NGHE
THEO TRÁI TIM
*
Sáu năm
trước, cậu bắt đầu thời kỳ mà như người ta nói: tự do và dễ mất phương hướng
nhất của cuộc đời. Đó là ngày cậu đã tự buộc mình vào thế giới đẹp đẽ của y
khoa. Khi ông hiệu trưởng kết thúc bài diễn văn trong buổi lễ khai giảng bằng
việc gọi ba “kẻ sĩ” đầu bảng lên tuyên dương - trong đó có cậu, thì coi như ông
đã gí mồi diêm vào viên pháo thăng thiên. Cậu thấy bay vút lên và bồng bềnh đâu
đó trên từng không.
Trong bữa
cơm trưa hôm đó, lòng tự hào chất chứa kể từ khi biết kết quả thi đại học được
dịp trào ra như thể ai đó vừa đặt thuốc nổ đánh sập một con đập. Với vẻ tự mãn
vô ý thức của kẻ đi trước và đã tới đích, cậu nảy sinh cái hứng thú bất tận
trong việc chỉ bảo các em phải học hành theo phương pháp gì, tư duy ra sao và
tích lũy kiến thức như thế nào.
- Nước cam
đây, uống đi! - Mẹ cậu biết ngay cậu cần gì. - Lát nữa viết thư cho bố nhé
- Nhưng mẹ
viết báo kết quả rồi, viết khoe nữa bố lại cười cho - Cậu con vặn vẹo.
- Bố chẳng
cười đâu. Mà nãy giờ huyên thuyên khoe lại những chuyện đã nói cả chục lần rồi
cơ mà? Mai kia cầm dao mổ mà xung thế thì có khi khiến bệnh nhân đang mê cũng
tỉnh lại đấy - Người mẹ nói giọng gây sự vui vẻ.
Bà nhìn cậu
cười mỉm, trên khuôn mặt sắc sảo chỉ phản xạ chút ít sự hài lòng. Cậu đáp lại
cũng bằng một nụ cười có phần bẽn lẽn của kẻ đang ba hoa bị bắt bài. Cậu có
biết đâu rằng bà đang mãn nguyện vì cậu lắm, dù thỉnh thoảng vẫn canh cánh về
những biểu hiện bất thường của đứa con trai… Nhưng thế, bà vẫn ngắm nhìn cậu
con như một tổng công trình sư nhìn lại công trình của mình. Effel nhìn ngọn
tháp của ông thế nào thì bà cũng nhìn con bà thế ấy cộng thêm tình thương bao
la của người mẹ.
Bà đã uốn
nắn cậu con trai một cách dịu dàng, đều đặn đến không thể cưỡng lại như gió uốn
cong các ngọn cỏ hay san phẳng các đụn cát. Khi nó còn nhỏ, với điều kiện bác
sĩ của mình và tài chính của chồng, bà kiến tạo cho nó một hình hài và thân thể
cứng cáp. Trong ký ức của cậu con, bệnh viện chính là cái áo bluose trắng của
mẹ; bà khoác cho nó tấm áo giáo dục vừa vặn và liên tục được nới rộng ra cùng
sự trưởng thành. Bà làm cái công việc của sóng biển: trùm lên, tạo hình bờ cát
và cuốn phăng rác rưởi. Khi cậu con bắt đầu xù lên những cái gai cá tính, bà mẹ
lại khéo léo dùng sự cứng rắn bọc nhung để uốn nắn chúng. Đôi khi, bà dẫn dắt
cậu bằng cách kích thích đôi chút tính tự cao tự đại luôn sẵn có ở bọn con
trai. Rồi thì cũng đến lúc cậu con bắt đầu thích vung thanh kiếm của cái tôi để
chặt phăng những thứ cậu cho là ràng buộc. Bà mẹ liền dùng những dải lụa tình
thương mà quấn chặt lấy.
Chịu ảnh
hưởng của mẹ, cậu ngưỡng mộ luôn cái nghề của bà. Thế là Hùng bước vào trường Y
với cả một lòng thành kính ngành y theo cái kiểu của kẻ ngoan đạo bước vào
thánh đường.
