(Tạo hình Hàn Tín trong điện ảnh Trung Quốc) |
ĐỌC MƯU THẦN CỦA TƯỚNG XƯA
*
(Tác giả Thái Quốc Mưu) |
Hàn Tín (229 - 196 TCN),
sanh tại Hoài Âm, nước Sở, nên khi thành danh được phong Hoài Âm Hầu, ông là
một danh tướng bách chiến bách thắng, thiên hạ vô địch. Trong Cao Tổ Bản Kỷ,
Lưu Bang phải thừa nhận, “Nắm trong tay trăm vạn quân đã đánh là thắng, tiến
công là nhất định chiếm lĩnh thì ta không bằng Hoài Âm Hầu.”
Theo Tây Hán Chí. Hàn Tín
thuở nhỏ mất Cha từ bé, nhà nghèo phải làm nghề câu cá, nuôi Mẹ.
Khi mẹ mất, Hàn Tín bán
cả nhà cửa, để xây mộ cho Mẹ trên vùng núi đẹp đẽ. Vì thế phải xách kiếm đi
lang thang.
Có tên đồ tể thấy Hàn Tín
gầy gò yếu đuối nhưng lại vác kiếm trông như võ tướng, hắn muốn làm nhục Tín
buộc Tín một là dùng kiếm đánh nhau với gã, hai là lòn dưới trôn nó. Hàn Tín
chấp nhận chui qua háng, mọi người thấy Hàn Tín chịu bị nhục đều chê cười.
Những khi không câu được
cá, Tín không có gì ăn, thường đi xin cơm của bà lão giặt lụa và hứa hẹn sau
này làm nên sự nghiệp sẽ trả ơn ngàn vàng. Bà lão giặt lụa trách:
- “Cậu là thanh niên trai
tráng mà không lo nổi miếng ăn thì làm sao làm nên sự nghiệp, tôi thấy cậu tội
nghiệp nên giúp, chứ nào có mong cậu đáp đền chi!”
Mọi người nghe thấy đều
cho ông là người thấp kém, hèn hạ.
Năm 209 TCN, Trần Thắng
khởi nghĩa chống nhà Tần, Hàn Tín ra bờ sông Vị Thủy cầm kiếm xin tham gia
nghĩa quân. Ông đã được Hạng Lương là thế tộc nước Sở cho gia nhập nghĩa quân.
Tuy nhiên, Hạng Lương và cháu là Hạng Vũ xem thường Hàn Tín thân phận thấp hèn,
chỉ cho làm quân cầm kích đứng hầu. Nhiều lần Hàn Tín bày mưu cho Hạng Vũ,
nhưng Hạng Vũ không dùng.
Nhà Tần sụp đổ, Hạng Vũ
đứng đầu chư hầu, phân phong cho các tướng và vua chư hầu. Lưu Bang bị Hạng Vũ
tranh công vào Quan Trung, đẩy Lưu Bang vào đất Thục xa xôi hiểm trở, rồi phong
cho Bang làm Hán Vương.
Vào đất Thục, Hàn Tín tự
mình tiến cử với Hạ Hầu Anh, lúc đó Hạ Hầu Anh chịu trách nhiệm về việc chiêu
hiền đãi sĩ.
Hạ Hầu Anh bèn nói chuyện
với Hàn Tín, rất hài lòng, sau đó tâu với Lưu Bang. Lưu Bang cho ông làm độ úy,
coi về thóc.
Hàn Tín thường nói chuyện
với tướng quốc của Lưu Bang là Tiêu Hà. Hàn Tín có nói với Tiêu Hà 1 câu rất
nổi tiếng về người làm tướng như sau:
- “Bẩm Thừa Tướng, đạo
làm tướng trước nhất phải có NĂM TÀI" và tránh MƯỜI LỖI. Năm tài là: Trí,
Nhân, Tín, Dũng, Trung. Trí thì biết cẩn thận; Nhân thì biết thương người, Tín
thì không sai hẹn; Dũng thì không ai dám phạm; Trung thì không ở hai lòng.
Còn mười điều lỗi: Một là
cậy vào cái dũng khinh thân mình; Hai là gặp việc gấp thì nóng nảy, thiếu cẩn
thận; Ba là gặp lợi thì ham; Bốn là vì lòng nhân không dám giết kẻ phạm tội ác;
Năm là ỷ lại vào sức mình không biết lo xa; Sáu là tin người mà không phòng;
Bảy là không chịu thu thập ý kiến người khác; Tám là việc đáng làm gấp mà do
dự; Chín là thiên vị, thiếu công bằng; Mười là lười biếng, chỉ muốn sai người.
Nếu có đủ NĂM TÀI và tránh được MƯỜI LỖI ấy, tất là tướng giỏi.”
Tiêu Hà nghe xong rất
phục tài ông và hứa tiến cử với Hán Vương.
Đường từ Hàm Dương vào
Thục xa xôi, hiểm trở, Lưu Bang cùng các tướng di chuyển trong thời gian khá
lâu.
Khi Hán Vương đến đất Nam
Trịnh, trên đường đi, các tướng thấy cõi Thục độc địa bỏ trốn đến mấy chục
người. Hàn Tín xem chừng Tiêu Hà và Hạ Hầu Anh đã mấy lần tâu với Lưu Bang
nhưng Lưu Bang không dùng mình, nên cũng bỏ trốn. Tiêu Hà nghe tin Hàn Tín bỏ
trốn liền thân hành theo tìm, không kịp báo cho Hán vương biết.
Lưu Bang coi Tiêu Hà như
cánh tay phải, lúc đó đứng ngồi không yên. Mãi hai hôm sau Tiêu Hà mới về, giãi
bày hết với Hán vương và ra sức tiến cử Hàn Tín:
- “Các tướng đều dễ kiếm
thôi, còn như Tín là kẻ quốc sĩ, có một không hai. Nhà vua nếu cứ muốn làm
vương mãi ở Hán Trung, thì chẳng cần Tín làm gì chứ nếu muốn tranh lấy thiên hạ
thì ngoài Tín ra chẳng có thể bàn công việc với ai.”
Lưu Bang dù chưa thật tin
nhưng vì sự khẩn khoản của Tiêu Hà mà phong cho Hàn Tín làm đại tướng. Khi Hán
vương làm trai giới, lập đàn để phong ông, cả ba quân đều kinh ngạc, không nghĩ
rằng người như ông lại được lên làm đại tướng.
Hàn Tín lên đàn nhận
phong xong, bèn phân tích cho Hán vương về những thế mạnh, yếu của Hạng Vũ và
phương sách đánh bại Sở. Hán vương bắt đầu nhận ra tài năng của ông. Về sau mới
biết Tín là người được Trương Lương tiến cử nên Lưu Bang lại càng xem trọng.
Từ đó Hàn Tín, Trương
Lương, Tiêu Hà được Lưu Bang xem là Tam Kiệt của mình.
Để che mắt các nước Tam
Tần, ngay khi vào Thục, Trương Lương cho đốt đường sạn đạo (con đường nối vùng
đất Thục với Tần) khiến không nước nào chú ý đến Lưu Bang.
Tháng tám năm 206 TCN,
Hàn Tín được phong làm đại tướng, bắt đầu ra quân bình định Tam Tần, do các vua
chư hầu Chương Hàm (Ung vương), Tư Mã Hân (Tắc vương) và Đổng Ế (Địch vương) án
ngữ làm phiên giậu cho Sơn Đông để cản đường Lưu Bang.
Hàn Tín sai người giả vờ
đi sửa đường sạn đạo, vốn mất rất nhiều công sức thời gian, khiến Tam Tần yên
trí rằng quân Hán còn lâu mới ra được cửa ải.
Trong khi Hàn Tín dẫn đại
quân đi theo đường Trần Thương đi qua huyện Cố Đạo đánh úp Ung Vương Chương
Hàm. Chương Hàm đón đánh quân Hán ở Trần Thương. Hàn Tín giả thua chạy, sau đó
dùng kế hỏa công mai phục đốt Chương Hàm. Ung vương bị thua chạy, lại dừng quân
đánh đất Hạo Trĩ, bị thua nữa, bỏ chạy đến Phế Khâu. Hán vương đuổi theo, bình
định đất đai của Ung vương, đi về đông đến Hàm Dương, lại cho một cánh quân riêng
vây Ung vương ở Phế Khâu, còn sai các tướng bình định các vùng Lũng Tây, Bắc
Địa, Thượng Quận.
Hàn Tín sau đó đánh Phế
Khâu, thấy thành kiên cố dễ thủ khó công. Sau khi đi thị sát, ông nói với Tào
Tham:
- “Dưới chân thành, con
sông Bạch Thủy chảy vòng quanh từ Tây Bắc sang Ðông Nam, làn nước rất mạnh. Nếu
ta dùng bịch đựng cát đắp ngang dòng sông, cho nước dâng lên, tràn vào thành,
quân địch ắt phải vào bụng cá hết.”
Tào Tham theo kế, đem một
ngàn quân xuống phía nam Phế Khâu lệnh cho binh sĩ ngày đêm thay phiên nhau
dùng lá cọ, lá dừa nước đan bịch. Xong, cho cát vào bịch đem chắn dòng sông,
rồi dẫn nước chảy thẳng vào thành Phế Khâu. Chương Hàm thất đảm hồn kinh phải
bỏ Phế Khâu chạy về Đào Lâm.
Năm 207 TCN, Hàn Tín lại
điều quân đánh Tắc Vương Hân, Địch Vương Ế. Bị đánh bất ngờ, Tư Mã Hân và Đổng
Ế đầu hàng. Hàn Tín kéo về đông, Hà Nam Vương Thân Dương cũng đầu hàng theo.
Hán Vương muốn đánh ngay Hàm Dương, Hàn Tín chủ trương diệt Chương Hàm trước,
được Hán Vương đồng ý.
Hàn Tín đem quân đánh Đào
Lâm, Chương Hàm tự sát. Hàm Dương nghe tin liền đầu hàng. Đến đây thì Tam Tần
bị diệt, đất Quan Trung rơi vào tay Hán Vương.
Trong khi đó, Hạng Vũ sau
khi giết Hàn Vương Thành, cho người thân tín của mình là Trịnh Xương làm Hàn
Vương. Hàn Vương không chịu đầu hàng Hán. Hàn Tín mang đại quân đánh bại Trịnh
Xương.
Chiếm Hàn Thành, Lưu Bang
lập người tông thất nước Hàn, đang làm thái úy, cũng tên là Hàn Tín làm Hàn
Vương, gọi là Hàn Vương Tín.
Tây Ngụy Vương Báo bèn
hàng Hán, cùng hợp binh với Hán đánh Ân. Ân Vương Tư Mã Ngang bị bắt sống.
Hàn Tín ở lại giữ Quan
Trung, Hán Vương cùng các tướng tiếp tục đông tiến, dụ thêm nước Triệu hội quân
đánh Sở.
Lúc đó Tây Sở Bá vương
Hạng Vũ đang sa lầy chiến tranh ở nước Tề, chưa diệt được Điền Quảng và Điền
Hoành, Hán Vương gom quân chư hầu 56 vạn rầm rộ tiến vào chiếm cứ kinh đô Sở là
Bành Thành. Hạng Vương (Hạng Vũ) mang 3 vạn tinh binh trở về đánh tan tành quân
Hán ở Bành Thành. Quân Hán tan tác rút binh.
