HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG THUỐC NAM CHỮA BỆNH - Tác giả: Hạ Vinh Thi

Leave a Comment

 

HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG

THUỐC NAM CHỮA BỆNH

Hạ Vinh Thi tuyển chọn và giới thiệu ; Nhà xuất bản Lao Động Xã Hội 2006

*

Phần I: NHỮNG ĐẶC THÙ KHI    

SỬ DỤNG THUỐC NAM

(Theo Hội y học dân tộc Thanh Hóa)

 

Thuốc nam là những vị thuốc kinh nghiệm của ông cha ta lâu đời, có tác dụng chữa bệnh tốt, dễ tìm kiếm, lại rẻ tiền, sử dụng tương đối dễ dàng. Nhưng việc sử dụng thuốc nam chỉ mới dựa vào kinh nghiệm cổ truyền, nhiều vị thuốc chưa giải thích được bằng cơ sở khoa học hiện đại.

Có người cho thuốc nam là thuốc sản xuất ở trong nước cần phải nghiên cứu để biết trong vị thuốc đó có những hoạt chất gì, cơ chế, tác dụng ra sao rồi mới sử dụng. Lại có một số người, quan niệm cho việc nghiên cứu thuốc nam khá đơn giản, không phải thực nghiệm mà cứ sử dụng, rồi mới rút kinh nghiệm sau. Thực tế nó không đơn giản hoặc máy móc như ta nghĩ.

Khó khăn này không phải riêng với nước ta, do điều kiện nghiên cứu còn hạn chế, mà nói chung đối với các nước có trình độ khoa học tiên tiến trên thế giới cũng còn gặp khó khăn. Vì đối tượng nghiên cứu những cây con, khoáng vật làm thuốc là những loại còn chứa đựng nhiều bí ẩn, chưa khám phá hết được. Ngay những nước có trình độ khoa học tiên tiến bên cạnh những vị thuốc đã biết rõ cấu tạo, cơ chế, tác dụng, còn rất nhiều thuốc được nhân dân tiếp tục sử dụng theo kinh nghiệm cổ truyền mà người ta thường gọi là y học nhân dân. Ở nước ta lĩnh vực y học nhân dân rất rộng lớn, những kinh nghiệm đó nằm rải rác trong nhân dân, nhiều thuốc chữa bệnh có tác dụng rõ rệt.

Phương châm kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại của Đảng và của ngành đề ra, đòi hỏi chúng ta vừa phải áp dụng những kinh nghiệm của ông cha ta bằng thuốc nam, vừa tiến hành nghiên cứu chứ không đợi nghiên cứu xong rồi mới sử dụng. Vì những kinh nghiệm chữa bệnh của ông cha ta đã được thực tế chứng minh trên người thực, việc thực từ bao đời nay. Chúng tôi rút ra những đặc thù trong khi sử dụng thuốc nam là:

1. Những kinh nghiệm đó thường chỉ được truyền miệng từ người này qua người khác, qua mỗi người lại thay đổi một ít, cũng có khi bị che giấu, xuyên tạc, do người có kinh nghiệm muốn giữ độc quyền. Cho nên trong công tác điều tra, sưu tầm cây thuốc, cũng như khi áp dụng những kinh nghiệm nhân dân, vấn đề quan trọng là phải phân biệt được kinh nghiệm thực tế và kinh nghiệm đã bị xuyên tạc, thần bí hoá.

Trong quyển “Những cây con, khoáng vật làm thuốc của tỉnh Thanh Hóa” vừa mới xuất bản, chúng tôi chỉ mới giới thiệu những vị thuốc phát hiện trong nhân dân mà chúng tôi đã có dịp kiểm tra lại về mặt thực, giả, tốt, xấu, bản thân đã sử dụng.

2. Hiện nay nhiều vị thuốc nam có tên gọi chưa thống nhất: cùng một cây, có khi mỗi nơi gọi mỗi khác như: Đơn lá đỏ, đơn tướng quân, đơn tía hoặc diếp dại, mũi mác, mót mét, rau mũi cây, bồ công anh. Có địa phương gọi lẫn lộn như: cỏ đĩ, cây cứt lợn khác nhau mà cho là hy thiêm thảo.

Cho nên khi sử dụng cần chú ý phân biệt, nếu không kết quả điều trị không thống nhất sẽ ảnh hưởng đến sự tin tưởng vào thuốc nam, làm cho việc điều trị và nghiên cứu của chúng ta thêm phức tạp. Trái lại, nếu biết vận dụng đúng thì việc điều trị nghiên cứu lại càng phong phú, độc đáo. Trong khi giới thiệu vị thuốc, mô tả cây thuốc và những cây thuốc được trồng ở địa phương đúng tên gọi sẽ giúp cho chúng ta so sánh phân biệt giữa cây nọ với cây kia một cách cụ thể hơn.

3. Biết đúng được cây con làm thuốc, nhưng cần thu hái đúng mùa, đúng lúc, vì: trong vị thuốc có chứa nhiều hoạt chất. Ví dụ: quả đu đủ non ăn hơi đắng, chát, để chín ăn ngọt thơm, ớt xanh ăn cay hăng, chín thì cay nóng.

- Dùng đúng bộ phận cây để làm thuốc.

Ví dụ: Lá tía tô: chữa cảm sốt, nên dùng tươi. Cành tía tô chữa đau bụng có thai, dùng khô, hoặc sao khô hạt tía tô chữa ho đờm, tức thở, lấy lúc hạt đã già, sao chín.

Thịt cóc dùng làm thuốc chữa suy dinh dưỡng trẻ em, mà mủ cóc, gan cóc có độc, không cẩn thận chết người.

- Dùng đúng thời tiết như:

Da lừa lấy về mùa đông thì tốt, vì khi đó da dày nhiều keo.

Lộc nhung nên lấy vào sau tiết thanh minh từ 40 - 60 ngày. Vì lúc đó chính là lúc huyết dịch đầy đủ, chất vốn thuần dương, cho nên công hiệu nhiều hơn.

- Về công việc bảo quản các vị thuốc cần chú ý đến tình hình ẩm ướt, khô ráo quá, đề phòng chống sâu mọt, cụ thể những vị thuốc có mùi vị thơm, cay phát tán như: Xạ hương nên đựng vào bình kín, cây lá có mùi thơm như: Bạc hà, kinh giới, tía tô, nên bỏ vào bì để trong phòng kín.

Lại có bị cốt toái bổ nên cất vào chỗ râm mát. Những vị sinh địa, thạch hộc, địa cốt bì, thạch xương bồ tươi nên vùi vào cát sỏi.

Vì vậy căn cứ vào tính chất của thuốc mà bảo quản đúng cách.

- Chế biến phải đúng phép như: sao vàng, cháy sém, thành than, lại như tẩm rượu, sữa, gừng, giấm, nước tiểu trẻ em, đúng với yêu cầu chữa bệnh, có như vậy mới đảm bảo hiệu quả thuốc. Ngay cả việc sử dụng thuốc tươi hay thuốc khô, cũng đem lại kết quả khác nhau, vì trong quá trình phơi hay sấy khô, có thể có một số hoạt chất bị phá huỷ. Để cho vị thuốc khô giữ được tác dụng như lúc tươi, đối với một số vị thuốc, ta có thể đem đổ hơi nước sôi, trong vòng 3 - 10 phút, trước khi phơi hay sấy khô như: cúc hoa, ngân hoa, hồng hoa.

- Dạng thuốc sắc, thuốc viên hay thuốc rượu, đều ảnh hưởng ít nhiều đến tác dụng của đơn thuốc hay vị thuốc. Tuy nhiên cũng cần thấy rằng, đối với từng vị thuốc cụ thể, ta có thể tìm một dạng thuốc nào thích hợp hơn, rẻ tiền hơn mà vẫn đảm bảo được tác dụng. Cho nên chúng tôi nghĩ, chính trong quá trình nghiên cứu sử dụng thuốc nam, công tác bào chế sao tẩm, nhất định phải đóng vai trò quan trọng.

4. Phải tiến hành nghiên cứu nuô i trồng cây con làm thuốc. Để bảo đảm được nguồn dược liệu lâu dài, hiệu lực đồng đều, song song với việc khai thác cây thuốc mọc hoang, cần tiến hành nghiên cứu nuôi trồng cây con làm thuốc. Trong thực tế cây trồng, chúng ta sẽ thấy nhiều vấn đề tưởng như dễ nhưng rất khó. Ví dụ: Cây tam lăng, cây sa nhân, cây sử quân nhiều người trồng, tuy ra nhiều hoa mà không kết quả mấy, ngược lại có rất nhiều vấn đề thoạt nhìn tưởng khó mà lại dễ như: gừng, riềng, biển đậu, ý dĩ…

5. Sử dụng thuốc nam phải biết kết hợp y học hiện đại với y học cổ truyền: đối với tác dụng của thuốc nam, bên cạnh một số tên bệnh và triệu chứng bệnh có sự phù hợp giữa y học hiện đại với y học cổ truyền, nhưng chúng ta còn chưa hài lòng về một số danh từ bệnh chưa cụ thể như: Hư nhược, sản hậu, cam, tích, ho, đau bụng v.v…

Trách nhiệm của người thầy thuốc là phải theo dõi tác dụng của thuốc trên lâm sàng, nên phải có đủ phương tiện chẩn đoán lâm sàng, cận lâm sàng của y học hiện đại, có như vậy chúng ta mới thực hiện đúng chủ trương thừa kế, nhưng ta phải phát huy hết vốn cũ của ông cha ta. Chúng ta không thể đứng ngoài mà chê trách các lương y, các tài liệu y học cũ là lạc hậu, là mơ hồ để rồi không dùng, không theo, mà thái độ của chúng ta là: Nghiên cứu tìm hiểu trên thực tế, những tên bệnh đó, thuốc đó tương ứng với những bệnh nào, thuốc nào, theo nghĩa của nền y học hiện đại.

Để tiện cho các bạn đọc tham khảo, đối chiếu ngoài những tên bệnh mới, chúng tôi đều có ghi tác dụng và tính chất của vị thuốc theo các tài liệu cổ, theo tiếng nói của các cụ lương y, những tính chất và tác dụng đó, tuy viết theo danh từ cổ, nhưng cũng giúp ta một ý niệm quan trọng về những chỉ định của người xưa.

Để có thể rút kinh nghiệm vận dụng trong điều kiện hiện nay, mặc dù chúng tôi đã cố gắng để có tài liệu và dẫn chứng bằng từ Việt Nam, nhưng vẫn tiếc còn quá ít vì phần lớn kinh nghiệm sử dụng thuốc nam chưa được chính thúc công bố. Chúng tôi hy vọng rằng với chủ trương đẩy mạnh công tác sử dụng thuốc nam, có theo dõi tổng kết, giúp cho quyển vị thuốc, những cây con làm thuốc của tỉnh Thanh Hóa sẽ được phong phú hoàn chỉnh thêm.

 

 

 

Phần II:  CÁCH KHÁM BỆNH

VÀ KÊ ĐƠN THUỐC NAM

(Theo Hội y học dân tộc Thanh Hóa)

 

Sau khi xem xét bệnh tật, căn cứ vào tình hình cụ thể của bệnh, thầy thuốc thương kê đơn thuốc, dặn dò cách sử dụng, cách kiêng kị khi uống thuốc.

I. CĂN CỨ VÀO TÌNH HÌNH CỤ THỂ CỦA BỆNH PHẢI THÔNG QUA TỨ CHẨN

Lấy lý luận bát cương phân tích quy nạp tìm ra mấu chốt của bệnh, rồi bàn phương pháp xử lý thích đáng, qua đó mà vận dụng tính năng của vị thuốc nhằm mục đích: chữa khỏi bệnh mà y học cổ truyền gọi là Biện chứng luận trị.

Biện chứng luận trị bao gồm lý pháp, phương, dược là một phương pháp chữa bệnh độc đáo, khác với lề lối làm viêc của những ngưòi chỉ biết tác dụng của bài thuốc gia truyền kinh nghiệm. Cũng có thể là bài thuốc sẵn có như bài lục vị, tử quân, tứ vật .v.v.. có khi thêm gia vị này, giảm bớt vị khác cho thích hợp với từng bệnh cụ thể.

Mặt khác, người thầy thuốc cũng có thể dựa hoàn toàn vào các triệu chứng bệnh tật chẩn đoán được mà kê một bài thuốc hoàn toàn theo sáng kiến hay kinh nhiện của mình. Trong giai đoạn hiện nay, nhất là đối với y bác sĩ muốn dùng thuốc nam, ta nên áp dụng rộng rãi việc kê những đơn thuốc chỉ căn cứ vào những triệu chứng hay căn nguyên bệnh mà mình chẩn đoán được bằng phương pháp y học hiện đại, rồi dựa vào tính vị công năng của từng vị thuốc nam, mà thay đổi cho thích hợp, có làm được như vậy chúng ta mới chủ động lựa chọn những vị thuốc có sẵn trong nước, tránh những vị thuốc hiện nay ta còn phải nhập, đắt tiền hoặc không sẵn có ở địa phương mình.

Kinh nghiệm cho ta thấy trong kháng chiến, nhất là từ hòa bình lập lại, chỉ bằng thuốc nam ta có thể giải quyết được một số lớn bệnh thông thường, có khi cả một số bệnh hiểm nghèo đã dùng thuốc tân dược, thuốc bắc không khỏi mà chỉ dùng một vài vị thuốc nam vừa đơn giản, rẻ tiền thích hợp với hoàn cảnh của chúng ta là đã có hiệu nghiệm.

Để việc kê đơn thuốc nam được tốt chúng ta cần tránh một số nhận định mà chúng tôi coi là chưa hoàn toàn đúng. Có người nghĩ rằng: Đơn thuốc nam phải có nhiều vị vì thuốc nam ít chất lượng nhưng ta không nên vì vậy mà quan niệm đơn thuốc nam nhất thiết phải có nhiều vị.

Nhìn qua lịch sử y học cổ truyền và dựa vào một số bài thuốc kinh nghiệm đã nổi tiếng, ta thấy có rất nhiều bài có tác dụng rõ rệt, mà cũng chỉ có 4 đến 5 vị, như bài tứ quân bổ khí có 4 vị là: sa sâm, bạch linh, bạch truật, cam thảo - Bài tứ vật bổ huyết cũng chỉ có 4 vị là:

Xuyên khùng, xuyên qui, sinh địa, bạch thược; bài tứ nghịch mệnh danh là hồi dương cấp cứu chữa chứng nôn mửa, ỉa chảy tay chân lạnh quyết, mạch trầm vị, cũng chỉ có 3 vị là: phụ tử, can khương, cam thảo; hay bài tiểu thừa khi nổi tiếng chữa đầy bụng, táo bón, nóng đốt từng cơn cũng chỉ có 3 vị là: đại hoàng, chỉ thực và hậu phác. Có những bài thuốc chỉ có 2 vị như: Bài lục nhất, vì trong bài có một phần cam thảo và 6 phần hoạt thạch, nên gọi là lục nhất, chữa cảm sốt người nóng, miệng khô, nước tiểu đỏ.

Hay bài thuỷ, lục nhị tiêu gồm có kim anh và khiếm thực chữa bệnh di mộng tinh.

Trương Trọng Cảnh - một danh y đời xưa có uy tín nhất đối với các danh y của thời đại, được coi như là một tổ sư ngành y, khi kê đơn thuốc chỉ dùng 4 - 5 vị, đặc biệt lắm mới dùng đến 8 vị. Như vậy, khi kê đơn thuốc nam nhất thiết không bắt buộc phải kê nhiều vị, ta có thể dùng từ 8 - 10 vị.

Nhưng điều chủ yếu là ta phải cân nhắc rất cẩn thận, cái gì là chủ yếu, cái gì là thứ yếu.

 

II. NỘI DUNG MỘT ĐƠN THUỐC NAM

Trong một đơn thuốc cổ truyền, người ta thường nói phải có đủ thành phần quân, thần, tá, sứ, đó cũng chỉ là cách nói của người xưa, dưới chế độ phong kiến coi triều đình nhà vua, có quan, cũng như đơn thuốc có vị chính vị phụ, vị nào chủ yếu, vị nào thứ yếu.

Quân là vị thuốc chủ yếu để chữa bệnh nhằm giải quyết triệu chứng chủ yếu cần phải thanh toán.

Thần là vị thuốc đóng vai trò giúp đỡ, làm cho hiệu lực của vị thuốc chủ yếu mạnh thêm.

Tá là vị thuốc dùng nhằm hai mục đích, một là ức chế khi vị quân có độ độc quá cao, hay tác dụng hơi thiên lệch. Mục đích thứ hai, nhằm giúp vị quân giải quyết một số triệu chứng thứ yếu của bệnh tất, khi bệnh kèm theo một số triệu chứng khác.

Sứ cũng nhằm hai mục đích: một là để nó dẫn các chất thuốc vào kinh, tác dụng thứ hai của nó là đóng vai trò thứ yếu, nó hỗ trợ trong đơn thuốc. Ví dụ bài: Hương tô thông si thang chữa khí uất biểu hàn.

Tổ chức: Quân: Hương phụ, tử tô (lý khí phát hãn)

Thần: Thông bạch, đậu sị (giáp tử tô phát hãn)

Tá: Trần bì (giúp hương phụ để lý khí)

Sứ: Cam thảo (điều hoà các vị thuốc)

Bài điều vị thừa khí thang.

Chữa bệnh dương minh phủ, thực còn nhẹ.

Đại hoàng:         Quân: thanh nhiệt công lý

Sứ: Tự đi vào trường vị

Phác tiêu: Thần: Vị mặn làm mềm chất cứng nhuận táo.

Cam thảo: Tá: hoà hoãn sức tả mạnh của phác tiêu đại hoàng điều hoà các vị thuốc.

Hương tô, thông sị là cách kết hợp bài hương tô ẩm và thông sị thang.

Trong bài hương phụ tử và tử tô có tác dụng trừ lạnh ngoài da, diều hoà uất khí bên trong là hai vị làm quân, còn thông bạch đậu sị giúp cho tử tô đưa mồ hôi ra làm thần, trần bì giúp hương phụ khai uất lý khí làm tá, cam thảo điều hoà các vị thuốc làm sứ.

Bài điều vị thừa khí, vị đại hoàng có tác dụng hạ sốt nhuận táo bón bên trong làm quân, đồng thời lại có thể tự đi vào trường vị, thế là đại hoàng có hai tác dụng là quân và sứ, phác tiêu mặn lạnh làm mềm chất rắn giúp đại hoàng nhuận táo làm thần, cam thảo làm tá, để điều đình giữa phác tiêu và đại hoàng khiến cho sức thuốc không mạnh quá mà vẫn đạt mục đích điều hoà vị khí.

 

III. CÁCH GIA GIẢM VÀ CHẾ BIẾN PHƯƠNG BÀI

Tổ chức phương bài, cố nhiên phải có phép tắc nhất định, nhưng khôn gphải là cứng nhắc không thay đổi. Khi chữa bệnh cần xét người bệnh bệnh tình biến hóa thế nào, thể chất khoẻ hay yếu, tuổi già hay trẻ, và những tình trạng khác nhau tùy đó mà vận dụng gia hay giảm cho được linh hoạt như thế mới thực hiện đúng câu: “Bắt chước phép mà không câu nệ vào phương”.

Vấn đề này các nhà làm thuốc đời xưa coi trọng: Nhưng muốn dùng cổ phương thì trước hết xét chứng bệnh của người ốm, có đúng với chứng bệnh đã kê trong cổ phương không. Lại xét những vị thuốc dùng trong cổ phương đó, có hợp với chứng bệnh hiện nay chưa, bấy giờ mới dùng được. Nếu chưa hợp thì phải có sự gia giảm, hoặc không thể gia giảm được thì chọn phương khác.

Phương pháp gia giảm có hai cách:

Một là gia giảm về lượng thuốc.

Hai là gia giảm về vị thuốc.

Gia giảm lượng thuốc là trong khi ta dùng một phương bài nào đó để chữa một bệnh nhất định, sau khi xét thấy cần thêm bớt trọng lượng của một vị thuốc nào đó, để chữa cho một triệu chứng khác rõ rệt, nhưng tổ chức của phương bài đó vẫn không thay đổi. Ví dụ: Bài quế chi chữa chứng thái dương trúng phong gồm có: Quế chi 50g, đại táo 10 quả, cam thảo 5g.

Nhưng cũng bài quế chi thêm vào vị quế chi 15g nữa thành 65 gam, thì lại chữa bệnh khí nghịch xung lên tâm, là bệnh bôn đồn do thận, vì kinh sợ gây nên.

Lại như 3 vị hậu phác, chỉ thực, đại hoàng, cũng bệnh đại tiện táo bón. Nhưng trong khi sử dụng hậu phác gấp đôi đại hoàng dùng làm quân, đại hoàng làm tá, sứ; chỉ thực làm thần chủ chữa chứng bụng đầy và đau, đại tiện bí kết.

Ví dụ: Hậu phác 80 gam, đại hoàng 40 gam, chỉ thực 15 gam.

Nếu khi sử dụng đại hoàng gấp đôi hậu phác thì đại hoàng làm quân làm sứ, hậu phác làm tá, chỉ thực làm thần, thì chủ chữa chứng đại tiện rắn chắc nóng từng cơn, mạch hoạt nhanh.

Ví dụ: Đại hoàng 30g, hậu phác 15g, chỉ thực 10g. Sự biến hoá và gia giảm khác nhau và cơ chế bệnh lý khác nhau mà đặt ra.

Đem phân tích bệnh lý và dược vật mà nói: Chứng bệnh bụng đầy và đau, đại tiện bị kiết, về cơ chế bệnh lý của nó là khi cơ bị bế tắc, cho nên trọng dụng hậu phác để sơ thông khí cơ. Còn chứng bệnh đại tiện rắn chắc, nóng từng cơn, mạch hoạt nhanh thì cơ chế bệnh lý của nó là thực chứng vị nhiệt, nhiệt tà truyền vào trong, cho nên phải dùng đại hoàng làm quân để thanh nhiệt trục tích, làm cho thực nhiệt ở vị, theo tả hạ mà giải được.

Gia giảm vị thuốc.

Ví dụ: Dùng 3 vị: phụ tử 15g, can khương 10g, cam thảo 5g. Chữa chứng nôn mửa, đi đồng lỏng, nhiều lần, chân tay lạnh, sợ rét, mạch trầm vi, nếu gia thêm một vị nhân sâm tức là tứ nghịch, gia nhân sâm 20g ngoài những triệu chứng của thang tứ nghịch trên, lại còn có hiện tượng bạ vì lợi mà tân dịch bị khô kiệt nữa.

Lại như bài tiểu sài hồ gồm có: sài hồ 12g, hoàng cầm 12g, sa sâm 15g, bán hạ 10g, cam thảo 5g, đại táo 10g, gừng sống 5g. Chữa chứng: Thoạt nóng, thoạt rét (hàn nhiệt, vãng lai) sườn ngực đầy tức, khó chịu lim lịm không muốn ăn, hay nôn, miệng đắng, họng khô khát.

Đem cách gia giảm trong bài mà nói, trong ngực phiền mà không nôn, là chứng tụ ở bụng ngực, nên bổ sâm là vị bổ, không nôn, nên bỏ bán hạ mà thêm qua lâu thực 10g để trừ đởm nhiệt, khát là tân dịch đã bị thương, cho nên bỏ bán hạ là vị ráo, gia sâm 15g, qua lâu cần 15g để ích khí sinh tân dịch. Bụng đau là mộc vượng lấn thổ, cho nên bỏ hoàng cầm đắng lạnh, gia bạch thược 12g để tả mộc bình thổ, dưới sườn đầy cứng, cho nên bỏ đại táo là vị ngọt bổ, thêm mẫu lệ là vị mặn lạnh, để làm mềm chất rắn.

Ví dụ: Kể trên đây, chẳng qua là mẫu mực thôi, tuy là người xưa đặt tên bài thuốc, vị thuốc khác nhau, mỗi bài, mỗi vị đều có chủ trị riêng, nhưng trên thực tế vẫn là tuỳ theo sự biến hoá của chứng bệnh mà gia giảm vị thuốc.

Tóm lại, vấn đề quân, thần, tá sứ và gia giảm trong đơn thuốc y học cổ truyền, cũng cùng một ý nghĩa như kê đơn thuốc tân dựơc, là có vị chính, vị phụ, phải nắm vững nhiệm vụ của từng vị trong đơn thuốc, là ta có thể kê đơn được.

 

IV. LIỀU LƯỢNG CÁC VỊ THUỐC NAM NHƯ THẾ NÀO?

Một số người cho rằng, dùng thuốc nam phải dùng liều lượng cao, vì thuốc nam chất kém, ít bổ, sựthực không cần thiết như vậy, nếu vị thuốc còn tươi thì có thể dùng liều lượng nhiều hơn 20 - 30g, nhưng đã sấy hoặc phơi khô thì dùng ít đi 10 - 15g.

Trong các vị thuốc đều có sẵn tính chất khác nhau, như có độc mãnh liệt thì liều lượng dùng ít, lúc đầu cho liều lượng nhỏ, dần dần tăng lên, đến khi khỏi thì thôi - ngoài những vị thuốc hoa lá, lượng nhẹ chất xốp còn thì liều lượng không nên quá nhiều những vị thuốc chất nặng: Kim loại, mai, vỏ thì liều lượng dùng cần tăng thêm, những vị thuốc có mùi thơm nên dùng liều lượng ít, những vị mềm dẻo, nhuận ướt nên dùng liều lượng nhiều hơn.

Còn như hình thức phương tế có liên quan đến bệnh tật thể chất như bệnh nhẹ mà dùng liều thuốc nhiều quá thì sức thuốc làm tổn thương đến chính khí, hoặc bệnh nặng mà liều lượng lại dùng ít thì làm cho bệnh không chuyển.

Lại như hư chứng, thực chứng thuộc bệnh mãn tính thì bất tất phải dùng tễ thuốc lớn, nếu cấp chứng hư thoát, hoặc thực tà bế tắc, mà liều lượng ít thì không thể cứu vãn được bệnh tình.

Đến với thể chất mạnh, yếu, già, trẻ, nam, nữ, phải nên so sánh với bệnh tình, cân nhắc cẩn thận không nên hiểu một cách máy móc.

 

V. KIÊNG KỴ TRONG KHI UỐNG THUỐC NAM.

Hiện nay trong khi uống thuốc cổ truyền, một số lương y bắt bệnh nhân kiêng nhiều món ăn như: Rau muống, thịt gà, cá chép, đậu xanh, tôm, cá, đôi khi lại không cho phối hợp với các vị thuốc tân dược.

Cách đòi hỏi đó đã gây ấn tượng không tốt đối với thuốc cổ truyền mà thực tế không có cơ sở chính xác.