Từ đó, trong
suốt sáu năm ròng, những lúc sôi nổi, những cơn hăng máu, những phút vỡ lẽ về
đủ thứ bộ phận, cơ quan, hệ, tuyến của cơ thể; về hình dạng, cấu tạo, chức
năng, cơ chế của chúng. Và điều “kỳ lạ” của cậu cũng dần dần hé mở để cậu trở
nên bình thường với điều đó. Chấp nhận nó như một phần cơ thể của mình. Phớt lờ
những sở thích “lạ thường”, Cậu có nhiều cảm xúc với tiếng oe oe của trẻ con
mới chào đời, tiếng khò khè của phổi, tiếng thình thịch của tim, tiếng ọc ạch
của dạ dày. Ngoài y khoa ra, cậu chỉ có hai thói quen là đọc sách và nghe nhạc.
Chúng làm cậu đâm ra phức tạp nhưng giúp cậu cảm nhận cuộc sống sâu sắc hơn.
Cậu đọc khá nhiều văn học cổ điển. Nó làm cậu thêm xa lánh những thú vui khác
mà cậu cho là nhạt nhẽo, làm cho cái thế giới lãng mạn mà cậu xây cho riêng
mình thêm vững chắc và khép kín. Cậu mơ những giấc mơ trong đó cậu thấy mình có
bàn tay của phép mầu, chạm vào những hài nhi đỏ hỏn sẽ khiến chúng trở nên bụ
bẫm cứng cáp; khiến những khuôn mặt xanh xao, xám ngoét trở nên hồng hào, làm
những cặp mắt tuyệt vọng lại tràn đầy sinh khí… Cậu hiên ngang bước vào đời bất
chấp những biến đổi sinh lí khác thường…
Những chuyện
đó bây giờ đã qua. Bây giờ Hùng đang ngồi cạnh một người bạn chí cốt trong buổi
lễ tốt nghiệp. Đây là buổi cuối cùng cậu ngồi trong “thánh đường” mà cậu đặt
chân vào lần đầu cách đây sáu năm.
- Cậu có
nghe đoàn trường thông báo gì không? - Người bạn hỏi.
- Gì thế?
- Thành đoàn
đang tuyển tình nguyện viên lên Mường Tè.
- Lên cái
chỗ vừa bị lũ quét ấy à? Được đấy, vừa ra trường phiêu du một chuyến cũng hay.
- Tớ cũng
nghĩ thế, ngoài ra biết đâu nhờ có cái xác nhận của thành đoàn mà các bệnh viện
bớt hắt hủi tớ. Cậu sướng thật đấy, mẹ cậu thừa sức xin cho cậu một chỗ ở bệnh
viện.
- Nói thế?
“mỗi người một cõi”, Trịnh đã bảo vậy mà. Vinh có cõi của Vinh mà Hùng có cõi
của Hùng—Vinh là tên người bạn. - Nhưng lên miền núi thì được đấy. Năm ngoái tớ
về quê nội ở Hòa Bình, nghèo kinh khủng nhưng chả hiểu sao tớ thấy thoải mái.
Khi sinh ra họ đã nghèo, lớn lên trong nghèo khó và đến chết có lẽ vẫn đang còn
nghèo, thế nên người ta không lo nghĩ gì nhiều về việc đó. Có lẽ tớ sẽ đăng ký. Hùng
muốn nói thêm nữa nhưng lại thôi…
- Ừ, thế thì
còn gì bằng. Đi đâu cũng phải có chiến hữu!
Sau đó, Hùng
nói ý định đó với mẹ và bà hơi lo lắng nhưng không phản đối. Chỉ dặn: - Phải
biết chăm sóc bản thân. Bản thân mình không lo được thì đi giúp đỡ ai? Làm gì
cũng phải nghiêm túc, bệnh tật không có chỗ cho sự chủ quan, đừng nghĩ họ nghèo
mà sơ sài!
