*
Đã đăng trong Tạp chí VH Nghệ An -
Số 414-10/6/2020: Kiêu căng
(Tác giả Dương Quốc Việt) |
Harry Sinclair Lewis (1885-1951)-tiểu thuyết gia, nhà văn truyện ngắn,
nhà soạn kịch, người Mỹ đầu tiên nhận giải Nobel Văn học (1930),
đã nhận xét về loài người như thế này: “Ai cũng là nhà vua chừng nào có
người để cúi đầu nhìn xuống”. Danh ngôn này, đã lột tả sinh động cái “máu
vua con”, trong mỗi con người. Phải chăng đó cũng chính là một trong những động
lực thúc đẩy cho những cuộc đua tranh không ngừng nghỉ, nhằm đoạt được những
“ngôi vị”-trên đầu người khác (!?) Có lẽ, cũng bởi tính khốc liệt của chạy đua,
nên nếu bồng bột-nông nổi-chủ quan, nảy sinh lòng kiêu căng-tự phụ, thì sẽ
không chỉ là nguyên cớ để tạo ra những định kiến xấu, mà còn dẫn chủ thể đến
với tổn thất-gục ngã. Như nhiều căn bệnh khác, căn bệnh kiêu căng-tự phụ, cũng
cần phải được nhìn nhận đầy đủ. Một mặt để con người biết cảnh giác với bản
thân, hạn chế sự phát tác của nó, mặt khác, để góp phần củng cố, những cái nhìn
nhân văn-về khuyết tật của người khác. Đặc biệt, còn để biết ghi xương khắc cốt
như một luân lý cơ bản, rằng: “Chúng ta đầy khiếm khuyết và sai lầm; hãy để
chúng ta cùng tha thứ cho sự nực cười của nhau–đó là luật đầu tiên của tự
nhiên”. Cái điều mà François-Marie Arouet (1694-1778)-nổi tiếng qua bút
hiệu Voltaire, nhà văn, tác giả, bình luận gia, nhà thần luận và
triết gia người Pháp, đã chỉ dạy.
Và để thêm rộng đường trong câu chuyện của chúng ta, trước hết, xin trở về
với bản chất gốc gác của con người. Nhân loại đã đúc kết rằng, con người khi
sinh ra, đã mang những thị dục-bản năng: bảo toàn sinh mạng; ăn; ngủ; tiền của;
sức khỏe; thỏa nhục dục; con cái được mọi sự đầy đủ; để tiếng lại đời sau; muốn
được người khác cho là quan trọng. Trong đó “tình dục” và “thị dục huyễn
ngã”(lòng mong muốn được người khác cho mình là vẻ vang, quan trọng), là hai
thị dục căn bản nhất. Điều mà nhà tâm lý học vĩ đại người Đức-Sigmund Schlomo
Freud (1856-1939), đã chỉ ra. Như vậy, khát khao được người khác công nhận
mình-vẻ vang, quan trọng, là một bản năng rất mạnh, đã thôi thúc hầu hết mọi
hành động của con người.
Từ cái khát khao-dục vọng bản năng mãnh liệt này, người ta sẽ giải thích
được nhiều thuộc tính có thể xuất hiện ở con người, trong đó có lòng kiêu
căng-tự phụ. Nhưng liệu kiêu căng-tự phụ có phải chỉ là một thuộc tính riêng
biệt, cho những cá thể nào đó hay không? Có lẽ câu trả lời, dường như đã được
chỉ ra, trong danh ngôn thẳng thắn sau đây, của thần đồng toán học Blaise
Pascal (1623-1662)-nhà toán học, nhà vật lý, nhà phát minh, tác gia, triết
gia người Pháp: “Tính kiêu căng tự đại neo chắc trong trái tim con
người đến nỗi một người lính, một thường dân đi theo quân đội, một người đầu
bếp hay một người gác cổng cũng sẽ khoe khoang và muốn sự thán phục, và thậm
chí ngay cả các triết gia cũng muốn nó; những người viết chống lại nó muốn có
được danh vọng vì đã viết hay, những người đọc muốn có được danh vọng vì đã
đọc, và có lẽ chính tôi người viết những dòng này cũng muốn điều đó”. Hiện
thực về bản năng của con người là vậy, nó vừa là động lực, vừa là vật cản,
trong quá trình phát triển của mỗi cá thể.
