CHUYỆN CŨ CHƯA CŨ - Tác giả: Đặng Xuân Xuyến

3 comments

 

CHUYỆN CŨ CHƯA CŨ

*

Một ngày cuối tháng 6 năm 2020, Nguyễn Đăng Hành bảo tôi: Chú làm bài cho Tết âm lịch như “Tưng tửng 7 chuyện...” đi. Tôi mặc cả: - Nhưng anh là nhân vật chính và em sẽ kể thật đến 90%. Nguyễn Đăng Hành cười: - Chú vô tư đi. Anh nghe chửi quen rồi.

Ừ thì viết, nhưng sợ dớp của “Tưng Tửng 7 Chuyện Cùng Nguyễn Đăng Hành” nên viết được vài chuyện, tôi dừng lại, hôm nay post lên đây một chuyện, tạm đặt tiêu đề là CHUYỆN CŨ CHƯA CŨ, nếu nhà thơ Nguyễn Đăng Hành (người có sở thích dị biệt: thích kể chuyện xấu của mình để nghe thiên hạ chửi) đọc mà không phản đối chuyện kể thật quá thì tôi sẽ viết đủ 10 chuyện như đã thống nhất với anh.

*

Sáng ngày 07 tháng 07 năm 2019, tầm 9 giờ anh đến nhà tôi ở phố Nguyễn Văn Trỗi theo lời hẹn.

Bắt tay anh, tôi nói: - Em có mời anh Đỗ Hoàng. Chốc gặp nhau, anh có ngại không?. Thoáng chút bối rối nhưng cũng rất nhanh nét mặt anh tươi trở lại: - "Không sao! Chuyện thật người thật thì có gì tớ phải ngại.", rồi chậm chậm bước lên tầng. Vừa gặp Đỗ Hoàng, anh đã quày quả trách tôi: -"Chú viết “Tưng tửng như thế hại anh quá. Nhiều người hiểu sai nói anh thế này thế kia.". Tôi ngớ người, phân trần: - Em viết nhẹ đi rất nhiều so với lời anh nói. Anh mắng em hèn, không dám trich dẫn 100% lời anh vì sợ mọi người chửi, sao giờ trước mặt mọi người anh lại trách em?!. Không trả lời tôi, anh cười rất tươi với nhà thơ Đỗ Hoàng, giọng rổn rảng: -"Anh Đỗ Hoàng, bác Chử Văn Long, bác Nguyễn Khôi là 3 sư phụ em rất kính trọng! Đời em chỉ tôn kính 3 sư phụ đây thôi!". Rồi vồn vã chuyển đề tài thăm hỏi, luận bàn thơ phú. Tôi tròn mắt nhìn anh: chẳng có lẽ tôi đang nghe nhầm?

Tôi nhớ, lần đầu anh rủ nhà thơ Hoàng Xuân Họa đến nhà tôi, anh cảm động giới thiệu: -"Thầy Họa là sư phụ tớ rất tôn kính! Thầy dạy tớ nhiều chiêu thức làm thơ lắm. Tớ rất biết ơn sư phụ!". Ở làng Đá, hơn một lần anh quả quyết: -"Anh chơi với nhiều nhà thơ nhưng nói thật chỉ bác Văn Thùy đây mới đáng để anh tôn làm sư phụ.". Rồi với nhà thơ Nguyễn Thanh Lâm, anh cũng cao giọng: -"Thầy Lâm là nhà “Hà Nội học” và là sư phụ kính trọng của anh!". Rồi nữa: -"Anh may mắn kết giao với nhà thơ Phạm Tiến Duật, được ông dạy nhiều chiêu thức làm thơ. Dù luôn chửi thơ anh không xứng thơ câu lạc bộ nhưng duy nhất ông mới đáng là sư phụ của anh!"... Phải đến hơn tiếng đồng hồ tôi mới vỡ lẽ vì nhớ ra lần anh bị nhà thơ Nguyễn Khôi mắng là thằng lưu manh, anh đã tâm sự: - “Bác Khôi khôn lắm, không chê ai vì không muốn mất lòng ai. Anh thì khác, ai anh cũng tôn làm sư phụ, cho họ sướng ngất ngây. Mình mất gì đâu ngoài lời khen mà lại được họ quý. Chú cứ thẳng ruột ngựa như thế sẽ bị nhiều người ghét lắm...”.