Hai tuần
sau, Hùng và Vinh đã có mặt ở Mường Tè. Hùng hơi ngạc nhiên trước vẻ sống động
của thị trấn. Trước đó ngồi trên xe, cậu có cảm tưởng mình sẽ đến một nơi ảm
đạm hơn nhiều. Những con đường ngoằn ngoèo vắt qua sườn núi. Xa xa, trên những
sườn đồi, vài căn nhà loáng thoáng trong sương mờ. Thỉnh thoảng, trên đường,
một vài người dân tộc đi chậm rãi với chiếc gùi khệ nệ trên lưng, thong thả như
thể nhà họ đã ở ngay trước mặt. Cậu thắc mắc đích đến của họ ở đâu khi mà trước
mặt, sau lưng, bên phải, bên trái đều hoang vu, trơ trọi và lạnh lẽo. Những
ngọn núi đá vôi lởm chởm như những cái răng cá mập chĩa lên trời được bao quanh
bởi những quầng mây trắng xuất hiện làm người ta thêm yếu lòng. Lúc đó, vật thể
sống động duy nhất trong tầm mắt là chiếc xe tải thỉnh thoảng ló ra ở con dốc
lưng chừng đồi không bị che khuất phía trước. Còn thị trấn thì khác hẳn. Hùng
tự hỏi không biết có phải những người rải rác dọc đường khi nãy và từ những con
đường khác đều đổ về đây hay không?
Một ngày
sau, với một ít hiểu biết về cách phòng rắn cắn, những mối nguy hiểm khi đi
đường, một lô các phong tục tập quán của người Thái, Dao… và vài từ thổ ngữ
thiết yếu, Hùng và Vinh lên đường về nơi được phân bổ. Tổ của Hùng gồm thêm
Vinh và một cán bộ địa phương dẫn đường. Sau hai ngày, họ đến được nơi cần đến.
Từ buổi trưa, người dẫn đường đã chỉ cho hai người thấy cái bản, trông khá gần
nhưng phải nửa buổi chơi trò trốn tìm qua các ngọn đồi và hẻm núi thì mới đến.
Cái bản hiện ra như thể nó vừa từ trên trời rơi xuống. Nó nhìn xuống một lòng
chảo nhỏ do đồi núi xung quanh tạo ra. Ở dưới là ruộng bậc thang xanh màu đậm nhạt
khác nhau, ngang dọc theo triền dốc. Các ngôi nhà chiếm cứ những điểm thuận lợi
xung quanh một rẻo đất phẳng như cái sân chung lớn. Đấy là nơi Hùng sẽ làm việc
trong ba tháng, còn bản của Vinh thì xa hơn. Vì thế họ quyết định ở lại đây một
đêm, mai mới tiếp tục lên đường. Ba người đến một ngôi nhà sàn khang trang nhất
bản, toàn bằng gỗ, to và sạch sẽ nhưng hơi tối.
Vị trưởng
bản ra đón mọi người vào nhà. Một cách rất đường hoàng và văn minh, Ông bảo ba
người ngồi xuống sàn nhà. Ở góc nhà, bếp lửa rực than hồng.
- Mấy cán bộ
từ Trung Ương xuống? - Ông nói lơ lớ những âm điệu chuẩn. Người dẫn đường phác
một cử chỉ xác nhận rồi xướng to tên Hùng và Vinh kèm theo chữ “cán bộ”. Có vẻ
như ông đã được biết trước là sẽ có hai người đến.
- A’dam! -
Trưởng bản gọi.
Một chàng
“thổ dân” xuất hiện với bình rượu và mấy cái bát. Anh đặt mấy thứ đó cạnh Ông.
Ông rót đầy, ra hiệu cho mọi người uống cạn. Rượu nhanh chóng mang lại sự ấm
áp. Ở ngoài, mặt trời bắt đầu bị núi che khuất và tạo ra một vầng sáng đẹp lạ
thường phía xa, sương rơi nhiều mang theo không khí lạnh.
- Tối nay
cán bộ sẽ ăn ở đây và ngủ ở đây. Ta mừng vì các cán bộ tới. Ông tỏ rõ sự mến
khách nhưng vẫn quyền uy. - A’dam, dẫn các cán bộ ra suối! Ông truyền tiếp một
khẩu lệnh.
