TRẦN TIẾN - NGƯỜI KỂ CHUYỆN ĐỜI
BẰNG ÂM NHẠC
*
1. Thời còn đang lái
xe đi làm mỗi ngày, hai album nhạc mà tôi nghe đi nghe lại để đủ bình tâm vượt
qua những cơn tắc đường điên loạn của thành phố, là “Một mình” của Thanh Tùng và “Tự họa – Chuyện phố bên sông” của Trần Tiến. (Tác giả Lê Hồng Lâm)
Tôi
mê nhất Trần Tiến là giọng nói của ông. Một giọng nói trầm đầy nội lực, một
giọng nói được cất lên từ nội tâm của ông. Nếu mỗi người có một con linh thú,
tôi nghĩ Trần Tiến hẳn phải là một con sư tử, từ dung mạo của gương mặt đến
giọng nói của ông. Thế cho nên mặc dù không thích nghe những lời dẫn chuyện hay
giải thích về nguồn gốc của bài hát (như Trần Tiến nói đại ý trong bộ phim tài
liệu Mùi cỏ úa, tôi nhớ không nguyên văn nhưng đại loại là kẻ nào ngồi kể lể về
bài hát tức là bài hát đó không hay rồi), tôi vẫn thích nghe đi nghe lại giọng
ông dẫn chuyện trước một bài hát rồi sau đó đưa ta thẳng vào thế giới âm nhạc
của ông, như đoạn dẫn trong bài mở đầu album chẳng hạn:
“Ba mươi năm du ca, một lần trở về thăm phố
cũ, tôi thấy mình cần tạm dừng bước lãng du, để thực hiện một số đĩa nhạc, dẫu
đã muộn cũng ghi lại đôi nét ký họa về những con đường đã đi qua, những người
đã gặp và đã đi chung cuộc hành trình qua cõi đời ngắn ngủi này. Đó là lời tạ
lỗi của tôi với những gì cuộc đời đã cho”.
Trần
Tiến là một nghệ sĩ/nhạc sĩ hiếm hoi mà ông làm cái gì tôi cũng thấy hay. Hẳn
ông phải được trời ban tặng cho quá nhiều tài năng, từ sáng tác nhạc, hát, nói
chuyện và cả viết nữa. Thường mỗi người được cái này thì thiếu cái kia. Viết
hay thì mồm dễ ngậm hột thị. Nói hay thì viết dễ thành sáo ngữ. Nhưng tôi có
cảm giác bất cứ cái gì được phát ra từ Trần Tiến cũng dễ dàng và hay ho như một
ảo thuật gia chơi đùa với con chữ của mình. Hay cũng có thể, ông là người nghệ
sĩ hiếm hoi đắm mình trong dòng chảy của thời cuộc, của thế sự, của thân phận
con người để chắt lọc nên những con chữ đẹp đẽ đến vậy.
Cách
đây vài năm, tôi nhớ mãi một bài viết của Trần Tiến đưa tiễn những người bạn
lớn âm nhạc của mình đột ngột dắt nhau sang một thế giới khác. Đó là một bài
viết quá đẹp, ông dùng từ tiếng Việt rất trong sáng, rất thuần Việt. Nhưng hơn
tất cả, đó là tấm lòng của ông dành cho những đàn anh của thế hệ trước, đồng
thời cũng là lời nhắn gửi cho thế hệ của mình, thế hệ con cháu sau này.
Trong
bài viết có cái tựa không thể đẹp hơn “Các anh đi rồi, ly trà đã nguội”, tôi
nhớ mãi những dòng chữ ông viết như sau:
“Thời của các anh thật đẹp, như giai điệu các
anh để lại cho người Việt. Thử khép mắt hiện tại, để nhớ lại những ngày xưa,
nơi các anh đã đến – những làng quê chân chất. Các anh đã sống, đã lót con
đường âm nhạc bằng những viên đá trinh trắng lòng mình, để các em bước tới
những năm sau đó. Những năm sau đó cũng chẳng hơn gì, nhưng vẫn là những năm
sau đó, các em đỡ khổ hơn, dù cô đơn hơn. Bạn đồng nghiệp chưa được bay theo
chuyến các anh, đang sống lay lắt với nỗi cô đơn không thể vượt qua. Theo dõi
trên mạng, biết tin các anh, mà ứa nước mắt, chẳng biết làm gì.
