VỀ CÁC QUY ĐỊNH TRONG THỂ THƠ ĐƯỜNG LUẬT - Tác giả: Phạm Văn Dương (Bắc Ninh)

Leave a Comment

 

VỀ CÁC QUY ĐỊNH TRONG 

THỂ THƠ ĐƯỜNG LUẬT

*

Trải qua thời gian dài hình thành và phát triển, thể thơ này coi là được “định hình” tương đối hoàn thiện vào thời nhà Đường bên Trung Quốc (618 – 907) với một hệ thống các quy định rất nghiêm ngặt về cấu trúc, thanh điệu, quan hệ giữa các câu, các từ … trong bài thơ. Các quy định này không phải do một người hoặc một “cấp thẩm quyền” nào đề ra mà nó hình thành trong quá trình, được đông dảo người làm thơ xây dựng nên, chấp nhận và sáng tạo thêm. Thực ra không có một tài liệu nào mang tính “pháp quy” ghi chép đầy đủ các quy định đó, nhưng nó được định hình rõ rệt, trở thành nét đặc trưng riêng biệt của thể thơ này, không lẫn lộn với các thể thơ khác, được mọi người tự giác tuân theo. Tiêu biểu nhất của thể thơ này là loại “thất ngôn bát cú” (mỗi bài có 8 câu, mỗi câu 7 từ), còn nhiều loại thơ Đường luật khác đều suy từ thất ngôn bát cú mà ra như thơ thất ngôn tứ tuyệt gồm 4 câu là nửa bài thất ngôn bát cú (2 câu đầu + 2 câu cuối, 4 câu đầu, 4 câu giữa, 4 câu cuối), thơ ngũ ngôn bát cú là bài thất ngôn bát cú bỏ đi mỗi câu 2 từ thứ nhất và thứ hai, thơ ngũ ngôn tứ tuyệt là bài thất ngôn tứ tuyệt bỏ đi mỗi câu 2 từ thứ nhất và thứ hai v.v.... Vì vậy khi bàn về thơ Đường luật, chỉ cần bàn kỹ về thơ thất ngôn bát cú là đủ.

 

1- NHỮNG ĐẶC TRƯNG CƠ BẢN CỦA THỂ THƠ ĐƯỜNG LUẬT

Những đặc trưng cơ bản của một bài thơ Đường luật thất ngôn bát cú đã được nhiều người truyền cho nhau, có thể chưa đầy đủ nhưng cơ bản là thống nhất và những ai làm thể thơ này đều biết, có thể nêu tóm tắt như sau:

Bài thơ có 8 câu theo một trật tự nghiêm ngặt từ câu thứ 1 đến câu thứ 8, trong đó câu thứ 1 và 2 gọi là cặp câu đề, câu thứ 3 và 4 gọi là cặp câu thực, câu thứ 5 và 6 gọi là cặp câu luận, câu thứ 7 và 8 gọi là cặp câu kết. Trong mỗi câu đều có 7 từ, cũng được ấn định theo vị trí từ thứ 1 đến từ thứ 7. Toàn bộ 56 từ đó được ấn định theo mỗi vị trí phải mang một thanh bằng hoặc trắc nhất định, gọi là “luật”.   

(Tác giả Phạm Văn Dương)

Người ta thường vẽ ra các bảng “luật”, mỗi kiểu thơ 1 bảng ghi rõ thanh của 56 từ trong bài theo từng vị trí, nhưng như thế quá dài dòng. Ở đây tôi nói vắt tắt các nét chính. 

Trước hết là các từ thứ 2, thứ 4, thứ 6 trong mỗi câu phải nghiêm ngặt theo quy định: Từ thứ 2 và thứ 6 cùng thanh (cùng bằng hoặc cùng trắc), còn từ thứ 4 phải mạng thanh ngược lại (trắc hoặc bằng). Thanh của từ thứ 2 (do đó cả thanh của từ thứ 4, thứ 6) của câu thứ 1 và câu thứ 2 phải ngược nhau, của câu thứ 2 và 3 phải giống nhau, của câu thứ 4 và 5 giống nhau và ngược với câu thứ 2 và 3, của câu thứ 6 và 7 phải giống nhau và ngược với câu thứ 4 và 5, đến câu thứ 8 thì thanh của 3 từ này lại giống câu thứ 1. Quy định này gọi là “niêm”. Từ thứ 2 (do đó cả từ thứ 6) của câu thứ 1 mang thanh bằng thì gọi là bài thơ “luật bằng”, mang thanh trắc thì gọi là bai thơ “luật trắc”. Những bài thơ nào để sai thanh các từ thứ 2, thứ 4, thứ 6 trong câu nào đó đều là “thất luật”, để khác thanh 3 từ này trong các cặp câu 2 và 3, 4 và 5, 6 và 7, 8 và 1 gọi là “thất niêm”.