Kiêu căng-tự phụ thường phát lộ ở những cá nhân, có điểm mạnh nổi trội, ở
một vấn đề nào đó. Dường như đó vừa là một nhược điểm, lại vừa ẩn chứa một giá
trị nào đó của chủ thể. Shusaku Endo (1923- 1996)-nhà văn người Nhật đã cho
biết: “Mỗi điểm yếu đều chứa đựng một nguồn sức mạnh bên trong nó”. Sách
xưa đã từng viết: Kiêu căng là sự khoe khoang của những tâm hồn cao thượng, còn
khoe khoang là sự kiêu căng của những tâm hồn nhỏ nhen. Và dẫu rằng kiêu
căng-tự phụ, đâu đó có thể được người đời rộng lượng-tha thứ, cảm thông, thì
cũng xin lắng nghe những lời dạy bảo chí tình sau đây của Aesop (620
TCN-560 TCN)-nhà kể truyện ngụ ngôn người Hy Lạp cổ, nổi tiếng vì
những câu chuyện ngụ ngôn, truyền tải tới người nghe sự thật, về cuộc đời và
bản chất con người: “Đừng bao giờ để tính cách và giá trị đặc biệt của bạn,
bí mật mà chỉ bạn mà không còn ai khác biết, sự thật–đừng để nó bị lòng tự phụ
ngấu nghiến nuốt”.
Tiến sĩ Tăng Quốc Phiên (1811-1872)-Thị lang các bộ Binh, Lễ, Lại, Hình,
một Nho gia lỗi lạc theo phái Đông Thành, nhân vật tiêu biểu của địa chủ người
Hán, Nội các Học sĩ trong Triều đình Mãn Thanh, đã tổng kết rằng: “Xưa, nay
người tầm thường mà bại hoại, đều là vì tính “lười”; người tài giỏi mà bại
hoại, đều là vì tính “kiêu””. Còn triết gia, nhà văn châm biếm, nhà viết
luận, sử gia và nhà giáo người Xcốt-len trong thời
Victoria-Thomas Carlyle (1795-1881), thì đã đúc rút:“Tính tự cao tự đại
là nguồn gốc và lời tóm tắt của tất cả mọi sai lầm và khổ sở”. Mới thấu
thêm, những lời thơ bất hủ của đại thi hào Nguyễn Du (1766–1820):
“Có tài mà cậy chi tài
Chữ tài liền với chữ tai một vần”.
Có lẽ, trong cái thế giới cạnh tranh khốc liệt của những “ông vua”, như đã
đề cập ở lời mở đầu, thì kiêu căng-cậy tài, khoe khoang, chắc chắn sẽ là mầm
mống của những hiểm họa, mà ngay cả những tài năng xuất chúng, cũng có thể bị
hủy hoại vì nó. Điều mà đã xảy ra với biết bao số phận, trong lịch sử nhân
loại. Louisa May Alcott (1832-1888)-một tiểu thuyết gia nổi tiếng
người Mỹ, đã có tổng kết rằng: “Sự kiêu căng làm hỏng cả những
thiên tài tốt đẹp nhất. Không nhiều mối nguy hiểm–rằng tài năng hay những điều
tốt đẹp thật sự sẽ không được chú ý; và thậm chí ngay cả trong trường hợp đó,
nhận thức được mình có nó và sử dụng tốt nó là điều rất quan
trọng, và nhớ rằng sự quyến rũ lớn nhất của mọi quyền năng là
tính khiêm tốn”.
Đành rằng, kiêu căng-tự phụ vốn là thứ virus đeo bám trong mỗi con người,
chỉ chờ dịp để bùng phát, nhưng bạn có bất ngờ không, khi đọc khẳng định này: “Tính
tự phụ là mạnh nhất khi ở trong những con người yếu đuối”. Một danh ngôn
của William Shakespeare (1564-1616)-nhà thơ, nhà soạn kịch người Anh,
được coi là tác giả vĩ đại nhất của ngôn ngữ Anh. Liệu đó có phải chính là một
kiểu chống đỡ của những loài, dùng vỏ cứng bên ngoài, để bảo vệ tấm thân mềm
yếu bên trong, như tạo hóa đã sáng tạo ra chúng hay không? Dường như phạm vi
của danh ngôn này, còn bao gồm cả cái thứ “quốc dân tính”, chảy trong
huyết quản của nhân vật AQ-trong tiểu thuyết “AQ chính truyện” của văn hào Lỗ
Tấn (1881-1936), điều cũng thường thấy ở những dân tộc nhược tiểu.
