ĐỊNH KIẾN
*
Đã đăng trong Tạp chí VH Nghệ An -
Số 412-10/5/2020: Định kiến!
(Tác giả Dương Quốc Việt) |
Friedrich II (1712-1786)-thành viên của Hoàng tộc nhà Hohenzollern- vua
nước Phổ (1740-1786), đã để lại một danh ngôn rằng: “Lạc thú vĩ đại nhất và
cao quý nhất chúng ta có trên thế giới này là khám phá ra những chân lý mới, và
đứng sau nó chính là loại bỏ thành kiến cũ”. Có thể nói, lịch sử phát triển
của loài người, cũng mang trong đó, lịch sử của những cuộc chiến với định kiến.
Bởi cái mà được gọi là chân lý, một mặt giúp con người thêm hiểu biết, nhưng
mặt khác cũng lại là những cản trở con người, đến với những khám phá mới phủ
định chúng. Chính vì thế, không nên để thành định kiến cho bất cứ một vấn đề
gì!
Nhà văn truyện ngắn, nhà thơ, nhà văn tiểu luận người Mỹ-Herman Melville
(1819-1891), đã nói về định kiến như thế này:“Hãy nhìn xem những định kiến
của chúng ta mềm dẻo đến thế nào, một khi yêu thương đến để bẻ cong chúng”.
Vậy định kiến là gì mà ngoan cố như vậy? Hóa ra đây là một câu hỏi không dễ trả
lời, mặc dù chúng ta luôn sử dụng danh từ này. Và dẫu được biết, có nhiều học
giả đã đưa ra những định nghĩa về định kiến, tuy nhiên, trong khuôn khổ bài
viết này, xin được hiểu: Định kiến về những thuộc tính nào đó của một
thực thể, là một nhận định về những thuộc tính ấy, đã được chủ thể lưu giữ
và mặc định chủ quan như một chân lý-bất biến. Tất nhiên định
kiến có thể đúng, có thể sai, có thể xấu, có thể tốt, nhưng đã được “buộc chặt”
vào chủ thể, và đặc biệt đối với chủ thể thì đó là chân lý, là “vĩnh hằng”. Vì
thế, định kiến rất khó thay đổi, thậm chí người ta còn tìm cách “nhào nặn”, tạo
nên những lý lẽ, để chống lại mọi sự thuyết phục, nhằm bảo vệ định kiến, dẫu nó
có sai.
Thuở nhỏ, tôi rất sợ ăn thịt mỡ, hành và tỏi, vì thế đã mang những thành
kiến nặng nề về chúng. Thế rồi, nhân dịp chuẩn bị cho liên hoan lớp-trong
đó có mục ăn mặn, và đó chính là nguyên nhân nổ ra cuộc tranh luận về
“mỡ-hành-tỏi” của chúng tôi. Vốn định kiến với mỡ-hành-tỏi, tôi đã dùng mọi lý
lẽ để tẩy chay chúng, phản bác các ý kiến khác. Nhiều năm sau, khi biết ăn
những thực phẩm này, tôi mới ngộ ra tội của mình khi đó. Mới thấu cho cái câu:
“Định kiến là điều những thằng ngu sử dụng làm lý lẽ”, một danh ngôn của
François-Marie Arouet (1694-1778), người nổi tiếng qua bút hiệu Voltaire,
là nhà văn, tác giả, bình luận gia, nhà thần học và triết
gia người Pháp. Và không biết trong cuộc sống này, có bao nhiêu câu
chuyện đáng tiếc xảy ra tương tự như thế?
Một lần, nghe kể lại, trong một cuộc thảo luận, về phương hướng phát triển
ở một cơ quan. Một vị, đã từng làm lãnh đạo cơ quan đó, sau chuyển lên
một cơ quan trung ương, và còn vài năm trước nghỉ hưu, ông trở lại biên chế nơi
này, đã phát biểu trong niềm kiêu hãnh, về những danh hiệu, những bảng hiệu thi
đua, đã đạt được ở các thời kỳ trước, mà theo ông cơ quan cần phải hướng tới.
Trong khi đó, ngày nay, kết quả công việc ở cơ quan này, đã được đo bằng những
công bố quốc tế, những thành quả cụ thể, trong những không gian mở-minh bạch,
thành thử câu chuyện khen thưởng, bảng hiệu, đang cần phải thực sự đổi thay,
trong quan niệm của mọi thành viên. Và mặc dù đã có những ý kiến giải thích cho
ông, nhưng ông chẳng những không nghe ra, mà còn như muốn chụp mũ kẻ góp ý-phản
biện, khiến nhiều người trẻ ấm ức. Nghe chuyện này, tôi cảm thấy không có gì
lạ, chỉ xin chia sẻ một đúc kết của Dale Breckenridge
Carnegie (1888-1955)-nhà văn, nhà diễn thuyết người Mỹ: “Khi ứng
phó với người khác, hãy nhớ rằng bạn không phải là đang ứng phó với
những sinh vật của lý trí, mà là những sinh vật tràn đầy định kiến, và được
thúc đẩy bằng lòng kiêu hãnh và tính tự cao”.
