CHUYỆN NGƯỜI VIỆT NAM TỊ NẠN Ở HỒNG KÔNG - Tác giả: Khuyết Danh

Leave a Comment

 


CHUYỆN NGƯỜI VIỆT NAM

TỊ NẠN Ở HỒNG KÔNG

*

Giữa thập niên 80 và đến tận những năm sau 2000 là thời đại hoàng kim của đầu máy chạy băng từ và phim Hường Công, ko biết cacc có còn nhớ? Tôi thì ngoài chưởng bộ ra tôi thích xem phim xã hội đen Hồng Kông, mà phim xhd thì phải coi phim lẻ mới hay, phim bộ thì dài quá nên nhàm. Mà đã xem phim xã hội đen thì tất nhiên không thể không biết những Người Trong Giang Hồ hay Long Tại Giang Hồ, Giấc Mộng Mãnh Hổ... nói thật, đấy là những bộ phim Hường Công gắn với cả một thế hệ. Nhưng có một sự thật mà ít người biết, đó là giang hù Hồng Kông thời điểm đó trên phim thì hổ báo vậy, nhưng ngoài đời thì ... cực kỳ ngán giang hù Việt Nam ở Hồng Kông. Mà cụ thể là giang hồ Hải Phòng và Quảng Ninh ở các trại tập trung của người Việt khi đó. Hôm nay tôi kể các anh chị nghe về cuộc sống người Việt trong các trại tị nạn ở Hồng Kông từ 1975 - 1999.

 

I. HƯƠNG CẢNG - ĐIỂM ĐẾN CỦA NGƯỜI TỊ NẠN

Tất nhiên, tị nạn thì phải là do biến cố 1975, ở đây ko bàn chánh trị chánh em, chỉ là nói về sự việc thôi. Ngày 4.5.1975 một con tàu Đan Mạch của hãng Maersk (cái hãng mà lâu lâu các bạn thấy trên mấy thùng container chạy đầy ngoài đường đó) chở theo 3 473 người Việt (trong đó chủ yếu là những Hoa Kiều ở Chợ Lớn) cập bến Hương Cảng, những người này là những Hoa Kiều có tiền ở Việt Nam Cộng Hòa và vượt biển ngay trước khi Sài Gòn sụp đổ ngày 30/4. Chính phủ Hương Cảng coi họ là những người “nhập cư bất hợp pháp” nhưng chấp nhận cho họ “tạm trú”. Đây là đánh dấu cho sự khởi đầu của làn sóng người Việt di cư tị nạn tới Hương Cảng.

Sự việc trên thu hút sự chú ý của truyền thông quốc tế và sau đó là Liên Hợp Quốc. Về phía Hồng Kông, vì là đợt người đầu tiên nên họ đối xử với những "thuyền nhân" này rất tốt. Ba trại tị nạn đầu tiên được lập ra để người Việt trú tạm là trại Tây Cống - Sai Kung, Phấn Lãnh - Fan Ling và Thạch Cương - Shek Kong. Hồng Kông khi đó vẫn là đất thuộc Ăng lê nên họ hào hiệp rất. Ngày 9 tháng 5, toàn quyền Hồng Koong tới thăm cả 3 trại trên, ngày 18 tháng 5 đã có 103 người Việt Nam chuyển đi Guam rồi từ đó sẽ sang Huê Kỳ, ngày 22 tháng 5 thêm 15 người nữa được Pháp đồng ý tiếp nhận. Không hiểu có sự ngẫu nhiên nào ở đây không, mà những người được đi đợt đầu này toàn là những người ... giàu nhất, bọn thối mồm còn đồn rằng phải bỏ cả chục "cây" cho một suất đi đầu tiên như thế...