Aesop còn cho rằng: “Tâm trí càng nhỏ, sự tự cao tự đại càng to”.
Thông điệp này, không chỉ như muốn gửi gắm một sự thật, thước đo về tầm vóc-tâm
trí con người, mà còn cho thấy tính kiêu căng sẽ suy giảm đi, khi mà tâm trí
ngày càng được mở rộng. Điều này còn là một lý giải, một cái nhìn nhân văn về
sự tự cao-tự đại, giúp xóa bỏ đi những định kiến về những cá nhân, nhất là khi
họ còn ở độ tuổi trẻ-nông nổi. Rằng trong quá trình phát triển, thụ hưởng giáo
dục, trải nghiệm, sẽ làm rộng mở tâm trí, đồng thời cũng có nghĩa là-làm suy
yếu đi cái khuyết tật kia nơi họ. Như vậy, câu chuyện của giảm thiểu kiêu
căng-tự phụ, cũng còn là câu chuyện của mở mang tâm trí. Bởi khi tâm trí được
mở mang, con người sẽ sáng suốt, mà “Người suy nghĩ sáng suốt chẳng bao giờ
kiêu ngạo vì tài năng của mình”. Đó là một khẳng định của Harper
Lee (1926-2016)-tiểu thuyết gia người Mỹ, được biết tới nhiều
nhất với tiểu thuyết “Giết con chim nhại”.
James Matthew Barrie (1860-1937)-tiểu thuyết gia và nhà viết kịch
người Xcốt-len, đã đúc kết rằng:“Những lời khen ngợi đến từ tình yêu thương
không khiến ta trở nên kiêu căng, mà khiến ta biết tự khiêm hơn”. Nhưng
tiếc thay, trong cái thế giới của những “vua con”, thì “lời khen ngợi đến từ
tình yêu thương” đâu có nhiều(!) Không những thế, trong thực tế, đã không ít
những khả năng, những thành công vượt trội, phải hứng chịu những lời mỉa
mai-cay độc, nhất là ở những môi trường-được bao phủ bởi bầu không khí ghen
ghét-đố kỵ. Trong những trường hợp như vậy, đôi khi “kiêu căng-tự phụ” đã trở
thành một thứ vũ khí đáp trả của chủ thể. Có thể nói, môi trường văn hoá xã
hội, cũng góp phần không nhỏ, trong việc làm hạn chế, hay gia tăng sự bùng phát
của “virus kiêu căng” trong mỗi con người.
Giãi bày, chia sẻ những nhìn nhận, trải nghiệm về những khuyết tật khách
quan-cố hữu đeo bám con người, đã được tạo hóa ký gửi, có lẽ cũng là những việc
hữu ích. Qua đó, cũng sẽ góp phần làm thấu hiểu những giá trị của giáo dục, răn
dạy, đức tin, văn hóa, truyền thống…, và tất cả những gì mà xã hội cần gầy
dựng, nhằm giúp phát triển sở trường, hạn chế sở đoản của con người. Mặt khác,
còn nhằm giúp con người, thêm hiểu bản thân và đồng loại, cũng như những cái
nhìn đa diện, nhân văn, hướng đến sự chung sống ngày càng văn minh-nhân ái,
biết tha thứ, thấu hiểu và cảm thông. Cuối cùng, xin được kết thúc bài viết bởi
một tục ngữ dưới đây-của người Campuchia:
“Chớ vội hí hửng vì người lầm lỗi.
Chớ vội kiêu căng vì mình được khen”.
*
DƯƠNG QUỐC VIỆT
Địa chỉ: Ngách 31/2 phố Phan Đình Giót,
quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.
Email: duongquocviet@fmail.vnn.vn
.
....................................................................................................
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả
gửi qua email ngày 14.07.2020.
- Bài viết không thể hiện quan điểm
của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ
nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
.
0 comments:
Đăng nhận xét