- Cảm ơn
A’pú. - Người dẫn đường nói.
Họ đi theo
A’dam. Ánh sáng bên ngoài khiến Hùng bất ngờ khi phát hiện ra dung mạo của anh.
Cậu nhận ra ngay trước mặt mình là cái đẹp đẽ và sinh động nhất mà cậu được
thấy từ khi đặt chân tới chốn hoang vu này. A’Dam mặc đồ thổ cẩm lộ ra những
đường nét rắn chắc của người lao động chân tay nhưng da trắng hồng đặc trưng
của dân miền núi Tây Bắc. Đôi mắt đen láy trên gương mặt thanh tú như bừng sáng
trong ánh chiều tà. Một vẻ đẹp mạnh mẽ, thuần khiết của tự nhiên. Ra đến suối,
A’dam lặng lẽ khuất sau bụi cây. Một lát sau A’dam xuất hiện và đưa cho họ một
nhúm lá.
- Lá Bơsa,
dưới kia gọi là Bời Lời, dùng để đắp chỗ sưng tấy. Tí nữa tôi sẽ bày cho các
cậu cách hơ lửa để đắp vào chân. Người dẫn đường giải thích. - Trước khi quen
với chuyện đi bộ, các cậu phải dùng nó nhiều.
- A’pú đang
chờ các cán bộ. - A’dam thốt ra những âm thanh đầu tiên với một giọng ấm áp là
lạ. Tiếng nói làm Hùng cảm thấy vơi bớt nỗi hoang mang. Khi mới đến cậu đã nghĩ
mình sẽ phải dùng cử chỉ để giao tiếp với cả cộng đồng này ngoại trừ vị trưởng
bản.
No căng bụng
với món ngô trắng hầm nhừ kèm món thịt lợn rừng được bà mẹ A’dam đãi. Ngất ngư
vì rượu ủ, cả ba người ngã những tấm lưng mệt mỏi xuống hai tấm ván dày được
trải sẵn.
Hôm sau,
Vinh lên đường sang bản bên cạnh. Đến trưa, Hùng bắt tay vào việc, lũ con nít
được khám đầu tiên. A’Dam nhanh chóng tập hợp gần như tất cả trẻ con trong bản
đến. Gần năm chục cái đầu đen bu kín trước nhà trưởng bản. Chúng không rách
rưới nhưng còm nhom và bẩn. Phần lớn đều chảy mũi và xanh tái vì thời tiết lạnh
vùng cao. Hùng lần lượt khám từng đứa. Cậu nghe ngóng kĩ lưỡng, bắt chúng há
miệng, rọi vào tai chúng, kéo mí mắt xuống, xem kẽ tay, kẽ chân, sờ mó cổ …
A’dam nhanh chóng trở thành y tá kiêm phiên dịch. Bằng thứ ngôn ngữ địa phương,
A’dam thuyết phục những đứa trẻ tuân theo những mệnh lệnh cần thiết dù đứa nào
cũng có chút kinh hãi trước những dụng cụ bằng inox sáng choé. Mỗi đợt anh gọi
lên khoảng mười đứa, chọn ra một đứa can đảm nhất để Hùng khám trước và chứng
tỏ cho những đứa còn lại thấy là chúng sẽ không bị làm thịt bởi những dụng cụ
lạnh toát kia. Thỉnh thoảng cũng có đứa bất ngờ ré lên làm những đứa bên ngoài
nhao nhao hoảng loạn, nhưng A’dam bằng giọng trầm ấm nói gì đó với anh chị của
chúng để những đứa này dỗ em. Hùng ngạc nhiên vì A’dam làm tất cả những việc đó
mà gần như chẳng cần hỏi gì cậu. Chủ động, tháo vát và thầm lặng, những lúc duy
nhất A’dam nói với cậu là đánh vần tên của chúng để cậu ghi vào bệnh án. Về sau
cậu biết sở dĩ A’dam thành thạo vì đã có những “cán bộ” tới đây khám qua loa,
phân phát thuốc rồi ra đi.