Phải nhận thấy rằng: khi mắc một số bệnh hay khi uống một vị thuốc, bệnh nhân cần tránh ăn một số thức ăn như bệnh ngứa lở miệng kiêng ăn tôm cua, bệnh phù kiêng ăn muối, bệnh gan kiêng ăn mỡ, cũng như vị thuốc bạc hà kỵ ba ba - miết giáp kỵ rau dền. Cần tránh uống cùng một lúc với một số vị thuốc khác nhau, có tác dụng ngược lại với vị thuốc đang uống, hoặc có thể gây cho các vị thuốc trở thành độc hay nguy hiểm. Điểm này có cơ sở khoa học đã được chứng minh, trong tân dược cũng có quy định.

Qua kinh nghiệm thực tế lâm sàng, ông cha ta cũng đã phát hiện thấy khi uống một số vị thuốc cổ truyền hay khi mắc một số bệnh thì cần tránh một số vị nhất định, điều này có ghi trong các sách.

Ví dụ: Người âm suy, hư nhiệt, không dùng được vị ngải cứu, những người huyết hư không tích trệ, không được dùng vị nga truật, phàm những người tỳ vị hư hàn mà không có nhiệt độc không nên dùng vị kim ngân hoa.

Nhiều vị thuốc, sau khi ghi tác dụng còn có ghi thuốc đó ghét vị thuốc nào khác, hay sợ vị thuốc nào khác đã nói ở phần trên.

Mặc dù một số danh từ bệnh ghi trong sách cổ rất khó xác định, nhưng trong khi dùng thuốc cổ truyền ta nên theo dõi xem trường hợp nào cần tránh vị thuốc nào, để nếu cần thì viết theo quan niệm bệnh mới, cũng như sự tương uý, tương ố, tương phản, nên theo dõi để rồi quy định lại.

Chúng ta dùng thuốc nam, nên có ý thức vừa dùng vừa theo dõi rút kinh nghiệm đối với kiêng kỵ cũng nên như vậy, những trường hợp đã đúng và chính xác rồi, ta nên theo và nghiên cứu thêm, để nắm nguyên nhân vì sao phải kiêng kỵ nhưng cũng có nhiều trường hợp cần kiểm tra lại, vì do người nọ truyền người kia, tam sao thất bản, làm cho việc kiêng kỵ có màu sắc thần bí không đảm bảo chính xác.

Trên cơ sở đó, ta thấy có thể vừa dùng thuốc tân dược vừa dùng thuốc nam, mà không thấy mất tác dụng của một loại thuốc nào, miễn là những vị thuốc cùng dùng một lúc không có vị nào có tác dụng ngựơc lại nhau hay phá huỷ tác dụng của nhau.

 

VI. CÁC BÀI THUỐC CHỮA BỆNH CẢM KHI MỚI PHÁT.

Cảm là một loại bệnh, trong 4 mùa đều có phần nhiều phát sinh khi thời tiết thay đổi đột biến, do nóng lạnh bất thường, đói no không có chừng mực, điều kiện ăn, ở không cẩn thận, lao động quá sức tác động đó làm cho lông, da, thớ thịt người ta bị thưa hở nhân đó tà khí (mưa, gió, nóng, lạnh, ẩm ướt) bên ngoài xâm nhập vào cơ thể, mà phát sinh bệnh tật.

Những chứng trạng trên lâm sàng thường thấy:

Mũi tắc, chảy nước mũi, ho, đau cổ, tiếng nói khàn, đau đầu, sốt, mạch phù.

Phân loại: tuỳ theo nguyên nhân khác nhau, bệnh tình không giống nhau người ta chia làm hai loại chính là: phong hàn và phong nhiệt.

a) Phong hàn: Triệu chứng chủ yếu: mũi tắc, tiếng nói vang, nước mũi trong, ho, đau cổ, đờm nhiều, loãng, đầu và mình đều đau, sợ gió, rét nhiều, sốt không có mồ hôi. Rêu lưỡi trắng mỏng, mạch phù khẩn.

Phép chữa: Dùng thuốc cay ấm, giải biểu thông khí phế, tán hàn. Vị thuốc: hành tăm:10g, bạch đậu khấu 8g, hạnh nhân 10g, lá tía tô 8g, phồng phong 10g, kinh giới 8g, cam thảo 5g, gừng tươi 3 lát.

Sắc uống: cho vào thuốc 300ml nước sắc còn 150ml chia uống làm 2 lần trước bữa ăn, uống thuốc còn hơi ấm.

Tác dụng của thuốc: Hành tăm thông dương khí, tan hơi lạnh. Đậu khấu đưa tà khí ra ngoài, tô diệp, hạnh nhân, thông khí ở phế, hoá đờm, kinh giới, phòng phong, giúp sức cho các vị cay nóng dễ phát tán.

1. Phong nhiệt: Triệu chứng chủ yếu: Đau đầu, ngạt mũi, nước mũi ít, đặc, ho, họng đau rát, đờm sánh đặc, sốt hơi sợ gió lạnh, có mồi hôi ít, rêu lưỡi vàng mỏng, mạch phù sác.

Phép chữa: Dùng thuốc cay mát giải biểu, không khí ở phổi, hạ sốt.

Vị thuốc: Kim ngân 8g, lá dâu 8g, bạc hà 5g, cúc hoa 10g, hạnh nhân 10g, chỉ xác 10g,cát căn 15g, huyền sâm 15 g, cam thảo 5g.

Tác dụng của thuốc: Kim ngân, bạc hà tiêu độc, hạ sốt, lá dâu, cúc hoa chữa đau đầu, hạnh nhân, chỉ xác thông khí ở phổi lợi đờm, cát căn, huyền sâm, thanh nhiệt sinh tân dịch.

c) Bài thuốc phù chính giải biểu.

Phù chính giải biểu có tác dụng nâng cao sức đề kháng của cơ thể và đưa tà khí ra ngoài.

Chính khí của cơ thể gồm có âm dương khí huyết nên các bài thuốc phù chính giải biểu, gồm các bài tư âm giải biểu, trợ dương giải biểu.

d) Bài tư âm giải biểu.

Ngọc trúc 15g, hành tăm 10g, cát cánh 8g, đậu sị 15g, bạc hà 5g, cam thảo 5g, táo 10 quả, cát căn 15 g.

Ứng dụng lâm sàng: Chữa chứng âm hư cảm phải ngoại tà, đau đầu, sốt, hơi sợ gió, sợ lạnh, không có mồ hôi hoặc ít ra mồ hôi, ho khan, vật vã, miệng khát, họng khô, lưỡi đỏ, mạch nhanh.

e) Trợ dương giải biểu.

Ma hoàng 6g, phụ tử chế 12g, tế tân 4g.

Cách dùng: Sắc chia 3 lần uống trong ngày.

Tác dụng: Trợ dương giải biểu.

ứng dụng lâm sàng: chữa chứng dương hư, bị ngoại cảm phong hàn.

Sợ lạnh nhiều, phát sốt hoặc hơi sốt, mạch không phù mà trầm.

 

 

 

Phần III: NHỮNG QUY ĐỊNH VỀ

ĐO LƯỜNG KHI SỬ DỤNG THUỐC NAM

(Theo Hội y học dân tộc Thanh Hóa)

 

Trong y học cổ truyền dân tộc cũng như trong y học hiện đại đều phải thực hiện công tác đo lường một cách nghiêm ngặt. Vì trong sản xuất, phân phối, bảo quản thuốc men, hoá chất v.v.. phải thận trọng tỷ mỉ chính xác và khẩn trương, nếu không thực hiện nghiêm sẽ dẫn đến sai số lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ hoặc tính mạng của người bệnh, đồng thời gây lãng phí tài sản của nhà nứơc. Do đó, phải thực hiện công tác đo lường theo đúng quy định của Cục đo lường trung ương.

Trong ngành y tế phải thực hiện nghiêm chỉnh về cân đo, đong đếm, phải thận trọng tỉ mỉ, chính xác và khẩn trương.

Đơn vị đo lường thống nhất chung.

 

I. ĐỐI VỚI KHỐI LƯỢNG

Phải dùng đơn vị mi li gam (mg), gam (g), Ki lô gam (kg), mi li lít (ml), lít (l).

Trong y học cổ truyền, các ông lang bà mế hay dùng đồng cân hoặc phân từ xưa đến nay là không chính xác không đúng cho nên không dùng đồng cân hay phân để cân đong thuốc men, hoá chất, nguyên dược liệu.

 

II. KHI ĐONG

Phải dùng bình hay ống đong có vạch ml hoặc lít đã quy định đúng tiêu chuẩn, không dùng các dụng cụ ước chừng để đong đo.

 

III. KHI CÂN

Phải dùng cân chính xác có độ nhảy và các tiêu chuẩn quy định.

 

 

 

Phần IV: BÀO CHẾ, SAO TẨM

THUỐC NAM THEO Y HỌC CỔ TRUYỀN

(Theo Hội y học dân tộc Thanh Hóa)

 

Thuốc nam là những vị thuốc phát triển tự nhiên ở đồi núi, rừng hoặc được trồng ở các địa phương, kể cả những cây thuốc được di thực, trong đó có một số vị chất độc hoặc hoạt tính mạnh quá không thể uống ngay được, lại có một số vị hay biến chất, không thể để lâu được. Có vị cần loại bỏ những tạp chất và những bộ phận không cần thiết thì mới có thể dùng đựơc.

Cùng một vị thuốc mà sống, chín khác nhau thì tác dụng cũng khác nhau. Vì thế, phải qua sự gia công, xử lý nhất dịnh, tức là phải qua bào chế, sao tẩm.

 

I. MỤC ĐÍCH CỦA VIỆC BÀO CHẾ, SAO TẨM THUỐC NAM

Mục đích chủ yếu của việc bào chế sao tẩm có thể quy lại mấy điểm sau đây:

a) Làm cho vị thuốc tốt hơn lên, bằng cách loại bỏ những bộ phận không cần thiết như: Vỏ, rễ, hạt (thô bì) không có tác dụng.

b) Làm giảm hay loại bỏ độc tính của vị thuốc hoặc những chất không cần thiết đối với một số loại bệnh nhất định. Ví dụ: Bán hạ dùng sống thì kích thích làm cho người ta bị ngứa cổ, cần phải tẩy nước phèn chua cho sạch, trắng, rồi tẩm với nước bồ kết, nước gừng sao khô thì mới làm mất được tính kích thích của bán hạ.

- Bã đậu có thể sinh ra đi ỉa chảy, cần phải ép, thấm bớt dầu đi, để làm giảm tính kích thích mãnh liệt gây ỉa chảy. Hạt quả kim anh có độc, nên khi dùng kim anh phải loại bỏ hạt.

c) Sửa đổi tính năng của vị thuốc để làm cho hoà hoãn, hoặc tăng thêm công hiệu của thuốc. Có một số vị thuốc vì sống chín mà tác dụng khác nhau như: Táo nhân sao đen thì gây cho bệnh ngủ được nhiều, không sao thì ngủ ít. Bồ hoàng dùng sống thì hành huyết, phá ứ, khi sao đen thì cầm máu. Thường sơn chế với giấm thì nôn mửa mạnh hơn, chế với rượu thì nôn mửa sẽ nhẹ đi. Địa hoàng dùng sống thì tính hàn mát huyết, chế thành thục địa thì tính ấm mà bổ huyết.

d) Giúp cho sự bảo quản dễ dàng hơn đối với những vị thuốc có tinh bột hay lên men, để lâu ngày làm giảm tác dụng chữa bệnh của vị thuốc, thì đem đồ lên trước khi phơi, để diệt men hay để làm chín một phần tinh bột như: Hoàng tinh, bách bộ, thiên môn, mạch môn, cúc hoa, kim ngân hoa, gừng, nghệ,…

Nói chung phương pháp bào chế thuốc nam cũng không khác với tân dược lắm, nhưng có một số danh từ và cách làm hơi khác. Tuy nhiên do không được đào tạo tại một trường nào, cho nên bên cạnh cái đúng hợp lý cũng còn lẫn nhiều phương pháp phức tạp, cầu kỳ, đượm màu sắc mê tín không cần thiết, ở đây chúng tôi chỉ chú ý giới thiệu một số danh từ đặc biệt, tương đối thống nhất của phương pháp bào chế đó.

 

II. PHƯƠNG PHÁP BÀO CHẾ THUỐC NAM

Ta có thể phân phương pháp bào chế làm 3 loại: Dùng lửa, dùng nước, và loại phối hợp cả nước và lửa.

a) Phương pháp bào chế dùng lửa

Chế bằng lửa là đem vị thuốc, trực tiếp hoặc gián tiếp đặt lên trên lửa làm cho khô ráo, xốp, giòn, sém vàng hoặc hoá thành than như: Nung, bào, lùi sao, chích, nướng.

- Nung (đoàn): Là cho vị thuốc trực tiếp vào lửa hồng hoặc cho vào một chảo gang để mà nung, cách này thường dùng chế các vị thuốc bằng khoáng vật như: thạch cam lộ, hoạt thạch, thạch cao. Hay các thứ vỏ (mai) như: Mẫu lệ, cáp phấn, xuyên sơn giáp, thạch quyết minh, miết giáp, quy bản. v.v..Có thể làm cho thuốc xốp, chín, giòn tan ra, dễ thu hút hoặc tăng thêm tác dụng thu sáp.

- Bào: Đem thuốc cho vào chảo rất nóng sao trong chốc lát đợi đến khi xung quanh thấy vàng sém nứt nẻ là được như: Bào khương, thương nhĩ, chi tử, thảo quyết minh, có thể làm cho giảm bớt tính mãnh liệt của thuốc.

- Lùi hay vùi (ổi): Bọc vị thuốc vào giấy ẩm hay cám, bột ướt, vùi vào trong tro nóng hoặc than lửa đỏ, đợi đến khi giấy hoặc bột bọc ngoài khô, cháy, sau khi để nguội bóc lớp giấy hay bột bọc ngoài đi mà dùng vị thuốc ở trong. Phương pháp này là lợi dụng bột hay giấy ướt để thu hút bớt một phần chất dầu của vị thuốc làm giảm bớt chất kích thích như: Mộc hương, cam toại, đậu khấu, trúc lịch.

- Sao (rang): Cho vị thuốc vào nồi hay chảo gang, đun nóng và đảo đều là phương pháp thường dùng và dùng nhiều nhất trong phương pháp bào chế. Nhưng mục đích sử dụng khác nhau, nên mức độ nóng cũng khác nhau như: bạch truật, hoài sơn, mạch nha, ý dĩ sao vàng cho có mùi thơm. Chi tử, thần khúc, táo nhân, quyết minh sao có màu đen: trắc bá, địa du, bồ hoàng, kinh giới nên sao thành than. Sao vàng hay sao đen thành than đều phải giữ cho đều lửa, sao như vậy, vị thuốc tăng mùi thơm sẽ dễ vào tỳ hơn, hoặc có một số thuốc là hạt, khi sao giòn vàng xém, dễ vỡ, lúc sắc dễ ngấm hơn.

- Những vị sao cháy nhằm mục đích làm cho vị thuốc tăng thêm tính chất thi sáp cầm máu, nhưng sao cháy cần phải tồn tính, có nghĩa tuy cháy nhưng không được thành tro, nếu thành tro, tính chất của thuốc sẽ mất hết.

- Sấy: Là cách dùng lửa nhỏ để hơ nóng làm cho thuốc khô ráo; có 2 mức sấy, sấy nhiều lửa làm cho vị thuốc hơi vàng giòn như: Thủy điệt, manh trùng: sấy ít lửa chỉ cần làm cho thuốc khô ráo là được như Kim ngân hoa, cúc hoa, hồng hoa, hòe hoa.

- Trích: Phép này rất hay dùng, ví dụ: Người ta nói trích cam thảo là dùng mật mía trộn lẫn với vị thuốc, đảo đều cho thuốc ngấm hết vào mật, rồi mới đem sao hoặc nướng như: Cam thảo, hoàng kì ngũ vị, tang bạch bì, khoản đông hoa, tử uyển. Cách này có tác dụng bổ khí, nhuận phế, dinh dưỡng, dịu mùi.

b) Phương pháp bào chế bằng nước thủy (thủy chế).

Thủy chế làm cho vị thuốc trong sạch, mềm mại, dễ thái mỏng, hoặc làm cho vị thuốc được tinh khiết làm giảm bớt độc tính và tính mãnh liệt của thuốc.

Nói chung thủy chế bao gồm có rửa, ngâm, dội, thủy phi.

- Rửa: Là làm cho vị thuốc sạch hết đất cát, bụi bẩn mà không được ngâm lâu trong nước.

- Ngâm: Công việc này cũng như rửa, nhưng thời gian dài hơn, phức tạp hơn, tác dụng của nó chẳng những làm sạch mà còn có thể gạn hết chất mặn và tanh hôi đi như: Hải tảo, côn bố, nhân trung bạch.

- Dội: Dội là cho vị thuốc vào nước lã hoặc nước sôi trong một thời gian, rồi bóc vỏ ngoài, hay chờ cho vị thuốc mềm rồi đem bào thái, ví dụ: Ngâm hạnh nhân, đào nhân cho vỏ nổ ra rồi xát bỏ vỏ đi sau đó cắt bỏ đầu nhọn, chú ý đừng ngâm lâu quá, chất nước tan trong nước và tác dụng của thuốc bị giảm.

Trong phương pháp này có khi người ta ngâm với nước gạo, nước gừng, nước bồ kết, ngâm rồi lại phơi, phơi rồi lại ngâm, thường làm hai lần như: bán hạ, hương phụ.

- Thủy phi: Là khi chế thuốc tá, thuốc bột cho thêm nước vào vị thuốc rồi cùng tan hay nghiền rồi cho nước khuấy lên để bột nhỏ lắng dưới, bột to ở trên, mục đích là khi nghiền làm cho bột thuốc không bay lên được mà còn nhỏ thêm như: chu sam, thần sa, hoạt thạch, hùng hoàng, thanh đại đều dùng cách này.

c) Phương pháp phối hợp cả nước và lửa

Phương pháp này chủ yếu gồm có: chưng (đồ), đun (chữ), tôi, sắc, cất.

- Chưng hay đồ: Là đun cách thuỷ, hay cho vị thuốc vào một cái chõ, dưới để nước mà đun cho đến khi chín, ví dụ: chưng sinh địa, chưng hà thủ ô với đậu đen, cách làm này có thể làm mất tính chất đắng chát và lạnh của thuốc.

- Đun hay nấu: Là cho vị thuốc vào nước lã, hay nước ép của một vị thuốc khác, rồi đun sôi nhẹ cho thuốc chín hay chất của vị thuốc khác ngấm vào vị thuốc bào chế như: Nguyên hoa nấu với dấm thanh để chế bớt chất độc của nó, luộc thường sơn với rượu để làm giảm sức nôn mửa của thường sơn.

- Tôi: Là đem vị thuốc đã nung đỏ nhúng ngay vào dấm hoặc nước của một vị thuốc khác, làm nhiều lần như thế gọi là tôi, phần nhiều áp dụng với các vị thuốc bằng khoáng vật như: Từ thạch, đại giả, tự nhiên đồng, thạch cam lỗ nhúng vào nước sắc hoàng liên, cách này mục đích làm cho thuốc tan rã ra để dễ việc thu hút.

- Cất: Là đun cho hơi nước bốc lên, để ngưng đọng thành nước như: cất dầu bạc hà, cất long não, cất rượu....

Trong những phương pháp trên, có khi người ta còn dùng dấm, rượu, nước muối, nước vo gạo, sữa, nước tiểu trẻ em để ngâm hay tẩm, trích nữa. Tất cả những phương pháp đó đều dựa vào lý luận âm dương ngũ hành giới thiệu ở trên, hoặc có khi căn cứ vào nhu cầu cần thiết của việc chữa bệnh mà phối hợp.

Chúng tôi cho rằng lúc đầu người ta dùng thuốc không có chế biến gì cả, dần đân do tình cờ hay tìm tòi, rồi tìm ra những phương pháp độc đáo nhưng rồi truyền khẩu hay giữ bí mật nhiều quá, cho nên nhiều khi đượm màu sắc mê tín, chúng ta cần tích cực nghiên cứu và kiểm tra lại.

d) Một số kinh nghiệm trong sao tẩm và bào chế

Dưới đây xin nêu một vài kinh nghiệm sao tẩm bào chế riêng biệt của một số vị thuốc theo yêu cầu điều trị trong các phương bài.

- Cách chế thán khương:

Lấy nước tiểu trẻ em mạnh khoẻ, dưới 8 tuổi, bỏ đoạn đầu và đoạn cuối, lấy đoạn giữa, cho can khương vào ngâm độ 2 giờ, vớt ra phơi khô, rồi bỏ ngâm lại, làm như thế 3 lần, sau đó cho vào một caid nồi đất, đậy kín đem đun như ta đốt vần cơm, sau 3 - 4 giờ đem ra, thấy thịt gừng khô, tiêu hết, còn lại xác gừng nhẹ màu vàng xám là được.

- Tẩm chi tử với nước tiểu cũng làm như trên, nhưng khi sao thì cho chi tử vào chảo, luôn tay đảo đều, giữ cho lửa cháy đều; bao giờ thấy khói chi tử bốc lên hết mùi hăng, khói tan, mầu chi tử sém đen là được. Chúng tôi đã dùng từ 2 - 3 vị thán khương dăng tâm, ngưu tất, chi tử, làm tá sứ cho các bài thuốc, bát vị tiêu giao nhân sâm dưỡng vinh. Có khi chỉ dùng một số vị bổ âm như tứ vật thêm ngưu tất, thán khương, đăng tâm, chi tử, chữa cho một số phụ nữ có triệu chứng: giữa mùa hè chân tay cảm giác giá lạnh, đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, thỉnh thoảng có cơn nóng bừng trên mặt, như hơi lửa, ngực tức, buồn nôn, có nguyên nhân do sinh đẻ, băng xảy nhiều lần hoặc sau khi đẻ mất máu quá nhiều, hoặc ốm đau lâu ngày âm hư, hoả uất, mạch bộ thốn phù đại hay phù sác, quan, xích trầm nhược, hay trầm tế.

Về dược lý, ngoài những vị thuốc bổ âm huyết của phương bài, thì thán khương là vị cay ấm có tính thăng phát, dễ hấp dẫn hoả tá, lại tẩm đồng tiện là thứ mặn lạnh, trầm, giáng có tác dụng dẫn hoả đi xuống, làm ấm tay chân, khỏi đau đầu, chóng mặt, lại có đăng tâm có tác dụng giáng tâm hoả, thanh phế nhiệt, lợi tiểu tiện, chữa hoả uất thượng tiêu, kết hợp hai vị thuốc trên có tác dụng đảo hoả nhanh. Do bí quyết của Hải Thượng dùng nước tiểu tẩm qui, khung, thục để chữa bệnh hư hoả, chúng tôi đã áp dụng dùng cho bệnh nhân âm hư, hoả phù liệt, có kết quả tốt.

- Thương truật tẩm nước gạo đặc, sao khô chữa bệnh cho những trường hợp tỳ hư, tiêu hoá kém, lại bị ỉa chảy do thức ăn, cơ thể quá yếu, nếu chỉ dùng thuốc bổ tỳ giúp chuyển hoá, thì nguyên nhân do thức ăn đình trệ, không giải quyết tiêu thực thì tỳ hư không thể chuyển hoá được ỉa chảy không cầm, do đó, thương truật tẩm nước gạo đặc, sao thơm thì sẽ kiện tỳ, tiêu được thực, chỉ được tả.

Lại như phụ nữ có thai, bị cảm, sốt, đau bụng, động thai, nôn mửa, nếu đơn thuần dùng thuốc giải cảm, thì triệu chứng nôn mửa, động thai không khỏi mà thai nhi tổn thương; nếu dùng bạch truật, hoàng cầm để yên thai, thì bệnh ngoại cảm không hư; nên dùng thương truật tẩm nước vo gạo đặc, sao thơm, vì thương truật là vị thuốc thông dương, kiện tỳ vị, giúp cho dạ dày được nhu động mạch đẩy lùi tà khí, bế tắc thượng tiêu.

Lại tẩm nước gạo là tinh hoa của cốc khí, có tác dụng nhu nhuận, dưỡng vị khí, điều hoà được âm dương giữa tỳ và vị (vị thuộc dương, tỳ thuộc âm). Khí hoả được thì thai sẽ yên (vị khí đi xuống là thuận, tỳ khí đi lên là hoà).

- Lại như bệnh ỉa chảy kéo dài, khát nước do người tỳ hư, vận hoá kém, lại kiêm ngộ độc thức ăn ảnh hưởng đến vị mà gây nôn khan.

Sách nói: Vị hư thời thổ, tỳ hư thời tả, tả nhiều mất nước, nước mất sinh khát, khát càng uống nước lại càng đi tả. Nước gạo là thứ tinh hoa của ngũ cốc thuộc âm, tẩm với thương truật, không những dưỡng được vị khí mà lại có thính nhu nhuận bổ được tỳ âm âm sinh thì khát chỉ, khát khỏi, lợi được tiểu tiện thì đi ỉa chảy khỏi.

- Chế bạch truật, mạch môn tẩm với sữa người.

Đối với những trường hợp sốt cao do cảm nhiễm thấp nhiệt mùa hè hoặc sốt lâu sinh âm huyết hư tổn bên trong, mà có hiện tượng môi khô, khát uống nước luôn, thỉnh thoảng có cơn sốt nhẹ về chiều và đêm, có dâm dấp mồ hôi, lòng bàn chân nóng dữ. Da khô, thể trạng suy kiệt, đại tiện 2 - 3 ngày 1 lần phân không táo bón, ăn chậm tiêu, biếng ăn. Nguyên nhân do cơ chế tỳ âm hư. Nội kinh nói: Chân âm hư rất kỵ bạch truật, ngoài các vị như: sâm kỳ, thảo để trung khí; bạch truật, mạch môn phải tẩm sữa người sao thơm, để bổ mạch cho âm huyết, vì nhân nhũ, tử bà xa, lộc nhung là thứ bổ tinh huyết. Lại thêm lục địa sao thơm, bổ tỳ âm, thục là huyết dược, thuộc âm, bổ thận, sao thơm lại nhậo tỳ, vị tỳ ưa táo, thích mùi thơm.

Lý Thời Trần nói: Thục địa là thứ bổ tỳ, vì thục địa hoàng, hoàng là bản sắc của tỳ thể.

 

III. PHƯƠNG PHÁP BÀO CHẾ CÁC DẠNG THUỐC TRONG ĐÔNG Y

(Bột, viên, cốm, cao, si rô, nước, rượu, cồn thuốc.)

1. Dụng cụ

- Thuyền tán hoặc máy tán.

- Rây: dùng rây tơ hoặc rây đồng.

- Thúng lắc, máy bao viên: Thúng lắc đan bằng tre mặt trong phải rất nhẵn hoặc làm bằng nhôm đường kính từ 0,6 - 0,8 mét, cao 0,18 - 0,2 mét.

- Sàng: Có từ 2 - 4 loại: Loại để xát hạt gây con, giống to bằng hạt cải. Loại để bọc viên cho đều đúng cỡ viên quy định theo yêu cầu.

