CHUYỆN PHIẾM VỀ XĂM MÌNH - Tác giả Khuyết Danh

Leave a Comment

 


CHUYỆN PHIẾM VỀ XĂM MÌNH

*

I. LỊCH SỬ LÂU ĐỜI

Xăm mình là một trong những bộ môn nghệ thuật cổ nhất của loài người. Hình xăm ban đầu được nghĩ ra khi người tiền sử đi săn bắn và phát hiện ra rằng các thương tích đủ sâu sẽ tạo thành sẹo, và sẹo thì không lành được. Thế là người tiền sử nghĩ ra cách tự tạo các vết sẹo trên cơ thể để đánh dấu giữa các thành viên trong bộ lạc với nhau, có thể là một vết sẹo ngang, rồi dọc, rồi chữ thập hay hình tròn, vân vân và mây mây. Rồi sau đó, khi bị thương tích, người ta thường đắp những loại thảo dược đã nghiền nhỏ, thậm chí là tro than, tro củi để cầm máu. Một thời gian sau, khi miệng vết thương đã lành, người ta nhận thấy là chỗ da đắp thuốc đó có màu lạ và nó không hề phai màu. Vậy là bộ môn xăm mình lại được nâng tầm, từ xăm sẹo giờ chuyển sang xăm mực. Rất nhiều xác ướp Ai Cập được khai quật có độ tuổi từ 5000 năm trước công nguyên vẫn còn những hình xăm in trên da. Những xác ướp trong băng ở Siberia cũng có những hình xăm được bảo quản rất tốt.

Ở phương đông, việc xăm mình được nhắc tới, nhưng không phải Trung Hoa. Những người ở Ấn Độ, các đảo ở nam Thái Bình Dương và Nhật Bản mới là những cư dân xăm mình sớm nhất ở Châu Á. Hầu như các tộc người ở biển, với nghề mưu sinh là đánh bắt cá đều có truyền thống xăm mình. Về mặt khoa học thì người ta giải thích là ảnh hưởng của tôn giáo và huyền thuật nào đó, nhưng người Việt cổ lại có cách giải thích khác: Vào đời Hùng Vương đầu tiên, con dân nước Việt khi đi đánh cá, chài lưới trên sông biển thường bị thủy quái, thuồng luồng quẫy đạp, làm lật thuyền bắt người ăn thịt. Dân chúng sợ quá đếu dám xuống nước nữa, Hùng Vương thấy vậy bèn đứng trên bờ biển gọi cha là Lạc Long Quân, thủy tổ Việt Tộc:

- Ối, cha ơi... xem con cháu khổ chưa này, cha ơi là cha ơi...

Gào mãi, nhức đầu quá, Long quân bèn hiện ra, mách cho dân chúng hãy xăm lên mình những hoa văn như giáp, vảy của loài thủy quái, thuyền bè thì vẽ thêm mắt vào để chúng tưởng là đồng loại sẽ không phá nữa. Dân chúng nhất nhất đều tuân theo, từ đó thuyền bè đi sông biển của người Việt đều vẽ hai con mắt trước mũi thuyền còn dân chúng thì đều săm mình và ở trần. Lâu dần, đó trở thành một trong hai đặc điểm trên cơ thể của người Việt ta, sử cổ Trung Quốc có ghi: Việt tộc, văn thân, giao chỉ. Nghĩa là: Tộc Việt, xăm mình và hai ngón chân giao nhau.

