NGÔN NGỮ THƠ TRONG TRUYỆN KIỀU - Tác giả: Lê Thanh Long (Hà Nội)

Leave a Comment

NGÔN NGỮ THƠ

TRONG TRUYỆN KIỀU

*
(Tác giả Lê Thanh Long)

Trước tiên chúng ta tự hào mà khẳng định rằng Truyện Kiều là một tác phẩm thơ vĩ đại, nó đã sống với thời gian trên hai trăm năm và còn sống mãi với nhân dân Việt Nam. Sức sống trường tồn của tác phẩm là thước đo sự vĩ đại của tác phẩm.

 

I. ĐIỀU GÌ LÀM NÊN TÁC PHẨM TRUYỆN KIỀU BẤT HỦ

Nguyễn Du là một thiên tài thơ, ngôn ngữ thơ của ông kỳ lạ, huyền hoặc không ai có thể sánh được. Và đặc biệt Nguyễn Du có một ước ao, khát vọng cháy bỏng muốn sáng tạo ra một tác phẩm để đời. Nguyễn Du có một tấm lòng nhân nghĩa, thông cảm, dễ rung động, trước nỗi đau, nỗi thống khổ của con người. Một điều quan trọng nữa, ông là một con người chân thực, viết ra những vần thơ chân thực tự đáy lòng mình.

Kim Vân Kiều truyện đã được thay đổi, sáng tạo, hư cấu, nhuận sắc lại qua nhiều đời tác giả, nên cốt truyện khá hoàn chỉnh, hấp dẫn, các chi tiết phong phú, phản ảnh được hiện thực xã hội. Có lẽ đây là lý do khiến Nguyễn Du chọn Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân làm cái nền để thêm hoa, thêm gấm, rót vào đó những suy ngẫm, trăn trở, khát khao, để xây nên một tòa lâu đài lấp lánh ánh vàng, đó là một thiên truyện thơ làm mê hoặc lòng người.

Truyện Kiều hay xét cho cùng là do chất thơ lục bát, ngôn ngữ thơ tinh diệu mang lại, nó phải được xếp hàng đầu trong bảng đánh giá Truyện Kiều.

Nếu tất cả các mặt trong việc xây dựng nên câu chuyện đều đạt được như Thanh Tâm Tài Nhân mà tài thơ, ngôn ngữ thơ của Nguyễn Du trong Truyện Kiều không đạt tới đỉnh cao “tót vời”, thì liệu Truyện Kiều có nổi tiếng như hiện nay không?

Nói như vậy để khẳng định lại một lần nữa ngôn ngữ thơ là cái tinh túy hạng nhất, là tinh hoa của Truyện Kiều.

Dù ở trình độ nào đi nữa, là người Việt Nam đều có thể cảm nhận được cái hay của Truyện Kiều. Đó chính là thành công mà Nguyễn Du mong đợi.

 

II. NGUYỄN DU CÓ PHẠM LUẬT LỤC BÁT KHÔNG?

Thể thơ lục bát sớm nhất cũng chỉ xuất hiện ở Việt Nam vào khoảng cuối thế kỷ thứ 15. Lúc đầu vần điệu của thơ lục bát không như bây giờ, mà là chữ thứ 6 của câu lục vần với chữ thư 4 của câu bát, người ta gọi là lục bát cổ. Đến thế kỷ thứ 17, luật lục bát đã hoàn thành sứ mệnh của mình, khi chữ thứ 6 của câu lục chuyển sang vần với chữ thứ 6 của câu bát. Lúc này nếu làm thơ lục bát mà chữ thứ 6 của câu lục vần với chữ thứ tư của câu bát là đã phạm luật lục bát.

