XIN ĐỪNG TRÓI BUỘC THƠ ĐƯỜNG LUẬT - Tác giả: Phạm Văn Dương (Bắc Ninh)

Leave a Comment

 

XIN ĐỪNG TRÓI BUỘC 

THƠ ĐƯỜNG LUẬT

*

Thơ luật Đường, như tên gọi của nó, ra đời ở Trung Quốc và dần hoàn thiện, trở thành một thể thơ nổi tiếng, nhất là vào thời Nhà Đường (618- 907) với những nhà thơ vĩ đại như Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, Vương Bột… Thơ luật Đường dựa trên cấu trúc chặt chẽ, hàm súc, cách gieo vần, phân bố thanh bằng trắc hài hòa, uyển chuyển và các vế đối ngẫu đặc sắc… nên được người xưa đặc biệt yêu thích. Điển hình là thể “thất ngôn bát cú” với 8 câu, mỗi câu 7 chữ gồm 2 câu đề (1, 2), 2 câu thực (3, 4), 2 câu luận (5, 6), 2 câu kết (7, 8). Ấn định các thanh bằng, trắc hài hòa, đặc biệt là các chữ thứ 2, 4, 6, 7 trong mỗi câu (gọi là luật) và sự kết dính 2 câu liên tiếp (2 với 3, 4 với 5, 6 với 7, 8 với 1, gọi là niêm). Bắt buộc 2 câu thực và 2 câu luận phải là những câu đối hoàn chỉnh… Đồng thời, có các thể thơ luật Đường phổ biến có thể coi như gôc từ thể thất ngôn bát cú mà ra như thể “tứ tuyệt” gồm 4 câu 7 chữ như là một nửa cùa bài thất ngôn bát cú (lấy 4 câu đầu hoặc 4 câu giữa, 4 câu cuối, 2 câu đầu cộng 2 câu cuối), thể “ngũ ngôn” gồm các câu 5 chữ từ câu 7 chữ bỏ đi 2 chữ đầu… Vì vậy, bàn về thơ luật Đường chỉ cần nói sâu về thể thất ngôn bát cú.   

(Tác giả Phạm Văn Dương)

Sau khi lan truyền sang Việt Nam, thơ luật Đường có “đất mầu mỡ” để đặc biệt phát triển, vì chữ Hán, qua âm Hán Việt, tiếp thu thanh âm tiếng Việt có đến 6 thanh (2 thanh bắng, 4 thanh trắc) trong khi nguyên gốc chữ Hán theo âm chuẩn Bắc Kinh chỉ có 4 thanh (1 thanh bằng, 3 thanh trắc). Các nhà thơ Việt Nam làm thơ luật Đường lúc đầu bằng chữ Nho đọc theo âm Hán Việt, sau này làm bằng chữ Nôm đọc theo âm thuần Việt và hiện nay làm bằng chữ Quốc ngữ. Âm tiếng Việt có nhiều thanh làm cho thơ luật Đường đọc lên uyển chuyển, giàu nhạc điệu hơn. Có thể nói thơ luật Đường tuy xuất phát từ Trung Quốc nhưng đặc biệt phát triển rực rỡ ở Việt Nam với những nhà thơ tiêu biểu như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương, v.v…

Thơ luật Đường được mọi người yêu thích gọi là “thơ bác học” vì nội dung súc tích, âm điệu uyển chuyển du dương, các câu đối chuẩn mực…, đòi hỏi người làm thơ sự uyên thâm, tinh tế… Đặc biệt thú vị khi có một tập thể tri âm tri kỷ xướng họa (điển hình như Hội Tao Đàn của vua Lê Thánh Tông với nhị thập bát tú và nhiều giai thoại văn học xướng họa, đối đáp khác).

