‘HAY LÀ CHÚNG TA LÀM LẠI TỪ ĐẦU?’ - Tác giả: Lê Hồng Lâm (Nghệ An)

1 comment

 

‘HAY LÀ CHÚNG TA LÀM LẠI TỪ ĐẦU?’

*

(Tác giả Lê Hồng Lâm)

Hình như ngày 1/4 năm nào tôi cũng có một chút trạng thái lơ lửng và mộng mị như thế này?

8 năm trước, nhân kỷ niệm 10 năm ngày mất của Trương Quốc Vinh, viết bài tưởng niệm này. Chỉ để bày tỏ sự tán thưởng và tiếc nuối. Cố tìm ra lời giải đáp, mà bất lực.

 

https://www.facebook.com/photo?fbid=10219913474532671&set=a.1093304178247

"Tôi nghe nói có một loài chim không có chân. Chúng cứ bay, bay mãi. Khi mệt, chúng ngủ trong gió và chỉ dừng lại một lần duy nhất trong đời. Đó cũng là lần chúng từ biệt cuộc sống" (Yuddy - Days of Being Wild).

Tưởng niệm 10 năm ngày mất của 1 trong những ngôi sao lớn nhất không chỉ của điện ảnh Hongkong mà còn của thế giới. Vụ tự sát từ tầng 24 ở khách sạn Mandarin HK ngày 1.4.2003 khiến hàng triệu fan của anh mong ước chỉ là lời nói dối trong ngày Cá tháng Tư, tiếc thay nó là sự thật.

Với âm nhạc, Trương Quốc Vinh là một biểu tượng sáng chói của Cantopop với hàng chục album. CNN bình chọn anh đứng thứ 3 trong 5 biểu tượng âm nhạc toàn cầu, chỉ sau Michael Jackson và The Beatles, đứng trước cả Elvis Presley. Bản thân anh cũng được coi là Elvis Presley của châu Á và khởi nghiệp (1977) đúng vào năm Elvis mất. Trương Quốc Vinh là ngôi sao nước ngoài được yêu thích nhất tại Nhật Bản và Hàn Quốc, nơi anh thực hiện hàng chục buổi hòa nhạc khi còn sống.

Với điện ảnh, với hơn 60 bộ phim trong khoảng 25 năm đóng phim, Trương Quốc Vinh là một trong vài tên tuổi lớn nhất của điện ảnh Hoa ngữ. Anh có 5 bộ phim nằm trong top 10 của 100 bộ phim Hoa ngữ xuất sắc nhất thế kỷ 20. Trong đó, xếp hạng 1 là Bá Vương Biệt Cơ (Farewell My Concubine), 2-A Phi Chính Truyện (Days of Being Wild), 3- Anh Hùng Bản Sắc (A Better Tomorrow), 5-Xuân Quang Dạ Tiết (Happy Together), 6-Yên Chi Khâu (Rouge)...

Với mình, Trương Quốc Vinh và Lương Triều Vỹ là hai thần tượng điện ảnh Hoa ngữ, tài năng nổi bật nhất và cũng là báu vật diễn tả nội tâm, chính là hai đôi mắt buồn u uẩn trong những bộ phim lãng mạn sầu muộn và duy tình nổi bật của điện ảnh Hongkong thập niên 80, 90 của thế kỷ trước.

Trương Quốc Vinh đóng nhiều thể loại khác nhau, và thể loại nào cũng có thành tựu. Hành động nổi bật nhất có 2 tập đầu của A Better Tomorrow hay Once a Thief của Ngô Vũ Sâm; Kinh dị pha hài có 2 tập đầu Chinese Ghost Story (Thiện Nữ U Hồn); Kiếm hiệp có Ashes of Time (Đông Tà Tây Độc) hay The Bride with the White Hair (Bạch Phát Ma Nữ Truyện) và khá nhiều phim hài, lãng mạn ăn khách…

Nhưng sự nghiệp điện ảnh của Trương Quốc Vinh nếu chọn những vai diễn biểu tượng, vận vào cuộc đời của anh thì có 3 bộ phim, ba vai diễn, ba nhân vật mà đôi lúc không phân biệt được đâu là đời, đâu là phim. Đó đều là ba kẻ thất lạc cõi người, suốt đời đi tìm bản lai diện mục, suốt đời cô độc như cánh chim trong gió. Đó là một Yuddy, gã trai phong lưu bạc tình chỉ để che giấu sự tổn thương bên trong không gì hàn gắn được trong A Phi Chính Truyện. Đó là một Trình Điệp Y (Bá Vương Biệt Cơ), một nghệ sĩ tự kỷ ám thị, không thoát khỏi được cái bóng quá lớn của vai diễn, rời khỏi sân khấu là sống một cuộc đời vay mượn, yếu đuối và đơn phương trong một mối tình câm lặng, đành chọn cái chết “kép” trên sân khấu để giải thoát chính mình.