Một tàu đã đi trót lọt thì sẽ có thêm nhiều tàu khác. Từ năm 1975 - 1979, số tàu đến Hồng Kông ngày càng tăng, số người từ đó cũng tăng dần, ngày 11 tháng 9 năm 1979 theo số liệu của nhà chức trách đã có 68.695 người Việt Nam tị nạn đến Hồng Kông (con số thực tế có lẽ còn cao hơn, vì người Việt đến nơi, vào trại tị nạn còn trốn ra ngoài cả một cơ số). Đến đầu thập niên 90, con số người Việt Nam tị nạn đã lên đến suýt soát 250.000. Đặc biệt là sau năm 1978, với chủ trướng đánh tư sản ở miền nam và trục xuất hoa kiều ở cả hai miền Nam Bắc, Hồng Kông càng phải đón tiếp nhiều lượt người tị nạn hơn. Đành rằng ngoài Hồng Kông thì các nước Đông Nam Á như Philippin, Thái, Mã đều có trại tị nạn cho thuyền nhân, nhưng Hồng Kông là đất của Anh, chế độ cho người tị nạn khá tốt: Trên 21 tuổi bất kể nam nữ được phát 3 điếu thuốc/ngày, sáng có bánh mì, sữa tươi, ăn ngày 3 bữa, được phát cả cam tráng miệng, mùng mền quần áo được phát free, có tivi cho xem phim bộ Hồng Kông hàng ngày...

Từ khoảng giữa thập niên 80, ở các tỉnh ven biển phía bắc mà nhiều nhất là ở Hải phòng, Quảng Ninh bà con bắt đầu rỉ tai nhau … vượt biên. Một phần là vì kinh tế Việt Nam khi ấy vã quá, toàn dân đều theo chế độ bao cấp, ăn không đủ ăn, mặc không đủ mặc. Trong khi anh em ngồi trại tị nạn Hồng Kông thì béo tốt, trơn da đỏ lông, thế là bà con rỉ tai nhau cùng vượt biên. Ở phía bắc, người ta sẽ đi con đường ngắn nhất là ra vịnh bắc bộ, đi tiếp ra phao số 0, từ đó ra hải phận quốc tế rồi ngược lên phía bắc, đi qua eo biển Quỳnh Châu giữa bán đảo Lôi Châu và đảo Hải Nam rồi từ đó cập cảng Hồng Kông. Vì tuyến đường này ít bão biển, và cũng đếch có cướp biển (phải nói anh em Trung Cộng thời kỳ này làm tốt việc tiễu phỉ) nên bà con vượt biên đến Hồng Kông thường là kết thúc hành trình tốt đẹp.

Thậm chí có một dạo, vượt biên như là cái mốt ở Hải Phòng, nhà nhà rỉ tai nhau, người người bàn tán, chỉ xoay quanh mấy chuyện: Anh / chị có “đi” không? Hay chừng nào thì anh /chị đi? Cứ thế, mục đích của người tị nạn ban đầu là tị nạn chính trị, tới khoảng giữa thập niên 80 dần chuyển sang tị nạn về … kinh tế. Tất nhiên, chánh quyền Hồng Kông không ngu, họ nhận ra cái ách từ trên trời rơi xuống mà mình phải gánh, sau khi kêu gào lên Cao Ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn mà không thấy hồi âm, chính quyền Hồng Kông bắt đầu làm theo cách của họ: Trong năm 1979, chính phủ Hồng Kông từ chối cho các tàu chở người tị nạn cập cảng Hồng Kông, thay vào đó hàng ngày họ vẫn cấp thức ăn, nước uống cho các tàu này, tuy nhiên các thuyền nhân lập tức trung băng rôn, khẩu hiệu bằng cả tiếng Việt tiếng Hoa, chửi chánh phủ Hồng Kông tàn nhẫn, vô nhân đạo, yêu cầu được cập cảng, một số anh em còn làm trò nhảy xuống biển bơi vào Hồng Kông nhưng cốt để cho phóng viên chụp hình đăng báo thôi, còn đâu thì lại bơi về tàu… lập tức truyền thông quốc tế lên tiếng chửi, Hồng Kông lại phải nhận. Thế rồi cũng chịu hết thấu, năm 1988, Hồng Kông ra một thông cáo: Tất cả những tàu tị nạn sau 12h đêm (giờ Hồng Kông) ngày 16/8/1988 sẽ đều bị coi là tị nạn về kinh tế, sẽ bị gửi trả về Việt Nam, bất kể mục đích là tị nạn là gì. Từ đó số tàu tị nạn đến Hồng Kông mới thôi, nhưng hãy còn cả đống chuyện với người Việt trong các trại tập trung.