Dần dần, người làm thơ luật Đường nghĩ ra nhiều cách chơi độc đáo, đưa ra các yêu cầu ngày càng khó để thử tài nhau và gậm nhấm lý thú khi đạt được. Quá đà hơn nữa, người ta đưa ra rất nhiều quy định rắc rối bắt buộc người làm thơ luật Đường phải theo, bài thơ nào không đáp ứng được các quy định đó thì họ gọi là phạm “lỗi”, mắc “bệnh”. Có thể kê ra đây hàng loạt “lỗi”, “bệnh” như các “lỗi” khổ độc, điệp từ, điệp điệu, điệp thanh,…, các “bệnh” bình đầu, thượng vĩ, phong yêu, hạc tất, đại vận, tiểu vận, chính nữu, bàng nữu,…

Quá nhiều qui định khắt khe, bó buộc, làm cho người làm thơ luật Đường mất hết thi hứng, khiên cưỡng gò theo, ảnh hưởng đến sáng tạo, mất tự do chọn từ “đắt”, chọn âm đạt hiệu quả cần thiết của một bài thơ hay (ý tứ, âm điệu, hình ảnh, lối tu từ…). Những năm 30 thế kỷ trước có phong trào “Thơ mới” đả phá rất kịch liệt lối thơ “cũ” mà điển hình là thể thơ luật Đường chính vì sự gò bó quá quắt của nó. Cuộc “cách mạng” đó đã cho ra đời thể thơ “tự do” thật phóng khoáng, có đủ sức biều hiện mọi trạng thái tâm hồn, ý tưởng của nhà thơ, mở ra giai đoạn phát triển rực rỡ của thơ văn nước nhà.

Thơ luật Đường lui vào hậu trường, nhưng rồi vẫn có nhiều người yêu mến phục hưng dần. Gần đây, nhiều Câu lạc bộ thơ luật Đường ra đời, nhất là trong lớp người cao tuổi và đã sáng tạo được nhiều bài thơ hay. Những bài thơ đủ loại đề tài, diến tả đủ các cung bậc tình cảm với ý nghĩa sâu sắc, chuẩn mực về niêm, luật, đối… thực sự là những viên ngọc lóng lánh. Nhiều trang mạng, nhiều ấn phẩm ghi nhận nhiều bài thơ luật Đường có giá trị, thể hiện sức sống của “dòng thơ bác học” thật dồi dào.  

Tuy nhiên, một bộ phận trong giới làm thơ luật Đường vẫn còn cố bám các qui định quá khắt khe, gò bó. Thử áp dụng các qui định đó vào một bài thơ quen thuộc của Hồ Xuân Hương xem bài ấy phạm các “lỗi”, ‘bệnh” gì:

Bài thơ “Đèo Ba Dội” của Hồ Xuân Hương:

Một đèo, một đèo, lại một đèo

Khen ai khéo tạc cảnh cheo leo

Cửa son đỏ loét, tùm hum nóc

Hòn đã xanh rì, lún phún rêu

Lắt lẻo cành thông, cơn gió thốc

Đầm đìa lá liễu, giọt sương gieo.

Hiền nhân quân tử ai là chẳng

Mỏi gối chồn chân vẫn muốn trèo

Cứ theo cách bắt lỗi nói trên thì baì thơ này quá nhiều lỗi. Cụ thể: 

Riêng câu 1 đã rất nhiều lỗi:  

Lỗi 1 + Lỗi 2: Thất luật + Thất niêm với câu 8 (chữ thứ 2 phải thanh trắc) 

Lỗi 3: Điệp từ (3 chữ “một”, 3 chữ “đèo”)  

Lỗi 4 + Lỗi 5: Phong yêu + Tiểu vận (chữ thứ 2 và thứ 7 cùng dấu thanh, cùng vần)  

Lỗi 6 + Lỗi 7: Hạc tất + Đại vận (chữ thứ 4 và thứ 7 cùng dấu thanh, cùng vần)  

Lỗi 8: Bàng nữu (nhiều âm “ột”, “èo”) 

Câu 2 cũng mác lỗi Phong yêu, lỗi Bàng nữu (cùng với câu 1, nhiều âm “eo”) 