Trong khi đó, tục xăm mình dần bị biến mất ở phương tây. Cùng với sự trỗi dậy của nền văn minh Hy Lạp, sau đó tiếp nối là La Mã, người Hy Lạp tự xem họ là những người tự do và văn minh. Những giống khác không phải Hy Lạp là những giống người hoang dã, gọi là Barbarian. Thuở ban đầu, từ này chỉ dùng cho dân ở vùng núi Causacus, là nơi tận cùng thế giới (theo quan niệm của người Hy Lạp) nhưng lâu dần nó trở thành từ để chỉ những dân tộc ko phải dân Hy Lạp và La Mã. Khi người La Mã lên thay người Hy Lạp và trở thành những kẻ thống trị Châu Âu, trên con đường đó, người La Mã phải va chạm với các dân Goth, Gaulois và Celt. Các sắc dân này khi đó đều đang ở chế độ thị tộc bộ lạc và đều ... xăm mình. Chính vì vậy nên người La Mã cũng xem xăm mình như dấu hiệu của kẻ thù, và bởi vì người La Mã thường hay đem tù binh ra bán làm nô lệ nên hình xăm lại tiếp tục bị xem như dấu hiệu của nô lệ. Đến khi Thiên Chúa giáo du nhập vào La Mã, hình xăm lại bị xem như dấu hiệu của tà giáo, chính vì vậy nó dần bị loại ra khỏi đời sống xã hội phương tây, chỉ có tội phạm mới phải mang hình xăm để nhắc nhở người khác biết về tội lỗi mà khổ chủ từng phạm phải. Phu nhân Milady, vợ hụt của Athos - lão đại của Ba người lính ngự lâm từng có một hình xăm hoa huệ trên vai trái, dấu hiệu của người bị kêu án treo cổ. Lâu dần xăm mình gần như biến mất ở người Châu Âu trong thời trung cổ, ít nhất là với những cư dân thiện lành.

 

II. HÌNH XĂM PHỔ BIẾN TRỞ LẠI

Khi thế giới bước vào kỷ nguyên khai phá, những con tàu thám hiểm của Châu Âu tỏa ra khắp các ngóc ngách trên thế giới. Khi đến những quần đảo ở nam Thái Bình Dương, rồi Ấn Độ, châu Mỹ, Châu Phi... các thủy thủ đã bắt gặp những cư dân bản địa với các hình xăm trên người. Tất nhiên, trừ những trường hợp chơi quá lớn là xăm cả lên trên mặt (thổ dân Châu Mỹ) thì không ai dám thử, nhưng đối với những hình xăm bí ẩn có thể che giấu trong cơ thể như hình các con vật hay hình những lá bùa, những hoa văn độc đáo thì lại rất kích thích các thủy thủ. Ban đầu, các thủy thủ bị hấp dẫn bởi tính thẩm mỹ của các hình xăm, sau đó là do các chuyện kể về những sức mạnh vô hình mà các hình xăm có thể mang lại cho người mang chúng, thế là các thủy thủ cũng thử xăm lên người. Năm 1769, các thủy thủ của thuyền trưởng James Cook và sau đó là thủy thủ của bá tước Pháp Bougianville đã bị mê hoặc bởi nghệ thuật xăm mình từ những thổ dân trên đảo Tatau. Và chính từ Tatau đó là xuất xứ của từ tattoo (tiếng Anh) và tatouge (tiếng Pháp) có nghĩa là xăm mình. Xăm trở nên phổ biến trong cộng đồng những người thuỷ thủ, sau đó là đến các binh lính. Thời cận đại, chiến tranh giữa các nước diễn ra liên miên, các chỉ huy khuyến khích binh lính xăm lên cơ thể để ... dễ nhận diện khi thu gom tử thi và để có thể nhận diện các thành phần ... đào ngũ, vì râu tóc có thể để dài hoặc cắt ngắn nhưng hình xăm thì không thể bôi xóa được.