- Bàn xát cốm: Bằng nhôm lỗ tròn đường kính từ 2mm đục dầy như mặt sàng.

- Cối, chày: Cối sứ, cối đá, chày sứ, đá, hoặc bằng gỗ.

- Nồi: nhôm.

- Khay: men, nhôm.

- Chổi: Bằng rơm, bằng tre, bằng lông vũ.

2. Phương pháp bào chế thuốc bột

Thuốc bột xưa gọi là thuốc tán, dùng thuốc chín (thuốc đã bào chế, thái, sao, tẩm, chế từng vị theo yêu cầu của công thức, bài thuốc, đem sấy nhẹ cho khô).

Nếu tán nhỏ bằng thuyền tán thì tán nhỏ từng vị, sau đó rây lấy bột mịn (rây số 2) trộn đều các loại bột có trong công thức, bài thuốc với nhau (nên rây lại cho khối bột đều) đem đóng gói theo liều lượng chỉ định của thầy thuốc.

- Nếu tán nhỏ bằng máy tán, thì trộn với các vị thuốc có trong công thức, bài thuốc với nhau, cho vào máy nghiền nhỏ mịn, rây lấy bột mịn (rây số 2)

- Nếu không có rây thì đem chà bột nghiền trên miếng vải phin mỏng lấy bột mịn trộn đều.

- Có trường hợp phải dùng phương pháp thủy phi để tạo bột mịn thường áp dụng cho các loại khoáng vật như: Chu sa, thần sa, hay các loại xương nhu: Gạc hươu, nai.

Chú ý: - Thuốc bột hút ẩm nhanh dễ bay hương vị nên bào chế lượng nhiều hơn so với yêu cầu.

- Bảo quản: Cần bảo quản thuốc bột trong thùng, lọ kín, để nơi khô ráo.

3. Phương pháp bào chế thuốc viên

Thuốc viên (thuốc hoàn) là dạng thuốc chế bằng bột thuốc với chất dính có hai loại: viên cứng và viên mềm.

Bột thuốc: Theo hướng dẫn bào chế thuốc bột.

Chất dính: Thường dùng mật mía, mật ong, si rô đơn, nước hồ (gạo nếp) hay gạo tẻ, dịch chiết hay cao lỏng.

- Bào chế những công thức, bài thuốc không dùng chất dính là mật, đường.

Các bước tiến hành:

+ Bột thuốc (cách làm như cách bào chế thuốc bột ở phần trên).

+ Chất dính: Dùng bột gạo nếp hay bột gạo tẻ, hoặc bột mì nấu thành hồ loãng lọc qua vải gạc hay vải phin mỏng lấy nước hồ loãng để viên.

- Dịch chiết cao lỏng.

Gây con: Cứ 1 kg bột thuốc lấy ra 0,2 kg cho vào chậu men sạch vẩy chất dính (nước hồ loãng) vào cho ướt trộn đều xát lên mặt sàng lỗ tròn 1mm (hạt nhỏ bằng hạt cải) cho vào chúng lắc hay nồi bao viên. Cho 1/2 môi hạt con rải lên, cầm thúng lắc tròn hay nồi bao viên chạy quay tròn cho hạt thấm đều nước hồ, cho 1/2 môi hạt bột thuốc rắc lên hạt con, cứ thứ tự như thế cho đến khi hết số lượng bột thuốc đạt cỡ viên theo yêu cầu quy định. Tiếp tục bao mầu hay bao bóng viên, đem sấy ở nhiệt độ 60 - 800­­C cho đến khô.

Chú ý: Trong quá trình làm viên phải dùng sàng lọc viên cho đều, đúng với kích thước cỡ viên đã quy định.

Dịch chiết hay cao lỏng phải lấy các vị thuốc có trong công thức hay bài thuốc đó để chiết xuất hay nấu thành cao lỏng không lấy vị thuốc ở ngoài công thức bài thuốc đó.

- Đóng gói: Tuỳ theo liều lượng chỉ định của thầy thuốc, đóng gói đúng với quy định.

- Bảo quản: Cần bảo quản thuốc viên hoàn trong thùng có nắp kín chắc chắn, để nơi cao ráo.

4. Phương pháp bào chế thuốc cốm

Thuốc cốm là dạng thuốc chế bằng bột thuốc với chất dính xát qua bàn xát cốm, có đường kính lỗ tròn hạt cốm đi qua từ 1mm - 2mm có ghi trong công thức hay bài thuốc theo yêu cầu điều trị.

Các bước tiến hành

- Bột thuốc: Theo hướng dẫn bào chế thuốc bột (cách làm như cách bào chế thuốc bột).

- Chất dính: Dùng mật mía hay mật ong, si rô đơn, nước hồ (bột gạo nếp, gạo tẻ, mỳ) dịch chiết dược liệu, cao lỏng. Trước khi làm cốm dùng các chất dính là mật mía, mật ong, nước hồ phải đun sôi để nguội sau đó mới trộn với bột thuốc. Tỷ lệ cứ 1kg bột thuốc dùng 1/2 kg- 1kg chất dính.

- Tiến hành làm cốm.

Cho bột thuốc vào trong chậu men sạch khô, cho dần chất dính vào, vừa cho vừa trộn đều khi khối bột ẩm đều dùng tay nắm thành nắm tròn không rã rời là được. Đem xát qua bàn xát cốm đặt trên khay nhôm hoặc khay men, xát lần lượt từ đầu khay đến cuối khay, thành một lớp cốm dải đều, đưa khay cốm vào tủ sấy hoặc đem phơi nắng, nhưng phải phơi ở nơi không có ruồi nhặng, kiến gián. Sấy ở nhiệt độ từ 80 - 1000C trong thời gian 4 giờ khi các hạt cốm khô để nguội. Trong quá trình sấy đảo nhẹ để hạt cốm khô đều.

- Đóng gói: Vào túi polyetylen hay lọ thủy tinh miệng rộng, nắp kín, dán nhãn.

- Bảo quản: Đựng vào lọ có nắp kín để nơi khô ráo.

5. Phương pháp bào chế thuốc cao và thuốc nước

Cao nước là dạng thuốc thường nấu bằng nước sạch (nước để uống) với thảo mộc hay xương động vật tươi, rồi cô lại đến một mức độ nhất định.

- Dụng cụ: Nấu cao thường dùng nồi nhôm không dùng đồ sắt, ở giữa nồi đặt 1 ống nhôm đục nhiều lỗ để cho gáo vào múc nước cao ra.

- Bào chế thuốc nước thường dùng ấm hay nồi đất, nhôm, không dùng đồ sắt có nắp kín.

- Chai lọ thủy tinh để đóng gói rửa sạch sây khô, tiệt trùng, gắn nút bằng xi hoặc parsfin.

- Các bước tiến hành

+ Dược liệu: Là thảo mộc hay xương động vật hoặc động vật sống (tươi) phải qua bào chế, sao tẩm theo yêu cầu của điều trị đối với từng vị hay từng loại.

+ Tuỳ theo số lượng cần nấu mà chuẩn bị nồi theo thứ tự, loại to cùng cho vào trước (ở dưới) loại nhỏ mềm vào sau. Cho vào đến 2/3 nồi hay thùng đổ nước ngập từ 10 - 15cm. Đun sôi trong 6 - 8 giờ, nếu là dược liệu rễ cây, thân hay xương đã chế biến. Đun sôi trong 4 - 6 giờ, nếu dược liệu là lá, cành con, sau đó dùng nước gạo múc nước, múc ra lọc qua vải phin hay hai lần vải gạc vào một nồi ở bếp bên cạnh cô tiếp.

Tiếp tục đổ nước lạnh hoặc nước nóng vào thùng hay nồi nấu tiếp như trên, rút nước 2 lọc vào nước 1 cô tiếp.

Nấu lấy 3 nước, gộp 3 nước cô đến mức độ nhất định. Nếu sử dụng ở dạng cao bánh thì cô đến dạng cao mềm, đổ cắt thành bánh, nếu sử dụng dạng cao lỏng thì cô đến dạng cao lỏng để đóng chai.

Đối với dược liệu có tính dầu dễ bay hơi không nên nấu cao.

- Đóng gói:- Cao bánh đóng gói 0,1kg hay 50 gam cho một gói vào túi polyetylen dán kín.

- Cao lỏng đóng vào chai cho 1 -2ml cồn benzóic 4% để bảo quản, nút kín, gắn xi hay parafin.

- Bảo quản: để nơi mát, tránh nóng, nắng.

- Pha chế thuốc nước: Cứ 150 - 200g cao hoặc nhiều hơn tuỳ theo liều lượng của yêu cầu điều trị, cho vào ấm đất hay ấm nhôm, đổ ngập nước 10cm. Nấu sôi tránh trào, trong 2 giờ còn 150ml, rót lọc kỹ. Cho tiếp nước vào ấm ngập dược liệu 5cm, đun sôi như trên trong 2 giờ còn 100ml rót lọc kỹ vào nước 1, đun lấy 3 nước gộp lại còn 20ml cho vào chai dùng trong ngày.

Ví dụ: Cao tiêu viên.

a) Công thức:

Quế chi                        : 4kg      

Uất kim (nghệ)            : 5,2kg

Tô mộc                         : 5kg      

Ngải cứu                      : 4kg

Huyết giác                   : 4kg

- Công dụng: Chống viêm xương khi bị chấn thương

- Liều dùng: mỗi lần uống 15 - 20ml ngày 2 lần.

b) Bào chế: Các vị thuốc trên thái cắt thành miếng nhỏ rửa sạch cho vào nồi quân dụng 50 lít hoặc thùng theo thứ tự: Tô mộc, huyết giác, ngải cứu cho trước đến nghệ và quế chi đổ ngập nước 15cm, đun sôi trong 5 - 6 giờ rút nước 1, lọc và cho vào nồi khác cô, đổ tiếp nước vào ngập dược liệu 10cm đun sôi trong 5 - 6 giờ rút nước 2 lọc vào nước 1 cô, tiếp tục như trên lấy nước 3. Gộp 3 nước lại cô tiếp đến khi còn 20 lít cao lỏng để nguội đóng chai cho vào 4 - 5ml cồn Axitbenzoic 4% nút kín gắn xi hay parafin hoặc cô đến khi thành cao đặc để nguội đóng vào bình mỗi khi sử dụng pha thành cao lỏng uống trong ngày theo chỉ định của thầy thuốc.

- Bảo quản: Đóng vào bình miệng rộng nút kín hay chai gắn xi để nơi thoáng mát, tránh nóng.

6. Phương pháp bào chế si rô thuốc và rượu thuốc

- Si rô thuốc là dạng thuốc được pha chế bằng cao thuốc hay dịch chiết dược liệu bằng nước với tỷ lệ đường hay mật nhất định, hoà tan đun sôi đến tỷ trọng 1,32 (nguội).

- Rượu thuốc: Là dạng thuốc được pha chế bằng cao thuốc hay dịch chiết dược liệu với dung môi, cồn, rượu hay nước, đem pha với rượu và với một tỷ lệ đường hay si rô đơn nhất định để được rượu thuốc có độ cồn 200 - 250.

a) Các bước tiến hành.

- Cao thuốc (có thể là cao lỏng hay cao đặc mềm) bào chế theo như kỹ thuật nấu cao.

- Dịch chiết: Dược liệu trong công thức hay bài thuốc qua bào chế, chế biến có thể đem tán khô, sau đó dùng các dung môi, cồn, rượu để chiết xuất hoặc ngâm với dược liệu.

* Cách nấu cao và ngâm là tiện lợi nhất:

- Cách ngâm: Cho các vị thuốc đã chế biến vào chum hoặc thùng cao nắp kín cho cồn 500 hoặc rượu tốt 400 vào ngập dược liệu 15cm ngâm trong 62 giờ rút nước 1, lọc qua vải phin hay 2 - 3 lần vải gạc. Tiếp tục cho cồn 500 hoặc rượu tốt vào ngập 15cm trong 62 giờ rút nước 2, tiếp tục rút nước 2 - 3 nước nữa làm như trên.

- Đường kính nấu si rô đơn đạt tỷ trọng 1,32 (nguội).

- Cách pha rượu thuốc:

Lấy dịch chiết hay cao lỏng, đem trộn vơi si rô đơn theo tỷ lệ: Cứ 1 lít dịch chiết hay cao lỏng cho 300ml (0,3 lít) si rô đơn vào trộn khuấy đều sau đó cho rượu tốt vào, hoặc cồn 350 vào khuấy đều để lắng trong 24 giờ lọc, đóng chai 500 - 650ml.

Nếu dùng cao đặc hay cao mềm thì nấu với nước thành cao lỏng và pha chế như trên.

- Cách pha chế si rô thuốc.

Lấy dịch chiết dược liệu bằng nước hoặc cao lỏng pha trộn với si rô đơn theo tỷ lệ 1 lít dung dịch chiết hay cao lỏng cho vào 100ml hay 250ml.

Tuy theo lấy cao đặc hay cao mềm thì đem cao nấu với nước cho sôi tan hết cao để nguội rồi lọc, sau đó pha trộn với si rô đơn như cách trên.

b) Đóng gói: Rượu thuốc hay si rô thuốc đóng vào chai nút kín gắn xi hay parafin.

c) Bảo quản: Để nơi khô mát tránh ánh nắng.

7. Si rô bổ huyết thông kinh lạc

a) Công thức:

Thạch xương               : 1kg          

Sinh địa                        : 1,5kg

Kinh giới                      : 0,8kg      

Mạch môn                   : 1kg

Cân đẳng                      : 1kg         

Phong sâm                   : 1,5kg

Quy băn                       : 1kg          

Lai quy                         : 1,5kg

Hoài sơn                      : 1,5kg      

Nữ trinh tử                   : 1kg

a) Công dụng: Bổ huyết thông kinh lạc.

b) Liều dùng: mỗi ngày uống 15 - 20 ml, ngày uống 2 lần (đối với trẻ em từ 3 - 10 tuổi).

c) Cách bào chế và pha chế:

- Các vị thuốc trên bào chế sao tẩm từng vị theo quy định trong kỹ thuật bào chế sao tẩm chung của bài thuốc. Cho các vị thuốc vào nồi, thùng nấu cao theo đúng quy định kỹ thuật nấu cao, có thể nấu thành cao lỏng hoặc cao đặc mềm.

Đường kính nấu thành si rô thuốc B - H cách pha như cách pha si rô thuốc.

Đóng chai: 100ml nút kín gắn xi hay parafin, dãn nhãn thuốc uống.

Bảo quản: nơi mát (trong tủ lạnh, về mùa hè càng tốt).

8. Bào chế cao động vật

Cao động vật chế bằng xương hoặc cả thịt của các loại động vật như:

Hổ, báo, sơn dương, hươu nai, gấu, khỉ, trâu, bò, lợn, gà, vịt, chó, trăn…

Thường người ta chế cao động vật hầu hết bằng xương vì thịt của các loài động vật này là một nguồn thực phẩm dùng trong bữa ăn.

a. Nguyên tắc chung.

- Nếu nấu cao bằng xương đã phơi hay sấy khô hoặc xương tươi phải xử lý (chế) hết thịt, gân, tuỷ bám ở xương và hết mùi hôi, sau đó mới tẩm với tá dược cần thiết cho từng loại, rồi có thể sao vàng, hoặc kết hợp với một số vị thuốc cuối cùng mới cho vào nồi để nấu.

- Nếu nấu cao toàn tính: tức là lấy toàn bộ cả xương và thịt chế biến rồi nấu thành cao như: Cao dê toàn tính, cao khỉ toàn tính. Thông thường và phổ biến nhất người ta nấu cao động vật đến dạng cao đặc đổ thành bánh .

b. Các bước tiến hành.

+) Dụng cụ:

- Dao, búa, bàn chỉa, nạo sắt, cưa, đục.

- Nồi nhôm, nồi hấp 50 - 100 lít, thùng, gáo tôn, chảo đồng, bàn sắt để nạo, cạo.

- Các tá dược, phụ liệu cần thiết.

+) Tiến hành làm xương.

- Xương khô cho vào thùng đổ ngập nước ngâm trong 3 - 5 ngày (2 ngày thay nước 1 lần) hoặc bỏ vào sọt ngâm trong dòng nước chảy là tốt nhất, có một số loại ngâm trong thời gian lâu hơn: xương hổ, gấu, trâu, bò, hươu, nai…

Dùng dao, nạo, bàn chải sắt: nạo, cạo, cọ xát hết thịt bám ở xương, đem phơi hoặc sấy 1 ngày khô rồi đập vỡ hay cưa, đem ngâm vào nước (có thể dùng nước vò lá rau cải để ngâm cho chóng rữa thịt, tuỷ bám ở xương) trong 1 - 2 ngày, rồi cạo, nạo hết thịt, tuỷ. Đem giã, đập hay cưa thành miếng nhỏ, dài 2 - 3cm phơi, hoặc sấy khô, sau đó tẩm rượu, nước gừng rồi cho vào thùng hoặc nồi để nấu Chú ý: Dưới đáy thùng hay nồi phải lót 1 cái vỉ nhôm để tránh bén cháy đáy thùng hoặc nồi. Ở giữa thùng hay nồi đặt một ống nhôm rỗng xung quanh, đục thủng nhiều lỗ nhỏ, đường kính của ống nhôm khoảng 20cm để cho gáo vào rút nước chiết. Hoặc sát đáy thùng, nồi lắp 1 vòi ru mi nê có khoá để rút nước chiết.

- Đổ ngập xương khoảng 6 - 10cm, đun sôi liên tục 1 - 2 ngày rút nước 1. Sau đó, đổ nước sôi hoặc nước nóng vào ngập 4 - 5cm đun sôi liên tục 2 ngày rút nước 2, đổ vào nước 1 đang cô trên bếp. Tiếp tục đổ nước sôi hoặc nước nóng ngập 3 - 4cm đun sôi liên tiếp trong 2 ngày rút nước 3 đổ vào nước 1 và 2 đang cô trên bếp, mỗi lần rút nước chiết phải lọc qua vải mỏng.

Chú ý: Quá trình nấu nước cạn phải bổ sung thêm nước sôi vào thùng, nồi, tránh để cạn quá cháy cao và nồi.

Sau khi 3 nước gộp lại cô đến khi hơi đặc cho vào chảo để giao cao. Chảo đặt trên cát nóng, dùng bàn giao đảo liên tục để tránh bén cháy, giao tới khi dùng bàn giao xúc lên đổ xuống chảo mà không chảy xuống là được, đem đổ ngay ra khay đã lót giấy bóng kính. Khi đổ vào khay phải đổ liên tục để tránh phân lớp. Để nguội hoặc cho vào tủ lạnh chóng nguội và rắn lại lấy ra cắt thành bánh 100 gam hoặc 50 gam cho mỗi bánh.

- Đóng gói bằng túi polyetylen 2 lần túi cho nhãn dãn kín.

- Bảo quản: Để cao vào hộp thùng có nắp kín chắc chắc tránh nhiệt độ cao.

c. Bào chế các loại cao:

+) Cao gấu:

         Xương gấu          : 10kg

         Rượu (35-400)   : 1 lít

         Gừng tươi            : 1kg

- Chuẩn bị dụng cụ, phương tiện như phần chung ở trên.

- Tiến hành:

Ngâm xương vào thùng xây bằng gạch hay vại sạch. Đổ ngập nước vò của lá rau cải. Ngâm trong 3 - 4 ngày vớt ra rửa sạch dùng dao, bàn chải sắt cạo hết thịt, gân đến khi mặt ngoài xương trắng tinh là được. Đem xương đập vỡ thành miếng dùng nạo sắt, bàn chải hay đục, nạo hết tuỷ, rửa sạch. Giã đập xương thành miếng nhỏ dài 3 - 4cm, cho vào thùng đổ nước, dùng gậy đảo, trộn đều rửa 2 - 3 lần nước cho thật sạch hết mùi hôi tanh, đem sấy khô tẩm với rượu, nước gừng sấy khô. Sau đó, cho vào thùng hay nồi đã chuẩn bị trước (đáy lót vỉ, ở giữa đã đặt ống để rút nước). Đổ ngập nước 5 - 8cm đun sôi liên tục thỉnh thoảng bổ sung thêm nước sôi vào. Trong thời gian một ngày đêm rút nước một, lọc qua túi vải phin vào nồi rồi đặt lên bếp để cô luôn. Tiếp tục đổ nước sôi vào thùng ngập xương 4 - 8cm, đun sôi liên tục trong một ngày đêm rút nước 2 lọc qua túi vải phin vào nồi nước một đang cô và cô tiếp. Tiếp tục làm như trên để rút nước 3. Gộp 3 nước vào nồi cô, cô đến khi đặc vét hết vào chảo đồng để giao - chảo đặt trên cát nóng trên bếp lò than. Dùng bàn giao đảo liên tục tránh bén, tới khi dùng bàn giao múc một ít lên rót xuống chảo mà không chảy xuống chảo, đem đổ, vét hết vào khay hộp đã lót giấy bóng kính để nguội rắn lại cắt thành bánh. Mỗi bánh 100 gam cho vào túi polyetylen (2 lần túi) cho nhãn vào dán kín. Tỷ lệ: Cứ 10kg xương tốt nấu được 3kg cao đặc.

 Công dụng: Cao gấu dùng để chữa phong tê thấp, đau nhức xương, mỏi gân cốt, bồi dưỡng cơ thể suy yếu.

- Liều dùng: Mỗi lần uống 5g. Ngày 2 lần với nước chín hoặc ngâm rượu uống.

- Bảo quản: Để nơi thoáng mát tránh nhiệt độ cao.

+) Cao ban long: Nấu (chế) bằng sừng hươu nai.

Sừng hươu nai             : 20kg.

Rượu (35 - 400)          : 2,5 lít

Gừng tươi                    : 0,5kg

- Chuẩn bị dụng cụ, phương tiện như phần trên.

- Tiến hành:

Lấy sừng xếp lại thành một đống tưới nước vào đều dùng bì gai sạch dấp nước đắp lên ủ một đêm. Vỏ ngoài mềm dùng dao, bàn chải sắt, nạo sắt cạo hết vỏ đốm, đen, vàng ở bên ngoài đến khi trắng toát là được. Đem cưa thành miếng nhỏ bằng đầu đũa, những miếng có tuỷ mầu đen thì nạo bỏ tuỷ đi, sau đó cho vào rổ rửa 2 - 3 lần nước lã, rồi đem phơi khô hoặc sấy khô và tẩm với nước gừng phơi khô. Đem cho vào nồi và cho 2,5 lít rượu trộn đều đậy kín trộn 2 - 3 lần. Đổ ngập nước 8 - 10cm, đưa lên bếp lò dun sôi đều trong một ngày đêm rút nước 1 lọc qua túi vải phin vào nồi cô bếp bên. Tiếp tục đổ nước sôi vào ngập 8 - 10cm đun sôi đều trong 1 ngày đem (24 giờ), rút nước 2 lọc vào nước 1 đang cô (quá trình cô phải nhỏ lửa, tránh bùng ra ngoài).

Tiếp tục nấu như trên lấy nước 3, gộp 3 nước lại cô nhỏ lửa khi hơi sánh ta vét hết vào chảo đồng đặt trên cát nóng để giao, dùng bàn giao múc 1 lít lên thổi vào 2 - 3 lần mà không chảy xuống là được, đổ nhanh vào khay đã lót giấy bóng kính hoặc bôi mỡ; để nguội hơi rắn cắt thành bánh, mỗi bánh 100g cho vào túi polyetylen.

- Đóng gói: Đóng vào hai lần túi polyetylen.

- Công dụng: Là thuốc bổ, cầm máu dùng cho các trường hợp: Thổ huyết, nôn ho ra máu, cơ thể gầy yếu.

- Liều dùng: Mỗi lần uống (ăn) 5 gam ngày 2 lần với cháo nóng, hoặc hoà tan trong rượu để uống.

- Bảo quản: Để nơi cao ráo thoáng mát, tránh nhiệt độ cao.

 

IV. BÀO CHẾ, SAO TẨM MỘT SỐ VỊ THUỐC THƯỜNG DÙNG

1. A giao: Thái thành lát dày khoảng 1 - 2mm đem tẩm lẫn với bột tạt, sau đó cho vào chảo nóng đảo đến khi các miếng phồng lên đều là được.

2. Bán hạ: Các miếng củ đã khô đem ngâm ngập với nước vo gạo trong 24 giờ, vớt ra dội nước sạch rồi lại cho vào ngâm với nước phèn chua trong 24 giờ lại vớt ra dội nước sạch đem phơi hay sấy khô sau đó tẩm với nước bồ kết (nước quả bồ kết lấy quả bồ kết già, nướng chín bẻ nhỏ, ngâm vào nước nóng 1 giờ lọc lấy nước để tẩm) tẩm xong đem phơi hay sấy khô, tẩm với nước gừng sao vàng.

3. Bách bộ: Thái cắt thành miếng nhỏ, rửa sạch phơi hay sấy khô, tẩm đều với mật mía phơi ráo đem sao vàng.

4. Bố chính sâm: Củ tươi rửa sạch đem đồ mềm thái lát mỏng phơi khô hay sấy khô tẩm với nước gừng phơi hay sấy khô sao vàng là được. Nếu củ khô tẩm ướt ủ mềm thái lát mỏng.

5. Cát sâm: Củ tươi rửa sạch thái lát mỏng phơi hay sấy khô, nếu củ khô ngâm với nước trong 2-4 giờ mềm thái lát mỏng phơi hay sấy khô, sau đó tẩm với nước gừng phơi hay sấy khô rồi sao vàng.

6. Chi tử: Lấy nhân quả dành dành phơi khô, giã cho các hạt rời ra, tránh giã vụn nát, đem sao màu cánh dán là được.

7. Cát căn: Củ sắn dây tươi rửa cạo vỏ sạch thái lát mỏng từng miếng phơi hay sấy khô. Nếu củ khô thì ngâm với nước 1 giờ đem ủ, mềm thái thành lát mỏng thành miếng nhỏ đem phơi hay sấy khô là được.

8. Đan bì: Vỏ thân cây rửa sạch thái thành miếng nhỏ đem phơi hay sấy khô là được.

9. Đỗ trọng: Vỏ thân cây đã phơi khô, ngâm với nước 2 - 4 giờ rửa sạch thái thành miếng nhỏ phơi hay sấy khô tẩm với nước muối ăn phơi khô sao vàng.

10. Hà thủ ô: Lấy các miếng khô không mốc, mọt đem ngâm vào nước trong 8 - 12 giờ  cho mềm, rửa sạch thái lát mỏng phơi hay sấy khô, tẩm với nước đậu đen rồi đem phơi hay sấy khô sao thơm là được. Tỷ lệ 10kg hà thủ ô lát mỏng thì lấy 2kg đậu đen, cho 2kg đậu đen vào 10 lít nước nấu nhừ lọc lấy nước, cho 3kg hà thủ ô vào chảo và cho 3 lít nước đậu vào đảo đều trên bếp lửa khi khô hết nước đậu vét ra, sau đó đem phơi hay sấy khô sao thơm là được.