Và còn một Hà Bảo Vinh (Happy Together) kẻ bất cần và nổi loạn, không có khả năng tự cân bằng và luôn hủy hoại bản thân nên để vuột mất tình yêu. Chỉ đến khi rã rời, trở về căn phòng cũ, người tình đã ra đi mãi mãi, đành ôm gối mà khóc sầu…

Trương Quốc Vinh và Lương Triều Vỹ là hai nghệ sĩ lớn, lớn nhất của điện ảnh Hoa ngữ trong thế kỷ 20 và chắc khó để tìm được hai gương mặt như thế trong hàng thập kỷ tới. Hai người đều giỏi diễn những vai diễn tâm trạng nhưng họ là hai kẻ khác nhau. Lương Triều Vỹ buồn, nhưng đó là cái buồn của một gã đàn ông luôn biết giấu mình, luôn biết tự cân bằng, và khi không thể giữ được nỗi buồn được nữa sẽ tìm đến một thánh tích ngàn năm tuổi, trút lòng mình vào một cái lỗ nhỏ (Châu Mộ Vân trong In the Mood for Love), còn Trương Quốc Vinh thì hình như là kẻ không phân thân được giữa cuộc đời và sàn diễn như Trình Điệp Y, luôn có xu hướng tự hủy hoại như Hà Bảo Vinh hay bay mãi, bay mãi như cánh chim cô độc trong gió như Yuddy, chỉ dừng lại một lần trong đời để giã từ cõi tạm”

 

5 năm trước , tôi lại đi tìm lời đáp một lần nữa, lần này là “Thất lạc cõi người”, mượn nhan đề cuốn tiểu thuyết của nhà văn Nhật Bản Dazai Osamu, cũng là một kẻ năm lần bảy lượt tự sát, mới toại nguyện, kết hợp với truyện ngắn “Cơ quan độc lập” của Haruki Murakami, cố tìm cách lý giải, nhưng cũng đành bất lực.

 

https://www.facebook.com/photo?fbid=10206287612814644&set=a.2935736477903

“THẤT LẠC CÕI NGƯỜI

Có những người sinh ra để tận hưởng niềm vui cuộc sống. Cuộc đời của họ là một chuỗi hoan ca. Lại có những người sinh ra dưới một ngôi sao chiếu mệnh xấu, cả cuộc đời của họ là một hành trình vô vọng đi tìm bản lai diện mục, đi tìm câu hỏi "tôi là ai, tôi đến thế giới này tìm điều gì?". Và khi họ tuyệt vọng không tìm ra câu trả lời, họ có xu hướng tự diệt, tự hủy hoại bản thân.

Trong truyện ngắn "Cơ quan độc lập" của Haruki Murakami có nhân vật anh bác sĩ thật hay. Anh bước vào tuổi trung niên, có một cuộc sống viên mãn không đòi hỏi gì hơn với một gia tài thừa kế, một bệnh viện thẩm mỹ do anh làm chủ và những cuộc hò hẹn với những người đàn bà đã có chồng hoặc người yêu. Anh không có nhu cầu kết hôn và hoàn toàn hạnh phúc với cuộc sống độc thân cùng hàng tá cuộc tình kiểu friends with benefits như thế.

Nhưng ai dám bảo cuộc đời luôn toàn vẹn? Ai dám nói cuộc đời ta hoàn toàn do ta xếp đặt? Ai dám chắc các bộ phận trong cơ thể ta không nổi loạn và sai lầm. Khi anh bác sĩ trung niên lần đầu tiên vướng vào tình yêu với một người phụ nữ đã có chồng và sau đó bị cô ta chơi một vố đau đớn, nói một cách sến sẩm, trái tim anh ta hoàn toàn tan nát. Và anh ta nhận ra mình thất lạc ở cõi đời này. Anh ta không còn tìm ra mục đích sống nữa. Từ một bác sĩ trung niên khỏe mạnh với lối sống cực kỳ khoa học, chỉ trong hai tháng ngắn ngủi, anh ta buông cho cuộc sống của mình rơi tự do hoàn toàn. Anh ta từ chối ăn, từ chối tất cả niềm vui sống của mình trước đây và đưa cơ thể của mình về trạng thái 0. Và chỉ trong hai tháng, từ một người đàn ông 70 kg anh ta chỉ còn 35 kg, với đôi mắt trong veo không tiết lộ một điều gì. Không đau đớn, không sầu thảm, hoặc giả anh ta đã giấu tất cả trong đôi mắt ấy, anh ta từ giã cõi đời.

Có những kẻ như vậy đấy. Luôn thấy mình thất lạc trong cuộc sống này. Như Trương Quốc Vinh. Ta tự hỏi anh thiếu gì khi ở trên đỉnh vinh quang? Anh lo lắng điều gì để phải chiến đấu với bệnh trầm cảm? Không, anh chẳng thiếu gì cũng chẳng lo lắng gì. Có chăng là đến một lúc nào đó trong cuộc đời này, anh tự hỏi, ta đến với cuộc sống này để làm gì? Ta là ai trong cuộc đời này?

