CÚN
*
Trong số người quen của tôi, tôi rất nể
phục nhà nghiên cứu văn học Z. Anh am hiểu các vấn đề lý luận văn học ở ta
(lĩnh vực mà thú thực tôi không hiểu gì mấy). Những bài viết của Z. có thời
được nhiều người ví như “ngọn roi” quất vào “con ngựa sáng tác văn học” giúp nó
phi nhanh hơn và không trật đường.
Z. đẹp trai, thông minh, đặc biệt nhạy cảm
với những cái gì đau đớn, tủi cực. Nhiều lần đi chơi với anh, tôi thấy Z.
thường lảng tránh những nơi có người ăn mày hoặc người tàn tật. Trường hợp
không lảng tránh được, Z. rất bối rối, tôi thấy mặt anh tái đi, anh dốc hết túi
cho người ăn mày hoặc người tàn tật đó.
Với tôi và các nhà văn trẻ thuộc thế hệ
tôi, Z. rất nghiêm khắc. Z. đòi hỏi cao điều mà anh gọi là tính người: tinh
thần làm việc, đức hy sinh, lòng tận tụy, chữ “tâm”… và dĩ nhiên cả văn phạm
nữa. Sự nghiêm khắc ấy làm cho tình bạn của hai chúng tôi không phải không sóng
gió. Tuy nhiên, tôi khâm phục Z.. Nhiều khi lẩn thẩn, tôi nghĩ rằng phải có một
lý do nào thật sâu xa lắm mới rèn lên được một người như Z. Có lần tôi gặng hỏi
mãi, Z. tự dưng buột miệng:
- Cha tôi là Cún. Cả cuộc đời ngắn ngủi
của ông chỉ có độc một khát vọng thành người thế mà không được… Từ câu nói ấy
của Z., tôi viết câu chuyện này…
II
“Cún biết cái chết sẽ đến với Cún chỉ vài
phút nữa. Chân Cún đã lạnh, cái lạnh từ chân cứ thế ngược lên, bao giờ cái lạnh
ngấm đến đỉnh đầu là hết, là vĩnh biệt con người, vĩnh biệt cuộc sống… Cún há
miệng. Khát, khát… Cún thấy cổ họng mình se lại. Cảm giác bị dồn, bị đè bao phủ
toàn thân. Cún biết lần này Cún không thể thoát nó. Nó đấy! Nó thò cái lưỡi vô
hình, đen như đêm tối liếm vào đôi mắt Cún rồi…
Hơn chục năm trước, người ta thấy Cún ở
một cái cống bên con sông đào ngoại ô thành phố. Con sông đen ngòm nước thải,
đầy rác, giấy vụn và những đám bèo Tây lá đầy bụi bặm. Cái cống xi-măng vỡ nằm
ngang con đường đất nhỏ, hứng gió cả ở bên phía bờ sông, cả ở bên phía cánh
đồng. Cún nằm trong đống tã rách hôi hám, cả đầu cả chân tím ngắt vì gió. Chẳng
hiểu sao Cún không chết ngay khi ấy? Chắc vì lão Hạ. Nếu Cún không gặp lão Hạ,
chắc Cún đã chết ngay rồi - Lão Hạ là lão ăn mày ở chợ. Hôm ấy, không hiểu sao
lão Hạ lần ra cống. Đứng trên đường, lão nghe thấy tiếng khóc. Tiếng khóc như
từ dưới đất vọng lên, như từ âm phủ vọng lên. Lão rùng mình hãi sợ. Chiều đang
xuống, nắng đã tắt, ráng mây mỡ gà ở phía chân trời hắt xuống mặt đất một vệt
ánh sáng lạ nh lẽo và kinh dị. Gió bấc đuổi nhau hun hút quanh các lều chợ lụp
xụp không một bóng người. Lão Hạ run cầm cập. Quang cảnh này hồn ma rất dễ hiện
hồn. Đây là thời khắc xuất hiện ma quỷ. Gần cả đời người, lão Hạ sống nhưng
không sợ người, người chỉ làm lão yêu hay lão ghét, thích hoặc không thích, lão
Hạ chỉ sợ cái gì không phải là người.
Lão Hạ sợ quá, bủn rủn hết cả chân tay.