 

II. NHỮNG CUỘC NỘI CHIẾN TRONG TRẠI TỊ NẠN

Dĩ nhiên, những người Việt đến Hồng Kông đầu tiên là người miền nam và dân Hoa Kiều, dân Hoa Kiều Chợ Lớn nói tiếng Quảng Đông như người Hồng Kông bản xứ nhanh chóng hòa nhập với môi trường mới, dễ dàng kiếm được việc làm và giấy căn cước mới nên say good bye với trại tập trung rất sớm. Chỉ còn người Việt, những người của Chế độ cũ, những người này được Cao Ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn gọi lên phỏng vấn xem có phải tị nạn chính trị thật hay không và tìm một nước thứ 3 sẽ nhận họ đi định cư rồi cho đi, trong thời gian chờ thì xin mời về trại ngồi tiếp. Thế rồi người tị nạn ngày một đông, mà tánh người Việt Nam mình lạ, ngồi chung với nhau y như rằng có chuyện. Những xung đột đầu tiên giữa người Việt với nhau là giữa dân hai miền Nam – Bắc, mà nói thẳng ra là xung đột … ý thức hệ, dân nam bỏ xứ sẵn sàng chửi Cộng Sản thì ngược lại dân bắc tuy cũng vượt biên nhưng vẫn tôn kính lãnh tụ và bảo vệ chế độ, thế là đánh nhau to.

- Ngày 3/2/1992, trùng thời điểm giao thừa âm lịch, lúc 11 giờ tối. Trại Thạch Cương đã xảy ra cuộc đụng độ đẫm máu giữa hai phe miền Nam và miền Bắc. Nguyên nhân là sự khác biệt về ý thức hệ, hai bên đã nhục mạ lãnh tụ đất nước của nhau dẫn việc hai bên “nói chuyện” với nhau bằng giáo, mác, dao, kiếm, bom xăng… hê, mà giáo mác, kiếm đồ đâu ra? – Giáo mác là ống típ, thanh giường vát nhọn một đầu, dao kiếm là thanh sắt đập dập mài bén, phi đao là cọc nhọn cắm lều, nhiều người lấy cả nắp thùng rác làm khiên, trong khi chị em phụ nữ đập bể các nắp ống cống bằng gang để làm … lựu đạn ném sang bên kia trợ chiến cho các anh. Cảnh sát Hương Cảng hôm đó còn ở nhà cúng giao thừa nên mãi tới sáng hôm sau mới huy động đủ lực lượng để vào bên trong trại và kiểm soát được tình hình. Từ 11 giờ tối tới 6 giờ sáng là cuộc chém giết đẫm máu giữa người Việt Nam với người Việt. Kết quả là phe miền Bắc đã đánh bại phe miền Nam và tiến hành san thành bình địa, đốt trụi khu nhà miền Nam. Hậu quả khủng khiếp là 130 người bị thương, 24 người thiệt mạng. Đây là xung đột đẫm máu nhất trong lịch sử hình sự Hương Cảng từ trước tới nay, xã hội đen xử nhau cũng không quy mô bằng. 170 người bị xét xử trong đó có 18 người bị kết tội “giết người” và một số bị cáo vẫn còn bị giam giữ trong các nhà tù Hương Cảng cho tới nay. Trại Thạch Cương sau đó đã bị phá hủy, người tị nạn bị di dời qua các trại khác.

- Ngày 7/1/1994 hơn một ngàn cảnh sát và đặc nhiệm đã được đưa tới hỗ trợ di dời 1500 người tị nạn ở Trại Bò trước sự kháng cự mạnh mẽ của họ.