Trẻ con rồi
đến trẻ sơ sinh, các bà mẹ, các cô gái … Sau năm tuần thì gần như cả bản đều
được anh khám và chữa trị. Những người có bệnh không thể điều trị ngay mà phải
theo đợt, phải sắp xếp sao cho phù hợp với lượng thuốc được cung ứng.
Mọi việc
suôn sẻ, dễ dàng với con nít bao nhiêu thì khó khăn với người lớn bấy nhiêu.
Đối thủ lớn nhất của cậu không phải là bệnh tật mà là những ám ảnh tâm linh và
những phong tục lạc hậu. Nhưng cậu vượt qua bằng cách chứng tỏ sự hiệu nghiệm
thấy rõ trên các bệnh nhân. Cậu làm biến mất những nốt lẹo trên mắt lũ trẻ,
ngắt tiếng rít phế quản, làm mũi chúng khô ráo, đẩy hàng trăm con giun ra khỏi
bụng chúng. Cậu giúp những bà mẹ hậu sản nhanh chóng bình phục, làm những vết
thương nhiễm trùng hết nhức nhối và khép miệng. Tất cả những việc đó tự chúng
giúp Hùng chiếm được lòng tin của dân bản. Phải nói rằng, những cư dân của núi
rừng này rất hiếm hoi được tiếp xúc với thuốc men. Đối với họ bất kì một loại
thuốc nào cũng là đặc hiệu…
Cậu kiêm
luôn cả việc đào tạo A’dam thành y tá của bản, để anh có thể giúp đỡ được phần
nào cho chính đồng bào của mình. Nhiệt tình và trong sáng, Hùng bày cho A’dam
những nguyên tắc vệ sinh cơ bản, dạy A’dam thuộc lòng tên bệnh kèm theo triệu
chứng, cũng như cách sử dụng nhiều loại thuốc thông dụng. Ngược lại, A’dam chỉ
cho cậu các loại lá, công dụng và cách phân biệt chúng. Đó là những lúc A’dam
sôi nổi nhất. Thỉnh thoảng, khi vấp váp trong việc diễn đạt các đặc điểm của
cây, anh lại mỉm cười ngượng nghịu. Mắt anh long lanh tự hào mỗi khi giải đáp
được một thắc mắc của Hùng. Cứ thế, A’dam thầm lặng quấn quít theo cậu đi khắp
bản làng như cầu vồng quanh các hẻm núi mờ sương.
Về phần
Hùng, anh ngạc nhiên vì thấy mình thích nghi với hoàn cảnh dễ dàng đến vậy. Cậu
ăn các món ăn dễ dàng như ở nhà, quen đường thuộc lối, thậm chí cậu còn bắt
chước được cả lối nói của người dân tộc. Ông trưởng bản rất khoái cậu vì những
điều đó. Cậu khám phá ra cả một thế giới khác. Những việc cậu làm ở đây không
cao siêu và lãng mạn như cậu từng nghĩ. Lòng cậu rộn ràng khi nghe tiếng oe oe
chào đời của những đứa trẻ do chính cậu đỡ ra khỏi bụng mẹ. Cậu lắng nghe tiếng
khóc đó không chỉ là thuần tuý và tò mò về chuyên môn như trước nữa. Ở chốn
hoang vu này, cậu thấy tiếng khóc đó còn mạnh mẽ hơn cả tiếng gầm của muông
thú. Cậu sung sướng thấy mình đóng góp một phần trong quá trình kiến tạo cái
sinh linh bé nhỏ nhưng kì diệu kia, cái sinh linh sẽ chứng tỏ mình là bá chủ
của muôn loài.
Những lúc
rảnh rỗi, cậu theo cánh thợ săn vào rừng. Tâm hồn nhạy cảm của cậu bắt đầu khám
phá thiên nhiên theo cách của mình. Con người ở đây đơn giản, dễ hiểu bao nhiêu
thì thiên nhiên phong phú, bí ẩn và hùng vĩ bấy nhiêu. Cậu tìm được cho mình
một phiến đá bằng phẳng và bắt đầu dậy sớm để ngắm bình minh leo lên từ sau
vách núi.