Một loạt các chư hầu như
Tư Mã Hân, Đổng Ế, Triệu Yết thấy Sở thắng Hán lại theo Sở. Cả Điền Hoành nước
Tề cũng giảng hoà với Sở. Thế quân Sở mạnh lên, Hạng Vũ mang quân tây tiến đánh
Hán.
Hán Vương thu binh về
Huỳnh Dương. Hàn Tín đến tâu với Hán Vương:
- “Tôi ở Hàm Dương đã chế
ra được vài trăm cỗ xe để dự bị đánh Sở, loại chiến xa nầy, có tác dụng rất
mạnh trong trận chiến thuộc bình nguyên. Huỳnh Dương cách đây ba mươi dặm, có
một khu đất bằng có thể áp dụng chiến xa được.
Hán Vương nghe nói liền
sai thợ ngày đêm theo mẫu xe của Hàn Tín mà chế tạo thêm được hơn 3.000 chiếc
dự bị đánh Sở.
Hạng Vương đem quân đến,
Hàn Tín gửi thư cho Hạng Vũ, đại để viết:
“Nguyên soái nhà Ðại Hán
Hàn Tín trao thư Tây Sở Bá Vương khán hạ.
Tín vẫn có sung vào chức
Chấp kích lang của Sở, song, trước kia cùng với Bá vương lập vua Hoài vương, quay
mặt về Bắc xưng thần, đồng triều chấp sự, thì Tín là tôi của vua Nghĩa Ðế chứ
không phải là tôi của Sở, lẽ ấy đã rõ ràng. Chẳng ngờ Ðại vương (Hạng Vũ) lại
giết vua Nghĩa Ðế, chuyên chế chư hầu, thiên hạ oán vọng, còn Tín cũng lấy làm
đau lòng. Những muốn vung gươm giết đứa đại nghịch, trả thù cho vua, nhưng xét
thấy tài hèn sức yếu chưa làm nổi chuyện đó, đành phải sang đầu Hán để bá cáo
tội ác Đại Vương cho thiên hạ biết. Vừa rồi, Tín đóng quân tại Hàm Dương, không
đi đánh Sở, thất cơ một chút đến nỗi quân thua. Nay Tín thống lãnh hùng binh,
áo trắng cờ tang, thi vũ tại Huỳnh Dương trước rửa hờn cho vua Nghĩa Ðế, sau vì
Hán vương tuyết sĩ, thì phen này Đại Vương (Hạng Vũ) khó mà toàn mạng.
Tín báo trước cho Ðại
vương giữ mình.”
Hạng Vương xem xong tức lắm,
quát:
- “Thằng lòn trôn khốn
nạn đó đã dám dùng lời vô lễ với ta. Phen này, ta thề không bắt được đứa phản
phúc quyết không trở về.”
Hôm sau Hạng Vương đem
quân ra đánh với Hàn Tín, Hàn Tín giả thua bỏ chạy, đến sông Kinh Sách qua cầu
xong quay mặt lại chờ Hạng Vương. Hạng Vương đuổi theo, vừa qua khỏi cầu thì
Hàn Tín sai quân phá cầu, rồi sai đem chiến xa ra làm tường lũy, bắn tên tua
tủa vào quân Sở. Quân Sở không thoát được đều bị giết hết, Hạng Vương dẫn theo
Quý Bố phá vây mà chạy. Hai nước Hán, Sở lại lâm vào thế giằng co.
Tháng sáu năm 205 TCN,
Ngụy Vương Báo (Ngụy Báo) lấy cớ xin nghỉ để về thăm cha bị bệnh. Về đến nước,
Ngụy Vương liền cắt đường giao thông ở Hà Quan, phản lại Hán, giao hiếu với Sở.
Hán vương sai Lịch Tự Cơ
thuyết phục Báo, nhưng Ngụy Báo không nghe.
Tháng tám năm 205 TCN,
Lưu Bang phong Hàn Tín làm tả thừa tướng để đánh Ngụy. Ngụy Báo
đem nhiều binh đến Bồ Bản
chặn cửa sông Lâm Tấn. Hàn Tín dàn thêm nghi binh, bày thuyền bè như muốn vượt
qua sông Lâm Tấn; nhưng trái lại dùng phục binh đi đường đất Hạ Dương, lấy
thùng gỗ để cho quân vượt qua sông, đánh úp cựu đô của Ngụy là An Ấp.
Ngụy Vương Báo cả kinh,
đem binh quan về đánh trả nhưng đã muộn. Hàn Tín đánh chiếm đất Ngụy, bắt Ngụy
Báo, bình định đất Ngụy, lập thành quận Hà Đông.
Hàn Tín trợn mắt hỏi Nguỵ
Báo (魏 豹):
- Nhà ngươi khi ở Hán làm
chức Nguyên Soái không tròn nhiệm vụ, để quân thất trận nơi Truy Thủy. Lẽ ra,
Chúa Thượng chiếu luật trừng phạt, nhưng lại để cho nhà người được về nước, giữ
y vương vị, ân đức ấy nhà ngươi không cố sức báo đền, lại nghe lời thầy tướng
mà phản phúc. Nay ta bắt ngươi, đáng ra phải chém đầu, song nghĩ nhà ngươi là
vua của một nước…
Tới đây, Hàn Tín bỗng
dưng truyền Tào Tham và Quán Anh mở trói cho Nguỵ Báo, ân cần mời ngồi, đoạn hạ
giọng:
- Nhà ngươi là vua của
nước Tây Nguỵ, ta hỏi ngươi câu nầy…
Ngụy Báo cúi mặt, nói:
- Nguyên Soái cứ hỏi.
Hàn Tín biết chữ Ngụy là
HỌ của Ngụy Báo (cũng như NGỤY là tên của nước NGỤY) nhưng lại đồng âm với chữ
Ngụy có nghĩa là gian dối, trộm cắp, loạn thần (như ngụy triều), nhưng muốn thử
tinh thần Ngụy Báo, Tín bèn mỉm cười, hỏi:
- Nhà ngươi là vua của
nước Tây Ngụy. Thế, ngươi có biết chữ Ngụy nghĩa là gì không?
Ngụy Báo đáp nhanh:
- Tôi nghĩ, theo ý tướng
quân chữ Ngụy có nghĩa là… gian trá, trộm cắp, loạn thần. Nhưng tôi biết ngoài
ra, còn có…
Hàn Tín cướp lời, hỏi
tiếp:
- Giả trá, nghĩa là không
thật, tức là không có chính nghĩa. Thế sao người không đổi bằng một cái tên
khác?
Ngụy Báo ngẩng cao đầu,
giọng sang sảng trả lời:
- Ngụy của tôi là Quốc
Hiệu là của tổ tiên truyền lại, nên không thể thay đổi.
Hàn Tín giả lơ, lại nói:
- Chính vì cái … giả là
không thật cho nên ngươi mới thua trận.
Rồi Hàn Tín hạ giọng, đặt
điều kiện:
- Thôi được, ta sẽ tha
cho ngươi về Tây Ngụy tiếp tục làm vua với một điều kiện, ngươi phải đổi lại
Quốc Hiệu không còn là… Ngụy nữa. Ngươi nghĩ thế nào?
Nguỵ Báo nghiêm sắc mặt,
nói:
- Nếu như Nguyên Soái vì
đức hiếu sinh mà tha mạng cho Báo nầy, thì tôi nguyện kết cỏ ngậm vành. Còn như
Nguyên Soái tha cho tôi mà kèm theo điều kiện, thì tôi thà chịu chết. Bởi,
không có gì hèn hạ và thấp kém cho bằng, khi ban ơn cho người, lại kèm theo
điều nầy, điều nọ…
Hàn Tín cả cười, nói:
- Chữ Nguỵ có đẹp đẽ chi
đâu, sao ngươi lại khăng khăng giữ lấy để nhận cái chết?
Ngụy Báo nhìn vào mặt Hàn
Tín, thẳng thắn đáp:
- Tôi không thể làm trái
ý tổ tiên. Tôi vẫn biết, kẻ chiến bại không bao giờ được bước qua Khải Hoàn
Môn. Còn kẻ chiến thắng muốn vẽ rắn thêm chân, nói vượn, nói hươu làm sao mà
chẳng được? Duy có điều…
Hàn Tín đưa mắt dò xét:
- Điều gì?
Một thoáng nghĩ ngợi,
Ngụy Báo, nói:
- Tôi biết khi nói ra
điều nầy, Nguyên Soái sẽ không bằng lòng. Nhưng dẫu chết tôi cũng nói.
Hàn Tín giục:
- Ngươi cứ nói. Ta nghe
đây!
Nguỵ Báo hăm hở:
- Kẻ chiến thắng chưa
chắc đã có thực tài hay có chánh nghĩa. Đó chẳng qua do thời thế phải thế mà
thôi! Như nguyên Soái trước kia bị người đời miệt khinh là kẻ lòn trôn giữa
chợ, ai nấy cũng nhìn Ngài bằng ánh mắt… là kẻ lòn trôn. Nhưng bây giờ. có ai
dám bảo Ngài là… kẻ lòn trôn nữa không? Chắc chắn là không! Vả lại, nếu Ngụy
Báo nầy chỉ vì tham sanh úy tử, vì cái danh lợi phù du mà phản bội tổ tiên,
phản bội đất nước mình thì Báo nầy há chẳng phải giống như loài giun dế sao?
Nếu Ngài ban cho cái chết thì Báo nầy vui lòng chấp nhận. Còn nếu Ngài xui Báo
là điều phi nghĩa thì Ngụy Báo nầy tuyệt đối không thể và sẵn sàng chấp nhận
rơi đầu.
Hàn Tín nghe qua vỗ án,
bật cười khoái chí, khom mình vòng tay trước Ngụy Báo, lời cung kính:
- Khí khái! Khí khái! Ha!
Ha! Ha.a…a.a! Kể ra, Ngụy vương Báo rõ là người đầy khí khái! Nếu ta giết một
người đầy bản lĩnh, giàu khí khái như ông, tất sẽ bị người đời nguyền rủa. coi
ta như bọn thất phu! Đời đời chẳng những miệt khinh mà còn nguyền rủa một cách
tệ hại! Vậy ta xin tha Người về nước. Xin đừng cảm ơn hạ tướng nầy mà hãy tiếp tục
làm một vị vua sáng suốt để muôn dân được nhờ ân đức.
Tào Tham nghe thấy, liền
vội can:
- Nguyên Soái tự ý tha
cho Nguỵ Báo sẽ bị mang tội với Hán Vương!
Hàn Tín khẳng khái:
- Hán Vương là đấng anh
minh, tất phải biết câu: “Tướng quân tại ngoại…”. Ngươi chớ có nói nhiều. Ngươi
lập tức truyền lệnh ta hãy cấp người hầu, xe ngựa và lương thực cho Ngụy Vương
lên đường về Tây Ngụy. Đồng thời ngươi thay ta đưa tiễn Ngụy Vương mươi dặm
đường.