Tiếng khóc ngằn ngặt đúng là có thật. Lão giỏng tai nghe. Đúng là tiếng khóc
trẻ con. Lão Hạ cuống cuồng chạy xuống vệ sông. Lão vừa chạy vừa ngã. Tiếng
khóc níu lão lại. Lão nhìn bên đường và nhận ra đứa bé nằm ở trong cống. Lão Hạ
dần dần hoàn hồn. Hóa ra chẳng có quỷ ma nào cả! Hú hồn hú vía! Ma quỷ đã bỏ
mất một cơ hội để rình chộp lão. Lão Hạ bò về phía cống, thò tay kéo đứa bé ra.
Chân tay đứa bé lạnh buốt. Lão Hạ ôm đứa bé về lều chợ. Lão đặt tên nó là Cún.
Cún là tên chó không phải tên người. Đứa bé này thật cũng không phải là người,
nó kỳ hình dị dạng, đầu nó to tướng, hai chân tay mềm oặt như chẳng có xương,
chỉ hơi lệch trọng tâm là người nó ngã kềnh ra đất. Điều kỳ lạ là Cún có khuôn
mặt đẹp lạ lùng. Cún ở cùng lão Hạ. Cún không chết bởi nó có hai khả năng kỳ
quặc. Một là đôi mắt, đôi mắt của nó làm cho tất cả mọi người xung quanh đều sợ
hãi. Họ đi qua Cún mà không bỏ một đồng hào vào cái nón rách thì không an lòng.
Ánh mắt Cún ám ảnh họ, hành hạ họ suốt đêm ngày. Khả năng thứ hai của Cún là
khả năng chịu đựng tuyệt vời: nó chịu được đói, được rét, nó sống trơ trơ như
thân thể nó được tạo bằng thứ nguyên liệu siêu phàm. Lão Hạ đâm quý thằng bé
tàn tật. Có nó, lão kiếm tiền được dễ dàng hơn. Lão mang thằng bé đi khắp đó
đây kiếm ăn. Chỉ trong một hội Phủ Giày, lão kiếm được bằng mấy năm lão đi ăn
xin một mình. Cách làm của lão thật đơn giản. Lão cứ đặt Cún nằm ngửa một chỗ
với cái nón mê giữa đám đông người. Thế là xong chuyện. Cún sẽ cựa quậy và mắt
nó sẽ làm việc, mắt nó sẽ hỏi mọi người:
- Này ông, này bà, ông bà là người, hãy
nghĩ đến tôi là kẻ chưa được thành người…
Lão Hạ nấp ở đâu đấy, khi thấy nón đã khá
tiền thì ra thu về. Thỉnh thoảng lão đút cho Cún mấy miếng bánh đúc ngô tựa như
người ta đút cho những con gà mang bán ở chợ. Lão Hạ coi Cún như con. Tuy
nhiên, lão cũng chẳng quan tâm nhiều lắm đến thằng bé. Lão có bao nhiêu việc
phải làm. Con người của nghề nghiệp khác có bao nhiêu việc ở đời thì việc của lão
ăn mày cũng nhiều như thế. Ở trong thế giới ăn mày, thân phận một đứa bé con
què quặt chẳng đáng kể gì. Lão Hạ chẳng hề áy náy vì những lần để Cún đói lả,
run người trong những trận sốt mê man để đi uống rượu hay đi đánh bạc. Bản thân
lão cũng đã bao lần bị đói, bị ốm, bị rét như thế. Trong thế giới ăn mày, người
ta có thể sử dụng một đứa bé con trong vài ba tháng để làm cớ ăn xin. Khi đứa
bé chết, người ta vứt nó ra ngoài đống rác như vứt một thứ vật hỏng bình
thường, như cái rổ, cái rế… Việc kiếm ra một đứa bé không khó. Chỉ cần vài ba
đồng bạc, một sái thuốc phiện, một bộ quần áo cũ là xong. Đời còn đói rét. Đói
rét bất chấp tất cả, cả đạo lý, cả tình người. Cún lớn dần lên, Cún dần ý thức
được thân phận mình, buộc phải ý thức về hoàn cảnh mình.
Năm ấy, bấy giờ đang có chiến tranh, nhiều
ngừời chết đói. Trời rất lạnh. Cún và lão Hạ nằm cuộn mình trong hai cái bao
tải ở một hiên nhà cách chợ Mới ngoại ô thành phố chừng trăm mét. Lão Hạ ho
dồn. Lão yếu lắm, đã mấy ngày nay lão không dậy được, thỉnh thoảng lại ho ra
máu.