11. Hương phụ: Lấy củ khô không có rễ rửa sạch phơi khô giã dập vỡ đem tứ chế, nghĩa là chia 4 phần bằng nhau. Mỗi phần tẩm với một loại chất lỏng. Nước muối ăn, dấm thanh, rượu, nước đồng tiện (nước tiểu trẻ 5 - 6 tuổi) sau đó trộn đều cả 4 phần với nhau ủ trong 1 giờ đem sao vàng là đựơc.

12. Hoài sơn (củ mài): Lấy củ đã sơ chế khô không mốc, mọt ngâm vào nước trong 2 - 4 giờ vớt ra ủ trong 2 giờ mềm thái lát mỏng phơi hay sấy khô sao vàng.

13. Kẻ đầu ngựa (thương nhĩ tử): Lấy quả ké khô đem sao khi vỏ quả vàng sẫm là được.

14. Kim tiền thảo: Lấy lá là chủ yếu đem rửa sạch phơi khô, nếu cả cộng (thân cây) thì thái cắt đoạn ngắn rửa sạch phơi hay sấy khô là được.

15. Liên nhục (hạt sen bỏ vỏ cứng).

Lấy hạt khô không mốc, mọt, đem giã vỡ đôi, nhặt hết mầm xanh, sau đó sao vàng thơm là được.

16. Mẫu lệ (vỏ con hầu biển).

Lấy vỏ khô sạch, cho vào than đỏ lửa nung khi chín đều, khẽ đập vỡ nát màu trắng là được.

17. Mộc hương nam (vỏ cây khỏ lô):

Lấy vỏ cạo hết vỏ ngoài, nếu tươi thái lát mỏng phơi khô, nếu vỏ khô phải ngâm nước trong vòng 4 - 6 giờ cho mềm rồi thái lát mỏng phơi hay sấy khô là được.

18. Nhân trần: Lấy cây có nhiều hoa thái cắt đoạn 2 - 3cm rửa sạch phơi hay sấy khô.

19. Ngưu tất: Lấy rễ đã sơ chế, thái cắt đoạn 3 - 4cm rửa sạch, phơi hay sấy khô nước, còn hơi mềm là được.

20. Thổ phục linh: Lấy miếng củ đã phơi khô đem ngâm vào nước trong 10 - 16 giờ cho mềm thái, sau đó lát mỏng phơi hay sấy khô.

21. Trạch tả: Củ khô, sạch ngâm vào nước 4 - 6 giờ, mềm thái lát mỏng, phơi hay sấy khô rồi sao vàng là được (trạch tả 1kg cho 300ml nước với 10g muối hoà tan).

22. Trần bì (vỏ quả quýt): Vỏ khô ngâm vào nước trong 1 - 2 giờ vớt ra ủ trong 1 giờ thái miếng nhỏ phơi hay sấy khô rồi sao vàng là được.

23. Phòng đẳng sâm: Lấy củ khô không mốc, mọt, ngâm vào nước 3 - 4 giờ vớt ra ủ trong 2 giờ mềm thái lát mỏng, phơi hay sấy khô, tẩm với nước gừng phơi hay sấy khô sao vàng là được.

24. Phèn phi (còn gọi là bạch phèn): Lấy phèn chua sàng sẩy sạch không lẫn tạp chất đem cho vào chảo gang để trên là than đỏ lửa, phèn chua sôi và chảy hoàn toàn, khi hết nước chỉ còn khối trắng xốp là được, đem ra đập giã nhỏ thành bột, chú ý quá trình phi phèn không nên đảo trộn.

 

 

 

Phần V: CHÚ GIẢI CÁC THUẬT NGỮ

THƯỜNG DÙNG TRONG Y HỌC CỔ TRUYỀN

(Theo Hội y học dân tộc Thanh Hóa)

 

1. Tiểu thiên: Là mạnh môn, vị trí ở giữa 2 quả thận, giáp với đốt xương sống thứ 7 kể từ dưới lên, bên hữu có một bạch khiếu, tức là chân dương, còn gọi là chân hoả. Bên tả có một khắc khiếu tức là chân âm, còn gọi là chân thuỷ. Tức là về hình thủy hoả. Tiên thiên là chủ tể quyết định sự sống chết của con người. Sách nói: “Tiên thiên là cái gốc của sinh mệnh người ta”. Tiên thiên còn có ý nói là do sự bẩm thụ tinh huyết của cha mẹ.

2. Hậu thiên: Là tất cả tổ chức vật chất cấu tạo thành cơ thể người ta như: Các tạng phủ, gân xương, da, thịt, máu…nhưng cái gốc của hậu thiên là tỳ vị, vì tỳ vị là cơ quan thu nạp, tiêu hoá đồ ăn thức uống và chuyển vận chất dinh dưỡng đi nuôi cơ thể. Nếu không có chất dinh duỡng thì người ta không sống được. Sách nói: “Tỳ vị bại thời dù có trăm thứ thuốc cũng khó chữa”.

Hậu thiên còn có ý nói là sự nuôi dưỡng trong cả quá trình phát sinh và phát triển của cơ thể.

3. Vị khí: Là một chất sinh ra từ đồ ăn thức uống ở vị sau khi tiêu hoá để nuôi dưỡng cơ thể. Còn gọi là nguyên khí, trung khí, cốc khí, chân khí hay dương khí. Hải Thượng Lãn Ông nói: “ 12 kinh đều lấy khí ở vị”. Sách mạch nói: “Có vị khí thời sống, không có vị khí thời chết”. Vì vậy, vị khí là một loại khí rất quan trọng đối với sự sống của con người.

4. Tỳ năng ma cốc: Tỳ có chức năng tiêu hoá thủy cốc, ma ở đây có ý nói là mài.

5. Tỳ khí tán linh: Tỳ làm chức năng chuyển vận các chất tinh hoa của thủy cốc đi nuôi cơ thể.

6. Hỗ tương: Cùng giúp đỡ lẫn nhau.

7. Tương sinh, tương phản, tương thành: Tương sinh là quy luật tương sinh của ngũ hành; Tương phản là tương khắc. Vậy tương sinh, tương phản, tương thành ở đây có nghĩa là 2 mặt sinh và khắc để tạo thành thế cân bằng của âm dương, ngũ hành, tạo nên sự sống của con người.

8. Thăng giáng: Thăng là đi lên, giáng là đi xuống. Thăng giáng là sự lên xuống nhịp nhàng của âm dương, thủy hoả, khí huyết.

9. Thủy thũng: Là do nước chứa ở các tổ chức cơ thể mà thành bệnh sưng, bệnh nề.

10. Phúc thuỷ: Là nước chứa lại ở trong ổ bụng, làm cho bụng sưng căng ra.

11. Suyễn khái: Ho, thở mạnh, thở nhanh

12. Hoá nguyên: Là nguồn gốc của sự tiến hoá.

13. Phù tỳ: Làm cho tỳ mạnh lên, ý nói phải bổ tỳ.

14. Sái trần: Sái nghĩa là rưới nước, trần là khắp, sái trần ở đây có ý nói chất dinh dưỡng do đồ ăn thức uống tiêu hoá ở vị sinh ra được chuyển đi khắp lục phủ.

15. Sản khí: Là bệnh của nam giới do nhâm mạch kết ở trong sinh ra gọi là thất sán, sung sán, hồ sán, quyệt sán, sán hà, hôi sán và lung sán.

16. Đờm duyên kết tụ: Đờm dãi ứ tắc lại, thành khối không thông.

17. Chứng hậu quần: Một loạt các triệu chứng trong một bệnh.

18. Liễm nạp: Thu lại

19. Vị quản: Cuống trên dạ dày.

20 Đàm thấp: Đàm và khí ẩm ướt (thấp khí).

21. Nhiệt uất: Nóng uất kết lại.

22. Sơ tiết: Làm cho khai thông

23. Thực tà: Tà khí mạnh hơn chính khí. Ví dụ: bệnh tỳ chuyển sang tâm là thực tà, tỳ là thổ mà tâm thuộc hoả (hoả sinh thổ).

24. Chính khí: Là khí của cơ thể (sức đề kháng) gồm tông khí và nguyên khí tạo thành

25. Âm khí hư kết: Khí của chân âm hư và kết tụ lại.

26. Nghịch xung: Đưa ngược lên.

27. Đạo đàm thảm thấp: Thông đờm ra, thấm ẩm ướt.

28 Công tà: Trực tiếp đánh vào tà khí gây bệnh.

29. Tháo cấp: Đi nhanh

30.Hàn ngưng: Khí lạnh ngưng lại

31. Tiêu thực: Tiêu hoá thức ăn uống

32. Khí uất: Khí nghẽn tắc không thông đạt

33. Lam sơn trướng khí: Khí độc ở rừng núi.

34. Khí hoá: Sự vận động của chất khí trong cơ thể để hoá sinh ra các vật chất khác. Ví dụ: Ăn vào nhờ khí hoá sinh ra chất dinh dưỡng hoặc nước thấm vào bàng quang, nhờ khí hóa đi ra nước đái.

35. Tích trệ: Vật thể ứ đọng lại

36. Uất trệ: Khí uất làm ngưng trệ sự lưu thông.

37. Tà thừa hư: Khí lục nhân cơ thể hư suy mà xâm nhập vào, có chỗ còn nói ăn vào trệ lại không tiêu hoá được.

38. Âm phong dương sắc: Khí âm chứa lấp ở dưới, khí dương bức súc ở trên, ý nói âm dương tách rời nhau.

39. Ung trệ: Ủng tắc lại.

40. Dương tự thăng, âm tự giáng: Khí dương tự đi lên và khí âm tự đi xuống theo thuộc tính không giao hợp với nhau.

41. Khí cơ: Sự vận động của khí.

42. Ngộ hạ: Dùng lầm phép hạ hoặc dùng phép hạ quá mạnh.

43. Đình tích: Chứa lại không lưu thông.

44. Tế âm huyết: Giúp cho âm huyết.

45. Bẩm thụ: Là sự hấp thụ tinh huyết của cha mẹ.

46. Thất tình uất kết: Vui, buồn, lo, nghi, giận, kinh, sợ quá mức làm cho khí uất kết lại.

47. Trọc khí và thanh khí: 2 loại khí này đều là chất dinh dưỡng do sự tiêu hoá đồ ăn thức uống ở vị sinh ra và chia làm 2 loại: Thanh khí là chỉ các chất tinh khí của ngũ cốc gọi là vệ khí, đi ở ngoài mạch, thuộc dương; trọc khí là chất tinh của cốc khí nhưng nó mạnh và đi nhanh gọi là dịch khí, đi ở trong mạch, thuộc âm. Thanh trọc ở đây không có nghĩa là trong đục.

Thanh khí còn gọi là khí thanh dương, khí nhiệt trọc khí còn gọi là khí trọc của dâng tà gây bệnh.

48. Thực tích: Do ăn uống gây ra bệnh tích.

49. Ách nghịch: Ách là ách tắc không thông, nghịch là đi ngược lên. Ách nghịch ở đây là: Khi bị tắc không đi xuống được mà đi ngược lên.

50. Thực trệ: Hiện tượng ách tắc không thông, bệnh mới mắc thuộc thực.

51. Bất túc: Không đầy đủ

 52. Truyền đạo: Dẫn đường.

53. Tương quan: Cùng có mối quan hệ.

54. Giao lưu: Lưu thông tiếp xúc với nhau.

55. Quan cách: Là cách dương quan âm có 2 ý giải thích:

- Mạch nhân nghinh lớn hơn mạch thốn khẩu 4 lần, gọi là cách dương, mạch thốn khẩu lớn hơn mạch nhân nghinh 4 lần, gọi là quan âm.

- Âm khí càng thịnh cùng với dương khí cách biệt gọi là chứng âm thịnh cách dương xuất hiện triệu chứng chân hàn giả nhiệt. Âm khí thịnh làm cho dương khí không giáng được để giao tế với khí âm gọi là quan âm.

56. San tiết: Là bệnh ỉa chảy do tỳ hư hàn, phân ỉa ra không tiêu hoá hết (phân sống) hoặc ỉa ra còn nguyên cơm, đau bụng, sôi bụng.

57. Đường tiết: Là ỉa ra phân lỏng sền sệt.

58. Nhu tiết: Là thấp tà ỉa ra lỏng như nước, bụng sôi ào ào nhưng không đau.

 

 

 

Phần VI: NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT

KHI DÙNG THUỐC NAM

(Theo Vương Thừa Ân trong "Phòng và chữa bệnh bằng món ăn")

 

Có đơn thuốc, tìm được đủ thuốc rồi, cần phải sử dụng thuốc thật hợp lý mới đảm bảo hiệu quả chữa bệnh.

Dưới đây là một số điều cần phải chú ý khi dùng thuốc:

I. NỒI SẮC THUỐC

Tốt nhất nên sắc nồi đất hoặc nồi nhôm. Tuyệt đối không dùng nồi sắt, nồi đồng. Nếu có bếp dầu, bếp điện thì có thể dùng nồi tráng men.

Phích nước loại tốt cũng có thể dùng để sắc thuốc: đổ nước thật sôi vào thuốc cho ngâm, nút kín trong 12 - 24 giờ rót thuốc ra uống làm nhiều lần.

Củi sắc thuốc nên dùng củi chắc cháy lâu, than đượm để sắc được kỹ. Có nhiều ý kiến cho rằng, dùng củi xoan (củi sầu đâu) sắc thuốc thì sẽ không thơm, điều này được họ nghiệm ra qua những lần nấu nước chè xanh bằng củi xoan. (cũng cần xem lại là do củi hay do chè).

Với liều lượng thuốc quá ít thì không nên sắc bằng bếp than đá, dễ bị cạn khô làm thuốc biến chất.

 

II. UỐNG THUỐC

Tuỳ theo loại bệnh mà thay đổi phương thức uống thuốc.

a) Về thời gian.

- Thuốc bổ nên uống trước khi ăn khoảng một giờ. Đang uống thuốc không nên ăn đỗ xanh và giá làm giảm hiệu lực của thuốc.

Một số thức ăn và thuốc kỵ nhau như giấm kỵ bạch linh, đường kỵ xương bò, ba ba kỵ bạc hà.

Trong thời gian uống thuốc không nên ăn những chất khó tiêu, sống lạnh, hôi tanh.

- Thuốc nhuận tràng tiếu tích nên uống khi đói.

- Thuốc chữa bệnh nguy cấp, sắc được cho uống ngay.

- Bệnh từ bụng trở lên nên ăn xong vài chục phút hãy uống. Bệnh của từ chi, huyết mạch nên uống khi đói xa bữa ăn.

b) Nhiêt độ.

- Thuốc trị bệnh nhiệt nên uống nguội, trị bệnh hàn nên uống nóng.

- Thuốc phát tán (làm ra mồ hôi) phải uống khi còn nóng.

c) Một số sự cố khi uống thuốc.

- Bệnh nhân đang nôn mửa thì thêm vài lát gừng, trước khi sắc thuốc, hoặc trước khi uống thuốc nên cho uống vài thìa nước gừng.

- Bệnh nhân bị ngất, môi mín chặt: bồ kết tán bột, thổi vào mũi hoặc đối lấy khói xông cho hắt hơi, lấy ô mai xát vào lợi làm cho răng hé ra rồi đổ thuốc.

 

III. LIỀU LƯỢNG

Liều lượng thuốc dùng cho người lớn như hướng dẫn ở các đơn thuốc. Thuốc cho trẻ em 16 tuổi trở lên cũng dùng như người lớn.

Trẻ từ        1 - 6 tháng:         1/20 liều người lớn.

                  7- 12 tháng:        1/15 liều người lớn.

                  1 - 3 tuổi: 1/10 - 1/6 liều người lớn,

                  4 - 6 tuổi:  1/4 liều người lớn.

                  6 - 10 tuổi:          1/2 liều người lớn.

                  11 - 15 tuổi:        2/3 liều người lớn.

Thuốc mạnh và độc không được dùng cho trẻ dưới một tuổi.

 

IV. PHẦN LƯỢNG

- Một nắm: khoảng 20g lá khô hay 50g lá tươi.

- Một nhúm: khoảng 3g khô hay 5g tươi.

- Thìa canh: khoảng 12ml hoặc 15g thuốc.

- Thìa cà phê: khoảng 4ml hoặc 5g thuốc.

- Bát ăn cơm: 200 - 250ml nước.

 

V. PHÂN BỐ THU HÁI, CHẾ BIẾN

VÀ BẢO QUẢN THUỐC

a) Phân bố.

Các vị thuốc là những món ăn hàng ngày đã được nuôi trồng khá phổ biến trong dân gian. Ngũ cốc là món được dự trữ thường xuyên. Rau quả thì mùa nào thức ấy. Gia vị thường được bán ở các chợ hoặc dự trữ trong nhà. Chỉ có những món ăn có nguồn gốc động vật là hiếm hơn, những cũng chưa đến nỗi không thể kiếm được.

Nhân dân ta vừa có truyền thống phòng và chữa bệnh bằng món ăn, vừa có kinh nghiệm nuôi trồng mọi hoàn cảnh:

- Các loại gia vị, cây leo thường được trồng ở góc sân, góc vườn, bờ ao, chậu cảnh...

- Một số loại rau như rau ngót, mùng tơi thường được trồng làm hàng rào để tiết kiệm đất.

- Lá lốt ưa rợp, trồng xen với cây lưu niên,

- Ngũ cốc và màu thường được trồng xen, trồng gối.

- Gia cầm được nuôi thả tự do hoặc nhốt nhưng cho ăn với khẩu phần hợp lý đảm bảo phát triển bình thường.

b) Thu hái.

- Các loại rau quả thường được dùng tươi, cũng có thể phơi khô để dự trữ.

- Các loại cây có tinh dầu thơm nên thu hoạch vào lúc cây sinh trưởng thịnh vượng nhất. Hoa nên hái vào lúc sắp nở hoặc mới nở. Quả nên hái vào lúc vào lúc mới chín xong hoặc chưa chín mỏm.

- Thân và cây nên lấy vào ngày tạnh ráo. Quả và hoa nên hái vào ngày mưa hoặc sương chưa khô, hái đem phơi để dùng dần.

c) Chế biến.

*) Mục đích của chế biến:

- Giảm bớt tính độc hoặc một số tính chất không có lợi trong quá trình chữa bệnh của thuốc. Ví dụ: bán hạ chế gừng cho khỏi ngứa, rau má sao qua để bớt tính mát.

Cải biến tính năng của dược liệu để hoà hoãn hoặc tăng cường hiệu quả trị liệu của chúng.

- Tiện cho việc bảo quản hoặc sử dụng.

- Loại bỏ tạp chất.

*) Các phương pháp bào chế:

- Sao: Cho dược vật vài nồi, đốt lửa và đảo đều liên tiếp, sao vàng là sao đến khi có màu vàng và mùi thơm, sao tồn tính là sao cháy đen bên ngoài, không cháy hết.

- Tẩm: Thái mỏng dược liệu, dùng rượu tốt (hoặc dùng dấm tốt, nước gừng, nước mật tưới lên) để chừng nửa giờ sau, sao vàng có mùi thơm là được.

- Chê tể: Bệnh mãn tính hoặc thuốc có vị độc thường viên nhỏ để bảo đảm sử dụng đúng liều lượng. Thường viên với hồ nếp, hồ tẻ hoặc mật mía, mật ong, viên xong phải phơi hoặc sấy khô kịp thời và cất kín.

d) Bảo quản thuốc.

Cần nhất là phải chống ẩm thấp và mốc mọt. Các vị đã phơi khô cũng cần phải được chống ẩm thương xuyên bằng cách lót vôi cục dưới đáy, thẩu, dùng sạp nến trát kín nắp thẩu.

Những ngày nắng ráo nên kiểm tra lại thuốc.

Một số vị thuốc ưa ẩm thấp như gừng, nghệ, chanh có thể vùi trong cát mịn cho sâu để dự trữ.

Gác trên bếp cũng là một biện pháp đơn giải mà hữu hiệu, nhưng phải đề phòng chuột bọ.

Đối với những thuốc đã chế biến thành dạng bột và viên, nêu để quá 100 ngày dễ bị biến chất, do vậy khi bào chế phải dự trù kế hoạch chính xác, khỏi lãng phí dược liệu và công sức.

 

 

 

Phần VII: MỘT SỐ VỊ THUỐC THƯỜNG DÙNG

TRONG CHỮA BỆNH TRẺ EM

(Theo Hội y học dân tộc Thanh Hóa)

 

1. BẠCH CƯƠNG TẰM

(Tằm nhác, chết cứng và trắng)

  Tên khác: Cương tằm, Cương trùng, Thiên trùng.

  Vị mặn cay, tính bình, không độc.

  Quy vào 4 kinh: tâm, can, tỳ, phế.

  Công dụng: Khu phong, hoá đờm, trị trẻ em kinh giản đau răng, đau đầu, tê hầu, sưng họng, trúng phong, mất tiếng, đơn độc, phát sang, tràng nhạc kết hạch, trong da như kiến bò, nam giới bị bệnh ngứa bìu dái, nữ giới bị băng huyết và xích bạch đới, sau khi đẻ bị tắc tia sữa và đau bụng. Dùng ngoài chữa mọi chứng sáng, ban ngứa.

  Ngày dùng: 4 - 8g.

 

2. BỐI MẪU

  Tên khác: Xuyên bối mẫu, Mẫu long tinh

  Vị cay đắng, tính bình, không độc

  Quy vào 2 kinh: Tâm, phế.

  Công dụng: Khử đờm, chữa ho, tán nhiệt, nhuận phế, thanh hoả, chữa phiền nhiệt, mụn nhọt. Bối mẫu và bán hạ đều là những vị thuốc chữa ho, trừ đờm. Bối mẫu có tác dụng khử đờm, thanh nhiệt, hết đờm thì khỏi ho. Bán hạ có tác dụng táo thấp, chỉ nôn mửa, thấp đã hoá đờm khí không còn đưa lên thì ho sẽ khỏi.

  Ngày dùng: 5 - 8g.

  Cách chế: bỏ tim, ủ mềm, thái phiến, phơi khô.

 

3. BÁCH BỘ

  Tên khác: Củ ba mươi, Vương phủ.

  Vị ngọt đắng, tính hơi ôn, không độc.

  Quy vào kinh phế.

  Công dụng: Nhuận phế, tiêu đờm, sát trùng, trừ cam tích, chữa ho làm cho khí xung lên.

  Bách bộ và thiên môn tính hàn chữa chứng ho thuộc nhiệt.

  Ngày dùng: 10 - 15g

  Bách bộ dùng nấu cao với thiên môn, mạch môn chữa bệnh ho lâu ngày và bỏ phổi.

  Cách chế: Rửa sạch, bỏ tạp chất và thân rễ, cắt từng đoạn phơi khô. Dùng nhuận phế thì tẩm mật sao.

 

4. BẠCH CẬP

  Tên khác: Bạch căn, Bạch cấp, Cam căn, Trúc túc giao liên cập thảo.

  Vị đắng cay, tính hơi hàn.

  Quy vào kinh phế.

  Công dụng: Cầm máu, chữa sang lở, trục ứ, sinh tân, bổ phế, chỉ thổ huyết. Bạch cập tính sáp thu liễm, được tuyết mát của mùa thu thì vào phế, còn có tác dụng chỉ huyết, sinh cơ. Chữa phế nuy, phế ung. Ho thổ huyết chỉ dùng một vị bạch cập tán nhỏ tiêu với nước cơm trước khi đi nằm gọi là bài “độc thánh tán”. Bạch cập có chất dính, nên trường hợp bị bỏng, trộn với dầu vừng hay dầu lạc đem bôi rất tốt. Hiện nay người ta còn dùng chữa kim sang và ung nhọt, cho uống cùng các vị: Kim ngân, trí mẫu, bối mẫu, thiên hoa phấn, nhũ hương, bán hạ, tạo giác thích, gọi là bài “nội tiêu tán”.

  Ngày dùng: 8 - 12g sắc uống, dùng ngoài không kể liều lượng.

  Cách chế: chọn bỏ tạp chất, ngâm nước mềm, thái phiến, phơi khô.

 

5. BẠCH GIỚI TỬ

(Hạt cải sen)

  Tên khác: Hồ giới tử, Độc giới tử.

  Vị cay, tính ôn, không độc.

  Quy vào kinh phế.

  Công dụng: Tán đờm, lợi khí, phát hàn, trừ thũng, chỉ thống. Chữa ho suyễn lâu ngày, hông sườn đau tức, chân sưng đau. Dùng sống thì tính thăng, dùng sao thì tính giáng, dùng ngoài trị mụn lở, sưng tấy.

  Ngày dùng: 8 - 12g

  Chú ý: Những bệnh phế nhiệt hoặc âm hư, hoả thịnh sinh đờm thì không dùng được.

  Cách chế: Sao cho hạt nổ để dùng.

 

6. BẠCH MAO CĂN

(Rễ cỏ săng)

  Tên khác: Như căn, Lan căn, Địa cân căn.

  Vị ngọt, tính hàn, không độc.

  Quy vào 3 kinh: Tâm, tỳ, vị.

  Công dụng: Chữa thổ ra máu, đại tiểu tiện ra máu, lợi tiểu tiện, chữa phù nề, vàng da.

  Ngày dùng: 6 - 12g

  Cách chế: Rửa sạch, bỏ tạp chất, phơi khô. Nếu dùng chữa xuất huyết thì sao đen tồn tính.

 

7. BÀNG SA

(Hàn the)

  Tên khác: Bồng sa, Bổn sa, Nguyệt thạch.

  Vị ngọt mặn, tính mát.

  Công dụng: Chữa sốt, viêm họng, trừ đờm nhiệt ở thượng tiêu, chữa ho, sinh tân dịch, viêm hạch nhân, răng lợi viêm loét, đau mắt, hóc xương.

  Ngày dùng: 8 - 16g.

 

8. CỬU THÁI

(Cây hẹ)

  Tên khác: Cửu phỉ.

  Vị cay, hơi chua, tính ấm.

  Quy vào 2 kinh: can và thận.

  Công dụng: Lá, rễ dùng chữa ho, kiết lỵ ra máu, trừ dạ dày nhiệt, tân huyết ứ, trục đờm trệ, bổ ích can thận, di tinh, mộng tinh, đi tiểu nhiều.

  Hạt hẹ: Vị cay ngọt, tính ấm.

  Công dụng: Bổ ích can thận và mệnh môn; chữa đau lưng mỏi gối, di tinh, mộng tinh, đi tiểu tiện ra máu, bạch trọc, bạch dâm.

  Ngày dùng: Lá 20 - 30g dùng tươi

                     Hạt 8 - 15g

 

9. CÂY DỨA GAI

  Tên khác: Trái thơm.

  Quy vào kinh thận

  Công dụng: Rễ chữa tiểu tiện khó khăn, đái ra sỏi, phù thũng, lá tươi có tác dụng nhuận tràng, hạ sốt.