Tào Tham vâng mệnh ra đi.
Quán Anh thấy vậy ra chiều nghĩ ngợi, đợi Ngụy Báo đi rồi mới hỏi Hàn Tín:
- Tôi biết Nguyên Soái là
người trí dũng, nên tôi chưa thể đoán ra việc Nguyên Soái tha cho Ngụy Báo.
Hàn Tín trầm ngâm một lúc
lâu, nói:
- Ta đánh tráo hai chữ
Ngụy để thử tinh thần Ngụy Báo, nhưng ông ta nói chí phải. Ngụy chỉ là cái tên
gọi. Vì vậy, không thể lấy đó làm thước đo trí tuệ của vua quan, cũng như trình
độ dân trí của họ. Tướng quân hãy mau truyền lịnh ta. Tất cả các tướng sĩ,
không được vì chiến thắng mà sinh lòng kiêu ngạo, bởi đó hành động hạ đẳng của
bọn kiêu binh! Đừng có nghĩ, “TA” là kẻ chiến thắng thì cái gì của mình hay,
cũng đúng, rồi đưa cái “TA” lên trên thiên hạ. Đời chỉ có “TA” ngu thôi, còn
trăm họ luôn sáng suốt!
Đã là kẻ thắng cuộc, nếu
ta không hơn kẻ chiến bại tất cả mọi mặt, thì ít ra cũng có mặt ta hơn. Đó là
điều khó khăn nhất! Nếu là kẻ thắng cuộc thì ta phải làm được điều gì cho quân
dân phe chiến bại thấy rằng, họ thua ta là xứng đáng, là vì họ thiếu chánh
nghĩa. Có như vậy, thì chiến thắng kia mới thực sự vinh quang. Còn nếu như ta
chiến thắng họ rồi tỏ ra ươn hèn, ngu si trước kẻ thù chung của dân tộc, của
đất nước và, không có chính nghĩa bằng kẻ chiến bại, thì liệu cái chiến thắng
đó có vinh quang, có được sử sách ghi chép chiến công? Hay sau nầy, qua sách sử
cháu con bọn ta sẽ bị cả dân tộc nầy nguyền rủa ông cha chúng là những kẻ vì
lợi ích riêng tư mà bán rẻ cả dân tộc, bán rẻ cả tổ quốc?
Trước khi vâng lịnh lui
ra, Quán Anh vòng tay thi lễ, cung kính nói:
- Lời Nguyên Soái chí
phải! Đúng là châu báu cũng không sánh bằng. Trong tâm trí của kẻ thua trận và
nhân dân của họ không tâm phục khẩu phục thì sự chiến thắng đó chẳng có gì vinh
dự cả! Và, còn làm cho kẻ chiến bại họ xem sự chiến thắng đó giống như… lũ chó
đói trên đồng hoang vớ phải… c… ứt!
Hàn Tín đưa tay vỗ vỗ vào
vai Quán Anh, giọng thân tình nói:
- Không ngờ… tướng quân
Quán Anh là người hiểu thấu ruột gan Tín nầy. Ha! Ha..a..a.a!
Sau đó, Hán Vương lại sai
Hàn Tín đi đánh nước Đại.
Tháng chín nhuận, năm 205
TCN, Hàn Tín phá quân Đại, bắt được thừa tướng Hạ Duyệt, người được Đại vương
Trần Dư ủy quyền cai quản đất Ứ Dự của nước Đại. Lúc đó chiến sự giữa Hán và Sở
đang rất gay go, Hán Vương bị Sở Bá vương tấn công mạnh mẽ. Hán Vương nghe tin
Hàn Tín diệt liền hai nước, liền truyền thu tinh binh của ông đem đến Huỳnh
Dương để chống Sở.
Hàn Tín và Trương Nhĩ mộ
quân mới, được mấy vạn người, đi về phía Đông xuống Tỉnh Hình để đánh Triệu.
Vua Triệu và Trần Dư nghe tin quân Hán sắp đánh úp, bèn tụ tập quân đội ở Tỉnh
Hình, phao là hai mươi vạn. Tướng Triệu là Lý Tả Xa bày mưu cho Trần Dư nên cố
thủ và chẹn đường vận lương của quân Hán nhưng Trần Dư không nghe theo.
Hàn Tín sai người sang
thám thính, biết mưu của Lý Tả Xa không được dùng, bèn đem quân thẳng xuống.
Chưa đến cửa Tỉnh Hình, cách ba mươi dặm, dừng lại cắm trại. Nửa đêm truyền
lệnh xuất phát. Chọn hai nghìn kỵ binh trang bị nhẹ, mỗi người cầm một lá cờ đỏ
đi theo đường tắt lén lút sang theo dõi quân Triệu.
Xong, Hàn Tín truyền lệnh
cho đoàn kỵ binh:
- “Triệu thấy ta chạy,
thế nào cũng bỏ trống thành mà đuổi ra. Các ngươi tiến ngay vào trong thành,
nhổ cờ của Triệu dựng cờ đỏ của Hán.
Sau đó ông sai các tùy
tướng truyền bảo cho binh sĩ ăn cơm lót lòng thôi, và nói:
- “Hôm nay phá quân Triệu
xong sẽ họp nhau ăn tiệc.”
Các tướng nghe lệnh nhưng
vẫn nghi hoặc không ai tin.
Sau đó Hàn Tín nói với
tướng sĩ:
- “Quân Triệu đã giữ địa
thế tiện lợi trước để xây đồn lũy, chúng lại chưa thấy cờ trống, chúng chưa
thấy quân ta nên chưa chịu tiến lên đánh đội tiên phong vì chúng sợ đến nơi
đường hẹp, hiểm trở ta phản công thì khó quay lại.
Rồi Hàn Tín sai một vạn
người đi trước bày trận quay lưng ra sông. Đó là phép tối kỵ trong binh pháp vì
theo binh pháp, phải dựa vào núi và nhìn ra sông, nếu tựa vào sông sẽ bị kẻ
địch đánh dồn tới hết đường chạy, đó là chỗ chết. Vì thế quân Triệu ở xa nhìn
thấy, khinh chê nói cười nghiêng ngửa.
Lúc bình minh, Hàn Tín
truyền dựng cờ đại tướng, đánh trống lên, kéo quân ra cửa Tỉnh Hình. Quân Triệu
mở cửa lũy, đánh nhau to một hồi lâu. Bấy giờ Hàn Tín, Trương Nhĩ lệnh cho vờ
bỏ cờ trống chạy đến đạo quân gần sông. Đạo quân gần sông rẽ ra, đón lấy họ,
rồi lại chiến đấu dữ dội.
Quả nhiên quân Triệu bỏ
thành ra tranh lấy cờ trống của Hán, đuổi theo quân Hàn Tín, Trương Nhĩ.
Khi quân Hàn Tín, Trương
Nhĩ đã nhập vào đạo quân ở gần sông thì quân đội đều liều chết chiến đấu không
thể nào địch quân đánh bại được. Hai nghìn quân kỵ mà Tín đã cho đi từ trước
chờ đến khi quân Triệu bỏ lũy trống để đuổi theo để lấy cờ trống của Hán, liền
phi ngựa nhanh vào trong thành, nhổ tất cả cờ xí của Triệu để dựng hai nghìn lá
cờ đỏ của Hán.
Quân Triệu đã không
thắng, không bắt được Hàn Tín và các tướng Hán, muốn quay trở về đồn, nhưng
trong thành toàn là cờ đỏ của Hán thì cả sợ, cho rằng quân Hán đã bắt được
tướng của Triệu Vương rồi. Quân sĩ hỗn loạn bỏ chạy. Tướng Triệu chém những kẻ
bỏ chạy cũng không ngăn được. Quân Hán hai bên áp lại, phá tan quân Triệu, chém
Trần Dư trên sông Chi Thủy, bắt sống Triệu Vương Yết.
Hàn Tín ra lệnh cho quân
đội không được giết Lý Tả Xa, ai bắt sống được ông ta thì thưởng ngàn vàng. Có
người trói Tả Xa nộp dưới cờ, Tín bèn cởi trói cho ông ta và cho ngồi quay mặt
về hướng Đông, còn mình ngồi quay mặt về hướng Tây, bái làm thầy… (xin xem phần
trích dẫn dưới đây)
Lý Tả Xa. Trích Sử Ký Tư
Mã Thiên – Phần Hoài Âm Hầu: “Lý tả Xa người Bách Nhân, là cháu nội Lý Mục là
tướng Triệu; cha là Bạc, làm Trung đại phu chiêm sự đời Tần. Tả Xa làm việc cho
Triệu vương Hiết, được phong Quảng Vũ Quân, tức là thành cũ Quảng Vũ đời Minh.
Ông là mưu sĩ nước Triệu cuối đời Tần, từng khuyên tướng Hán là Hàn Tín chiêu
dụ thay vì phát binh tiến đánh 2 nước Yên, Tề, kết quả thành công.
Tháng 10 năm 204 TCN, bọn
tướng Hán là Hàn Tín, Trương Nhĩ đưa mấy vạn quân vượt núi Thái Hành, đông tiến
đánh Triệu, lúc nầy đang phụ thuộc nước Sở. Tả Xa theo Thành An quân Trần Dư
tập trung binh lực ở cửa Tỉnh Hình, chiếm giữ địa hình có lợi, chuẩn bị cùng
Hàn Tín quyết chiến. Ông nghĩ, quân Hán đi xa thiếu lương, sĩ tốt đói mệt, vả
lại Tỉnh Hình đường sá chật hẹp, ngựa xe không dùng được, nghiêm thủ thì khó
lòng thất bại; tự xin nắm 3 vạn quân, theo đường nhỏ cắt đứt đường vận lương
của quân Hán. Trần Dư không nghe, kiên quyết đón đánh quân Hán.
Hàn Tín bày "trận
Bối thủy" dọc theo bờ đông sông Bí, đánh cho quân Triệu đại bại. Tín treo
thưởng ngàn vàng cho ai bắt được Tả Xa. Không lâu sau, có người trói ông đưa
đến trước trướng.
Hàn Tín lập tức cởi trói
cho ông, mời ngồi quay mặt về hướng đông, Hàn Tín ngồi quay mặt về hướng Tây,
bái làm thầy.
Hàn Tín hỏi Quảng Vũ Quân
(Lý Tả Xa):
- “Kẻ hèn nầy muốn bắc
đánh Yên, đông dẹp Tề, làm thế nào thì thành công?”
Quảng Vũ Quân, tạ rằng:
- “Tôi nghe tướng thua
trận, không thể kể chuyện dũng cảm; đại phu mất nước, không thể toan mưu giữ
gìn. Nay tôi là tên tù thất bại mất nước, sao có quyền bàn đến việc lớn!?”
Tín nói:
- “Kẻ hèn nầy nghe nói,
Bách Lý Hề ở nước Ngu thì nước Ngu bị mất, ở nước Tần thì nước Tần xưng bá,
không phải Bách Lý Hề ở Ngu thì ngu, ở Tần thì khôn, ấy là do được dùng hay
không! Nếu như Thành An Quân nghe theo kế của túc hạ, thì Tín nầy đã bị bắt
rồi.”