Nhà tâm lý học và triết gia người Mỹ-William
James (1842-1910), đã phản ảnh rằng: “Nhiều người tưởng họ đang suy
nghĩ, trong khi họ thực ra chỉ đang sắp xếp lại định kiến của mình”. Như
vậy, lấy cái hình ảnh, cái ấn tượng xưa cũ, vốn đã thành định kiến, để áp đặt
lên cái thực tại-hiển hiện, chẳng phải cũng là một căn bệnh của con người đó
sao!? Lợi dụng nhược điểm này của con người, mà không ít những cá nhân, những
thực thể, vốn đã “lộ tẩy”, biến chất, lỗi thời, vẫn cố tạo dựng uy tín, hình
ảnh cho mình, bằng cách làm sống dậy những định kiến xưa cũ của cộng đồng. Nhằm
vớt vát niềm tin của công chúng, hòng giữ vững vị thế cho mình, cùng với đó, là
bôi nhọ những “đối trọng”, bài bác các phản biện.
Đã có một thời, tôi từng nhiệt tình, thuyết phục những người bạn, những
đồng nghiệp, về không ít chuyện họ đã hiểu sai, lại còn truyền bá cái sai đó
cho người khác. Từ những đánh giá sai lầm, oan uổng về những nhà văn, những
nhân vật lịch sử, hay những người bạn, thậm chí cả những thầy học…, đến những
lời tụng ca-ngưỡng mộ về những “cây đa-cây đề”, những “thần tượng”, mà sự thực
không hề tương xứng. Bởi trong một giai đoạn dài, con người chỉ nhận biết thông
tin qua những lời đồn thổi, những tuyên truyền và giáo dục sai lệch, và để rồi
trở thành định kiến với số đông. Trải nghiệm càng nhiều, tôi càng ngộ ra, việc
thay đổi định kiến của con người là việc vô cùng khó. Và cái sự nhiệt tình
thuyết phục khi xưa của tôi, chẳng khác gì cái cảnh anh chàng Don Quijote (Nhân
vật chính trong tiểu thuyết nổi tiếng “El Ingenioso hidalgo Don Quijote de
la Mancha” của nhà văn Tây Ban Nha Miguel de Cervantes y Saavedra (1547-1616)),
vác giáo đánh vào cối xay gió(!)
“Định kiến được truyền thụ mà
thành. Bạn sẽ dạy người khác điều gì qua hành động và ngôn từ của mình?”.
Rằng đó là một sự thực, mà DaShanne Stokes (1978)-một tác giả, nhà xã hội học,
diễn giả cộng đồng và chuyên gia người Mỹ, đã phát biểu. Thế mới thấy, tác hại
của định kiến còn cả ở tính “di truyền”, và sự lây lan của nó. Bởi thế mà “Từ
bỏ thành kiến không bao giờ quá muộn”, đó là lời khuyến cáo của Henry
David Thoreau (1817-1862)-nhà văn, nhà thơ, sử gia và triết
gia người Mỹ. Và còn đây, một bày tỏ mạnh mẽ của Jean-Jacques
Rousseau (1712-1778)-một nhà triết học thuộc trào lưu Khai
sáng người Pháp có ảnh hưởng lớn tới Cách mạng Pháp 1789:“Tôi
thà làm người đầy chuyện ngược đời hơn làm người đầy thành kiến”.
Một tác giả khuyết danh nào đó đã viết:“Cuộc sống thường không chật hẹp
trong những ngôi nhà, trên những con đường, góc phố, mà chính trong những định
kiến và suy nghĩ của con người”. Bởi vậy, thật bất hạnh, khi đâu đó, những
thế hệ công dân đã bị giáo dưỡng, đã bị sống trong bầu không khí, tẩy chay và
lên án, cái cá thể, cái tư hữu, cái ý tưởng cá nhân, cái thành phần phi cơ
bản…, những nhân sinh quan, thế giới quan sai lệch. Để rồi chúng đã trở thành
những định kiến, kìm kẹp con người, hủy hoại nguồn nhân lực, cũng như sự phát
triển lành mạnh của xã hội, theo dòng chảy của tạo hóa. Trong những trường hợp
như vậy, để thay đổi, để phát triển, sẽ càng thêm khó khăn, bởi trước hết cần
phải vượt qua được rào cản của những định kiến, đã thấm sâu vào công chúng.
