ĐỜI TƯ CÁC VỊ HOÀNG ĐẾ TRUNG HOA: NAM LƯƠNG NGUYÊN ĐẾ TIÊU DỊCH - Chuyển ngữ: Trần Đình Hiến (Hà Nội)

Leave a Comment

 

NAM LƯƠNG NGUYÊN ĐẾ TIÊU DỊCH

Con rồng chuột rồng của Từ Nương nửa già nửa trẻ

*

Năm 552 sau công nguyên, Hầu Cảnh, con người từng làm đảo lộn vương triều Lương thời Nguỵ Tấn Nam Bắc triều, bị bộ hạ giết chết, “loạn Hầu Cảnh” kết thúc sau khi kéo dài 5 năm.

Trong cơn loạn lạc này, không chỉ giết hại Lương Vũ Đế Tiêu Diễn, mà còn làm thiệt mạng một con trai (tức Giản Văn Đế Tiêu Cương), một chúa (Giám Hạ Vương Tiêu Chính Đức), một chút (con của cháu, tức Dự Chương Vương Tiêu Đống) của Tiêu Diễn.  

(Dịch giả Trần Đình Hiến)

Tiêu Cương, Tiêu Chính Đức, Tiêu Đống không chết dưới tay Hầu Cảnh, về cái chết của họ, một người họ Tiêu, tên Dịch chịu phần lớn trách nhiệm.

Tiêu Dịch, tự Thế Thành, là con thứ 7 Lương Vũ Đế Tiêu Diễn, vốn là một chức nho nhỏ – Tương Đông Vương, gặp thời tao loạn dựa vào sức mạnh cơ bắp đuổi em giết cháu, cuối cùng leo lên ngôi báu.

Tiếc rằng, giấc mộng quân vương của Tiêu Dịch chẳng được bao lâu, ông ta chỉ ngồi trong điện Kim Loan được ba năm.

Trong ba năm ấy Tiêu Dịch đã để lại những gì trong lịch sử Trung Quốc.

 

1. NỘI CHIẾN TRONG NHÀ, GIẾT CHA, GIẾT EM TRAI, DÌM CHẾT CHÁU.

Sự thay thế quyền lực ở vương triều Lương diễn ra có phần trái với đạo lý. Người sáng lập vương triều Tiêu Diễn khi mới lên ngôi lập Tiêu Thống làm Thái tử. Thống chẳng may chết sớm, để lại ba người con trai: Tiêu Thán, Tiêu Dự, Tiêu Sát. Theo nguyên tắc, “con lớn dòng trưởng thừa kế”, trong thời đại phong kiến, sau khi Thái tử mất, Tiêu Diễn phải truyền ngôi cho con Thái tử, tức hoàng thái tôn (cháu trưởng). Nhưng Tiêu Diễn không làm vậy, mà truyền ngôi cho một người con khác là Tiêu Cương, khiến thiên hạ rất bất bình.

Tiêu Dịch là một trong những con của Vũ Đế như Tiêu Cương, nhân đó khởi binh, với chiêu bài là thảo phạt Hầu Cảnh, nhưng trước hết tấn công cháu mình là Tiêu Sát.

Như trên đã nói, Tiêu Sát là con trưởng của Hoàng  Thái tử Tiêu Thống, theo tông pháp phong kiến, là “đại tông”, khi đó với tư cách Nhạc Dương Vương, Đô Đốc quân sự các châu Ung, Lương, Ích, Tần, Dĩnh, Tuỳ, sử chép rằng “trăm họ mang ơn”.

Sau khi đán bại Tiêu Sát, Tiêu Dịch mới “truyền hịch gần xa, thảo phạt Hầu Cảnh”, nhưng vẫn không ra quân phạt Cảnh.

Một thành viên khác trong hoàng tộc: Yên Lăng vương Tiêu Luân, chướng mắt trước hành động của Tiêu Dịch, ra sức tu sửa khí giới, rèn luyện quân sĩ, chuẩn bị bảo vệ vương nhất. Thấy vậy, Tiêu Dịch cả giận, sai thủ hạ là Đại Tướng Vương Tăng Biện đem quân tập kích, khiến Tiêu Luân phải bỏ chạy.

Đến đây, mọi người bất giác nêu câu hỏi: Tiêu Dịch làm gì vậy?

Người nào hiểu biết thì trả lời:

- Giết người, giết em ông ta là Tiêu Cương và cháu ông ta là Tiêu Đống, hai người này là trợ lực trong chuyện lên ngôi của ông ấy.

