HIỂU THẾ NÀO
VỀ ĐÀO RỪNG?
*
KHÔNG HIỂU GÌ VỀ ĐÀO RỪNG CẢ
Tác giả: Nguyễn Thành Phong (Tác giả Nguyễn Thành Phong)
Trước nay, đã nghe một vài ý kiến phản ứng
với việc chơi đào rừng của người thành phố, thấy "có gì sai sai" rồi.
Thôi thì cứ nghe và nghĩ là cuộc sống sẽ điều chỉnh. Nhận thức là quá trình.
Cái đúng cũng cần thời gian để khẳng định là đúng. Cái sai cũng cần thời gian
để lộ ra là sai.
Nhưng nay nghe ý kiến của Thủ tướng liên
quan đến việc cấm mua bán đào rừng, thì phải nói: Đó là ý kiến sai! Những ai
tham mưu cho Thủ tướng việc này là không hiểu gì về đào rừng cả!
Tôi đã sống rất lâu ở rừng núi Tây Bắc,
xin nói luôn là không có đào rừng và cũng không có rừng đào.
Thứ nhất, đào không phải là loại cây rừng.
Nó là cây thân mộc nhưng không có sức cạnh tranh với các loại cây thân mộc ở
rừng, nó chỉ có thể sống cùng với những cây đào, mận khác, hoặc sống cùng ngô nương,
lúa nương thân thảo hay cây sắn, cây giong riềng mà thôi.
Thứ hai, cây đào không trồng để lấy gỗ vì
đơn giản là gỗ nó chả ra gì, nhanh ải, mục, làm củi đun cũng chán. Cây đào, mà
ta gọi là đào rừng ấy, ngày trước chỉ để lấy quả ăn, để ngắm hoa đẹp, nay thì
thêm nguồn thu nhỏ nhỏ là bán cho người mang về xuôi chơi.
Nhưng tại sao lại có tên gọi là đào rừng?
Là tại vì nó được mang từ trên miền rừng núi về nên gọi là đào rừng, để phân
biệt với đào trồng ở dưới đồng bằng.
Những cây đào ấy có thể mọc trên đồi
nương, do người ta đi làm nương mang quả đi ăn, bỏ hạt lại ở khoảnh đất dựng
lều coi nương hoặc trên đường đồi, đường núi... Từ đó mọc lên cây, xung quanh
thoáng đãng, là lúa, ngô, sắn, nên cây đào phát triển được và chủ nương giữ
lại, vì... chả sao cả, có quả thì ăn, có hoa thì ngắm cho vui, giờ chặt cành,
hay đào cả gốc bán được tiền thì càng tốt.
Cũng có thể có một vài cây đào mọc ở rừng,
tại những chỗ cây thưa, không có nhiều cạnh tranh của cây thân mộc khác, hạt
đào do người đi rừng ăn vất đấy, có điều kiện thì lớn lên, tự nhiên thôi.
Cũng có thể đó là đào mọc ở vườn nhà dân,
cây đào có hoa đẹp, thường nở đúng dịp đón xuân, quả ăn cũng tạm, nên người ta
giữ lại.
Cũng có thể là từ những vườn đào người ta
trồng, chỉ toàn là đào hay mận thôi, ở trên một sườn đồi hay chân một thung
lũng. Có vườn tồn tại khá lâu, thì gọi là vườn đào cổ, như ở Sa Pa ấy. Và tên
gọi cho đúng là vườn đào, vườn đào ở miền rừng, chứ không phải là rừng đào nhé.
Những cây đào từ rừng ấy, hiện nay quả
không được chuộng như xưa nữa vì đã có vô vàn loại hoa quả giống mới ngon hơn
rất nhiều, gỗ thì chẳng dùng được, cũng không có giá trị lâm sinh, bảo vệ đất,
giữ nước và che phủ rừng như những loại cây khác. Nếu để ở đấy, mùa xuân về thì
vui mắt cho người bản địa và dân đi phượt thôi, chả sinh ra được tiền. Nay vì
thú chơi đào từ rừng, bỗng có chút giá trị thương mại nho nhỏ, là niềm vui giản
dị cho người trồng và giữ lại nó. Mà loại này thì phát triển nhanh, chặt cành
vẫn còn hoa chơi, đào cây đi thì trồng cây khác, lớn nhanh lắm.