(…)
Làm nhạc sĩ, trời cho chữ phúc, có mấy người.
Ai cũng mơ về trời, được bay nhẹ nhàng tựa lông hồng. Tài sản duy nhất là tiếng
chim thiêng để lại, dẫu đôi khi hót lời mệnh bạc. Các anh thật có phúc nên mới
đi nhanh và thanh thản thế. Chỉ buồn vì không kịp chào tiễn biệt: ‘chiều hoang
vắng chiếc xe tang đi thật vội vàng...
(…)
Thế giới này thay đổi quá nhanh, như cao bồi
không rút súng nhanh, là chết. Bài hát hay còn bay đi, nhanh hơn cả đạn. Người
nhạc sỹ đâu cần học bắn, chỉ cần học cách yêu thương và lòng nhân hậu.
Các anh đi rồi, ly trà đã nguội. Nhưng những
khúc ca hay và nhân hậu thì còn ấm mãi và bất tử.
Dẫu thế giới này, có thay đổi nhanh đến đâu”.
2. Tối qua tôi vừa
xem bộ phim tài liệu về Trần Tiến có tên là Màu cỏ úa của một nữ đạo diễn kiêm
ca sĩ có giọng hát rất đẹp thuộc thế hệ 9X.
Trần
Tiến là một chân dung âm nhạc quá đặc sắc rồi, ông có một “character” không thể
trộn lẫn trong âm nhạc, một “storyteller” kể chuyện đời bằng âm nhạc khó có
người thay thế. Tự thân ông đã là một câu chuyện quá hay rồi.
Bộ
phim tài liệu Màu cỏ úa của nữ đạo diễn trẻ Lan Nguyên vì vậy không quá dụng
công cũng không thấy được nhiều chất điện ảnh nổi trội, nhưng người xem vẫn bị
cuốn theo con người âm nhạc của Trần Tiến ở ngoài đời.
Điều
đặc biệt nhất ở bộ phim này có lẽ là tình yêu quá lớn của nữ đạo diễn dành cho
người nhạc sĩ tuổi cha chú, như cách cô đặt những câu hỏi rụt rè hoặc yêu cầu
ông làm những điều như những fan cuồng dành cho thần tượng chứ không phải của
một đạo diễn đang kể câu chuyện nhân vật của mình bằng ngôn ngữ điện ảnh. Có lẽ
vì thế mà nó đáng yêu, đáng mến, có lẽ vì thế mà góc máy của cô cứ lặng lẽ bám
theo sau người nhạc sĩ tài hoa này, lặng lẽ để nhân vật tự vẽ nên câu chuyện
của riêng mình mà không cần phải sắp đặt, phải dàn dựng, hay phải kỳ công phác
họa nên một bức chân dung âm nhạc. Có lẽ vì thế mà những footage âm nhạc cô đưa
vào phim có chất lượng khá tệ của một thời quay phim bằng băng video và lưu trữ
tệ hại, vẫn thấy xúc động như ký ức của những năm giao thời của thập niên 90
tràn về.
Trong
bộ phim này, những cảnh phim đen trắng tôi thích nhất là những hình ảnh Trần
Tiến với bạn bè của mình. Cách ông say sưa ca hát với với người bạn nhạc sĩ
cùng thế hệ như Nguyễn Cường hay thế hệ sau như Lê Minh Sơn, Tấn Minh ở một
quán bia hơi vỉa hè ở Hà Nội thật đáng yêu và đúng chất của nghệ sĩ Hà Nội.