  Ngày dùng: 20 - 30g

  Chú ý: Người có thai dùng phải thận trọng.

 

10. CÚC HOA

(Hoa cúc loại nhỏ)

  Tên khác: Nhật tinh, nữ hoa.

  Vị đắng, tính bình, không độc.

  Quy vào 3 kinh: can, phế, thận.

  Công dụng: Thanh phong nhiệt, sáng mắt, giải độc, trị mọi chứng phong, đau đầu xây xẩm, đau mắt chảy nước, thông lợi huyết mạch, mụn nhọt đầu đinh.

  Cúc hoa có 2 loại:

  - Cúc hoa trắng: Chữa về dương khí, như đau đầu do phong tả.

  - Cúc hoa đỏ, vàng: Dùng chữa về âm huyết, tư bổ phế thận.

  Ngày dùng: 8 - 12g.

 

11. CÂU ĐẰNG

  Tên khác: Thanh thảo tâm.

  Vị đắng; tính bình.

  Quy vào 2 kinh: can, tỳ.

  Công dụng: Dùng tẩy giun trẻ em, dùng cho phụ nữ sau khi sinh nở sao vàng sắc uống để ăn ngon, chóng lại sức, chữa phát ban, lỵ ra máu.

  Ngày dùng: 8 - 10g.

 

12. ĐẠI HOÀNG

  Tên khác: Xuyên đại hoàng, Tướng quân.

  Vị đắng, tính hàn

  Quy vào 5 kinh: Tỳ, vị, can, tâm bào, đại trường.

  Công dụng: Tả thực nhiệt, phá tích trệ, tán ứ huyết, chữa nóng bí tiểu tiện, sốt nóng phát cuồng, ăn không tiêu, trướng bụng, lỵ mới phát, vàng da do thấp nhiệt, thủy thũng, phụ nữ tắc kinh, huyết hòn huyết cục dùng ngoài trị ung nhọt, sưng đau, bỏng lửa hoặc bỏng nước sôi.

  Ngày dùng: 2 - 8g

  Chú ý: Phụ nữ có thai không dùng.

 

13. ĐĂNG TÂM

(Cỏ bấc đèn)

  Vị ngọt nhạt, tính hàn.

  Quy vào 3 kinh: Phế, tiểu trường và tâm.

  Công dụng: Giáng tâm hoả, lợi tiểu, thanh phế nhiệt; trị các bệnh: Ngũ lâm, bí đái, thủy thũng, tâm phiền, trẻ con khóc đêm, đau cổ họng, ho do phế nhiệt, sốt, dùng ngoài trị đinh nhọt.

  Ngày dùng: 2 - 4g, dùng ngoài không kể liều lượng (đốt, nghiền bột, thỏi vào nơi đau).

 

14. HẠT BÌM BÌM

  Tên khác: Khiên ngưu, Hắc sửu, Bạch sửu.

  Vị đắng; tính lạnh có độc

  Quy vào 3 kinh: Phế, thận, đại trường.

  Công dụng: Tả thuỷ, hạ khí, sát trùng, trục đờm, tiêu ẩm, lợi đại tiểu tiện: trị tiện bĩ. Cước khí, thủy thũng suyễn mãn, đàm ẩm, trùng tích.

  Ngày dùng: 3 - 6g

  Chú ý: Phụ nữ có thai không dùng.

  - Kỵ ba đậu

  Cách chế: Rửa sạch bụi đất, chọn bỏ tạp chất, phơi khô.

 

15. HƯƠNG NHU

  Tên khác: Hương nhự, Mật phong thảo

  Vị cay, tính ấm, không độc

  Công dụng: Hương nhu là một vị thuốc chủ yếu sử dụng về mùa hạ có tác dụng: Thanh thử, lợi thủy thấp, phát hãn, thổ tả, rút gân, trị thủy thũng, sốt.

  Thường dùng phối hợp với biển đậu, hậu phác để chữa chứng biểu tà, do thấp nhiệt uẩn khúc ở tỳ sinh ra, bụng đầy mà sốt.

  Ngày dùng: 10 - 15g

  Cách chế: Bỏ rễ, dùng cả cây, lá và hoa.

 

16. HOÀNG CẦM

  Tên khác: Hoàng văn, Phiến cầm

  Vị đắng, tính hàn, không độc.

  Quy vào 3 kinh: Can, đờm, tiêu trường.

  Công dụng: Trừ hoả nhiệt ở tâm phế, can, đờm, đại, tiểu trường. Chữa nóng, rét dai dẳng, vàng da, tiết tả, lị do thấp nhiệt. Ngoài ra còn có tác dụng dưỡng huyết, an thai.

  Ngày dùng: 6 - 10g.

 

17. HOẮC HƯƠNG

  Tên khác: Hợp hương

  Vị cay, tính ấm, không độc.

  Quy vào 3 kinh: tỳ, vị và phế

  Công dụng: Hoắc loạn thổ tả, khí trệ ở tỳ vị, thăng thanh giáng trọc, tiêu trừ uế khí. Chủ trị đau bụng hoắc loạn thổ tả, âm hư hoả vượng.

  Ngày dùng: 8 - 12g.

  Chú ý: Trường hợp nôn khan và các chứng trung tiêu hoả thịnh không dùng.

  Cách chế: Bỏ rễ và thân cây già cứng; phơi khô để dùng.

 

18. HẠ KHÔ THẢO

(Cây cải dại, cây cải trời)

  Tên khác: Huyết kiến sầu, Cân cốt thảo

  Vị đắng cay, tính hơi hàn, không độc

  Quy vào kinh: can

  Công dụng: Dưỡng âm huyết, tán độc kết, chữa đau mắt nhằm về đêm, âm hộ sưng, xích bạch đới, tiêu thử, thanh thấp. Còn dùng để nấu cao chữa chứng tràng nhạc.

  Ngày dùng: 8 - 10g

  Cách chế: Chọn bỏ tạp chất và cuống dây. Dùng lá và hoa.

 

19. XƯƠNG SÔNG

  Tên khác: Rau súng, Sang sông.

  Vị cay, tính ấm.

  Quy vào 2 kinh: phế, vị.

  Công dụng: Chữa cảm sốt, ho suyễn, nôn mửa, đầy bụng; dùng ngoài sao nóng chườm lên nơi đau nhức, thấp khớp.

  Ngày dùng: 15 - 20g.

  Dùng ngoài không kể liều lượng.

 

20. SỬ QUÂN TỬ

  Tên gọi khác: Quả nấc, Quả giun, Sử quân tử, Thần đăng.

  Vị ngọt, tính ôn, không độc.

  Quy vào 2 kinh: tỳ, vị.

  Công dụng: Sát trùng, mạnh tỳ vị, chữa chứng ngũ cam, tiểu tiện đục, tả, lỵ, các chứng lở ngứa trẻ em, tẩy giun sán, ăn uống không tiêu.

  Ngày dùng: Trẻ em: 3 - 5g   Người lớn  : 8 - 16g

  Cách chế: Khi dùng cạo bỏ hết vỏ đen, cắt bỏ hai đầu nhọn, sao qua.

 

21. HỒ TUY

(Hạt mùi)

  Tên khác: Nguyên tuy, Hương tuy, Duyên tuy

  Vị cay, tính ấm, không độc

  Quy vào 2 kinh: Tâm, tỳ

  Công dụng: Trong nội tạng, thông đạt tâm tỳ đến bụng dưới. Ngoài bì phu, thông hành khắp thớ thịt đến tay chân, còn có khả năng tán phong hàn. Chữa đau đầu phát sốt, ăn uống chậm tiêu do đình trệ. Dùng ngoài đậu sởi mọc không đều: tán nhỏ hoà với rượu phun vào những chỗ sởi không mọc, không nên dùng nhiều, dùng lâu làm hao tổn tinh thần.

  Ngày dùng: 4 - 6g.

 

22. KHƯƠNG HOẠT

  Vị cay đắng, tính ấm, không độc.

  Quy vào 3 kinh: can, thận, bàng quang.

  Công dụng: Chữa đau đầu, đau các khớp, phong tê thấp, phối hợp với vị độc hoạt làm tăng hiệu lực. Khương hoạt là vị thuốc chữa về kinh túc thái dương, bàng quang, nhất là phong thấp, đau đầu, đau các khớp.

  Độc hoạt là vị thuốc chủ yếu về kinh túc quyết âm can do phong tà lưu trú ở bên trong gây nên đau đầu, hai chân tê liệt.

  Ngày dùng: 8 - 10g.

  Chú ý: Trường hợp đau đầu, đau nửa người do huyết hư thì không nên dùng.

 

23. LẠC TIÊN

(Dây tóc tiên)

  Tên khác: Hồng tiên, Lồng đèn.

  Vị ngọt, tính bình

  Quy vào kinh: Tâm

  Công dụng: An thần, chấn tâm. Chữa các chứng mất ngủ, tâm hồi hộp, ngủ hay mơ.

  Ngày dùng: 10 - 20g.

 

24. LÔ CĂN

(Rễ cây lau)

  Vị ngọt, tính hàn.

  Quy vào 3 kinh: Tâm, phế, vị.

  Công dụng: Thanh nhiệt, chỉ nôn.

Chủ trị: Nội tạng nhiệt, buồn phiền mà khát, nôn oẹ, phế nuy, phế ung.

  Ngày dùng: 15 - 20g

  Cách chế: Bỏ tạp chất, thái đoạn, phơi khô.

 

25. LÔ HỘI

  Tên khác: Tương đảm, Du thông.

  Vị đắng, tính hàn.

  Quy vào 4 kinh: can, tỳ, vị, đại trường

  Công dụng: Thanh nhiệt, sát trùng, thông tiện, chữa can bị thực nhiệt, đại tiện bí, phụ nữ bế kinh, giản, kinh phong, cam nhiệt. Dùng ngoài chữa sâu răng, ghẻ lở.

  Ngày dùng: 2 - 5g sắc uống; dùng ngoài không kể liều lượng, nghiền nát đắp vào nơi đau.

  Chú ý: Phụ nữ có thai, người bị tỳ vị hư hàn không dùng.

 

26. LÁ ĐUÔI TÔM

  Tên khác: Thàm làm, Mía mưng.

  Vị ngọt chua, tính bình.

  Công dụng: Thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu tiện, trừ thấp, chữa phù nề, giảm đau, chữa lỵ, nhiệt độc, ngưng trú ở da, mụn nhọt sưng đau. Dùng ngoài trị các chứng lở loét, vết thương lâu liền, chữa tai lở loét.

  Ngày dùng: 10 - 20g, sắc uống; dùng ngoài không kể liều lượng.

 

27. MẬT ĐA TĂNG

(Nồi nấu bạc)

  Tên khác: Đà tăng, Kim đà tăng, Lô đề.

  Vị mặn cay, tính bình, hơi có độc.

  Quy vào kinh tỳ.

  Công dụng: Trừ thấp nhiệt, trừ đờm, an thần, trấn kinh, cầm huyết, tán thũng, tiêu tích, sát trùng. Dùng ngoài chữa hôi miệng (mật đà tăng 4g, hoà nước ấm súc miệng rồi nhổ đi). Chữa hôi nách, tẩy các vết xạm ở da, ngày dùng 0,5 - 4g.

 

28. MẪU LỆ

(Vỏ hầu)

  Tên khác: Mẫu cấp, Tả mẫu lệ.

  Vị mặn, tính bình, hơi hàn.

  Quy vào hai kinh: can, thận.

  Công dụng: Làm mềm chất cứng, lợi thuỷ, biểu hãn, có sắp trường vị, bổ can ích thận. Chữa nóng rét do thương hàn, nhiệt tà ở xương và các khớp, phá tích, hoá đờm, thanh nhiệt, an thần, chữa mồ hôi trộm; phụ nữ băng huyết, nam giới di mộng tinh.

  Ngày dùng: 12 - 16g.

  Cách chế: Rửa sạch, đặt trên lò than, nung đến khi thành tro trắng lấy ra để nguôi, nghiền nhỏ để dùng.

 

29. MỘT DƯỢC

  Tên khác: Vị dược

  Vị đắng hơi cay, tính bình, không độc.

  Quy vào 2 kinh: can, tâm.

  Công dụng: Phá huyết ứ, sinh huyết mới, giảm đau, sinh da thịt, tiêu thũng độc.

  Dùng với nhũ hương làm tăng tác dụng.

  Ngày dùng: 4 - 8g

  Chú ý: Các trường hợp huyết hư, sản hậu, huyết xấu không ra hết, đau bụng do hư, mụn nhọt đã vỡ, đau mắt do huyết nhiệt, không nên dùng.

 

30. MẬT ONG

  Tên khác: Phong đường, Bách hoa tinh, Bách hoa nhuỵ, Bách hoa cao.

  Vị ngọt, tính bình, không độc (màu trắng và thơm ngọt là tố, màu đỏ và chua không nên dùng).

  Quy vào 4 kinh: tỳ, phế, vị, đại trường.

  Công dụng:

  Vinh thuận năm tạng, lợi ích khí tự dưỡng tỳ vị, điều hòa vinh vệ, trường vị táo kết, mụn nhọt, ho, táo bón, đau mắt, chỉ thống giải độc.

  Chữa bụng đau, xích bạch lỵ: Mật ong 1 thìa, nước cốt gừng 1 chén, trộn đều đem uống.

  - Đau bụng, đi đại tiện ra máu như đờm keo: Mật ong 1 thìa, nước cốt sinh địa 1 thìa, trộn đều đem uống.

  - Chữa bỏng: Dùng lông gà vô trùng thấm vào mật ong phết vào vết bỏng nhiều lần.

  Ngày dùng: 10 - 12g.

  Chú ý: Người tỳ khí không thực, ỉa lỏng do thận hư và bệnh thấp nhiệt, hông bĩ không khoan khoái đều không nên dùng.

 

31. MỘC MIẾT TỬ

(Hạt gấc)

  Vị đắng hơi ngọt, tính ấm, có độc.

  Quy vào 2 kinh: can và đại trường.

  Công dụng: Tiêu độc, tiêu sưng, trị mụn nhọt, sưng tấy, tràng hạch, lở loét, vết thương ứ máu, bầm tím do bị ngã, bị đánh, phụ nữ sưng vú, hậu môn sưng thũng.

  Ngày dùng: 1 nhân nướng chín. Dùng ngoài không kể liều lượng.

  Cách chế: Nhặt hết tạp chất, rửa sạch, khi dùng đập vỡ hạt.

 

32. MƠ TAM THỂ

  Tên khác: Mơ lông, Mơ tròn.

  Vị đắng, tính hơi hàn, không độc.

  Công dụng: Cầm máu, thu liễm, trị thổ huyết, học huyết, sốt, lỵ ra huyết lâu ngày, phụ nữ đới hạ.

  Ngày dùng: 10 - 20g lá tươi. Chữa về huyết thì sao cháy.

 

33. NGŨ BỘI TỬ

  Tên khác: Xuyên giao cáp, Bách trùng thương.

  Vị chua, tính bình, không độc.

  Quy vào 2 kinh: phế, tỳ.

  Công dụng: Liễm phế, giáng hoả, trừ ngoan đờm, giải nhiệt độc, cầm máu, liễm mồ hôi, sinh tân dịch, tiêu khát, học huyết, thoát giang, họng đau, nôn mửa, ho, trẻ em khóc đêm, trẻ em cam lở ở mặt, mũi.

  Ngày dùng: 8 - 10g

  Chú ý: Người ho lâu ngày do ngoại cảm không được dùng.

 

34. NGŨ LIÊM

(Quả khế)

  Vị chua, tính bình, không độc.

  Quy vào 2 kinh: can, phế.

  Công dụng: Quả khế chữa nóng sốt, sinh tân dịch, chỉ khát. Dùng hoa chữa sởi đậu. Dùng lá giã nát đắp chữa sơn ăn và mẩn ngứa, lở loét, sưng đau.

  Ngày dùng: Hoa 6 - 10g

  Quả: 15 - 30g dùng ngoài không kể liều lượng.

 

35. NHÂN TRẦN

  Tên khác: Gia nhân trần, Thạch nhân trần.

  Vị đắng, tính hơi hàn, không độc.

  Quy vào 2 kinh, vị, bàng quang.

  Công dụng: Chủ yếu chữa bệnh vàng da do thấp nhiệt uất kết (cả âm và dương hoàng), chữa thương hàn, nóng phát cuồng, chứng huyết khối, huyết cục ở phụ nữ.

  + Vàng da do thấp nhiệt, dùng: Nhân trần, chi tử, đại hoàng, sắc uống.

  + Vàng da do táo nhiệt, dùng: Nhân trần, chi tử, hoàng bá, sắc uống.

  + Vàng da do hàn thấp dùng: Nhân trần, phụ tử, sắc uống. Ngày dùng: 10 - 20g.

 

36. NHA ĐỞM TỬ

(Hạt xoan rừng, hạt thầu đâu, cứt chuột).

  Tên khác: Khổ luyện tử.

  Vị đắng, tính hàn, có độc.

  Quy vào kinh: can.

  Công dụng: Thông lợi nhiệt ở tiểu trường và bàng quang, đồng thời dẫn hoả của tam bào đi xuống; còn chữa thương hàn, phiền nhiệt, nhiệt quyết, bụng đau, kiết lỵ, sát trùng, trừ sán khí, chữa sốt rét.

  Ngày dùng: 10 - 14 hạt.

  Chú ý: Người tỳ vị hư hàn không dùng.

  Cách chế: Sàng bỏ tạp chất, rửa sạch phơi khô, bóc bỏ vỏ ngoài, lấy toàn nhân dùng.

 

37. NHŨ HƯƠNG

  Tên gọi khác: Oanh hương, Minh nhũ, Minh ngọc châu.

  Vị đắng cay; tính hơi ấm, không độc.

  Quy vào 4 kinh: tâm, tỳ, thận, vị.

  Công dụng: Khử phong hoạt huyết, tán ứ, định thống (giảm đau), thông kinh lạc. Còn chữa sang độc và tiêu mụn nhọt, chữa xích bạch lỵ, đau bụng.

  Ngày dùng: 8 - 10g

  Chú ý: Mụn nhọt đã vỡ không dùng.

 

38. Ô TẶC CỐT

(Mai mực)

  Tên khác: Hải phiên tiệu

  Vị mặn, tính ôn.

  Quy vào 2 kinh: can, thận.

  Công dụng: Thông huyết mạch, trừ hàn thấp, cầm máu. Chữa thổ huyết, máu cam, đại trường, hạ huyết, phụ nữ băng huyết, tắc kinh, lậu huyết, khí hư, âm đạo lở loét sưng đau, vị quản thống. Dùng ngoài chữa các chứng mắt có màng, chảy nước mắt, tai đau chảy mủ, mụn nhọt lở loét không hàn miệng.

  Ngày dùng: 5 - 10g, sắc uống. Dùng ngoài không kể liều lượng (nghiền bột thổi vào nơi đau).

 

39. TRI MẪU

  Vị đắng, tính lạnh.

  Quy vào 3 kinh: Tâm, thận, Đại trường.

  Công dụng: Tư âm, giáng hoả, nhuận táo hoạt tràng.

  Chữa các chứng: Nóng nhiệt sinh ho lao, nóng hầm trong xương, phần âm hư kém, khô ráo nóng nảy, đại tiểu tiện không thông.

  Ngày dùng: 5 - 10g.

 

40. TẾ TÂN

  Vị cay, tính ấm.

  Quy vào 4 kinh: tâm, can, phế, thận.

  Công dụng: Tán phong, khử hàn, hành thuỷ, khai khiếu. Chữa tỵ uyên (nước mũi chảy luôn mà hôi thối), đau răng, nhức đầu, phong thấp tê đau, đờm trệ ho suyễn.

  Ngày dùng: 1 - 3g

  Chú ý: Tế tân phản lô lô.

 

41. TAM LĂNG

  Vị đắng, tính bình.

  Quy vào kinh: can.

  Công dụng: Phá huyết hành khí, tiêu tích, thông kinh, chỉ thống.

  Chữa các chứng: Khí huyết ngưng trệ, tích tụ, trưng hà (tích hòn cục), ngực bụng đầy tức, phụ nữ kinh nguyệt bế tắc, sau khi đẻ đau bụng do ứ huyết.

  Ngày dùng: 5 - 10g

  Chú ý: Phụ nữ có thai không dùng.

  Cách chế: Tẩm dấm thanh, thái phiến, sao khô.

 

42. TANG BẠCH BÌ

(Vỏ rễ dâu)

  Vị ngọt, tính hàn.

  Quy vào kinh: Phế

  Công dụng: Tả phế, hành thuỷ, chỉ thấu, bình suyễn.

  Chữa ho do phế nhiệt, ho ra máu, thủy thũng bụng trướng, sốt, băng huyết.

  Ngày dùng: 8 - 16g.

  Cách chế: Dùng rễ dưới mặt đất, rửa sạch, lấy lách nứa tách lấy vỏ (kiêng sắt), cạo bỏ vỏ ngoài, lấy vỏ trắng phơi khô, tẩm mật sao.

 

43. TOAN TƯƠNG THAO

(Chu me đất)

  Tên gọi khác: Tạc tương thảo, toan vị thoả, tam diệp toan.

  Vị chua, tính hàn, không độc.

  Quy vào kinh: can.

  Công dụng: Giải nhiệt, trừ khát, chữa sốt rét và lỵ, chữa viêm niệu đạo, thông tiểu tiện. Cây và quả còn dùng chữa ho.

  Ngày dùng: 15 - 30g lá tươi.

 

44. THÀI LÀI TRẮNG

(Cỏ chân vịt)

  Tên khác: Biển súc.

  Vị ngọt nhạt, tính hàn.

  Quy vào 2 kinh: can, thận.

  Công dụng: Chữa sốt, khát nước, lợi tiểu tiện, giải độc lỵ, tâm phiền nhiệt, rắn rết, bọ cạp cắn đau buốt.

  Dùng ngoài giã nát sào nóng đắp vào nơi đau nhức.

  Ngày dùng 8 - 15g, sắc uống. Dùng ngoài không kể liều lượng.

 

45. THIÊN NIÊN KIỆN

(Ráy thiên thục)

  Tên khác: Sơn thục.

  Vị đắng cay, tính ôn.

  Quy vào 2 kinh: can, thận.

  Công dụng: Khử phong thấp, mạnh gân cốt, chữa tê thấp, bổ gân cốt, các khớp đau nhức, co quắp, tê dại đau dạ dày, kích thích tiêu hoá. Dùng ngoài xông khói chữa tổ đỉa. Chữa chân hà và ra mồ hôi chân.

  Ngày dùng: 5 - 10g. Dùng ngoài không kể liều lượng.

 

46. THẠCH CAO

  Vị ngọt cay, tính hàn.

  Quy vào 3 kinh: Phế, vị, tam tiêu.

  Công dụng: Thanh nhiệt, giải cơ, chỉ khát, tăng tân dịch, sốt cao, mê sảng, phát cuồng, bệnh phế nhiệt thở gấp, trúng thử ra mồ hôi, vị nhiệt. Dùng ngoài trị ung nhọt lở loét.

  Ngày dùng: 10 - 30g. Dùng ngoài không kể liều lượng (đốt rồi nghiền bột, đắp nơi đau).

 

47. THẠCH XƯƠNG BỒ

  Vị cay, tính ấm.

  Quy vào 2 kinh: tâm và can.

  Công dụng: Thông khiếu, trục đờm, tăng trí nhớ, tán phong làm cho khoan khoái, trừ thấp, giải độc, sát trùng, chỉ đau, thông các khiếu, ôn trường vị, chữa các vị điên và giản, đờm tắc hôn mê, phong hàn tê thấp, tiêu hoá kém.

  Dùng ngoài trị mụn nhọt, ghẻ lở chảy nước.

  Ngày dùng: 6 - 12g.

  Dùng ngoài không kể liều lượng (tán bột đắp bôi nơi đau).

  Cách chế: Bỏ lông và tạp chất, thái phiến phơi khô.

 

48. THANH ĐẠI

(Bột lá chàm xanh)

  Vị mặn, tính hàn.

  Quy vào kinh: can.

  Công dụng: Thanh nhiệt, lương huyết, giải độc. Trị bệnh thời khí, ôn nhiệt, ban sởi, thổ huyết, ho ra máu, trẻ em kinh giản, sang độc lở loét, cam tẩu mã, sâu răng.

  Ngày dùng 2 - 6g. Dùng ngoài bôi đắp chỗ đau không kể liều lượng.

 

49. THẠCH LỰU BÌ

(Vỏ quả thừu lựu)

  Tên khác: An thạch lựu.

  Vị chua, tính ấm, sáp, không độc.

  Quy vào kinh: Đại trường.

  Công dụng: Sát trùng, chỉ huyết, chữa tả, lỵ, đại tiện ra máu, lòi dom, băng huyết, đới hạ, trừ giun sán.

  Ngày dùng: 4 - 8g.

 

50. TRẦN BÌ

(Vỏ quả quýt chín)

  Vị đắng cay, tính ấm.

  Quy vào 2 kinh: Tỳ, phế.

  Công dụng: Thông khí, táo thấp, thông trệ, tiêu đờm, tiêu thực. Trị các chứng ngực bụng chướng đau, nôn mửa, ỉa chảy, ho nhiều đờm, ăn uống không tiêu.

  Ngày dùng: 6 - 20g.

  Cách chế: Cạo hết cùi trắng, ủ mềm, thái nhỏ, sao qua. Trần bì để càng lâu năm càng tốt.

 

51. TRÚC LỊCH

(Nước cốt măng tre)

  Vị ngọt, tính hàn.

  Quy vào 3 kinh: tâm, vị, đại trường.

  Công dụng: Lợi đờm, thanh hoả, nhuận táo chữa chứng phong cấm khẩu, ho nóng, kinh phong, đờm làm mê nóng, phát điên cuồng.

  Cách chế: Lấy một đoạn măng tre, tách giữa đoạn tre rồi giắt vào đó 3 - 4 lát gừng, đem nướng lên, vắt lấy nước mà dùng.

 

52. UY LINH TIÊN

  Vị cay mặn, tinh ấm.

  Quy vào 2 kinh: can, thận.

  Công dụng: Khử phong, hành khí, thông kinh lạc tiết thuỷ. Trị trúng phong, đầu đau, thống phong (đau các khớp, đau xương sống do phong tê thấp), các chứng đau lưng, đau chân, trưng hà tích tụ, tâm cách đờm thủy (ngực bị nghẹn tức do đờm giãi), chữa nghẹn, vướng hóc xương.

  Ngày dùng: 6 - 12g.

 

53. VƯƠNG BẤT LƯU HÀNH

   (Cây mua ông)

  Vị đắng, tính bình.

  Quy vào 2 kinh: can, thận.

  Công dụng: Hành huyết, thông kinh lạc, thông sữa, tiêu sưng tấy, thu miệng các vết thương.

  Chữa kinh nguyệt bế tắc, sữa không thông, đẻ khó.