Trong lịch sử, xuất hiện không ít những nền độc tài, nỗ lực gieo rắc xuống
đầu công chúng những định kiến, thông qua tuyên truyền, giáo dục…, nhằm nô dịch
con người, hòng giữ vị trí độc tôn-thống trị xã hội lâu dài. Chúng biến con
người, thành những cỗ máy định kiến, không có khả năng suy nghĩ độc lập, cũng
như phản biện. Rằng đó quyết không phải là gieo trồng đức tin, mà là đối lập
với việc gieo trồng những đức tin cao cả. Còn nói về đức tin và định kiến,
Harper Lee (1926-2016)-tiểu thuyết gia người Mỹ đã phát biểu thẳng thắn rằng: “Định
kiến, một từ bẩn thỉu, và đức tin, một từ sạch sẽ, đều có một điểm chung: chúng
đều bắt đầu ở nơi lý trí kết thúc”.
Walter Leland Cronkite (1916-2009)-một nhà báo phát thanh, người thường
được gọi là “người đàn ông đáng tin cậy nhất ở Mỹ”, trong những năm 1960 và
1970, đã để lại hai danh ngôn về nghề làm báo, rằng: “Đạo đức của nhà báo là
nhận ra những định kiến, thành kiến của mình và tránh cho chúng được in ra”
và “Một nhà báo về chủ đề chính trị, hầu hết chúng ta đều nhận
thức được sự cần thiết cố gắng để chắc chắn rằng chúng ta không thành kiến khi
đưa tin. Đó là một trong những nguyên tắc cơ bản của nghề báo“. Nhưng có lẽ
những lời nhắn gửi này, vẫn còn nguyên giá trị với tất cả chúng ta, khiến chúng
ta luôn cần phải cảnh giác với định kiến của mình, khi truyền đi những thông
điệp, những bày tỏ, đến với người khác, đặc biệt là đến nhiều người. Dẫu rằng
điều đó thật chẳng dễ dàng.
Vì định kiến, mà biết bao cặp bạn bè, đôi trai gái, phải chia tay, đã hủy
hoại biết bao cuộc đời, thậm chí còn cả những cuộc thảm sát không chỉ các loài
vật, mà còn cả con người. Tất nhiên, nó cũng còn đúc ra cả những thần tượng,
những “đấng thiêng liêng” cùng ác quỷ nữa.Và một trong những cái đáng sợ nhất
của định kiến là, kẻ che mắt, bịt tai con người, khiến người ta, không còn nhận
ra những món quà của cuộc sống, cũng như những cơ hội, những hiểm nguy, thách
thức… Rằng “Sự lừa lọc lớn nhất mà con người phải gánh chịu chính là định
kiến của bản thân mình”. Điều mà Leonardo da Vinci (1452-1519) đã cảnh
tỉnh hậu thế.
Mỗi con người luôn tiềm ẩn những định kiến, thành kiến trong mình, điều mà
không thể tránh khỏi. Và dẫu Jonathan Swift (1667-1745)-nhà thơ, nhà văn trào
phúng người Ai-len, đã cho biết một sự thực rằng: “Nửa sau cuộc đời con
người minh tuệ, thường được dùng để xóa bỏ những điều ngu xuẩn, những định kiến
và quan điểm sai lầm mà họ đã phạm phải trước đó”. Nhưng thử hỏi, xã hội có
được bao nhiêu “con người minh tuệ”? Bởi thế, hầu hết con người, ít nhiều đều
phải gánh chịu sai lầm từ những định kiến của mình, trong suốt cuộc đời. Biết
thế, để thận trọng, để cảnh giác với bản thân, để hành xử đúng mực và tỉnh táo,
trách nhiệm, trong cái thế giới của những định kiến, của những phán xét, cùng
với lòng hướng về sự tha thứ, lắng nghe, thấu hiểu và cảm thông. Và xin hãy
chấp nhận, cuộc đời cũng còn là một cuộc chiến với những định kiến!
*
DƯƠNG QUỐC VIỆT
Địa chỉ: Ngách 31/2 phố Phan Đình Giót,
quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.
Email: duongquocviet@fmail.vnn.vn
.
....................................................................................................
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả
gửi qua email ngày 23.05.2020.
- Bài viết không thể hiện quan điểm
của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ
nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
0 comments:
Đăng nhận xét