- Tháng 4 năm 1995 cảnh sát lại được huy động để dẹp loạn ở trại Bạch Đầu (Whitehead). Trong một ngày cảnh sát đã thu giữ 3250 vũ khí, trong đó có cả lựu đạn tự chế. Số lượng vũ khí nầy đã xác lập một kỉ lục nữa đối với lịch sử Tư pháp Hương Cảng.

- Một năm sau, Tinh Đảo nhựt báo ngày 11/5/1996 đưa tin: Ngày 10/5/1996 Trại Bạch Đầu bùng phát bạo lực dữ dội, lửa nổi khắp trại, võ khí là các ống nước mài bén và đá gạch. 24 nhơn viên công lực bị những người tị nạn bắt giữ làm con tin, 26 khu nhà bị đốt trụi, 53 xe công bị phá hủy và khoảng 200 người tị nạn đã bỏ trốn khỏi trại.

- Tháng 6/1996 người tị nạn Việt Nam đã cận chiến đẫm máu với nhau bằng ống nước vạt nhọn ở trại Vạn Nghi. Họ thậm chí còn chống đối cảnh sát để cảnh sát không can thiệp vào cuộc chiến của họ. Không vào được bên trong trại, cảnh sát đã phải huy động lực lượng lớn và sử dụng súng để đẩy lùi họ khỏi cửa mà vào bên trong trại. Lúc đó cuộc chiến đã tàn, cảnh sát Hương Cảng đã rất vất vả để dọn dẹp chiến trường.

Hầu như năm nào cảnh sát Hồng Kông cũng phải ra quân dẹp loạn ở các trại tị nạn, báo chí Hồng Kông thậm chí nói đùa rằng nội chiến Việt Nam đã lan tới tận Hồng Kông. Dân tình Hồng Kông thì ra rả chửi chính quyền quá mềm mỏng bất lực, lâu lâu bà con bản xứ vẫn biểu tình bên ngoài các trại tị nạn nhưng người Việt ở sau những bức tường thì có thấy hoặc nghe được đâu? Thế là cù nhây mãi cho đến tận ngày Hồng Kông trả về cho Đại Lục vấn đề người tị nạn Việt Nam vẫn chưa giải quyết xong.

 

III. NGƯỜI VIỆT TRONG TRẠI TỊ NẠN

Sau vụ Thạch Cương nhà chức trách Hương Cảng đã để tâm và phân chia không cho người tị nạn hai miền Nam, Bắc sống chung trại với nhau nữa. Họ cũng chia những người tị nạn chính trị, được bên thứ ba tiếp nhận nhưng đang chờ thủ tục với những người chưa được tiếp nhận, từ đó hình thành các trại tự do và trại cấm. Trại cấm thì như một kiểu nhà tù, khác cái là ko bị còng, nói thế cho nhanh. Còn trại tự do thì anh chị em được tự do ra ngoài xã hội để kiếm việc làm hay đi loanh quanh đâu đấy, nhưng tối phải về trại điểm danh rồi ngủ. Phần lớn những người biết tiếng Hoa và dân Nam Kỳ được vào trại tự do.

Nhưng như thế cũng chưa xong, Nam kỳ đi rồi, Bắc kỳ chia phe đập nhau tiếp, Hải Phòng và Quảng Ninh dàn quân đánh nhau, tách được hai địa phương này ra thì ngay nội bộ dân Hải Phòng lại chia ra để … đập tiếp, dân Thủy Nguyên, Tiên Lãng đập dân phố Hải Phòng. Chịu hết xiết, nhà cầm quyền Hương Cảng dùng lại chính sách nổi tiếng người Mỹ đã dùng năm xưa trong chiến tranh Việt Nam - "dùng người Việt trị người Việt". Họ để cho các thuyền nhân Việt Nam cử ra các khu trưởng, trại trưởng với các " quyền lợi " vượt trội hơn, như được lãnh thực phẩm, nhu yếu phẩm thường ngày về chia cho bà con trong trại hoặc được giám sát, giữ trật tự trong trại. Chưa kể những người ở các trại tự do, được ra ngoài làm lại gửi đồ tiếp tế vào cho bạn bè, họ hàng trong các trại cấm. Quà và tiền thăm nuôi phải "cống" các buồng trưởng, khu trưởng trước rồi mới được hưởng. Dĩ nhiên, với các nguồn lợi béo bở như thế, các chức vụ này nhanh chóng về tay các đại ca giang hồ đất cảng, những người vừa sắt máu, vừa có đông đàn em. Nổi bật nhất trong số các đại ca này mà phần lớn bà con Hải Phòng ngồi trại Shatin hồi đó đều nhớ là Sìn Cơm.