Ở Nhật Bản và Trung Quốc, sau khi Nho học có vị thế độc tôn, xăm mình bị xem như biểu hiện của man rợ. Vào thế kỷ thứ 6, ở Trung Hoa, khi phạm tội người ta cho phạm nhân được chọn giữa chặt tay và thích chữ vào mặt. Tất nhiên nhiều người chọn thích chữ, lâu dần nó trở thành dấu hiệu của anh hùng hảo hán, những kẻ từng phạm tội và bị triều đình kết án. Tại Nhật Bản việc trừng phạt phạm nhân bằng hình thức xăm mình đã có vào năm 720 sau Công nguyên. Khi đó, Nhật Hoàng đã giảm tội chết cho một thủ lĩnh nổi loạn xuống thành hình phạt xăm mình. Đến thế kỷ 17, việc xăm mình trị tội được thay thế bằng những hình phạt khác và nhà nước phong kiến đã cố gắng dẹp bỏ nó. Tuy nhiên, lúc đó đã là quá muộn, những hình xăm từ chỗ là hình phạt đã trở thành một biểu tượng của những kẻ ngoài vòng pháp luật, sống bên lề xã hội: Yakuza. Và với tính cách tinh xảo cùng với sự tỉ mỉ của người Nhật, xăm mình trở thành một môn nghệ thuật thực sự, tiếng Nhật gọi là Irezumi - Chèn mực. Hình xăm Nhật Bản đạt đến độ tinh xảo, hoàn mĩ và đa dạng nhất là từ sau thời Edo trở đi. Năm 1757, một cuốn sách tên là Suikoden được in ở Nhật và ngay lập tức trở thành hình mẫu cho những kẻ lang bạt, giang hồ ở Nhật. Người ta bắt chước những hình xăm theo những nhân vật trong truyện đã đành, họ còn xăm luôn những hình ảnh những nhân vật ấy lên cơ thể để tỏ lòng mến mộ. Và Suikoden cũng là một tác phẩm hết sức quen thuộc với cả người Trung Quốc lẫn người Việt, dịch ra chính là ... Thủy Hử truyện. Những nhân vật Thủy Hử lừng danh như Lãng Tử Yến Thanh với hoa đào trên lưng, Hoa hòa thượng Lỗ Trí Thâm hay Cửu Văn Long Sử Tiến một thời làm say mê người đọc bao thế hệ. Thậm chí thay vì bắt chước các hình xăm của nhân vật, người ta còn xăm cả các điển tích của Thủy Hử lên người như: Võ Tòng đả hổ, Yến Thanh lõa thể cầu Sư Sư hay Lâm Xung biệt thê tử ... Đến cuối thế kỷ 19 thì nghệ thuật xăm mình của Nhật Bản đã trở nên lừng danh trên thế giới, Sa Hoàng Nicholas II của Nga khi còn làm hoàng tử đã từng lặn lội sang Nhật để xăm một con rồng vào vai, một số các hoàng tử Đan Mạch, Thụy Điển hồi đó cũng từng đến Nhật để xăm mình.

Tại Việt Nam xăm mình luôn là một nét truyền thống của người dân. Thời Trần, các vua và hoàng tử trên người luôn có hình xăm để nhắc nhở về tổ tiên họ Trần là dân chài lưới. Chỉ đến đời Trần Anh Tông thì mới bỏ cái lệ này, vì lý do là vua ... sợ đau nên thôi dẹp luôn. Các triều đại về sau cũng không giữ lệ này. Từ xa xưa, mực xăm thường là bằng mực tàu, riêng ở Ấn Độ và các nước Nam Á thì thường dùng cây lá móng nghiền ra rồi trộn với nước sôi. Muốn có màu khác thì người ta trộn với các chất liệu khác như lá chàm, đường, lá chè xanh, lá me... Về dụng cụ xăm thì là những vật nhọn: Thợ xăm truyền thống thường dùng kim khâu loại lớn, cột chỉ lại để canh độ đâm vừa đủ rồi dùng vồ đóng lên kim để đâm vào cơ thể. Đấy là đối với thợ, còn trong tù thì nhiều khi chỉ cần thanh tre vót nhọn hay cán bàn chải đánh răng bẻ ra cũng có thể làm kim xăm được rồi. Mực xăm trong tù thì lấy dép cao su đốt ra thành muội, trộn với kem đánh răng là thành mực. Chính vì vậy mà hình xăm trong tù thường chỉ có một màu xanh chàm và sau khi xăm, phạm nhân thường bị nhiễm trùng và sốt cao. Nhưng có lẽ chính vì vậy mà hình xăm trong tù luôn luôn "chất" hơn hình xăm bên ngoài. Đến năm 1891, một người Mỹ tên là Samuel O'Reilly ở New York đã nghĩ ra máy xăm chạy điện đầu tiên, nó không khác gì mấy so với chiếc máy ngày nay các thợ xăm vẫn đang sử dụng. Với định kiến của xã hội đã bớt đi nhiều và nhu cầu rất lớn hiện nay, hình thức xăm cổ truyền (xăm kim) dường như đã mai một, ít người còn làm, chỉ trừ Nhật Bản, những nghệ nhân ở đây vẫn nói "không" với máy móc hiện đại và thực hiện những hình xăm đẹp nhất thế giới bằng tay không như ông cha họ từ xa xưa.

