MỘT VÀI Ý KIẾN BÌNH LUẬN
MỘT SỐ CÂU THƠ TRONG TRUYỆN KIỀU
(Tác giả Lê Thanh Long) |
Tìm
hiểu ý nghĩa từng câu, từng chữ trong Truyện Kiều, cho đúng với thâm ý của cụ
Nguyễn Du là một việc làm cực kỳ khó khăn, nhưng rất thú vị, để cho độc giả
hiểu một cách sâu sắc Truyện Kiều. Đó là một việc làm rất đáng trân trọng của
Hội Kiều học Việt Nam, đang được đông đảo bạn đọc hoan nghênh, hưởng ứng.
Đầu năm 2013, Hội Kiều học vừa ra tập sách đầu tiên KHUÔN TRĂNG… NÉT NGÀI…
trong tủ sách “Trăm năm”
Tìm
hiểu ý nghĩa từng câu thơ trong Truyện Kiều là phải theo đúng nguyên bản (theo
các bản hiện có), như ý kiến của Hội Kiều học là hết sức đúng đắn. Ta không nên
thay đổi văn bản khi bình luận, dù đó có thể là hay hơn, dễ hiểu hơn nguyên
bản, nhưng đó không phải là thơ của cụ Nguyễn Du, chưa nói, làm như vậy là
thiếu tôn trọng cụ. Chúng tôi rất đồng ý với ý kiến của Hội Kiều học là phải
xét câu thơ quan hệ với các câu thơ khác và có khi toàn tác phẩm Truyện Kiều,
có như vậy mới hiểu được đúng ý những câu thơ khó trong Truyện Kiều.
Sau
đây tôi xin có một số ý kiến bình luận về một số câu thơ được cho là “khó”
trong Truyện Kiều, còn có ý kiến tranh luận chưa ngã ngũ:
1. Nguyễn
Du lột tả tinh thần nội tâm của Thúy Vân và Thúy Kiều trong có hai câu thơ
Câu
thơ:
17.Mai
cốt cách, tuyết tinh thần
18.Mỗi
người một vẻ, mười phân vẹn mười (1)
Được
cụ Vân Hạc Lê Văn Hòe chú giải: Mai cốt cách: cốt cách thanh kỳ như cây
mai, ý nói tầm vóc người dong dỏng cao, thanh thanh như cành mai (cành mai coi
gầy guộc xương xẩu, thanh thanh). Mấy chữ này tả tầm vóc Kiều.
Tuyết
tinh thần: tinh thần trong trắng như tuyết, ý nói tư tưởng trong sạch, đầu óc
ngây thơ, không bợn một chút gì ô trọc, tức là ngoan ngoãn nết na, thật thà
chất phác. Mấy chữ này tả tính tình, đức hạnh của Thúy Vân.
Cứ
coi câu sau: Mỗi người một vẻ… thì biết rằng mai cốt cách là vẻ của người
này, và tuyết tinh thần là vẻ của người kia, chớ có hai vẻ đó không chung cho
cả hai chị em Kiều như người ta vẫn thường hiểu.
Mười
phân vẹn mười: giá như vẻ của mai cốt cách có mười phần thì Kiều
có đủ cả mười phần; vẻ của tuyết tinh thần có mười phần thì Vân có đủ
mười phần ấy.
Mai
cốt cách là vẻ đẹp của thân hình; tuyết tinh thần là vẻ đẹp của
nết na. Tác giả muốn nói: một người thì thân hình hết sức đẹp, một người thì
nết na hết sức ngoan.
Truyện
Kiều có cả thảy 3254 câu lục bát, nhưng Nguyễn Du lột tả tinh thần nội tâm của
Thúy Vân và Thúy Kiều chỉ trong có hai câu thơ:
17.Mại
cốt cách, tuyết tinh thần
18.
Mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười
Theo
chúng tôi, câu thơ thứ hai giải thích và làm rõ ý cho câu thơ thứ nhất, mang
tính so sánh “Mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười”, Thúy Vân và Thúy Kiều
có khác nhau (Mỗi người một vẻ), nhưng đều toàn bích (mười phân vẹn mười). Mà
đã so sánh thì phải so sánh cùng một loại hình nội dung: cùng so sánh về hình
thể, hay cùng so sánh về tinh thần (ý nghĩ, tình cảm, đời sống nội tâm…), chứ
không thể so sánh hình thể (thân hình, tầm vóc, khuôn hình…) của người này với
tinh thần (tâm hồn, đời sống nội tâm…) của người kia được.