Về các từ thứ 1, thứ 3 trong mỗi câu, theo quy định chung, các từ thứ 1 mang thanh giống từ thứ 2, các từ thứ 3 mang thanh giống từ thứ 4. Tuy nhiên điều này không bắt buộc mà có thể linh hoạt, gọi là “luật bất luận”. Nhờ “luật bất luận này mà thơ Đường luật đỡ bị gò bó hơn và người ta còn sáng tạo ra các lối chơi, ví dụ lối chơi “nhất thủ thanh”, cả 8 từ thứ 1 trong 8 câu đều cùng 1 thanh (cùng 1 từ), mặc dù thanh của các từ thứ 2 trong các câu phải khác nhau. Cũng có kiểu chơi các từ thứ 3 của các câu đều giống nhau và một số lối chơi khác như thuận nghịch độc (đọc xuôi, đọc ngược)…. Nhiều người nói “luật bất luận” áp dụng cho cả từ thứ 5 (thanh của từ thứ 5 trong mỗi câu không bắt buộc) nhưng điều này không đúng! Thanh của từ thứ 5 trong mỗi câu rất quan trọng, Không được để 3 từ thứ 5, thứ 6, thứ 7 cùng thanh, nếu sai thì khi đọc sẽ thấy ngang tai.

Từ thứ 7 là từ đặc biệt liên quan tới vần. Loại thơ 5 vần có các từ thứ 7 trong các câu thứ 1,2,4,6,8 cùng thanh và vần với nhau, gọi là các từ vần. Loại thơ 4 vần có các từ thứ 7 trong các câu thứ 2,4,6,8 cùng thanh và vần với nhau. Các từ thứ 7 trong các câu còn lại mang thanh ngược với các từ vần và nói chung không cần vần với nhau. Riêng kiều chơi “bát vận đồng âm” thì các từ thứ 7 trong các câu này tuy vẫn ngược thanh với các từ vần nhưng “đồng âm” với các từ vần. Nếu các từ vần mang thanh bằng thì bài thơ gọi là “vần bằng”, thông thường người ta làm thơ theo kiểu vần bằng này, đọc lên nghe êm tai. Nếu các từ vần mang thanh trắc thì bài thơ gọi là “vần trắc”. Kiểu thơ này ít người làm hơn, đọc lên nghe “gai góc” nhưng lại thích hợp với các bài thơ mang nội dung châm biếm hay đả kích… Các từ vần phải cùng một âm thật giống nhau, gọi là “chính vận”. Trường hợp vần gần giống nhau nghe vẫn ổn, gọi là “thông vận”. Có bài thơ các vần xa nhau quá hoặc ép vận, mất hay. Thậm chí có bài, có chữ vần không vần với các chữ vần khác, gọi  là “lạc vận”

Tóm lại, có các kiểu thơ luật bằng vần bằng, luật bằng vần trắc, luật trắc vần bằng, luật trắc vầ trắc. Trong mỗi kiểu thơ đó lại có loại 5 vần, loại 4 vần. Như vậy, không nói các lối chơi khác thì đã có 8 kiểu thơ khác nhau, phải vẽ 8 bảng niêm luật quy định thanh bằng trắc cho 56 từ trong bài thơ theo 8 kiểu trên.

Một đặc trưng nổi bật nữa của thơ Đường luật là “đối”. Bắt buộc các cặp câu  thực, cặp câu luận phải là những đôi câu đối. Nếu làm bài thơ loại 4 vần thì câu thứ 1 và thứ 2 cũng phải là một đôi câu đối. Có người còn thích chơi, làm cặp câu kết cũng đối, thành bài thơ có 4 cặp đối. Đôi câu đối phải bảo đảm 3 tiêu chí theo thứ tự quan trọng là đối ý, đối từ và đối thanh. Đối ý là quan trọng nhất, thể hiện sự thâm thúy, cao siêu của đôi câu đối. Đối từ là bản chất của câu đối, phải bảo đảm các từ cùng loại đối với nhau (danh từ đói với danh từ, động từ đói với động từ…). Đối thanh là đặc điểm dễ nhận biết nhất, phải bảo đảm thanh bằng đối với thanh trắc và ngược lại. Nếu bài thơ là đúng “luật”, đúng “niêm” thì đương nhiên là bảo đảm được đối thanh, nhưng để làm được đối từ và đối ý thì phải gia công rất nhiều. Bài thơ không đảm bảo các vế đối chuẩn xác gọi là “thất đối”.

