TÍNH TRIẾT LÝ CỦA BÀI THƠ CON CÓC - Tác giả: Lê Thanh Long (Hà Nội)

Leave a Comment

 

TÍNH TRIẾT LÝ

CỦA BÀI THƠ CON CÓC

*

(Tác giả Lê Thanh Long)

Người đời thường lấy bài thơ “Con Cóc” để phê phán những bài thơ dở và những người làm thơ dở. Vì bài thơ quá đơn giản, mô tả hành động của con cóc mà ai cũng biết. Ai cũng cho rằng bài thơ “Con Cóc” là bài thơ dở. Dở đến nỗi lấy nó làm bài thơ mẫu để nói về một bài thơ dở. Bài thơ “Con Cóc” còn gắn liền với một câu chuyện tiếu lâm nổi tiếng của ba anh học trò dốt (1). Nhưng có một điều rất lạ là hầu như người Việt Nam ai cũng thuộc bài thơ này. Bài thơ chỉ đọc qua một lần là thuộc. Và một điều ngạc nhiên nữa là bài thơ “Con Cóc” đã có từ rất lâu rồi, có lẽ còn lâu hơn cả “Truyện Kiều” của cụ Nguyễn Du. Trương Vĩnh Ký là người đầu tiên sưu tập, in trong quyển “Chuyện đời xưa”, xuất bản lần đầu tiên năm 1866.

Nhất Linh và Xuân Diệu đã coi tính chất “Vượt thời gian” là cơ sở chắc chắn nhất để xác định một tác phẩm lớn. Bài thơ “Con Cóc” về tính chất “Vượt thời gian” có lẽ đã hơn cả “Truyện Kiều” của cụ Nguyễn Du. Vậy tại sao bài thơ “Con Cóc” lại có thể “Vượt thời gian” và “Vượt cả không gian” như vậy? Thật ra bài thơ “Con Cóc” tuy đơn giản, nhưng mang tính triết lí rất cao siêu, chứ không phải như ta vẫn nghĩ. Ta thử phân tích xem tính triết lí của nó ở chỗ nào?

Bài thơ “Con Cóc” vẻn vẹn có sáu câu thơ bốn chữ, trong đó có tới hai câu được nhắc lại, như vậy bài thơ chỉ còn có bốn câu khác nhau

Con cóc trong hang

Con cóc nhảy ra

Con cóc đang ở trong hang, tại sao nó phải nhảy ra? Thứ nhất cái hang chật hẹp, tù túng quá, ở lâu ngày nó không chịu nổi, nó phải nhảy ra tìm nơi rộng rãi, tự do, phóng khoáng hơn. Thứ hai, do điều kiện nào đó nó phải náu mình, chờ thời cơ, chờ cơ hội thuận lợi để hành động và bây giờ thời cơ đã đến, nên nó nhảy ra.

Con cóc nhảy ra

Con cóc ngồi đấy

Con cóc nhảy ra, rồi ngồi đấy. Nó ngồi đấy làm gì? Nó ngồi đấy nhìn trời, nhìn đất, nhìn nơi nó mới đến. Nó quan sát, đánh giá tình hình nơi nó mới đến. Nơi mới đến này có phù hợp với điều kiện sống của nó không? Có cơ hội phát triển nòi giống không? Có đủ điều kiện thiên thời, địa lợi, nhân hòa để phát triển tài năng không? Nó ngồi đấy ngẫm nghĩ, tìm hiểu. Không phải ngẫu nhiên mà tác giả cố ý nhắc lại hai lần câu “Con cóc ngồi đấy”, để diễn đạt một quá trình đắn đo suy nghĩ sâu sắc, cẩn trọng, trước khi quyết định bước tiếp theo                       

Con cóc ngồi đấy

Con cóc nhảy đi

Và sau khi ngẫm nghĩ, cân nhắc, nó thấy ở đây không đủ những điều kiện cho nó tồn tại và phát triển như ý muốn, nên nó lại nhảy đi tìm một phương trời mới tự do hơn, một phương trời mới có điều kiện phát triển tốt hơn. Đó chính là triết lí cao siêu của ông cha ta, của những con người không cam tâm ở nơi tù túng, chật hẹp, mà cố gắng thoát ra, đi tìm một miền đất hứa, một miền đất tự do hơn, mầu mỡ hơn để phát triển sự nghiệp, gia đình và đất nước. Con người chỉ lấy hình tượng con cóc để biểu đạt quan điểm của mình mà thôi. Cái độc đáo của bài thơ Con Cóc là không ai nghĩ sẽ làm một bài thơ như vậy! Nhưng chính cái đơn giản đó đã làm cho nó trường tồn.

Biết đâu đấy, sau khi làm bài thơ “Con cóc”, các cụ xưa, lại chẳng nghĩ ra câu chuyện “Ba anh học trò dốt”, để thử phản ứng của người đời chăng!

(1). Câu chuyện như sau:

Có ba anh học trò dốt, một hôm nhìn thấy một con cóc, nổi hứng rủ nhau làm thơ vịnh. Anh thứ nhất đọc: Con cóc trong hang / Con cóc nhảy ra. Anh thứ hai gật gù: Con cóc nhảy ra / Con cóc ngồi đấy. Anh thứ ba tiếp lời: Con cóc ngồi đấy / Con cóc nhảy đi. Làm xong bài thơ ba anh trầm trồ khen mình giỏi, rồi sực nhớ lời người xưa nói kẻ tài hoa thường mệnh yểu, ba anh rất lo, sai tiểu đồng ra phố mua sẵn ba cái quan tài. Ngoài phố, nghe lời tiểu đồng kể lại, một khách qua đường dặn: - Mày mua luôn cho tao một cái nữa, kẻo lỡ cười quá tao chết mất.

*.

LÊ THANH LONG

Địa chỉ: Phòng 1132, nhà HH03C, Khu đô thị Thanh Hà,

xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội.

Email: lethanhlong321@gmail.com

Điện thoại: 0822.098.772

 

 

 

 

...........................................................................................................

- Cập nhật theo nguyên bản từ email tác giả gửi ngày 02.09.2020

- Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến. 

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.


0 comments:

Đăng nhận xét