Một câu hỏi triết học thật đơn giản nhưng lắm kẻ không bao giờ trả lời nổi. Như anh bác sĩ trong Cơ quan độc lập của Murakami, như Trương Quốc Vinh và bao kẻ đang tự hủy diệt bản thân khác. Và bọn họ chọn cách để rời bỏ thế giới. Nhịn đói đến chết như anh bác sĩ kia, hoặc lao mình từ tầng thượng của một tòa building...

Những kẻ thất lạc cõi người luôn rời thế giới với một đôi mắt rất trong”

 

Năm nay tôi không tìm cách lý giải nữa. Có những cuộc đời, những số mệnh như thế, lý giải để làm gì?

Thay vào đó, cả tuần nay, tôi lần lượt xem lại những bộ phim của Trương Quốc Vinh. Ngày làm việc, tối bật máy chiếu lên, một mình, thưởng thức hết phim này đến phim khác. Có những phim chỉ xem lại trích đoạn, có những phim xem lại từ đầu đến cuối, đặc biệt là những bộ phim tình cảm sầu muộn, những chuyện tình khắc cốt ghi tâm, những vai diễn phóng đãng mà yếu đuối, bất cần mà đơn độc, lụy tình mà ngu si, đánh mất rồi mới tiếc nuối… Những vai diễn như gắn chặt vào cuộc đời và số mệnh của Trương Quốc Vinh.

Trương Quốc Vinh có một sự nghiệp điện ảnh lớn, đóng nhiều thể loại khác nhau, hợp tác với những tên tuổi tài năng và nổi tiếng nhất của điện ảnh Hoa ngữ, như Ngô Vũ Sâm, Vương Gia Vệ, Trần Khải Ca, Quan Cẩm Bằng, Trình Tiểu Đông… (đạo diễn); Lương Triều Vỹ, Lâm Thanh Hà, Trương Mạn Ngọc, Lưu Gia Linh, Vương Tổ Hiền, Trương Học Hữu, Lương Gia Huy, Dương Thái Ni… (diễn viên).

Tôi phải gạt bỏ nhiều bộ phim, để chọn ra 5 bộ phim tình bi, mà xem lại ở thời điểm này, vẫn thấy chúng quá đẹp, hoặc thấm thía, với một trải nghiệm và một nhãn quan mới.

Vinh đặc biệt hợp với những vai phóng đãng và lụy tình, những kẻ tham ái và dục lạc, những kẻ không phân biệt được đâu là đời, đâu là sân khấu, nhập nhằng mãi lộng giả thành chân, tìm trăng nơi đáy giếng.

Đức Phật nói, tham ái và dục lạc là nguồn gốc của khổ đau. Có phải vì vậy mà những vai diễn của Vinh trong các bộ phim tình chưa bao giờ có một kết thúc trọn vẹn. Anh ta mải miết đi tìm, mải miết thỏa mãn dục vọng cá nhân, nhưng đứng trước những thử thách của bản thân hay biến cố lớn của thời cuộc thì chọn cách quay lưng hoặc buông tay, trở thành một kẻ yếu nhược hoặc đớn hèn, để rồi vết thương lòng ấy mãi mãi không bao giờ khép miệng. Cả cuộc đời giờ đây chỉ còn những chuỗi ngày nuối tiếc.

Hay số mệnh của anh trên màn ảnh là “The bird without legs” – Cánh chim không chân, hình tượng gắn chặt với cuộc đời của Vinh trên màn ảnh.

"Tôi đã nghe về một loài chim không chân… Loài chim không chân cứ bay mãi, bay mãi trên bầu trời, và tựa vào cơn gió mỗi khi thấm mệt. Loài chim ấy chỉ đáp xuống một lần trong đời nó… Đó là khi chết đi"

5 bộ phim dưới đây, tôi đã xem nhiều lần. Và trong hai buổi tối vừa qua, tôi đã xem lại trọn vẹn. Không phải để lý giải một điều gì cả, chỉ là bày tỏ lòng tri ân của tôi với một người nghệ sĩ vĩ đại, tận hiến cả cuộc đời mình cho nghệ thuật, để đổi lại bằng một Cánh chim không chân.

 

YÊN CHI KHÂU (ROUGE)

– QUAN CẨM BẰNG, 1987

Tôi đã xem Yên Chi Khâu đã quá lâu để nhớ, nên giờ xem lại, cảm giác trọn vẹn vô cùng.