Cũng trưa đó, khi bàn về chuyện khen chê, tôi nói nhỏ với anh: -“Em viết truyện ngắn “Cô Sướng Cưới Vợ” tặng vợ chồng cậu em con dì, khi gửi anh Cầm Sơn đăng trên Văn Nghệ Công Nhân, anh ấy gửi email mắng em: -“Anh khuyên chú không nên viết truyện kiểu này nữa. Đừng làm nhỏ mình đi!”. Em cảm động vì lời mắng rất tình của anh Cầm Sơn. Dù viết thơ văn chỉ để “mua vui cho mình” nhưng những lời mắng thẳng, thật như thế quý lắm.”. Anh liền cao giọng: -“Bác Chử Văn Long chê thằng Xuyến biết gì về thơ văn mà ngồi bàn luận với nó. Thơ của nó là thứ thơ vớ vẩn...”. Tôi nghe anh nói điều đó từ năm 2016, ngay sau những khi nhà thơ Chử Văn Long bình: “Bạn Quan”, “Quê Nghèo”... và tôi cũng đã nói với anh, mấy năm nay giải tán công ty, ở nhà buồn quá nên tôi “đổ đốn” viết thơ văn để giết thời gian, chuyện khen chê có quan trọng gì đâu, vì thế tôi ghé tai anh: -“Nói lại chuyện đó làm gì. Em có quan tâm chuyện khen chê đâu.”. Anh liền lớn giọng chê thơ tôi “chỉ được cái tốc độ chứ thi pháp chả ra gì” rồi “đề nghị” nhà thơ Chử Văn Long “trung thực” nói lại những lời “đã nhận xét về thơ Đặng Xuân Xuyến với Nguyễn Đăng Hành”. Không để cuộc hội ngộ mất vui, tôi gạt đi: -“Anh đừng làm khó chú Long. Khen chê là chuyện bình thường, anh nhắc mãi điều đó làm gì!”. Anh bực tức, khoát tay người bạn đi cùng: -“Về...”. Thế là tan cuộc vui. Tiễn anh, tôi nhắc đi nhắc lại: -“Về đến nhà, nháy máy để em biết anh đã về đến nhà nhé.”. Anh ừ, nhưng cả chiều đó, tôi gọi hơn 20 cuộc điện thoại anh cũng không nhấc máy.

Sáng hôm sau, 08 tháng 07 năm 2019, gọi 2 cuộc điện thoại không được nên tôi điện thoại phân trần với nhà thơ Chử Văn Long: -“Cháu gọi hơn 20 cuộc điện thoại từ chiều qua đến giờ mà anh Hành không nhấc mấy. Cháu lo quá.”. Nhà thơ Chử Văn Long trả lời: -“Hành bị chút cảm nhẹ. Hôm nay khỏe rồi. Chắc Hành vứt điện thoại ở nhà đi loanh quanh đâu đó, Xuyến đừng lo.”. Vào facebook, thấy nick Nguyễn Đăng Hành sáng đèn, tôi thở phào như trút được gánh nặng.

