CÓ TÀI MÀ CẬY CHI TÀI - CHUYỆN HOA ĐÀ - Tác giả: Đoàn Mạnh Thế (Hà Nội)

Leave a Comment

CÓ TÀI MÀ CẬY CHI TÀI

- CHUYỆN HOA ĐÀ

*

(Tác giả Đoàn Mạnh Thế)

Nhắc đến tên người này, ai cũng từng nghe qua, câu nói cửa miệng chúng ta vẫn hay nghe khi gặp ai đó mắc bệnh nan y chờ chết đấy là: Hoa Đà tái sinh cũng không cứu được. Nhưng những pha cứu người như thần tiên hạ phàm mà chúng ta thường nghe kể đấy lại là những lời truyền miệng dân gian. Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung còn ca ngợi Hoa Đà nhưng trong Tam Quốc Chí của Trần Thọ - tác phẩm dược xem là "chính sử", nguyên tác của Tam Quốc thì có sai khác ... hơi nhiều.

Về quê quán Hoa Đà, Trần Thọ không ghi, nhưng La Quán Trung thì lại chép là người huyệnTiêu, quận Bái, tức là đồng hương với Tào Tháo. Hoa Đà vốn xuất thân Nho học nhưng sau đó nhờ y thuật tinh thâm mà nổi tiếng khắp thiên hạ. Tuy nhiên, vào thời nhà Hán thì “hàng vạn thứ đều là hạ đẳng, duy chỉ có việc đọc sách là cao quý”. Nghề thầy thuốc trong các sách sử được liệt vào loại “phương kỹ” (danh từ chỉ chung các nghề xem tướng, chiêm bốc, chiêm tinh, thầy thuốc…) chứ không được xếp thành một nghề có vị trí riêng. Từ đó có thể thấy, dù cho y thuật của Hoa Đà có cao siêu đến bao nhiêu thì vẫn không phải là cái nghề mà thiên hạ coi là cao sang. Chính vì thế, sử sách chép rằng, tuy hành nghề y, song Hoa Đà thường xuyên cảm thấy xấu hổ, tự ti về thân phận một thầy thuốc nhà quê, Hoa Đà luôn tìm cách để tìm kiếm cơ hội để có thể làm quan.

Cơ hội đến khi Tào Tháo đánh bại các chư hầu, làm chủ phía bắc Trung Quốc, nhưng Tào Tháo lại bị chứng nhức đầu kinh niên hành hạ, mà căn cứ vào các biểu hiện của bệnh thì ngày nay ta có thể chẩn đoán là chứng rối loạn tiền đình. Có người tiến cử Hoa Đà cho Tào Tháo, ông bèn cho mời Đà. Quả nhiên y thuật cao minh, chỉ châm có mấy mũi kim chứng đau đầu dịu hẳn. Tào Tháo ban tặng cho Đà rất nhiều tiền của nhưng Hoa Đà còn muốn nhiều hơn thế, nhiều lần xin Tào Tháo một chức quan. Tất nhiên, Tào Tháo cũng như tất cả mọi người đều chỉ nhìn thấy ở Hoa Đà như một thầy thuốc có tài chứ không coi ông là một kẻ sĩ có thể làm được việc chính trị. Mà cho dù có tài chính trị thật đi nữa, có lẽ cũng khó được trọng dụng bởi lẽ một thầy thuốc tài năng mà lại bỏ nghề của mình để đi làm quan thì thực sự là quá đáng tiếc.