Một buổi
sáng, giật mình vì tiếng sột soạt sau lưng, Hùng quay lại và thấy A’dam.
- Lại đây!
tí nữa A’dam sẽ thấy.
A’dam lặng
lẽ ngồi cạnh Hùng trên phiến đá. Mặt trời bắt đầu nhô mảnh đầu tiên ra khỏi mỏm
núi, những tia sáng toé ra xuyên qua lớp sương mờ mờ lơ lửng, đẩy lùi dần bóng
tối đang bao phủ thung lũng phía dưới. Màu vàng tươi bắt đầu phủ lấy những
khoảnh ruộng. Rồi cầu vồng óng ánh xuất hiện như những chiếc cầu của thiên
đường nối hai đỉnh núi. Hùng nhìn A’dam, cậu chợt nghĩ lẽ ra A’dam phải ngồi
trên chiếc cầu giữa khoảng không kia mới xứng với gương mặt rạng ngời của anh.
- Mấy hôm
nay con nhà A’plú không khỏe- A’dam nói làm cậu thức tỉnh.
- Chúng ta
sẽ xem nó thế nào.
Từ hôm đó,
đều đặn như mặt trời, sáng nào Hùng cũng thấy A’dam ngồi sẵn trên phiến đá đợi
cậu. Hùng kể cho A’dam nghe về mẹ, mấy đứa em và cả người bố luôn xa nhà của
mình. A’dam thường ngồi nghe trong im lặng, nhưng đôi mắt nhìn cậu như muốn nói
điều gì…
Đôi khi họ
ngồi im lặng hết cả buổi sáng nếu A’dam không thông báo có ai đó bị bệnh hoặc
phải tái khám.
Dần dần,
Hùng dành cho A’dam sự trìu mến- một cãm giác lạ lẫm đối với cậu, nó khác cái
cậu vẫn dành cho mẹ và các em.
Đã gần được
ba tháng kể từ ngày Hùng tới bản. Sáng hôm đó, cầu vồng đã tan đi, mặt trời đã
vượt ra khỏi mỏm núi cao nhất, A’dam vẫn không thấy Hùng đến cùng anh. A’dam
chạy về nhà và thấy cậu đang nhăn mặt đau đớn
- A’dam chạy
đi kêu Vinh sang đây, nhanh lên kẻo không kịp - A’dam chạy biến đi, nhưng rồi
lại hiện ra với một cái khăn ướt, lau mặt và đắp lên trán cho cậu.
- Đi đi
A’dam! Bảo anh ấy mang tất cả dụng cụ và thuốc men sẵn có sang đây.
A’dam ngần
ngừ. Anh chẳng bao giờ nghi ngờ những điều Hùng nói, nhưng lần này anh linh cảm
điều gì đó ghê gớm đang đe dọa cậu…
- Đi đi
A’dam! - Lần này thì anh vụt đi.
Hùng chìm
trong bóng tối lờ mờ và nỗi sợ hãi. Toàn thân anh lạnh toát, mặt lấm tấm mồ
hôi, xanh mét. Cái chết đã hiện hữu trước mắt. Cơn đau kéo dài và co cứng từng
đợt ở hố chậu đã nói lên bệnh viêm ruột thừa. Bệnh viện huyện, nơi gần nhất có
thể mổ cho cậu cách đây hơn hai ngày đường. Thời gian đó không đủ sống sót với
một cái ruột thừa viêm cấp tính. Ý nghĩ đó làm Hùng tuyệt vọng, cậu nấc lên thì
thào kêu mẹ và nước mắt chảy tràn ra…
Đến trưa,
Vinh có mặt cùng A’dam. Cậu thấy vững vàng trở lại.
- Tớ tiêu
rồi. Ruột thừa! - Đủ các dấu hiệu Dieulaphoy. - Hùng nói như mếu.
Mặt Vinh
cũng trở nên xám ngoét. Anh ngồi thịch xuống, mặt thuỗn ra bất động, không hỏi
han một lời nào. Kinh hoàng!
