MỐT HỌC ĐÒI SÀNH ĐIỆU Ở GIỚI TRẺ - Tác giả: Vũ Thị Hương Mai (Hà Nội)

Leave a Comment
MỐT HỌC ĐÒI

SÀNH ĐIỆU Ở GIỚI TRẺ

*
Mốt chạy theo hàng hiệu hiện nay có lẽ cũng đang là một thảm kịch đối với một bộ phận giới trẻ học đòi lối sống sành điệu. Mặc dù gia đình không khá giả gì, thậm chí là túng thiếu nhưng các cô cậu ấy lại tìm mọi cách để có cái diện mạo "bằng bạn bằng bè". Trong lớp người ấy có thể kể ra vài gương điển hình như" Nga quê ở tận Lâm Đồng, một sinh viên ngoại ngữ năm thứ 2, thuộc gia đình nông dân không lấy gì làm khá giả. Nhưng cô dám "tậu" cho mình bộ nữ trang đắt tiền, bộ kính hiệu D & G và các loại quần áo, giày dép mốt nhất. Có thể toàn bộ khoản tiền gia đình gửi cho hàng tháng cô dùng vào việc mua một bộ đồ trang điểm, còn tiền sinh hoạt hàng ngày thì nay "giật" chỗ này mai "giật" chỗ khác của lũ bạn. Cách sống ấy của cô đã khiến bạn bè trong phòng, trong lớp học thấy khó chịu và dần dần xa lánh, chỉ còn thân thiết với mấy cô bạn cùng cảnh ngộ.

Câu nói của không ít dân chơi "rỗng ruột": "chiếc áo không làm nên thầy tu nhưng không có áo thì biết đấy là đâu" có lẽ là hợp lý? Nhưng sự thật là nó đã trở thành câu "danh ngôn" của giới chuộng hàng hiệu. Nhưng cũng chính quan niệm sai lầm đó mà đã có những người đã tự đánh mất mình. Điều đó được minh chứng bởi một "tín đồ" hàng hiệu đã không vượt qua được sự cám dỗ của bản thân mình, cũng chỉ vì sống chung với những tiểu thư con nhà giàu. Đó là trường hợp của Lan, một cô gái xinh xắn 21 tuổi. Cũng chỉ vì bản thân luôn khát khao có được những mẫu mốt mới, nhưng lại không có điều kiện để mua nên đã nhiều lần Lan lấy trộm của các bạn trong phòng cất vào va li quần áo của mình. Đến khi cả phòng thấy mất nhiều đồ đã mở cuộc điều tra và mọi người đã tìm được trong va li của cô từ chiếc áo Bosini, chiếc mắt kính Evita, son môi hiệu Lancôme, đến cả đồ lót Jockey... Sau sự việc như vậy, chắc hẳn mọi người đều có thể đoán được kết cục của nó, cả phòng đã tẩy chay và đề nghị cô chuyển đi nơi khác.

Lại có một kiểu sành điệu mà bình thường khó lòng chúng ta có thể ngờ tới, đó là chơi "hàng mượn". Ra ngoài đường có thể nói vô vàn các nam thanh nữ tú bóng bẩy ngồi trên xe tay ga đời mới, điện thoại di động đắt tiền, quần áo đều mang các thương hiệu nổi tiếng... nhưng biết đâu trong số lại đang dùng "hàng mượn" trong vài tiếng đồng hồ.

Tình cờ chúng tôi có vào một cửa hàng sửa chữa xe máy, chủ thợ là một thanh niên trẻ tuổi, có phong cách thoải mái, nên chúng tôi đã nhanh chóng nói chuyện cởi mở với nhau. Trong thời gian ngồi đợi sửa xe, tôi đã chứng kiến anh chủ thợ tên Huy này hướng dẫn tận tình một thanh niên khác vào giới chơi "hàng mượn" của nhóm anh ta với lời thuyết phục: "Đã bước ra đường chơi thì phải bằng bè bằng bạn. Trang bị cho mình "xịn" từ đầu đến chân thì có nói cái gì cũng linh và dễ dụ được các em sa lưới. Chỉ có điều chi phí tiêu sài của người ta một đêm là cả trăm, cả nghìn đô, còn mình thì chỉ cần một đến hai trăm nghìn đồng". Anh ta còn giải thích cặn kẽ rằng "Hai trăm nghìn nếu gói ghém, khéo tiêu thì vẫn chỉ: Giá thuê một chiếc Sylan/một giờ là 60.000 đồng; Áo vest khoác ngoài chính hiệu của Pháp là 40.000 đồng; điện thoại di động thời mới và nhẫn cẩm thạch là 50.000, số tiền còn lại vẫn đủ uống vài chai bia. Buổi tối đèn màu nhá nhem, quần áo bên trong không cần xịn nhưng quan trọng là một cái áo khoác ngoài thật ngon, đi xe @ hoặc Dylan và điện thoại di động đời mới thỉnh thoảng lại đưa lên Allo".

Huy còn hăng hái giải thích thêm "Tụi tôi thuê đồ trả tiền theo từng đêm. Còn có nhiều nhóm trả theo tháng, nghĩa là ghi sổ, cuối tháng trả một lần và họ còn được khuyến mại giảm giá 10%. Chỉ có khách quen mới thuê được hàng "độc" hoặc thật xịn, nếu không tin cũng dễ chơi phải hàng nhái lắm."