Nói xong, cố nài rằng:
- “Kẻ hèn nầy dốc lòng
theo kế, xin túc hạ chớ từ khước từ thành ý”.
Quảng Vũ Quân nói:
- “Tôi nghe kẻ khôn nghĩ
ngàn việc, ắt có một việc sai; kẻ ngu nghĩ ngàn việc, ắt có một việc đúng. Nên
mới có câu “lời của kẻ rồ, thánh nhân cũng xét đến”. (Hán Việt: Thiên lự nhất
đắc. Tạm dịch: ngàn nghĩ được một). (Hán Việt: trí giả thiên lự, tất hữu nhất
thất; ngu giả thiên lự, tất hữu nhất đắc. Tạm dịch: kẻ khôn nghĩ ngàn việc, ắt
có một việc sai; kẻ ngu nghĩ ngàn việc, ắt có một việc đúng).
Chỉ e kế của tôi chưa
chắc đã dùng được, chỉ xin tỏ lòng ngu trung. Ôi! Thành An Quân có kế bách
chiến bách thắng, trhế mà một sớm, một chiều lại thất bại, quân bại dưới thành
Khao, thân chết gần sông Bí. Nay tướng quân vượt Tây Hà, cầm tù Ngụy Vương
(Ngụy Báo), bắt Hạ Duyệt ở Át Dữ, một trận lấy Tỉnh Hình, không đầy một buổi
sáng phá 20 vạn quân Triệu, giết Thành An Quân. Tiếng nổi trong nước, oai vang thiên
hạ, nông phu không ai không nghỉ cấy buông cày, mặc áo đẹp, ăn món ngon,
nghiêng tai để đợi mệnh.
Như thế, là sở trường của
tướng quân vậy. Nhưng mà giờ đây sĩ nhọc, tốt mỏi, kỳ thật khó dùng.
Nay tướng quân muốn cất
quân vất vả, đình đốn dưới thành nước Yên, muốn đánh thì sợ lâu ngày không nhổ
được, tính rõ thì thế yếu, lâu ngày thì hết lương, mà nếu Yên không phục, Tề ắt
giữ biên giới chống lại. Yên - Tề
giằng co không hạ được, thì quyền vị của Lưu (Bang) - Hạng (Vũ) chưa phân rõ.
Như thế ấy, tức là sở đoản của tướng quân vậy.
Tôi ngu, trộm cho rằng
làm thế là sai. Bởi kẻ giỏi dùng binh không lấy đoản đánh trường, mà lấy trường
đánh đoản.”
Hàn Tín nói:
- “Vậy Tín nầy nên làm
thế nào?”
Quảng Vũ Quân đáp rằng:
- “Đương lúc nầy xin bày
kế cho tướng quân, chẳng bằng xếp giáp dừng binh, vỗ về những đứa con mất cha
của nước Triệu; trong vòng trăm dặm, đem bò rượu đến đãi hết ngày, đem thết sĩ
phu và khao binh sĩ; đề phòng nước Yên ở mặt Bắc, rồi sau đó sai biện sĩ đem
thư bộc lộ sở trường của ở Yên, Yên ắt chẳng dám không nghe theo. Yên đã theo,
thì sai sứ giả truyền lời sang nước Tề ở phía đông, Tề ắt thuận thời mà theo;
dẫu có kẻ khôn, cũng không thể bày kế cho Tề. Như thế, thì thiên hạ có thể lấy
được. Việc binh vốn có phép trước hư (đánh tiếng) rồi sau thật (dùng binh)
vậy.”
Hàn Tín nói:
- “Chí phải." Tín
nầy xin theo sách lược của ông”. Rồi sai sứ đi Yên, Yên thuận thời mà hàng.) (ngưng trích).
Các tướng đem thủ cấp các
tướng Triệu và tù binh đến nộp đâu đấy và chúc mừng, nhân dịp hỏi Hàn Tín:
- “Binh pháp nói, “khi
dàn binh phải chọn, bên phải và sau lưng thì có núi gò, trước mặt bên trái thì
có sông đầm, nay tướng quân lại sai bọn chúng tôi quay lưng ra sông mà bày
trận, nói rằng phá xong quân Triệu sẽ ăn cơm. Bọn chúng tôi không phục nhưng
kết quả lại thắng, không biết đó là thuật gì?”
Hàn Tín cười đáp:
- “Điều đó có ở trong
binh pháp, chỉ có điều các ngươi không xét đến mà thôi. Chẳng phải binh pháp có
nói: “Hãm vào đất chết thì sau đó mới sống, dắt vào chỗ mất thì sau đó mới còn”
hay sao? Vả chăng không phải ta đã có những tướng sĩ đã từng được huấn luyện
sao? Đây cũng như người ta nói là buộc những người ngoài chợ phải đi đánh giặc.
Trong tình thế đó, nếu không đặt họ vào nơi đất chết thì họ không thể nào chiến
đấu. Ta đặt họ vào đất chết khiến cho người nào cũng vì mình mà chiến đấu thì
sao chẳng thành công? Nếu như ta để cho họ vào nơi đất sống thì họ đều bỏ chạy,
ta còn làm sao dùng họ được nữa?”
Theo kế của Lý Tả Xa, Hàn
Tín cho quân nghỉ ngơi, bình định nước Triệu, rồi sai người mang một bức thư sang
nước Yên dụ Yên vương Tang Đồ. Tang Đồ sợ thế quân Hán bèn xin theo.
Hàn Tín sai sứ báo với
Hán, nhân tiện xin lập Trương Nhĩ làm Triệu Vương để cai trị và vỗ về nước này.
Vua Hán ưng thuận, bèn lập Trương Nhĩ làm Triệu Vương.
* *
*
Hạng Vũ mấy lần sai kỵ
binh vượt qua sông Hoàng Hà đánh Triệu. Triệu Vương Nhĩ và Hàn Tín đi đi lại lại để cứu
Triệu, nhân lúc đi lại bình định các thành ấp ở Triệu, đem binh đến giúp Hán
Vương.
Hạng vương đang bận vào
việc vây Hán Vương ở Huỳnh Dương, nên không thể dồn đại quân đánh Triệu. Hán
Vương bị quân Sở vậy ngặt, phải trốn ra về phía Nam, đến giữa miền Uyển và
Diệp, chạy vào Thành Cao. Hạng Vũ lại bao vây rất gấp.
Tháng sáu năm 204 TCN,
Hán Vương ra khỏi Thành Cao, chạy về hướng đông, vượt qua sông Hoàng Hà, chỉ có
một mình Hạ Hầu Anh cùng đi. Hán Vương theo quân của Trương Nhĩ đến Tu Vũ. Đến
nơi, Hán Vương nghỉ ở ngoài quán trọ. Sáng sớm, Hán Vương tự xưng là sứ thần
nhà Hán, phi ngựa vào trong thành Triệu. Trương Nhĩ, Hàn Tín chưa dậy, Hán
Vương vào trong phòng ngủ, cướp ấn tín và binh phù, dùng cờ mao để triệu tập
các tướng, thay đổi chức vị các tướng.
Khi Hàn Tín và Trương Nhĩ
thức dậy, mới biết là Hán Vương đã đến. Hán Vương sau khi đoạt quân của hai
người liền ra lệnh cho Trương Nhĩ giữ lấy đất Triệu, phong Hàn Tín làm tướng
quốc, thu quân đội của Triệu chưa phái đến Huỳnh Dương để đánh Tề.
Hàn Tín đem quân sang
Đông, chưa vượt qua bến sông Bình Nguyên thì nghe tin sứ thần của Hán Vương là
Lịch Tự Cơ đã thuyết phục được nước Tề đầu hàng. Hàn Tín muốn dừng lại. Người biện
sĩ đất Phạm Dương là Khoái Triệt bàn với Hàn Tín:
- “Tướng quân nhận chiếu
đánh nước Tề, nay Hán Vương chỉ sai một người ly gián mà khiến nước Tề đầu
hàng, nhưng đã có chiếu chỉ bảo tướng quân dừng lại đâu? Tại sao tướng quân lại
không đi? Vả chăng Lịch Sinh là một kẻ sĩ kính cẩn chỉ múa ba tấc lưỡi mà hạ
được hơn bảy mươi thành của nước Tề, tướng quân cầm mấy vạn quân hơn một năm
mới hạ được hơn năm mươi thành của Triệu. Làm tướng quân bao năm mà công không
bằng một anh nhà nho hay sao?”
Hàn Tín cho là phải, theo
kế của Khoái Triệt, mang quân vượt qua sông Hà.
Nước Tề đã nghe lời Lịch
Sinh nên giữ Lịch Sinh ở lại uống rượu, triệt bỏ các quân đội để phòng ngự quân
Hán. Hàn Tín nhân đó đánh úp quân Tề ở Lịch Hạ, đi đến Lâm Tri. Vua Tề là Điền
Quảng cho rằng Lịch Sinh lừa mình nên nấu Lịch Sinh và trốn đến đất Cao Mật,
sai sứ đến nước Sở để cầu cứu. Sau khi đã bình định Lâm Tri, Hàn Tín đi về
hướng Đông, đuổi Quảng đến phía Tây đất Cao Mật.
Hạng Vương nghe cầu cứu
của Tề, bèn sai Long Thư làm tướng, phao là hai mươi vạn quân, đem quân đến cứu
Tề. Vua Tề là Điền Quảng cùng Long Thư dồn quân để đánh nhau với Hàn Tín.
Long Thư bày trận hai bên
sông Tuy Thủy. Hàn Tín đang đêm sai người đan hơn một vạn cái vỏ đổ đầy đất
chặn lấy thượng lưu dòng sông rồi đem quân qua nửa chừng đánh Long Thư, giả vờ
thua, quay lưng bỏ chạy về. Long Thư quả nhiên mừng rỡ nói:
- “Ta biết Hàn Tín nhát
gan mà!”
Bèn dẫn quân đuổi theo,
qua sông. Lúc đó Hàn Tín cho người phá các vỏ đựng đất, nước sông chảy cuồn
cuộn, ào ào như thát đổ, đại quân của Long Thư qua quá nửa sông không qua tiếp
được, cũng chẳng quay lại được. Hàn Tín mới thúc quân đánh gấp, giết được Long
Thư. Bộ phận quân của Long Thư phía đông dòng sông (tức phía bên kia bờ) bỏ
chạy tán loạn.
Vua Tề là Điền Quảng chạy
trốn. Hàn Tín liền đuổi theo đến đất Thành Dương, bắt bỏ tù tất cả lính Tề.
Năm 203 TCN, Hàn Tín bình
định nước Tề, sai người báo với Lưu Bang:
- “Nước Tề là nước gian
dối, hay gây biến, tráo trở. Biên giới phía Nam là nước Sở, nếu không lập giả
vương để giữ thì không thể bình định được. Xin cho tôi làm giả vương.”
Lúc bấy giờ quân Sở đang
vây Hán Vương rất gấp ở thành Huỳnh Dương. Sứ giả của Hàn Tín đến, Hán Vương mở
phong thư ra, cả giận mắng:
- “Ta đang nguy khốn ở
đây, sớm chiều trông nó đến giúp thế mà nó lại muốn tự lập làm vương à?”