- Hùng không
chết đâu! - A’dam bỗng nghẹn ngào. Sự thất thần của hai người đàn ông mà A’dam
nghĩ có chút gì đó cao siêu kia khiến anh hoảng sợ. Anh chạy lại âu yếm nắm lấy
tay cậu.- Hùng không chết đâu - A’dam lặp lại - Bàn tay anh ấm áp, hơi nham
nhám do công việc đồng áng. Nó khiến Hùng tỉnh táo trở lại. Như một sức mạnh
thần thánh làm Hùng cứng rắn hẳn lên.
- Cậu phải
mổ cho tớ - Hùng thều thào với Vinh - tớ đọc hồi chiến tranh có người phải mổ
không gây mê rồi. Đằng nào cũng chết, vậy hãy làm tất cả những gì có thể. Trong
truyện Cuốn Theo Chiều Gió người ta cũng cắt chi mà không có gì cả - Cậu nói
như tự trấn an mình.
- Tớ còn hai
ống thuốc tê đây. Nhưng nó chỉ đủ làm mất cảm giác vùng ngoài. Với lại tớ sợ
không mò ra cái ruột thừa, những lần phụ mổ tớ chỉ được đứng xem. - Vinh bắt
đầu hồi tỉnh, giọng vẫn run run.- Hay cậu hút một ít thuốc phiện, nó sẽ đỡ đau.
- Không
được, thuốc phiện làm giảm mạch. Cậu chuẩn bị đi, trước hết phải luộc tất cả
dụng cụ, cồn có lẽ còn đủ dùng. - Hùng thấy mình tỉnh táo kì lạ. - Cậu phải
trói cứng tớ lại vào cái chõng tre. A’dam sẽ là y tá, nhưng cần phải có thêm
người giúp cậu.
A’dam nhanh
chóng chạy đi, lát sau quay lại cùng ông trưởng bản và hai thanh niên. A’dam
yên lặng nhìn Hùng như muốn truyền cho anh sinh lực của mình…
- Cậu còn
nhớ quy trình không - Hùng tiếp tục phều phào.- Đầu tiên rạch thành bụng trên
điểm Mac Burney, tách các cơ thành bụng, tìm manh tràng rồi tìm ruột thừa - một
cơn đau ngắt lời anh - Thắt các động mạch cùng mạch treo ruột thừa.- Cắt ruột
thừa giữa hai kẹp Korcher - Bất chợt Vinh đọc theo như để ôn bài.
- Cậu đừng
có run, không làm toác bụng tớ ra đấy - Hùng cười ặc ặc, đứt quãng. Đó là giải
pháp làm anh vững tâm dù chẳng biết kết quả sẽ ra sao.- Nhớ rửa tay cho sạch,
đừng thò tay bẩn vào bụng tớ. À, hợm đã, lấy giấy bút ra viết cho tớ cái thư…
Hùng nhìn A’dam trìu mến và… ngất lịm…
Sáng hôm
sau, Hùng tỉnh lại, mặt như một xác chết, bụng quấn băng chặt cứng. Ý nghĩ đầu
tiên là anh đang ở đâu. A’dam ngồi bên cạnh, vẫn ánh mắt đen láy ấm áp ấy.
Trong giấc mê man, Hùng vẫn thấy phảng phất A’dam ở đâu đó. Hình như cậu thấy
A’dam ngồi trên cầu vồng, vẫy cậu lên bằng ánh mắt và đôi môi mấp máy, nhưng
cậu không thể lên được. Cậu thấy mình rớt mãi, rớt mãi xuống thung lũng. Các
núi đá đổ từ từ, từng tảng một đè lên cậu. Rồi A’dam lại hiện ra, lôi cậu ra
khỏi chốn vực thẳm… Và cậu thấy đau nhói… tỉnh giấc!
- Vậy là
sống - Hùng nghĩ.
Cái chết
thật tàn bạo và đáng nguyền rủa. Nó định tước đoạt của cậu mọi ước mơ, khát
vọng và đặc biệt là niềm hạnh phúc mà cậu mới tìm thấy nơi rẻo cao này . Nhưng
nó đã thất bại. Cậu nhìn A’dam với chút ánh sáng leo lắt còn lại trong mắt
mình. Lúc này đây, với chút sức tàn mong manh, Hùng chợt muốn mình thuộc về
A’dam- người đang che chở và truyền sức sống cho cậu.
