DỰNG CHUYỆN, BỊA ĐẶT ĐỂ BẢO VỆ CÁI SAI: TRƯỜNG HỢP ÔNG ĐỖ NGỌC THỐNG - Tác giả: Chu Mộng Long (Bình Định)

Leave a Comment

 

DỰNG CHUYỆN, BỊA ĐẶT ĐỂ BẢO VỆ CÁI SAI:

TRƯỜNG HỢP ÔNG ĐỖ NGỌC THỐNG

*

Bảo vệ việc ông Tổng Chủ biên Nguyễn Minh Thuyết đưa vào Sách giáo khoa tiếng Việt Một những truyện ngụ ngôn gọi là "phỏng" thực chất là bóp méo, xuyên tạc trắng trợn truyện gốc để thành truyện phản giáo dục, nhảm nhí, ông Đỗ Ngọc Thống có bài viết "Văn học với trẻ thơ và người lớn". Tóm ý như sau:   

(Tác giả Chu Mộng Long)

1) Khi nghe xong truyện cổ tích Tấm Cám, mẹ hỏi: "Con thích Tấm hay Cám?" Em bé sẽ trả lời ngay: "Thích Cám!". Mẹ ngạc nhiên hỏi vì sao, em bé hồn nhiên trả lời: "Vì Cám có mẹ!". (Có vẻ hồn nhiên thật hè?)

2) Ông Thống kể chuyện thầy giáo ở Mỹ dạy truyện Lọ Lem, Khi thầy hỏi học sinh: "Nếu em là mẹ kế (dì ghẻ), em có ngăn cản Lọ Lem đi dự hội không?". Học sinh trả lời có. Thầy hỏi vì sao? Học sinh đáp: "Vì em yêu con gái mình hơn, em muốn con gái mình thành hoa hậu!" (Có vẻ mang bản năng làm mẹ hè?). Thầy khen đúng và giảng giải cho học sinh hiểu không nên định kiến dì ghẻ là xấu. Thực ra họ không tốt với người khác thôi, chứ rất tốt với con mình! (Lãng nhách, vì trẻ đã được thầy khen chứ định kiến hồi nào mà thầy phải "dạy dỗ" không nên định kiến hè?)

3) Những tác phẩm văn học sâu sắc thường chứa nhiều ý nghĩa và có thể suy luận theo nhiều cách khác nhau. Trong nhà trường cứ để trẻ em tiếp nhận nhiều cách khác nhau bằng trí tuệ và tâm hồn của trẻ. Và thầy cô giáo sẽ "dạy dỗ" trẻ em bài học về sự nhân hậu, cao cả... (Nghe chừng rất đúng với tinh thần "dạy học phát triển năng lực" hè?)

Từ ba ý trên, ông Thống đi đến kết luận, việc Sách giáo khoa Tiếng Việt Một đưa vào những truyện ngụ ngôn có nội dung của sự lừa lọc, khôn vặt, láu cá, tráo trở... cho trẻ em tiếp cận sớm là chính đáng. Sự thật, nói những truyện ấy toàn dạy trẻ trò khôn vặt, lừa lọc, láu cá, tráo trở... là do người lớn suy diễn. Trẻ con không nghĩ và hiểu văn học như vậy! (Có vẻ rành "đọc hiểu văn bản" hay lý thuyết tiếp nhận quá hè?)

Tôi đọc xong bài của ông Thống, thú thực tôi không thể hiểu ông nói gì. Bởi ba ý mâu thuẫn đến tréo ngoe. Ý 1 ông nói trẻ sẽ làm Cám vì Cám có mẹ; ý 2 ông nói, trẻ sẽ làm dì ghẻ để ngăn Lọ Lem đi dự hội, vì muốn con mình thành hoàng hậu. Ý 3, ông nói trẻ em có nhiều cách hiểu khác nhau, tức có thể đúng hoặc sai và cần thầy cô "dạy dỗ". Coi như 3 ý này có sự thống nhất cơ bản đi, thống nhất ở điểm trẻ em thích nhân vật ác. Nhưng như vậy cũng coi như ông thừa nhận trẻ em có thể làm cái gì có lợi cho nó, bất luận là dùng thủ đoạn làm hại người khác. Nhưng đến ý kết luận thì ông lại khẳng định, rằng nói sách Tiếng Việt Một đưa vào những truyện ngụ ngôn dạy cho trẻ học sự láu cá, khôn vặt, lọc lừa, tráo trở là suy diễn của người lớn, tức những người chống phá cái món "dạy học phát triển năng lực" của các ông. Có mâu thuẫn không, khi một mặt ông vừa thừa nhận trẻ em vụ lợi, đứng về phía cái xấu, cái ác để làm hại người khác, mặt khác ông lại nói trẻ em không nghĩ và hiểu văn học như nội dung phản giáo dục mà người lớn suy diễn trên kia?