- Cún này, mày đã lớn rồi… Tao sắp chết rồi…
Mày sắp mất tao, mất chỗ dựa rồi… - Lão Hạ thều thào bảo Cún. Thực ra tao cũng
chẳng phải chỗ dựa của mày. Cả tao và mày cùng sống… Sống như con giun, con dế,
như con ong, cái kiến… - Lão ho sù sụ rồi khóc. - Con người sống khác… Trời ơi,
sao trời hành hạ chúng con như thế? Chúng con muốn sống như mọi người thôi mà
sống không được…
Cún lắng tai nghe. Cún mặc kệ lão Hạ nức
nở rền rẫm một mình. Cún chẳng nói gì. Cún quen với cảnh này rồi. Cún lấy tay
co cái bao tải rách che bụng. Cún thở dài… Cún mệt mỏi rã rời. Hơn chục năm
nay, Cún đi ăn mày, Cún cũng chẳng lạ gì cuộc sống con người… ăn mày là ai, ăn
mày là ta… Đói cơm rách áo hóa ra ăn mày… Cuộc sống con người đầy bất trắc và
vô nghĩa, họ sống cũng như Cún, như lão Hạ, như con giun, con dế, như con ong,
cái kiến… Cún chỉ đau đớn vì Cún khuyết tật. Cún chưa phải là người, cái gì mọi
người làm được thì Cún đều thấy khó quá. Càng lớn, Cún càng thấy việc Cún đứng
vững ở trên mặt đất thực chẳng dễ gì. Cún cứ lẩy bẩy, cứ đi ba bước là lệch
trọng tâm, cứ thế ngã quay ra đất. Hai chân hai tay của Cún không tuân theo
được ý mình. Gần đây, Cún tự dưng lo sợ, lo sợ một cái gì đấy vô hình. Cũng
chẳng hiểu sao Cún lại hay nhớ, hay mơ đến Diệu, cô chủ nhà mà Cún và lão Hạ
nằm ở hiên này. Cô Diệu bán hàng ở chợ, người lúc nào cũng thơm nức nước hoa,
băng phiến. Cô Diệu có đôi mắt nhỏ và hai cánh mũi mỏng dính phập phồng. Tính
cô hay đùa, hay cười. Cô hay gọi Cún là “Thằng hình nhân mặt đẹp”.
- Này Thằng hình nhân mặt đẹp! Cho mày một
hào, sáng mai mày ra đón cửa cho tao. Mày như ngôi sao Hóa Lộc ở cái nhà này.
Hôm nào đi chợ gặp mày là người thiên hạ xô vào mua bán như tranh như cướp…
Cún cười bẽn lẽn. Cún cúi xuống nhặt đồng
hào nhưng lại chúi người ngã quay ra đất. Đồng hào cách bàn tay Cún ba hàng
gạch. Cún nhổm dậy lấy một đầu gối làm trụ để giữ trọng tâm, Cún giơ tay với
nhưng không giữ được, lại ngã nghiêng người sang phải. Đồng hào còn cách Cún
một hàng gạch nữa. Cô Diệu cười như nắc nẻ trên bậc thềm nhà:
- Cái Thằng hình nhân mặt đẹp này ngộ quá
chừng…! Cố lên! Cố lên lần nữa xem nào! Cún thích chí cười. Trời ơi, Cún đã làm
cho cô Diệu thích. Cún thấy sung sướng. Cún nhỏm dậy, cố gập hai đầu gối. Được
rồi… Thế, thế… Chỉ cố thêm một tí nữa và nghiêng người sang trái là chạm vào
được đồng hào. Cún thở hổn hển, mồ hôi toát ra. Cún ước lượng. Cún cười. Đúng
lúc Cún bật nghiêng người lên thì Diệu nhảy thụp xuống nhặt đồng hào để nhích
sang một hàng gạch bên cạnh. Diệu ré lên cười. Cún bị mất đà ngã xuống nền
gạch. Cún đập trán xuống nền gạch, máu trong miệng Cún trào ra nhưng Cún mặc
kệ. Cún hít vội vàng cái mùi đàn bà quyến rũ. Chưa bao giờ Diệu lại ở gần Cún
như thế. Cún cười sằng sặc. Nếu Cún biết hát thì Cún sẽ hát…
Lão Hạ ngồi yên trong góc tường vỡ thương
hại nhìn Cún. Lão nhỏm dậy chậm chạp đến chỗ đồng hào, lão lẳng lặng nhặt đồng
hào cho vào túi mình. - Thằng già khốn nạn! - Diệu bặt nụ cười, môi mím lại
đanh đá. - Đồng hào không phải cho mày đâu đấy! Rồi lại đi nướng vào rượu cho
xem. Lão Hạ đứng im ủ rũ như người có lỗi, vai lão so lại như chờ người đánh,
Diệu đi khuất vào nhà, lão Hạ mới ngồi hụp xuống lau máu cho Cún rồi xốc nách
Cún dìu về phía chợ… Cô Diệu ấy len vào đời Cún dần từng ngày một. Cún cứ miên
man suy nghĩ. Cún hình dung thấy cô Diệu đi lại, nói cười, Cún chẳng để ý gì
đến những tiếng kêu ú ớ nghẹn ngào của lão Hạ nằm bên cạnh. Mãi sau, lão Hạ hộc
lên, những ngón tay sần sùi của lão bấu vào mặt Cún rất đau Cún mới bừng tỉnh.