Bốn ngày sau
mẹ cậu lên cùng với xe cấp cứu đưa cậu về từ vòng tay A’dam. A’dam dõi theo
chiếc xe dần lẫn vào sương mai với bao nỗi trăn trở: Không biết Hùng có nhớ
phiến đá phẳng? Có nhớ cầu vồng thoát ẩn thoát hiện không? Có nhớ những buổi
sáng se lạnh hai đứa ngồi bên nhau gọi mặt trời thức giấc? Có nhớ những buồi
trưa nô đùa tắm suối? Có nhớ những bắp ngô nóng hổi bên bếp lửa hồng, lúc chiều
tà? ...và có nhớ A’dam không?...
Hùng hồi
phục hoàn toàn sau một tháng. Khi sức sống tràn trề trở lại thì những kí ức
kinh hoàng cũng qua đi. Hình ảnh của vùng rừng núi kia và A’dam cứ bám riết lấy
cậu. A’dam gặp cậu trong những cảm xúc mà cậu chưa từng nếm trải và định không
nếm trải... A’dam ở bên cậu khi cậu trong những giây phút sống động nhất mà cậu
từng khám phá cuộc đời và kề vai cậu ngay lúc cuộc sống của cậu trở nên mong
manh hơn bao giờ hết. Đó là những giây phút vĩnh viễn đã khắc dấu vào những nơi
sâu thẳm và tốt đẹp nhất của tâm hồn Hùng.
Mẹ anh đã
xin cho anh một chỗ tập sự trong bệnh viện. Hùng vẫn hăng hái lao vào công
việc. Nhưng cảm giác nhớ nhung thèm muốn cái gì đó khiến anh đôi khi trống rỗng…
Ba tháng
sau, anh quyết định lên đường trở lại Mường Tè. Mẹ anh chẳng ngạc nhiên. Bà
không hiểu anh thì ai hiểu.
- Con đã suy
nghĩ kĩ chưa?
- Con chẳng
suy nghĩ được gì cả. Nhưng con biết rằng đã có cái gì đó xuất hiện trong con.
Thật là khó sống khi không biết cái gì sẽ làm cho mình hạnh phúc, cũng như cái
gì đang làm mình hạnh phúc. Và con nghĩ mình nên cho bản thân một cơ hội để
khám phá điều đó mẹ ạ!
- Cuộc sống
luôn đòi hỏi con phải lựa chọn và quyết định, nếu con đã suy nghĩ kĩ thì mẹ cho
rằng cũng đã đến lúc con phải xác định được cái gì con nên làm. Con cứ trở lại
đó để biết mình muốn gì.
Bà mẹ nhìn
cậu con âu yếm, hình như bao nhiêu yêu thương trong lòng dồn cả lên ánh mắt.
Mắt bà ngấn lệ và mênh mông, có lẽ nó đang chứa đựng trong đó tất cả tình
thương và sự lo lắng. Nhưng bà biết rõ hơn ai hết: Cho dù con trai mình có “lạ
thường” đi nữa nó vẫn có thể giúp ích cho xã hội và dấn thân để tìm kiếm chính
mình. Nó cũng có nghĩa vụ cống hiến và mưu cầu hạnh phúc. Trong sâu thẳm, bà
mong rằng con trai bà sẽ nhanh chóng quay trở về nhưng bà còn mong gấp bội phần
rằng con bà sẽ hạnh phúc.
- Dù con có
thế nào, phải nhớ rằng con vẫn là con trai bé bỏng của mẹ - Người mẹ nói, mắt
nhìn con trai như mỉm cười.
*.
PHƯƠNG
VIỆT KHÁNG
Địa chỉ: Lô nhà số 5, phường Trần Hưng Đạo,
thành
phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh
Email: datinh_1974@yahoo.com
.
.
..............................................................................................................
- Cập nhật
theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 02.09.2015.
- Bài viết
không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng
ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
0 comments:
Đăng nhận xét