Những người não không có nếp nhăn đọc trơn sẽ rất đồng tình với ông và khen ông nói đúng, nói hay. Còn tôi thì bác bỏ hoàn toàn!

Thứ nhất, tôi khẳng định với ông, bất cứ trẻ em nào, khi kể cho nó nghe xong truyện Tấm Cám, nó đều không đòi làm Cám mà rất ghét Cám. Tôi từng thử nghiệm cho cô giáo kể chuyện Tấm Cám như sách giáo khoa (tức đã bỏ hẳn đoạn kinh dị Tấm tắm nước sôi Cám và làm mắm cho mụ dì ghẻ ăn), không giảng giải gì thêm. Nhưng khi cho trẻ chơi trò đóng vai, tuyệt nhiên không có trẻ nào chịu đóng vai Cám. Hỏi vì sao? Trẻ đều trả lời hoặc ghét Cám hoặc sợ bạn ghét. Ông có dám cược không khi cùng tôi thử lần nữa xem? Đừng coi thường trẻ em mà bịa chuyện như vậy, trừ phi cá nhân ông hồi bé nghe chuyện Tấm Cám rồi đòi làm Cám hay dì ghẻ cho thoả mãn cái oai hoặc ác!

Thứ hai, chuyện dạy Lo Lem ở Mỹ thì chính tôi là người từng share cả cái clip và dịch cho mọi người xem. Không có tình huống đơn giản và nhảm nhí như ông bịa. Tôi tóm gọn thế này. Sau khi thầy giáo kể xong chuyện Lọ Lem, thầy hỏi các em đứng về phía ai, Lọ Lem hay mẹ kế? Cả lớp đều đứng về phía Lọ Lem. Thầy hỏi vì sao? Cả lớp gần như đều nói, vì mẹ kế đáng ghét. Tình huống ấy mới dẫn đến thầy hỏi câu này: "Các em hãy nói thật trung thực, nếu sau này các em có con, các em sẽ yêu và bênh vực con mình hay con của người khác?" Lúc ấy học sinh mới ngớ người ra. Nhiều em nói: "Em sẽ yêu và bênh vực con của mình hơn!" Bây giờ thầy mới nói, người mẹ yêu và thiên vị con mình đẻ ra là hiển nhiên, chưa hẳn đã xấu. Nhưng không phải vì thế mà làm hại người khác. Chuyện thế đấy ông Thống ạ. Tôi bình, rằng trẻ em ở đâu cũng vậy. Cổ tích dễ gieo rắc vào đầu trẻ em định kiến dì ghẻ/con chồng, rằng mọi dì ghẻ đều xấu. Trong xã hội hiện đại, nếu không giải định kiến ấy, không chừng dì ghẻ sẽ thành nạn nhân của con chồng hoặc cả họ nhà chồng.

Lúc nào cần tôi cho ông xem lại clip ấy. Đừng bịa đặt tuỳ tiện để lừa bạn đọc không có thông tin, vì ông thầy Mỹ và trẻ em Mỹ không có cái đầu như ông.

Thứ ba, không biết ở đâu ra, ông lại vu cho đám người lớn suy diễn sách giáo khoa Tiếng Việt Một dùng truyện ngụ ngôn để dạy trẻ em thói khôn vặt, láu cá, tráo trở, lừa lọc? Điều ông nói chỉ đúng cho những truyện ngụ ngôn bị ông Thuyết cắt xén ra làm bài học. Cả truyện thì không, nhưng riêng chuyện hai con Ngựa đoạn 1 kết thúc bằng sự hả hê "Có lý" thì ông Thuyết đã dạy cái "lý" gì nếu không phải cổ vũ sự lười biếng? Truyện Quạ và Chó không cắt gọt thành hai phần, nhưng đổi nhân vật Cáo nguyên gốc thành Chó, rồi kết thúc Chó khôn hơn Quạ nên được ăn nhiều, còn Quạ thì ngu nên mất phần, chẳng phải dạy trẻ em khôn vặt, láu cá là gì? Sự vụ lợi dẫn đến khôn vặt, láu cá, lưu manh ấy có đúng với nội dung 1 và 2 mà ông đưa ra không? Một giờ dạy chữ đủ thời gian để tẩy não trẻ em (mà ông gọi là "dạy dỗ") sao, nếu có thật cái trò ấy đã ngấm vào não trẻ em?

Ông có biết lý thuyết catharsis của Vygotsky không? Bản thân một nghệ thuật chân chính đã có sự thanh lọc rõ ràng bởi từ xung đột giữa hai mặt đối lập, nó luôn định hướng người đọc giải toả tâm lý từ căng thẳng đến thư giãn, cái tầm thường, dung tục sẽ loại trừ để cái đẹp, cái thiện thăng hoa. Trẻ em không thích nhân vật ác như ông tưởng tượng, trừ phi đó là loại "phỏng" méo mó, xuyên tạc như sách của các ông. Cách viết sách như ông Thuyết đã làm cho cái xấu, cái bẩn bựa thăng hoa.