Quan Cẩm Bằng là một đạo diễn đồng tính của điện ảnh Hongkong. Ông không nổi tiếng quốc tế như Vương Gia Vệ hay Ngô Vũ Sâm, Hứa An Hoa…; nhưng ông có một vị trí đặc biệt của điện ảnh xứ Cảng Thơm. Phim của ông chủ yếu là phim lụy tình, như Yên Chi Khâu, Nguyễn Linh Ngọc hay Lan Yu…, với cái “sense” rất đặc biệt của một người đồng tính, mà trong đó những nhân vật của ông, thường là những kẻ tham ái, lụy tình, nhưng rồi “vấp phải đời phàm tục/chiếc thuyền tình vỡ tan” (hai câu thơ đề dẫn trong truyện ngắn Nguyễn Thị Lộ của Nguyễn Huy Thiệp).

Yên Chi Khâu, 1987, có lẽ là bộ phim đầu tiên trong những bộ phim lụy tình của Quan Cẩm Bằng, với diễn xuất tuyệt hảo của Trương Quốc Vinh và Mai Diễm Phương, hai kẻ tài hoa đã rời bỏ chúng ta mà đi.

Yên Chi Khâu dựa theo tiểu thuyết cùng tên của Lý Bích Hoa, một nhà văn nữ nổi tiếng hàng đầu của Hoa ngữ. Bà cũng là tác giả của tiểu thuyết Bá Vương Biệt Cơ, bộ phim vĩ đại mà 6 năm sau Trương Quốc Vinh trở thành bất tử. Cả hai vai diễn này có nhiều điểm chung, tôi sẽ nói sau.

Trong Yên Chi Khâu, Vinh thủ vai Thập nhị thiếu gia Trần Chấn Bang, con trai út trong một gia tộc giàu có. Gã ta có vẻ ngoài phong lưu, nho nhã, lại si tình. Muốn gì phải làm cho bằng được. Gã mê muội cô kỹ nữ Như Hoa (Mai Diễm Phương), không chỉ vì nhan sắc, mà còn giọng hát chạm vào đáy lòng. Gã tìm mọi cách chinh phục Như Hoa, nhưng bị cô kỹ nữ phớt lờ. Tất nhiên với một kẻ phong lưu như gã, càng khó gã càng chinh phục cho bằng được. Gã tổ chức hẳn một đêm hội lớn, cho nổ pháo và rước kiệu hoa, rồi ngồi vắt vẻo trên tầng lầu nhìn xuống, hỏi sao Như Hoa không động lòng?

Bọn họ cuốn vào mối tình say đắm, chìm trong men tình và thuốc phiện. Một trong những set decoration đẹp nhất của phim này là hình ảnh Như Hoa nằm trong lòng Chấn Bang trong căn phòng sặc mùi nhục cảm, chuyền cho nhau ống hút thuốc phiện, thổi khói mơ màng, bên cạnh bình hoa thược dược đang khoe sắc rực rỡ như thanh xuân của bọn họ.

Nhưng mối tình của bọn họ không vượt qua được vòng lễ giáo khắc nghiệt của gia đình của Chấn Bang. Bố mẹ gã đến Ỷ Hồng Lầu, kịch liệt phản đối và xúc phạm Như Hoa, bắt gã từ bỏ để trở về với một cuộc hôn nhân môn đăng hộ đối đã được sắp đặt sẵn.

Gã phong lưu đa tình ấy, phút chốc trở thành kẻ yếu hèn.

Không dám phản đối mẹ cha, cũng không biết làm gì với cuộc tình mê đắm của mình, bọn họ quyết định tự tử đôi. Cả hai chọn ngày giờ để uống thuốc độc tự tử, hẹn với nhau chỉ cần nhìn thấy dãy số 3318 là sẽ nhận ra nhau ở thế giới bên kia.

Hơn 53 năm sau, Như Hoa trở lại cõi trần, hồn ma vất vưởng của nàng vẫn đi tìm hình bóng năm xưa. Nàng vẫn trang điểm đẹp như kỹ nữ, trên cổ có đeo chiếc dây chuyền gắn hộp son mà Chấn Bang tặng. Mọi thứ đã đổi thay, không còn dấu vết của năm xưa nữa, nhưng nàng vẫn tin mình tìm thấy. Như Hoa lạc vào một tòa soạn báo Hongkong thời hiện đại, nhờ đăng mẩu tin quảng cáo tìm người “3811” nhưng bóng dáng của Trần Chấn Bang chẳng thấy đâu.

Sau bao ngày phiêu lưu trên cõi trần như thế, cuối cùng Như Hoa phát hiện ra một sự thật đau lòng. Thì ra năm xưa, trong cuộc tự tử đôi ấy, chỉ có nàng chết, còn gã Trần Chấn Bang phóng đãng mà đớn hèn ấy may mắn sống sót vì đã nôn tất cả đống thuốc ngủ và thuốc phiện ra ngoài. Gã trở về, tiếp tục cuộc sống mà không có Như Hoa, cuốn vào ăn chơi trụy lạc, tán gia bại sản, cuối đời trở thành một kẻ sống vất vưởng trong đoàn làm phim, với những vai diễn quần chúng để kiếm tiền mua thuốc phiện.