Các mưu sĩ Trương Lương,
Trần Bình giẫm vào chân Hán Vương, nhân đấy ghé vào tai Hán Vương nói:
- “Nhà Hán hiện nay bất
lợi, có thể cấm không cho Tín làm vương được không? Chi bằng nhân đấy mà lập,
đối xử với ông ta cho tử tế, khiến ông ta vì mình mà giữ. Nếu không sẽ sinh
biến.”
Hán vương nghe theo, liền
sai Trương Lương đi lập Hàn Tín làm Tề Vương, trưng dụng binh của ông đến đánh
Sở.
Nghe tin Long Thư chết,
Hạng Vương lo lắng sai Vũ Thiệp, người Vu Thai đến nói với Tề Vương Tín (Hàn
Tín), hãy phản Hán để chia ba thiên hạ nhưng ông từ tạ rằng:
- “Tôi thờ Hạng Vương,
quan chẳng qua là lang trung, địa vị chẳng qua là cầm kích đứng hầu ở điện, lời
nói ra không được nghe, mưu kế đưa ra không được dùng, cho nên tôi bỏ Sở mà
theo Hán. Hán Vương trao cho tôi ấn thượng tướng quân, giao cho tôi mấy vạn
binh, cởi áo của mình để cho tôi được dùng. Cho nên tôi mới được như thế này.
Phàm người ta hết sức tin cậy mình thành thực như thế mà mình phản lại là điều
chẳng lành. Tôi dù chết cũng không thay lòng đổi dạ. Nhờ ông thưa lại với Hạng
Vương rằng Tín nầy từ chối.”
Sau khi Vũ Thiệp đi rồi,
người nước Tề là Khoái Triệt biết rằng thiên hạ ai thắng ai bại là ở Hàn Tín,
cũng ra sức thuyết phục ông cắt đất Tề, Yên, Triệu để chia ba thiên hạ, tạo thế
chân vạc. Nhưng ông nói với Khoái Triệt rằng:
- “Vua Hán đối đãi tôi
rất hậu, lấy xe của mình để cho tôi đi, lấy áo của mình để cho tôi mặc, lấy cơm
của mình để cho tôi ăn. Tôi nghe nói “đi xe người ta thì lo điều lo của người
ta, mặc áo của người ta thì mang điều lo nghĩ của người ta, ăn cơm người ta thì
chết cho công việc của người ta”. Tôi lẽ nào lại chạy theo lợi mà quên nghĩa?
Khoái Triệt cố phân tích
mọi lẽ để thuyết phục, ông nói thêm mấy lần nữa cũng không lay chuyển nổi vì
Hàn Tín không nỡ phản lại Nhà Hán. Ông lại tự cho rằng mình lập được nhiều
chiến công, vua Hán dẫu sao cũng không lấy mất nước Tề của mình, nên ông bèn từ
tạ Khoái Triệt. Khoái Triệt nói không được, bèn giả điên, làm người thầy cúng.
Sau hoà ước Hồng Câu, năm
202 TCN, Hán vương theo kế của Trương Lương, bội ước mang quân đánh úp Hạng
Vương, nhưng vẫn bị Hạng Vương quay lại đánh cho đại bại ở Cố Lăng. Lưu Bang lo
sợ, bèn theo kế của Trương Lương, triệu Hàn Tín cùng Bành Việt mang quân về
giúp, hứa sẽ phong cho nhiều đất.
Hàn Tín cùng Bành Việt
nghe theo, đem binh họp nhau với Hán vương ở Cai Hạ. Hạng Vương thấy quân Hán
ngày càng đông, biết không thắng được, bèn hạ lệnh quay về phía đông rút về
Bành Thành. Hàn Tín đem quân tập kích quân Sở giữa đường, Hạng Vương tức giận
đem quân quay lại. Hàn Tín giả rút lui, trên đường đã đặt sẵn quân mai phục
khắp các mặt. Hạng Vương không biết là bẫy, đi đến đâu cũng bị quân Hán đổ ra
tập kích, không sao thoát được, cuối cùng thì phải rút vào Cai Hạ. Mấy mươi vạn
quân Hán siết chặt vòng vây, quân Sở bị vây kín mười mặt.
Theo kế Trương Lương, Lưu
Bang cho quân Hán bốn phía cùng ca bài ca nước Sở (tứ diện Sở ca). Quân Sở nghe
tiếng hát, nghĩ là Sở bị Hán chiếm rồi, bèn đào ngũ trốn đi hết. Ái thiếp của
Hạng Vương là Ngu Cơ tự sát, Hạng Vương cùng 800 thân binh phá vây, đến bờ Ô
Giang thì chỉ còn 26 người. Có người đình trưởng chờ ở bờ sông muốn đưa Hạng
Vương qua sông về Giang Đông nhưng Hạng Vương từ chối rồi cùng 26 kỵ binh bỏ
ngựa tử chiến. Hạng Vương một mình giết mấy trăm người, chịu mười mấy vết
thương, cuối cùng đâm cổ tự sát. Tây Sở diệt vong.
Sau khi Hạng Vũ đã bị
phá, Lưu Bang lập tức đoạt lấy quân của Tề Vương Tín (Hàn Tín) lần thứ hai (lần
trước ở thành Tu Vũ).
Hàn Tín vừa lập được công
xong lập tức bị tước binh quyền. Tới tháng giêng năm 202 TCN, Lưu Bang dời Tề
Vương Tín làm Sở Vương, đóng đô ở Hạ Bì. Lưu Bang lên ngôi hoàng đế, lập ra
vương triều Đại Hán, tức là Hán Cao Tổ. Nhà Hán trị vì 400 năm.
Năm ấy, mọi chuyện đã ổn
định. Hàn Tín về quê thăm lại bà Phiếu Mẫu, người mà trước đây đã cưu mang Hàn
Tín thuở còn hàn vi, từng cho cơm Hàn Tín trong cơn đói khát.
Hàn Tín bèn xây nhà, tặng
châu báu, tạo vườn tượt, cung cấp ruộng đất, người hầu và nguyện chăm sóc Phiếu
Mẫu đến cuối đời.
Hàn Tín truyền gọi tên
hàng thịt ngày trước bắt mình lòn trôn giữa chợ đến ban truyền:
- Nhờ trước kia nhà ngươi
bắt ta lòn trôn giữa chợ, mà hôm nay ta trở thành Đại Tướng. Ta rất cám ơn
ngươi. Bây giờ ta ban cho nhà ngươi chức Huyện Lệnh (Quận trưởng) ở đây.
Tên hàng thịt lúc đầu
nghe Hàn Tín gọi đến run như cầy sấy, đến khi nghe Tín ban cho chức Huyện Lệnh
như mở cờ trong bụng, liền dập đầu lạy tạ và nhận lịnh lên đường.
Quán Anh thấy vậy can:
- Một kẻ ngu dốt chuyên
làm nghề thịt heo. Nó biết gì, sao Đại Tướng lại bổ nhiệm làm quan?
Hàn Tín cười, đáp:
- Chỉ trong một thời gian
nữa, Tướng Quân sẽ biết ý định của ta.
Vốn kẻ ngu dốt, học hành
không qua chữ Nhất (一) gặp thời bỗng nhiên được phe phái nâng lên làm quan, có
uy quyền, ăn trên ngồi trước, bỗng lộc ngày ngày… Tân Huyện lệnh (tên hàng
thịt) rất hách dịch, tha hồ giở thói tham lam, hiếp đáp bốc lột đất đai, tài
sản dân lành.
Người có học hành, đạo
đức làm quan thường có liêm sỉ, biết nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Còn bọ ngu dốt
như tên đồ tể được làm huyện lệnh chi hại dân, hại nước mà thôi.
Mấy tháng sau, Hàn Tín
đến huyền đường do tên hàng thịt làm huyện lệnh thanh tra sổ sách, phát hiện
hắn ta vơ vét của dân từ bãi cứt khô đến ngoại viện do chánh quyền trung ương
rót xuống cứu trợ thiên tai, bão lụt cho dân, hắn ta đều đớp hết cho vào túi
riêng.
Chiếu theo phép nước, Hàn
Tín ra lịnh xử tử, tịch thâu tất cả tài sản của tên huyện lệnh ngu dốt hàng
thịt kia sung vào công quỹ
Trên đường về Quán Anh
sực hiểu ra, bật cười sang sảng. Hàn Tín ngạc nhiên hỏi:
- Sao Tướng Quân lại
cười?
Quán Anh, đáp:
- Tôi cười vì khâm phục
sự… trả thù hết sức tuyệt diệu của Nguyên Soái.
Hàn Tín vờ không hiểu:
- Tướng Quân nói ta trả
thù? Vậy ta trả thù ai?
Quán Anh nói:
- Suốt cuộc đời vào chinh
ra chiến, lẫy lừng cùng trận mạc, Ngài thừa hiểu rằng, bọn bất tài vô tướng khi
chúng có chức có quyền bao giờ cũng có lòng tham vô độ. Với một gã bán thịt, kẻ
mà trước đây bắt Ngài lòn trôn giữa chợ, khi Ngài làm Đại Tướng, muốn giết nó
lúc nào không được? Nhưng giết nó lúc đó, người đời sẽ thấy Ngài chú tâm trả
thù cá nhân, nên Ngài ban cho nó chức huyện lệnh, để người người nhìn vào cứ
tưởng đó là tấm lòng vị tha, đức độ, bao dung của Ngài. Nhưng thực ra, Ngài
biết những kẻ ngu dốt như tên hàng thịt kia khi có chức có quyền sẽ lộ rõ chân
tướng tham lam của công, cướp bốc tài sản, đất đai dân nghèo, lúc đó Ngài nhân
danh pháp luật trị tội nó. Giết nó mà được danh chánh ngôn thuận. Chẳng ai dám
nghĩ Ngài giết nó để trả thù riêng.
Hàn Tín cười to, nói:
- “Ôi, sanh ta ra là cha
mẹ, hiểu ta là Quán Anh. Ta rất khâm phục cái trí của Tướng Quân!”
Quán Anh chấp tay xá ba
xá đáp lễ, rối nói:
- Cái trí của kẻ nầy chỉ
là cái trí của giống chim sâu, chim sẻ. Cái trí của Nguyên Soái là cái trí của
giống Đại Bàng, của chim Hồng chim Hộc. Quán Anh nào dám sánh? Nào dám nhận lời
khen của Ngài! Có điều không bóng tối nào được ánh quang rọi đến mà không sáng.
Tiểu nhân được như ngày hôm nay chẳng qua là nhờ được đứng dưới vầng nhật
nguyệt mà thôi!
* *
*
Một lần, lúc thung dung
Lưu Bang nói chuyện với Hàn Tín về tài năng của các tướng, xem tài năng họ như
thế nào, Lưu Bang hỏi Hàn Tín:
- “Như ta thì có thể cầm
được bao nhiêu quân?”
Hàn Tín nói:
- “Bệ hạ chẳng qua chỉ
cầm được mười vạn.”
Lưu Bang lại hỏi:
- “Thế còn nhà ngươi thì
cầm được bao nhiêu?”
Hán Tín trả lời:
- “Thần thì càng nhiều
càng tốt!”
