KẺ SĨ VƯƠNG CƯỜNG - Tác giả: Đinh Sỹ Minh (Hà Tĩnh)

1 comment

 

KẺ SĨ VƯƠNG CƯỜNG 

*

Năm 1976, mềnh bước vào năm 3 của lớp 18 kết cấu đại học xây dựng Hà nội, cả khoa xây dựng hồi đó chuyển từ khu C (Chèm) về tập trung cả trường ở Hương Canh. Lớp mềnh hồi mới vào năm nhất sỉ số là trên 50 sinh viên, qua 2 năm học cơ bản, giờ chỉ còn 36 sinh viên (Một số tăng K - lưu ban, số đi lính). Lớp được đón thêm 8 sinh viên khóa trước vừa đi lính về, cả lớp mềnh gọi họ là BỌ, lớp có thêm 8 bọ. Tiếng là bọ, nhưng các anh người lớn tuổi nhất trong số đó là Anh, hơn mềnh 5 tuổi sinh năm 1949, anh học lớp 13 kết cấu, trẻ trong các bọ có anh sinh năm 1952 sau này anh làm lớp trưởng, hơn mềnh 2 tuổi. Ý vậy mà nhìn các anh đàn anh hẳn, đàn anh trong tất cả từ tác phong sinh hoạt, lời ăn tiếng nói. Cả việc học, có anh cũng hơn nhiều bạn trẻ như bọn mềnh (Không hiểu sao hồi đó bọn trẻ trong đó có mềnh có vẻ tự kiêu là đang trẻ, còn các bọ già mịa nó hết rồi, vụ em út chắc chả lo các bọ xí phần 🤩🤩🤩) 

(Tác giả Đinh Sỹ Minh)

Mềnh ấn tượng nhất Anh, nghe tiếng nói đặc Nghệ, mềnh thấy ấm áp và an lòng (Xin lỗi cả nhà, dù xa quê đã 50 năm, nhưng cho đến cả bây giờ nghe ai nói giọng quê, mềnh vẫn thấy gần gụi và vẫn cục bộ ngài Nghệ Nhoa). Mềnh được xếp sinh hoạt cùng tổ 2 với anh, và lại cùng giường... tầng, mềnh nghĩ anh già 🤩🤩🤩, nên sức khỏe yếu, cứ đòi anh xin ngủ giường tầng trên, nhưng anh không, anh bảo: “Mày ngủ tầng dưới, trên để tao” (Không hiểu tự bao giờ anh luôn xưng hô như vậy với mềnh, và cách xưng hô đó theo suốt tận giờ vẫn thế), mãi sau này mềnh mới biết anh thích tầng trên để anh được MỘT MÌNH

Hồi đó, mình chỉ biết anh là người rất yêu thơ, thỉnh thoảng làm được câu thơ hay anh lại lôi mềnh ra đọc cho mềnh nghe. Mềnh thích lắm và chỉ có câu nhận xét: “Nghe giọng anh đọc thơ là em biết anh yêu thơ đên độ nào rồi”, anh tâm đắc nhận xét này, còn bình và thẩm thơ anh, mênh chưa bao giờ dám, kể cả sau này trên phây buk, có thích mềnh cũng chỉ thốt lên vô thức chứ bình, thẩm thơ anh mềnh tuyệt đối, đơn giản mềnh chưa đủ trình. Nhiều lúc thấy anh loay hoay xoay xở, lẩm nhẩm lục đục một mình trên giường không ngủ trưa, là mềnh biết anh đang lên đồng với từng con chữ, dấu chấm (.) hay dấu than (!) đây?

Đến thời điểm này (1976), anh cũng chưa có tập thơ được xuất bản nào, nghe anh kể có được đăng báo vài ba lần. Năm 1981 anh đạt giải nhì báo Tuổi trẻ (Do bạn anh gửi dự thi), Nói thêm, lớp kết cấu của mềnh là lớp chọn những sinh viên đạt điểm cao trong kỳ thi đại học, đặc biệt là điểm toán phải xuất sắc, đa số là học sinh xuất sắc từ Hà nội, có không ít con ông cháu cha, còn lại các tỉnh lẻ, mỗi tỉnh chọn một người, Hà tĩnh có mềnh, Nghệ an có một bạn vào từ năm nhất, giờ anh về nữa là hai, vì là lớp toán, và lên đại học, cày rất nhiều về toán cơ, đàn hồi, từ biến... Nên để có một người nghe thơ (Như mềnh) đã là cực hiếm, chứ đừng nói đên người làm thơ như anh. Sau này mềnh biết thời gian này bên cạnh những “9 kỳ thi, một kỳ đồ án”, với những bài tập rất nặng về đồ án môn hoc, thi học kỳ, đề án nghiên cứu khoa hoc ... Anh đã cho ra một số bài thơ mà sau này anh đưa vào Thơ chon của anh: “Tôi lấy lửa từ trong lặng im/ bao diêm đặt trên bàn/ bật lửa nằm trong túi áo/ ý là khi tôi cầm tay em/ tôi cầm ngọn lửa...” (Khi tôi cầm tay em), hay: “Vừng trăng lên. Ồ em đấy ư/ em đón anh với nụ cười trẻ mãi/ tất cả sẽ đi qua/ chỉ có lòng người ở lại/ anh mang về tất cả cho em..” (Phía sau và phia trước).