Đoạn cuối khi Như Hoa gặp Chấn Bang, có lẽ là một trong những hình ảnh đau lòng nhất. Gã đàn ông phong lưu năm xưa, nay là một lão già bệ rạc đang hút thuốc phiện bên đường. Như Hoa bước tới gần, cất tiếng hát nhỏ. Lão già bệ rác như nhận ra điều gì đó đã phủ bóng thời gian. Như Hoa nói: “Thập nhị thiếu gia, cám ơn chàng vẫn còn nhớ tới em. Hộp son này em đã đeo suốt 53 năm rồi, bây giờ xin trả lại thiếu gia. Em không đợi nữa”.

Nói rồi nàng quay gót, lệ tuôn hai hàng. Lão già bệ rạc đuổi theo, cố cất tiếng gọi yếu ớt, nhưng Như Hoa đã tan biến trong luồng ánh sáng trắng mất rồi.

 

A PHI CHÍNH TRUYỆN (DAYS OF BEING WILD), 1990

Phim này thì quá kinh điển rồi, cả Hongkong và Đài Loan đều xếp nó vào 1 trong 10 tác phẩm kinh điển nhất của điện ảnh Hoa ngữ, nên tôi không nói nhiều nữa, chỉ điểm lại một vài nét chính về hình mẫu nhân vật “cánh chim không chân” như một biểu tượng của Trương Quốc Vinh.

A Phi Chính Truyện là bộ phim đầu tiên mà Vinh hợp tác với Vương Gia Vệ. Lão đạo diễn cổ quái ấy có công lớn phát hiện ra một Vinh khác, một vai diễn mà sau này người ta thường so sánh Vinh với James Dean của Rebel Without a Cause. Cả hai, đều là những gã trai mới lớn, sống những năm tháng hoang dại, với những trận “nổi loạn vô cớ”, thích tự hủy hoại bản thân mình hoặc không có khả năng đón nhận hạnh phúc. Cả hai, đều qua đời rất sớm khi sự nghiệp vẫn ở trên đỉnh cao và trở thành hai biểu tượng "thanh xuân bất tử" của phương Tây và phương Đông.

Húc Tử của Vinh trong A Phi Chính Truyện tiếp tục là một gã trai sành điệu, ăn chơi phóng đãng, tìm quên ngày tháng trong những cuộc tình thoáng qua, để lại những vết thương lòng cho những cô gái trẻ ngây thơ trong sáng như Tô Lệ Trân (Trương Mạn Ngọc) hoặc một cô gái nhảy bốc đồng như Mini (Lưu Gia Linh). Không cô gái nào giữ được chân của Húc Tử cả, bởi gã mang một nỗi mặc cảm lớn với mẹ mình, kẻ đã bỏ gã ra đi từ bé, hay bởi vì gã là một loài chim không chân?

Mạch tự sự dựa vào độc thoại và tâm lý của nhân vật, kết hợp với những góc máy phóng túng, bảng màu tâm trạng và âm nhạc day dứt… là những “trademark” của Vệ được ông ta khởi phát đi từ bộ phim này, sau trở thành một thương hiệu cá nhân không kẻ nào có thể bắt chước nổi.

 

BÁ VƯƠNG BIỆT CƠ (FAREWELL MY CONCUBINE)

– TRẦN KHẢI CA, 1993

Bá Vương Biệt Cơ, chắn chắn rồi, là kiệt tác để đời, và vai diễn vĩ đại nhất của Trương Quốc Vinh. Tác phẩm dựa theo tiểu thuyết của Lý Bích Hoa này là một “epic” về văn hóa Trung Hoa, nơi tinh hoa hội tụ, sân khấu và cuộc đời hòa quyện trong một bộ phim dài gần 3 tiếng đồng hồ quăng quật cảm xúc của chúng ta lên bờ xuống ruộng, để rồi nước mắt tuôn rơi lúc nào không hay.

Trương Quốc Vinh, tiếp tục thể hiện hình ảnh của một nhân vật vừa mong manh, yếu đuối, duy tình; nhưng đồng thời lại là một kẻ khắc kỷ và bảo thủ đến tận cùng. Trước binh biến thời cuộc, hết chiến tranh chống Nhật đến Cách mạng Văn hóa, Trình Điệp Y, gã nghệ sĩ Kinh kịch ấy trước sau một lòng, không bao giờ đổi thay như tấm lòng nàng Ngu Cơ dành cho Sở Vương trên sân khấu. Đến mức gã không biết đâu là ảo đâu là thực nữa, đâu là sân khấu đâu là cuộc đời nữa. Đó là nỗi đau lòng của kẻ không thoát vai. Đó là bi kịch lớn của kẻ tự kỷ ám thị, lộng giả thành chân, tìm trăng nơi đáy giếng, để rồi “vấp phải đời phàm tục, chiếc thuyền tình vỡ tan”.