Như vậy, các đặc trưng cơ bản nhất của thơ Đường luật là “luật”, “niêm”, ‘đối”, “vận”. Người làm thơ luật Đường NHẤT THIẾT phải đạt được các đặc trưng ấy, nếu không thì thành bài thơ theo thể khác, không còn là thể thơ luật Đường nữa.


VỀ CÁC LỖI, CÁC BỆNH TRONG BÀI THƠ ĐƯỜNG LUẬT

Ngoài 4 lỗi không được phép vi phạm là thất luật, thất niêm, thất đối, lạc vận (vì nếu vi phạm thì bài thơ không còn là đường luật nữa), người ta còn chỉ ra nhiều lỗi khác rất khắt khe mà người làm thơ chỉ sơ ý chút là mắc phải. Người ta thường nói đến 12 lỗi, ngoài 4 lỗi “chính” nêu trên, còn các lỗi sau: 

Lỗi 5: Điệp từ (hay Trùng từ): Bài thơ chỉ có 56 từ, cần cố tận dụng để 56 từ đó khác nhau, không nên dùng 1 từ nhiều lần, trừ khi muốn cố tình nhấn mạnh hoặc dùng từ kép điệp ngữ. Nếu từ dùng trùng là chữ vần thì gọi là điệp vận. Trường hợp 2 từ cùng âm khác nghĩa không coi là điệp từ, điệp vận, nhưng không nên để gần nhau, khó đọc.

Lỗi 6: Điệp ý: Ý dùng rồi mà còn dùng lại ở chỗ khác, dù đã dùng từ khác đi. Nếu lỗi trùng ý nằm trong cặp câu thực, hoặc cặp câu luận thì gọi là hiệp chưởng (câu trên câu dưới đối nhau mà nghĩa giống nhau như hai bàn tay úp lại). 

Lỗi 7: Điệp thanh: Trong thơ thất ngôn, một câu có 4 từ thanh bằng và 3 từ thanh trắc hoặc bốn từ thanh trắc và ba từ thanh bằng. Những từ thanh bằng hay trắc đó phải có thanh độ khác nhau thì câu thơ mới giàu âm điệu. Ví dụ câu thơ có 4 từ thanh bằng thì chỉ nên dùng 2 từ có dấu huyền (trầm bình thanh), dùng 3 hoặc cả 4 từ có dấu huyền làm câu thơ yếu ớt, giọng trầm trầm khó nghe. Ngược lại nếu dùng nhiều từ không dấu (phù bình thanh) sẽ làm câu thơ nghe ngang ngang không êm dịu. 

Lỗi 8: Điệp điệu : Nhiều câu liên tiếp ngắt nhịp cùng một cách. Lỗi này thường hay xảy ra ở các câu giữa của bài thơ.

Lỗi 9: Điệp âm: Những chữ có cùng âm đứng gần nhau trong một câu (trừ khi dùng từ kép láy), hoặc cùng vị trí trong hai câu.

Lỗi 10: Khổ độc: Trong một bài thất ngôn, từ thứ ba, thứ năm các câu đáng là từ thanh bằng mà làm ra từ thanh trắc. Theo “luật bất luận” thì việc này không “thất luật”, nhưng đặc biệt từ thứ 5 nếu sai thanh (kể cả đáng là thanh trắc mà làm ra thanh bằng) đọc lên nghe rất chối tai.

Lỗi 11: Lạc đề: Trong bài có những câu, những ý không ăn nhập với chủ đề của toàn bài, không ăn nhập với nhan đề.

Lỗi 12: Mạ đề (hay phạm đề): Có những từ trong các cập câu thực, cặp câu luận trùng với nhan đề. 

Cùng với 12 lỗi, người ta còn chỉ ra 8 bệnh trong bài thơ Đường luật. Đó là các quy định rất rắm rối, khắt khe mà người làm thơ rất dễ mác phải:

1. Bệnh phong yêu: Từ thứ hai và chữ thứ bảy trong cùng một câu thơ có cùng dấu thanh. “Phong yêu” là cái lưng con ong, nếu mắc bện này thì cảm giác câu thơ bị thắt lại ngang lưng.