Có điều là, Tiêu Dịch đọc rất nhiều sách nên tương đối cao thủ, giết người thân rất “nghệ thuật”, rất thành thạo, không để cho Tiêu Cương và Tiêu Đống chết dưới lưỡi dao của ông ta, để ông ta mang tiếng giết vua, mà mượn tay người khác, mượn tay Hầu Cảnh để khử kẻ thù chính trị của mình. Thời Tam quốc, Tào Mạnh Đức không giết Nễ Hành mà mượn tay Hoàng Tổ, mọi người đều cho Tào là gian hùng. Sử dụng công này của Tiêu Dịch có thể coi không kém Tào A Man.

Hầu Cảnh quả nhiên trúng kế, tuy Hầu Cảnh đã lấy công chúa Phiêu Dương (con gái của Tiêu Cương) làm vợ, hơn nữa tình cảm vợ chồng rất thắm thiết, nhưng khổ nỗi Tiêu Dịch cứ ép mãi, không thể không giết Tiêu Cương, lập Dự Chương Vương Tiêu Đống, cháu của Thái tử Chiêu Minh, rồi lại do sự bức bách của Tiêu Dịch, Hầu Cảnh phế truất Tiêu Đống rồi tự lập làm vua. Đến lúc này Tiêu Dịch mới ra tay, sai thủ hạ là Đại Tướng Vương Tăng Biện, Trần Bá Tiên công kích Hầu Cảnh, giết Cảnh rồi tái lập triều Lương. Người nào tái lập vương triều Lương, tất nhiên người đó làm vua nhà Lương. Cách tính toán của Tiêu Dịch cực kỳ nham hiểm.

Quả nhiên, con người đã bị mọi người bỏ rơi như Hầu Cảnh không chống nổi trận công kích của một âm mưu sắp đặt từ lâu. Năm 552 bị thua, chạy khỏi Thạch Đầu thành, cùng tay chân hơn một trăm quân kỵ chạy về hướng đông, bị bộ hạ của Trương Côn giết chết.

Cái ngày thủ cấp của Hầu Cảnh đem về đến Kiến Khang, cũng là ngày Tiêu Dịch lên ngôi, thực hiện ước mơ mà Tiêu Dịch từng ấp ủ.

 

2. ĐỊCH ĐẾN KHÔNG ĐÁNH, GIẶC ĐẾN CHÂN THÀNH VẪN ĐIỀM NHIÊN GIẢNG “LÃO TỬ”.

 Nam sử, Lương Đế kỷ” chép rằng, hôm Tiêu Dịch lên ngôi vua trên trời có hai mặt trời.

“Trời không thể có hai mặt trời, người không thể có hai Chúa, hiện tượng lạ lùng như vậy, phải chăng nhân gian xuất hiện cùng lúc hai chúa?” Một số triều thần nghĩ thầm.

Lo như vậy là đúng. Sau khi Tiêu Dịch lên ngôi không lâu, trên đất Lương quả nhiên xuất hiện hai chúa: Tiêu Sát (bị Tiêu Dịch đánh thua, phải bỏ chạy sang Tây Nguỵ) mượn được một đạo quân tinh nhuệ của Tây Nguỵ, tấn công dữ dội vào vùng nam sông Hoài của Tiêu Dịch.

Nhân dân nước Lương vừa thoát khỏi cảnh nước sôi lửa bỏng, nay lại bị tàn phá bởi chiến tranh.

Tiêu Dịch chỉ giỏi giết người trong nhà, nay trước tình hình bị đánh từ ngoài vào, đã phạm một số sai lầm không thể tha thứ.

Phải nói rằng, quân Nguỵ đánh sang đất Lương, tuy có liên quan đến chuyện Tiêu Sát “cắt đất để mượn quân”, nhưng Tiêu Dịch cũng không thể bảo lỗi này hoàn toàn do Tiêu Sát gây ra. Năm 554 (tức hai năm sau khi Tiêu Dịch lên ngôi, Tây Nguỵ sai Vũ Hán Nhân đến mừng. Đang say mê vì những thắng lợi nội chiến, Tiêu Dịch đã có thái độ ngạo mạn, và với giọng vô lễ, viết thư cho Tể tướng đương triều Vũ Văn Thái, một nhân vật có quyền lực ở Nguỵ, đòi phân chia lại địa giới hai nước. Xem xong thư, Vũ Văn Thái kêu lên: “Ông trời muốn huỷ diệt người này rồi, không ai có thể cứu hắn”. Lập tức sai Trịnh Quốc Vạn Nữu (tên một chức quan) là Vu Cẩn đem quân đánh xuống phía nam.

Quân viễn chinh Tây Nguỵ đã vào đến đất Lương. Tiêu Dịch vẫn cố ý tỏ ra ung dung, triệu tập quần thần từ ngày Tân Mão tháng 9 năm 554 đến ngày Bính Tý tháng 10 năm 554 để nghe nhà vua giảng “đạo đức kinh” của Lão Tử (9 ngày liền). Thế là một cảnh tượng kỳ lại xảy ra:

Một đằng là mấy vạn quân định ngày đêm đánh thành.

Một đằng là các quan chức giữ thành vũ trang đầy đủ, tập trung ở điện Kim Loan để nghe nhà vua truyền giáo – giảng đạo đức kinh.

Kết quả là chỉ mấy hôm sau, thành bị vỡ.

Trước khi vỡ thành, một bộ hạ của Tiêu Dịch là Tạ Đáp Nhân đề nghị tập hợp toàn quân trong thành quyết một trận sống mái. Lúc đầu Tiêu Dịch chấp thuận, lại còn gả công chúa cho Tạ Đáp Nhân. Nhưng khi Nhân vừa ra khỏi  cung. Tiêu Dịch lại nghe lời xúc xiểm của tên nịnh thần tên là Vương Bao, cho là không thể tin vào Tạ (vì Tạ từng làm quan dưới thời Hầu Cảnh), liền thu hồi quyền lực của Tạ. Tạ uất lên thành bệnh mà chết.

Vẫn thành trì ấy, vẫn quân lính ấy, vì sao chưa đầy ba năm để mất một giang sơn tươi đẹp như thế? Tiêu Dịch lúc chết vẫn chư hiểu. Hôm thành trì bị phá, ông ta mặc áo trắng, cưỡi ngựa trắng ra đầu hàng. Khi đến cửa Đông, Tiêu Dịch rút kiếm khóc rống, gọi tên tự mình ra mà hỏi:

- Tiêu Thế Thành, Tiêu Thế Thành, vì sao nhà ngươi đến nông nỗi này?

 

3. ĐỌC HÀNG BỒ SÁCH, VỢ CON BỎ MẶC, VIỆC LỚN MÙ MỜ, VIỆC NHỎ LÀM HẾT MÌNH.

Con người Tiêu Dịch không phải không có điểm khả dĩ. Sử chép: “Ông ta thường ví mình với Gia Cát Lượng, Hoàng Ôn”, đây có thể là tự  khoe mẽ, nhưng quả thật Tiêu Dịch là ông vua có học nhất của vương triều họ Tiêu.

“Nam triều, Lương Nguyên Đế kỷ “chép rằng”: trong cả cuộc đời, Tiêu Dịch từng “soạn truyện hiếu đức, truyện trung thần 30 quyển, truyện Đôn Dương Doãn 10 quyển, chú Hán thư 150 quyển, Chu Dịch bình chú 10 quyển, Nội điển bác yếu 100 quyển, chú giải Ngọc thao kim lâu tử, Lão tử 4 quyển, Hoài cựu truyện 2 quyển, Cổ kim toàn đức chí kinh nam đại cống chức đồ, cổ kim tính danh lục 1 quyển, Phệ kinh 12 quyển, Văn tập 50 quyển.

Mặt mạnh này của Tiêu Dịch, gắn liền với cái thú đọc sách của ông. Người xưa có câu: “Đọc thông vạn quyển sách, chấp bút như có thần”. Tiêu Dịch không chỉ đọc có một vạn quyển sách. Điện Các Trúc của ông ta chứa 14 vạn quyển. Có điều, sau khi thất thủ, ông ta giận lây sang sách, đốt sạch, trong đó có những sách cực hiếm. Tất nhiên đó là chuyện sau này.

Cách đọc sách của Tiêu Dịch cũng rất lạ. Vì bị chột, chỉ còn một mắt, nên ông ta bảo người khác đọc, còn ông ta thì chăm chú nghe.

Có một chuyện thật như sau:

Hồi còn là Tương Đông Vương. Một đêm, sau khi giải quyết công vụ, Tiêu Dịch sai người gọi quan Thị độc đến đọc sách. Đọc mãi, đọc mãi, quan Thị độc thấy Tiêu Dịch mắt lim dim thì tưởng ông ta ngủ. Khi đã xong, quan Thị độc định rút lui thì bất chợt Tiêu Dịch quát to:

- Bay đâu, bắt viên Thị độc này lại  cho ta.

Tả hữu ập vào hỏi nguyên do. Tiêu Dịch nói:

- Thị độc coi thường ta, dám nhân lúc ta nhắm mắt dưỡng thần để đọc quấy quá cho xong.

Dựa vào thông minh vặt, Tiêu Dịch “đọc’’ được rất nhiều sách. Có điều trái với những người ham học khác, Tiêu Dịch không vì thế mà được mọi người tôn kính, thậm chí ngay cả người thân cũng khinh ông ta.

- Từ Nương, tức Từ Phi, tên thời con gái của Tiêu Bội, người vùng thiện, thuộc Đông Hải, lấy Tiêu Dịch tháng 12 năm thứ 16 đời Lương Vũ Đế, trở thành Hải Đông Vương phi. Do tính cách của Tiêu Dịch có phần bỉ ổi, nên Từ phi có ý coi khinh. Sử chép rằng:’’ Nhà vua hai ba năm mới nhập phòng một lần, Phi nhìn nhà vua bằng nửa con mắt, mỗi lần cùng nhà vua tương ngộ, Phi chỉ trang điểm một nửa khuôn mặt, từ đó suy ra Từ phi coi rẻ Tiêu Dịch. Ngay cả người kết tóc se tơ với mình mà còn coi khinh, đủ thấy nhân phẩm của Tiêu Dịch như thế nào.

- Thực ra, Tiêu Dịch lầ con người thông minh trên những chuyện nhỏ –thông minh vặt còn chuyện lớn thì ù ù cạc cạc. Lơ mơ trong chuyện lớn thì khỏi nói nhiều, mà trong thông minh vặt thì lại bộc lộ quá rõ tính nhỏ nhen của Tiêu Dịch.

- Cô ruột của Tiêu Dịch là công chúa Nghĩa Hưng Chiêu Trướng, gả cho một người tên là Vương Bân, sinh được bảy con trai, người nào cũng thông minh. Điều này khiến Tiêu Dịch không chịu nổi. Để làm nhục bảy anh em họ Vương, Tiêu Dịch bèn đổi tên của gia nô Vương Diễn thành Vương Bân ám chỉ cha của anh em họ Vương chỉ đáng là một gia nô.

Thành Kim Lãng sau khi thất thủ, Tiêu Dịch bị quân Tây Nguỵ bắt sống, bị kẻ tử thù là Tiêu Sát hạ nhục ê chề. Vốn xưa này chỉ quen hạ nhục người khác, Tiêu Dịch không chịu nổi, bèn nghĩ ra một trò láu cá: Ông ta đánh lừa người canh giữ là Bộc Xạ Trường Tôn Khiêm, nói rằng: “Ta có nghìn vàng ở trong thành, chỗ vàng ấy là của ông” Trường Tôn Liêm rất phấn khởi. Vào đến thành nội, Tiêu Dịch đổi giọng nói: “Thú thật ta đã nói dối ông, làm gì có chuyện vua  chôn giấu vàng? Ta lừa ông vì muốn tránh xa một chút Tiêu Sát, để hắn đừng làm nhục ta”.

Mẹo mặt này đã hại Tiêu Dịch, sau khi trở lại quân doanh, Trường Tôn Liêm và Tiêu Sát ra sức khuyên Vu Cẩm giết Tiêu Dịch.

Biết chắc mình sẽ chết, Tiêu Dịch uống rượu suốt ngày đêm và làm thơ buồn.

Ngày Tân Mùi tháng 12 năm 554, Vu Cẩm chấp thuận đề nghị của Tiêu Sát, sai Thượng thư Phó Chuẩn giết Tiêu Dịch.

Ông vua của vương triều Lương này sau khi chết được phong miếu hiệu là Thế Tổ, thuỵ hiệu  là Nguyên Đế. Ông ta chỉ sống có 47 tuổi.

*

TRẦN ĐÌNH HIẾN

Địa chỉ: số nhà 45 phố Phan Bội Châu,

Quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.

 

 

 

.............................................................................................................

- Công ty TNHH Văn Hóa Bảo Thắng giữ bản quyền. 

- Cập nhật theo bản lưu trữ tại tại Công ty TNHH Văn Hóa Bảo Thắng.

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

.

0 comments:

Đăng nhận xét