CUỐN
TIỂU THUYẾT ĐẦU TIÊN VỀ NGUYỄN DU
CỦA
CỰU THẦY GIÁO DẠY VĂN
NGUYỄN
THẾ QUANG
*
Dù ông đã là hội viên Hội nhà văn 5 năm nay, đã
có ba cuốn tiểu thuyết lịch sử dày, song tôi vẫn muốn gọi ông là «Cựu thầy giáo
dạy văn» trong ngày Quốc tế các Nhà giáo sắp tới; và chính ông cũng không muốn
ai gọi ông là «nhà văn»! (Tác giả Nguyễn Anh Tuấn)
Thực ra, cũng đã có mấy cuốn sách viết về cuộc
đời Nguyễn Du, song đó đều là truyện ký, như: «Ba trăm năm lẻ» (Vũ Ngọc Khánh), «Nguyễn Du» (Nguyễn Lộc). Nhưng phải tới «Nguyễn Du» của «Cựu
thầy giáo dạy văn» Nguyễn Thế Quang, cuộc đời Đại thi hào họ Nguyễn mới được
dựng lên bằng phương thức tiểu thuyết thực sự với những đòi hỏi nghiêm ngặt của
thể loại…
Nhân dịp về Trường Lưu - Can Lộc, Hà Tĩnh dự một
tọa đàm khoa học, tôi tới thành phố Vinh, Nghệ An thăm ông, và được nghe ông kể
về quá trình sáng tác cuốn tiểu thuyết mà nhiều người đọc từng mong chờ này.
Ông nói: nếu không có 40 năm giảng dạy Nguyễn Du và Truyện Kiều, ông không thể viết được tiểu thuyết “Nguyễn
Du”. Rồi ông đã phải sưu tầm và đọc hàng chồng sách báo các loại xưa nay về
lịch sử, văn hóa, văn học viết và văn học dân gian… liên quan tới thời đại và
tiểu sử Nguyễn Du. Ông còn lang thang nhiều ngày, với đồng lương còm nhà giáo,
điền dã từ cố đô Huế đến trấn thành Gia Định phương nam xa xôi rồi lại ngược về
Thăng Long, Kinh Bắc, Thái Bình mong tìm lại dấu vết Nguyễn Du và những nhân
vật khác của tiểu thuyết…
Ông rất vui, và có niềm tự hào chính đáng mà ít
nhà văn của ta có được: Từ khi tiểu thuyết “Nguyễn Du” ra đời tới nay mới hơn
15 năm, nó đã được in đến ba lần ở cả Hà Nội và Sài Gòn, đặc biệt là đã có 6
luận án thạc sĩ của ba trường Đại học lấy tiểu thuyết của ông làm đề tài nghiên
cứu, mới nhất là luận văn “Thi pháp tiểu
thuyết Nguyễn Du của Nguyễn Thế Quang” (Của Nguyễn Thị Thẩm Mỹ, Viện Đại
học Đà Lạt), và luận văn “Phương thức
thể hiện lịch sử trong tiểu thuyết Nguyễn Thế Quang” (Của Bùi Nguyễn
Sao Mai, trường Trung học Phổ thông Đồng Hới),
v.v.
Nhiều bài viết đã phân tích kỹ, và khá chí lý về
tác phẩm “Nguyễn Du”, tiêu biểu nhất là bài NGUYỄN DU, TRĂM NĂM TRONG CÕI NGƯỜI
TA… của nhà văn Đặng Văn Sinh, trong đó ông đã nêu ra một vấn đề hết sức thời
sự của cuốn tiểu thuyết này:
“Nguyễn Du thi nhân, tuy sống cùng thời với
đồng liêu nhưng ông có tầm nhìn xa hơn thời đại mình. Gia Long biết rõ điều này
nên tìm mọi cách vừa phủ dụ vừa hăm dọa. Đây cũng chính là một trong những sách
lược đối phó với tầng lớp văn nghệ sĩ có tài nhưng bất tuân phục của những nhà
chính trị gian hùng”
*
Mai An NGUYỄN ANH TUẤN
Địa chỉ: Phố Thái Hà, quận
Đống Đa, Hà Nội
Email: tranthanhban1956@gmail.com
Điện thoại: 091.217.49.47
........................................................................................
- Cập nhật từ messenger Nguyễn Anh Tuấn
gửi ngày 11.11.2020
- Bài viết không thể hiện quan điểm
của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ
nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
.
0 comments:
Đăng nhận xét