Như
vậy “Mai cốt cách, tuyết tinh thần” phải được hiểu Nguyễn Du tả cùng
một loại hình nội dung. “Tuyết tinh thần” thì đã rõ: nói về tinh
thần, tính cách, tư tưởng, tâm hồn…, tức là Nguyễn Du muốn nói về vẻ đẹp tâm
hồn, vẻ đẹp bên trong. Như vậy “Mai cốt cách” cũng phải hiểu là
Nguyễn Du tả vẻ đẹp về tâm hồn bên trong, chứ không thể hiểu là vẻ đẹp về hình
thể bên ngoài được (những câu thơ từ câu 19 trở đi Nguyễn Du so sánh vẻ đẹp
hình thức bên ngoài của Thúy Vân và Thúy Kiều).
Vậy “Mai
cốt cách” là gì? “Mai cốt cách” là tính cách như cây
mai hay tính cách như hoa mai? Với một cô gái đẹp, con nhà khuê các,
mới lớn 15 – 16 tuổi, mà ví như cây mai chịu sương, chịu gió, chịu giá rét,
phong trần… , thì e rằng không thích hợp. Vậy “Mai cốt cách” là
Nguyễn Du ví tính cách như hoa mai, cũng trong trắng chẳng kém gì
tuyết trắng, nhưng nếu hoa mai bị phơi ngoài nắng gió và giá rét, thì pha chút
hồng, và càng nắng gió thì màu hồng càng đậm hơn. Hoa mai thích nghi được và
thay đổi theo ngoại cảnh, tùy thuộc vào tình thế. Còn tuyết trắng thì dù có
nắng gió, giá rét… tuyết vẫn trong trắng, tinh khiết, tinh khôi… Tinh thần hoa
mai cũng trong trắng, trong sạch, nhưng có pha một chút hồng sắc sảo, không
hoàn toàn thuần khiết như tuyết trắng. Từ “tinh thần” Nguyễn Du dùng
ngày ấy giống như “tâm hồn” trong ngôn ngữ ngày nay. Từ “tinh
thần” ngày nay đã mang một số ý nghĩa khác. Trong tinh thần như hoa mai và
tinh thần như tuyết trắng, Nguyễn Du muốn ám chỉ ai? Thúy Vân hay Thúy Kiều?
Đến đây đã rõ: Tinh thần như tuyết trắng là ám chỉ Thúy Vân, còn tinh thần như
hoa mai là ám chỉ Thúy Kiều, Nguyễn Du đã chuẩn bị cho nhân vật Thúy Kiều sẽ
phải trải phong trần, sương gió như hoa mai.
*
Bản Giáo sư Vũ Ngọc Khánh chú giải: Mỗi người một vẻ
Bản Đào Duy Anh, hiệu khảo chú giải: mỗi người mỗi vẻ
Tập sách: Khuôn trăng… nét ngài… cuộc tranh luận chưa kết thúc, chép
là:
Một người một vẻ.
2. Bí
quyết nghề nghiệp quan trọng bậc nhất của Tú Bà
Trong
các chỉ dẫn bí quyết nghề nghiệp của Tú Bà, người ta thắc mắc nhất là câu:
1213.
Khi khóe hạnh, khi nét ngài
Vì
sao vậy? Vì hiểu “khóe hạnh” là nhoẻn miệng cười và “nét ngài” là
chau mày, là không đúng với ý thơ của Cụ Nguyễn Du, những hành động như vậy
không có gì đặc biệt, nên không mê hoặc được khách làng chơi lắm tiền, nhiều
của.
Trong
câu thơ Nguyễn Du sử dụng cụm từ khi… , khi… chia thành hai vế, hàm chứa tính
chất đối lập của hành động, hay sự việc, tùy thuộc vào từng lúc, từng đối tượng
khách làng chơi.
Ta
chú ý câu thơ:
1214.