2. Bệnh Hạc Tất: Từ thứ bốn và từ thứ bảy trong cùng một câu thơ có cùng dấu thanh. “Hạc tất” là cái gối con hạc, nếu mắc bệnh này thì cảm giác câu thơ bị gập ở giữa, đọc lên thiếu êm tai.

3. Bệnh Đại Vận: Từ thứ 4 và từ thứ 7 trong cùng 1 câu trùng vận với nhau:

4. Bệnh Tiểu Vận: Tương tự như bệnh Đại Vận nhưng bệnh Tiểu Vận xét ở từ thứ 2 và thứ 7 

5. Bệnh Bình Đầu: Trong 3 từ đầu của các câu thơ, nếu các từ cùng vị trí ở bốn câu liên tiếp có cùng từ loại   

6. Bệnh Thượng Vỹ: Trong 3 từ cuối của các câu thơ, nếu từ cùng vị trí ở bốn câu liên tiếp có cùng từ loại.

7. Bệnh Chánh Nữu: Trong cùng một câu có nhiều từ cùng phụ âm đầu.

8. Bệnh Bàng Nữu: Trong 2 câu liên tiếp có nhiều từ cùng một phụ âm đầu.

Một số quy định về lỗi, bệnh đều có LÝ của nó, nếu tránh được thì bài thơ có giá trị hơn, uyển chuyển hơn, nhịp điệu thanh thoát êm tai hơn... Tuy nhiên, cái gì QUÁ cũng có mặt trái không hay, GÒ BÓ QUÁ mất hết thi hứng, thậm chí phải bỏ qua các ý đẹp, lời hay, tứ đắt... thì thực phí. Bài thơ hay cốt nhất ở ý tứ sâu xa, gửi gắm cái gì đó có ý nghĩa vào những con chữ (tất nhiên phải mang đúng đặc trưng thơ Đường luật), KHÔNG NÊN QUÁ KHẮT KHE, CỐ THEO CHO ĐƯỢC CÁC QUI  ĐỊNH RẮC RỐI BẰNG MỌI GIÁ.

Có một số “lỗi”, “bệnh” gắn liền với tiễng Việt la tinh hóa chứ nguyên gốc chữ Hán tượng hình và thanh âm tiếng Bắc Kinh làm gì có. Ví dụ “bệnh phong yêu”, “bệnh  hạc tất”, “lỗi điệp thanh”… do dấu thanh (6 dấu thanh trong tiếng Việt). Âm Bắc Kinh chỉ có 4 thanh, 3 trắc, 1 bằng, thế thì các câu có chữ thứ 7 thanh bằng mà chữ thứ 2 (hoặc thứ 4) cũng bắt buộc thanh bằng thì lấy đâu ra để mà đảm bảo khác nhau (do tiếng Việt có 2 thanh bằng là không dấu và dấu huyền thì mới tránh trùng dấu thanh được). Nói thế không có nghĩa là ta bỏ qua các “lỗi”, “bệnh” đó. Ta cần có nhiều lựa chọn để bài thơ hoàn hảo nhất có thể.  

Vì vậy, những người làm thơ Đường luật cần CỐ GẮNG TỐI ĐA KHÔNG PHẠM CÁC QUY ĐỊNH CƠ BẢN NHẤT (cấu trúc, luật, niêm, đối, vận ...), nhưng KHÔNG NHẤT THIẾT PHẢI TUÂN THEO HẾT CÁC QUI  ĐỊNH  GÒ BÓ NGƯỜI TA GÁN CHO THƠ ĐƯỜNG LUẬT.

Hiện nay có một phần mềm Mộc gia trang kiểm tra các bài thơ Đường luật, chỉ ra các “lỗi”, “bệnh” bài thơ mắc phải. Người làm ra phần mềm này vừa có hiểu biết về thơ Đường luật, vừa có trình độ lập trình. Tuy nhiên, đã là máy móc thì có những chỗ cứng nhắc và không phân biệt được các cách sử dụng từ phong phú của con người.