Để rồi cuối cùng, trong màn trình diễn tái hợp cuối đời với Đoàn Tiểu Lâu trong vở Bá Vương Biệt Cơ, Trình Điệp Y đã rút gươm tự sát như nàng Ngu Cơ, mãi mãi được sống với giấc mơ của mình trên sân khấu.

Sau này, trong lá thư tiễn biệt nhói lòng của nhà văn Lý Bích Hoa, bà có kể lại một lần đối thoại với Vinh về vai diễn, anh chỉ ra ba lý do Trình Điệp Y chọn cái chết của Ngu Cơ để giải thoát cho mình như sau:

Thứ nhất vì tính cách cứng đầu, thế nên phải chết trước mặt Bá Vương. Thứ hai là Điệp Y muốn dùng cái chết để kết thúc câu chuyện gốc. Thứ ba, một thần tượng được hâm mộ không thể chấp nhận mình già úa đi.”

Cũng Lý Bích Hoa, trong lời tiễn biệt khóc kẻ đầu xanh ấy, đã viết rằng:

Cậu quá quả quyết. Không ai trên đời này còn được nhìn thấy mái tóc cậu bạc trắng. Còn tất cả mọi người sẽ già nua và xấu xí. Cậu giữ lại là một trong những người đáng yêu nhất. Một huyền thoại. Người có một vẻ đẹp u sầu và tình yêu sâu sắc, nhưng muốn tránh né vết sẹo thường niên.”

Ta còn biết nói gì đây?

 

ĐÔNG TÀ TÂY ĐỘC (ASHES OF TIME)

– VƯƠNG GIA VỆ, 1994

Bộ phim này, hồi xưa tôi xem không cảm được. Vì quá non nớt, vì chưa có những trải nghiệm tình trường và những tổn thương sâu sắc để cảm được cái triết lý tình yêu của nó.

Lại Vương Gia Vệ, lão đạo diễn cổ quái chỉ làm điều mình thích, bất chấp những khó khăn thách thức cho lối làm phim thỏa mãn cái tôi cá nhân xong rồi lỗ sml mà vẫn tiếp tục được làm phim.

Khoác một cái vỏ kiếm hiệp với các nhân vật lừng danh trong vũ trụ kiếm hiệp của Kim Dung, thực chất là một cách Vệ luận về tình yêu, triết lý về những thứ đã vĩnh viễn mất đi không bao giờ tìm lại được. “Ký ức” (nào cũng là dòng lệ rơi) – luôn là theme lớn nhất trong các bộ phim của Vương Gia Vệ, cho dù chúng thuộc thể loại gì đi nữa.

Vinh vào vai Âu Dương Phong, nhân vật xuyên suốt cả bộ phim, kẻ kể loại những câu chuyện ân oán giang hồ mà gã từng chứng kiến tại một quán trọ nằm trên sa mạc cát mênh mông. Những ngôi sao huyền thoại khác của Hongkong như Lương Triều Vỹ, Lâm Thanh Hà, Trương Mạn Ngọc, Lương Gia Huy, Trương Học Hữu, Dương Thái Ni mỗi người xuất hiện một phân đoạn, để kể câu chuyện ân oán giang hồ (và tình trường) của bọn họ.

Mở phim, Vệ dẫn một câu nói của Kinh Phật: “Kỳ vị động, phong dã vị xuy. Thị nhân đích tâm, tự kỷ tại động” (Cờ chẳng động, gió cũng chẳng lay, mọi sự là do lòng người lay động).

Âu Dương Phong, người Tây Vực, đến từ Bạch Đà Sơn, mở một quán trọ để giúp kẻ khác giải quyết những chuyện mà họ không làm được.

Ngày Kinh Trập (sâu nở) năm đó, gã gặp Hoàng Dược Sư, một kẻ rất cổ quái, đến chỗ của gã để uống rượu. Hoàng Dược Sư mang tới một bình rượu của một người phụ nữ giấu thân phận, nhờ hắn trao lại cho Âu Dương Phong. Bình rượu có tên “Túy sinh mộng tử”. Rượu này khi uống vào thì những chuyện quá khứ đều quên hết.

Phiền não lớn nhất của đời người là nhớ quá nhiều. Nếu có thể quên hết chuyện quá khứ, thì mỗi ngày đều là một khởi đầu mới. Há chẳng vui hơn sao?” – Hoàng Dược Sư dẫn lời của người phụ nữ đó.

Âu Dương Phong vốn không thích những chuyện cổ quái, nhất định không đụng một giọt bình Túy sinh mộng tử.

Năm xưa, gã từng yêu một người. Nhưng gã không bao giờ nói lời yêu. Gã phiêu bạt giang hồ. Đến ngày trở về, người con gái ấy đã trở thành đại tẩu của gã.