Có bài thơ viết đúng giây phút giáp ranh, cách với chiến thắng 30 - 4 -1975 chỉ năm tiếng đồng hồ, khi tiểu đoàn anh nằm bên bờ sông Đồng Nai, chuẩn bị vượt sông: ”Mặt trời sẽ lên thôi/ chúng tôi đẩy mặt trời lên/ để nhìn rõ Sài gòn phía trước/ để viên đạn bay đi khỏi lạc/ bầy chim xòe quạt đón mặt trời..” (Khi ấy mặt trời chưa lên).

Có bài thơ lục bát anh làm trong thời gian này, nếu mềnh nhớ không nhầm đó là bài “Những điều khó nói” bài này mềnh mê mẩn. Có chuyện này mỗi lần nghĩ đến mềnh cứ xấu hổ mãi, đó là dịp về hè mềnh nói với anh, “Anh cho em mượn bài ny, em chế thêm em tặng nàng của em nha” anh bảo: “Ok”, thế là mềnh dựa vào hoàn cảnh mềnh, chế thêm và đem tặng một nàng, sau này mềnh loại bài này và không dám nhắc đến, rầy quá. Bài lục bát nữa mà anh nói anh viết lần cuối cùng trong đời thơ của mình, đó là bài “Thơ tặng người xưa”, bài này theo mềnh cũng rất hay và đáng chon, nhưng trong tập ‘”Thơ chọn không thấy anh đưa vào.

Từ lâu anh nói thẳng với mềnh: ”Mày bỏ ngay 6/8 đi, 6/8 từ thời Nguyễn Du, Nguyễn Bính và các cụ người xưa viết quá đỉnh rồi. Thơ giờ ăn nhau phải là sự khác biệt. Thời đại mới cho chúng ta các điều kiện để giải thoát thơ khỏi sự áp đặt, công thức. Thơ phải trở về với gió trời, với mây bay, nước chảy… tự nhiên theo nhịp rung động của trái tim mình. Mày muốn làm thơ thì đừng theo kiểu chia đều cảm xúc vào các khuôn lục bát, 5,6,7,8… chữ. Đó là kiểu phổ lời cho bản nhạc dân gian. Anh – lục bát, mày – lục bát, người khác lục bát, có phải chúng ta đổ cảm xúc vào chung khuôn không? Mày làm thế chẳng những rất khó khác biệt mà không khéo thành hò vè, nhợt nhạt lắm”. Ban đầu nghe anh nói mềnh rất sốc rồi lưỡng lự, chẳng nghe bất kỳ nhà thơ nào nói thế. Ai cũng răm rắp thơ lục bát là tiếng lòng, là hồn dân tộc. Ai cũng nói, thơ miễn là hay chứ quan tâm làm gì lục bát hay lục gì mà làm gì! Giờ mới thấy anh đúng, anh nghiên cứu lý luận thơ & văn, báo Văn Nghệ nhiều lần giới thiệu. Anh biết cái nhiều người không biết.

Mềnh với anh cùng giường nhưng ‘hai chế độ”. Anh là người lính thắng trận trở về được tung hô (thời đó), đi học anh có lương vì thương binh chuyển ngành, chế độ nhu yếu phẩm (Hồi đó anh chắc phải có 55đ /tháng), mềnh chả có gì, nhà quê lại rất nghèo, mềnh tự ty về cuộc sống với những lo toan vặt vãnh, nên đã không tranh thủ học được anh chút gì, nhiều buổi ngồi với anh để nghe thơ ít dần đi, mình tự rút vì nhiều lý do, nhưng lý do rõ nhất là quá đói (Cứ hàng ngày vào khoảng 10 giờ trưa ngồi học trong lớp ngửi thấy mùi thức ăn từ nhà bếp bay ra là mọi thứ tan biến cả thơ và nàng), quá nghèo, nghèo đến mức quần áo cũng chỉ có một bộ chính (để đi chơi), và một bộ phụ khi ở nhà, và với quyết tâm, phải tập trung cho việc lấy tấm bằng đại học, để may ra thay đổi.