  Dùng ngoài trị mụn nhọt sưng tấy, sát thương do dao chém chảy máu, kim sang, xuất huyết.

Ngày dùng: 5 - 10g Dùng ngoài nghiền thành bột, lượng vừa đủ để đắp, hoặc sắc lấy nước rửa chỗ đau.

  Chú ý: Phụ nữ có thai cấm dùng.

 

54. VAY TRÚT

(Vẩy con tê tê)

  Tên khác: Xuyên sơn giáp.

  Vị mặn, tính hơi hàn.

  Quy vào 2 kinh: can, vị.

  Công dụng: Trừ phong, thông kinh lạc, hoạt huyết, tiêu sưng tấy, thông sữa. Chữa phong hàn, tê thấp, ung nhọt sưng tấy, sang lở, sữa không thông.

  Ngày dùng: 6 - 12g.

  Cách chế: Rửa sạch, sao phồng.

 

55. VÃN TẰM

(Phân tằm)

  Vị cay ngọt, tính ôn.

  Quy vào 3 kinh: tỳ, vị, can.

  Công dụng: Khử phong, chỉ huyết, thấm ướt.

  Chữa phong thấp, khớp đau, ngoài da tê, lưng gối đau lạnh, phụ nữ băng huyết, bán thân bất toại.

  Ngày dùng: 6 - 12g.

  Cách dùng: Phân tằm rửa sạch, để ráo, tẩm rượu sao đến khi có khói trắng là được.

 

 

 

Phần VIII: MỘT SỐ VỊ THUỐC CHỮA

BỆNH PHỤ KHOA VÀ MỘT SỐ BỆNH KHÁC

(Theo Hội y học dân tộc Thanh Hóa)

 

1. A GIAO

Tên khác: Cao da lừa.

Vị ngọt, tính bình

Quy vào 4 kinh: phế, tâm, thận, can.

Công dụng: Tư âm, dưỡng huyết, nhuận phế, chỉ huyết, khu phong, chữa hư lao, ho, chảy máu cam, phế ung, ho ra máu mủ, ỉa ra máu, phụ nữ thai sản, băng lậu, âm hư, tâm phiền, mất ngủ.

Ngày dùng 10 - 15g.

Người tỳ vị hư âm không nên dùng.

Chế biến: Vỏ sò tán nhỏ sao nóng, sau đó lấy cao da lừa thái mỏng cho vào vỏ sò và sao nóng tới khi cao lừa phổng lên thì đem ra rây bỏ bột vỏ sò.

 

2. BẠC HÀ

Vị cay, tính mát

Quy vào 2 kinh : can, phế

Công dụng: Tán phong nhiệt, phát hãn, thanh nhiệt, giải uất, chữa các chứng: trẻ em bị kinh giản, lỵ, cảm nắng, đau bụng, đầy bụng, ăn uống không tiêu, đờm trệ, ung nhọt, lở ngứa, chảy máu cam.

Ngày dùng 4 - 8g.

 

3. BẠC THAU

Tên khác: Bạc sau, Bạc hạ đằng.

Vị đắng nhạt, tính mát.

Quy vào 2 kinh: can, thận.

Công dụng: Điều kinh, thông tiểu, giải độc. Chữa khí hư bạch đới; còn dùng chữa những bệnh về gan. Dùng ngoài: nấu nước tắm chữa lở ngứa, giã với muối đắp mụn nhọt, bó gẫy xương, đốt xông khói chữa trẻ em, lên sởi.

Ngày uống 10 - 20g. Dùng ngoài thì không kể liều lượng.

 

4. BẠCH CHỈ

Vị cay, tính ôn

Quy về 3 kinh: phế, vị, đại trường.

Công dụng: Khu phong, tán hàn, thảm thấp, hoạt huyết, sinh cơ, giảm đau. Chữa ngoại cảm phong hàn, đau đầu, đau răng, xích bạch đới. Dùng ngoài để chữa sưng vú, tràng nhạc, ghẻ lở.

Ngày dùng 6 - 12g.

Chế biến: Dùng củ mài, thái mỏng, phơi khô.

 

5. BẠCH TRUẬT

Vị đắng, tính ôn.

Quy vào 2 kinh: tỳ và vị.

Công dụng: Táo thấp, hoá đờm, kiện tỳ, an thai, tiêu thực; chữa các chứng: thủy thũng, đàm ẩm, tiết tả, thai động không yên, mồ hôi trộm. Người âm hư, táo kết không nên dùng.

Ngày dùng 8 - 12g, sắc, bột, hoặc viên.

Chế biến: Thái mỏng, tẩm hoàng thổ, sao vàng, hoặc sao với cám, cứ 1kg bạch truật dùng 400g cám, sao đến khi bạch truật có màu vàng là được, đem ra rây bỏ cám.

 

6. BẤN TRẮNG

Tên khác: Mấn trắng, Bạch đồng nữ.

Vị đắng nhạt, tính bình.

Quy vào 2 kinh: can, thận.

Công dụng: Chỉ đới, điều kinh. Chủ trị kinh nguyệt không đều, khí hư bạch đới, ghẻ lở, mụn nhọt, chốc đầu.

Ngày uống 10 - 20g.

 

7. BỒ CHÍNH SÂM

Tên khác: Sâm thổ hào, Sâm Báo (cây mọc ở núi Báo thuộc xã Vĩnh Hưng - Vĩnh Lộc, củ chắc thơm, chất lượng tốt nên gọi là Sâm Báo).

Vị ngọt, hơi đắng, tính mát.

Quy vào 2 kinh: phế và tỳ.

Công dụng: Dùng làm thuốc bổ, tăng sức, bổ khí, bổ tỳ vị, thông tiểu tiện. Chữa: điều kinh, khí hư bạch đới, đi ỉa lỏng, sốt, ho, hen, viêm phế quản. lá giã với muối đắp mụn nhọt.

Chế biến: củ đào về rửa sạch, cạo bỏ vỏ, đem phơi, sấy khô, khi dùng thái mỏng, tẩm nước gừng sao qua.

 

8. BỒ HOÀNG

Vị cay, tính bình.

Công dụng: Dùng sống, lương huyết, hoạt huyết, tán kết, trữ nhiệt. Sao đen có tác dụng chỉ huyết chỉ đới. Chữa đau bụng, tiểu tiện ít, các chứng chảy máu, lỵ ra máu, tiểu tiện ra máu, chảy máu cam, thổ huyết.

Ngày uống 10 - 20g.

 

9. BỒ KẾT

a) Vỏ quả bồ kết:

Tên khác: Tạo giác.

Vị cay mặn, tính hơi ôn, hơi có độc.

Quy vào 2 kinh: phế, đại trướng.

Công dụng: Thông khiếu, khu phong, tiêu đớm, dịnh suyễn, tiêu thức ăn, sát trùng. Chủ trị bí trung tiện, trúng phong, cấm khẩu, hen suyễn.

Ngày dùng 2 - 4g.

Chế biến: Quả bồ kết bỏ hạt, nướng giòn, tán nhỏ thổi vào mũi có tác dụng thông khiếu, gây hắt hơi, dùng với người trúng phong hôn mê; sắc uống chữa phong đờm, suyễn, đầy; đồ thì làm tan nơi sưng, tiêu được độc; nấu nước xông hậu môn có tác dụng thông đại tiện bí kết; đốt xông khói chữa sang thấp ở hạ nang.

b) Hạt bồ kết:

Vị cay, tính ôn, không độc.

Công dụng: Khu phong, hoà huyết, nhuận trường. Chữa các chứng: đại trường hư bí, hạ lỵ, đờm ứ ở cách mô, ợ chua, loa lịch thũng độc (tràng nhạc), phụ nữ khó đẻ. Nghiền nhỏ, ngậm chữa sâu răng.

Ngày dùng 4 - 8g.

c) Gai bồ kết:

Vị cay, tính ôn, không độc.

Công dụng: Thông quan khiếu, tiêu ung thư, sát trùng. Chữa sưng vú, rau thai không xuống được, ung nhọt chóng vỡ mủ. So sánh với bồ kết thì tác dụng giống nhau nhưng dược lực mạnh hơn và nhanh hơn.

Ngày dùng 4 - 8g.

 

10. BƯỚM BẠC

Tên khác: Bươm bướm, Hoa bướm.

Công dụng: Khu phong, trừ thấp, lợi tiểu tiện. Chủ trị: phong tê thấp, tiểu tiện không thông, khí hư bạch đới, ho hen, sốt cách nhật, dùng ngoài: lá, hoa giã đắp lên nơi viêm tấy, bó gãy xương.

Ngày dùng 10 - 29g

Chế biến: Dùng rễ, thái phiến, phơi khô.

 

11. CÁ CHÉP

Tên khác: Cá gáy, Lý ngư.

Vị ngọt, tính bình.

Quy vào 4 kinh: tỳ, vị, thận, bàng quang.

Công dụng: Kiện tỳ, lợi thuỷ, hạ khí. Chủ trị phù thũng, hoàng đản, cước khí.

Ngày dùng 200 - 300g.

 

12. CÀ GAI LEO

Tên khác: Cà quỳnh, Cà quánh.

Công dụng: Chữa phong tê thấp, nhức chân răng, chảy máu chân răng, lậu, say rượu. Dùng ngoài chữa rắn cắn (nhai rễ, nuốt nước, bã đắp vào vết thương).

Ngày uống 10 - 20g. Dùng ngoài thì không kể liều lượng.

Chế biến: Rễ đào về rửa sạch, thái phiến, phơi khô.

 

13. CÂY CHÂN CHIM

Tên khác: Ngũ gia bì, Thích gia bì.

Vị cay, tính ôn.

Quy vào 3 kinh: can, tỳ, thận.

Công dụng: Khu phong, tán hàn, trừ thấp, mạnh gân cốt, chữa đau mỏi lưng, gối, trẻ em chậm biết đi, ăn kém, ăn chậm tiêu, đau bụng lạnh, nam giới dương sự bất khởi (thiểu nănh sinh dục), phụ nữ ngứa âm hộ.

Ngày uống 10 - 20g.

Chế biến: Thu hái về mùa thu, cạo hết vỏ khô, thái mỏng, phơi khô. Ngâm với rượu làm tăng hiệu lực của thuốc.

 

14. CÂY CHỈ THIÊN

Tên khác: Nam tiêu hồ, Tử hoa, Sa hương thái.

Vị đắng, tính hơi hàn.

Quy về 2 kinh: phế, tỳ.

Công dụng: Tân phong, hạ chí, chỉ ho, tiêu đờm. Chữa phong nhiệt, sinh ho đờm, phế nhiệt, hông sườn đầy tức, đầu đau do phong, chứng thực nhiệt của bệnh thương hàn, sốt, cảm mạo, chứng cam ở trẻ em.

Người âm hư hoả vượng, âm huyết hư tổn, nóng bên trong, tâm phiền nhiệt không nên dùng.

Ngày dùng 6 - 12g.

Chế biến: Đào lấy củ, bỏ rễ, rửa sạch phơi khô.

 

15. CÂY CỨT LỢN

Tên khác: Cỏ hôi.

Công dụng: Chữa phụ nữ rong huyết sau khi sinh đẻ (dùng 30 - 50g lá tươi giã nát lấy nước uống). Chữa viêm trong mũi, dị ứng mới phát (dùng lá cây tươi rửa sạch, giã nát vắt lấy nước tẩm vào bông, dùng bông nhét vào mũi đau).

 

16. CÂY LỨC

Tên khác: Sài hồ nam.

Vị đắng, tính hơi hàn.

Quy vào 3 kinh: can, đởm, tam bào.

Công dụng: Phát hãn, hoà lý, thoái nhiệt, thăng dương, giả uất, điều kinh. Chữa ngoại cảm phong nhiệt, hoa mắt, nhức đầu, sốt rét, nôn mửa, miệng đắng, trẻ em đậu chẩn, ngũ cam, người nóng mà gầy. Sài hồ có tính hoà giải, nên có tác dụng chữa các chứng thương hàn ở kinh thiếu dương (bán biểu, bán lỳ).

Ngày dùng 10 - 15g.

Chế biến: Cây lức thu hái về bỏ gốc, phơi khô, dùng sống có tính hoà giải, dùng sao có tính ôn.

 

17. CÂY CỎ DẺ

Tên khác: Ô dược nam, Cây dầu đắng.

Vị đắng, cay, tính ôn.

Quy vào 5 kinh: tỳ, vị, phế, thận, bàng quang.

Công dụng: Ôn thận, thông tiểu, chỉ thống, thuận khí. Chữa bàng quang kết lãnh, khó đi tiểu, tiểu tiện nhỏ giọt, nôn mửa, đau bụng đột ngột, ăn không tiêu, trẻ em có giun, huyết vựng đau đầu.

Ngày uống 6 - 12g.

Chế biến: Rửa sạch củ, phơi khô, khi dùng đem thái phiến.

 

18. CÂY MUA ÔNG

Tên khác: Vương bất lưu hành.

Vị cay, ngọt, tính ôn.

Quy vào 2 kinh: can, vị.

Công dụng: Trừ phong tê thấp, thông kinh, hoạt huyết, lợi tiểu, định thống, thông sữa, tan ung thũng. Chữa kinh nguyệt bế, đẻ khó, đau nhức mỏi do huyết ứ. Hoa, lá dùng ngoài giã đắp vết thương chảy máu, có tác dụng cầm máu.

Ngày dùng 8 - 16g. Dùng ngoài thì không kể liều lượng.

Chế biến: Rửa sạch củ, bỏ rễ, cạo thái mỏng, phơi sấy khô.

 

19. CÂY RẺ QUẠT

Tên khác: Xạ can, thẻ quạt.

Vị đắng, tính hơi hàn, hơi có độc.

Quy vào 2 kinh: can, phế.

Công dụng: Thanh hoả, giải độc. Chủ trị: ho, viêm họng, yếu hầu sưng đau, đờm ở họng, chữa sốt, tiểu tiện không thông, sưng vú, tắc tia sữa. Người tỳ vị hư hàn không dùng.

Ngày uống 4 - 8g.

Chế biến: Rửa sạch, bỏ rễ, ngâm nước gạo 1 - 2 đêm cho mềm, thái mỏng, phơi hay sấy khô, sắc hoặc giã hoà với nước để ngâm.

 

20. CÂY DIẾP DẠI

Tên khác: Mũi mác, Mót mét, Bồ công anh.

Vị đắng, ngọt, tính hàn.

Quy vào 3 kinh: can, tỳ, vị.

Công dụng: Thanh nhiệt, giải độc, tán kết, tiêu viêm. Chữa sưng vú, thông sữa, chữa các chứng đới hạ, viêm cơ, mụn nhọt, lở ngứa, tràng nhạc, mã đáo, đau dạ dày, ăn kém tiêu. Lá tươi giã với muối, dùng ngoài đắp chữa viêm vú, tắc tia sữa, mụn nhọt.

Liều uống: 10 - 20g. Dùng ngoài thì không kể liều lượng.

 

21. CÂY RUỘT GÀ

Tên khác: Mộc thông.

Vị ngọt nhạt, tính hàn.

Quy vào 4 kinh: Tâm, tiểu trường, phế, bàng quang.

Công dụng: Thông khiếu, thông huyết mạch, tả tâm hoả, thanh phế nhiệt, lợi thuỷ, lợi tiểu tiện. Chữa thấp nhiệt, tâm nhiệt, tiểu tiện khó, thủy thũng, ít sữa, kinh nguyệt bế tắc. Những người thận khí suy tổn, mồ hôi ra nhiều và người có thai, suy nhược dùng phải thận trọng.

Ngày dùng 8 - 16g.

Chế biến: Thái phiến, tẩm muối sao vàng.

 

22. CÂY SEN

a) Hạt sen:

Tên khác: Liên nhục.

Vị ngọt, tính ôn.

Quy vào 3 kinh: tâm, tỳ và thận.

Công dụng: Bổ tâm, thận, kiện tỳ vị, thông kinh. Chữa các chứng di mộng tinh, băng huyết, đới hạ, mất ngủ, kiết lỵ.

Ngày dùng 20 - 30g.

Chế biến: hạt sen giã bóc bỏ vỏ và tim sen, phơi sấy khô.

b) Tua nhị hoa sen:

Tên khác: Liên tu.

Vị ngọt chát, tính ôn sáp.

Quy vào 2 kinh: tâm, thận.

Công dụng: Thanh tâm, an thần, định chí, ích huyết, cố tinh, làm đen râu tóc. Chữa băng huyết, thổ huyết, băng đới, mất ngủ, ngủ hay mơ, tim hồi hộp.

Ngày dùng 10 - 20g.

Chế biến: Tua nhị hoa sen, bỏ hạt gạo, phơi sấy khô.

c) Tim sen:

Tên khác: Liên tử tâm.

Vị đắng, tính hàn.

Quy vào 3 kinh: tâm, tỳ, thận.

Công dụng: Thanh tâm, an thần, định chí. Chữa phụ nữ băng huyết hoặc sản hậu huyết ra nhiều, gây ra chứng phiến nhiệt, nóng trong ruột, mất ngủ.

Ngày dùng 8 - 12g.

d) Lá sen:

Tên khác: Liên diệp.

Vị đắng, tính bình.

Quy vào 3 kinh: can, tỳ và thận.

Công dụng: Thăng thanh, tán ứ, thanh thử, hành thuỷ, an thần. Chữa thủy thấp, tiết tả, phù thũng, nôn ra máu, chảy máu cam, lòi dom.

Ngày dùng 10 - 12g.

Dùng lá sen bánh tẻ, không dùng loại quá già, quá non.

 

23. CÂY SUNG

Tên khác: Vô huê (tức là không có hoa)

Vị chát, tính bình.

Quy vào 2 kinh: phế, tỳ.

Công dụng: Điều kinh, thông sữa, tán ứ kết.

Lá sung chữa kinh nguyệt không đều, thiếu sữa. Nhựa sung hoà với mật ong chữa hen; dùng ngoài dán vào thái dương chữa nhức đầu, dán mụn nhọt chữa vỡ mủ (nếu đã vỡ mủ thì dán để hở miệng), dán chữa sưng vú thì để hở đầu vú.

Ngày dùng 20 - 30 lá tươi hoặc 5ml nhựa. Dùng ngoài không kể liều lượng.

 

24. CÂY TÍA TÔ

Vị cay thơm, tính ôn.

Quy vào 2 kinh: phế, tỳ.

Công dụng: Phát tán phong hàn, lý khí, khoan hung, giải uất, chỉ huyết, háo đờm, an thai. Ngoài việc dùng chung nêu trên, từng bộ phận còn có tác dụng riêng.

- Lá tía tô (tô diệp): Có tác dụng phát hãn, kích thích tiêu hoá, giảm đau, dùng để chữa ho, cảm mạo, ngộ độc nôn mửa, giải ngộ độc hoặc đau bụng do ăn cua cá.

- Cành tía tô (tô ngạnh): Tác dụng không mạnh bằng lá, nhưng lại có tác dụng an thai.

- Quả hạt tía tô (tử tô tử): Có tác dụng chữa ho, trừ đờm, hen xuyễn, tê thấp.

Lá và quả hạt uống 4 - 12g một ngày, cành uống 6 - 10g một ngày.

 

25. CÂY TỔ RỒNG

Tên khác: Tắc kè đá, Tổ diều, Cốt toái bổ.

Vị đắng, tính ôn.

Quy vào 2 kinh: can, thận.

Công dụng: Bổ thận, mạnh gân xương. Chữa thận hư, ù tai, đau răng, giập xương, bong gân, sai khớp, đau mỏi các khớp xương. Dùng ngoài bó gãy xương, bong gân, sai khớp.

Ngày dùng 10 - 20g.

Chế biến: Cây tổ rồng hái về, bỏ lông, rửa sạch, thái phiến, phơi khô.

 

26. CÂY VANG

Tên khác: Tô mộc.

Vị ngọt, tính bình.

Quy vào 3 kinh: tâm, can, tỳ.

Công dụng: Hành huyết, thông lạc, chỉ thống, tán phong. Chữa sau khi đẻ huyết ứ trệ, bế kinh, vết thương ứ huyết bầm tím, ung thũng, lỵ ra máu, xích bạch đới. Dùng liều lượng có tác dụng phá huyết.

Phụ nữ có thai không dùng.

Ngày dùng 6 - 12g.

Chế biến: gỗ vang cưa thành đoạn ngắn, chẻ mỏng phơi khô.

 

27. CÂY XƯƠNG CÁ

Tên khác: Thăng ma.

Vị cay ngọt, hơi đắng; tính bình.

Quy vào 4 kinh: Tỳ , vị, phế, đại trường.

Công dụng: Sinh tân, giải cơ, thanh thăng, trọc giáng. Chủ trị: cảm mạo, phong nhiệt, tả lỵ, thoát giang, trướng khí, trúng độc; còn dùng để chữa lở ngứa, phát ban.

Ngày dùng 10 - 15g.

 

28. CÂY CHÌA VÔI

Tên khác: Bạch liễm, Bạch phấn đắng.

Vị đắng chua, hơi the; tính lạnh.

Công dụng: Trừ phong tê thấp, tiêu độc, thông huyết, lợi tiểu, sát trùng. Chữa đau nhức xương, tê thấp, đau đầu, gân xương co quắp.

Củ dùng ngoài giã với măng vòi hoặc giã với muối đắp mụn nhọt đã vỡ và chưa vỡ mủ; còn dùng để chườm nóng cho khỏi đau bụng sau khi đẻ.

Ngày uống 10 - 30g; dùng ngoài thì không kể liều lượng.

Chế biến: Lấy củ và dây; dây bỏ đốt mắt và phấn, phơi khô, khi dùng đem thái mỏng, tẩm rượu sao; củ thì ngâm nước vo gạo 3 ngày đêm, ngày thay nước một lần.

 

29. CÂY CHÓ ĐẺ RĂNG CƯA

Tên khác: Diệp hạ châu, Diệp hoà thái, Lão nha châu.

Vị đắng, tính mát.

Công dụng: Thanh nhiệt, giải độc, lưu thông khí huyết, làm sạch huyết hôi, thông sữa. Chữa bệnh gan, sốt, đau mắt, tiểu tiện không thông, rắn cắn. Dùng ngoài giã nát với muối chữa đinh râu, mụn nhọt.

Ngày dùng 20 - 30g lá tươi. Dùng ngoài không kể liều lượng.

 

30. CHUỐI TIÊU

Tên khác: Ba tiêu.

Vị ngọt, tính bình.

Quy vào 2 kinh: tâm, tỳ.

Công dụng: Thanh nhiệt, giải biểu, chỉ khát, sinh tân. Nước cây chuối tiêu chữa thời nhiệt phát cuồng, phiền muộn, miệng khô khát nước. Ngày dùng từ 200 - 400ml. Quả chín có tác dụng chỉ khát, nhuận phế, nhuận trừng và bổ dưỡng. Quả xanh và núm có tác dụng chỉ tả. Nhựa quả bôi chữa hắc lào.

 

31. CỎ ĐĨ

Tên khác: Hy thiêm

Vị đắng, hơi cay; tính hàn.

Quy vào 2 kinh: can, thận.

Công dụng: Khử phong thấp, lợi gân cốt, điều kinh. Chữa đau mỏi lưng gối, chân tay tê dại, kinh nguyệt không đều. Những người tê đau mà do âm huyết không đủ không dùng được. Ngày uống 8 - 16g.

Chế biến: Thu hái vào lúc hoa sắp nở, lấy hoa và lá phơi khô, phun rượu và mật, cho vào chõ đồ, ngày phơi đêm đồ, làm như vậy 9 lần, cho vào lọ nút kín để dùng dần, hoặc tán bột làm viên.

 

32. CỎ MÀN TRẦU

Tên khác: Cỏ vườn trầu, Thanh tân thảo.

Vị nhạt, tính mát.

Quy vào 2 kinh: can, bàng quang.

Công dụng: Thanh nhiệt, phát hãn, mát gan, lợi tiểu tiện. Chủ trị sốt rét, tiểu tiện không thông, huyết áp cao, cảm mạo mồ hôi không ra được.

Ngày dùng 20 - 40g dùng cả cây và rễ.

 

33. CỎ NHỌ NỒI

Tên khác: Cỏ mực, hạn niên thảo.

Vị chua ngọt, tính mát.

Quy vào 2 kinh: can, thận.

Công dụng: Bổ thận, hư âm, chỉ huyết, làm đen râu tóc. Chữa đại tiện ra máu, rong kinh, bị thương chảy máu, ho hen, ho lao, viêm cổ họng, can thận âm hư.

Ngày dùng 10 - 20g. Dùng tươi có tác dụng thanh nhiệt, lương huyết; sa đen có tác dụng chỉ huyết.

 

34. CỐ CHỈ

Tên khác: Phá cố chỉ, Bổ cốt chi.

Vị đắng, tính đại ôn.

Quy vào kinh thận.

Công dụng: Làm cho hoả ở mệnh môn và tâm bào thông nhau, bền vững nguyên dương, ôn thận, cốt tuỷ. Chữa thận lạnh bị di tinh, thận hư tiết tả, đau lưng do hoả suy, phụ nữ thận hư hay truỵ thai, kinh nguyệt không đều, khí hư, ho lao, tiểu tiện nhiều lần. Người hư âm hư hoả vượng, đi tiểu ra huyết, đại tiện táo kết, không nên dùng.

Ngày dùng 10 - 12g.

Chế biến: Dùng hạt tẩm muối sao.

 

35. CỦ NHÓC

Tên khác: Nhóc chột, Ba chìa, Bán hạ.

Vị cay, tính ô, có độc.

Quy vào 4 kinh: tâm, tỳ, thận, đởm.

Công dụng: Táo thấp, hoá đờm, giáng khí, trừ nôn. Chủ trị nôn mửa, đờm trệ, hen suyễn, đầu váng nhức không ngủ được. Thuộc loại thuốc kiêng kỵ với phụ nữ có thai, bởi vậy khi cần phải dùng loại thuốc này, phải có sự hướng dẫn của lương y.

Ngày dùng 6 - 8g.

Chế biến: Bán hạ rửa sạch, đổ ngập nước, ngâm, thay nước luôn cho đến khi nhớt, vớt ra đem đồ, rồi thái mỏng, tẩm nước gừng và nước bồ kết sao vàng.

 

36. CỦ GẤU

Tên khác: Cỏ gú, Hương phụ.

Vị cay đắng, tính ôn.

Quy vào 4 kinh: can, đởm, phế, tam tiêu.

Công dụng: Lý khí, giải uất, điều kinh, hoạt huyết, chỉ thống; là các thứ thuốc chủ yếu dùng chữa bệnh phụ nữ. Chủ trị các bệnh kinh nguyệt không đều, thống kinh, các bệnh phụ nữ trước và sau khi sinh đẻ, ăn không tiêu, nôn mửa, đau bụng đi lỵ, ngực bụng đầy trướng.

Dùng sống: Thông hoành cách mô, thông đạt chân lông (phát tán). Sao đen có tác dụng nhập huyết, nhuận táo. Sao với muối: bổ thận khí.