Cả ngày 08 tháng 07 năm 2019, tôi cứ tự dằn vặt nói những chuyện đó ra làm gì để anh ấy giận, khiến buổi hội ngộ của mấy anh em chú cháu mất vui nhưng những chuyện đó tôi và anh chỉ nói nhỏ với nhau, có đáng để anh giận đâu?! Thì anh nhắc tới bài “Tưng tửng...” nên tôi nói: Hương Mai bảo điện cho anh mấy lần nhưng anh không nhấc máy. Nó trách là bạn của em sao anh lại comment những câu đổ dầu vào lửa để Nguyên Lạc thêm tức em, trong khi em chỉ là người kể lại chuyện. Em bảo tính anh thích đùa, không như Mai nghĩ đâu. Thế là nó cụp máy, giận em đấy. Tôi bấm điện thoại gọi Vũ Thị Hương Mai để anh nói chuyện nhưng anh gạt đi, bảo không nói chuyện với Hương Mai rồi chuyển sang nói chuyện về bài “Về Chân Dung 99 Nhà Văn Việt Nam Đương Đại” nên tôi buột miệng: -“Chú Nguyễn Bàng bảo anh viết về chú Nguyễn Khôi như thế là không ổn. Em đọc lại thấy bài viết “có chuyện” nên đã cắt bỏ những đoạn anh “thất lễ” với chú Khôi và nhờ các trang mạng đã đăng sửa lại. Vì anh ủy quyền cho em biên tập và gửi đăng báo mạng nên em không nói lại. Hơn nữa, anh từng ân hận: -“Anh có lỗi với bác Nguyễn Khôi. Khi đọc "Chân dung 99 nhà văn Việt Nam đương đại", anh (...) viết theo cảm nhận của anh nhưng vì không cân nhắc, đã có những câu thất lễ với bác Khôi. (...) Hôm gặp bác Khôi ở nhà chú, định xin lỗi thì bác ấy chửi anh là thằng lưu manh. Anh đau quá, không nói được lời xin lỗi.”

Nhớ lại chiều 30 tháng 12 năm 2018, khi điện hỏi anh đã đọc kỹ bài “Tưng Tửng 7 Chuyện Cùng Nguyễn Đăng Hành” chưa? Có cần chỉnh sửa gì không? Anh hề hề cười: - “Chú là thằng nhát gan. Sợ bị nghe chửi lây nên cố tình viết nhẹ đi. Những người biết anh, người ta không nhận ra anh vì chú vẽ anh ngoan hiền quá, không đúng chất ngông nghênh bất cần của anh. Thôi, chú cứ đưa bài này lên trang đi. Anh (cười) chịu khó mang tiếng là thằng ngoan hiền cũng được.”. Vậy mà trước mặt những nhân vật có nhắc đến trong bài thì anh quày quả trách tôi hại anh, làm mọi người nghĩ sai về anh.

Thắc mắc mãi câu hỏi tại sao trước sau anh lại bất nhất như thế mà đến giờ tôi vẫn chưa tìm được câu trả lời...

Mời thư giãn với nhạc phẩm XIN LÀM NGƯỜI HÁT RONG

của Trần Long Ẩn, qua tiếng hát Phương Thanh:

           

*.

Hà nội, ngày 25 tháng 12 năm 2020

ĐẶNG XUÂN XUYẾN

.

 

 

 

 

 

. .....................................................................................................

- © Tác giả giữ bản quyền.

- Copy bài tại trang: https://tienglongnguoixaque.blogspot.com/

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

.

3 nhận xét:

  1. Nhà thơ Nguyễn Đăng Hành đúng là lập dị thật. Nhưng nhờ thế mới biết giới chữ nghĩa cũng lắm chuyện chả ra gì. Không biết thói "gàn dở" này của ông lão nhà thơ 16 vợ đáng khen hay đáng chê đây

    Trả lờiXóa
  2. Đừng lặp lại phiên bản "Tưng tửng 7 chuyện cùng Nguyễn Đăng Hành" nữa, được thì ít mà mất sẽ nhiều đấy người đa tài Đặng Xuân Xuyến ạ. Chân thành khuyên bạn đừng mắc mưu Nguyễn Đăng Hành. Bạn sống thật quá nên dễ bị người khác lợi dụng. Chúc bạn sức khỏe, may mắn và nhiều sáng tác hay

    Trả lờiXóa
  3. Những thông tin chân thực như thế này rất hay. Cám ơn Đặng Xuân Xuyến

    Trả lờiXóa