Khi ngâm ngợi nguyệt, khi cười cợt hoa
Khi
thì đàn hát, ngâm thơ dưới trăng, khi thì cười cợt như hoa. Khi ngâm thơ là thể
hiện người có học thức, có kiến thức, có tài, chỉ có con nhà quyền quý, con nhà
lành mới có được phẩm chất này. Lúc nào dùng “chiêu” này? Tất nhiên
là khi tiếp đón khách hàng là những trí thức có học vấn. “Khi cười cợt hoa” là
hành động quyến rũ khách làng chơi bằng nụ cười, khóe mắt, sự nhí nhảnh, hồn
nhiên… Hai vế của câu thơ này cũng có tính chất đối lập của hai hành động.
Chúng ta chú ý đến bí quyết này mà Tú Bà dạy cho Thúy Kiều và các cô gái lầu
xanh.
Vì
vậy, nếu câu: “Khi khóe hạnh, khi nét ngài” mà phân tích: “Khi
khóe hạnh” là nhoẻn miệng cười hoặc liếc mắt đưa tình và nét ngài là chau
mày, do chúng ta suy luận ra từ hình ảnh “hoa hạnh”, thì sẽ trùng với nội
dung của câu “khi cười cợt hoa”, mà Nguyễn Du đã mô tả rõ ràng. Trong
một bài bí quyết nghề nghiệp đâu có lặp lại hai lần một ý như nhau!
Từ
những dẫn giải ở trên, chúng tôi cho rằng trong câu “Khi khóe hạnh, khi
nét ngài” Nguyễn Du cũng nói về hai sự việc hàm chứa tính chất đối
lập nhau. “Khóe hạnh” không nhất thiết phải hiểu “hạnh” là “hoa
hạnh”, hạnh có hai nghĩa: hạnh là cây ăn quả họ đào, hạnh cũng có nghĩa là
nết tốt của người con gái, “hạnh” có thể hiểu là “đức hạnh” như
trong câu:
1469.
Thương vì hạnh, trọng vì tài
1470.
Thúc ông thôi cũng dẹp lời phong ba
Theo
ý chúng tôi “Khi khóe hạnh, thi nét ngài” là bí quyết nghề
nghiệp quan trọng bậc nhất, mà Tú Bà chỉ dẫn cho Thúy Kiều và các gái lầu xanh.
Tại sao vậy?
“Khi
khóe hạnh” không phải là hành động chinh phục, mà là thủ đoạn chinh
phục. “Khi khóe hạnh” là đóng kịch, dùng lời nói, dùng hành động của
mình, dùng tài ứng biến, thuyết phục khách làng chơi rằng mình là con cái nhà
lành, đức hạnh, thùy mị, lỡ cơ, bị ép buộc bán vào đây, làm rung động trái tim,
làm mủi lòng, làm mê hoặc những kẻ giàu có, nhẹ dạ cả tin, giống như ngày nay
các ả cave đóng giả là sinh viên, nghệ sỹ…
Còn
cụm từ “khi nét ngài” lại là phương thức hành động, cách thức hành
động. Đó là cách dùng những đường nét cơ thể, cử động cơ thể, những bộ phận cơ
thể: Đôi gò bồng đảo, cái eo cong, cặp mông gợi tình, dáng đi uyển chuyển, tha
thướt…mà trời phú cho những cô gái trẻ, đẹp để chinh phục khách làng chơi (như
trong bài “Một cách hiểu khác về câu thơ thứ 20” trong Tuyện Kiều, tôi đã giải
thích rõ “nét ngài” là gì, Tủ sách “Trăm năm”, Khuôn trăng… nét ngài…
cuộc tranh luận chưa kết thúc, trang 54).
3. Ánh
mắt sắc như nước
Câu
thơ:
25.
Làn thu thủy, nét xuân sơn
26.
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh
tả
sắc đẹp của Thúy Kiều.
Bản
Giáo sư Vũ Ngọc Khánh chú giải: Thu thủy: Nước mùa thu. Xuân sơn: Núi mùa xuân.
Câu này ví mắt Kiều trong sáng như làn nước mùa thu, lông mày xinh đẹp như rặng
núi mùa xuân.
Bản
của cụ Vân Hạc Lê Văn Hòe cũng chú giải tương tự và thêm: Môi đỏ thắm đến nỗi
hoa cũng phải ghen tỵ vì hoa thua thắm; mái tóc dài tốt và xanh đến nỗi tơ liễu
cũng phải oán hờn vì liễu kém xanh (môi đỏ thắm, mái tóc dài tốt và xanh là suy
luận không có trong văn bản).