* A Sìn (not Trấn Thành) là một tay giang hồ cũng vào dạng có số ở Hải Phòng. Khoảng năm 88, nghe lời đồn, Sìn vượt biên sang Hồng Kông, nhưng khi ấy dĩ nhiên là Sìn không có cửa đi sang nước thứ ba cho nên đành kẹt lại trong trại. Sìn lì lợm, lại có thêm mấy đàn em nên qua vài huyết chiến đã trở thành tay có "số má" trong trại, các A Sề (sir - phiên âm tiếng Quảng) - cảnh sát để cho Sìn làm trại trưởng. Ngày ngày Sìn đi lãnh khẩu phần thực phẩm đem về phát cho bà con nhưng hay cắt bớt phần cơm trắng của bà con để nấu rượu bán lậu nên chết danh Sìn Cơm, méo phải như anh nhà báo nào hư cấu ra việc Sìn nấu cơm cho trại nên được đặt tên như thế, đại ca là chỉ ngồi chơi, đếch có cơm nước gì cả, nhé. Ngoài ăn bớt phần cơm để nấu rượu, Sìn cũng rất dữ đòn, nếu ngoan ngoãn nghe lời thì ko sao, chứ ai mà bật thì nhẹ là bị đánh hộc máu, nặng thì cảnh sát vào nhặt xác luôn, Sìn và đàn em hay dùng búa đóng đinh bọc vải lại, kê thêm 1 đống sách báo lên lưng hay bụng nạn nhân mà giã xuống. Tới tận hôm nay, những người từng bị Sìn trừng trị khi nhắc lại vẫn còn thù tận xương. Quãng năm 97 - 98, sau mấy lần phỏng vấn đi nước thứ 3 đều tạch, Sìn đành ngậm ngùi hồi hương, trong một đêm nọ sau khi ở chiếu bạc về, Sìn bị một đám người úp sọt đâm chết, có lẽ là những người từng có ân oán với Sìn thời còn trong trại cấm ra tay trả thù.

* Một tay anh chị nữa cũng khét tiếng trại cấm ấy là Lê Lam, một tướng cướp có số khác ở Quảng Trị, từng ăn cơm đếm số lâu năm trong các nhà lao ở Thừa Thiên và Đà Nẵng. Năm 1988, Lê Lam cùng 15 đàn em vượt biển sang Hồng Kông và được tống vào trại cấm. Sau vài năm Lê Lam và đồng bọn được chuyển sang trại Bạch Đầu. Với bản tính thích chơi nổi, lấy số, Lam không đời nào để đám ma cũ ngồi trên đầu mình, thế là điều gì đến cũng đến: Ngày 10 tháng 5 năm 1996, trại Bạch Đầu hóa thành chiến trường, ngoài đâm chém, trại này còn bị đốt 26 khu nhà, 53 xe công vụ và người dân bị đốt cháy tan tành. Trại cháy dân tình thừa cơ bỏ trốn, cảnh sát phải đi lùng từng người nhưng vẫn có 200 người bỏ trốn, dĩ nhiên sau đó Lam và đàn em ăn án tù biệt giam, sau khi ngồi tù đủ thời gian, đám này trốn tiếp khỏi Hồng Kông. Lần này họ tới được Nhật, ở Nhật chưa ấm chỗ, Lê Lam lại dẫn đàn em xách kiếm chém nhau với băng người Hoa trong trại tị nạn Nhật và lãnh một kiếm vào lưng. Bị thương nặng mà không chết, chánh phủ Nhật quyết định trục xuất Lam và đồng bọn về Việt Nam. Sau này Lê Lam rửa tay gác kiếm và xuất gia đi tu, dành trọn cuộc đời còn lại thành tâm hướng phật.