Thế mà trong Tam Quốc diễn nghĩa, La Quán Trung lại chép thành: Hoa Đà không muốn bị ràng buộc bởi danh lợi nên rũ bỏ tất cả đi phiêu bạt giang hồ, rồi sau đó làm nên kỳ tích lóc thịt cạo xương cho Quan Vũ. Thật hư chuyện này cũng có nhiều cái để nói: Trong sách “Tam Quốc Chí” của Trần Thọ có ghi chép cụ thể về sự việc này như sau: “Vũ không may bị trúng tên vào bắp tay trái. Sau đó vết thương đã lành nhưng mỗi khi trở trời xương thường đau đớn. Thầy thuốc (lưu ý, ko nói rõ là tên ông thầy thuốc nào) nói: ‘Chất độc của mũi tên đã ngấm vào xương, muốn trị tận gốc phải rạch tay, cạo xương trừ độc’. Vũ bèn giơ tay cho thầy thuốc rạch tay rồi mời các chư tướng tiếp tục uống rượu. Thầy thuốc lấy dao rạch thịt ở chỗ vết thương, máu chảy thành dòng trong chậu nhưng Vũ vẫn bình thản uống rượu, nói cười như không”.

Từ đoạn miêu tả này có thể thấy rằng, Quan Vũ không phải là vừa đánh cờ vừa trị thương mà là vừa uống rượu vừa trị thương. Hay nói cách khác là nốc rượu cho bớt đau trong khi thầy thuốc phẫu thuật. Sự kiện này nếu căn cứ theo ghi chép của sử liệu thì xảy ra trước trận chiến ở Tương Dương chứ không giống như trong “Tam Quốc diễn nghĩa” đã mô tả. Điều quan trọng hơn chính là, vị thầy thuốc thực hiện việc rạch tay, cạo xương cho Quan Vũ không phải là “thần y” Hoa Đà mà chính là một thầy thuốc trong quân đội của Quan Vũ. Bởi lẽ, nếu như Hoa Đà là một thầy thuốc nổi tiếng lúc bấy giờ thì Trần Thọ khi viết “Tam Quốc Chí” không thể nào không nhắc tới. Trong “Tam Quốc diễn nghĩa”, nhằm đặc tả tính cách đa nghi của Tào Tháo, tác giả La Quán Trung đã đem toàn bộ công lao “cạo xương, trị độc” tặng cho Hoa Đà.

Tiếp theo, nguyên nhân dẫn tới cái chết của Hoa Đà tuyệt nhiên không giống như những gì La Quán Trung đã miêu tả trong “Tam Quốc diễn nghĩa”. Những sử liệu xác tín nhất cho thấy, nguyên nhân dẫn tới cái chết của Hoa Đà chính là vì Hoa Đà ... chơi ngu, đùa không đúng người.muốn được làm quan, theo đuổi giấc mộng chính trị.

Lúc bấy giờ, Ngụy Vương Tào Tháo mắc phải chứng bệnh đau đầu quái lạ, càng về sau càng đau hơn. Biết tiếng y thuật của Hoa Đà cao minh, Tào Tháo truyền cho Hoa Đà tới gặp, Hoa Đà trở thành “ngự y” của Tháo. Hoa Đà xem bệnh cho Tào Tháo xong nói: “Bệnh này một lúc không thể chữa khỏi, cần phải có thời gian”. Trong quá trình chữa trị cho Tào Tháo, Hoa Đà đã cố ý kéo dài thời gian bằng cách lấy cớ “để quên sách thuốc ở nhà, phải trở về lấy”.

Sau khi Hoa Đà trở về nhà, lại lấy cớ là vợ bị ốm, nhiều lần vượt quá thời gian đã hứa với Tào Tháo mà không chịu quay lại. Vì sao Hoa Đà lại muốn kéo dài thời gian? Thực chất là vì muốn dùng bệnh tật để tạo sức ép với Tào Tháo, buộc Tào Tháo phải phong cho mình một chức quan nào đó. Tào Tháo nhiều lần viết thư mời không được, bèn lệnh cho các quan lại địa phương tới thúc Hoa Đà đi nhưng “Hoa Đà vẫn tìm cớ vợ ốm, do dự không muốn lên đường”. Tào Tháo nghe chuyện tức giận, sai thủ hạ tới kiểm tra thực hư.