Cách ông tổ chức một đêm nhạc kỷ niệm 50 năm sáng tác giản dị nhất có thể ở một
nơi nào đó trên vùng cao khiến ta thấy âm nhạc của ông không phân biệt sang hèn
và bất cứ ai cũng hát được. Cách ông ngồi trong một quán ăn hướng dẫn cho một
cậu bé Việt kiều nhí đang thi The Voice Kids hát đúng tinh thần của bài hát
hơn, dù cậu bé ấy sở hữu một giọng hát rất đẹp và truyền cảm khiến ta thấy được
sự chuyển giao thế hệ ấm áp mà chân tình.
Âm
nhạc của Trần Tiến luôn vang lên ở những nơi như thế, rất đời rất gần gũi và
tránh xa mọi kinh viện, hàn lâm của nhà hát. Âm nhạc của ông là những tiếng hát
được cất lên từ đời sống, từ những chuyến du ca khắp nơi chốn Việt Nam, từ
những dấu ấn Hà Nội không thể nào quên (Hà
Nội cái gì cũng buồn/Buồn thương đến thế mùa thu ơi/Hà Nội cái gì cũng vui / Rủ
nhau ra phố bia hơi vỉa hè), từ quê hương có dáng mẹ hiền (Quê nhà tôi ơi, xứ Đoài xa vắng / Khói chiều
mênh mông, sông Đà buông nắng/Nhớ thương làng quê, luỹ tre bờ đê / Ước mơ trở
về nghe mẹ hiền ru bên thềm đá cũ), từ những mảnh đời chịu nhiều thiệt thòi
nhưng vẫn tràn ngập sự lạc quan (Anh
thương binh vẫn đến trường làng, vẫn ôm đàn dạy hát em thơ bài hát quê hương),
từ những ký ức tươi đẹp đã biến mất vĩnh viễn theo mùa chim én bay (Một ngày tiếng súng ngừng, một người lính
trở về/Tìm người con gái trong mùa chim én bay/Bầu trời chim én liệng, ngoài
vườn hoa tím nở/Mà người con gái đã về trên núi cao)…
Và
đặc biệt là thích cách ông kể chuyện đời vừa duyên dáng vừa đậm chất triết lý.
Đó là triết lý của kẻ đã sống, đã trải qua bao thăng trầm của đời sống, của kẻ
đã chịu nhiều mất mát, cô đơn (như cách ông nói, "con người không trưởng thành qua bom đạn, qua chiến tranh, mà họ lớn
lên trong nỗi cô đơn của chính mình"). Cách ông nhẹ nhàng cùng một
chút giễu nhại khi kể lại lần lượt những bài hát bị cấm đoán, bị kiểm duyệt của
mình. Chỉ có một người có tâm thế nhẹ nhàng vị tha và đã được kết tinh từ một
thứ triết lý sống trung dung với đời, mới nhìn lại những bức bối của thời cuộc,
những ấu trĩ của quá khứ với một cái nhìn hài hước, hóm hỉnh và đáng yêu đến
thế.
Bộ
phim cứ thế dẫn dắt ta đi trong những tiếng cười hồn hậu và những giọt nước mắt
chân tình.
Và
điều đọng lại cuối cùng là giọng hát thật đẹp của nữ đạo diễn Lan Nguyên cất
lên trên nền của những dòng generic và những bức ký họa chân dung lần lượt trôi
qua.
“Em như chim bay xa, giữa đồng xanh quê hương
bao la.”
Phải
là một người yêu âm nhạc Trần Tiến lắm, mới làm được một bộ phim tài liệu chân
dung ít dụng công mà lại đúng tinh thần của ông đến thế.
*.
LÊ HỒNG LÂM
Địa chỉ: Quận Bình
Thạnh,
thành
phố Hồ Chí Minh.
........................................................................................
-
Cập nhật từ email: phamchienthang1980@yahoo.com.vn ngày 16.03.2021.
-
Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
-
Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại..
.
0 comments:
Đăng nhận xét