 

IV. DỠ BỎ TRẠI

Việc người tị nạn Việt Nam đã là một vấn đề nhức nhối đối với chính quyền sở tại Hồng Kông, ngoài chuyện phải bỏ tiền ngân sách ra nuôi, lâu lâu Hồng Kông phải huy động cảnh sát đi dẹp loạn. Chưa kể thỉnh thoảng các thanh thiếu niên leo rào ra ngoài trại làm đủ thứ việc: lao động chui, lượm phế liệu và... ăn cắp vặt, giật dây chuyền thậm chí còn... gia nhập xã hội đen xứ Cảng. Tất nhiên cũng có người Việt bị tóm được khi đang đi ăn hàng hoặc bị bắt vì sử dụng giấy tờ giả, khi bị bắt thì anh em sẽ được chuyển thẳng từ trại sang nhà tù chính hiệu. Lạ cái là vào tù rồi thì người Việt lại rất được tù bản xứ aka Hồng Kông nể, tù Hồng Kông cho rằng tù Việt hết sức đoàn kết, sẵn sàng bênh nhau dù ko hề quen biết và khi đã đụng trận thì chơi tới bến chứ không có lui, có anh bạn ngồi tù vì xài giấy tờ giả từng kể lại rằng vào đêm chung kết C1 năm 92 giữa Barca và Samdoria, ngay sau khi R.Koeman ghi bàn bỗng nhiên thấy cảnh sát vũ trang chạy huỳnh huỵch, rồi thì đèn báo động khu trọng phạm chớp liên hồi, hỏi ra thì mới biết đám tù Việt mài nhọn bàn chải đánh răng rồi xông vô xiên nhau với tù bản xứ, khi cảnh sát tách được hai nhóm ra thì đã có một anh Hồng Kông nằm đớp gió với trên người là cơ số những vết đâm.

Sau khi Hồng Kông về với Đại Lục và sang năm 1998, những công ước quốc tế về người tị nạn Việt Nam bắt đầu có hiệu lực, các nước phương tây ko tiếp nhận người tị nạn nữa, Hồng Kông bắt đầu kế hoạch hồi hương cho những người trong trại. Với sự hỗ trợ của khối EEC ngày nay là EURO, những người tự nguyện hồi hương sẽ được lãnh một khoản trợ cấp để "tái hòa nhập", đâu như 500 USD thì phải (?). Thế nhưng sau đó anh em nào bị cưỡng chế hồi hương thì cũng được một khoản tầm 350, chứ ko phải là tay trắng trở về. Cộng với tiền lao động chui hoặc tiền nhận từ các tổ chức từ thiện hoặc buôn bán nội bộ thì đó là một khoản tiền khá lớn thời điểm đó. Đồng thời Tổ quốc Việt Nam thân yêu cũng đảm bảo những người bị trả về sẽ ko phải chịu án tù, thế là bà con dần dần hồi hương. Một số người có tay nghề, trình độ (trong trại vẫn có các tình nguyện viên đến dạy tiếng Anh, tiếng Hoa và dạy nghề cho anh chị em nào muốn học) thì kiếm được việc làm và được bảo lãnh ở lại, một số các chị em thì kết hôn với người bản xứ qua mai mối cũng được ở lại. Đến những năm 2000, tất cả các trại tị nạn đều đóng cửa và dỡ bỏ, kết thúc 25 năm Hồng Kông è cổ gánh nợ từ trên trời rớt xuống.

*

TÁC GIẢ (đang cập nhật)

Địa chỉ: (đang cập nhật)

Email: (đang cập nhật)

Điện thoại: (đang cập nhật)

.

 

 


 

 

- THÁI QUỐC MƯU giới thiệu -

- Cập nhật từ email: thaiquocmuu1@aol.com ngày 16.05.2020.

 - Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.

.

0 comments:

Đăng nhận xét