- Cún mở mắt ra. Cún giật mình thấy mặt lão Hạ biến dạng hẳn di, mặt lão trắng
bệch như sáp, nhân trung lệch sang một bên. Từ miệng lão, máu đen trào ra ồng
ộc. Lão cố ú ớ nói gì đó. Bàn tay lão cố ấn vào tay Cún một cái túi con nằng
nặng. Cún bò nhổm dậy. Cún đã hiểu ra sự việc: cái chết đang hiện ra bằng
xương, bằng thịt ở trước mặt Cún. Nó đấy. Nó nấp trong tròng mắt sâu hoắm và
không thần sắc của lão Hạ đây. Cún khóc nức nở, thế là Cún đã mất đi một chỗ
dựa rồi, chỗ dựa để Cún khỏi lệch trọng tâm ở trên mặt đất mà chính Cún cũng
chỉ hiểu rất lờ mờ…
Sau cái chết của lão Hạ, số phận Cún cũng
chẳng đổi thay mấy. Vẫn đói và rét. Trong cái mùa đông khủng khiếp năm ấy, Diệu
đi lấy chồng. Chồng Diệu là một gã trai đưa hàng. Gã có đôi mắt khô ráo hoảnh.
Mắt gã chẳng hề xúc động một điều gì. Cún theo dõi từng ngày cuộc sống của
người con gái. Cún linh cảm thấy rồi cô sẽ chẳng được sung sướng gì.
Linh cảm không đánh lừa Cún. Ba tháng sau
ngày cưới, gã chồng cô Diệu cuỗm sạch tài sản của vợ mới cưới trốn đi Nam Bộ
với cô tình nhân mới. Cô Diệu như kẻ hóa rồ. Chỉ vì nhẹ dạ cả tin mà cô mất
hết. Cô ốm đến hơn tháng trời, có lúc cô định tự vẫn.
Ngày cô Diệu khỏi ốm, bắt đầu ăn giả bữa
được là một ngày hè nắng dịu dàng. Cô ngồi trong buồng trông ra ngoài phố. Nắng
lung linh trên vòm lá bàng, cả vòm lá sấu và vòm lá đinh lăng nữa. Nhà cô đi
vắng hết, chỉ có tiếng mọt nghiến gỗ gai gai cứ người kêu ở góc chiếc tủ hàng
rỗng không. Cô Diệu nhớ chợ, nhớ cửa hàng xén của mình.. Liệu đến bao giờ cô
mới có được cửa hàng nhứ thế?
Cô Diệu buồn bã trông ra ngoài phố. Cô
chợt thấy Cún ngồi ngay thềm cửa nhà mình. Cún đang đưa tay thu thu cái gì
trong túi. Cô quỳ xuống ngó ra cửa sổ, Cún đang giở bọc vải lão Hạ cho Cún, cái
bọc vải gụ, khâu chỉ đen, bé xíu như cái mề gà. Cô Diệu bỗng giật thót mình vì
thấy trong lòng tay Cún lóng lánh mấy chiếc nhẫn vàng. Cô thấy lạnh toát sống
lưng. Chân tay cô run bần bật. Một ý nghĩ bất chợt chớp trong óc cô.
- Này Thằng hình nhân mặt đẹp! - Cô vội hé
cửa ngồi thụp bên Cún. - Mày có cái gì trong tay mày đấy?