Lưu Bang cười nói:
- “Càng nhiều càng tốt
thì sao lại bị ta bắt?”
Hán Tín đáp:
- “Bệ hạ không có tài cầm
quân, nhưng có tài cầm tướng, vì vậy cho nên Tín mới bị bệ hạ bắt.
Sau lần đó, Lưu Bang càng
sợ tài của Tín và quyết trừ khử cho được.
Viên tướng của Hạng Vương
bỏ trốn là Chung Ly Muội nhà ở núi Y Lư, vốn chơi thân với Tín. Sau khi Hạng
Vương chết, Muội bỏ trốn về với Hàn Tín. Hán Cao Đế truy lùng Chung Muội, nghe
nói Muội ở Sở, ra chiếu cho Sở Vương Tín bắt Muội.
Năm 201 TCN, có người đưa
thư lên báo Sở Vương Tín làm phản. Cao Đế dùng mưu kế của Trần Bình, giả cách
thiên tử đi tuần thú hội họp chư hầu. Ở phương Nam có đất Vân Mộng, Hán Đế bèn
sai sứ báo cho chư hầu biết vua sẽ họp ở đất Trần, rằng: “Cao Đế sẽ đi chơi Vân
Mộng, kỳ thực vua Hán muốn bắt Hàn Tín, nhưng Tín không biết.
Cao Tổ sắp đến Sở, Hàn
Tín lo lắng vì chứa Chung Ly Muội trong nhà. Có người khuyên ông chém Muội để
ra mắt nhà vua thì sẽ khỏi tội.
Hàn Tín bèn đến gặp Chung
Ly Muội nói về việc ấy, Muội nói:
- “Nhà Hán sở dĩ không
dám đánh lấy Sở là vì Muội ở nhà ông. Nay ông muốn bắt ta để nịnh nhà Hán, thì
ta hôm nay chết nhưng ông cũng chết theo như trở tay mà thôi.”
Rồi Muội mắng Hàn Tín:
- “Nhà ngươi không phải
bậc quân tử!”
Nói xong, Chung Muội tự
đâm cổ chết. Hàn Tín cắt đầu Chung Ly Muội đem ra mắt Lưu Bang ở đất Trần. Lưu
Bang sai võ sĩ trói Tín lại chở ở xe sau. Hàn Tín nói:
- “Đúng như người ta nói:
“Thỏ khôn hết thì chó giỏi bị nấu, chim cao hết thì cung tốt bị cất, nước địch
bị phá thì mưu thần hết đời”. Thiên hạ đã bình định rồi, ta bị nấu là đáng
lắm!”
Lưu Bang đáp:
- “Người ta bảo nhà ngươi
làm phản”.
Rồi sai áp giải ông về
kinh. Đến Lạc Dương thì tha tội cho ông, giáng làm Hoài Âm Hầu.
Ý kiến của các nhà nghiên
cứu đều cho rằng, Lưu Bang nghe theo các cận thần, hoặc tự đặt ra chuyện có
người tố cáo Hàn Tín mưu phản để lấy cớ bắt ông mang về kinh quản thúc và giáng
chức, kỳ thực Hàn Tín không có tội. Vì vậy khi đưa Hàn Tín từ nước Sở về kinh,
lập tức Lưu Bang hạ lệnh tha Hàn Tín, lý do Tín không còn binh quyền trong tay
để đe dọa ngai vàng của Lưu Bang.
Sử ký Tư Mã Thiên ghi đại
ý:
“Năm 196 TCN, Trần Hy làm
phản. Lưu Bang thân hành làm tướng, đem quân đi đánh. Hàn Tín mưu tập hợp người
nhà làm phản ở kinh đô để làm nội ứng cho Trần Hy. Nhưng vì có người môn hạ có
tội với Hàn Tín bị ông bỏ tù, muốn giết đi nên em của người này ra đầu thú báo
tin với triều đình, tố cáo ông muốn làm phản.”
Lã Hậu muốn gọi Hàn Tín
vào, nhưng sợ ông không đến, nên bàn với tướng quốc Tiêu Hà, giả vờ sai người
từ ngoài chiến trường chỗ Lưu Bang trở về báo tin rằng: Trần Hy đã chết, các
chư hầu, các quan đều đến mừng. Tiêu Hà lừa Hàn Tín rằng:
- “Tuy ngài ốm, cũng xin
cố gắng vào mừng!”
Hàn Tín theo Tiêu Hà vào
cung, Lã Hậu lập tức sai võ sĩ trói ông, rồi mang chém ở nhà treo chuông trong
cung Trường Lạc. Lúc sắp bị chém, Hàn Tín nói to:
- “Ta hối hận không dùng
mưu kế của Khoái Triệt, cho nên mới bị bọn đàn bà con nít lừa dối. Há chẳng
phái là vì trời muốn thế hay sao?”
Lã Hậu bèn giết cả ba họ
nhà Hàn Tín. Sau khi Lưu Bang đã dẹp xong quân của Trần Hy trở về kinh đô, thấy
Hàn Tín đã chết Hán Cao Đế vừa mừng vừa thương.
Tiêu Hà trước kia là ân
nhân của Hàn Tín, ra sức tiến cử ông với Lưu Bang, nhưng cuối cùng lại chính
Tiêu Hà lừa ông vào cung cho Lã Hậu giết. Bởi vậy đời sau nói rằng Hàn Tín làm
nên sự nghiệp nhờ bởi Tiêu Hà mà chết cũng do tay Tiêu Hà.
Nghi án lịch sử:
“Theo các nhà nghiên cứu,
triều đình kết tội Hàn Tín đồng mưu với phản thần Trần Hy làm nội gián, nhưng
thực ra đây chỉ là sự vu cáo. Hàn Tín không có tội mà đây là do Lưu Bang, Lã
Hậu bày đặt vu hãm Hàn Tín do tài năng, công lao của ông quá lớn. Hàn Tín là
người thực sự trung thành, đến mức ngu trung, với Lưu Bang, bởi Lưu Bang đã
trọng dụng ông khi ông còn hàn vi, thất thế bên chính quyền Hạng Vũ. Cho nên,
lúc Tín diệt Tề, thiên hạ 7 nước thì 6 đã theo Hán, nước Sở thế cô, Hạng Vũ sai
thuyết khách đến dụ ông phản Hán nhưng ông không nghe. Mưu sĩ của ông là Khoái
Triệt nhân đó cũng khuyên ông phản Hán để chia ba thiên hạ, nhưng Hàn Tín không
nỡ.
Khi nắm hàng chục vạn
binh hùng tướng mạnh trong tay như thế, Hàn Tín đã không hề có ý làm phản. Kể
cả khi làm Sở vương, ông cũng giết bạn cũ Chung Ly Muội để chứng tỏ lòng trung
thành, chứng tỏ ông không hề có ý phản Lưu Bang. Vì vậy, việc đặt điều nói rằng
ông định tập hợp vài trăm nô tỳ mà làm phản thì quả là sự vu cáo vụng về, vì
ông là nhà cầm quân lão luyện, không thể ngu muội làm một việc ngớ ngẩn để rước
cái chết vào mình như vậy. Mà khi ông đã có ý làm phản thì sẽ không dám theo
Tiêu Hà vào cung để cho Lã hậu bắt chém.”
Sách Sử ký Chí nghi của
Lương Ngọc Thắng nói:
- “Tín chết oan vậy!
Những người hiền ngày trước đều thấy ông không có tội trạng gì tỏ ra làm phản
chỉ có mấy lời tố giác vu vơ đấy thôi... Qua Sử ký, dựa vào giấy tờ làm án mà
viết ra cũng thấy rõ là sai. Bữa cơm ngàn vàng, cởi áo nhường cơm, lẽ nào phụ
bạc Cao Đế. Không nghe Thiệp (Vũ Thiệp), Thông (tức Khoái Triệt. Vì tên Triệt
trùng với huý của Hán Vũ Đế nên viết thành Thông), không giữ quân làm vua đất
Tề thì thế nào cũng không làm liều khi nhà ở Hoài Âm. Không nghĩ đến việc liên
kết các vua lớn như Kinh Bố, Bành Việt thì ắt không giao ước dễ dàng với viên
tướng ở ngoài biên giới xa xôi như Trần Hy.
Ai nghe lời nói “khi nắm
tay đuổi người xung quanh ra”, việc mưu phản là đại sự, làm sao mà Hàn Tín lại
sơ suất như vậy? Số người và năng lực bọn tôi tớ bao lăm, Hàn Tín tất không
dùng họ một cách liều lĩnh. Mới hay Cao Tổ sợ Tín không phải một sớm một chiều,
Trương Lương giẫm vào gót chân, ghé tai mà nói ở Vu Thai, Cao Tổ cướp binh phù,
đoạt quân đội, bắt trói cũng chưa cho là vừa, giết cả họ mới mừng. Xét câu:
“Dẹp xong quân Trần Hy trở về vừa mừng vừa thương”, đủ rõ Tín không có tội mà
chết.”
Các sử gia đều nói Hàn
Tín bị oan. Cái chết của ông cũng như cái chết của nhiều công thần khai quốc
nhà Hán khác như Bành Việt, Anh Bố, v.v... đều có sự khuất tất, do những mưu đồ
vu cáo, hãm hại của chính vợ chồng Lưu Bang và các cận thần như Trần Bình,
Trương Lương. Công lao, tài năng của Hàn Tín quá lớn khiến cho Lưu Bang không
bao giờ yên tâm và phải tìm cách trừ khử, đúng như nhận định của Khoái Triệt và
Vũ Thiệp trước kia.
Không phải một mình Hàn
Tín là nạn nhân của sự bạc bẽo của vua Hán. Cho tới trước khi Lưu Bang chết,
tất cả các khai quốc công thần làm vua chư hầu đều bị giết hoặc bị đuổi, phế
truất (như Hàn Vương Tín, Lương vương Bành Việt, Hoài Nam Vương Anh Bố, Yên
vương Tang Đồ, thậm chí cả Yên vương Lư Quán là bạn chí thân của Lưu Bang,
Triệu vương Trương Ngao là con rể v.v...) bởi những tội trạng không rõ ràng để
thay vào là các hoàng tử nhà họ Lưu.
Dù trước ông đã có trường
hợp đại phu Văn Chủng nước Việt bị vua Câu Tiễn đối xử tương tự, nhưng khi nhắc
đến câu “Thịt thỏ hết, chó săn bị mổ”, người ta vẫn thường nhắc đến chuyện của
Lưu Bang.
NHẬN ĐỊNH:
* Công trạng: Hàn Tín là
một danh tướng bách chiến bách thắng. Không có ông quân Hán không thể vượt qua
Tần Lĩnh mà tiến về phía đông và thắng được quân Sở mạnh mẽ, trong tam kiệt
đóng góp cho Hán trào Hàn Tín là người có công lao to lớn nhất. Một tay ông đã
diệt Tam Tần và nước Hàn, sau đó đánh bại quân Sở giải vây cho Hán Vương ở
Huỳnh Dương, bắc phạt diệt các nước Ngụy, Triệu, Yên, Tề. Tại trận Cai Hạ, phải
có sự xuất hiện của Hàn Tín thì Hạng Vương mới bị đánh bại.