Nhớ mãi đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường mà thầy giáo Chủ nhiệm khoa hồi đó là Phó Tiến sĩ Nguyễn Văn Đạt giao cho hai anh em cùng làm, giờ lâu quá quên rồi nhưng nội dung đại ý “Ảnh hưởng của từ biến trong kết cấu bê tông sàn nấm”. Cấy này phải hỏi lại các thầy Nguyễn Đình Cống, Lê Bá HuếVăn Thịnh Lê thì chuẩn hơn.

Tốt nghiệp, mạnh ai nấy lo, nghe tin anh về bộ đại học làm cán bộ giảng dạy về chính trị, tuyên giáo tuyên truyền, mềnh lưu lạc với những khó khăn bộn bề của thời bao cấp, có thời gian mềnh công tác ở viện QHTK tổng hợp sở xây dựng Nghệ Tĩnh, mềnh cũng không quên ghé thăm nhà thơ Qùy Thạch (Thạch Qùy), hồi anh sông khu Quang Trung. Với lý do hồi nhà thơ Thạch Qùy nổi tiếng với bài thơ VỚI CON, còn lý do quan trọng khác mềnh là bạn học đại hoc với anh, dù hồi đó chả liên lac được với anh (Không phải như bây giờ có điện thoại, facebook , zao lo..) .

Đến những năm 90 của thế kỷ trước, đất nước đổi mới mềnh cũng đã tạm ổn, có chút vốn lận lưng, mềnh đang công tác sở xây dựng Gia Lai lần đầu tiên ra công tác Hà Nội sau mấy chục năm trở lại là mềnh tìm đến anh ngay ở Đặng Tiến Đông, mềnh nhớ anh tiếp mềnh bằng bia hơi lạc luộc, mưc khô, uống cả ngày luôn, nghe anh đọc, nói chuyện thơ .. ôi đã, say đến cả ngày hôm sau. Từ đó, mỗi lần có cơ hội họp lớp hay ra Hà Nội khi mô mềnh cũng tìm gặp anh. Nhớ có lần họp lớp đâu năm 1998, anh mới xuất bản tập thơ “Bài hát đi tìm một người“ anh mang tặng lớp, ai cũng đón nhận, nhưng mềnh tin chả ai đọc nó ngoài mềnh. Đến khi muộn, tất cả đã say, mỗi người một chuyện tranh nhau nói, thậm chí vài bạn có chút khoe khoang về công việc xe hơi nhà lầu, chức tước, anh thì kéo mềnh ra đọc thơ, xung quanh ầm ĩ, có cả người nôn mửa vì say, anh vẫn say sưa đọc thơ cho một người đang há hóc mồm như cố nuốt từng lời, từng chữ, Hai anh em độc diễn một sân khấu, giữa tiếng ồn ào hơn vỡ chợ.

Năm 1999, mềnh chuyển công tác ra Hà Nội, đến năm 2000 thì mình đưa cả nhà ra luôn, cơ hội gặp anh càng dễ, nhưng mềnh luôn là khán thính giả của anh thôi, có làm được câu, bài thơ nào mềnh cũng im thin thít không dám khoe anh, sợ anh cười. Kể cả khi ra được tập thơ đầu THĂM THẲM BÓNG LÀNG do nhà thơ Trần Quang Quý biên tập và giới thiệu mềnh cũng chưa dám khoe anh. Cho đến một hôm sau khi mềnh cho ra tập thơ thứ 2 NHỐT ĐAM MÊ, thì mềnh nhận được điện thoại của anh. Anh nói: “Thằng Minh, mày đang ở đâu, sao lâu nay không gọi cho anh, Tao mới đọc mày và cả bài của anh Tạo (nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo) và Qúy (nhà thơ Trần Quang Qúy) viết về mày nữa, tao thấy mày đã đi trên đường thơ rồi và anh Tạo đã chấm là ok rồi nhé, anh Tạo tinh và có trách nhiệm. Mày đến ngay anh nha, anh đang ngồi... Phương Mai”. Tôi vớ ngay chai rượu ôm xe đến thẳng anh, vừa lái xe vừa khóc. Anh rất ít khen, đặc biệt khen vì lý do khác, tôi được 2 lần anh khen, lần này và một lần anh đọc bài thơ tôi viết năm 2016, nhân dịp 60 năm thành lâp trường Đại học Xây Dựng, bài HƯƠNG CANH NGÀY TRỞ LẠI. Anh nói: “Bài ni không vướng bận gì ai, giải thoát hoàn toàn khỏi sự áp đặt công thức. Tự nhiên. Giàu nhạc. Sâu sắc.” (Kể cả sau này chơi fb, cái coment của anh là thât, lijke hồi đầu anh luôn thât, sau này có like xã giao, nhưng tôi thì tôi biết cái nào của anh là thật, cái nào của anh là xã giao, bài thơ nào có like còm của anh tôi lại xúc động.)