Cún ngẩng mặt lên, Cún xòe tay ra rồi nói
bằng giọng khoe khoang hồn nhiên như đứa trẻ dại: - Nhẫn đấy! Đây là nhẫn vàng
lão Hạ cho Cún… Vàng thật hay là vàng giả?
Cô Diệu chộp lấy tay Cún; trong tay cô có
ba chiếc nhẫn, mỗi chiếc dễ đến hai đồng cân vàng.
- Để tao xem thử nào?
Cô Diệu cầm từng chiếc nhẫn và khẽ để rơi
trên nền đá. Cô lắng tai nghe. Cô soi ra ánh sáng.
Cô cho vào miệng cắn. Cô xuýt xoa rên rỉ:
Trời ơi, vàng thật đây rồi… Cả một gia tài đấy nhé… Cái Thằng hình nhân mặt đẹp
này thật là giàu…
Cô tái mặt đi, cô cửời, cô đấm thùm thụp
vào người của Cún.
- Thực vàng chẳng phải thau đâu… Đừng đem
thử lửa mà đau lòng vàng… Thằng chó con này! Sao đến bây giờ tao mới biết mày?
Cô Diệu hổn hển:
Có… - Vào đây… vào đây… Cái thằng chó con
giàu
Cô Diệu khép cánh cửa lại, ấn người Cún
xuống ghế. Cô lồng nhẫn vào ngón tay rồi chắp hai tay ra phía đằng sau. Cô đứng
sát trước mặt Cún, người hơi ưỡn ra phía trước như một cây cung…
- Thế nào? Tao mặc cả nhé! - Cô Diệu vừa
nói vừa cưởi, ý nghĩ của cô rạch nhanh như những tia chớp trong đầu. - Mày hãy
cho tao ba cái nhẫn này, mày không có nó cũng không sao… Mày vẫn là đứa ăn mày…
Thế nào? Có đồng ý không? Mày muốn gì tao cũng nghe mày… Cún gật đầu, hai khóe
mắt Cún đầy lệ. Cún chỉ thấy sung sướng. Cún đã làm cho cô Diệu thích. Cô Diệu
đã bình phục. Cô Diệu đã khỏe rồi. Cún như mê ngủ. Như người trong mộng. Thế
nào? - Cô Diệu cúi người cọ trán của cô vào trán của Cún.
- Làm gì mà thần mặt ra thế?
Cô cười sằng sặc.
- Nói đi…
Bây giờ mày muốn Cún đưa tay lên, Cún
không chủ động được những sợi gân chằng ở trong cánh tay, cánh tay Cún vẽ một
cử chỉ vu vơ trong khoảng không. Những người châm hương trước bàn thờ cũng có
cử chỉ vu vơ như thế…
- Hiểu rồi… Tao hiểu rồi. - Cô Diệu ngồi
xuống bên Cún vuốt ve. - Mày cũng là thằng khốn kiếp lắm kia! Đàn ông chúng mày
thế hết… Được đấy… Được đấy… Thế là phải giá… Được rồi… Tao chỉ sợ mày sẽ không
làm được. Thằng chồng mất dạy của tao còn không làm cho tao chửa được nữa là…
Cô Diệu kéo Cún vật ra giường. Cún hoảng
sợ. Cún nhắm mắt lại rồi úp mặt xuống cánh mũi phập phồng hơi ánh một màu xanh
mờ của Diệu. Cún như người đang bay trên mây… Cún cảm thấy bao nỗi buồn trĩu
nặng của cuộc đời Cún bỗng dưng được trút hết cả đi, khuây khỏa lạ lùng. Cuối
cùng, Cún đã không hiểu Cún đã ngồi ở vỉa hè từ khi nào nữa.
- Thế là chẳng có nợ nần gì nhé!
Cún nghe thấy tiếng nói của cô Diệu đâu đó
và Cún hiểu rằng Cún vừa trải qua một điều gì đấy thật ghê gớm, thật to lớn.
Cảm giác trống rỗng nhưng sung sướng tuyệt trần choán ngợp trong lòng..
Cún không hiểu rằng đây là cơ hội duy nhất
trong cuộc đời khốn nạn của Cún có cảm giác này.
Cơ hội đó, oái oăm thay, để chín tháng sau
cho Cún một đứa con trai… Chín tháng sau cái ngày hè ấy, cô Diệu sinh con trai.
