lợi
Rồi tôi quên cả chiếc phao đang bập bềnh trên mặt sóng để sống trong những hình ảnh bóng dáng của những câu thơ xưa nếu không có chiếc thuyền câu từ phía cầu ao nhà hàng xóm từ từ tiến ra theo chiếc lưới tơ ướt ròng với những con cá rô bị mắc đang cố quẫy khi được kéo lên khỏi mặt nước.
Giấc mơ vừa đầy ắp phút bỗng tan đi bởi chiếc thuyền câu lù lù trước mặt. Tôi trở về với những nuối tiếc khôn cùng.
Sau lần ấy, mỗi khi nhớ tới bài thơ cụ Nguyễn tôi lại gặp chiếc thuyền nan lồ lộ, nó không bé tẻo teo như trong câu thơ! Tôi đem câu chuyện kể với bạn bè khi ngồi vui trà nước, thì được nhiều người tán thưởng, có lẽ do cái vần eo trong câu thơ mở đầu Ao thu lạnh lẽo nước trong veo cụ Nguyễn đã chọn, bị vần luật của thơ bát cú lúc bấy giờ kéo đi nên câu thứ hai tiếp theo vẫn phải giữ vần eo thành Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo. Chứ ta hình dung sự tương quan phong cảnh chỉ trong một cái làng, khi người ngồi còn thấy được cả gợn sóng lăn tăn, cái lá vàng bay vèo qua, thì chiếc thuyền câu hẳn không thể bé tẻo teo. Thế mới biết các cụ làm thơ xưa bị gò bó biết bao. Tài đến như cụ Nguyễn Khuyến cũng bị bắt voi bỏ rọ để bài thơ như viên ngọc sáng còn chịu vết xước bên mình. Con cháu ngày nay thật sung sướng đã được giải phóng trong thơ tự do, thơ không vần, vậy mà vì sao viết vẫn không hay. Tôi đem những ý nghĩ này viết bài in báo. Báo in, lại quên tên tác giả.
Một đêm, tôi mơ thấy cụ Nguyễn Khuyến khăn áo tề chỉnh, tay cầm chiếc roi mây vút gió tiến lại phía tôi:
- Có phải anh đã đem bài thơ Thu điếu của ta ra làm đề tài khen chê trên báo?
Tôi giật mình, hệt như ngày xưa cắp sách tới trường bị thầy quở trách. Tôi vội khoanh tay kính cẩn - Thưa, con đâu dám thế?
Cụ điềm tĩnh rút từ ống tay áo đưa tờ báo ra trước mặt tôi:
- Không phải thì ai đây anh đem chiếc thuyền câu so sánh tương quan với cái ao và cho là chiếc thuyền câu không thể nào bé tẻo teo được, khi nhìn thấy cả những gợn sóng và chiếc lá bay nhưng sao anh không dám để tên mình dưới bài viết?
Không để cho tôi kịp thưa đấy là lỗi của người chữa mo - rát, nhà in, chứ tôi đâu có ý làm vậy
- Ta biết cả. Hôm nay ta về đây nói với anh điều này: Người cầm bút làm thơ, bàn thơ, phải đẩy ý đến tận cùng cho rõ đúng sai mọi nhẽ. Anh bảo chiếc thuyền câu không bé tẻo teo thì nó phải thế nào mới tương xứng? Không trả lời được sẽ ăn đòn!.
Nhìn chiếc roi mây trong tay cụ, tôi phát hoảng. Không có ai để cầu cứu, theo bản năng, óc tôi vụt hiện lên hình ảnh chiếc thuyền câu buộc cạnh cầu ao, bóng soi xuống nước lung linh Như kẻ đuối vớ được cọc bám. Tôi chắp tay kính cẩn thưa:
- Chiếc thuyền câu có thể lặng bóng neo ạ!
Không biết đúng sai thế nào, chỉ thấy cụ Nguyễn bỗng mỉm cười nhặt tờ báo lên, quay gót.
Sáng dậy nhớ lại giấc mơ đêm qua, tôi lẩm nhẩm: Ao thu với mặt nước trong veo, cho chiếc thuyền câu in bóng. Hai câu thơ gắn liền lại làm nền (tĩnh) để gợn sóng lăn tăn (động) là phù hợp
Đọc lại Thu điếu (trong mơ):
Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu lặng bóng neo
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí
Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo

Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo
Tựa gối ôm cần lâu chẳng được
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.
Cụm từ bé tẻo teo khi được thay bằng lặng bóng neo đã bỏ được chữ teo cuối câu (2) khỏi trùng lặp với chữ teo cuối câu (6) - Ngõ trúc quanh co khách vắng teo (theo luật thơ bát cú phải tránh).
Chiều ấy, tôi lại lững thững dắt cháu ra bờ ao câu cá. Lạ chưa! Chiếc thuyền câu bên hàng xóm đang neo buộc ở cầu ao, bóng in xuống nước lung linh, hệt như con thuyền đêm qua về đây neo đậu.


Mời thư giãn với nhạc phẩm KHÁT VỌNG của Thuận Yến
phổ thơ Đoàn Thị Lam Luyến, qua tiếng hát Thanh Lam:
         
*.
CHỬ VĂN LONG
Địa chỉ: Thôn 2, Vạn Phúc, Thanh Trì, Hà Nội.       
Điện thoại: 035.881.82.63
Email: haicv08@gmail.com       





   ...................................................................................................................
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 11.03.2020.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 
.

0 comments:

Đăng nhận xét