 

III. NHỮNG HÌNH XĂM KÉN CHỦ

Với lịch sử dài dòng vừa kể như trên, có lẽ các anh/chị cũng hiểu rằng hình xăm ban đầu không dành cho số đông. Dù ngày nay việc xăm mình không còn bị dòm ngó nhiều như xưa nhưng vẫn có những kiêng kỵ nhất định. Đầu tiên là về các ý nghĩa mà những hình xăm tiềm ẩn bên trong chúng:

Con vật được nhiều người chọn để xăm nhất tất nhiên là rồng. Nhưng như các bạn đã biết rồng là vua trong các loài thú, tượng trưng sự vĩnh cửu và quyền uy tột bậc. Yêu cầu đầu tiên khi xăm rồng, đó là mệnh phải lớn, thế nào là mệnh lớn? - Là bát tự của bạn phải dương càng nhiều càng tốt. Bát tự lại là cái gì? Là ngày, tháng, năm và giờ, khắc sinh của một người, lẻ là dương, chẵn là âm, dương càng nhiều thì bát tự càng dương, mệnh càng lớn. Phải mệnh lớn thì mới "gánh" nổi rồng, hình xăm rồng lại chia hai loại là chính long và tà long, tà long là rồng dữ, càng kén người xăm hơn chính long, nhưng nếu "gánh" được thì tác dụng lại tăng lên gấp bội. Thường khi đi xăm, thợ xăm nếu nghe khổ chủ muốn xăm rồng, câu đầu tiên người ta sẽ hỏi là: Liệu cậu có gánh nổi không? - Ngoài ra, với hình rồng, mỗi người chỉ dám xăm tối đa 2 rồng là kịch, càng mang nhiều rồng trên người càng phải gánh cho mệt. Và trước nay, chỉ có hoàng đế mới dám mang 9 con rồng, đó là lý do vì sao ngày xưa hoàng đế còn được gọi là bậc Cửu ngũ chí tôn. Dịch nôm ra nghĩa là người mang chín con rồng trên năm chỗ: Long bào của hoàng đế có tất cả chín con rồng, hai con thêu trước ngực, hai con thêu sau lưng, hai tay hai con và hai chân hai con nữa. Ớ, thế còn một con nữa ở đâu? - Ở phía trong áo, nghĩa là bị ẩn đi, ngay chính các bậc hoàng đế cũng sợ không dám mang đủ 9 con rồng ra ngoài, hehe. Thật ra, người Hoa có một cách để "né" những rắc rối đối với người mệnh nhỏ mà thích gánh rồng: Khi xăm, người thợ sẽ chừa lại đôi mắt, không điểm nhãn con rồng, như vậy con rồng xem như chưa "sống" và khổ chủ chưa phải gánh nó.

