LÁ TRÚC CHE NGANG MẶT CHỮ ĐIỀN - Tác giả: Tạ Phương (Hải Phòng)

Leave a Comment

 

LÁ TRÚC CHE NGANG

MẶT CHỮ ĐIỀN

*

Bài thơ Đây thôn Vỹ Dạ của Hàn Mặc Tử đến nay vẫn như một viên ngọc âm thầm tỏa sáng, thứ ánh sáng lung linh chứa nhiều ẩn ức. Như mọi viên ngọc quý, nhìn từ các góc độ khác nhau người ta có thể thấy những sắc màu khác nhau của nó biến ảo khôn lường. Người thì bảo đây là một bài thơ giản dị, trong sáng thuần khiết, người thì liệt nó vào trường thơ điên, ma mị. Trong bài viết nhỏ này chúng tôi không có tham vọng phân tích tiếp về khía cạnh đó, mà chỉ muốn bàn thêm đôi lời về cách hiểu câu thơ nổi tiếng “Lá trúc che ngang mặt chữ điền”.  

(Tác giả Tạ Phương)

Giới cầm bút cũng đã tốn không ít giấy mực cho câu này - một câu thơ được kết từ hai yếu tố rất minh bạch là “lá trúc” và “mặt chữ điền”, thêm một động từ “che” và một trạng từ “ngang”. Một câu văn thuần Việt, đơn giản, rõ ràng, thậm chí không hề biến vị trong cấu trúc ngữ pháp, vậy mà vẫn là đề tài tranh luận, một thách đố dằng dai chưa dứt qua nhiều thập kỷ.

Điều khiến người ta tranh cãi lại chính là nghĩa của câu thơ, đặc biệt của cụm từ “mặt chữ điền” đó là gì vậy? Một mảnh vườn vuông vức? Một khuôn mặt nữ xinh xắn thấp thoáng sau cành trúc khi chàng trai ghé nhìn vào mảnh vườn nhà nàng? (Ý này nhiều người không đồng tình, vì trong tâm thức người Việt, “mặt chữ điền” là cụm từ dành để mô tả khuôn mặt nam nhi). Một khuôn mặt chữ điền của người trai từ phương xa hình dung mình được trở về Vỹ Dạ, nhìn ngắm vườn nhà ai qua cành lá trúc che ngang… Ý cuối cùng này là của Chu Văn Sơn1, theo chúng tôi là cách lý giải hợp lý, nhưng mới chỉ hợp về tình huống. Khi Hàn Mặc Tử lâm trọng bệnh, trong ông hình thành rõ rệt hai thế giới “trong này” và “ngoài kia”. Ở “trong này”, ông khát khao được phân thân, ra với “ngoài kia”, ra với đời thường đẹp đẽ, quyến rũ. Ước mơ ấy thể hiện rõ nét khi ông mô tả thôn Vỹ Dạ. Phong cảnh của cái thôn ven sông Hương ấy trở nên thơ mộng, đẹp trong sáng, chân thực đến xót xa! Nhưng trong khung cảnh ấy, liệu Hàn Mặc Tử có cần tự họa mình với khuôn mặt bảnh trai (chữ điền) theo kiểu “vơ vào” đầy kiêu hãnh như Chu Văn Sơn nghĩ? Trong trường hợp này, theo chúng tôi chắc không phải vậy.

Trong một dịp công tác vào Huế, chúng tôi nóng lòng muốn thấy lại chút gì đó nhắc nhớ tới cái hồn của Đây thôn Vỹ Dạ, cái làng thôn bình dị bên sông Hương đã trở nên nổi tiếng nhờ một bài thơ. Cái mà chúng tôi chú ý khi đi theo từng ngõ ngách của Vỹ Dạ chính là những mảnh vườn quê. Còn đó những hàng cau, cây khế, khóm tre, bụi trúc... Ngăn cách vườn nhà với đường thôn là hàng rào hoặc tường xây, với những ô trống như con mắt của mảnh vườn. Qua những “mắt vườn” có thể nhìn ra ngoài đường và từ bên ngoài cũng có thể nhìn qua đó để thấy được cây lá bên trong. Có lẽ tưởng tượng mình được nhìn qua những “mắt vườn” như thế mà Hàn thi sỹ đã thốt lên: “Vườn ai mướt quá xanh như ngọc”. Nếu đúng vậy, liệu ta có cần hiểu cái “mặt chữ điền” kia là mặt người thôn Vỹ (mặt nữ) hay mặt người trở về thôn Vỹ (là mặt nam, có thể là của chính thi nhân) không? Đành rằng hiểu theo nghĩa nào cũng có cái lý riêng của nó.

Sau khi quan sát các “mắt vườn” ở Vĩ Dạ, những khoảng trống trang trí trên tường bao, chúng tôi nảy ra ý nghĩ, có thể lý giải “mặt chữ điền” một cách dung dị hơn. Đành rằng những khoảng trống “mắt vườn” đó không phải đã có từ thời bài Đây thôn Vỹ Dạ được viết ra, nhưng chúng vẫn như một vật chứng vượt qua thời gian, muốn mách bảo cho chúng ta một điều gì đó...

Phần lớn những “mắt vườn” hôm nay có hình chữ nhật kéo dài theo chiều thẳng đứng, khá thông thoáng. Song cũng không hiếm những ô vuông. Các ô có thể trống rỗng, nhưng đa phần được lắp gạch trang trí. Ngày xưa có một thứ gạch trang trí hình vuông, phía trong có một chữ ĐIỀN rất rõ, được gọi là “gạch chữ điền”. Loại gạch đó của xứ Huế ngày nay hầu như chỉ còn lại trong các kiến trúc cổ, ví dụ trong khu vực Lăng Tự Đức còn có khá nhiều (xem ảnh minh họa). Nhiều loại gạch trang trí ngày nay vẫn còn dáng của chữ điền cách điệu. Tuy nhiên, riêng những “mắt vườn” dạng ô vuông trống trên tường (bên trong không có gạch trang trí) cũng đã gợi về một chữ điền rồi - một cách gọi ví von cho những vật có hình dạng vuông vức. Khuôn mặt nam nhi vuông vức được gọi là “mặt chữ điền” với nghĩa như thế, chứ không phải nó giống hệt chữ điền với đủ cả nét ngang nét sổ. Cũng tương tự, khuôn mặt tròn từng được coi là vẻ đẹp của thiếu nữ đã được ví là “mặt nguyệt” (cũng chỉ mang ý nghĩa biểu trưng).

Nếu đúng vậy, thì hẳn người thơ đã nhìn vào mảnh vườn Vĩ Dạ, qua một “mắt vườn” hình chữ điền, có mấy lá trúc che ngang…

______

1. Trong “Tinh hoa thơ mới - thẩm bình và suy ngẫm”, Nhà xuất bản Giáo dục, 1999.

Nguồn Văn nghệ số 20/2020

*

TẠ PHƯƠNG

Địa chỉ: (đang cập nhật)

Email: (đang cập nhật)

Điện thoại: (đang cập nhật)

 

 

 

 

........................................................................................

- Cập nhật từ email: dovantuyenbk@yahoo.com.vn ngày 26.09.2020

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại..      

.

0 comments:

Đăng nhận xét