Tháo ra lệnh rằng: “Nếu như đúng là vợ Đà bị ốm thì tặng thưởng 40 hộc đậu đỏ đồng thời cho kéo dài thời gian ở nhà thêm một tháng. Còn nếu như là nói dối thì bắt giải về”. Khi thủ hạ của Tào Tháo tới kiểm tra, xác thực là Hoa Đà nói dối vì thế, Hoa Đà bị bắt giam vào ngục. Sau khi Hoa Đà bị giam vào ngục, Tuân Úc có đứng ra xin tội cho Hoa Đà. Tuân Úc nói: “Y thuật của Hoa Đà quả thực hơn người, nên rộng lượng tha cho y”. Tuy nhiên, Tào Tháo không đồng ý, nói: “Không lo, thiên hạ thiếu gì loại vô lại như thế”. Tới lúc này, sự khinh miệt của Tào Tháo đối với Hoa Đà đã lộ ra cả ngôn từ.

Với tư cách là một thầy thuốc mà lại lấy việc trị bệnh cho bệnh nhân để làm viên gạch lót đường cho mục đích được làm quan của mình, có ý kéo dài thời gian trị bệnh thì rõ ràng Hoa Đà là một thầy thuốc thiếu y đức. Một thầy thuốc thiếu y đức, thì việc Tào Tháo khinh miệt ông ta cũng là chuyện hợp tình hợp lý. Vì thế, sau khi Hoa Đà chết, bệnh đau đầu của Tào Tháo vẫn tái phát luôn, tuy nhiên, Tào Tháo chưa bao giờ cảm thấy hối hận. Tào Tháo từng nói: “Hoa Đà có thể trị được bệnh của ta. Nhưng lại cố ý kéo dài, muốn tự đề cao mình. Nếu như ta không giết y, thì rốt cuộc y cũng không trị tận gốc bệnh của ta được”. Câu nói này của Tào Tháo đã nói rất rõ ý định của Hoa Đà cũng như nguyên nhân khiến Tào Tháo phải giết Hoa Đà. Hoa Đà có thể là thầy thuốc số 1 trong thiên hạ. Tuy nhiên, muốn đùa giỡn với kẻ gian hùng có máu mặt như Tào Tháo thì có lẽ, Hoa Đà đã quá xem thường Tào Tháo. Hoa Đà chết cũng vì sự khinh suất ấy.

À, về các thành tích chữa bệnh của Hoa Đà như: Gây mê bằng Ma Phỉ Tán rồi mổ bụng cắt ruột hay cho Trần Đăng uống một thang thuốc rồi nôn ra 1 đấu trùng đỏ, vân vân và mây mây những cái này khá là tương đồng với một câu chuyện về một thần y tận ... Ấn Độ tên là Kỳ Vực. Ngoài ra trong thời của Hoa Đà cùng tề danh với ông còn có 2 người nữa là Đổng Phụng và Trương Trọng Cảnh. Cả hai ông này đều có lưu lại những cuốn y văn rất giá trị, riêng Hoa Đà thì có sách hướng dẫn trị ... bong gân trặc xương và hướng dẫn thiến chó hoạn lợn....

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Các bài viết về khoa Tử Vi0

- Các bài viết về khoa Phong Thủy0

- Các bài viết về khoa Tướng thuật0

- Các bài viết về Tín ngưỡng0

 

Mời nghe Khề Khà Truyện đọc truyện ngắn

CHUYỆN CU TỐ LÀNG TÔI của Đặng Xuân Xuyến:

*.

ĐOÀN MẠNH THẾ (sưu tầm và giới thiệu)

Địa chỉ: Số nhà 12 Ngách 32 Ngõ 133 phố Hồng Mai

quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội.        

Điện thoại: 039.627.97.29

 

 

 

 

..............................................................................................................

- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 23.06.2019.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.

- Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 

0 comments:

Đăng nhận xét