Tôi nhiều năm trải nghiệm nghề nghiệp, gắn bó với mầm non và tiểu học, tôi chắc chắn hiểu trẻ em hơn giáo sư tiến sỹ phòng lạnh các ông. Tôi không tin trẻ em hoặc Thiện (Khổng Tử), hoặc Ác (Tuân Tử). Trẻ em là tự nhiên, trước khi tham gia vào đời sống xã hội, chúng "bất tư thiện, bất tư ác". Nhưng cũng ở cái bản thể tự nhiên ấy, trẻ em lại có đủ tiềm năng của mọi thứ sau này. Chúng sẽ phát triển tính thiện hoặc tính ác là do môi trường xã hội và đặc biệt là do tác động của giáo dục. Một xã hội mà cái ác lên ngôi, một nền giáo dục mà người thầy để cho bọn trẻ thấy sự lưu manh là có lợi thì ắt tính ác sẽ hình thành trong trẻ và trở thành mối nguy hiểm cho cộng đồng.

Cuối cùng, tôi quay lại hai điều ông bịa đặt trên kia. Trẻ em bất thiện bất ác, nhưng cũng vì thế bất vụ lợi. Nó thích xem cơn bão hay lụt mà không sợ nguy hiểm như người lớn. Ông thử cho em bé một đồ chơi đẹp, nó sẽ đổi cho ông cả căn nhà bạc tỷ của cha mẹ nó đấy. Nó vô tư hồn nhiên như Tom và Jerry vậy. Dẫu nó có tạm bị cho là khôn vặt như Jerry hay gọi là thật thà như Tom thì vẫn luôn dễ thương. Hai con vật nghịch phá, "chơi xỏ" nhau bao phen mà khi gặp nạn vẫn chia sẻ và yêu thương nhau một cách vô tư. Chỉ có người lớn vì tính vụ lợi mới xem Chuột là xấu (vì phá hoại) và Mèo có ích (vì bắt chuột), trong khi nếu không có định kiến của con người, thì mèo và chuột là bình đẳng trong hệ sinh thái tự nhiên. Tác giả của Tom và Jerry đã giải định kiến đầy vụ lợi của con người để trả về tự nhiên nguyên thuỷ. Trẻ em thích phim này vì Tom và Jerry giống như chúng. Ông gán cho trẻ em thích Cám vì có mẹ yêu thương bất luận làm hại người khác, đứng hẳn về phía mẹ kế làm hại Lọ Lem để con mình thành hoàng hậu là một nhận thức méo mó, cố tình xuyên tạc, coi thường trẻ em.

Những người coi thường trẻ em không thể có tư cách làm chương trình và sách dạy học phát triển năng lực đúng nghĩa, ông Thống ạ. Nếu giao cho các ông, trẻ em không phát triển nhân cách lệch lạc thì cũng chỉ là kẻ ngồi hóng hớt nghe các ông khua môi múa mép chuyện văn chương phù phiếm để vào đời khoe chữ. Mà khoe gì chứ khoe mấy cái thứ từ ngữ tối nghĩa, vỉa hè, xó chợ như trong sách ông Thuyết thì, một là thành cậu Phước của bà Phó Đoan suốt ngày kêu "em chã" thay vì "em không", hoặc là thành nhà thơ "hậu hiện đại" viết ra những từ và câu vô nghĩa như "nhá cỏ", "nhá dưa", "tợp khổ mỡ"... không ai hiểu được.

Đố các ông có tiếng là giáo sư tiến sỹ giỏi chữ, rằng cái chữ bậy bạ có làm méo mó câu chuyện chân chính và dẫn đến làm méo mó tâm hồn, nhân cách người học không? Vậy thì đố luôn các nhà giáo dục, rằng vì sao có những chuyện người lớn phải đóng cửa nói nhỏ với nhau, hoặc làm với nhau mà không cho trẻ em được nghe, được biết? Và hiển nhiên các vị cũng phải trả lời rốt ráo, vì sao tất cả các quốc gia văn minh đều có điều luật cấm người lớn để lộ những chuyện nhạy cảm hay bạo lực trước trẻ em? Tất nhiên, đã là "thủ đoạn" thì người ta tự giấu kín rồi, khỏi cấm!

--------

Mời đám học trò và giáo viên nịnh ông Thống vào đây mà cãi!

*.

CHU MỘNG LONG (tên thật Châu Minh Hùng)

Địa chỉ: Khoa GD Tiểu học Mầm non, Đại học Quy Nhơn

170 An Dương Vương, phường Nguyễn Văn Cừ,

thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định

Điện thoại: 0982.03.61.75

..

.

 

 

 

.............................................................................................................

- Cập nhật từ email: datinh_1974@yahoo.com gửi ngày 16.10.2020.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến. 

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

.

0 comments:

Đăng nhận xét