NHỮNG
NGÔI CHÙA
NỔI
TIẾNG ĐẤT THĂNG LONG
*
Ngay giữa Hà Nội, xen kẽ giữa những phố phường tấp nập là
hơn 100 ngôi chùa lớn, nhỏ. Trải qua hàng trăm năm, những ngôi chùa vẫn giữ
nguyên được dáng vẻ nguyên sơ, cổ kính.
1/- Chùa Quán Sứ
Chùa Quán Sứ nằm ở số 73 phố Quán Sứ, phường Trần Hưng
Đạo, quận Hoàn Kiếm. Trước đây, khu vực này thuộc thôn Yên Tập, huyện Thọ
Xương, phủ Phụng Thiên. Chùa thờ Phật và thờ vị quốc sư triều Lý là Nguyễn Minh
Không.
Năm 1943, Tổng hội Phật giáo Bắc Kỳ
đặt trụ sở tại chùa Quán Sứ. Năm 1942, chùa được xây lại theo quy mô kiến trúc
và trang trí nội thất như ngày nay. Chùa có quy mô kiến trúc lớn, tam quan kiểu
3 tầng mái, chính giữa là lầu chuông.
Qua tam quan đến một sân rộng lát
gạch. Giữa sân xây tòa chính điện cao, hình vuông, có hành lang bao quanh. Hai
bên và đằng sau là dãy nhà dung làm thư viện, giảng đường, nhà khách và tăng
phòng. Chùa Quán Sứ hiện nay là trụ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
2/- Chùa Láng (Chiêu Thiền Tự)
Chùa Láng được xây dựng từ thời vua Lý Thần Tông
(1128-1138) để thờ Từ Đạo Hạnh là một nhà tu hành đắc đạo, nổi tiếng thời Lý.
Chùa lập ngay trên nền nhà cũ của cha mẹ Từ Đạo Hạnh là Từ Vinh và Nguyễn Thị
Loan, ở địa phận làng Yên Lãng, tức là làng Láng vì thế gọi là chùa Láng.
Tục truyền khi nhà sư Từ Đạo Hạnh đã
đắc đạo liền hóa kiếp ở chùa Sài Sơn (tức chùa Thày), huyện Quốc Oai, đầu thai
làm con trai Sùng Hiền hầu Dương Hoán, em ruột vua Lý Nhân Tông. Lý Nhân Tông
không có con trai, lập con của Sùng Hiền hầu Dương Hoán làm Thái tử. Về
sau, người con trai ấy làm vua tức là Lý Thần Tông. Cũng vì sự tích ấy mà sau
này chùa Láng cũng như chùa Thày thờ Từ Đạo Hạnh đều có thờ Lý Thần Tông. Trong
chùa có nhiều tượng phật, nhiều đồ thờ cổ.
3/- Chùa Cầu Đông
Chùa có tên là “Đông Hoa Môn tự” bắc qua sông Tô ở phía
đông Hoàng thành Thăng Long xưa. Hiện nay, chùa nằm tại số 38B, phố Hàng Đường,
phường Hàng Đào, trong khu vực phố cổ Hà Nội. Phố này dài 180m nhưng thuộc về
đất đai của hai làng cổ. Đoạn trên là đất làng Vĩnh Thái, đoạn dưới là đất làng
Đông Hoa Môn.
Chùa Cầu Đông được xây dựng từ thời
Lê (thế kỷ XVII). Năm Vĩnh Tộ thứ 6 (1624), chùa được sửa chữa và mở rộng. Các
năm 1639, 1711, 1816 chùa lại được trùng tu. Chùa hiện giữ được kiểu dáng kiến
trúc cổ. Tam quan xây lầu cao làm gác chuông. Chùa chính hình chữ đinh, các
mảng chạm hổ phù, rồng vờn mây, hoa lá mang phong cách nghệ thuật điêu khắc thế
kỷ XVI.
4/- Chùa Ngũ Xã
Chùa Ngũ Xã có tên là Thần Quang Tự, được xây dựng từ thế
kỷ XVIII thời hậu Lê (1428-1788 ). Xưa chùa thuộc thôn Ngũ Xã, là một bán đảo
bên hồ Trúc Bạch, có nghề đúc đồng nổi tiếng thuộc tổng Thuận Thành, huyện Vĩnh
Thuận, thành Thăng Long. Nay là số nhà 44 phố Ngũ Xã, phường Trúc Bạch, quận Ba
Đình – Hà Nội.
Chùa Ngũ Xã ngoài việc thờ Phật còn thờ nhà sư Nguyễn
Minh Không, tục truyền là tổ nghề đúc đồng. Ở đây chỉ có một pho tượng Di Đà
rất lớn, mới được đúc năm 1952. Chùa được Bộ văn hóa – Thông tin công nhận là
Di tích lịch sử – văn hóa ngày 11/5/1993
5/- Chùa Hòe Nhai
Chùa Hoè Nhai tên chữ là Hồng Phúc tự, nay ở số 19 phố
Hàng Than, phường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình, Hà Nội. Đây là ngôi chùa cổ,
tương truyền có từ đời nhà Lý, trải qua nhiều lần sửa chữa lớn vào các năm
1687, 1899 và 1952. Chùa Hòe Nhai là “chốn tổ” của phái Tào Động
Năm 1962, Thành Hội Phật giáo Hà Nội
đã dựng tại đây tháp Ấn Quang để kỷ niệm Hòa thượng Thích Quảng Đức tu tại chùa
ấn Quang Sài Gòn đã tự thiêu ngày 11-6-1963, để phản đối chế độ Ngô Đình Diệm ở
miền Nam. Chùa được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa ngày
21/1/1989.