Sao với rượu: Thông hành kinh lạc.

Sao với dấm: Tiêu tích tụ.

Sao gừng: Hoá đờm ẩm.

Ngày uống 8 - 12g.

Chế biến: Củ gấu có nhiều cách chế, nhưng thất chế và tứ chế là cách hay dùng nhất.

Cách tứ chế hương phụ: Củ gấu lấy về giã bỏ hết lông, lấy lõi, chia làm 4 phần đều nhau: 1 phần tẩm rượu, 1 phần tẩm nước tiểu, 1 phần tẩm dấm thanh, 1 phần tẩm muối, ngâm 3 - 4 ngày (mùa ấm nóng), ngâm 7 - 10 ngày (mùa lạnh), cuối cùng đem trộn đều 4 phần với nhau, phơi khô, sao qua.

 

37. CỦ GAI

(củ gai làm bánh)

Tên khác: Trữ ma căn.

Vị ngọt, tính hàn.

Công dụng: Tả nhiệt, tán ứ, an thai, thông tiểu. Chữa động thai, viêm tử cung, lòi dom, đơn độc, đái buốt, đái giắt, đái ra máu, sang lở.

Ngày dùng 10 - 30g.

Chế biến: Rửa sạch, thái mỏng, phơi khô.

 

38. CỦ MÀI

Tên khác: Hoài Sơn, Sơn dược.

Vị ngọt, tính bình.

Quy vào 3 kinh: tỳ, phế và thận.

Công dụng: Bổ tỳ, ích khí, nhuận da, bổ am, thoái nhiệt, sinh tâm, chỉ khát, sinh cơ nhục, tiêu thũng trệ. Chữa viêm ruột, ăn uống kém tiêu, tả lỵ lâu ngày, mồ hôi trộm, di tinh, đi đái đêm.

Ngày dùng 10 - 30g.

Chế biến: Rửa sạch, cạo bỏ vỏ, cho vào lò sấy diêm sinh 2 ngày 2 đêm, đem ra phơi khô, khi dùng hông mềm, thái mỏng, sao qua.

 

39. DÂM BỤT

Tên khác: Mộc cẩn.

Vị ngọt, tính bình.

Quy vào 2 kinh: can, tỳ.

Công dụng: Điều kinh, thông hoạt, giải khát. Chủ trị: Kinh nguyệt không đều, xích bạch lỵ, khí hư bạch đới. Lá và hoa còn dùng ngoài đắp mụn nhọt đang mưng mủ.

Ngày uống 8 - 12g. Dùng ngoài thì không kể liều lượng.

 

40. DÂY CƯỜM CU

Tên khác: dây cườm cườm, cam thảo dây.

Vị ngọt, tính bình.

Quy vào 2 kinh: tâm bào và phế.

Công dụng: Bổ tỳ vị, thanh nhiệt, nhuận phế, giải độc, điều hoà các vị thuốc. Chữa loét dạ dày, tả lỵ, ho. Dùng chữa các chứng nhiệt thì để sống; chữa các chứng hàn thì sao vàng.

Ngày uống 4 - 8g.

 

41. DÂY ĐAU XƯƠNG

Tên khác: Khoan căn đằng.

Vị hơi đắng, tính ôn.

Quy vào 2 kinh: can và thận.

Công dụng: Khử phong, trừ thấp, mạch gân xương, chữa đau nhức xương, đau lưng gối, bị đánh, bị ngã, phong tê thấp.

Ngày dùng 10 - 20g.

Chế biến: Phơi khô, thái mỏng.

 

42. DÂY MÁU NGƯỜI

Tên khác: Kê huyết đằng, huyết đằng.

Vị cay, tính ôn.

Quy vào 2 kinh: tâm, can.

Công dụng: Hoạt huyết, sinh huyết, khử phong hàn, thông kinh lạc, thông thất kiếu. Chữa phụ nữ huyết khô, kinh nguyệt không đều, nam giới di mộng tinh, đau mỏi lưng gối.

Ngày uống 8 - 12g.

Chế biến: Thái phiến, phơi sấy khô.

 

43. DIÊM TIÊU

Tên khác: Bì tiêu, Phác tiêu, Tiêu thạch phác.

Vị mặn, cay, đắng, tính hàn.

Công dụng: Nhuyễn kiêu, thanh nhiệt, nhiệt tả hạ. Chủ trị vị trung ẩm, thực nhiệt kết phá, lưu huyết bế tuyệt, đình đờm bổ mãn, tống cái cũ sinh cái mới.

Ngày uống 4 - 8g.

 

44. ĐẠI HỒI

Tên khác: Hồi hương.

Vị cay, tính ôn.

Quy vào 4 kinh: can, thận, tỳ, vị.

Công dụng: Lý khí, khai vị, ôn trung, táo nhuận, khu phong, trừ hàn, địng thống. Chủ trị nôn mửa, đau bụng, kích thích tiêu hoá, đau nhức, tê thấp. Dùng ngoài kết hợp với các vị thuốc khác ngâm rượu làm thuốc xoa bóp. Người âm hư hoả vương không dùng.

Ngày dùng 4 - 8g.

 

45. ĐẤT LÒNG BẾP

Tên khác: Phục long can, táo tâm thổ.

Vị cay, tính ôn.

Quy vào 2 kinh: tỳ và vị.

Công dụng: Làm ấm trung tiêu, cầm nôn mửa, cầm máu. Chữa các bệnh: nôn mửa, nhất là phụ nữ có thai mà nôn mửa, thổ huyết, băng huyết, tiểu tiện ra máu, thượng thổ hạ tả, ngộ độc thức ăn uống. Dùng ngoài hoà với dấm đổ vào nơi ung nhọt.

Ngày uống 10 - 20g. Dùng ngoài thuốc không kể liều lượng. Có thể dùng sắc hoặc hãm nước lắng trong mà uống.

 

46. ĐẬU ĐEN

Vị ngọt chát, tính bình.

Quy vào 3 kinh: tâm, can, thận.

Công dụng: Bổ thận thuỷ, hoạt huyết, hạ khí, lợi thuỷ, khử phong thấp nhiệt. Chữa đau lưng, huyết thiểu, phiền khát, tiểu tiện khó khăn, lỵ ra máu, mụn nhọt, ban chẩn.

Ngày dùng 20 - 40g.

Chế biến: đậu đen sao qua đêm.

 

47. ĐẬU VÁN TRẮNG

Tên khác: Bạch biển đậu, Biển đậu, Bạch đậu.

Vị ngọt, tính ôn.

Quy vào 2 kinh: tỳ và vị.

Công dụng: Điều hoà trung tiêu, hạ khí, bổ tỳ vị, chỉ tả, thanh nhiệt, giải thử, giải độc. Chữa nôn ọe, lỵ, phiền khát, đau bụng, xích bạch đới, trúng thử, trúng độc do nhân ngôn.

Ngày dùng 10 - 30g.

Chế biến: Quả chín già, đập tách lấy hạt, phơi khô, sao vàng.

 

48. ĐỊA CỐT BÌ

Vị ngọt, tính hơi hàn.

Quy vào 4 kinh: phế, can, thận, tam tiêu.

Công dụng: Pương huyết, thanh phế nhiệt, giáng hoả. Chữa chứng nóng trong xương, ho ra máu, thổ ra máu, tiểu tiện ra máu, phiền nhiệt, phế âm hư tổn. Người tỳ vị hư hàn không nên dùng.

Ngày uống 10 - 20g.

 

49. ĐINH HƯƠNG

Tên khác: Cống đinh hương.

Vị cay, tính ôn.

Quy vào 4 kinh: tỳ, phế,vị, thận.

Công dụng: Ôn tỳ vị. Chủ trị nôn mửa, đau bụng lạnh, ỉa chảy, ách nghịch, hen suyễn. Chú ý: đinh hương kỵ lửa.

Ngày dùng 4 - 8g. (mài với nước sôi để nguội mà uống, dùng uống bỏ hạt).

 

50. ĐỖ TRỌNG

Tên khác: Tử trọng, đậu trọng.

Vị ngọt cay, tính ôn.

Quy vào 2 kinh: can, thận.

Công dụng: Bổ thận, cố tinh, mạnh gân xương, chữa đau lưng mỏi gối, di tinh, mộng tinh, đi tiểu nhiều, thai lậu, thai truỵ.

Ngày dùng 8 - 12g.

Chế biến: Cạo sạch vỏ thô, thái nhỏ, tẩm nước muối, sao qua.

 

51. ĐƯƠNG QUY

Vị ngọt, tính ôn.

Quy vào 3 kinh: tâm, can, tỳ.

Công dụng: Củ quy chia làm 3 phần: đầu, thân, đuôi; phần đầu có tác dụng chỉ huyết đi lên, phần thân có tác dụng bổ huyết, phần đuôi có tác dụng thông huyết. Phụ nữ có thai không nên dùng. Chữa kinh nguyệt không đều, hành kinh đau bụng, chân tay nhức và lạnh, thiếu máu, bế kinh.

Ngày uống 6 - 12g.

Chế biến: Thái phiến, rửa sạch.

 

52. GỐI HẠC

Tên khác: Kim lê, Bí dại.

Công dụng: Chữa phong tê thấp, đầu gối sưng to, đau mỏi lưng gối, đau bụng rong kinh.

Ngày dùng 10 - 20g.

Chế biến: Rễ cây gối hạc rửa sạch, thái mỏng, phơi khô.

 

53. GỘP BA BA

Tên khác: Miết giáp.

Vị mặn, tính hàn.

Quy vào 3 kinh: phế, can, tỳ.

Công dụng: Bổ âm, bổ tâm thận, chữa ho lao, đau nhức xương, sốt rét lách to, hàn nhiệt vãng lai, kinh giản, ban đậu, ung thũng, bế kinh nguyệt, ho lâu ngày, di tinh, bạch đới khí hư. Còn dùng để chữa lỵ kinh niên, sốt rét lâu ngày, cơ thể suy nhược, băng huyết, các bệnh trước và sau khi đẻ, trẻ em yếu xương.

Ngày uống 10 - 30g.

Chế biến: Làm thịt con ba ba, bóc lấy yếm, cạo bỏ thị, phơi khô.

 

54. GỪNG TƯƠI

Vị cay, tính hơi ôn.

Quy vào 2 kinh: phế và tỳ.

Công dụng: Ôn trung, tán hàn, phát biểu, chỉ nôn, tiêu đờm, tiêu thực, giải độc. Chữa ngoại cảm biến chứng, bụng đầy trướng, đờm ẩm sinh ho, ăn uống kém tiêu, nôn mửa.

 

55. HÀ THỦ Ô

a) Hà thủ ô đỏ.

Tên khác: Dạ thảo đằng, Dạ hợp, Địa linh.

Vị đắng chát, tính ôn.

Quy vào 2 kinh: can, thận.

Công dụng: Tư bổ thận thuỷ, làm đen râu tóc, dưỡng huyết khu phong, ích can, cố tinh, ích thận, mạnh gân cốt. Chữa các bệnh phụ nữ sản hậu, kinh nguyệt không đều, khí hư bạch đới, thiếu máu, tóc hay rụng, đau mỏi các khớp.

Ngày dùng 10 - 25g.

Chế biến: Hà thủ ô đem giã dập, không thái, vỳ kỵ sắt. Cứ 1kg hà thủ ô dùng 100g đậu đen; đậu sắc lấy nước tẩm sao, hoặc chưng đậu với hà thủ ô, đêm tẩm ngày phơi, làm như vậy 3 - 4 lần cho đến khi hết nước; bỏ đậu, lấy hà thủ ô sao qua để dùng.

b) Hà thủ ô trắng:

Tên khác: Dây sữa bò.

Vị đắng chát, tính bình.

Quy vào 2 kinh: can, thận.

Công dụng: Có công dụng như hà thủ ô đỏ, ngoài ra còn thêm công dụng: lợi sữa, ăn chóng tiêu, cảm sốt, cảm nắng, sốt rét, rắn cắn.

Ngày dùng 10 - 20g.

Chế biến: Như hà thủ ô đỏ, khi dùng thường kết hợp với hà thủ ô đỏ làm tăng tác dụng dược lý.

 

56. HÀNH

Tên khác: Thông bạch.

Vị cay, tính ôn.

Quy vào 3 kinh: can, phế, vị.

Công dụng: Phát hãn, thông khí, hoạt huyết, hào trung, thông dương, lợi tiểu, sát trùng, sáng mắt, lợi ngũ tạng. Chữa đau răng, sốt rét, cảm mạo, nhức đầu, mặt mày phù thũng, an thai, kích thích tiêu hoá. Dùng ngoài chữa mụn nhọt mưng mủ.

Kinh nghiệm dân gian thường dùng chữa các bệnh:

- Bụng tự nhiên đau do cảm khí lạnh thì nấu nước hành mà uống.

- Khi mửa và đi tháo, chân tay lạnh và mê man, lấy hành sao nóng, đổ vào rốn, và giã hành cho vào một tý rượu mà uống.

- Người phạm phòng, bụng dưới đau gấp, hòn dái bị rút, vã mồ hôi, người lạnh, cũng dùng hành cho một tý rượu đun cho nóng mà uống.

- Chứng thiên truỵ (sa bìu dái) tự nhiên đau bụng, cũng lấy hành xào hơi nóng đổ vào rốn.

- Tiểu tiện không thông dùng hành sắc uống.

- Trẻ em sau khi sinh không bú, giã nhỏ hành, lặng nước hoà sữa, đun sôi nóng cho uống.

Ngày dùng 20 - 60g. Dùng ngoài không kể liều lượng.

 

57. HẠT CẢI CỦ

Tên khác: La bạc tử.

Vị cay ngọt, tính bình.

Quy vào 2 kinh: tỳ và phế.

Công dụng: Hạ khí, định suyễn, tiêu tích, hoá đờm. Chữa ho và hen suyễn, ngực bụng đầy trướng, khí trệ sinh đau, hạ lỵ hậu thũng. Những người khí hư không nên dùng.

Ngày dùng 8 - 10g (sao cho nở đều đem dùng).

 

58. HẠT TÁO

Tên khác: Táo nhân.

Vị ngọt chua, tính bình.

Quy vào 3 kinh: tâm, can, tỳ.

Công dụng: Bổ can đờm, định tâm, an thần. Chữa hư phiền không ngủ được, hồi hộp hay quên, tân dịch khô kiệt, miệng khô, người yếu ra mồ hôi nhiều.

Ngày dùng 10 - 15g. Người có thai lại có hoả uất, không nên dùng.

Chế biến: Đập giập hạt táo, lấy nhân, sao đen chữa mất ngủ; để sống chữa chứng ngủ nhiều (ngủ li bì).

 

59. HẠT VÔNG VANG

Tên khác: Đông quỳ tử.

Vị ngọt nhạt, tính lạnh.

Quy vào 3 kinh: vị, đại trường, tiểu trường.

Công dụng: Trấn kinh, thông hoạt khí huyết, lợi tiểu tiện. Chữa phù nề, đái ra máu, di tinh, viêm tuyến vú, rắn cắn; kết hợp với các vị khác chữa phụ nữ khó đẻ.

Ngày dùng 10 - 40g.

Chế biến: Bỏ vỏ và tạp chất, lấy hạt phơi khô.

 

60. HẸ

Tên khác: Nén tàu, Phỉ tử.

Vị cay ngọt, tính ôn.

Quy vào 2 kinh: can, thận.

Công dụng: Bổ can thận, ấm lưng gối, kích thích tiêu hoá. Chữa mộng tinh, đái són, bạch trọc, tiểu tiện ra máu, khí hư, đau mỏi lưng gối, ho, hen suyễn ở trẻ em, kiết lỵ ra máu, ăn chậm tiêu.

Ngày dùng 10 - 20g.

 

61. HOA HOÈ

Vị đắng, tính bình.

Quy vào 2 kinh: can và đại trường.

Công dụng: Để sống có tác dụng thanh nhiệt, lương huyết; Sao đen: chỉ huyết. Chữa cao huyết áp, xích bạch đới, thổ huyết, ra máu cam, băng huyết, tiểu tiện ra huyết, chữa lỵ.

Ngày dùng 5 - 15g, dùng hoa khi còn chúm nụ, sao vàng.

 

62. HOA HỒNG

Vị cay, tính ấm.

Quy vào 2 kinh: tâm và can.

Công dụng: phá ứ huyết, sinh huyết mới. Chữa kinh nguyệt không đều, bế kinh, sản hậu ứ huyết, khí hư, giải nhiệt ra mồ hôi. Người không có bệnh ư trệ không dùng.

Ngày dùng từ 3 - 8g.

 

63. HOÀNG ĐẰNG

Tên khác: Nam hoàng liên, Thích hoàng liên.

Vị đắng, tính hàn.

Quy vào 2 kinh: can và tỳ.

Công dụng: Tả can hoả, chỉ tả, giải nhiệt độc. Chữa đau mắt, ỉa chảy, lỵ, sốt rét, bệnh về gan mật, viêm ruột, lòi dom.

Ngày dùng 4 - 8g.

 

64. HOẠT THẠCH

Tên khác: Bạch thạch, Lãnh thạch.

Vị ngọt, tính hàn.

Quy vào 2 kinh: vị và bàng quang.

Công dụng: Giáng tâm hoả, giải thử, thanh nhiệt, chỉ khát. Chữa các chứng phiền khát, tả lỵ thuộc nhiệt, tiểu tiện ra máu, bàng quang thấp nhiệt mà đái buốt, đái giắt, thủy thũng, phụ nữ viêm tuyến vú, trúng thử, đờm nhiệt.

Ngày uống 8 - 12g.

 

65. HUYẾT DỤ

Vị đắng nhạt, tính mát.

Quy vào kinh tâm.

Công dụng: Để sống: lương huyết; sao cháy: chỉ huyết. Chữa lỵ, lậu, bạch đới, băng huyết sau đẻ.

Ngày uống 10 - 20g.

 

66. ÍCH MẪU

Tên khác: Chói đèn, Sung uy tử.

Vị đắng cay, tính hàn.

Quy vào kinh tâm.

Công dụng: Là cây thuốc chủ yếu chữa phụ khoa về kinh đới, thai sản. Lá có tác dụng trục huyết ứ, sinh huyết mới, hoạt huyết, điều kinh, dùng để chữa bệnh phụ nữ sau khi sinh đẻ như bị băng huyết, kinh nguyệt ra quá nhiều, huyết áp cao, lỵ. Hạt có tác dụng thông tiểu, dùng để chữa phù thũng, thiên đầu thống. Thân và hạt dùng ngoài giã đắp chữa sưng vú, chốc đầu, lở ngứa.

Ngày uống 6 - 12g. Dùng ngoài thì không kể liều lượng.

Chế biến: Thu hái vào tháng 5 đến tháng 9, lấy lá, hoa và thân cây, bỏ gốc, thái nhỏ, phơi khô.

 

67. ÍCH TRÍ NHÂN

Vị cay, tính ôn.

Quy vào 3 kinh: thận, tỳ và vị.

Công dụng: Ôn thận, cố tinh, ôn vị, táo tỳ, tăng trí nhớ, chữa di mộng tinh, đái dầm, băng trọc, đi ỉa lỏng.

Ngày dùng 6 - 10g.

Chế biến: Hạ khí, khoan trung, ôn tỳ vị, an thai. Chủ trị nôn mửa, kém ăn, tả lỵ, tỳ vị hư hàn, khí uất khí nghịch.

Ngày dùng 4 - 8g.

 

68. KHÚC KHẮC

Tên khác: Kỳ hương, Kim cang, Phục linh.

Vị ngọt nhạt, tính bình.

Quy vào 2 kinh: thận và vị.

Công dụng: Trừ thấp nhiệt, phân thanh trọc, tiêu thủy thũng. Chữa dị ứng ngứa lở, khí hư bạch đới, thủy thũng, phong thấp, ỉa chảy, bổ dạ dày. Ngày dùng 10 - 12g.

Chế biến: Củ đào về, bỏ rễ, rửa sạch, thái mỏng, phơi khô.

 

69. KIM NGÂN

Tên khác: Nhẫn đông.

Vị ngọt, tính hàn.

Quy vao 4 kinh: phế, vị, tâm và tỳ.

Công dụng: Thanh phế, bổ hư, giải nhiệt độc, thông kinh lạc. Chữa viêm nhiễm, mụn nhọt, lở ngứa, giang mai, đi lỵ ra máu, ung nhọt đã vỡ hoặc chưa vỡ mủ, sởi. Người hư hàn không nên dùng.

Ngày dùng 10 - 15g.

 

70. KINH GIỚI

Tên khác: Kinh giới tuệ, Dã tô.

Vị cay, tính ôn.

Quy vào 2 kinh: can và phế.

Công dụng: Khu phong, tán hàn, phát hãn, thông lợi huyết mạch. Chữa ngoại cảm phát sốt, đau đầu, hoa mắt, huyết nhiệt sinh lở ngứa, yết hầu sưng đau, thổ huyết, nục huyết, băng huyết các khớp xương đau mỏi, đại tiện ra huyết.

Người ra mồ hôi nhiều không nên dùng.

Ngày dùng 8 - 16g.

Chế biến: lấy cả hạt, cành, lá, thái phơi khô; dùng cầm máu thì sao đen.

 

71. LONG NHÃN

Vị ngọt, tính bình.

Quy vào 2 kinh: tâm và tỳ.

Công dụng: Bổ tâm tỳ, nuôi huyết, an thần, ích trị. Chữa huyết hư, hay quên, hồi hộp, mất ngủ, mồ hôi trộm, ngày dùng 10 - 20g.

Chế biến: quả nhãn để cả chùm nhúng vào nước sôi 2 - 3 phút; ngày phơi đêm sấy khô vừa phải thì bóc vỏ bỏ hạt, lấy củi đem sây đến khi cầm không dính tay là được.

 

72. LƯU HUỲNH

Tên khác: Lưu hoàng, Diêm sinh.

Vị chua, tính ôn, có độc.

Công dụng: Bổ hoả, tráng dương, bổ mệnh nôn hoả, lợi đại trường, sát trùng. Chữa tỳ vị hư hàn, chứng hàn tý, liệt dương, lỵ lâu ngày.

Dùng ngoài chữa ghẻ lở, âm hộ nhiễm trùng.

Ngày dùng 3 - 6g.

 

73. MÃ ĐỀ

Tên khác: Mã đề thảo, Xa tiền.

Vị ngọt, tính hơi hàn.

Quy vào 3 kinh: can, thận, tiểu trường.

Công dụng: Lợi tiểu tiện, thanh phế, cảm phong nhiệt, thảm thấp, cường âm, ích dương, trừ đờm, chỉ tả, sáng mắt. Chữa đái giắt, đái buốt, sốt nóng, đau mắt đỏ, ỉa chảy, khó đẻ, đắp mụn nhọt làm chóng vỡ và mau lành.

Ngày dùng 6 - 12g (dùng hạt tốt hơn lá).

 

74. MÃ ĐỀ NƯỚC

Tên khác: Trạch tả.

Vị ngọt nhạt: Tính hơi hàn.

Quy vào 2 kinh: thận và bàng quang.

Công dụng: Tả thận hoả, trừ thấp nhiệt, lợi sữa. Chữa sỏi thận, sỏi bàng quang, tiểu tiện buốt.

Ngày dùng 8 - 12g.

Chế biến: Củ mã đề nước thu hái về rửa sạch, bỏ rễ và lớp vỏ ngoài, sấy hoặc phơi khô; khi dùng thái phiến tẩm muối, sao vàng.

 

75. MẠCH MÔN

Tên khác: Cây lan tiêu, Mạch môn đông.

Vị ngọt đắng, tính mát.

Quy vào 3 kinh: phế, tâm, vị.

Công dụng: Thanh tâm, nhuận phế, tư thận, dưỡng vị, sinh tân, chỉ khát, hoá đờm. Chữa các bệnh hư lao, ho ra máu, thổ ra máu, tâm phiền nhiệt, tân dịch khô kiệt, miệng khô khát nước.

Ngày uống 10 - 20g.

Chế biến: lấy củ già cắt bỏ rễ, rửa sạch, bỏ lõi, đem phơi, sấy khô, sao nhỏ lửa đến khi có màu vàng.

 

76. MẠCH NHA

Vị ngọt mặn, tính ôn.

Quy vào 2 kinh: tỳ và vị.

Công dụng: Kiện tỳ, khai vị, tiêu thực, háo đờm, trừ trướng, làm mất sữa. Chủ trị ăn uống kém tiêu, ăn không ngon, bụng đầy trướng, trẻ em cam tích. Phụ nữ có thai và cho con bú không được dùng.

Ngày dùng 8 - 12g.

Chế biến: Mạch nha sao vàng.

 

77. MẦN TƯỚI

Tên khác: Trạch lan, Lan thảo, Hương thảo.

Vị ngọt, hơi cay; tính ôn.

Quy vào 2 kinh : can và tỳ.

Công dụng: Điều kinh, bổ dạ dày, hoạt huyết, chỉ thống. Chữa sốt, thủy thũng, sản hậu ra huyết, tiểu tiện ra máu, kinh nguyệt không đều, đau mắt, bế kinh.

Ngày uống 20 - 30g lá tươi.

 

78. MẪU ĐƠN BÌ

Tên khác: Đơn bì, Phấn đơn bì, Mẫu hoa.

Vị đắng, tính hơi hàn.

Quy vào 3 kinh: tâm, can, thận.

Công dụng: Thanh huyết nhiệt, tán ứ huyết, điều kinh. Chữa các chứng kinh nguyệt không đều, bế kinh, thổ huyết, máu cam, đau đầu, đau lưng, nóng trong xương, lở ngứa, phát cuồng, kinh giản.

Ngày dùng 8 - 16g.

 

79. MỒNG TƠI

Tên khác: Tầm tơi, Mồng tơi đỏ, Mồng tơi tía, Mồng tơi trắng.

Vị chua, tính hàn.

Quy vào kinh: Đại trường.

Công dụng: Hoạt trường, tán nhiệt, giải độc. Chữa các chứng đại tiểu trường táo kết, đẻ khó. Ngoài ra lá mồng tơi hơ qua lửa dán mụn nhọt có tác dụng hút mủ.

Ngày uống 30 - 50g lá tươi.

 

80. MUỐI ĂN

Vị mặn, tính hàn.

Quy vào 3 kinh: thận, tâm, vị.

Công dụng: Tả hoả, thanh tâm, lương huyết, nhuận táo, dẫn các thuốc khác vào kinh lạc. Chữa nhiệt kết trong ruột, đau răng, đau mắt đỏ, lở ngứa bìu dái, gây nôn mửa.

Ngày dùng 1 - 3g. Gây nôn thì uống 10 - 20g một lần.

 

81. MUỘI NỒI RANG

Tên khác: Đề khôi, Bạch thảo sương.

Vị cay, tính ôn.

Quy vào 2 kinh: can và thận.