Tiếp theo là hình xăm thần, phật. Có một quy tắc đó là nữ không xăm hình phật, Quan Công và nam không xăm hình bồ tát. Khi xăm hình thần phật thì nên xăm trước ngực, không xăm sau lưng vì khi nằm không đè lên các vị ấy. Xăm hình Quan Công thì cũng như thờ ngài, phải kiêng thịt trâu, đi đứng, nói chuyện phải cẩn thận, có người cẩn thận thì nên nói thợ khắc cho cặp mắt của Quan Công nhìn xuống chứ không ngước lên hoặc nhìn thẳng, như vậy sẽ bớt đi sát khí. Đã xăm Quan Công thì đừng dại mà chơi thêm Trương Phi, Triệu Vân, Hoàng Trung, Mã Siêu, một ông gánh đã thấy mẹ rồi, huống hồ là ngũ hổ tướng? - Có tiệm xăm lại còn xúi khách: Nếu sợ xăm ngũ hổ tướng sau lưng không gánh nổi thì xăm thêm tứ linh (long, hổ, chu tước, huyền vũ) trước ngực để cho nó ... cân bằng, xúi thế là hại khách. Muốn xăm tứ linh cũng phải xăm cho đúng vị trí: Trái Thanh Long, phải Bạch Hổ, tiền Chu Tước và hậu Huyền Vũ, như vậy mới đúng bài, cơ mà tin mình đi, ít người nào bình yên mà xăm đến hình cuối cùng của Tứ Linh lắm. Với lại nghe đâu Khá Bảnh lừng danh một thời cũng khắc ngũ hổ tướng ở lưng, anh Khá giờ ra sao thì mọi người đã rõ. Ngoài ra, hình xăm thần phật phổ biến còn có Tề thiên đại thánh, Na Tra, Dương Tiễn hay Chung Quỳ bắt ma ... những hình này nói chung không kiêng kỵ quá nhiều lại rất có thần uy nên nếu thích các bạn có thể xăm mấy hình này. Về cầu tài lộc, có thể xăm hình Diêm Vương xử kiện (hoặc Diêm Vương chấm sổ) được cho là có tác dụng cầu tài rất tốt, vì ngay cạnh Diêm Vương là 2 quỷ vô thường, trong đó Bạch vô thường còn được gọi là Thần tài cõi âm - Nhất kiến phát tài nên thường đi thành bộ. Tuy nhiên người ta khuyên rằng người mang hình xăm Diêm Vương nên kiêng khem nhiều thứ, không lui tới những chỗ vui chơi trụy lạc, không làm ăn gian dối và nhất là thường vắn số, vì nhân gian có câu: Diêm Vương muốn bắt canh ba, không thể sống đến canh năm. Bên cạnh đó, một hình xăm chiêu tài còn mạnh hơn hình Diêm Vương là hình xăm Ngũ quỷ khiêng quan, đây cũng là một loại bùa nổi tiếng của người Hoa. Hình xăm này có thể mang lại thành công, giàu có cho chủ nhân cấp kỳ, có thể nói là không quá 3 năm muốn nghèo cũng khó, càng làm càng phất, nhưng sau năm 40 tuổi trở đi, của thiên sẽ trả địa vì lúc đó những con quỷ đã lớn, chúng đòi "ăn" nhiều hơn, ăn cái gì? - Ăn thứ nằm trong quan tài, chính là chủ nhân, xăm hình này có nghĩa là bạn chuẩn bị quan tài cho riêng mình, đặt trước một chân vào quan tài rồi vậy. Vậy chốt lại, nếu muốn cầu tiền tài thì các bạn xăm gì? - Có nhiều lựa chọn an toàn lắm: Dễ thương mà xăm lẹ nhất là mèo thần tài Maneki Neko kiểu Nhật, hay thần mình người đầu voi Ganesha của Ấn hay thậm chí là đồng tiền Vạn Lịch hay nén vàng cũng ok, có lẽ cầu tài hơi chậm chút nhưng mà ít ra ... giữ được mạng.

Bên cạnh hình xăm thần phật thì còn có hình xăm ma quỷ. Hình ma quỷ không hẳn là xấu, như hình quỷ dạ xoa là để trấn áp tà khí, bảo hộ bản thân cho những người có bát tự âm. Một số người thích hình xăm Nhật Bản, xăm lên người hình xăm một nửa là đức phật, một nửa là hình bất động minh vương, nhưng thực tế cho thấy người mang hình này thường khó yên được một chỗ, từ công việc cho đến nơi ở. Lại tiếp, những hình xăm mặt quỷ theo kiểu mặt nạ Henya hay Oni Nhật Bản nhìn qua thì đẹp, nam nữ gì cũng xăm được nhưng nên lưu ý về vị trí: không nên xăm ở đùi hay thắt lưng trở xuống, vì những chỗ đấy không sạch sẽ, đem quỷ nhét xuống dưới hạ thể, tất nhiên nó phải phản đối.

Lại về hình xăm con vật, một con vật nữa mà nhiều người thích xăm nhưng ko phải muốn là xăm được, đó là đại bàng. Đây là một trong những hình xăm có số má của giới giang hồ Việt Nam, những người mang hình xăm đại bàng phải là những bậc đàn anh được nể trọng trong giới mới có tư cách xăm. Ngày xưa, hình xăm đại bàng gần như là một đặc quyền: Chỉ những ai từng ngồi trại Bố Lá mới được xăm. Theo tôi biết thì các tướng cướp lừng danh như Bạch Hải Đường, Phước 8 ngón, Hải Bánh đều có hình xăm đại bàng, trong đó Bạch Hải Đường và Hải Bánh xăm hình đại bàng gắp quả địa cầu trước ngực, còn Phước 8 ngón xăm đại bàng tung cánh sau lưng. Thế nên tay mơ chưa có số má mà xăm hình đại bàng vào người thì kiểu gì cũng no đòn với các đại bàng thứ thiệt ttong trại. Hình xăm cọp cũng cần phải lưu ý khi xăm, thà là xăm mỗi cái đầu cọp, còn nếu xăm cả con, thì phải phân biệt cọp lên núi hay cọp xuống núi. Cọp xuống núi là cọp non, mới ra giang hồ còn cọp lên núi là cọp già, đã "no nê" muốn tìm chỗ nghỉ ngơi cho nên phải biết mình là ai, mình đang ở vị trí nào để mà xăm cho phù hợp, tránh bị đòn oan.