6/- Chùa Kim Liên
Chùa được dựng trên dải đất của làng Nghi Tàm, bên bờ hồ
Tây, nay thuộc phường Nghi Tàm, quận Tây Hồ. Tương truyền nơi dựng chùa là nền
cũ của cung Từ Hoa có từ đời Lý. Nguyên công chúa Từ Hoa, con gái vua Lý Thần
Tông (1128-1138) đã đem cung nữ tới khu vực này trồng dâu, nuôi tằm, mở ra
trại Tàm Tang (tằm dâu). Trại này sau đổi tên là phường Nghi Tàm.
Chùa có từ thế kỷ XVII. Theo tấm bia
hiện còn trong chùa soạn ra có nêu: chùa vốn có tên là Đại Bi dựng vào năm
1631. Bảy năm sau, nhân dân góp công để mở rộng thêm khu chùa. Đến năm 1771,
chúa Trịnh cho dỡ chùa Bảo Lâm ở phía tây kinh thành về tu bổ lại chùa này và
đổi tên chùa là Kim Liên. Chùa Kim Liên là một trong 10 di tích kiến trúc cổ
đặc sắc nhất Việt Nam
7/- Chùa Liên Phái
Ở giữa phố Bạch Mai nội thành Hà Nội có một cái ngõ tên
là ngõ Chùa Liên Phái. Đó chính là lối dẫn vào ngôi chùa Liên Phái cổ kính. Hai
bên cổng là hai hồ rộng, ngay ở cổng chùa có tháp Diệu Quang cao 10 tầng hình
lục lăng. Tiếp đến là nhà bia có tấm bia kể lại sự tích chùa.
Sau đó, Trịnh Thập biến phủ đệ của
mình thành chùa Liên Tông, đồng thời xuống tóc đi tu và trở thành vị tổ thứ
nhất của chùa này. Ông mất năm 37 tuổi, hài cốt được táng trong ngôi tháp xây ở
giữa gò, nơi từng đào được ngó sen đá-đó là tháp Cứu Sinh. Theo một tấm
bia hiện còn ở chùa khắc năm 1857 thì chùa được xây vào năm 1726.
8/- Chùa Trấn Quốc
Chùa Trấn Quốc là một trong những ngôi chùa cổ nhất Việt
Nam, nằm cạnh Hồ Tây, ở cuối đường Thanh Niên, quận Ba Đình, Hà Nội. Chùa Trấn
Quốc là điểm đến không thể bỏ qua khi đến Hà Nội
Theo Từ điển di tích văn hóa Việt
Nam (Hà Nội, 1993), thì chùa Trấn Quốc nguyên là chùa Khai Quốc, dựng từ thời
Tiền Lý (Lý Nam Đế, 541-547), tại thôn Y Hoa, gần bờ sông Hồng. Đến đời Lê
Trung Hưng (1615), chùa được dời vào trong đê Yên Phụ, dựng trên nền cũ cung
Thúy Hoa (thời Lý) và điện Hàn Nguyên (thời Trần). Trong các năm 1624, 1628 và
1639, chùa tiếp tục được trùng tu, mở rộng. Trạng nguyên Nguyễn Xuân Chính đã
soạn bài văn bia dựng ở chùa vào năm 1639 về công việc tôn tạo này.
9/- Chùa Hà
Nếu như những ngôi chùa khác tập trung nhiều tầng lớp
trung niên, các cụ ông cụ bà, đến để giải hạn, để lễ bái, thì chùa Hà được đông
đảo học sinh, sinh viên biết đến với một cái tên khác – Chùa Tình yêu. Là chùa
cầu duyên của đất Thăng long.
Chùa Hà có tên chữ là Thánh Đức tự, trước thuộc làng Dịch
Vọng, huyện Từ Liêm, nay thuộc quận Cầu Giấy – Hà Nội, được xây dựng từ thời
vua Lê Thánh Tông (1460-1497). Chùa Hà được lập nên để Tư Thành (tên tự của vua
Lê Thánh Tông) bày tỏ lòng nhớ ơn các đại thần : Nguyễn Trãi, Nguyễn Xí, Đinh
Liệt… đã cưu mang mình và phế bỏ thái tử Nghi Dân (anh trai Tư Thành – một kẻ
phản vương, phản quốc) để đưa mình lên ngôi vua vào năm 1460, lấy hiệu là Lê
Thánh Tông. Chùa đã được trùng tu quy mô lớn vào đời vua Lê Hy Tông, niên hiệu
Chính Hòa (1680-1705).
*.
TẠ HỒNG TRƯỜNG
Địa chỉ: Khu đô thị mới, thị xã Phố Nối, Hưng Yên.
Email: tahongtruong@yahoo.com.vn
.
..............................................................................................................
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 21.05.2020.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân
Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ
nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
0 comments:
Đăng nhận xét