Nhóm chơi của Huy gồm 5 người, ngoài Huy thì còn hai cậu thanh niên, một là thợ điện, một là chạy xe ba gác; còn hai cô gái đều bán hàng tạp phẩm ở chợ. Nhưng buổi tối sau khi đã vứt vào góc nhà bộ đồ lao động là tất cả nhóm bắt đầu lên đồ "sang trọng" và "quý phái" như nhau. Khi vào nhà hàng thì cũng chỉ gọi mấy chai bia mồi, còn sau đó chủ yếu là uống rượu - một loại rượu thuốc 3000 đồng/xị được đựng trong vỏ chai rượu tây mang theo trong cốp xe. Theo như Huy nói thì chiêu thức "bình tây rượu ta" này được khá nhiều nhóm áp dụng khi vào những nơi sang trọng.

Một nữ dân chơi hàng mượn đã rất tự nhiên thổ lộ rằng "Muốn chơi hàng mượn thì phải có một số điều cần thuộc lòng đó là: Thứ nhất, đi theo nhóm để còn nương tựa nhau khi có vấn đề về tiền bạc. Thứ hai, phải canh không cho nhân viên khui bia và nhòm chừng đồng hồ vì tất cả xe cộ, điện thoại, phục trang đều thuê theo giờ. Thứ ba, phải nhớ là tránh "manh động", cuồng loạn quá đáng theo nhạc vì không khéo sẽ làm hư hao hàng mượn thì xong luôn. Thứ tư, điện thoại di động phải bất ly thân, không cho người khác mượn để gọi vì giá một phút được chủ cửa hàng tính theo quy định là 5000 đồng". Cô còn cho biết mỗi tuần nhóm của cô đi đến các bar hạng sang vài lần, cứ mỗi lần đi, tiết kiệm lắm thì cô cũng phải chi từ 100.000 - 200.000 đồng tiền thuê tư trang. Trong khi thu nhập hàng ngày của cô cao lắm thì cũng chỉ 150.000 đồng. Để biện minh cho thú chơi quá xa xỉ ấy của mình, cô nói "Mình phải biết cảm giác chơi hàng xịn, chơi theo kiểu quý tộc xem nó thế nào chứ. Ở vũ trường, quán bar cũng có rất nhiều nhóm chơi hàng mượn như vậy, dân lao động có, học sinh, sinh viên có, thậm chí cả những thành phần lêu lổng". Cô này cũng chẳng ngần ngại, chẳng giấu giếm mà nói rằng, cô đang vay nặng lãi 30 triệu đồng, mà chưa biết đến bao giờ mới trả xong, cũng chỉ vì cái thú ăn chơi ấy.

Qua một cuộc điều tra, khảo sát của một nhóm nhà nghiên cứu được biết có một bộ phận sinh viên tỉnh lẻ, con nhà nghèo nhưng lại có lối sống còn "sành điệu" hơn cả thanh niên thành phố. Hơn nữa, cách ăn chơi của họ thường không được kiểm soát mà tự do theo ý thích.

Theo nhóm nghiên cứu thì có đến 30% sinh viên ngoại tỉnh trả lời là cứ 3 - 4 tháng lại thay đổi mốt điện thoại một lần. Nếu đang sài điện thoại cỡ 1,5 triệu đồng thì sẽ thay bằng cái 2,5 - 3 triệu và cứ thế "nâng cấp" lên. Ngoài ra, một con số cũng không nhỏ chút nào nói rằng, phần lớn số tiền gia đình gửi ra là dùng vào việc mua sắm quần áo và những cuộc đi chơi. Có đến 13/216 số sinh viên khảo sát nói rằng thỉnh thoảng có đi vũ trường, qua karaoke ôm... và con số cũng tương đương như vậy thì thường xuyên việc đi học. Lời lý giải của họ cũng rất đơn giản và ngắn gọn "Nếu có 1.000.000 đồng thì đi loại sang một chút, nếu chỉ có 500.000 thì đi chỗ bình dân hơn".

Nhiều người đã học được lối ăn chơi của con nhà giàu thì mức chu cấp 1.500.000 - 2.000.000 đồng/ tháng của mẹ bố cũng chẳng khác nào muối bỏ bể. Khi đó, nhiều bạn đã lao vào làm thêm. Nhưng rất tiếc, mục đích kiếm tiền không phải là để phục vụ học tập mà là để trang trải cho các khoản vui chơi không lành mạnh. Bất chấp tất cả, nhiều cô đã tự nguyện làm tiếp viên cho các quán bia ôm, karaoke ôm, sàn nhảy... để có đủ tiền tiêu xài mà lại được ăn chơi thả thê. Đến khi không còn thời gian và tâm trí để đến lớp học nữa thì thi môn nào là trượt môn đó, thậm chí là bị đình chỉ học. Nhưng điều đó có lẽ trong hiện tại vẫn chưa gây nên nỗi buồn gì đáng kể, vì ở bên ngoài còn biết bao nhiêu niềm vui thú khác. Cái lối sống chân chất, giản dị ở quê nhà đã nhanh chóng biến mất và thay vào đó là  lối sống "sành điệu" của phố phường; Những ước mơ, hoài bão về một tương lai tươi sáng gắn liền với sự nghiệp học tập, rèn luyện nay dường như cũng đã bị nhụt chí, thay vào đó sự buông thả, bất cần đời.
*.
VŨ THỊ HƯƠNG MAI
Địa chỉ: Khu tập thể Tổng công ty 319
quận Long Biên, thành phố Hà Nội.    
Email: huongmai8081@yahoo.com.vn
                                            .





..............................................................................................................
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 07.08.2020.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 
.

0 comments:

Đăng nhận xét