Từ mấy tháng trước, cô đã báo Cún biết tin này:
- Này Thằng hình nhân mặt đẹp… Mày sắp có
con rồi đấy! Tao cũng không ngờ có chuyện quái quỷ thế này!
Cún mừng rỡ. Cún như một người điên dại.
Cún không ăn không uống, người chỉ còn da bọc xương. Trời ơi, Cún sẽ có con!
Một kẻ chưa được thành người lại sẽ có con. Cún đã hình dung về nó thật rõ
ràng. Nó đi mạnh mẽ ở trên mặt đất, nó không bao giờ lệch trọng tâm, nó vừa đi
vừa mỉm cười, xung quanh nó là một vầng ánh sáng đủ màu.
Cún sống trong trạng thái bất yên mấy
tháng trời trong khi cô Diệu mang thai. Cún ốm nặng, Cún chỉ sợ nhất cái chết
ập đến bất ngờ khi Cún chưa biết đứa con thế nào. Cún thỏa thuận với cái chết,
Cún cầu xin nó từng ngày. Cái chết đồng ý cho Cún chờ đến cái phút con Cún ra
đời, nó sẽ thay thế Cún chạy tiếp chặng đường đi trên mặt đất. Đúng đêm cô Diệu
đẻ, Cún bò lết từ lều chợ đến cửa sổ nhà cô. Trời mưa phùn, cái lạnh thấm vào
người làm Cún tê buốt. Đầu Cún nóng bừng, thỉnh thoảng Cún lại ngất đi mê man.
Chỉ hơn trăm mét mà Cún thấy xa xôi quá. Cún cố gắng giành giật từng mét đường
đi cùng với cái chết. Nó đấy Nó đen như là đêm tối kia rồi. Cún cứ nhích lên là
nó lại kéo Cún ngã dúi xuống bùn.
Cún vừa lết đi vừa rên, máu từ trong tai
ri rỉ chảy ra. Cún đến được hiên nhà bên cái cửa sổ sáng đèn thì ngất xỉu. Khi
tỉnh lại, Cún có cảm giác như bị một vật gì mông mênh đè nặng lên người. Cún há
miệng ra… Khát, khát. Cún thấy khát khô cổ họng. Cả đời ăn mày nhọc nhằn của
Cún cũng chưa bao giờ bị khát thế này. Cún cố nín thở để giữ sức lực. Cún chờ
tín hiệu của đứa con mình. Cún cứ hết mê lại tỉnh. Mãi đến nửa đêm Cún bỗng
giật mình vì những tiếng kêu rối rít trong nhà. Có tiếng oa oa của trẻ sơ sinh…
Tiếng khóc con trai. Cún biết nó đấy, đứa con mà Cún chờ đợi nay đã ra đời.
Cún cười sung sướng rồi lịm người đi. Có
một làn gió rất chi mơ hồ lướt trên khuôn mặt bất động của Cún.
Cún đã chết. Cuộc đời thật ngắn ngủi, cuộc
đời của kẻ chưa được thành người. Đấy là mùa đông năm 1944.”
III
Sau khi viết xong chuyện Cún, tôi mang đến đọc cho nhà
nghiên cứu văn học, giáo sư tiến sĩ Z. nghe. Mặt anh tái đi theo diễn biến câu
chuyện.
- Không phải thế! - Z. giằng lấy tập bản
thảo ở trên tay tôi. - Cậu viết những điều bịa đặt! Cần phải tôn trọng hiện
thực. Hiện thực khác lắm! Cậu biết cha tôi như thế nào không? Z. lục lọi đâu đó
ở trong tủ sách và anh lấy ra một tấm ảnh màu. Anh cười khe khẽ, hơi ngân nga
nữa, bàn tay mềm mại chạm vào giữa huyệt Du chì ở khuỷu tay
tôi:
- Cha tôi là Cún nhưng không phải thế!
Hiểu không? Ảnh của ông cụ đây này.
Trong ảnh, một khuôn mặt đàn ông to béo
mặc áo the đen, cổ hồ cứng, có hàng ria đen xén gọn nhìn tôi mỉm cười.
*
NGUYỄN
HUY THIỆP
Địa chỉ: 71 ngõ 77, phố Bùi Xương Trạch,
quận
Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.
-
ĐẶNG XUÂN XUYẾN giới thiệu -
(Bài viết không thể hiện quan điểm của trang
Đặng Xuân Xuyến)
.
0 comments:
Đăng nhận xét