Tử vi của gã nói, cung phu thê thái dương hóa kỵ, hôn nhân hữu thực vô danh. Cuộc đời của gã, chỉ bôn tẩu giang hồ, không chốn dừng chân. Nếu không muốn người ta phụ mình, thì mình phải phụ người ta trước. Chỉ đến khi mất rồi, gã mới biết vĩnh viễn không thể tìm lại.

Vài năm sau, khi nghe tin đại tẩu của gã mắc bệnh mà chết. Đêm đó, thốt nhiên gã thèm rượu, bèn uống cạn bình “Túy sinh mộng tử”.

Thì ra Túy sinh mộng tử ấy chỉ là một trò đùa. Một khi đã cố quên mà không được, thì chỉ càng nhớ thêm mà thôi. Gã thường nghe người ta nói, nếu không thể có được những gì mình muốn, thì cách duy nhất là đừng cố quên.

Năm sau, Âu Dương Phong trở về Bạch Đà Sơn, trở thành bá chủ của một phương, hiệu xưng là Tây Độc.

 

XUÂN QUANG XẠ TIẾT (HAPPY TOGETHER), 1997

Bộ phim cuối cùng mà tôi muốn nhắc đến trong lần này, là Xuân Quang Xạ Tiết, lại của Vương Gia Vệ, nơi lần đầu tiên, hai gã diễn viên tài hoa nhất của điện ảnh Hongkong (trăm năm sau liệu có một cặp như thế?) đóng vai một cặp đôi đồng tính, phiêu bạt từ Hongkong sang Argentina để “làm lại từ đầu” như lời đề nghị năm lần bảy lượt của Hà Bảo Vinh sau mỗi lần chia tay rồi quay lại.

Lại là một vai diễn “ám vào số mệnh”. Nếu Lê Diệu Huy (Lương Triều Vỹ), có phần trầm lắng, thích che giấu nội tâm, thèm khát một cuộc sống yên ổn; thì Hà Bảo Vinh của Trương Quốc Vinh tiếp tục là một kẻ phóng đãng, một kẻ đôi khi không biết mình muốn gì trên cõi đời này.

Gã yêu Lê Diệu Huy, nhưng vẫn tiếp tục ăn chơi phóng đãng và lang chạ với những gã đàn ông khác. Chỉ đến khi chùn chân mỏi gối, gã lại trở về và đề nghị: “Hay là chúng ta làm lại từ đầu?”

Khi bọn họ đến Buenos Aires xa xôi tận Nam Mỹ, Lê Diệu Huy những tưởng Hà Bảo Vinh sẽ quay đầu. Nhưng cái tính cách bốc đồng, phóng đãng và buông tuồng ấy, thì làm sao gã quay đầu được?

Gã chỉ yên ổn trong những trạng thái hết tiền, hoặc trên người đầy vết thương. Những lần đấy là những lần Lê Diệu Huy thấy yên bình nhất.

Đôi khi tôi không muốn Hà Bảo Vinh phục hồi quá nhanh, vì đó là những ngày tháng hạnh phúc nhất của chúng tôi.”

Nhưng rồi, mọi thứ lại như cũ.

Cuối cùng, Lê Diệu Huy chọn cho mình một kết thúc khác, để chấm dứt vòng luẩn quẩn không lối ra và hành hạ tâm hồn mình. Anh ta tìm đường đến ngọn thác Iguazu, nơi bọn họ từng hò hẹn có sẽ đến cùng nhau, không biết trút gửi nỗi niềm gì trước ngọn thác ngàn vạn năm đó, rồi tìm đường trở về Hongkong.

Còn Hà Bảo Vinh, cứ tin rằng mỗi khi chùn chân mỏi gối, sẽ có Lê Diệu Huy chờ đợi mình. Cho đến khi quay trở lại căn phòng trọ và biết Huy đã ra đi vĩnh viễn, gã chỉ biết ôm chặt tấm chăn mà Huy thường hay đắp, và gào khóc trong câm lặng.

*

Trong bức thư tiễn biệt của nhà văn Lý Bích Hoa, bà viết:

Tôi cầu mong cho cậu giải thoát được tâm hồn. Quên đi tất cả điều phiền toái và đau khổ. Tìm được hạnh phúc của riêng mình. Nhớ rằng uống 3 cốc “meng po chai” (chè để quên đi), và bắt đầu lại từ đầu. Mặc dù những người thân yêu của cậu, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, người hâm mộ… hay dù chỉ là một người xa lạ đi ngang qua sẽ nhớ nhung cậu nhưng cậu đã quyết định. Chúng tôi còn có thể nói điều gì?”

Còn tôi thì luôn tự hỏi, trước khi chọn cho mình một cái kết bi tráng đó, có bao giờ Trương Quốc Vinh tự hỏi mình: “Hay là ta sẽ làm lại từ đầu?” trước khi buông mình xuống như Cánh chim không chân?

*.