Nếu phát triển tốt việc chơi hoa đào từ
rừng, thì sẽ làm sinh động thêm thị trường hoa Tết, lại thêm một nguồn thu nhập
nhỏ cho đồng bào và làm phong phú thêm kiểu loại kinh doanh từ trồng cây hoa
quả ở vùng miền núi phía Bắc nước ta.
---------------
https://www.facebook.com/nguyen.thanhphong.319247/posts/1507531202785714
HOA ĐÀO VÀ CÂY ĐÀO
Tác giả: Phan Mai Hương (Tác giả Phan Mai Hương)
Cây Đào không phải là giống mọc hoang ỏ
trong rừng. Người miền núi nên biết rất rõ, cây đào mọc ở núi là do bà con trồng
trong vườn đồi rừng của nhà mình sở hữu nó như các loài cây mận cây mơ. Nhưng
Đào khác Mận, Mơ ỏ chỗ chỉ cho hoa đẹp, chứ quả của nó chả có giá trị kinh tế
gì, nuôi cây đào trong vườn như nuôi báo cô. Vài cây Mận, cây Mơ đến mùa còn
hái quả mang ra chợ được vài đồng tiền, chứ quả đào chỉ để cho sâu ăn, trẻ con
vặt ném nhau.
Cây Đào còn được sống trong vườn là vì hoa
nó đẹp, điều ấy ai cũng biết. Nhưng người miền núi thì nhìn hoa đẹp nở trên cây
thôi, nó nở xong thì nó rụng, kệ nó ỏ ngoài vườn ngoài rừng, đi qua thì nhìn
cái, ờ đẹp nhỉ, ơ cây đào ra hoa rồi này, sắp tết đấy, đại loại thế.
Ở vùng cao người Mông như Hang Kia Pà Cò đón
Tết Mông sớm hơn Tết Nguyên Đán 1 tháng, cữ này hoa đào Pà Cò Hang Kia nở đỏ
thắm rồi. Bạn cứ hình dung cả một vùng cao nguyên lạnh giá, xơ xác, đất bạc
trắng cứng ngắt vì thấm sương muối, rau cải mọc li ti như rau húng mà đã có
bông vàng còi cọc, thì hoa Đào là niềm vui hồng rực rỡ nhất.Những cây đào thấm
sương lên mốc loang lổ oằn mình vì sương muối giống như thân phận người miền
núi.
Đến những năm gần đây, người miền xuôi bắt
đầu rộ lên săn tìm đào mọc trên miền núi, người buôn bán cứ nói bừa là “ ĐÀO
RỪNG” làm người làm báo “sa lông” dưới xuôi tin luôn, đi buôn thì nói kiểu gì
mà chả được miễn là bán được nhiều tiền, chả thế có câu “ buôn gian bán lận”
nghĩa là đã buôn bán thì không gian cũng phải lận.
Trong 1 tản văn của mình tôi đã kể chuyên gặp1
bé gái ở Pà Cò đi bán cành đào, hỏi chuyện thì bé kể, cành đào chặt mang bán
được một ít tiền cho bố mẹ sắm Tết đấy, không sợ cây đào chết đâu, chặt cành
thôi, sang năm nó lại mọc đầy vườn. Đặc tính này của cây đào ai mà chả biết.
Cây đào vốn là cây chỉ để mọc ở bờ rào, làm bờ rào, chia ranh giới giữa các
mảng nương, vườn, vì tán của nó thưa, cành nó nhỏ không chiếm đất, rễ cũng
không ăn quá sâu, quá rộng nên cũng không làm đất bạc màu như cây tre. Đào
không phải là cây lấy gỗ, cũng không phải là cây giữ được đất phủ màu. Trên gốc
đào có sẵn, chặt cành đi rồi, chỉ trận mưa xuân là cành đào trổ lên mập mạp,
qua mùa hè tươi tốt, đến mùa đông lại trổ nụ để đón tết.
Đợt rồi lên Đồi Thung, vùng đất có rừng
nguyên sinh cuối cùng của vùng Hòa Bình, sở dĩ nó còn rừng là vì bao nhiêu năm
nay con đường lên Đồi Thung chỉ có cách là đi bộ, xe máy còn không qua nổi Đạng
Gió, cái cổ họng của Đồi Thung, nên bấy lâu nay Đồi Thung là một xứ cách biệt.
Nay có con đường đang làm, có đoạn vẫn đang rải đá cấp phối, nhưng xe ô tô xe
máy các kiểu vẫn đi lại phăng phăng coi như có đường.
Vì gió nhiều, ào ạt lồng lộn suốt đêm
ngày, lại lạnh giá nữa, lại cách biệt miền xuôi nên Đồi Thung hầu như không
trồng cấy được mấy, chỉ có măng mọc tua tủa, chỉ tự cung tự cấp là chính. Việc
nuôi con gì, trồng cây gì thực sự làm đau đầu ban lãnh đạo xã.
Tôi đi thăm các trong xã Đồi Thung, ấn
tượng nhất là có 1 nhà bắt đầu vỡ vườn để trồng rất nhiều cây đào, trồng bằng
hạt, những cây đào mảnh mai bé như cái tăm cắm xuống đất đồi đỏ rực khô cằn vì
gió thổi, vì sương lạnh quanh năm. Ông chủ đi lên nương, ỏ nhà có bà vợ, bà nói
cây của ông nhà tôi trồng đấy, khoảng vài năm nữa là chặt bán cành đào được
rồi, cây này mọc nhanh và hợp khí hậu ở đây, có đường rồi thì đến Tết chặt mang
về xuôi bán.
Vài năm gần đây, nơi nhà mình ở có 1 chợ
hoa đào, đến 24 Tết là bắt đầu họp. Bà con các bản làng gần thành phố mang cành
đào ra bán.
Gần như ai thích đào tự nhiên không uốn éo
thì đều đến chợ này tìm cho mình cành đào ưng ý. Tất nhiên là mình lượn lờ chợ
này từ khi hôm họp cho đến khi tàn chợ chiều 30 chỉ để ngắm hoa đào và người
bán. Nhẽ Tết này phải viết cái gì đó về người bán hoa đào.
Sắp đến Tết rồi, tôi thích Tết có hoa đào,
hàng nghìn năm nay chúng ta đều thích Tết có hoa đào, không có pháo hoa thì chả
sao, nhưng không có hoa đào không là Tết. Vì niềm thích nhỏ nhoi ấy mà tạo công
ăn việc làm cho bao nhiều dân lao động, nhất là bà con miền núi, chặt cành đào
mùa Tết cũng giúp cho họ sắm thêm đồ mới. Trẻ con đi mót cành đào mang ra lề
đường bán cũng đỡ tiền bố mẹ mua đôi dép bộ quần áo mới.
Mấy ngày nay thấy báo chí, rồi vài chủ
phây búc tỏ ra thương vay khóc mướn thương cành đào? Nên người miền núi phải
viết bài này mong cho cây đào miền rừng tết này vẫn xuống miền xuôi để bà con
có thêm thu nhập, có tiền thích mua gì thì mua, để miền xuôi đỡ phải đi làm từ
thiện bằng hàng quá đát.
---------------
https://www.facebook.com/huong.phanmai.904/posts/400215967974493
Mời thư giãn với nhạc phẩm HOA CỎ MÙA XUÂN
của Bảo Chấn, qua tiếng hát Mỹ Linh:
-
ĐẶNG XUÂN XUYẾN giới thiệu -
(Bài viết không thể hiện quan điểm của trang
Đặng Xuân Xuyến)
0 comments:
Đăng nhận xét