Sau này khi muốn bình
thiên hạ, Tào Tháo đã cố gắng tìm 1 tướng quân như Hàn Tín, nhưng nhân tài ngàn
năm có 1 như ông không xuất hiện vào thời Tam Quốc.
Tào Tháo thường khen Tào
Nhân là Hàn Tín nhưng thật ra là lời nói quá mà thôi. Người đời sau thường hay
so sánh Hàn Tín với danh tướng vô địch của nước Tần thời Chiến Quốc là Bạch
Khởi.
Trong Sử Ký Tư Mã Thiên,
phần Hán Cao Tổ Kỷ, Lưu Bang từng khen ông:
- “Nắm trong tay trăm vạn
quân đã đánh là thắng, tiến công là nhất định lấy thì ta không bằng Hoài Âm
Hầu.”
* Tài năng: Tên tuổi của
Hàn Tín gắn liền với những trận đánh nổi tiếng, được hậu thế nhắc đến như những
điển hình về nghệ thuật quân sự như trận thế “bối thủy” phá Triệu, ngăn nước
sông Tuy Thủy giết danh tướng Sở là Long Thư. Những chiến thuật mà ông sử dụng
được trở thành thành ngữ của Trung Quốc như: “Hàn Tín điểm binh; Minh tu sạn
đạo, ám độ Trần Thương.” sau này được biên tập lại thành một trong 36 kế; Thập
diện mai phục. Có thể nói rằng về mặt quân sự trong tranh chấp giữa Hán và Sở,
gần như một mình Hàn Tín quyết định cán cân nghiêng về phía nào. Ông theo Sở
thì Sở thắng, theo Hán thì Hán thắng. Ông rất giỏi về quân sự nhưng về chính
trị và thù đoạn ông không phải là đối thủ của Lưu Bang – một con cáo đầy bản
chất lưu manh.
Dù sao, hậu thế vẫn luôn
nhìn nhận Hàn Tín là một trong các đại tướng cầm quân xuất sắc nhất.
Đền ơn bà giặt lụa, không
nghe lời Khoái Triệt chia ba thiên hạ, chứng tỏ ông là người trung hậu, đạo
đức, nhân từ. Còn Lưu Bang, người bị các sử gia Trung Quốc gọi là “tên vua vô
lại", chỉ biết lợi dụng, sau đó phủi ơn. Sau bị Lã Hậu hành hình rất ác:
xẻo mũi, róc thịt, vứt xương cho chó ăn, giết cả 3 họ của ông, trước khi chết
ông hận mình không nghe mưu của Khoái Triệt đúng như lời: “Thỏ khôn hết thì chó
giỏi bị nấu, chim cao hết thì cung tốt bị cất” thì đã muộn.
* Tính cách: Dịch Trung
Thiên lại cho rằng, con người Hàn Tín ngoại trừ có khí độ và bao dung còn là kẻ
tự tư tự lợi, không đáng tin cậy, có tâm lý đầu cơ. Lúc có thể phản Hán, Hàn
Tín thấy không phản sẽ lãi lớn, lúc không thể phản Hán, Hàn Tín lại thấy không
phản sẽ thiệt to. Nhìn vào việc Hàn Tín bán đứng Chung Ly Muội thì cũng biết
Hàn Tín chẳng phải tốt lành gì. Hàn Tín dâng đầu Chung Ly Muội để mua cổ phần
chính trị, lại bị Lưu Bang xem thường, đã thế còn để cho Lưu Bang bắt được
thóp: chứa chấp kẻ nghịch tặc, bán đứng bạn bè tốt, giết người diệt khẩu, chưa
đánh đã khai, hình tượng đạo đức cao độ của vị danh tướng bách chiến bách thắng
thì ra cũng chỉ như thế, kẻ như vậy mà Lưu Bang ta không trị được sao? Việc làm
của Hàn Tín đã giúp Lưu Bang rửa sạch trách nhiệm về mặt đạo đức và tự đưa mình
lên pháp trường. Hàn Tín đã bán đứng bạn bè, nay lại tự bán luôn mình, không
những không giữ được mạng mà còn mất nhanh hơn.
Hàn Tín vừa đáng kính vừa
đáng thương. Đáng kính ở chỗ Hàn Tín tuy xuất thân ti tiện nhưng nhờ nhẫn nhục
chịu đựng, cố gắng phấn đấu đã kiến công lập nghiệp, lưu danh sử sách. Đáng
buồn ở chỗ Hàn Tín không triệt để. Hàn Tín trung với Hán, nhưng không trung
triệt để, nên khi bị giết không thấy có ai đứng ra minh oan cho như Loan Bố
khóc Bành Việt, Quán Cao chịu hình không khai ra Triệu vương, những người đó
đều được Lưu Bang tha chết. Hàn Tín muốn phản Hán, nhưng khi có quân trong tay
thì không phản, đến lúc nằm trong tay người ta thì lại muốn phản, thế là đã mê
muội rồi.
Sự việc Trần Hy làm phản,
trước đó có thể đã có thư từ với Hàn Tín, nhờ Hàn Tín làm chân trong, Hàn Tín
có đồng ý hay không thì không biết, nhưng thư mật đã rơi vào tay Lã hậu để trở
thành chứng cớ Hàn Tín mưu phản. Chỉ xét thấy Hàn Tín trước khi chết có nói
"hối hận không nghe lời Khoái Triệt" thì chứng tỏ Hàn Tín đã có lòng
phản.
Nếu nói Hàn Tín tham gia
mưu phản thì có thể oan cho Hàn Tín, nhưng không oan khi nói rằng trong bụng
Hàn Tín đã có lòng phản lại Lưu Bang. Sự việc xấu đi khi ở trong Hàn Tín có cả
lòng trung và gian, và cả hai đều không triệt để, không hết lòng trung và không
dám phản thật. Nếu trung triệt để, thì cho dù bị oan cũng sẽ có những bậc
trượng phu đứng ra nói thay cho, không người nào đứng ra biện hộ cho Hàn Tín
chứng tỏ nhân cách của Hàn Tín có vấn đề. Còn nếu phản triệt để, thành công thì
không cần nói, có thua cũng không hối hận.
(Nhận định của Dịch trung
Thiên đoạn trên đây hoàn toàn lệch lạc, không chính xác. Nếu Hàn Tín có ý phản
Lưu Bang thì phản lúc Vũ Thiệp với Khoái Triệt khuyên Hàn Tín phản Hán Đế để
phân ba thiên hạ rồi – Thái Quốc Mưu.)
Dịch Trung Thiên cho
rằng, Hàn Tín chê Hạng Vũ có lòng nhân của đàn bà, do dự thiếu quyết đoán nhưng
lại không biết chính mình cũng như thế, và cũng không biết rằng đàn bà vị tất
đã có lòng nhân. Cuối cùng thì Hàn Tín, người có lòng nhân của đàn bà đã bị Lã
hậu, một người đàn bà bất nhân giết hại. Khi so sánh 3 con người Lưu Bang, Hạng
Vũ và Hàn Tín, Dịch Trung Thiên cho rằng: Lưu Bang tự biết mình biết người nên
đã chiến thắng. Hạng Vũ không biết mình cũng không biết người nên thua to. Hàn
Tín biết người nhưng không biết mình nên tuy có thành công nhưng cuối cùng cũng
thất bại. Hạng Vũ là anh hùng triệt để, anh hùng bản sắc nên chết oanh liệt.
Hàn Tín khó khăn lắm mới trở thành anh hùng, là anh hùng không triệt để nên ấm
ức mà chết.
HẬU THỀ RỬA HỜN TRONG VĂN
HỌC:
“Nỗi oan của Hàn Tín
khiến người đời sau hết sức cảm thông, thương xót cho một viên tướng tài năng,
trung thành nhưng bị đối xử quá bạc bẽo và phải chết oan khuất.
Một văn nhân Trung Quốc
đời sau đã sáng tác truyện thơ hư cấu mang tên Trọng Tương Vấn Hán, được chuyển
thể sang tiếng Việt bằng thơ lục bát vào đầu thế kỷ 20. Nội dung cơ bản của
Trọng Tương vấn Hán nói về tiền căn báo hậu kiếp hay luân hồi quả báo kể từ
thời Hán Sở tranh hùng cho đến cuối đời Đông Hán - Tam Quốc.
Theo đó, Hàn Tín kiếp sau
được đầu thai làm Tào Tháo, còn Lưu Bang phải đầu thai làm Hán Hiến Đế Lưu
Hiệp, còn Lã Hậu đầu thai làm Phục Hậu. Kiếp trước Hàn Tín bị Lưu Bang phụ bạc
giết oan, kiếp sau Tào Tháo vẫn làm bầy tôi của Hiến Đế, nhưng chèn ép ức hiếp
Hiến Đế và giết hại vợ Hiến Đế là Phục Hậu - Lã Hậu đầu thai. Những hành động
của Tào Tháo với nhà Hán chính là việc làm báo oán kiếp trước của Hàn Tín.
Trọng Tương vấn Hán còn
nói về nhiều sự đầu thai khác vào thời Tam Quốc của nhiều nhân vật thời Hán
Sở.”
TRỌNG TƯƠNG vấn HÁN
Trọng Tương vấn Hán là
một tác phẩm văn học nói theo thuyết tiền căn báo hậu kiếp hay luân hồi quả báo
kể từ thời Hán Sở tranh hùng cho đến cuối đời nhà Hán – Tam Quốc, Trung Quốc
chia thành ba nước.
Đến nay không thấy sách
nào nói đến tác giả tác phẩm “Trọng Tương vấn Hán” là ai.
Tác giả có một trí tưởng
tượng rất phong phú, lại khéo tài liên kết, xếp đặt từ lúc Lưu Bang dựng ra nhà
Tây Hán cho đến thời Tam Quốc, thành một câu chuyện luân hồi quả báo, có nhiều
tình tiết hữu lý, rất hợp với tín ngưỡng dân gian là thưởng thiện phạt ác, làm
người đọc say mê thích thú, tưởng đây là câu chuyện huyền bí có thật.
Truyện "Trọng Tương
vấn Hán" nguyên tác chữ Hán, có dịch ra Việt ngữ theo thể thơ lục bát,
được Võ Tế Mỹ, Đặng Ngọc Có và Nguyễn Quới Mai dịch và giữ bản quyền, xuất bản
lần thứ nhất tại Sài Gòn, năm 1906.
Tác phẩm “Trọng Tương vấn
Hán” chuyển thể tiếng Việt gồm 920 câu thơ lục bát.
Đời vua Hán Linh Đế, tại
quận Ích Châu, có ông Tư Mã Trọng Tương, rất thông minh tài giỏi, 8 tuổi đã nổi
tiếng thần đồng, nhà nghèo rất hiếu thảo với cha mẹ, có đi lên kinh đô dự khoa
thi nhưng bị đánh rớt, khi trở lại quê nhà thì chẳng may cha mẹ đã mất. Trọng
Tương lấy làm thương xót lắm, mới cất một cái lều ở kế bên mộ phần của cha mẹ,
để ở cư tang thủ hiếu cho đặng 6 năm. Lòng buồn nhớ thương cha mẹ, lại ưu uất
vì nỗi học tài thi phận, nên thường than thân trách phận. Trọng Tương thấy phần
nhiều trong triều đình là nịnh thần, toan mưu hại kẻ trung lương, khiến dân
chịu nhiều oan ức. Trọng Tương lấy làm cảm động, nên làm ra một bài thơ để giải
buồn, có ý trách Trời Đất không công bình.