Tiếp theo là xăm chữ, chữ viết bản thân nó không mang lại nhiều ý nghĩa cho nên các bạn thích thì xăm lấy mấy câu lục bát như Thương cha, nhớ mẹ hoặc Thương người có nghĩa, hận kẻ bạc tình ... hay mấy câu danh ngôn tiếng Anh như Jesus, I'm trust in you, I am alpha and omega - the begining and finishing ... hay như Angenlina Jolie có cả đống bùa chú tiếng Thái, tiếng Ấn, tiếng Khmer trên lưng. Xăm chữ thường cũng gần gần như xăm bùa Thái, thường đàn ông VN ít người chọn vì mất công phải giải thích khi được hỏi, ngược lại cánh chị em lại thích vì nó huyền hoặc và bí ẩn, hợp tính cách của phụ nữ. Có người hỏi xăm bùa Thái lên người có linh không? - Thật ra câu trả lời là: có mà cũng là không, có tức là có hiệu nghiệm thật nhưng không là không bền vững. Đã có lần mình kể với các anh các chị rồi, mọi thứ bùa ngải chỉ là phương tiện để kéo tài lộc tạm thời, nghĩa là nó giúp cho các bạn "ứng trước" vận may, tài lộc của cả cuộc đời mình tập trung vào 1,2 năm trước mắt. Khi các bạn xài hết vận may rồi thì chỉ còn lại vận rủi thôi, đó là lúc mà các bạn "trả" nghiệp. Thế gian này có chuyện bỏ ra vài triệu bạc để tậu một cái hình xăm hay một miếng bùa để nó kéo về cả một gia tài kếch xù cho các bạn sao? Nếu có thế thật thì chính mấy ông thầy bùa đã trở thành tỉ phú từ lâu và Thái Lan đã trở thành nước giàu nhất thế giới. Ngược về trường hợp của Angelina ở trên, nói chắc các bạn ko tin, từ 10 năm trước đã có một cao nhân khi xem mấy hình xăm trên lưng cổ đã bảo rằng: Thế nào gia đình cô này cũng có ngày ly tán... Xăm chữ thì thường vô hại, vô kỵ nhưng giang hồ vẫn đồn thổi rằng những tay có vai vế cao trong các hội kín người Hoa thường xăm chữ Nhẫn (忍) trên ngực trái. Chữ nhẫn chiết tự thành chữ đao và chữ tâm, (刀) Đao trên (心) Tâm dưới, tức là gươm đao kề tim, phải tĩnh tâm nếu ko thì nó đâm chết, người mang chữ Nhẫn là người ân uy phục chúng, không xung động, có cái nhìn toàn cục, tuyệt đối là bậc trưởng thượng. Trước 1975, giang hồ miền nam chỉ có 3 người được xăm chữ Nhẫn, sau này hai người đã khuất núi, chỉ còn một người đã định cư ở Canada, lâu lâu về VN chơi và đã rửa tay gác kiếm không còn màng chuyện giang hồ ... Bên cạnh chữ Nhẫn còn có chữ Binh, như con tốt trong cờ tướng, là dành cho dân đao búa đã ít nhiều có chiến tích đâm chém. Còn ngoài ra thì các chữ khác đều không phải kiêng cữ gì, nếu thích các bạn chơi nguyên bài thơ Đường hoặc cả trang A4 vào cũng chả hại gì...

Trước nay người có hình xăm rồng nổi tiếng trong giới giang hồ Việt Nam là Bảy Viễn, trùm Bình Xuyên, rồng xanh đuôi đỏ bít kín lưng, đầu rồng nhả ngọc ở ngay cổ, đuôi dài đến tận mông. Bảy Viễn dám xăm hình rồng vì nó hợp tuổi với chính ổng và cá tính chọc trời khuấy nước của bản thân. Còn người xăm mình nhiều nhất trong giới giang hồ VN phải kể đến Bạch Hải Đường, tên thật là Nguyễn Ngọc Truyền, khi mới ra chơi mang biệt hiệu là Truyền xăm mình. Ngoài hình xăm con đại bàng như đã kể ở trên, hạ bộ của Truyền còn xăm hình hai cô gái, hai bên bắp tay xăm hai dòng chữ Thương cha - Nhớ mẹ, hai bên chân trái phải xăm hai dòng Thương người có nghĩa - Hận kẻ phụ tình. Rồi vốn là một phật tử nên trên ngực trái Truyền có hình xăm Phật Thích Ca kèm dòng chữ Phụ mẫu tri ân. Lòng vòng đâu đó trên cơ thể là những dòng chữ khác như: Xa quê hương nhớ mẹ hiền, Tạo hóa ơi bao giờ con hết khổ. Theo những bậc cao thủ trong giới xăm mình thì những kiểu xăm như thế chỉ là bọn ... cải lương, sến súa, tự hình xăm nó đã nói lên ý nghĩa rồi, không phải xăm thêm phần chú giải như thế. Hải Bánh còn dữ dằn hơn: Trên người Hải có hơn chục hình xăm mà theo như lời ông ta kể thì đều do những tay thợ có "số má" ở đất Hà thành làm cho, tất cả có 4 ông mà 3 ông thì đều đã ... chết trong tù cả rồi.

Dân tây cũng có những kiêng kỵ riêng của họ khi xăm mình, thường là dính đến các băng đảng và tội phạm. Nếu ở trong nhà tù Mỹ mà bạn có hình xăm vương miện năm đỉnh, hình xăm mạng nhện ngay cùi chỏ thì mặc nhiên là các phạm khác phải dè chừng bạn. Đây là biểu tượng của băng nhóm Kings Latin, một băng đảng gốc Tây Ban Nha lớn nhất ở Mỹ, hoạt động tại Chicago. Hình xăm vương miện thường kèm theo chữ cái ALKN, viết tắt của Almighty Latin Kings Nation. Năm ngôi trên vương miện là một nhánh của băng nhóm People Nation, thường lấy con số 5 làm biểu trưng. Latin Kings có tầm ảnh hưởng rất lớn và sâu rộng tại trong và ngoài nhà tù kể từ những năm 1940. Các chi tiết của vương miện như màu sắc cũng có nhiều cấp độ ý nghĩa khác nhau. Tất nhiên, nếu bạn không phải là người của băng đảng này mà sở hữu các hình xăm này thì bạn biết điều gì xảy ra với mình rồi đấy. Còn tại Nga, hình xăm nói lên rất nhiều điều về chủ nhân của chúng, đến mức người ta đã xuất bản một cuốn sách giải thích các ý nghĩa của hình xăm trong các nhà tù Nga: Những kẻ xăm hình vòng tay thường sống trong tù trên 5 năm. Thánh giá trên các đốt ngón tay tượng trưng cho số nhà tù mà chúng từng trải qua. Hình xăm các vị thánh hoặc thiên thần trên lưng và ngực là biểu tượng của những tên đạo chích. Tuy nhiên, loại tội phạm này thường không có "số má" trong tù. Hình đầu mèo trên cả hai bên ngực cho thấy chủ nhân của chúng là kẻ xảo quyệt, lừa đảo. Trong khi đó, hình xăm Đức Mẹ và chúa hài đồng tượng trưng cho lòng trung thành trong thế giới tội phạm. Hình bông hồng với thanh kiếm xuyên qua ám chỉ chủ nhân của nó phải ngồi tù từ thuở vị thành niên. Ngoài ra còn có sự phân chia thứ bậc giữa các tù nhân dựa vào hình ảnh các quân bài: Chất bích là những tên trộm, chất chuồn (tép) là những tên lừa đảo, bài bạc, chất rô là bọn ... có cộng tác với cảnh sát và cơ là những kẻ kiếm ăn bằng nắm đấm. Nhưng hình xăm độc nhất trong các nhà tù của Nga là những hình xăm quân hàm trên vai các tù nhân: Chỉ có người có vai vế và được công nhận mới có hình xăm này, tức là người này là "tướng" cả trong tù lẫn ngoài đời và không có cách nào tước bỏ.

*

TÁC GIẢ (đang cập nhật)

Địa chỉ: (đang cập nhật)

Email: (đang cập nhật)

Điện thoại: (đang cập nhật)

 

 

 

 

- ĐỖ ANH TUYẾN giới thiệu -

- Cập nhật từ email: dovantuyenbk@yahoo.com.vn ngày 16.07.2020.

 - Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.

.

0 comments:

Đăng nhận xét