MẤY LỜI MỞ SÁCH (VỀ TẬP THƠ MIỀN KÝ ỨC) - Tác giả: Trần Đăng Khoa (Hà Nội)

Leave a Comment

MẤY LỜI MỞ SÁCH
(VỀ TẬP THƠ MIỀN KÝ ỨC)
*
(Tác giả Trần Đăng Khoa)
Quý vị và bạn đọc đang có trên tay cuốn sách mới nhất của Nguyên Hà. Đó là tập thơ xinh xắn có tên là MIỀN KÝ ỨC.
Nói đến MIỀN KÝ ỨC, chúng ta thường nghĩ đến những kỷ niệm của một thời quá khứ đã xa. Nhưng không, MIỀN KÝ ỨC của Nguyên Hà lại không thuộc về dĩ vãng, mà nó vẫn đang hiện hữu, vẫn luôn ấm nóng tính thời sự.
Hình như tôi đã nói ở đâu đó rằng, thơ ca đồng nghĩa với cái đẹp. Nó thuộc về phái đẹp. Vì thế có người gọi là Nàng Thơ. Nếu có “nàng thơ” thật thì tôi cứ hình dung “nàng” là một tiểu thư yểu điệu, kiều diễm, nhưng lại có một con mắt lác.
Chính con mắt lác lẳng lơ ướt át này đã làm khổ người đời. Không ít người săn đuổi “nàng”, cứ tưởng “nàng” mê mình say đắm lắm. Nhưng thực tình thì “cô tiểu thư” đỏng đảnh kiêu kỳ này rất ích kỷ. “Cô” chỉ yêu mình thôi. Rồi cô lúng liếng và dửng dưng đi giữa đám mày râu. Con mắt lác ướt át lại ve vuốt đôi bờ vai tròn lẳn của chính mình, vậy mà gã si tình nào đeo đuổi “cô” cũng tưởng “cô” đắm đuối liếc mình tình tứ lắm.
Thế mới khổ!
Nhưng rồi, thơ ca cũng như tình yêu. Tìm thì tình trốn. Trốn thì tình lại săn đuổi. Ông bạn vong niên của tôi cũng đang bị săn đuổi. Không ngờ cái cô nàng lẳng lơ, kiêu kỳ từng làm khổ bao nhiêu người này, lại đong đưa, mê vụng ông bạn vàng của tôi. Đó là Nguyên Hà, cha đẻ của cuốn sách xinh xẻo mà quý vị và các bạn đang có trên tay đây.
Vậy Nguyên Hà là ai? Ông có bùa mê thuốc lú hay phép nhiệm màu nào mà mê hoặc được cái “cô nàng” lác mắt kiêu kỳ ấy?
Không! Bí kíp của ông là ông chẳng có lá bùa nào. Ông cũng không có ý định thành thi sĩ. Ông là một cựu đại tá quân đội, từng vào sinh ra tử dọc chiến trường Đông Nam bộ, rồi chiến trường Cămpuchia trong những năm chiến tranh khốc liệt. Ông còn là Phó Giáo sư, Tiến sĩ Triết học, nhiều năm giảng dạy ở Học viện Hậu cần, Học viện Quốc Phòng, một nhà khoa học đầu óc lúc nào cũng tỉnh queo như sáo tắm. Đối với ông, làm thơ chỉ là những khoảnh khắc thư dãn, một thú chơi tao nhã sau những giây phút nghiên cứu khoa học mệt mỏi. Thơ ông thường là những kỷ niệm có thực trong đời ông. Ông ghi lại trước hết để cho mình, cho đồng đội mình, rồi con cháu mình. Không ngờ đồng đội ông lại gặp được chính mình trong những bài thơ ông viết. Họ động viên, khích lệ ông gửi đăng báo. Và rồi những tờ báo sang trọng, uy tín của giới văn chương như Văn Nghệ, Văn nghệ Quân đội đã công bố những tác phẩm đầu tiên của ông như “Đếm tuổi con”, “Bến xưa”, “Chiêm bao của chị”. Ông không ngờ những bài thơ chân thành, giản dị của mình lại được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt. Vậy mà mãi đến năm 2018, khi bắt đầu được nghỉ chờ hưu, ông mới chính thức bước chân vào “làng thơ”. Cuối năm 2019, tập thơ đầu tiên của ông trình làng. Đó là tập LỬA TÌNH YÊU do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành gồm 57 bài. MIỀN KÝ ỨC cũng 57 bài mà quý vị và các bạn đang có trên tay đây là tập thơ thứ hai của ông. Hai năm, hai tập thơ. Phải nói cựu Đại tá Nguyên Hà là một người lính già, nhưng lại là nhà thơ trẻ sung sức.
Đọc Nguyên Hà, ta thấy ông là một người yêu nước và cả nghĩ. Ông đi nhiều. Đến đâu ông cũng có thơ. Có bài chỉ là những nét phác họa. Chất lượng không đều, nhưng xúc cảm thì dào dạt. Ông chinh phục được người đọc nhờ tấm lòng đằm thắm, và nhân hậu. Viết về đất nước, ông có những câu thơ bộc trực, không uốn éo cầu kỳ, cũng không cần đến hình tượng thơ:
Đất nước mình
Không kể gái hay trai
Khi giặc đến
Thì toàn dân là lính
Nhất tề đứng lên
Và hy sinh không hề toan tính
Câu thơ như những câu nói thường ngày mà làm ta xúc động. Ông cũng là người cả nghĩ khi đứng trước những nghịch cảnh của xã hội đương đại:
Rét mướt cuối mùa, gió lệch đông
Ngắm cảnh nhân gian thấy chạnh lòng
Khốn khó hè đường nơi trú ngụ
Sang giàu biệt thự chốn hoang không…
Đã có bao nhiêu nhà thơ viết về rơm rạ: “Rơm rạ ơi ta đã về đây”. Chử Vân Long chú ý đến “người gánh rơm đi vào thành phố”. Mang rơm vào thành phố để làm gì? Nhà thơ không quan tâm, chỉ nhân người gánh rơm mà nhắc nhở mọi người đừng quên những người làm ra hạt gạo. Một Nhà thơ đàn anh khác lại trằn trọc trong “hơi ấm ổ rơm” trong một đêm lỡ đường nghỉ lại nhà dân ở Thanh Hóa: “Rơm vàng bọc tôi như kén bọc tằm - Tôi thao thức trong hương mật ong của ruộng - Trong hơi ấm hơn rất nhiều chăn đệm - Của những sợi rơm xơ xác gày gò - Hạt gạo nuôi tất thảy chúng ta no - Riêng hơi ấm nồng nàn như lửa - Cái hương vị lên men của lúa - Đâu dễ chia cho tất cả mọi người”. Đến Nguyên Hà, ông tri ân Rơm vàng đã sắt son gắn bó với ta, từ khi mới lọt lòng trong ổ rơm cho đến khi vào cõi nhớ thương, rơm lại vào bát hương để lại tiếp tục gắn bó với ta khi ta đã khuất:
Lấy tay chuốt sợi rơm vàng
Nhen lên giai điệu mùa màng quê tôi
Chắt từ đất, lọc từ trời
Hòa cùng mặn chát mồ hôi mà thành
Chuốt rơm từng sợi mỏng manh
Ngỡ như sống dưới mái tranh thuở nào
Rơm vàng trộn với bùn ao
Đắp tường trát vách bện vào tháng năm
Đông về giá rét căm căm
Đệm rơm lót ổ vừa nằm đã mơ
Rơm bó chổi nhỏ, chổi to
Dư thì dự trữ cho bò cho trâu
Bếp rơm giữ lửa từ lâu
Bóng tre, mái rạ ủ màu khói lam
Ban thờ cốt của bát nhang
Là rơm nếp đốt tro than ủ vào…
Là người sinh ra từ ruộng đồng, lớn lên cùng rơm rạ, Nguyên Hà có những câu thơ viết về làng quê rất thấm đượm. Thức với trăng quê, là bài thơ ấn tượng nhất của ông.
Đã lâu mới trở về làng
Cứ thao thức với trăng vàng cả đêm
Thao thức với trăng vàng, vì chỉ còn trăng vàng là người bạn cũ, không thay đổi. Còn tất cả đã đổi thay:
Đi tìm những chốn thân quen
Lối sang hàng xóm tắt men vườn cà
Giờ thì ngăn cách tường hoa
"Gần nhà xa ngõ” biết qua đường nào