LÊ HỒNG LÂM

Địa chỉ: Quận Bình Thạnh,

thành phố Hồ Chí Minh.

 

 

 

 

 

 

  ........................................................................................

- Cập nhật từ email: phamchienthang1980@yahoo.com.vn ngày 05.04.2021.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại..      

1 nhận xét:

  1. LỜI BỘC BẠCH CỦA NGHỆ SĨ THÀNH LỘC VỚI NHỮNG NGƯỜI MẾN MỘ

    "Hồi còn làm Ban Giám Khảo của VN’s Got Talent đến mùa thứ 2 thì có một bạn hâm mộ tại Hà Nội đã lấy chân dung tôi, Huy Tuấn, Thuý Hạnh và MC Thanh Bạch ghép vào hình ảnh nhóm thầy trò đường tăng Tam Tạng đi thỉnh kinh trong Tây Du Ký để bày tỏ lòng ngưỡng mộ. Tôi có nói với bạn ấy (qua facebook thôi) rằng tôi cảm kích lòng ngưỡng mộ của bạn ấy dành cho chương trình và riêng BGK&MC, nhưng xin đừng ghép tôi vào cái nhóm văn hoá Trung Quốc vì tôi không muốn trông thấy hình ảnh chính mình lại khoác bộ trang phục của họ để cổ suý cho một nền văn hoá của một quốc gia đang xâm lấn lãnh thổ và làm hại người dân nước tôi mỗi ngày trên biển đảo!
    Bạn ấy bảo tôi cực đoan, chính trị là chính trị mà nghệ thuật là nghệ thuật! Tôi nói trước đây tôi cũng đã từng nghĩ như vậy nhưng bây giờ thì không vì chính Trung Quốc cũng đã không nghĩ như vậy, họ là những kẻ xảo ngôn nên ta không cần phải tôn trọng và hãy lấy hình ảnh tôi ra khỏi bức ảnh ấy, người bạn này đã tỏ ra thất vọng và miệt thị tôi khá nặng! Lúc đó tôi có nghĩ chắc bạn này là một dư luận viên.
    Trong đợt kỷ niệm cho sự kiện của một hội chuyên ngành về sân khấu, người ta muốn dựng lại một số vở kịch lừng danh của nhà hát sân khấu nhỏ 5B mà một thời tôi đã gắn bó tài nghệ mình nơi đó, chỉ là một đợt hoạt động mang tính sự kiện thôi nhưng trong đó có vở Lôi Vũ (tác giả Tào Ngu - Trung Quốc) mà tôi đã thành công nhiều với vai Chu Xung. Tôi từ chối tham gia cũng vì lý do trên, không thể khác!
    Không thể viện lý do nghệ thuật khác với chính trị để chính mình tự làm tổn thương lòng tự trọng dân tộc của mình. Khi hai quốc gia còn là bạn bè tôn trọng chủ quyền của nhau thì nghệ thuật còn làm thăng hoa nhau được, chứ ai lại có thể đi tôn vinh văn hoá của một quốc gia nó bắn giết dân ta, xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của ta từng ngày từng giờ được? Tôi đã nói rõ quan điểm của mình như vậy với ban tổ chức và không hiểu sao sau đó đợt sự kiện đó cũng ngưng lại luôn, chắc vì không có kinh phí chứ không phải là từ tôi, tôi chỉ là hạt cát trong cái sa mạc showbiz Việt nhu nhược nầy!
    Cũng như có lần tôi từ chối làm đại sứ hình ảnh cho một sản phẩm của Trung Quốc (họ đài thọ tôi du lịch miễn phí bên đó) thì cũng có vài người bảo tôi dại đã để vuột khỏi tay 1 cây cờ!!!
    Rồi bây giờ là một danh sách dài ngoằng các tài tử minh tinh điện ảnh và nghệ sĩ của Trung Hoa lục địa mà “thần dân” xứ Việt chết mê chết mệt đã lên tiếng ủng hộ cái gọi là “đường lưỡi bò” láo xược trên biển Đông của chính quyền Trung Quốc, họ phản đối phán quyết của toà án quốc tế, bất chấp luật pháp và đi ngược lại với lương tri thế giới. Những cái tên như Phạm Băng Băng, Triệu Vy, Huỳnh Hiểu Minh, Lục Tiểu Linh Đồng… vốn đã xem chúng ta là thần dân của họ, tài nguyên nước ta là tài sản của quốc gia họ từ bao đời nay rồi! Vậy có đúng là nghệ thuật kinh tế đi trước để lót đường cho chính trị và xâm lược đi sau không?
    Các văn nghệ sĩ, các fans hâm mộ những soái ca, tỉ tỉ, những thứ ngôn tình hay nam thần ngọc nữ gì đó…..hãy tỉnh táo và sáng suốt mà lo bảo vệ những giá trị văn hoá Việt còn sót lại trong mong manh và chