CHUYỆN
HÁN VŨ ĐẾ
*
Hán Vũ đế là vị vua kiệt xuất của nhà Tây
Hán, người đã mở rộng bờ cõi của Trung Hoa ra khỏi Hoa Hạ, đuổi người Hung Nô
lên tận mạc bắc, độc tôn Nho học. Hán Vũ đế cũng là người kiện toàn bộ máy hành
chính, tổ chức của chế độ phong kiến, thiết lập chế độ khoa cử, luật hình,
thiết lập hệ thống đo lường mà chúng ta vẫn còn nghe nói đến tận ngày nay
(chỉ, lượng, cân hay về đo lường thì có thốn, xích, trượng). Nhưng cũng chính
ông là người tạo tiền đề đẩy nhà Hán đến chỗ kiệt quệ, suy tàn: Cái nạn ngoại
thích (nhà vợ vua) lấn át triều chính khởi nguồn là từ Hán Vũ Đế, Hán Vũ đế
cũng "tạo điều kiện" cho nạn mua quan bán tước, đồng thời cho quan
lại có thể chuộc tội bằng tiền, tạo điều kiện cho chúng tham ô... những điều đó
di hại đến mấy đời sau, đẩy xã hội đến chỗ nhiễu nhương, hỗn loạn... tạo điều
kiện cho Vương Mãng cướp ngôi gần 100 năm sau...
I. THỜI KỲ ĐẦU
Hán Vũ đế là con trai thứ 11 của Hán Cảnh
đế, tên cúng cơm là Lưu Triệt, theo thứ tự thì không phải con trưởng, còn khuya
mới ngồi lên ngai vàng nhưng một biến cố trong cung đình đã xảy ra năm 150 TCN,
khi đó Lưu Triệt mới 10 tuổi: Hán Cảnh đế, cha Lưu Triệt ban đầu có hoàng hậu
họ Bạc, bà này suốt mười mấy năm không con, Hán Cảnh đế còn có một sủng phi tên
là Lịch Cơ, năm 170 TCN, Lịch Cơ sinh con trai là Lưu Vinh. Năm 156 TCN, đến
lượt Vương Mỹ nhân, mẹ Lưu Triệt sinh ra ông. Hán Cảnh đế bèn phế Bạc thị, lập
Lưu Vinh làm thái tử nhưng vẫn để trống ngôi hậu, chưa cho Lịch Cơ ngồi vào.
Chị ruột Hán Cảnh đế là Quán Đào công chúa,
muốn đem con gái mình là Trần A Kiều gả cho Lưu Vinh để sau này được nhờ nhưng
Lịch Cơ ghét bà này thường xuyên cung cấp gà xịn (gái đẹp) cho Hán Cảnh đế nên
từ chối thẳng thừng. Sẵn dịp thấy nhiều quần thần cũng ko ưa Lịch Cơ nên Vương
Mỹ nhân chủ động gặp Quán Đào công chúa, xin A Kiều về làm vợ cho Lưu Triệt,
trưởng công chúa vừa có thể diện lại thấy Triệt cũng thông minh sáng láng nên
đồng ý ngay, nhưng vẫn để bụng mối thù với mẹ con Lịch Cơ.
Về phần Lịch Cơ vốn cậy có con làm Thái tử
nên kiêu căng tự phụ, có lần Lịch cơ xin Hán Cảnh đế phong mình làm Hoàng Hậu
nhưng đế vẫn chưa quyết, Lịch Cơ giận chửi luôn cả vua rồi quăng gối ra ngoài
cửa cung, ý bảo: Tối nay mày ra đường mà ngủ ! - Tin tức đó bay đến chỗ Quán
Đào công chúa và Vương mỹ nhân, hai bà này lập mưu, xúi vài đại thần ngay hôm
sau viết chiếu tâu xin Hán Cảnh đế phong Lịch cơ làm Hoàng hậu, đây gọi là kế
Lửa cháy đổ thêm dầu. Sẵn đang quê vì bị đuổi mới tối hôm trước, Hán Cảnh đế
nổi giận lôi đình phế luôn Lưu Vinh làm Lâm Giang Vương, không cho Lịch Cơ gặp
mặt mình phân trần. Lịch cơ sau đó uất ức, đau buồn sinh bệnh rồi mất. Không
lâu sau đó, Quán Đào công chúa rỉ tai em trai mỗi ngày, Cảnh Đế xuôi theo,
phong Vương mỹ nhân làm Hoàng hậu, lấy Lưu Triệt làm thái tử. Năm 141 TCN, Hán
Cảnh đế qua đời, Lưu Triệt lên ngôi gọi là Hán Vũ đế.
II. HÁN VŨ ĐẾ CHỐNG HUNG NÔ
Hung Nô là một thế lực tồn tại ở phía bắc
trường thành từ thời Chiến Quốc. Các nước Yên, Triệu, Tề đều ít nhiều có đập
lộn với Hung Nô trong thời gian này. Nhờ đánh lộn với Hung Nô mà người Trung
Quốc, mà cụ thể là nước Triệu mới canh tân quân sự, đem lại những thay đổi
trong nghệ thuật chiến tranh: Triệu Vũ Linh Vương là người tiên phong cách tân
ăn mặc như người Hung Nô: tức là quần chẽn, có ống, áo ngắn bó ở tay, trước đó
người Hán mặc quần áo thụng, tay áo dài nên không thể leo lên ngựa mà phải ngồi
xe. Xe thì khó cơ động như ngựa, lại cồng kềnh tốn không gian hơn. Bằng sự thay
đổi về y phục, nước Triệu đã xây dựng được đội kỵ binh như của Hung Nô và có
nhiều trận đánh sòng phẳng với chúng. Thay đổi thứ hai là thế trận Vườn không
nhà trống cũng do một người nước Triệu là danh tướng Lý Mục nghĩ ra khi đối đầu
với những cuộc tiến công cướp phá chớp nhoáng của Hung Nô.
Tuy nhiên khi nhà Tần thống nhất Trung
Hoa, rồi đến khi Lưu Bang lập ra nhà Hán thì bấy giờ ở thảo nguyên, người Hung
Nô cũng dần trở thành một nhà nước thống nhất. Nhà Hán từng đối mặt với một
cuộc xâm lăng khổng lồ với 20 vạn kỵ binh do Thiền Vu (vua) Hung Nô là Mặc Đốn
chỉ huy. Lưu Bang từng phải thân chinh cầm quân đi dẹp và ... sml với Hung Nô,
xém nữa thì bị bắt sống. Từ đó nhà Hán chọn cách "hòa hiếu" với người
Hung Nô, nói trắng ra là cống nạp để chúng bớt quậy. Mọi việc dần khởi sắc khi
vào đời Hán Văn đế, quân Hán có một vị tướng can đảm, giỏi võ nghệ tên là Lý Quảng.
Lý Quảng đi lên từ lính trơn, chỉ nhờ vào bản lĩnh cá nhân và sự dũng cảm mà
leo dần lên đến tướng quân. Vì Lý Quảng dũng mãnh, can trường nên người đương
thời còn gọi là Phi Tướng Quân. Trước sau trong cuộc đời mình, Lý Quảng đã 77
lần đánh nhau với Hung Nô, lúc được lúc thua nhưng nhìn chung là thua nhiều hơn
được, vì thời ấy quân Hán dù đông hơn nhưng thua sút quân Hung Nô về kỵ binh và
tiếp tế. Bản thân Lý Quảng cũng chỉ đi từ lính lên, ko học hành nhiều nên
phương pháp cầm quân của Quảng là ... đếch có phương pháp gì hết. Lý Quảng chỉ
có mang binh sĩ ra trận, động viên tinh thần cho chúng bán mạng vì chủ, còn đâu
kỷ luật, đội ngũ thì buông lỏng hết thảy. Chính vì vậy cho nên quân của Lý
Quảng thường bị động, nếu đối phương bất ngờ tiến đánh thì thường không chống
giữ nổi, phải thua trước rồi mới thắng sau. Nhưng dù sao thì “xứ mù thằng chột
làm vua”, nên trong giai đoạn đầu của chiến tranh Hán – Hung Nô thì Lý Quảng
vẫn là người nổi trội nhất. Năm 129 TCN, Lý Quảng đánh nhau to với Hung Nô và
thua cũng khá to, bản thân Lý Quảng cũng bị bắt sống, phải giả chết để cướp
ngựa chạy về, khi trở về thì bị triều đình nghị tội, do sơ suất cá nhân mà làm
thiệt mạng mấy vạn binh sĩ, theo phép phải chém, nhưng Lý Quảng đem tiền để
chuộc mạng nên được miễn chết, chỉ phế làm dân. Năm 123 TCN, Hán Vũ Đế lại gọi
lại Quảng cho làm tướng để đánh Hung Nô, nhưng lúc này Quảng đã già, lại thêm
các tướng trẻ như Vệ Thanh, Hoắc Khứ Bệnh, Trương Khiên dần dần nổi lên, uy
phong của Lý Quảng trong quân không còn được như xưa nữa. Điều gì đến phải đến,
năm 119 TCN, đại quân do Vệ Thanh chỉ huy đại thắng Hung Nô nhưng Thiền vu Y
Trĩ Tà lại chạy thoát được, và chạy được là do cánh quân của Lý Quảng đã đến
chậm không kịp hợp vây. Cũng có thể là do Vệ Thanh cố tình gài Lý Quảng khi
thay đổi chiến lược hành quân vào phút chót, đổi Lý Quảng phải đi đường xa,
nhưng cũng có một phần lỗi ở Lý Quảng khi hằm hằm dẫn quân đi luôn trong lúc
chưa có người dẫn đường nên bị trễ. Dù sao thì cuối cùng, Quảng thấy nhục nhã
vì bị bọn tướng trẻ hơn hạch sách, chất vấn nên rút kiếm đâm cổ tự vẫn. Cháu
nội Lý Quảng sau này là Lý Lăng tiếp tục làm đại tướng cầm quân đánh Hung Nô
nhưng sau lại hàng và rất được thiền vu Hung Nô trọng dụng.
Sau thời của Lý Quảng là đến thời của các
tướng Vệ Thanh và Hoắc Khứ Bệnh, Hoắc Khứ Bệnh là cháu gọi Vệ Thanh bằng cậu,
hai người này là ngoại thích của Hán Vũ đế. Hán Vũ đế trong thời kỳ trị vì của
mình rất ưu ái các bà con bên vợ, nó trở thành truyền thống cho các vua Hán sau
này và cũng là mầm mống dẫn đến cái họa Vương Mãng truất ngôi nhà Hán gần 100
năm sau. Vốn là Hán Vũ đế đã có Trần A Kiều làm hoàng hậu nhưng bà này không
con trong một thời gian dài, nhưng vì nể mẹ của A Kiều là cô ruột của mình lại
có công đưa mình lên ngôi nên Vũ đế chưa nỡ phế. Hán Vũ đế lại có một bà chị
cùng mẹ gọi là Bình Dương công chúa, công chúa này lấy Tào Thọ, một người cháu
5 đời của tướng quốc Tào Tham thời Hán cao tổ Lưu Bang. Nhà Tào Thọ thì … nói
ra hơi vô phúc, đếch khác gì cái nơi trốn chúa lộn chồng:
- Tào Thọ có người vợ lẽ tên là Vệ Âu, bà
này đẹp số dzách, thời trẻ nổi tiếng là mỹ nhân số 1, số 2 Trường An. Vì hot
quá nên tất nhiên sớm muộn gì cũng có đứa … hốt. Trước khi về làm vợ Tào Thọ,
bà này đã đẻ 4 lứa, 3 trai 1 gái, có cùng cha không thì tôi cũng chịu không trả
lời được. Về làm vợ Tào Thọ được ít lâu thì lại … gian dâm với quản gia Trịnh
Quý, kết quả của mối quan hệ này chính là Vệ Thanh. Vệ Thanh khi mới sinh ra bị
đem trả cho Trịnh Quý, rồi cả hai cha con bị đuổi khỏi phủ, được mấy năm Trịnh
Quý hết nuôi nổi con bèn trả nó về cho mẹ. Vệ Âu khóc lóc năn nỉ ỉ ôi, Tào Thọ
cũng xiêu lòng nên cho Vệ Thanh vào phủ ở tạm, nhưng phải làm đầy tớ vì … cóc
có dính tý máu mủ nào hết. Sau khi đến tuổi trưởng thành, Vệ Thanh làm mã phu,
đi theo hầu Bình Dương công chúa, vốn là vợ cả của Tào Thọ. Khi Bình Dương Công
chúa ra ngoài đều có Vệ Thanh cưỡi ngựa đi theo bảo vệ.
- Trong số con gái của Vệ Âu thì có một
người tên là Vệ Thiếu Nhi, thế gian mẹ nào con nấy, Thiếu Nhi nhanh chóng cho
thấy bản lĩnh không hề thua kém má nó năm xưa: Khoảng năm 141 TCN, có chàng
trai tên là Hoắc Trọng Nhụ đến Trường An để lập công danh, do có người quen gửi
gắm nên bước đầu anh này xin tá túc được ở phủ Bình Dương hầu (phủ Tào Thọ).
Tại đây anh Nhụ gặp chị Nhi và sau đó chị chửa, khi đứa bé ra đời thì cũng là
lúc anh Nhụ … chạy làng, đứa bé đó sau này chính là Hoắc Khứ Bệnh lừng danh.
Còn anh Nhụ sau này lấy vợ khác, sinh con và có một con trai nữa tên là Hoắc
Quang, sau này đây sẽ là người đứng ra cáng đáng triều chính nhà Hán hơn 20 năm
qua 4 đời vua, nhưng cũng chính người này khiến cho cả họ Hoắc bị tru di, vĩnh
bất siêu sinh, nhưng thôi, đấy là chuyện về sau.
- Vệ Ấu lại có một đứa con gái khác tên là
Vệ Tử Phu, cô này đàn hay hát giỏi, lại di truyền sắc đẹp giống mẹ, ngay cả
Bình Dương công chúa tuy biết là con nạ dòng nhưng vẫn rất thương cô này. Năm
139 TCN, Hán Vũ đế ghé chỗ chị gái (Bình Dương công chúa) chơi, công chúa sai
Vệ Tử Phu ra đàn hát hầu rượu, tiệc tan, Hán Vũ đế dắt luôn Vệ Tử Phu về cung.
Công chúa vì duyên cớ đó được thưởng một nghìn cân vàng coi như công môi giới,
hehe… Lúc đó, cô ruột của bà là Quán Đào công chúa từng hỏi bà rằng:
- Hoàng đế không có ta thì làm sao được
lập, nay lại vứt bỏ đi con gái ta, khác nào bội bạc?
Bình Dương công chúa thẳng thừng đáp:
- Vô hậu vô tử, tất khả dĩ phế ! (Không
con tuyệt tự, tất nhiên phải phế).
Trần Hoàng hậu nghe thế dùng nhiều vàng
bạc tìm mọi biện pháp cầu con trai, nhưng vẫn không hiệu quả. Dần dần, Vệ Tử
Phu đắc sủng, đến khi sinh ra Thái tử Lưu Cứ thì đại cục đã định, Trần Hoàng
Hậu sau đó lại dính vào án Vu cổ nên bị phế truất nhốt vào lãnh cung, Vệ Tử Phu
trở thành Hoàng hậu. Để trả thù, mẹ Trần hoàng hậu là Quán Đào công chúa cho
bắt nhốt Vệ Thanh vào ngục tống giam, chuẩn bị giết ông. May thay người bạn
thân của Vệ Thanh là Công Tôn Ngao biết được, bèn tụ tập huynh đệ đang đêm đánh
vào nhà ngục đánh tháo cho bạn hiền. Hán Vũ Đế biết được tin này, rất tức giận,
bèn theo ý của Vệ Tử Phu, triệu tập Vệ Thanh vào coi mặt, Đế thấy Thanh người
cao lớn, giỏi võ nghệ, bèn cho làm Kiến Chương giám, thống lĩnh đội cận vệ, hàm
Thị trung, đồng thời chọn người anh trưởng của Vệ Thanh là Vệ Trường Quân làm
Thị trung. Năm 129 TCN, Bình Dương hầu Tào Thọ đi bán muối, Hán Vũ đế bèn lệnh
cho Vệ Thanh lấy công chúa, về danh nghĩa là anh vợ của vua, quyền hành đã lớn
lại càng lớn hơn. Năm 122 TCN, Vệ Thanh tiến cử cháu là Hoắc Khứ Bệnh lên Hán
Vũ đế, đế lại ban chức tước cho Bệnh và cho đi theo đạo quân chinh phạt Hung Nô
của Vệ Thanh.
- Về những năm sau này, hoàng hậu Vệ Tử
Phu xuống sắc nên Hán Vũ đế cũng đâm ra buồn phiền, hiểu được mối lo trong lòng
thằng em, bà chị Bình Dương công chúa lại … dâng hàng mới cho em trai. Năm 111
TCN, Bình Dương công chúa vào cung thăm em trai, đưa lên một nhạc sư tên là Lý
Diên Niên, Lý Diên Niên mới cho ra lò bài hit, bèn trình lên vua, có đoạn rằng:
Phương
Bắc có một mỹ nhân,
Vẻ đẹp
tuyệt thế không ai sánh bằng.
Nhìn
một cái ngả nghiêng thành quách,
Nhìn
lần hai đất nước suy vong.
Thà là
không biết không biết cho xong,
Trời
ơi Người đẹp vô song khó tìm.
Đế nghe xong thì tấm tắc khen bài hát hay,
nhưng đồng thời cũng bảo: Mày chém nó vừa, đào đâu ra người đẹp thế được? –
Bình Dương công chúa ngồi bên tâu ngay: Nó không chém đâu, em nó đẹp thật đấy!
– Và đó chính là Lý Nghiên, tức Lý phu nhân sau này. Lý phu nhân có anh họ là Lý
Diên Niên, còn anh ruột tên là Lý Quảng Lợi, các bạn từng nghe qua ở chuyện Tư
Mã Thiên rồi. Lý Quảng Lợi từ quân vô công rồi nghề mà được cất lên làm tướng
quân cũng là vì nguyên cớ ấy.
- Tuy nhiên, bấy nhiêu đó vẫn chưa đủ để
đánh Hung Nô, một nhân tố quyết định nữa để Hán Vũ đế có thể thắng được đế chế
phương bắc đó là con đường ngoại giao. Nếu ngoại giao mà có tổ nghề thì Trương
Khiên xứng đáng được thờ. Trương Khiên (sách cũ trước đây gọi là Kiên) sinh năm
164 TCN, mất năm 114 TCN là người đã hai lần đi sứ sang Tây Vực, vẽ bản đồ Tây
Vực, thiết lập ảnh hưởng của nhà Hán tại Trung Á và đặt nền móng cho con đường
thương mại xuyên châu lục Á – Âu kéo dài đến tận 800 năm sau, chính là Con
Đường Tơ Lụa lừng danh trong lịch sử. Khiên học hành ra sao, đỗ đạt và được bổ
nhiệm thế nào không thấy sử ghi chép, chỉ biết rằng năm 140 TCN, có tên tù binh
người Hung Nô khai với quân Hán rằng quân Hung Nô mới đánh nhau to với nước Đại
Nguyệt Chi, quân Hung Nô bắt được vua nước địch, chặt đầu đem làm cốc uống
rượu. Hán Vũ đế cho rằng có thể liên minh với Đại Nguyệt Chi được bèn tìm người
đi sứ. Trương Khiên nhiều năm lăn lộn ở chiến trường phía bắc, thông thạo phong
tục, tiếng nói Hung Nô bèn hăng hái xin đi. Năm 139 TCN, Trương Khiên dẫn phái
đoàn hơn trăm người đi sứ sang phía tây. Ai ngờ mới đi được nửa đường đã bị
người Hung Nô bắt mất, giải đến tận chỗ Thiền Vu, Trương Khiên bị bắt ở lại làm
nô lệ trong 10 năm trời, lấy vợ, sinh con là người Hung Nô, rồi sau nhân lúc
người Hung Nô không đề phòng, Khiên cùng thuộc hạ thân tín trốn mất, lại tiếp
tục đi sứ sang phía tây đến được nước Xa Sư, từ đó tiến vào nước Yên Kỳ, lại từ
Yên Kỳ vượt sông Tháp Lý Mộc, đi qua các nước Quy Từ, Sơ Lặc, vượt qua Thông
Lĩnh, đến được Đại Uyển, được người Đại Uyển đưa đến Khang Cư, cuối cùng đến
được Đại Nguyệt Chi. Nhưng lúc này thì Đại Nguyệt Chi an cư lạc nghiệp, không
còn máu chiến nữa rồi, ở lại hơn 1 năm không làm được trò trống gì, Khiên đành
trở về theo đường núi Côn Lôn. Đến năm 126 TCN, sau 14 năm, Trương Khiên trở về
đến Trường An, Hán Vũ đế mừng mừng tủi tủi nói một câu: Chú mày còn sống đấy a?
– Sau đó Khiên tham gia vào các cuộc viễn chinh Hung Nô cùng Lý Quảng, nhưng
như đã nói ở trên, trình Lý Quảng khá vô vị nên có trận ăn trận thua, năm 121
TCN, Quảng thua to, báo hại Khiên cũng thua theo, khi về triều, Khiên trả lại
chức tước và đóng tiền chuộc tội nên giữ được mạng.
Năm 119 TCN, Hán Vũ đế lại phong Khiên làm
Trung lang tướng, cho tùy tùng 300 người cùng lụa là, gấm vóc, vàng ngọc lên
đường đi Tây Vực lần thứ 2, mục đích của chuyến này là thuyết phục nước Ô Tôn
cùng liên minh với Hán để dập Hung Nô. Thế nhưng Ô Tôn cũng giống Đại Nguyệt
Chi năm nào, viện cớ xa xôi cách trở, đếch biết Hán mạnh hay yếu nên từ chối
liên minh. Lần này tuy mục đích cũng không thành công nhưng Trương Khiên đã có
điều kiện thu thập, bổ sung thông tin, đường sá, địa lý của những nước Tây Vực,
đồng thời người Tây Vực cũng tiếp xúc với đồ sứ, tơ lụa của Trung Hoa, kết nối
thông thương với Trung Quốc, còn đối với nhà Hán, nó là bước chuẩn bị quan trọng
cho Ban Siêu chinh phạt Tây Vực, biến nơi đây thành một quận của nhà Hán hơn
100 năm sau. Cũng trong lần đi sứ này, Trương Khiên đã ghi chép về một loài
ngựa kỳ lạ, một loài thần mã ở Đại Uyển: Hãn huyết bảo mã
Vùng Đại Uyển phần lớn là thảo nguyên và
núi đá, trên các dãy núi đá cao chót vót đó có một loài ngựa hoang, chúng tự do
chạy nhảy, phi qua những mỏm đá cheo leo, sắc lẹm. Không ai có thể bắt được
những con ngựa ấy, vì chúng quá nhanh và toán sống trên vách đá cheo leo. Người
Đại Uyển coi giống ngựa đó là giống ngựa từ trên trời hạ phàm xuống, gọi là
Thiên Mã. Bắt không được, người Đại Uyển tìm cách lấy giống: Họ tìm những con
ngựa cái khỏe mạnh nhất, mới phát dục lần đầu tiên đem cột ở những nơi đàn ngựa
trời hay xuất hiện, rồi canh sau khi phối giống xong thì phải xông ra đuổi
những con ngựa hoang kia đi ngay, vì nếu để lâu, ngựa hoang sẽ cắn chết ngựa
nhà ngay lập tức. Con lai từ loài ngựa trời và ngựa nhà ấy thừa hưởng tốc độ,
sự dẻo dai của cha và vẫn có thể thuần dưỡng được để cưỡi do có mẹ là ngựa nhà,
điều đặc biệt là ở những con ngựa lai này có những con ngựa có dị tượng: Những
con ngựa có màu lông hung đỏ tiết ra mồ hôi cũng màu đỏ nốt, khi chạm vào,
giống như là con ngựa ấy đang đổ máu vậy. Trong truyện Xạ Điêu Anh Hùng Truyện
của Kim Dung, trong một lần chăn ngựa trên thảo nguyên, Quách Tĩnh vô tình bắt
được một con ngựa như vậy, gọi là Tiểu Hồng Mã, là con ngựa quý ngày đi ngàn
dặm luôn theo sát tên ngốc này. He he, nhiều người sẽ bảo là sử xưa chém gió,
nhưng thật không ngờ, điều này lại là thật các bạn mình à. Hãy lên google seach
giống ngựa Akhal-Teke các bạn sẽ hết hồn luôn, nó có thật đấy !
Quay về với chủ đề chính là chiến tranh
Hán - Hung Nô, liên tục trong 10 năm, từ 129 - 119 TCN, Hán Vũ đế 7 lần sai Vệ
Thanh mang quân đánh nhau với Hung Nô, trong đó ba lần cuối cùng có cháu Vệ
Thanh là Hoắc Khứ Bệnh đi cùng. Lần đánh trận thứ bảy là đại thắng, quân Hán
chém hơn 1 vạn đầu lâu, đuổi người Hung Nô chạy tuốt lên mạc bắc, lên mãi tận
phía bắc sa mạc Gobi. Nhưng Thiền Vu Hung Nô vẫn chạy thoát được do lỗi của Lý
Quảng như đã kể lúc nãy. Lý Quảng chết, con Lý Quảng là Lý Cảm vác kích vào
quân doanh tìm Vệ Thanh để đâm, có người báo cho Thanh nên Thanh kịp thời lỉnh
mất. Hoắc Khứ Bệnh thấy vậy bèn nhân dịp đi săn, cố tình lắp tên "bắn
nhầm" vào Lý Cảm. Cảm lòi ruột chết, Hán Vũ đế bênh nhà ngoại nên nói dóc
là Lý Cảm bị hươu húc chết. Nhưng 10 năm sau, khi con Lý Cảm là Lý Lăng hàng
Hung Nô thì Hán Vũ Đế lại lôi đầu cả họ Lý ra mượn thủ cấp...
Năm 117 TCN, trên đường hành quân Hoắc Khứ
Bệnh bị bệnh nặng (cũng có thuyết nói là bị trúng độc) nên đột ngột qua đời
trong doanh trại khi mới 23 tuổi. Quân Hán mất một chỉ huy tài giỏi. Hán Vũ đế
gộp luôn chức Đại Tư Mã của hai cậu cháu Vệ Thanh lại thăng cho Vệ Thanh lên
luôn làm Thái Úy, lại muốn cho quần thần phải bái lạy Vệ Thanh khi ông vào chầu
nhưng có viên đại thần tên là Cấp Ảm bảo việc ấy là trái lẽ, Vệ Thanh cũng đồng
ý như thế nên rốt cuộc quần thần chỉ phải lạy mỗi Hán Vũ đế mà thôi... Năm 106
TCN, Vệ Thanh cũng nhuốm bệnh qua đời. Người Hung Nô được tin các tướng giỏi
của Hán đều đã bán muối bèn lục tục quay lại xâm phạm biên cương. Hán Vũ đế
quyết phải đánh bại Hung Nô một trận dứt điểm. Đế biết rằng chìa khóa chiến
thắng của quân Hán phải nằm ở kỵ binh, mà nói thẳng ra là do chất lượng ngựa của
Hán thua hẳn ngựa Hung Nô.
Năm 104 TCN, Hán Vũ đế lệnh cho người đi
Đại Uyển mua ngựa xịn về. Tuy nhiên, người Đại Uyên không những không đồng ý
bán ngựa mà còn cho giết cả người của sứ đoàn nhà Hán và tịch thu số vàng được
mang theo dùng để mua ngựa. Với lý do rằng: Những con ngựa này không phải để
bán, và ngay cả chúng tao còn không có đủ để xài thì làm sao bán? – Tin dữ bay
về Trường An, Hán đế hạ lệnh tiến công vây hãm thành Alexandria Eschate ở xứ
Đại Uyển. Đây là thành bang Hy Lạp hóa xa nhất về phía Đông mang dấu tích của
người Hy Lạp. Xứ này là do một vị tướng của Alexander đại đế năm xưa lập nên.
Thế nên trong huyết quản họ chảy dòng máu chiến binh, họ lại ỷ mình ở xa xôi,
chắc gì quân Hán làm gì được nên cướp sạch. Chẳng ngờ Hán Vũ đế là tay chơi có
hạng, ngài lệnh cho anh vợ yêu dấu Lý Quảng Lợi dẫn 4000 quân, phong làm Nhị Sư
tướng quân dẫn quân trường chinh đi trả thù quân mất nết. Tất nhiên, những gì
mà người Đại Uyển tiên liệu đã xảy ra: Khoảng cách địa lý quá xa cộng với sự
thiếu chuẩn bị đã khiến đạo quân này hao hụt đến 6,7 phần trên đường hành quân
và nhanh chóng bị đánh bại. Sau 2 năm, Lý Quảng Lợi phải dẫn tàn binh quay về
và tạm trú tại thành Đôn Hoàng trên sa mạc Taklamacan. Hán Vũ đế nghe tin Lợi
bại trận thì cho sứ giả ra nhắn nhủ nhẹ rằng:
- Thằng nào chưa lập chiến công mà quay
vào quan ải thì chém trước nói sau!
Lợi xanh mặt bèn đóng quân lại không dám
tiến nữa, mùa xuân năm sau, Hán Vũ Đế quyết chơi tất tay: Tăng cường cho lợi 6
vạn quân mới mộ, đi kèm là 6 vạn con bò, 3 vạn con ngựa, thêm một đội hậu viện
18 vạn quân đóng sẵn ở biên giới để trương thanh thế. Lần này thì ko có tiểu
quốc nào trên đường đi dám chống nữa, đại quân đi đến đâu cũng được tiếp rước
trọng thể. Lợi đánh thẳng một lèo đến tận Úc Thành, vây Nhị Sư hơn 40 ngày, cắt
luôn nguồn nước của thành. Người trong thành khiếp quá éo nghĩ ngợi nhiều, thịt
ngay quốc vương, mở cửa thành ra hàng. Lý Quảng Lợi chọn lấy mấy chục thớt ngựa
thượng đẳng, hơn 3000 thớt ngựa trung đẳng, lập 1 người có quá khứ thân cận với
nhà Hán là Muội Thái Vi làm quốc vương, rồi khải hoàn ban sư. Hán Vũ đế rất cao
hứng, phong Lý Quảng Lợi làm Hải Tây hầu. Đại Uyển từ đó về sau phải cống ngựa
quý cho nhà Hán thành cái lệ.
Nhưng rồi vinh quang của Lý Quảng Lợi chỉ
đến đó là hết, hơn 10 năm sau, năm 90 TCN, Hung Nô lại xâm phạm Ngũ Nguyên, Tửu
Tuyền, quân Hán ra đánh đều thất bại, các viên đô úy tử trận. Hán Vũ đế mệnh
cho Lý Quảng Lợi đưa quân xuất kích. Vào lúc Lý Quảng Lợi lên đường, thừa tướng
Lưu Khuất Ly (hoặc Lưu Khuất Mao vốn là cháu của Hán Vũ đế) ra đưa tiễn. 2
người vốn có quan hệ thông gia, khi ấy thái tử Lưu Cứ đã tự sát và phe Vệ Hoàng
Hậu đã bị trừ hết, mà vẫn chưa có thái tử mới, vì vậy Lý Quảng Lợi muốn con của
Lý phu nhân là Xương Ấp vương Lưu Bác được lập; bèn nói Lưu Khuất Ly: "Mong
quân hầu sớm xin lập Xương Ấp vương làm Thái tử. Nếu (Xương Ấp vương) được lập
làm hoàng đế, quân hầu còn lo gì không giữ được tướng vị lâu dài ?", Khuất
Li nhận lời. Ai ngờ Khuất Li lại "ăn" thêm cái án Vu Cổ, cả đời Hán
Vũ đế hận nhất là hai chữ này, con cháu, thậm chí vợ mà dính tới Vu Cổ thì đều
lên bảng điểm số hết, huống chi là cháu...
Rất nhanh, Lưu Khuất Li bị chém ngang
lưng, gia quyến cũng bị bỏ ngục cả lũ, tất nhiên, liên lụy đến cả gia quyến Lý
Quảng Lợi. Lợi biết rằng chỉ còn một đường là đoái công chuộc tội nên càng nôn
nóng tốc chiến tốc thắng, thế quái nào đi quá sâu vào đất Hung Nô. Lợi đi sâu
đến nỗi mà ngay chính binh lính của hắn cũng nhận ra là có gì đó ... éo ổn. Thế
rồi trong quân rộ lên tin đồn rằng Đại tướng quân không tiếc mạng binh sĩ để gỡ
tội cho cả nhà, thế là qua mấy đêm chúng đào ngũ trốn sạch, khi quân Hung Nô
kéo đến, Lợi không còn quân sĩ nữa đành phải đầu hàng. Khi nghe tin Lợi thua
trận đầu hàng, Hán Vũ đế rất vui lòng đem toàn thể gia quyến họ Lý ra ... mượn
thủ cấp. Sau khi Lý Quảng Lợi đầu hàng, được tôn kính sủng ái hơn hẳn mấy tay
đã đầu hàng khi trước nên chúng ghét. Nhân một hơm đẹp trời, mẹ của Thiền vu bị
bệnh, có người tên Vệ Luật bèn mua chuộc thầy mo, để thầy mo nói rằng bệnh này
là do Thiền vu đời trước nổi giận gây ra: vì Thiền vu đời trước từng thề sẽ
phát binh đánh Hán, bắt Nhị Sư tướng quân Lý Quảng Lợi đem về tế thần; nay Lý
Quảng Lợi đang ở Hung Nô, sao không giết đi để tế thần? - Thiền vu tin là thật,
bèn giết chết Lý Quảng Lợi. Vào lúc bị giết, Lý Quảng Lợi gào to lên rằng: Ta
có chết cũng tiêu diệt Hung Nô ! - toàn thảy quân Hung Nô đều bịt miệng cười:
Lúc sống bọn tao còn sợ, giờ mày ra tro, bọn tao sợ cái đếch ! - Lý Quảng Lợi
cũng là vị tướng sau cùng giao chiến quy mô lớn với người Hung Nô, sau này,
người Hung Nô đã trở lại áp sát Trường Thành, mãi sau này, đến đầu thời Đông
Hán cái họa Hung Nô mới chấm dứt với người Hán. Tới thời Tam Quốc thì Tào Tháo
xóa sổ luôn những tàn tích của người Hung Nô ở quan ngoại.
III. BÓNG MA VU CỔ
Nãy giờ đọc tôi đoán rằng các anh chị đã
đôi lần thấy Vu Cổ được nhắc vài lần ở trên rồi, chắc cũng thắc mắc Vu Cổ là
cái gì phải ko? Vu là phép thuật, Cổ là cổ trùng. Vu Cổ là phép thuật sử dụng
trùng. Đây vốn không phải thuật của người Hán Hoa Hạ mà là của các bộ lạc ở
phương nam và tây nam Trung Hoa từ thời cổ đại. Theo các ghi chép thì hình thức
làm Cổ độc nguyên thủy như sau: Dùng 5 loài động vật chứa chất độc: Rắn, Nhện,
Rết, Cóc, Bò Cạp nhốt chung vào một chỗ rồi để mặc chúng cắn xé nhau, sau 21
ngày mở ra, con nào còn sống thì lấy con ấy làm Cổ. Bước tiếp theo người ta
thui sống con vật ấy rồi đốt tiếp đến khi ra tro, sau đó phơi sương phơi gió
một thời gian nhất định thì từ cái đất có tro cốt ấy sẽ sinh ra trùng, thường
là trùng màu trắng, nhưng hiếm nhất, quý nhất, khó nhất là trùng vàng - Jin
Can. Trùng này lại được đem ra đốt, nghiền thành bột rồi đem sử dụng như một
dạng bùa ngải, thư ếm hoặc bỏ độc. Tất nhiên, tùy mỗi vùng sẽ có những loại độc
vật khác nhau và cách luyện Cổ Độc khác nhau nhưng phổ biến nhất vẫn là cách
tôi mới kể. Vd như ở miền bắc Trung Hoa lại truyền một cách làm bùa khác, tôi
thì gọi là bùa chó, còn cách gọi truyền thống là Dưỡng Ngao. Theo đó, nếu nhà
nào có chó cái đẻ một lần ko thiếu ko thừa ra 9 con chó con thì đợi lúc chúng
nó biết ăn thịt, dứt sữa rồi thì nhốt riêng vào 1 cái phòng tối không cho ăn
nữa, cũng 21 ngày sau thì chỉ còn lại 1 con. Con chó ấy sẽ mang lại nhiều quyền
năng đen tối cho chủ.
Lan man là vậy, nói túm lại là phép thuật
hắc ám chuyên dùng để thư ếm các kiểu. Đến tận ngày nay, ở nhiều vùng miền của
Trung Quốc vẫn còn sợ tập tục này. Luật của các triều đại TQ xử rất nặng những
kẻ làm/nuôi Vu Độc, mà có khi cũng chả cần chờ pháp luật xử, chỉ cần làng xóm
hô lên: Ối làng nước ơi, nhà thằng X nuôi Vu này... - thì chỉ trong 1 phút bà
con sẽ kéo tới phụ thằng X sửa chữa lại căn nhà ngay, X nếu may mắn thì có thể
chỉ bị đánh suýt chết thôi... Dân thường còn như vậy, huống hồ hoàng tộc? Dưới
thời Hán Vũ đế, án Vu Cổ như một con bài hữu hiệu để các phe phái thanh trừng
lẫn nhau.
Người đầu tiên dính án Vu Cổ dưới triều
Hán Vũ đế là Hoàng hậu Trần A Kiều. Như đã nói ở trên, lấy nhau nhiều năm nhưng
không có con, lại ngăn cản Hán Vũ đế nạp thêm phi tần. Sau đó thì Hán Vũ đế gặp
Vệ Tử Phu, đem vào cung, Vệ phu nhân lần lượt sinh 3 công chúa và đến lần thứ
tư thì sinh thái tử Lưu Cứ. Trần hoàng hậu sau đó có người mách nước, bèn tin
vào việc thờ cúng, quỷ thần rồi ngày càng lậm vào. Năm 130 TCN, có người cáo
giác Trần Hoàng Hậu nuôi một vu nữ (cô đồng) tên là Sở Phục trong cung, Sở Phục
ăn mặc như nam nhân, lại bắt chước dáng vẻ của Hán Vũ đế cùng ăn, cùng ngủ như
nam nhân với hoàng hậu. Việc bị phát giác, Hán Vũ đế khép vào tội đại nghịch
bất đạo, phế truất Trần Hoàng Hậu đày vào Trường Môn cung, Sở Phục cùng 300
người thân tín của Hoàng hậu nhất loạt chém đầu. Sau đó, Hán Vũ đế lập Vệ Tử
Phu lên làm Hoàng hậu.
Nhà họ Vệ từ đó lên hương, sau khi thái tử
Lưu Cứ ra đời (128 TCN) lại càng được ưu ái tợn. Cần nói thêm rằng vì Hán Vũ Đế
lúc này luôn cảnh giác với các thế lực của những vương gia hoàng thất cùng họ
Lưu nên luôn đề phòng họ. Đế nghĩ rằng họ ngoại (tức bên vợ) mình sẽ đáng tin
cậy hơn nên họ Vệ và vây cánh của họ như Hoắc Khứ Bệnh, Công Tôn Ngao tha hồ
lũng đoạn triều chính gần hai chục năm trời. Tuy nhiên, đúng như người ta nói:
Thành tại Phong vân, bại tại Phong vân, nhà họ Vệ được hưởng sái từ án Vu Cổ
thì bị diệt tộc cũng vì án Vu Cổ: Năm 92 TCN, thái tử Lưu Cứ lúc này đã 35
tuổi, chuẩn bị kế nhiệm vua cha, nhưng đám đại thần từ lâu bất mãn với nhà họ
Vệ - đàng ngoại thái tử nên cũng đâm ra ghét luôn thái tử. Sau khi Vệ Thanh
chết rồi, đám này lại tích cực bài xích họ Vệ mạnh mẽ hơn, hoàng hậu Vệ Tử Phu
lúc này cũng già, ít còn được Hán Vũ Đế dòm ngó tới nhưng vẫn rất trân trọng
bà. Lúc bấy giờ thừa tướng Công Tôn Hạ bị một người tên là Chu An Thế tố giác
là tư thông với một công chúa của Vũ Đế thực hiện tà thuật nhằm ám hại Hoàng
Đế. Vũ Đế cho mở rộng điều tra sự vụ thì đến Tháng 4 cùng năm, vụ án liên lụy
đến 3 công chúa của Hán Vũ Đế. Tất cả các công chúa này đều bị khép tội dùng Vu
cổ, phải xử tử. Sau đó ít lâu, đến lượt Tào Tông, cháu ngoại Vũ Đế cùng con
trai của Vệ Thanh là Vệ Kháng cũng bị hạch tội dính líu và cũng bị hành quyết.
Tháng 7 năm đó, Hán Vũ Đế bệnh trong người
nên đi ra hành cung Cam Tuyền nghỉ ngơi rồi ở luôn tại đó, giao đại thần Giang
Sung tiếp tục tra án. Giang Sung thấy Hán Vũ đế tuổi thì đã cao, lúc này hay
tin chuyện ma quỷ thánh thần, mà trước đây Giang Sung đã chửi nhau với Thái tử,
nên Sung lo sợ nếu thái tử lên nối ngôi thì đời mình cũng bế mạc bèn tiên hạ
thủ vi cường, từ không án cho thành có án luôn. Ít hôm sau, thủ hạ của Sung tìm
được một con búp bê gỗ trong cung Thái tử, Sung dựa vào đó chuẩn bị lập hồ sơ
sự vụ trình lên Hán Vũ đế. Lúc này Lưu Cứ cực kỳ kinh sợ, mà thấy Vũ Đế vẫn còn
ở Cam Tuyền cung, không cho triệu thì không vào được, không cách nào đến trước
mặt Hoàng đế mà chứng minh sự trong sạch của mình bèn hỏi Thiếu phó Thạch Đức,
Đức vì cảm thấy mình sẽ vì quan hệ với Thái tử mà cùng bị xử tử, bèn nói:
- Trước đó cũng vì chuyện này, cha con
Thừa tướng, hai vị Công chúa cùng nhà họ Vệ đều bị giết hại. Nay tuy lời vu cáo
là giả, nhưng tìm được chứng cứ là thực, không dễ cho chúng ta phủi sạch tội.
Nay chỉ có thể giả xưng Chiếu lệnh, dùng Phù tiết đem đám người Giang Sung giam
vào, tấu lên nói rằng bọn họ âm mưu hãm hại mà xin điều tra rõ ràng. Hiện tại
Hoàng đế nghỉ ở Cam Tuyền cung, mà ngài cùng Hoàng hậu đến xin đều không thể
vào. Sinh mệnh Thiên tử ra sao nào ai biết, mà gian thần lại làm chuyện này,
ngài chớ quên sự việc của Phù Tô triều Tần!
Mấy ngày sau, Thái tử Lưu Cứ sai người giả
lệnh của Vũ đế đến chỗ của Giang Sung, ra lệnh bắt ông ta. Trợ thủ của Sung là
Hàn Thuyết nghi ngờ sứ giả và không nhận chiếu, liền bị người của Lưu Cứ giết
chết tại chỗ. Vì quyền lực của Thái tử có hạn không thể điều động quá nhiều
ngựa xe, Lưu Cứ liền sai một môn hạ đem Phù tiết chạy đến Trường Thu môn trong
Vị Ương cung, diện kiến Vệ Hoàng hậu, báo cáo hết thảy sự tình và xin trợ giúp.
Vệ Hoàng hậu biết được, lập tức điều động ngựa xe của riêng Trung cung, xuất
kho vũ khí, lại điều động đội Hộ vệ của Trường Lạc cung, phát cáo Giang Sung
mưu phản. Thái tử Lưu Cứ tự tay mình giết Giang Sung, có vài quan lại chạy được
đến Cam Tuyền cung diện kiến Vũ Đế, tố Thái tử hành sử khác thường. Vũ Đế nghe
ra cũng hiểu chuyện, chưa vội động binh mà chỉ nói:
- Thái tử hẳn là rất sợ hãi, nó đối với
đám người Giang Sung sớm đã có thù oán, cho nên mới xảy ra chuyện này đây !
Sau đó, đế sai sứ giả đến Trường An, triệu
kiến Thái tử. Nhưng bấy giờ Trường An đã loạn, thằng sứ giả ... nhát chết chưa
dám vào thành, đành quay về liều mạng nói dối rằng:
- Thái tử muốn phản, muốn giết luôn thần,
thần mới chạy. Hán Vũ Đế tin Thái tử phản, đại nộ.
Tả Thừa tướng Lưu Khuất Li là cháu của Hán
Vũ đế nhưng lại về phe họ Lý phu nhân – Lý Quảng Lợi nên đã có thù riêng với
Thái tử. Thế là sau khi trừ Giang Sung, Lưu Cứ kéo binh sang nhà Khuất Li để
“nói chuyện phải quấy”, Khuất Li phải bỏ lại quan ấn mà chạy. Ở Cam Tuyền cung,
Vũ Đế biết Li bỏ chạy thì tức giận, mắng Khuất Li không có phong độ như Chu
Công, bèn thảo chiếu trung dụng binh mã Trường An mà ban cho Khuất Li, lại đích
thân rời khỏi Cam Tuyền cung để đi đến Kiến Chương cung thuộc phía Tây thành
Trường An, dẫn đầu khống chế binh quyền, ban bố chiếu thư điều động quân đội
phụ cận. Trong vòng 5 ngày, hai bên giằng co quyết liệt, chết cả chục ngàn
người, máu theo mương chảy nhuộm cả một góc thành. Về sau, dân gian nói Thái tử
mưu phản, không ai chịu theo Thái tử nữa, quân của Khuất Li càng được gia tăng.
Đến giữa tháng 7, binh bại như núi đổ, thái tử dẫn tàn binh ra khỏi thành chạy
trốn, đến tháng 8 thì bị quan quân vây chặt, Lưu Cứ tự sát, không chịu để bị
bắt, hai con trai Lưu Cứ cũng chết theo. Sau đó, Hoàng hậu Vệ Tử Phu bị Vũ Đế
ra chỉ thu hồi Tỷ thụ Hoàng hậu, thẹn mà tự sát. Các thê thiếp và những con
trai khác của Lưu Cứ cũng đều bị bỏ ngục.
Sau án Vu Cổ lần hai này họ Vệ bị tiệt
nòi, Lý phu nhân – Lý Nghiên được ân sủng, dù cho không được lập Hoàng hậu
nhưng địa vị của bà đã như là Hoàng hậu. Tướng quân Lý Quảng Lợi, em bà và phe
cánh dược trọng dụng. Năm 101 TCN Lý phu nhân có bệnh nặng trong người, từ khi
đổ bệnh, bà lấy khăn che mặt, Hán Vũ đế đến thăm cũng không nhìn được mặt. sau,
bệnh tình nặng thêm, bà nằm luôn trong phòng riêng, từ chối không gặp bất cứ
ai, kể cả Hoàng Đế. Có người hầu cận thấy rằng bà khó bề qua khỏi, bèn xui bà
tranh thủ lúc còn khỏe mạnh thì trăng trối lại với Hán Vũ Đế, nhờ cất nhắc cho
họ hàng, bà trả lời:
- Đàn bà là kẻ chỉ hay lấy nhan sắc thờ
chồng. Nhan sắc kém, tình duyên sẽ phai nhạt. Nhà vua quyến luyến ta chỉ vì
nhan sắc xinh đẹp lúc khỏe mạnh. Nay ta đau, nhan sắc suy kém, so với thiên hạ,
ta là kẻ xấu hơn. Nhìn mặt ta, nhà vua sẽ chán, thì nào đâu còn tưởng nhớ đến
ta mà ban ân huệ cho anh em ta nữa.
Nhiêu đó thôi cũng đủ thấy rằng Lý phu
nhân là người hiểu mình, hiểu chồng và thức thời như thế nào. Lý phu nhân là
người duy nhất được Hán Vũ đế sủng ái mà đến cuối đời vẫn không bị mắc tội
nghiệt nào (tại chết sớm quá, đỡ mắc tội). Chỉ mười năm sau, bè đảng Lưu Khuất
Li và Lý Quảng Lợi bắt đầu bị … nghiệp quật: Người trông coi lăng miếu của Hán
Cao Tổ tên là Điền Thiên Thu một hôm nọ bỗng dâng tấu giải oan cho Thái tử,
trong có đoạn viết: "Làm con mà tự tiện điều động quân lính của cha, tội
này ứng chịu quất roi. Con của Thiên tử bị kẻ khác ngộ sát, thế là tội gì? - Có
một ông lão đầu bạc báo mộng cho thần, khuyên thần dâng sớ như vậy. Hán Vũ Đế
bỗng nhiên tỉnh ngộ, triệu kiến Điền Thiên Thu, nói: "Chuyện giữa cha con
ta, người khác khó có thể nói xen vào, chỉ có ngươi biết huyền cơ. Đây là Cao Tổ
Hoàng đế hiện linh phái ngài tới chỉ giáo ta, ngài hẳn nên đảm nhiệm làm Phụ tá
Đại thần cho ta!".
Liền đó bèn phong Điền Thiên Thu được làm
Đại hồng lư, aka quan chủ tế. Rồi Hán Vũ Đế phái Thiên Thu điều tra lại vụ án
Vu cổ trước kia. Thế là lòi ra toàn bộ sự vụ. Lúc đó, Giang Sung đã xanh cỏ,
Hán Vũ Đế vẫn đem toàn bộ 3 họ nhà Giang Sung đi chém đầu. Lại làm giống như
Thái tử thiêu chết Hồ Vu sư, đem thiêu chết Tô Văn ở trên cầu Hoàng Kiều. Công
lao bình định Thái tử là Mãng Thông, nay bị đem xử tử; đem những kẻ từng dùng
binh khí áp chế Thái tử ở nơi trú ẩn khi xưa đều bị điều đi phía Bắc, sau cũng
cho chém chết toàn tộc (???). Những người vì vây bắt Thái tử mà được phong Hầu
gồm Đỗ hầu Thương Khâu Thành, Đề hầu Trương Phú Xương cùng Hàn hầu Lý Thọ đều
phân biệt bị bức tự sát, bị kẻ cướp giết và bị Hán Vũ Đế xử tử. Cuối cùng còn
lại “kẻ nhiệt tình nhất” là Lưu Khuất Li thì “vô tình” lại bị khám phá ra là
dựng đàn cầu đảo, cùng với Lý Diên Niên cầu trời cao cho Hán Vũ Đế … mau chết
để cháu ông ta là Lưu Bác (con Lý phu nhân) lên ngôi. Thế nên tới lượt họ Lý bị
tru diệt, trong đó có cả thân nhân của Lý Quảng Lợi, lúc bấy giờ đang chinh
phạt Hung Nô. Sự cố này làm cho Lợi bại binh, phải đầu hàng và về sau chết luôn
ở Hung Nô.
Sau Án Vu cổ, Hán Vũ Đế lập con trai út
Lưu Phất Lăng làm Thái tử, đồng thời bắt mẹ của Phất Lăng là Câu Dặc phu nhân
Triệu thị phải chết, vì lo sợ Phất Lăng còn nhỏ thì bà ta sẽ thành Thái hậu,
vượt quá bổn phận. Vũ Đế có ý định giao con trai cho Hoắc Quang sau khi mình
qua đời. Năm 87 TCN, tháng hai, Hán Vũ Đế lâm bệnh nặng. Trước lúc chết, ông hạ
chiếu phó thác việc nước cho các trọng thần: Hoắc Quang làm Đại tư mã, Đại
tướng quân Kim Nhật Đê làm Xa Kị tướng quân, thái phó Thượng Quan Kiệt làm Tả
tướng quân, đô úy Tang Hoằng Dương làm Ngự sử đại phu. Ngày hôm sau, Hán Vũ Đế
qua đời ở Ngũ Tạc cung, hưởng thọ 70 tuổi, ông là vị quân vương ở ngôi lâu nhất
(56 năm) và thọ nhất nhà Tây Hán. Vũ Đế băng, Thái tử Lưu Phất Lăng lên ngôi,
tức là Hán Chiêu Đế. Tân đế mới tuổi còn nhỏ, được Đại Tư Mã Hoắc Quang giúp
sức, tiếp tục sự phồn thịnh của nhà Tây Hán.
*
TÁC
GIẢ (đang cập nhật)
Địa chỉ: (đang cập nhật)
Email: (đang cập nhật)
Điện thoại: (đang cập nhật)
- TRẦN CHÍ CƯỜNG giới
thiệu -
- Cập nhật từ email:
tranchicuong27@yahoo.com.vn ngày 11.10.2020.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang
Đặng Xuân Xuyến.
.
0 comments:
Đăng nhận xét