Nguyễn
Du tả vẻ đẹp của Thúy Vân rất rõ ràng:
22.
Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da
Còn
khi tả vẻ đẹp của Thúy Kiều:
Làn
thu thủy, nét xuân sơn
Không
biết cụ định tả cái gi? Cái gì như “làn thu thủy”, cái gì như “nét
xuân sơn”? Làn thu thủy là gì? Nét xuân sơn là gì? Biết là Cụ tả vẻ đẹp của
Thúy Kiều, nhưng chủ thể của vẻ đẹp này là gì (bộ phận nào của cơ thể) thì hoàn
toàn không biết. Vì chưa biết chủ thể, nên các chú giải cũng chỉ là suy
đoán: Mắt Kiều trong sáng như làn nước mùa thu, lông mày xinh
đẹp như rặng núi mùa xuân (mắt Kiều, lông mày là suy luận, không có trong
văn bản).
Nếu
hiểu “Làn thu thủy” là làn nước mùa thu và “nét xuân sơn” là
nét núi mùa xuân, một cách đơn giản như vậy, thì không thể giải thích được tại
sao “hoa” lại phải “ghen thua thắm”, “liễu” phải “hờn
kém xanh”? Vì làn nước mùa thu và nét núi mùa xuân thì cũng chẳng có gì đặc
biệt cho lắm.
Nguyễn
Du viết:
1323.Nàng
càng ủ dột thu ba
1324.Đoạn
trường lúc ấy nghĩ mà buồn tênh
Theo
ý kiến chúng tôi, trong câu thơ 25, “thu” và “xuân” không
phải là mùa thu và mùa xuân, “thu” là “thu ba”, “xuân” là “xuân
thì, xuân sắc”, tức là làn thu ba như nước, nét xuân thì như nét núi.
Mắt
là cửa sổ tâm hồn, ánh mắt thể hiện nội tâm, thể hiện tính cách, nội tâm và
tính cách toát ra từ ánh mắt. Làn thu ba như nước là ánh mắt sắc như
nước. Ánh mắt sắc như nước, cái nhìn sắc như nước, cái liếc mắt sắc như
nước, thì không thể có bút nào tả cho đẹp hơn, hay hơn được nữa.
Nét
xuân thì, nét xuân sắc là đặc trưng của các cô gái 15 – 16 tuổi, cái tuổi dậy
thì đẹp nhất của đời người con gái. Ở cái tuổi này tất cả các nét đẹp của cơ
thể của tâm hồn đều bừng sáng lên đến độ cực đại. Nét xuân thì như nét
núi. Vậy “nét núi” là nét gì? Ngày xưa người ta thường vẽ tranh
bằng bút lông, vẽ một ngọn núi thường chỉ bằng một nét cong là ra hình một ngọn
núi. Vẽ hai nét cong liên tiếp sẽ thành hai quả núi. Hai nét cong cong này
chúng ta thấy nó giống cái gì của người con gái dậy thì? Nó giống đôi “gò
bồng đảo”, giống cặp vú. Như vậy “nét xuân sơn” là đường nét đôi
gò bồng đảo.
Ánh
mắt sắc như nước, đường nét đôi gò bồng đảo của Thúy Kiều đẹp đến
nỗi “hoa” cũng phải “ghen thua thắm’, “liễu” cũng
phải “hờn kém xanh”.
Cuối
cùng có thể tóm tắt lại như sau:
Nét
xuân sơn là đường nét “đôi gò bồng đảo” của cô gái xuân sắc ở
tuổi dậy thì Thúy Kiều, đẹp đến nỗi “hoa thắm” cũng phải “ghen” vì
thua kém.
Làn
thu thủy là ánh mắt sắc như nước, đến nỗi “liễu” cũng
phải “hờn” vì thua kém, nên ủ rũ “kém xanh” (chứ không phải thua kém
về màu xanh).
*.
LÊ THANH LONG
Địa chỉ: Phòng 1132, nhà
HH03C, Khu đô thị Thanh Hà,
xã
Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội.
Email: lethanhlong321@gmail.com
Điện thoại: 0822.098.772
...........................................................................................................
- Cập nhật theo nguyên bản từ email tác giả gửi ngày
10.09.2020
- Ảnh dùng
minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng
Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ
nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
0 comments:
Đăng nhận xét