Công dụng: Chỉ huyết, giải độc, kích thích tiêu hoá. Chữa các chứng chảy máu (chảy máu cam, băng huyết, đại tiện ra máu, lỵ), động thai. Dùng ngoài chữa vết thương chảy máu, chảy máu chân răng, chốc đầu (muội nồi rang trộn với mỡ lợn để bôi).

Ngày uống 10 - 20g. Dùng ngoài thì không kể liều lượng.

Chế biến: Muội nồi răng nghiền nhỏ, rây mịn.

 

82. MUỐNG BIỂN

Vị đắng, tính mát.

Quy vào 2 kinh: can và thận.

Công dụng: Giải cảm, trừ phong thấp, lợi thuỷ. Chữa cảm mạo, phong tê thấp, thủy thũng, đau lưng. Dùng lá tươi giã với muối đắp mụn nhọt đang mưng mủ, đắp vết thương bị loét; hoặc phơi khô, tán nhỏ rắc lên nơi bị bỏng.

 

83. NGẢI CỨU

Tên khác: Cây thuốc cứu, Cây thuốc cao.

Vị đắng, tính ấm.

Quy vào 3 kinh: can, tỳ, thận.

Công dụng: Trục hàn thấp, ôn khí huyết, điều kinh, an thai. Chủ trị các bệnh kinh nguyệt không đều, tử cung lạnh, cảm mạo nhức đầu; sao đen có tác dụng cầm máu, chữa thổ huyết, chảy máu cam, phụ nữ rong kinh, băng huyết.

Ngày dùng 10 - 20g.

 

84. NGÁI XANH

Tên khác: Nga truật.

Vị đắng, tính ôn.

Quy vào kinh can.

Công dụng: Trục huyết, hành khí, tiêu thực, chỉ thống, khu tà. Chữa chứng nôn ra nước chua, ngực bụng đầy, đau, ăn uống không tiêu, bế kinh, kinh nguyệt không đều.

Ngày dùng 8 - 12g.

Chế biến: Thái mỏng, tẩm dấm, phơi khô.

 

85. NGHỆ

Tên khác: Uất kim.

Vị đắng, tính ôn.

Quy vào 2 kinh: can và tỳ.

Công dụng: Phá ác huyết, huyết tích, chỉ huyết, sinh cơ. Chữa đau dạ dày, phụ nữ sau khi đẻ đau bụng, chảy máu cam, thổ huyết, kim sang. Phụ nữ có thai, các bệnh sản hậu không phải nhiệt kết ứ không dùng.

Ngày uống 16 - 25g.

Chế biến: rửa sạch củ, đồ chín, thái mỏng, phơi sấy khô.

 

86. NGŨ LINH CHI

Vị ngọt, tính ôn.

Quy vào kinh can.

Công dụng: Thông lợi huyết mạch, hành ứ, chỉ thống. Chữa kinh nguyệt không đều, hành kinh đau bụng, sau khi đẻ huyết xấu ra không hết, sinh đau bụng, đau ngực, trẻ em bị cam; dùng ngoài chữa rắn cắn.

Ngày uống 6 - 12g.

Chế biến: Loại bỏ tạp chất, sao đều khi nào hết khói là được.

 

87. NGƯU TẤT

Vị đắng chua.

Quy vào 2 kinh: can và thận.

Công dụng: Dùng sống phá huyết, hành ứ. Chưng với rượu thì bổ can, thận, mạnh gân cốt. Chữa các chứng sốt rét, kiết lỵ, viêm khớp, đau nhức xương, sau khi đẻ máu hôi ra không sạch, đau bụng, kinh nguyệt không đều. Dùng ngoài, bó bong gân, gẫy xương. Người có thai không được dùng.

Ngày dùng 6 - 12g. Còn dùng thì ngoài không kể liều lượng.

Chế biến: Củ đào về rửa sạch, bỏ rễ con, phơi khô.

 

88. NHÂN HẠT ĐÀO

Tên khác: Đào nhân.

Vị đắng ngọt, tính bình.

Quy vào 2 kinh: tâm và can.

Công dụng: Phá ứ huyết, hành huyết ứ, nhuận táo, hoạt trường. Chữa huyết ứ, huyết bế, ho, sát trùng, kinh nguyệt không đều.

Người có bệnh ứ trệ và người có thai không dùng.

Ngày uống 4 - 6g. Khi dùng bỏ vỏ lụa và mầm ở đầu hạt.

 

89. NHÂN Ý DĨ

Tên khác: Bo bo, Dĩ mễ.

Vị ngọt, tính hơi hàn.

Quy vào 3 kinh: tỳ, phế, vị.

Công dụng: Kiện tỳ, bổ phế, thanh nhiệt, thảm thấp. Chữa thủy thũng, tiết tả, cước khí, phong thấp, phế ung, ăn kém.

Người có thai không nên dùng.

Ngày dùng 8 - 16g.

Chế biến: Hạt thu về bỏ vỏ, lấy nhân sao vàng.

 

90. NÚC NÁC

Vị đắng, tính hàn.

Quy vào 4 kinh: tâm, can, phế, vị.

Công dụng: Bình can hoả, hoà vị, nhuận phế, chỉ khát, giải độc, chỉ thông, tả tâm hoả. Chữa các chứng: hoàng đản, sốt cao, tâm phiền nhiệt, lỵ, đau dạ dày, ho, hen, tiểu tiện ra máu, các bệnh dị ứng ngoài da, đau mắt đỏ.

Ngày uống 10 - 20g. Dùng vỏ thân cây phơi khô, sắc hoặc viên; chữa ngoài da dùng vỏ tươi.

 

91. NƯỚC TIỂU TRẺ EM

Tên khác: Đồng tiện.

Vị mặn, tính hàn.

Quy vào 5 kinh: tâm, can, phế, vị, bàng quang.

Công dụng: bổ âm, trừ lao nhiệt, cốt chưng. Chữa ho, thổ huyết, chảy máu cam, huyết vựng, sốt rét, nhức đầu, trúng phong, hôn mê. Dùng ngoài xoa bóp khi bị ngã hoặc bị đánh tím bầm.

Ngày uống 100 - 200ml (uống nước tiểu trẻ em trên dưới 12 tuổi, khoẻ mạnh, lúc còn đang ấm).

 

92. PHÈN CHUA

Tên khác: Bạch phàn, Phèn phi.

Vị chua chát, tính hàn.

Quy vào 2 kinh: can và tỳ.

Công dụng: Sát trùng, giải độc, chỉ huyết, hoá đờm, sáng mắt, vững chân răng, tiêu thịt chết, sinh thịt mới, cầm máu. Chữa ho, viêm họng, đau răng, đau mắt, lỵ, nóng trong xương tuỷ, thịt mọc trong mũi, ho đờm; còn dùng làm thuốc cầm máu của các loại xuất huyết.

Ngày uống 1 - 2g khô phàn, 2 - 4g phèn chua. Dùng ngoài không kể liều lượng.

Chế biến: Có thể dùng sống, hoặc phi (bỏ phèn vào một nồi đất, đun cho phèn sôi đến khi hết sôi và trở thành màu trắng và xốp là được).

 

93. QUẢ CHẤP

Tên khác: Chỉ xác.

Vị đắng chua, tính hơi hàn.

Quy vào 4 kinh: tỳ, vị, phế, đại trường.

Công dụng: Hạ khí, khai vị, tiêu ứ, háo đờm, lợi tiểu, phát hãn, yên dạ dày. Chủ trị tỳ vị hư hàn, ăn uống chậm tiêu, thấp nhiệt, bổ tích, khí uất, ho hen, đờm trệ, bụng bị đầy, đau hông, thủy thũng, đại tiện không thông, tả lỵ.

Ngày dùng 8 - 10g.

Chế biến: Lấy quả chấp gần chín, bổ đôi phơi sấy khô. Khi dùng bỏ ruột, thái mỏng sao với cám.

 

94. QUẢ DÀNH DÀNH

Tên khác: Chi tử.

Vị đắng, tính hàn.

Quy vào 4 kinh: tâm, can, phế, tam tiêu.

Công dụng: Chỉ huyết, lương huyết, giải nhiệt uất ở tam tiêu, lợi tiểu. Dùng sống thì tả hoả, sao vàng thì thanh nhiệt, sao cháy thì chỉ huyết. Chữa sốt, tâm phiền, khó ngủ, miệng khát, họng đau, tân dịch khô, lở ngứa, tiểu tiện vàng đỏ, sẻn, tiểu tiện ra máu, chảy máu cam, thổ huyết, lỵ ra huyết, đau được dày. Dùng ngoài chữa đau mắt đỏ; sắc nước rửa hoặc giã lá tươi đắp vào mi mắt. Chữa bỏng: đốt chỉ tử thành than, hoà với lòng trắng trứng để bôi.

Ngày dùng 10 - 15g. Dùng ngoài không kể liều lượng.

 

95. QUẢ MƠ MUỐI

Tên khác: Ô mai.

Vị chua mặn, tính ôn.

Quy vào 4 kinh: can, đởm, phế, đại trường.

Công dụng: Thu sáp, tiêu khát, hoá đờm, sinh tân. Chữa tả lỵ lâu ngày, phiền khát, ho, đau họng, hen suyễn, đới hạ, băng huyết.

Ngày uống 10 - 15g hoặc ngậm ho, đau họng 3 - 5 quả.

Chế biến: Quả mơ chín phơi hay sây cho héo, ướp muối, bỏ vào lọ sành muối như muối cà (không đổ nước); sau 3 ngày đêm thì vớt ra phơi thật khô; tiếu tục đổ vào vại muối lần thứ 2 thêm 1 ngày 1 đêm, vớt ra phơi thật khô, để kín dùng dần.

 

96. QUẢ TÁO MÈO

Tên khác: Quả chua chát, Sơn tra.

Vị ngọt chua, tính bình.

Quy vào 3 kinh: can, tỳ, vị.

Công dụng: kiện tỳ, tiêu thực, tiêu huyết khối, hành khí, hoá đờm, giảm đau. Chủ trị: kém ăn, ăn chậm tiêu, tả lỵ, trẻ em cam tích. Dùng ngoài chữa lở sơn, ghẻ lở (nấu nước tắm rửa). Dùng nhiều Sơn tra thì hao khí, hại răng.

Người gầy còm, có chứng hư thực không nên dùng.

Ngày dùng 8 - 10g.

Chế biến: Thu hái quả chín, thái ngang, phơi hoặc sấy khô.

 

97. RAU MÁ

Tên khác: Liên tiền thảo, Trích tuyết thảo.

Vị đắng ngọt, tính bình.

Quy vào 2 kinh: can và thận.

Công dụng: Lương huyết, thanh nhiệt, giải độc, thông lợi sữa, lợi tiểu. Sao đen có tác dụng cầm máu. Chữa rôm sẩy, mẩn ngứa, các bệnh về gan, phụ nữ hành kinh đau bụng, đau lưng, khí hư bạch đới, sốt, tiểu tiện đỏ và sẻn.

Ngày uống 20 - 40g tươi, hoặc 10 - 20g khô, ngắn, phơi âm can (phơi trong bóng râm) cho khô hoặc dùng tươi.

 

98. RAU NGÓT

Tên khác: Bùi ngọt, Bồ ngọt, Hắc địa thần.

Vị ngọt, tính mát.

Công dụng: Thanh nhiệt, giải độc. Chữa sốt nóng trong ruột, giải độc rượu. Dùng ngoài chữa tưa lưỡi trẻ em (dùng nước cốt rau ngót tẩm vào bông để đánh lưỡi), chữa sót rau hoặc châm ra rau (vò một nắm lá rau ngót dịt vào lòng bàn tay).

Ngày uống 50 - 100g lá tươi. Dùng ngoài không kể liều lượng.

 

99. RỄ LÔNG CU LI

Tên khác: Cốu tôn mao, Kim mao, Cẩu tích, Cây lông khỉ.

Vị đắng ngọt, tính hơi ôn.

Quy vào 2 kinh: can và thận.

Công dụng: Bổ can thận, cố tinh, trừ phong thấp. Chữa đau lưng mỏi gối, bổ gân cốt, đi tiểu nhiều lần, khí hư bạch đới. Đối với các vết thương chảy máu dùng lông dịt vào có tác dụng cầm máu.

Ngày dùng 10 - 20g.

Chế biến: cạo lông, thái phiến, chứng với rượu sao khô.

 

100. RỄ VÚ BÒ

Vị ngọt, tính bình.

Quy vào 2 kinh: tỳ và vị.

Công dụng: Dùng làm thuốc bổ dưỡng cho người hư lao. Chữa khí hư bạch đới, tắc tia sữa, phong tê thấp. Dùng ngoài chữa bị đòn ứ huyết, ngức bụng đầy tức, có hòn cục (dùng toàn cây vú bò tươi, thêm ít muối giã nát, tẩm rượu, sao nóng, đắt vào nơi đau).

Ngày dùng 10 - 20g.

Chế biến: Rễ cây vú bò rửa sạch, thái mỏng, phơi sấy khô, tẩm mật sao.

 

101. SA NHÂN

Vị cay, tính ôn.

Quy vào 2 kinh: tỳ và vị.

Công dụng: Hành khí, điều hoà trung tiện, ôn tỳ vị, an thai, giảm đau. Chữa ăn uống không tiêu, bụng đầy hơi, đau bụng, ỉa chảy, kiết lỵ, tì vị hư hàn.

Ngày dùng 6 - 8g.

Chế biến: Dùng nhân, bỏ vỏ, phơi khô, khi dùng giã giập.

 

102. SÀI ĐẤT

Tên khác: Hùng trám, Ngổ núi.

Vị đắng, tính hàn.

Quy vào 2 kinh: tâm, can.

Công dụng: Thanh nhiệt, tiêu vêm. Chữa sốt, viêm nhiễm, mụn nhọt, lở ngứa, rôm sẩy, đau mắt, viêm bàng quang. Ngày uống 10 - 20g. Dùng lá, hoa, vỏ, rễ, dùng tươi hoặc khô. Dùng ngoài: dùng lá giã với muối đắp mụn nhọt.

 

103. SẮN DÂY

Tên khác: Cát căn.

Vị cay ngọt, tính bình.

Quy vào 2 kinh: tỳ và vị.

Công dụng: Sinh tân, chỉ khát, thanh trừ, giải cơ, thoái nhiệt, giải biểu. Chủ trị: nhức đầu, miệng khát, tiết tả, lỵ ra máu (thuộc loại nhiệt), đậu chẩn mới phát, chứng thường hàn, sốt mà khát, cảm nắng mồ hôi ra dâm dấp, người mệt lả.

Ngày dùng 20 - 30g.

 

104. SINH ĐỊA

Vị đắng ngọt, tính hàn.

Quy vào 4 kinh: tâm, can, thận, tiểu trường.

Công dụng: Bổ huyết, tu âm nhuận táo, thanh nhiệt tiêu khát. Chữa huyết nhiệt, thiếu máu, kinh nguyệt không đều, thương hàn, ôn bệnh, yết hầu, sinh đau, thổ huyết, băng huyết, lậu thai, mụn nhọt, ban chẩn, sởi.

Người tỳ vị hư không dùng. Kỵ hành tỏi, hẹ, sắt.

Ngày uống 10 - 20g.

Chế biến: củ đào về, cắt bỏ rễ, rửa sạch, phơi khô, ủ vào bao tải trong 10 ngày thì trong ruột củ sẽ có màu đen.

 

105. THÀM LAM

Tên khác: Đuôi tôm, Mía mưng.

Vị ngọt, tính bình.

Quy vào 3 kinh: can, tỳ, đại trường.

Công dụng: Thanh nhiệt, giải độc, trừ thấp, tiêu thũng, chỉ thống. Chủ trị: sa dạ con, lỵ, ung thũng, sưng đau.

Cách dùng: Bên trong sắc uống ngày 10 - 20g; bên ngoài giã đắt.

 

106. THẦU DẦU TÍA

Tên khác: Tỳ ma, Đu đủ tía.

Vị cay, tính ôn.

Công dụng: Hạt thầu dầu ép lấy dầu làm thuốc tẩy, với liều 10 - 15g (trẻ em), 30 - 50g (người lớn). Uống khi đói, sau khi uống 2 giờ hãy uống nước.

Dùng lá và hạt chữa một số bệnh:

- Sót rau, đẻ khó, lấy 15 hạt giã nhỏ đắp vào gan bàn chân; khi thai, rau ra rồi thì rửa chân tay ngay.

- Trúng phong méo mồm, xếch mắt; nếu méo xếch bên trái thì đổ bên phải và ngược lại.

- Sa dạ con: Dùng hạt giã nhỏ, đắp giữa rốn, khi nào lên thì bỏ ngay.

Ngày dùng 10 - 15 hạt. Lá chỉ dùng để đắp ngoài.

 

107. THÔNG THẢO

Tên khác: Cây thông thoát.

Vị ngọt nhạt, tính bình.

Quy vào 2 kinh: phế và vị:

Công dụng: Lợi thuỷ, thoát nhiệt, lợi sữa, chữa đái buốt, thủy thũng, phế nhiệt.

Ngày dùng 10 - 12g.

Chế biến: Chặt cây thông thảo ra từng khúc, thái phiến phơi khô.

 

108. THỤC ĐỊA

Vị ngọt, tính hơi ôn.

Quy vào 3 kinh: tâm, can, thận,

Công dụng: Bổ huyết yếu dược. Chủ trị: can, thận bất túc, bổ ích ngũ tạng, sáng tai mắt, tư thận thuỷ, làm râu tóc đen. Ngoài ra còn chữa: nam giới ngũ lão, thất thường nữ giới thương trung bào lậu, kinh hậu thất điều, các bệnh thai sản.

Ngày dùng 12 - 30g.

Chế biến: Chọn sinh địa củ to ngâm vào nước nóng hơi già 10 - 15 phút, đem bóc vỏ ngoài. Cứ 1kg sinh địa dùng 20g sa nhân và 20g gừng tán nhỏ trộn đều với sinh địa, bỏ vào hũ sành, đổ săm sắp rượu, lấy lá chuối nút kín, đem nấu cách thuỷ, đêm nấu, ngày phơi, làm như vậy 9 lần.

Thục địa kỵ sắt, không nên dùng dao thái.

 

109. TINH TRE

Tên khác: Trúc như.

Vị ngọt nhạt, tính hàn.

Quy vào 3 kinh: phế vị và can.

Công dụng: Thanh nhiệt, lương huyết, trừ phiến, trừ nôn, an thai. Chữa các chứng thượng tiêu phiền nhiệt, nôn mửa, nôn ra máu, chảy máu cam, dạ dày nóng gây ra nôn, người nóng buồn bực, băng huyết.

Ngày dùng 10 - 20g.

Chế biến: Thân cây tre cạo bỏ lớp vỏ xanh pha ngoài, rồi cạo lấy lớp trong, tẩm gừng sao qua.

 

110. TÒ HO

Tên khác: Thảo quả.

Công dụng: Táo thấp, khử hàn, trừ đờm, kiện tỳ, tiêu thực. Chữa ăn uống kém tiêu, nôn mửa, tỳ vị hư hàn, đau bụng, hôi mồm, sốt rét. Người âm hư không dùng.

Ngày dùng 8 - 10g.

Chế biến: Quả thu hái về phơi khô, để nơi khô ráo, khi dùng bỏ vỏ ngoài.

 

111. TỔ BỌ NGỰA CÂY DÂU

Tên khác: Tang phiêu tiêu.

Vị ngọt mặn, tính bình.

Quy vào 2 kinh: thận và tỳ.

Công dụng: Bổ ngũ tạng ích tình, lợi tiểu tiện. Chữa thận suy, liệt dương, hoạt tinh, đau lưng, huyết bế, tiểu tiện đục, đái són.

Ngày dùng 10 - 12g.

 

112. TỎI ĐỎ

Tên khác: Tỏi lào, Sâm đại hành.

Vị ngọt, hơi đắng; tính bình.

Quy vào 2 kinh: tâm và can.

Công dụng: Dùng ít có tác dụng bổ huyết, chữa thiếu máu, mỏi mệt. Dùng nhiều có tác dụng hành huyết, tán ứ, tiêu độc, chữa dị ứng, ứ huyết, thương tích lưu huyết, chữa vết thương chảy máu.

Ngày uống 10 - 20g.

Chế biến: Củ đào về, bỏ rễ, thái mỏng, phơi hay sấy khô.

 

113. TRẮC BÁCH DIỆP

Vị đắng chát, tính hơi hàn.

Quy vào 3 kinh: phế, đại trường và can.

Công dụng: Dưỡng âm, tư phế, táo thấp, lương huyết. Sao cháy tồn tính có tác dụng chỉ huyết, chữa chảy máu cam. Dùng sống: sắc nước uống chữa táo bón.

Ngày uống 10 - 20g (dùng tươi hoặc sao cháy tồn tính: sao cháy đen nhưng vẫn còn hình dạng lá).

 

114. TRẦM CÂY GIÁNG ÔNG

Tên khác: Trầm cây xó nhà, Huyết giác.

Vị cay, tính ôn.

Công dụng: Hành huyết, tán ứ huyết, thông hành kinh lạc, trừ thấp. Chữa tê thấp, đau nhức các khớp, huyết ứ sinh đau nhức, phụ nữ bế kinh, thương tích lưu huyết. Dùng ngoài ngâm rượu chữa đau nhức, tê mỏi, vết thương ứ huyết.

Ngày dùng 10 - 15g. Dùng ngoài không kể liều lượng.

 

115. TỪ BI

Tên khác: Băng phiến, Mai băng phiến.

Vị cay đắng, tính hàn.

Quy vào 3 kinh: thận, can, phế.

Công dụng: Giải cảm, tiêu thực. Chữa đầy bụng, ăn uống không tiêu, cảm sốt.

Ngày uống 20 - 30g (dùng tươi hoặc khô).

 

116. TỲ GIẢI

Tên khác: Tiết giải.

Quy vào 2 kinh: can và vị.

Công dụng: Khu phong, trừ thấp, lợi tiểu tiện. Chữa lưng, gối tê mỏi, tiểu tiện đục và sẻn, ỉa chảy, mụn nhọt.

 

117. VẨY TRÚT

Tên khác: Vẩy con tê tê, Xuyên sơn giáp.

Vị mặn, tính hàn, có độc.

Quy vào 2 kinh: can và vị.

Công dụng: Thông kinh lạc, hành khí, tán huyết, tiêu ung độc, ban chẩn, tắc tia sữa, đau nhức các khớp xương. Dùng ngoài chữa tràng nhạc, mụn nhọt vỡ loét (vẩy trút đốt cháy, nghiền nhỏ đắp vào).

Ngày dùng 4 - 8g. Dùng ngoài không kể liều lượng.

Chế biến: Sao với cát cho vàng, đem ra rây bỏ cát hoặc đốt thành than mà dùng (có sách nói: tẩm dấm thanh mà dán).

 

118. VỎ HẦU

Tên khác: Vỏ ha, Hậu cửa sông, Mậu lệ.

Vị mặn chát, tính hơi hàn.

Quy vào 3 kinh: can, đởm, thận.

Công dụng: Tư âm, cố sáp, hoá đờm. Chữa cốt nhiệt, di tinh, băng huyết, đới hạ, mồ hôi trộm.

Người hư hàn, thận hư hỏa suy, tinh lạnh tự xuất không dùng được.

Ngày dùng 8 - 12g.

 

119. VỎ QUẢ CAU

Tên khác: Phúc bì.

Vị chát, tính ôn.

Quy vào 2 kinh: vị và đại trường.

Công dụng: Tiêu tích ứ. Chữa bụng đầy trướng khó chịu, phù thũng.

Người hư mà gầy không nên dùng.

Ngày dùng 8 - 12g.

Chế biến: Rửa rượu, sấy khô.

 

120. VỎ RỄ DÂU

Tên khác: Tang bạch bì.

Vị ngọt, tính hàn.

Quy vào kinh phế.

Công dụng: Tả phế nhiệt, hành thuỷ, chỉ thấu, định suyễn. Chữa ho lâu ngày, ho hen, sốt, băng huyết, cao huyết áp, ho ra máu, thủy thũng.

Những người phế hư hàn, ho hàn không dùng.

Ngày uống 10 - 20g.

Chế biến: rễ đào về, cạo bỏ vỏ ngoài, thái phiến, phơi khô, tẩm mật sao vàng. Chú ý không được lấy rễ nổi trên mặt đất.

 

121. VÒI VOI

Tên khác: Cầu vĩ trùng, Đại vĩ đao.

Vị đắng nhạt. tính mát.

Quy vào 2 kinh: can và thận.

Công dụng: Trừ phong tê thấp, điều kinh, tiêu ung nhọt độc. Chữa đau mỏi lưng gối, tê thấp, viêm tất, mụn nhọt, viêm họng, mẩn ngứa, kinh nguyệt không đều. Còn dùng lá tươi sao nóng xoa bóp nơi đau.

Ngày dùng 15 - 20g. Dùng ngoài không kể liều lượng.

Chế biến: Lấy hoa, lá và thân, bỏ gốc, thái nhỏ, phơi khô. Dùng dạng sắc, tán bột hoặc nấu cao.

 

122. XÀ SÀNG

Tên khác: Mã sàng, Xích mộc thảo.

Vị đắng, tính ôn.

Quy vào 2 kinh: thận và tam tiêu.

Công dụng: Khu phong, táo thấp, cương dương. Chữa nam giới ngứa ướt bìu dái, phụ nữ lạnh tử cung, ngứa lở tử cung, khí hư, xích bạch đới. Người thận hư hoả vượng không nên dùng.

Dùng ngoài làm thuốc xông, thuốc đổ, thuốc rửa lở ngứa.

Ngày dùng 6 - 12g.

 

123. XUYÊN KHUNG

Tên khác: Khung cùng.

Vị cay, tính ôn.

Quy vào 3 kinh: can, đởm, tâm bào.

Công dụng: Khu phong, giảm đau lý khí, hoạt huyết. Chữa kinh nguyệt không đều, nhức đầu, hoa mắt, tức ngực, bụng đầy trướng, bán thân bất toại, chân tay co quắp, tiêu viêm.

Ngày dùng 4 - 8g.

 

 

HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG THUỐC NAM CHỮA BỆNH

Tuyển chọn và giới thiệu: Hạ Vinh Thi ; Giữ bản quyền: Đặng Tuấn Hưng

7/61 Nguyễn Văn Trỗi, Phương Liệt, Thanh Xuõn, Hà Nội.

 

 

Chịu trách nhiệm xuất bản:

NGUYỄN ĐÌNH THIÊM

 

Biên tập: Trần Thu Hiền

Trình bày: Trần Thị Thái Loan

Sửa bản in: Đặng Xuân Phương

Trình bày bìa: Hạ Vinh Thi

 

 

046/2006

  BT: 238

 

In 3000 cuốn khổ 13x19cm, tại: Công ty TNHH Bao bì và In Hải Nam

Giấy phép số: 346 - 2006 / CXB / 11 - 71 / LĐXH cấp ngày 05tháng 05 năm 2006.

In xong và nộp lưu chiểu Quý II năm 2006.

0 comments:

Đăng nhận xét