Thơ lục bát gồm từng cặp 6 và 8 lặp đi lặp lại không thay đổi về số chữ, trong đó câu lục chỉ có một vần ở chữ thứ 6, còn câu bát có hai vần, một vần ở chữ thứ 6 hiệp với chữ thứ 6 của câu lục trên và một vần ở chữ thứ 8, hiệp vần với chữ thứ 6 của câu lục dưới. Tất cả các vần đều là vần bằng (không có vần trắc). Câu bát có hai vần khác nhau; hai vần này không thể là phù bình hay trầm bình, tức là chữ thứ 6 nếu không có dấu thì chữ thứ 8 phải có dấu huyền và ngược lại. Hai chữ này không được dùng một thanh điệu (cùng dấu không hay cùng dấu huyền). Những điều này là bắt buộc, không có ngoại lệ:

139. Tuyết in sắc ngựa câu giòn,

Cỏ pha màu áo nhuộm non da trời

Thơ Lục bát phải tuân theo luật bằng trắc sau đây:

BB TT BB 1, 3, 5 bất luận

BB TT BB TB 2, 4, 6 phân minh

Ở các chữ 2, 4, 6 bắt buộc phải tuân theo luật bằng trắc, còn các chữ 1, 3, 5, 7 không bắt buộc phải tuân theo luật bằng trắc. Các chữ có dấu sắc, hỏi, ngã, nặng là vần trắc.

Hai chữ trắc thứ tư bắt buộc ở câu lục và câu bát làm thành một cái trục, xung quanh đó thơ lục bát xoay chuyển.

Thơ Lục bát là thể thơ có tính chất dân gian (ca dao). Nhịp điệu cơ bản của thơ lục bát là nhịp đôi, thể hiện thành quan hệ 2/2/2 trong câu lục và quan hệ 2/2/2/2 trong câu bát.

Nhịp điệu trong thơ lục bát đều đều khá tẻ nhạt.

Vì vậy Nguyễn Du đã chú ý, chủ động phá vỡ cái khuôn hình của luật lục bát. Nguyễn Du đã áp dụng cách đối vào thơ lục bát trong cả hai câu lục và câu bát và sáng tạo ra hai cách đối; đối chuẩn (đối chọi) và đối cân. Cách đối của Nguyễn Du là đối trong cùng một câu lục hoặc câu bát.

Đối chuẩn (đối chọi) là đối đúng theo quy tắc trường ốc, đối từng âm tiết, bằng trắc:

Mai cốt cách, tuyết tinh thần

Nền phú hậu, bậc tài danh

Người yểu điệu, kẻ văn chương

Đối cân là câu thơ cân đối chia làm hai vế, nhưng không chọi nhau, tức là không cần đối nhau từng từ, không cần đối nhau về bằng trắc:

Có cổ thụ, có sen hồ

Khi gió gác, khi trăng sân

Xét trên phương diện luật lục bát là Nguyễn Du đã phạm luật lục bát, vì chữ thứ 2 đáng lẽ là vần bằng thì Nguyễn Du lại đổi ra vần trắc, Chữ “khi” (chữ thứ 4) đáng lẽ phải là vần trắc thì Nguyễn Du lại đổi ra vần bằng. Tất nhiên Nguyễn Du biết điều đó.
Câu bát khi có đối cân hay không có đối Nguyễn Du vẫn tuân thủ đúng luật lục bát:
Ngựa xe như nước, áo quần như nêm

Việc phá vỡ luật lục bát trong phạm vi câu lục, tạo ra một vế đối chuẩn hoặc một vế đối cân, nhằm đa dạng nhịp điệu câu thơ, tránh cái nhịp điệu đều đều của thơ lục bát.

Nếu tỉ lệ âm tiết vần trắc quá thấp, câu thơ sẽ êm ái, dịu dàng, nhưng mất sức mạnh, mất tính đa dạng. Trong câu lục âm tiết vần trắc bắt buộc chỉ là 1, vần bằng là 2, còn số lượng âm trắc cao nhất là 4. Cho nên muốn tăng âm trắc làm cho câu thơ mạnh mẽ hơn, bắt buộc phải phá vỡ luật bằng trắc:

Có cổ thụ, có sơn hồ - (4 trắc)

Nước vỏ lựu, máu mào gà - (4 trắc)

Hết nạn nọ, đến nạn kia - (5 trắc)

Nói một cách công bằng thì Nguyễn Du đã phạm luật lục bát, nhưng là sự phạm luật cần thiết, đáng yêu, để sáng tạo ra một “luật lục bát mới”. Ngày nay làm thơ theo kiểu Nguyễn Du như trên người ta không cho là phạm luật lục bát. Nói cách khác, dân thơ ca, các nhà nghiên cứu, bình luận Việt Nam đã chấp nhận và công nhận “luật lục bát mới” của Nguyễn Du.

 

III. THƠ LỤC BÁT NGUYỄN DU THUỘC LOẠI HÌNH NÀO?

Thơ lục bát Nguyễn Du thuộc loại thơ tả thực, tả tình, tượng trưng, ước lệ, ẩn dụ tu từ. Khi miêu tả nội tâm, tâm lý nhân vật, Nguyễn Du dùng phương pháp thơ tượng trưng, ước lệ, ẩn dụ tu từ, còn khi tả cảnh ông dùng lối thơ tả thực, ẩn dụ, khi miêu tả nhân vật ông kết hợp thơ tả thực, tượng trưng và ẩn dụ. Những câu thơ loại này có ở khắp nơi trong Truyện Kiều, chúng tôi xin trich dẫn một số câu:

283. Song hồ nửa khép cánh mây

Tường đông ghé mắt ngày ngày hằng trông.

Tấc gang động khóa nguồn phong,

Tuyệt mù nào thấy bóng hồng vào ra.

“Song hồ nửa khép cánh mây” là của sổ có chấn song, có dán giấy khép kín hai “cánh mây”

Tuy gần trong gang tấc, nhưng động bị khóa, các nguồn tin bị phong tỏa, nên tuyệt nhiên mù mịt chẳng thấy “bóng hồng” Thúy Kiều “vào ra”.

361. Vội vàng lá rụng hoa rơi,

Chàng về thư viện nàng dời lầu trang.

“Vội vàng lá rụng hoa rơi” là cách nói tương trưng ẩn dụ, chỉ hai người Kim Trọng và Thúy Kiều rời nhau ra nhanh chóng, chàng thì về “thư viện”, còn nàng thì dời về “lầu trang”, vì “Mé sau dường có xôn xao tiếng người”.

389. Lần theo núi giả đi vòng,

Cuối tường dường có nẻo thông mới rào.

Sẵn tay mở khóa động đào,

Rẽ mây trông tỏ lối vào Thiên Thai.

“Sẵn tay mở khóa động đào/ Rẽ mây trông tỏ lối vào Thiên Thai” là câu thơ lấy tích cổ, “mở khóa động đào” mở khóa Đào Nguyên (mở cái lối rào sang với nhau). “Rẽ mây trông tỏ lối vào Thiên Thai”, bây giờ chỉ cần nhẹ nhàng “rẽ mây” là đã “trông rõ lối vào Thiên Thai”, nghĩa là khi cả hai đã yêu nhau thì việc đến với nhau là quá dễ dàng để vào cái động Thiên Thai mơ ước bấy lâu.

845. Tiếc thay một đóa trà mi,

Con ong đã mở đường đi lối về!

Là cách nói tượng trưng, ước lệ, ẩn dụ tu từ, một cách lịch sự tế nhị, chỉ hành động “bẻ hoa” của Mã giám sinh với một chữ “mở” hoặc chữ “tỏ” kỳ diệu.

 

IV. THƠ LỤC BÁT TRONG TRUYỆN KIỀU

Thơ lục bát là hồn cốt dân tộc Việt Nam. Nó đã chạm đến tầng sâu ngôn ngữ và tâm hồn người Việt. Nó nhập vào, ăn sâu vào tâm tư, tình cảm người Việt, âm điệu của thơ lục bát khi vang lên là làm cho người Việt Nam như say hương rượu, hương đồng nội, hương tình… một thứ hương vô hình mà đầy quyến rũ. Lục bát là món ăn tinh thần kỳ diệu của người Việt Nam. Riêng Truyện Kiều là món ăn tinh thần đặc biệt, kỳ thú ai cũng muốn thưởng thức.

Thơ Nguyễn Du kết hợp được cả thơ bình dân và bác học, nên Truyện Kiều lôi cuốn, hấp dẫn cả người thường và người có học thức cao.

Thơ lục bát của Nguyễn Du ở đẳng cấp thượng thừa, từng câu, từng chữ không thừa không thiếu. Đọc Truyện Kiều người đọc có cảm tưởng Nguyễn Du làm thơ mà câu chữ trong đầu cứ tuôn chảy như suối nguồn không dứt. Đối với ông, sáng tác thơ lục bát giống như dạo chơi trên cánh đồng ngôn ngữ, mà trước mắt là “Cỏ non xanh tận chân trời/ Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”.

Thơ lục bát trong Truyện Kiều có gì đặc biệt.

1. Tỉ lệ vần bằng và vần trắc trong thơ Kiều

Để làm việc này với cả 3254 câu thơ cũng không khó, nhưng không cần thiết, nên chúng tôi chỉ thống kê 100 câu thơ từ 1 - 100 (tức là 700 chữ) trong Truyện Kiều xem tỉ lệ giữa vần bằng và vần trắc trong thơ Kiều là như thế nào?

Tỉ lệ vần bằng và vần trắc trong thơ Kiều thống kê được là 60/40. Tức là trong 10 câu thơ lục bát (70 chữ) thì có 42 vần bằng và 28 vần trắc. Thơ Lục bát có tỉ lệ vần bằng nhiều hơn vần trắc, nên khi đọc lên nghe du dương, êm ái, nhưng nhịp điệu 2/2/2 của thơ lục bát cứ lặp đi lặp lại nghe lâu dễ nhàm chán. Vì vậy câu thơ lục bát muốn cho mạnh và muốn thể hiện cái trúc trắc, khó khăn, nguy hiểm phải tăng tỉ lệ vần trắc lên.
Theo luật lục bát, trong câu bát chữ thứ hai phải là vần bằng, chữ thứ 6 vần với chữ thứ 6 của câu lục trên, nên cũng có vần bằng, chữ thứ 8 phải vần với chữ thứ 6 của câu lục dưới, nên cũng có vần bằng. Như vậy trong câu bát vần bằng tối thiểu là ba, vần trắc tối đa là 5.

2. Những câu bát có tỉ lệ vần trắc tối đa và vần bằng tối thiểu:

2. Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau (5 trắc, 3 bằng)

870. Vó câu khấp khểnh bánh xe gập ghềnh

(5 trắc, 3 bằng)

34. Một thiên Bạc mệnh lại càng não nhân (5 trắc, 3 bằng)

44. Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh - (5 trắc, 3 bằng)

Mé ngoài nghỉ đã giục liền ruổi xe - (5 trắc, 3 bằng)

86. Sụp ngồi bạ cỏ trước mồ bước ra - (5 trắc, 3 bằng)

Trong một câu lục, chữ thứ 2 và thứ 6 phải là vần bằng, chữ thứ 4 phải là vần trắc. Như vậy trong một câu lục vần trắc tối đa là 4 và vần bằng tối thiểu là 2.

3.Những câu lục và câu bát có tỉ lệ vần trắc tối đa và vần bằng tối thiểu:

3.1. Tỉ lệ vần trắc tối đa trong câu lục và trong câu bát

Chúng tôi thống kê xem trong 200 câu thơ đầu tiên (từ 1 -200) trong Truyện Kiều có bao nhiêu câu lục có vần trắc tối đa và bao nhiêu câu bát có vần trắc tối đa.

3.2. Các câu lục có vần trắc tối đa (4 vần trắc):

3. Trải qua một cuộc bể dâu

67. Có người khách ở viễn phương

79. Trải bao thỏ lặn ác tà

93. Gọi là gặp gỡ giữa đường

99. Rút trâm sẵn giắt mái đầu

103. Lại càng ủ dột nét hoa

119. Một lời nói chửa kịp thưa

141. Nẻo xa mới tỏ mặt người

177. Một mình lặng ngắm bóng nga

197. Mấy lòng hạ cố đến nhau

Có 10 câu lục, có vần trắc tối đa là 4, trong tổng số 100 câu lục, chiếm 10%. Như vậy tỉ lệ câu lục có vần trắc tối đa (4 vần trắc) là 10%.

3.3. Các câu bát có vần trắc tối đa (5 vần trắc):

2. Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau

34. Một thiên bạc mệnh lại càng não nhân

44. Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh

96. Sụp ngồi bạ cỏ trước mồ bước ra

120. Phút đâu trận gió cuốn cờ đến ngay

132. Gốc cây lại vạch một bài cổ thi

142. Khách đà xuống ngựa tới nơi tự tình

166. Rốn ngồi chẳng tiện dứt về chỉ khôn

Có 8 câu bát, có vần trắc tối đa là 5, trong tổng số 100 câu bát, chiếm 8%. Như vậy tỉ lệ câu bát có vần trắc tối đa (5 vần trắc) là 8%.

3.4. Tỉ lệ vần trắc tối thiểu trong câu lục và câu bát

3.4.1. Các câu lục có vần trắc tối thiểu (1 vần trắc)

1. Trăm năm trong cõi người ta

39. Ngày xuân con én đưa thoi

131. Lòng thơ lai láng bồi hồi

145. Chàng Vương quen mặt ra chào

147. Nguyên người quanh quất đâu xa

173. Gương nga vành vạnh đầy song

193. Thưa rằng: Thanh khí xưa nay

Có 7 câu lục, có vần trắc tối thiểu là 1, trong tổng số 100 câu lục, chiếm 7%. Như vậy tỉ lệ câu lục có vần trắc tối thiểu (1 vần trắc) là 7%.

3.4.2. Các câu bát có vần trắc tối thiểu (1 vần trắc)

Các câu bát có vần trắc tối thiểu (1 vần trắc):

70. Thì đà trâm gãy bình rơi bao giờ

138. Sau chân theo một vài thằng con con

152. Vào trong phong nhã ra ngoài hào hoa

Có 3 câu bát, có vần trắc tối thiểu là 1, trong tổng số 100 câu bát, chiếm 3%. Như vậy tỉ lệ câu bát có vần trắc tối thiểu (1 vần trắc) là 3%.

Trên đây thống kê các câu thơ có vần trắc tối đa và vần trắc tối thiểu, số còn lại là các câu lục có vần trắc từ 2 - 3, chiếm 82% [100 - (10 + 8)] và các câu bát có vần trắc từ 2- 4 chiếm 90% [100 - (7 + 3)].

Như vậy theo thống kê sơ bộ, các câu lục và các câu bát có vần trắc tối đa chiếm 18% (10% + 8%), còn các câu lục và các câu bát có vần trắc tối thiểu chiếm 10% (7% + 3%).

Thơ Nguyễn Du tinh diệu, mênh mông, huyền ảo và quyến rũ, câu chữ như thần. Thơ Kiều lúc tả cảnh, lúc tự sự, lúc triết lý… nó vừa như thực vừa như hư, chữ nào cũng đẹp, câu nào cũng hay, càng đọc càng thấy hay, càng nghĩ càng thấy thấm thía, càng thấy sâu sắc, càng thấy mê hoặc… lôi cuốn và làm mê đắm lòng người.

*.

LÊ THANH LONG

Địa chỉ: Phòng 1132, nhà HH03C, Khu đô thị Thanh Hà,

xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội.

Email: lethanhlong321@gmail.com

Điện thoại: 0822.098.772

 

 

 

 

...........................................................................................................

- Cập nhật theo nguyên bản từ email tác giả gửi ngày 10.09.2020

- Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến. 

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.


0 comments:

Đăng nhận xét