Cám ơn thi sĩ Nguyên Hà. Ông đã nói hộ tâm trạng của tôi, khi tôi trở về quê hương của mình. Làng quê tôi cũng thế. Một cái làng ao tù nước đọng, chưa mưa đã úng lụt. Có mùa cưới, nước ngập lên tận bụng. Người ta phải dùng trâu đi đón dâu. Bây giờ nó đã hóa thành đô thị. Có lần tôi về vào lúc nhá nhem tối, loay hoay mãi không tìm được lối vào nhà, tôi đành ghé vào quán Hương quê hỏi thăm. Cái quán mang tên Hương quê, nhưng bán toàn đồ điện tử rẻ tiền của Trung Quốc. Chủ quán, một bà thợ cấy ở cạnh nhà tôi kinh hoàng kêu lên: “Ối giời ơi! Chú sao thế? Làm sao mà chú lại đến lông lỗi này hả giời”. Thế là sáng hôm sau, cái tin tôi về đến cổng còn hỏi thăm đường đã lan ra khắp xã. Ông bác ruột tôi ngán ngẩm: “Hỏng! Hỏng! Không ngờ cái thằng quan liêu bao cấp quá. Đời sống phố thị làm nó hư hỏng quá nhanh. May nó không làm cán bộ. Thằng này mà làm cán bộ to thì chỉ có chết dân!” Khổ! Tôi đâu có thay đổi gì. Cái dãi khoai của làng thì trồng ở đâu cũng vẫn là cái dãi khoai thôi. Tại làng quê thay đổi nhanh quá mà tôi không theo kịp. Nguyên Hà cũng thế. Muốn sang thăm nhà hàng xóm mà ông không tìm ra đường. Đến cả ao chuôm giờ cũng khác:
Đi tìm dấu tích bờ ao
Cây sung chát, cây ổi đào ở đâu
Ao làng cạn cả nông sâu
Đã san lấp để nhà lầu mọc lên
Đọc những câu thơ chân thực ấy của Nguyên Hà, tôi lại nhớ đến Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Văn Hiền, ông cũng bàng hoàng khi về chính quê mình: “Những bóng tre làng không còn dấu vết - Ao nhỏ chuôm to giờ lấp hết rồi - Mái rạ nhà tranh lùi vào cổ tích - Quê tôi bây giờ toàn sắt thép, tường vôi”. Ao chuôm không còn. Đến đồng ruộng cũng khác:
Ra đồng tìm thửa ruộng chiêm
Dồn điền đổi thửa thay tên chủ rồi
May còn cái chỗ ta ngồi
Dưới cây gạo cháy đỏ trời tháng ba
Rồi đến cả bãi tha ma của làng, cái nơi tưởng không còn có gì thay đổi mà vẫn thay đổi. Đến cả cái chết cũng đâu có bình đẳng:
Thẫn thờ qua bãi tha ma
Nén nhang ai thắp kết hoa vòng tròn
Cạnh ngôi xây như lầu son
Là bao mộ đất vẹt mòn gió mưa
Tôi rất yêu mấy câu kết này:
Triền đê cũ, bến sông xưa
Đâu con đò gỗ đón đưa người về
Trăng tà thương nhớ ngọn tre
Giữa quê lòng lại nhớ quê thuở nào…
Giữa quê mà lòng lại nhớ quê. Đấy là một tâm trạng rất thật. Vùng quê thương nhớ là vùng quê ở trong MIỀN KÝ ỨC.
Thơ Nguyên Hà là vậy. Giản dị, thấm đượm mà không kém phần sâu sắc. Bài thơ cũng đặt ra một vấn đề lớn trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Làm sao đổi mới nhưng vẫn phải giữ được bản sắc dân tộc. Đấy là vẻ đẹp của văn hóa Việt Nam, cốt cách Việt Nam.
Tôi có thể trích ra nhiều câu thơ khác nữa của Nguyên Hà. Nhưng rồi, tôi không làm điều ấy. Tôi sợ trong đời sống vội vàng này, các bạn sẽ chỉ đọc những câu tôi trích mà lại bỏ qua rất nhiều câu thơ khác cũng rất đáng đọc của ông. Vì thế, tôi xin dừng lại ở đây, để quý vị và bạn đọc tự khám phá. Và tôi tin, rất tin, tập thơ sẽ được bạn đọc yêu thích.
*.
Hà Nội, 30 tháng 08-2020
TRẦN ĐĂNG KHOA
(Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam)
Địa chỉ: phường Bồ Đề, quận Long Biên, tp Hà Nội.
Email: vovkhoa06@gmail.com 

.



.............................................................................................................
- Cập nhật từ email: huongmai8081@yahoo.com.vn, ngày 30.08.2020.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 

0 comments:

Đăng nhận xét