Không ngờ những lời than
trách ấy có Du Thần nghe được, báo cáo lên Thượng Thiên. Ngọc Hoàng Thượng Đế
hạ sắc chỉ cho Diêm Vương. Diêm Vương lĩnh lệnh, sai quỷ sứ bắt hồn Trọng Tương
xuống âm phủ, phán rằng:
- “Như nhà ngươi thông
minh biết sự công đoán thì phải xuống Diêm La mà phân xử những án, nội trong 6
giờ cho xong thì Ngọc Hoàng mới xá tội cho ngươi.”
Khi đó, Tư Mã Trọng Tương
ngồi làm chính tòa thay thế Diêm Vương phân xử các án, trong 6 giờ đồng hồ thì
xong hết.
Nội dung xử án của Trọng
Tương chính là xét án các nhân vật lịch sử Tây Hán – Đông Hán.
Trọng Tương thụ án các
nhân vật thời Tây Hán và xét xử như sau:
- “Tào Tháo, nguyên kiếp
trước là Hàn Tín, có công lớn gồm thâu nước Sở đem về cho Hán Cao Tổ, thế mà
không hưởng được lợi lộc gì, lại bị tru di tam tộc, nên qua đời Tam Quốc, tác
giả cho Tào Tháo soán ngôi nhà Hán, làm vua một thuở để trả thù: xưa Hán Cao Tổ
hiếp bức thế nào thì giờ đây Tào Tháo hiếp bức thế ấy, và trước Lã Hậu giết Hàn
Tín, nay Tào Tháo bắt Phục Hậu thắt cổ mà giết lại.”
- “Khoái Triệt, mưu sĩ
của Hàn Tín, biết Hán Lưu Bang là người ăn ở không có hậu, nên bày kế cho Hàn
Tín giữ vững nước Tề, tách khỏi Lưu Bang, hòa với Hạng Vũ, giữ thế chia ba
thiên hạ. Hàn Tín không nghe vì không nỡ phản bội Lưu Bang. Sau, Khoái Triệt tái
kiếp làm Khổng Minh Gia Cát Lượng, thực thi kế chia ba thiên hạ theo hình chân
vạc và cầm binh đánh cho Tào Tháo chạy dài cho biết tài biết trí của quân sư.”
- “Tiêu Hà hèn nhát,
không dám can gián Lã Hậu, lại tòng mưu giết Hàn Tín, nên qua đời Tam Quốc,
Tiêu Hà đầu kiếp làm Dương Tu, bị một tô canh gà làm lanh nói toạc, bị Tào Tháo
bắt tội tiết lộ cơ mưu, sai chém đầu răn loài lẻo mép, mà cũng là người bạn xấu
hèn nhát của kiếp trước.”
- “Bành Việt và Anh Bố là
hai tướng tài có công lớn mà chết oan nên cho đầu thai trở lại: Bành Việt làm
Lưu Bị, Anh Bố là Tôn Quyền, để sau này cùng với Tào Tháo chia ba thiên hạ,
hưởng lộc cả quyền cao.”
- “Đinh Công là tướng
nước Sở, vẫn có tiền ân với Lưu Bang, sau bị Lưu Bang giết, cho đầu thai làm Chu Du để phò Tôn
Quyền, bị Khổng Minh chọc tức, trào máu chết lúc 36 tuổi.” (Trong bộ chánh sử
Tam Quốc Chí của Trần Thọ, không có chuyện Khổng Minh chọc tức Chu Du trào máu
chết – Thái Quốc Mưu).
- “Hạng Vũ, tính tình
cương trực, khí tiết anh hùng, lòng không tà vạy, nên cho đầu thai làm Quan Vũ,
trấn nhậm Kinh Châu, khi chết hưởng được hương khói ngàn thu. (Trong bộ chánh
sử Tam Quốc Chí của Trần Thọ, Quan công không có tài cán chi cả - Thái Quốc
Mưu).
- “Sáu tướng của Hạng Vũ,
phản lại Hạng Vũ theo Lưu Bang, cho đầu kiếp làm sáu tướng trấn giữ năm cửa ải
của Tào Tháo, bị Quan Vũ phò hai chị dâu vượt 5 ải chém 6 tướng, để răn loại
người phản chúa.” (Trong bộ chánh sử Tam Quốc Chí của Trần Thọ, không có chuyện
Quan công qua 5 ải, chém. 6 tướng - Thái Quốc Mưu).
- “Phàn Khoái trung hậu,
vũ dũng, ăn thịt tươi uống rượu nguyên bồ, cho đầu thai làm Trương Phi, cũng
rượu, cũng mạnh mẽ, cũng nóng tính như lửa không thua gì kiếp trước.”
- “Thích Cơ và con trai
là Lưu Ẩn, trước bị Lã Hậu ghen giết chết, nay đầu thai làm Cam Phu nhân và
thái tử A Đẩu (Lưu Thiện), hưởng nghiệp nhà Thục Hán.”
- “Kỷ Tín có công thế
mạng Lưu Bang, trung nghĩa hơn người, cho đầu thai làm Triệu Vân, một tướng kỳ
tài, phò Lưu Bị.”
- “Hạng Bá là chú của
Hạng Vũ, nỡ phụ cháu mà theo Lưu Bang, và Ung Xỉ là tôi của Hạng Vũ mà phản
Hạng theo Lưu, nên đầu thai: Hạng Bá làm Văn Xú, Ung Xỉ làm Nhan Lương (2 tướng
của Viên Thiệu), bị thanh long đao của Quan Vũ (Hạng Vũ) giết chết.” (Trong bộ
chánh sử Tam Quốc Chí của Trần Thọ, Quan công không hề sử dụng Thanh Long Đao. Mãi
300 năm sau thời Tam Quốc đến đời Tống mới có Thanh Long Đao - Thái Quốc Mưu).
Còn những nhân vật quan
trọng khác mà không thấy Trọng Tương xử án như: Đổng Trác, Lã Bố, Vương Doãn,
Điêu Thuyền,... . (Trong bộ chánh sử Tam Quốc Chí của Trần Thọ, không có nhân
vật nào tên Điêu Thiền hay Điêu Thuyền - Thái Quốc Mưu).
Thượng đế thấy Trọng
Tương xử án phân minh, bèn phán cho đầu thai vào nhà họ Tư Mã, đặt tên là Tư Mã
Ý, hiệu là Trọng Đạt, để ngày sau con cháu của nhà Tư Mã chấm dứt cục diện Tam
Quốc, thống nhất Trung Quốc, mở ra nhà Tây Tấn.
* Ý NGHĨA:
Tác giả truyện “Trọng
Tương Vấn Hán” đã khéo xếp đặt di chuyển từ Tây Hán đến Tam Quốc thành một đại
cuộc luân hồi quả báo.
Truyện Trọng Tương Vấn
Hán, tuy do trí tưởng tượng đặt ra nhưng có phần giống như thật, với mục đích
chỉ rõ sự luân hồi quả báo từ kiếp này sang kiếp khác, có tính cách khuyến
thiện phạt ác, không ai tránh khỏi luật Nhân Quả, rất hợp với tín ngưỡng của
dân gian nên được truyền tụng.
* CÓ HAI HÀN TÍN SỐNG
CÙNG THỜI.
Cùng thời với Hàn Tín, còn
một nhân vật khác cũng có tên Hàn Tín (Theo Sử ký Tư Mã Thiên, thiên Hạng Vũ
bản kỷ và Cao Tổ bản kỷ, các bản dịch của Phan Ngọc, Nguyễn Hiến Lê và Giản
Chi. Danh sách các thiên của sử ký có 1 thiên nói về Hàn Tín (thứ hai) này).
Hàn Tín tức là Hàn Vương
Tín, vốn con cháu nước Hàn thời Chiến Quốc. Khi các nước ở Sơn Đông nổi dậy
chống Tần, để có danh nghĩa tập hợp lực lượng, người ta tìm lại con cháu của
chư hầu cũ đưa lên ngôi. Đại thần nước Sở là Hạng Lương đã sai Trương Lương đến
Hàn Thành tìn con cháu vua nước Hàn được Lưu Bang lập làm Hàn vương để có vây
cánh đánh với Hạng Vũ. (Như vậy Hàn Vương Tín nầy không phải là họ Hàn như
tướng quân Hàn Tín về sau là Sở Vương Tín).
Năm 204 TCN, Hạng Vũ vây
ngặt Huỳnh Dương. Lưu Bang nhờ Kỷ Tín đóng giả vai mình ra hàng. Nhân đó Lưu
Bang chạy thoát về Thành Cao, cử Hàn vương Tín cùng Tung Công, Ngụy Báo và Chu
Hà ở lại giữ thành. Hạng Vũ biết bị Kỷ Tín lừa, giết Tín rồi đánh thành mạnh
hơn.
Chu Hà, Tung Công giết
Ngụy Báo vì sợ Báo lại phản Hán lần nữa. Cuối cùng Hạng Vũ vẫn hạ được thành,
Tung Công và Chu Hà không hàng nên bị giết, Hàn Vương Tín bị cầm tù. Lúc này
Đại tướng quân Hàn Tín (tức Sở Vương Tín) đang bình định nước Triệu.
Khi diệt xong Hạng Vũ,
Lưu Bang cải phong sai Hàn Tín lên Thái Nguyên là vùng xa xôi, giáp địa giới
Hung Nô (hệt như cách làm của Lưu Bang đối với Sở vương Hàn Tín), do đó dẫn đến
việc Hàn Vương Tín làm phản, dẫn Hung Nô vào đánh Hán. Sau này, Hàn Vương Tín
chạy sang nương nhờ bên Hung Nô.
Rất ngẫu nhiên là cả hai
Hàn Tín đều nổi danh trong thời Tần mạt Hán hưng, đều theo thờ Lưu Bang và cả
hai đều bị vua phụ. Đây có lẽ là sự trùng hợp ngẫu nhiên có một không hai trong
lịch sử.
--------------------
Tham khảo có trích đoạn:
-
Sử Ký, Tư Mã Thiên.
-
Sử Trung Quốc, Nguyễn Hiến Lê.
-
Hán Sở Tranh Hùng.
-
Bộ chánh sử Tam Quốc Chí của Trần Thọ.
-
Bộ tiểu thuyết Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa, La Quán Trung.
-
Tôn Tử Binh Pháp, Tôn Tử.
-
Bách Khoa Toàn Thư.
*.
Atlanta, Mar. 22, 2017
THÁI QUỐC MƯU
Địa chỉ:
6395 GlenBrook Dr.
Tucker, GA 30084, USA - Hoa Kỳ.
Email: thaiquocmuu1@aol.com
Điện thoại: 404-747-5025
…………………………………………………………………………
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày: 21.01.2020.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân
Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ
nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
.
0 comments:
Đăng nhận xét