Sau đó anh cứ động viên mềnh viết đơn vào hội nhà văn: “Thơ mi và mi xứng đáng tao mới nói. Còn không tao ngăn nếu mi có ý định đó”. Được cổ vũ của anh và các nhà thơ Trần Quang Qúy, Nguyễn Trọng Tạo, và nhiều anh chị nhà văn nhà thơ khác nữa, mềnh hăm hở viết đơn vào hội và tiếp tục cho ra đời đứa con thứ ba PHỒN SINH.

Thơ anh viết không nhiều, có bài anh thai nghén, sửa chữa cả chuc năm, có bài anh viết sửa mãi và cuối cùng anh xóa. Anh mới xuất bản được 3 tập chính “Bài hát đi tìm một người“ (Nhà xuất bản Văn hóa năm 1997); “Đám mây hình thiếu phụ” (Nhà xuất bản Văn hoc năm 2010); “Canh chừng lãng quên” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn năm 2016), và gần đây 2018 anh in chung với nhà thơ Đoàn Xuân Hoà  “Thơ chọn” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn)

Viết, bình và thẩm khen thơ anh đã có nhiều nhà thơ viết: Nguyễn Trọng Tạo, Hà Linh, Ngô Đức Hành,.... mềnh vẫn chưa dám, chỉ kể lại những kỷ niệm với anh với tư cách người yêu thơ, ngưỡng mộ anh, khán thính giả của thơ anh, anh là KẺ SỸ mà mình yêu và kính trọng anh. Nếu được phép nói về thơ anh, xin mượn ý của nhà thơ Y Phương Sa kiu Sa Kiu Kin Huatrong một comment trên Facebook: “Tôi có đọc cụ khi chưa biết cụ là ai. Tôi thấy ngay chân dung cụ rất riêng biệt. Vừa hào hoa vừa đậm chất suy tư. Hàm lượng trí tuệ cao. Tính khái quát cao. Rất khác chất khu 4”. Mềnh nói thêm: “Thơ anh là trái chín đúng mùa, trong thơ có toán..”

Có những thần tượng mình chỉ nghe và thấy họ nổi tiếng chắc là số họ được như thế, còn khi có cơ hội gặp sống một thời gian, thì mềnh thất vọng và thần tượng sụp đổ tan tành, với anh đã cùng sống nghe thơ học tập 3 năm ở trường đại học, chơi với nhau 45 năm, chưa bao giờ dù là ý nghĩ mình thấy anh nhạt nhẽo, anh luôn là thần tượng của mềnh dù anh là ‘Bụt chùa nhà“.

Hồi mới mon men xuất bản được vài tập thơ, thấy các nhà văn nhà thơ nổi tiếng, mềnh cũng thích selfie, khoe khoang. Anh gặp, anh nói thẳng: “Mày làm thơ phải tự chọn lấy hướng đi bằng đôi chân của mình và tuyệt đối không giống ai cả và lại càng không được dựa vào “bóng cây Knia””. mềnh hiểu ý anh, từ đó trở đi mềnh tuyệt đối, và tự hứa thà làm cỏ trên sa mạc, còn hơn làm Bóng cây Knia, dựa hơi cây đa cây đề làm xanh đít nhái.

Có đôi lần có bạn nữ trong lớp gặp mềnh phàn nàn, hôm nọ tớ đi tàu gặp anh Vương Cương chào anh mà rồi anh làm thinh, mềnh nói “không phai mô, anh chắc đang mần thơ đó”. Anh rất nhiều lóp hội hè, nhưng anh không bỏ quên bạn bè nào cả trong những ngày vui hay buồn của bạn, anh nói “Bạn bè trong lớp hiếu rồi hỷ anh luôn đến, bận quá nhờ con hay bạn bè, không bao giờ anh bỏ“. Anh còn là người bố đảm đang, nuôi các con trưởng thành, giờ đã là cháu nội cháu ngoại đề huề (Chuyện này mềnh hóng thôi, anh chưa bao giờ tâm sự với mềnh).

Vâng chỉ dám vài lời như vậy đã, viết về anh còn nhiều lắm, nếu được cả nhà ủng hộ xin hầu tiếp phần sau .. (VÀO HỘI). Anh là nhà thơ, tiến sỹ, Kẻ sỹ Vương Cường.

*.

ĐINH SỸ MINH

Quê quán: Đức Thanh, Đức Thọ, Hà Tĩnh.

Địa chỉ: 699 Trương Định, Hoàng Mai, Hà Nội.

Email: dinhsyminh0501@gmai.com

 

 

 

 

……………………………………………………………………

- Cập nhật từ email dovantuyenbk@yahoo.com.vn ngày 16.05.2020.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

.    

1 nhận xét:

  1. Không thích Vương Cường vì ông này cũng thuộc diện lộng ngôn

    Trả lờiXóa