Câu 1 chỉ có 7 chữ mà đến 8 lỗi! Nhưng không một ai nghi ngờ đây là một câu phá đề cực kỳ có giá trị! Vừa đọc lên đã thấy trập trùng và rất hợp với ý toàn bài, nhất là câu kết 7 + 8 (khó khăn vất vả, trập trùng hiểm trở như thế mà hiền nhân quân tử cứ thích trèo). Lặp đi lặp lại còn một ý rất hay như thể là đếm, nhiều đèo dốc quá. Đặc biệt, xét các ẩn ý trong toàn bài, nhất là 2 cặp Thực, Luận thì câu 1 còn một dụng ý rất sâu xa, cố tình thất niêm, thất luật để nói tránh đi cái từ cần nói phải mang dấu sắc mới đúng niêm, luật! Nhịp điệu câu 1 cũng giúp người ta liên tưởng tới cái ẩn ý ấy. Việc dùng nhiều âm “eo” cũng là dụng ý tác giả muốn làm nổi bật chủ đề.

Khen thơ Hồ Xuân Hương quả là phạm thượng, “khen voi to”, nhưng đúng là hay thì chẳng lẽ nói khác đi. Hai cặp Thực, Luận, ý tứ sâu xa, hình ảnh độc đáo, từ ngữ thật đắt (một từ “đầm đìa” đã đủ ý bài thơ muốn nói gì)…, nhưng tôi muốn nhấn mạnh ở đây, đó là 2 vế đối cực kỳ chuẩn, đúng đặc trưng thơ luật Đường. Các câu khác cũng rất nghiêm niêm, luật… Như vậy là Hồ Xuân Hương rất tôn trọng các yếu tố cơ bản làm nên vẻ đẹp của thể thơ luật Đường, chỉ cố tình phá cách câu đề nhằm nổi bật thông điệp muốn đưa vào bài thơ.

Nếu đem cái “khuôn vàng thước ngọc” nói trên  mà kiểm tra thì hàng loạt các bài thơ tuyệt tác của Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương, cả thơ chữ Hán của Nguyễn Du, Đỗ Phủ… cũng mắc rất nhiều “lỗi”, “bệnh”,! Vì sao có sự mâu thuẫn này? Đó là vì người ta đã gán cho thơ luật Đường quá nhiều những quy định ngặt nghèo, rắm rối, cho đó là cao siêu.  

Bài thơ hay cốt ở ý tứ, ngôn ngữ, âm điệu, hình ảnh… làm nổi bật nội dung muốn truyền tải. Người làm thơ luật Đường thì nhất thiết phải đạt được các đặc trưng cơ bản của nó là kết cấu, niêm, luật, đối, vận…, nếu không thi thành ra bài thơ theo thể khác chứ không phải thể thơ luật Đường. Tuy nhiên, không thể cố gò bài thơ của mình hoặc đòi hỏi thơ người khác phải hết các “lỗi”, “bệnh” quá khắt khe, rườm rà nói trên. Cố tình gò ép thì cũng ra một bài 8 câu 7 chữ không phạm một “lỗi’, “bệnh” nào, nhưng khi đó chỉ còn là một tập hợp các con chữ khô cứng được sắp xếp theo một trật tự hết sức chặt chẽ chứ không phải là một bài thơ. Người làm thơ luật Đường cứ bị ám ảnh phải làm sao không mắc “lỗi”, “bệnh” thì còn đâu mà bay bổng sáng tạo hoặc tự do thể hiện cảm xúc của mình.  

Chúng ta đang phục hưng thơ luật Đường, không thể lại đi vào vết xe đổ của người xưa, trói buộc thơ luật Đường vào những quy định rối rắm làm thui chột hết vẻ đẹp của thơ luật Đường. 

Hãy “cởi trói” cho thơ luật Đường phát triển lành mạnh, giữ gìn và khôi phục một vốn quý của tổ tiên trường tồn cùng dân tộc.  

*.

PHẠM VĂN DƯƠNG

Địa chỉ: huyện Từ Liêm, tỉnh Hà Nội.

E.mail: phamvanduong7@gmail.com     

Điện thoại: 091.351.0543

.

 

.

 

.............................................................................................................

- Cập nhật từ email: quanboyman1992@yahoo.com.vn ngày 28.09.2020.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến. 

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

.

0 comments:

Đăng nhận xét