Người làm thơ Đường luật hoặc người biên tập dùng phần mềm kiểm tra bài thơ sẽ phát hiện được các “lỗi”, “bệnh” do sơ ý mắc phải, kịp thời chỉnh sửa cho hoàn thiện hơn. Tuy nhiên, có những “lỗi”, “bệnh” phần mềm chỉ ra không đúng hoặc không nhất thiết phải sửa bằng mọi giá, đừng khiên cưỡng quá. Xin đưa ra đây một số ví dụ các bài thơ sau khi kiểm tra bằng phần mềm này, người ta chỉnh sửa bằng mọi giá và kiểm tra lại “không còn lỗi nào”, nhưng bài thơ sau khi sửa có câu, có chữ hay hơn cũ, cũng có câu, có chữ quá gò bó khiên cưỡng, làm mất ý hay của tác giả… Thà cứ để như cũ lại tốt hơn.

Ví dụ 1.  Bài thơ ban đầu của tác giả A:

THƠ BÁC TRÊN SÔNG 

          Sáng ngời khuôn nguyệt giữa trời không

          Bóng núi hình mây thấp thoáng lồng

          Vỗ mạn dập dềnh từng đợt sóng

          Khua chèo sóng sánh cả lòng sông

          Thơ rằm Bác đọc sâu tình nghĩa

          Trăng sáng trời soi rực sắc hồng

          Thuyền chở trí nhân đầy ánh sáng  

          Con đường cách mạng mở mênh mông

Bài thơ cơ bản là đạt yêu cầu, có ý, tứ , cảm xúc, từ ngữ sáng sủa, đúng luật, niêm, vận, đối… Khiếm khuyết là dùng lặp lại các từ “sáng”, “trời”, “sóng “… (do sơ ý chứ không phải có dụng ý để nhấn mạnh). Bài chỉ có 56 chữ, dùng được càng nhiều chữ khác nhau càng phong phú 

Một người biên tập sử sụng phần mềm Mộc gia trang kiểm tra, máy chỉ ra các lỗi, bệnh sau:

- Trùng từ: sáng, trời, song

- Điệp thanh: câu 2

- Tiểu vận: câu 1

- Chánh nữu: câu 4,6,8

- Bàng nữu: câu 3,4,5,6,8

Người biên tập đã sửa lại bài thơ đó (thay vào các chữ mới nét đậm):

“THƠ BÁC TRÊN SÔNG

Sáng ngời khuôn nguyệt giữa thinh không

Bóng núi hình mây ẩn hiện lồng

Vỗ mạn dập dềnh từng đợt sóng

Khua chèo lóng lánh cả dòng sông

Thơ rằm Bác đọc sâu tình nghĩa

Trăng rạng trời soi rực sắc hồng

Thuyền chở trí nhân đầy ánh bạc

Con đường cứu quốc rộng mênh mông”.

Kiểm tra lại, máy thông báo bài thơ sau khi sửa không còn một lỗi nào

Nhận xét:  

- Sửa từ “thinh”, từ  “lóng lánh” là tốt, khăc phục được luôn mấy từ trùng.

- Từ “ẩn hiện” sửa đúng luật, tránh “lỗi điệp thanh”, nhưng đọc lên lại thấy gợn, thà cứ để “thấp thoáng”, câu có 4 dấu sắc mà đọc lại thấy êm tai hơn, chưa kể từ “thấp thoáng” có vẻ “thơ” hơn từ “ẩn hiện” 

- Câu 6 để “trăng sáng” mắc “bệnh chánh nữu” (cả câu 5 nữa thành 4 từ cùng phụ âm  S đứng đầu) nhưng vẫn hay hơn là “trăng rạng” (còn nếu tránh dùng lại từ “sáng” thì thay chữ “rạng” vào câu 1). Cũng vậy, câu 8,  “con đường cách mạng” rộng nghĩa hơn “con đường cứu quốc”, đừng vì “bệnh chính nữu” mà thay đổi.

Qua ví dụ này, thấy cái gọi là “lỗi Điệp thanh”, “bệnh Chánh nữu” do máy chỉ ra không cần phải sửa tất cả. Để như cũ lại hay hơn! 

Ví dụ 2.     Bài thơ ban đầu của tác giả B:

ĐẸP CHO ĐỜI 

Trời ban khéo léo ở đôi tay

Uốn tỉa, tạo hình nên dáng cây

Kìa thế long thăng thân uốn khúc

Đây hình phượng vũ cánh dang bay

Bốn mùa hoa lá khoe hương sắc

Một dãy núi non phô nước mây

Ý tưởng hữu tình Chân-Thiện-Mỹ

Hiến đời cảnh đẹp sống mê say!

Bài thơ cơ bản là đạt yêu cầu, có ý, tứ , cảm xúc, sử dụng các từ ngữ chuyên dùng của người chơi sinh vật cảnh, đúng luật, niêm, đối, vận… Khiếm khuyết là dùng lặp lại các từ “uốn”, “hình”, (do sơ ý chứ không phải có dụng ý để nhấn mạnh) và một vài câu khổ độc.

Một người biên tập sử sụng phần mềm Mộc gia trang kiểm tra, máy chỉ ra các lỗi sau:

- Trùng từ: uốn, hình

- Phong yêu: câu1, 3

- Hạc tất: câu 5, 6

- Tiểu vận: câu 6

- Chánh nữu: câu 3, 6

Người biên tập đã sửa lại bài thơ đó (thay vào các chữ mới nét đậm):

ĐẸP CHO ĐỜI

Duyên trời khéo léo ở đôi tay

Uốn tỉa, vin cành tạo dáng cây

Kìa thế rồng vươn thân khúc cuộn

Đây hình phượng múa cánh dang bay

Bốn mùa hoa nụ khoe hương sắc

Một rặng núi đồi khỏa nước mây

Ý tưởng hữu tình Chân-Thiện-Mỹ

Hiến đời cảnh đẹp sống mê say!

Kiểm tra lại, máy thông báo bài thơ sau khi sửa không còn một lỗi nào

Nhận xét:

- Sửa câu 2 tránh được trùng từ  “hình”, lại  tránh được khổ độc là tốt.

- Sửa câu 6 tránh được hạc tất, chánh nữu, khổ độc, cũng tốt.

- Câu 1,5 sửa để tránh “ phong yêu, hạc tất” nhưng không hay. “Trời ban” có ý hay, không thể thay là “duyên trời”. Từ “hoa nụ” hơi ép, thà cứ để “hoa lá” hay hơn.

- Câu 3,4 không nên sửa các từ “long thăng, phượng vũ” là từ quen dùng của người chơi sinh vật cảnh, đừng ngại chính nữu. Còn tránh điệp từ “uốn” thì thay bằng “cuộn” là tốt, vừa tránh được phong yêu.

Ở đây các “lỗi”, “bệnh” do máy đưa ra máy móc quá, không nhất thiết phải sửa tất cả, mất đi ý của tác giả, để như cũ hay hơn.

Còn rất, rất nhiều ví dụ về việc sửa các “lỗi”, “bệnh”, nhưng đưa ra quá rườm rà. Hai ví dụ trên đã nói về các “lỗi”, “bệnh” phong yêu, hạc tất, điệp thanh, chánh nữu… rồi. Về “lỗi tiểu vận”, có câu thơ về anh bộ đội  về hưu, ban đầu của tác giả C là:

 Thời trẻ mài gươm gìn đất nước

Tuổi già luyện bút họa thi ca

Người biên tập theo máy, đã sửa thành;

Thời trẻ mài gươm gìn đất nước

Tuổi nhiều luyện bút họa thi ca

Đúng là sửa được “lỗi tiểu vận”, nhưng lại kém đi, “nhiều” sao đối được với “trẻ”?

Tất nhiên còn phụ thuộc vào trình độ người biên tập sửa “lỗi” “bệnh”, nhưng thực tế là có bằng ấy từ, muốn tránh “lỗi”, “bệnh” thì phải tìm từ tương đương phù hợp thanh, âm… để  thay thế mà không phải bao giờ cũng tìm được từ đạt yêu cầu. Người làm thơ Đường luật cứ bị ám ảnh phải tránh cho hết các “lỗi”, “bệnh” rất rắc rối đó thì có khi không dám làm thơ Đường luật nữa. Người biên tập cũng theo máy móc đó mà chỉnh sửa thơ của người khác thì “lợn lành hóa lợn què”. Vì vậy, người viết bài này chỉ muốn gửi một thông điệp là không nên quá câu nệ, không nên cố theo các quy định rối rắm người ta gán cho thơ Đường luật bằng mọi giá. Các bậc danh sĩ như Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương… đâu có tránh cho hết các “lỗi”, “bệnh” này  mà sao

*.

PHẠM VĂN DƯƠNG

Địa chỉ: huyện Từ Liêm, tỉnh Hà Nội.

E.mail: phamvanduong7@gmail.com     

Điện thoại: 091.351.0543

.

 

.

 

.............................................................................................................

- Cập nhật từ email: quanboyman1992@yahoo.com.vn ngày 28.09.2020.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến. 

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

.

0 comments:

Đăng nhận xét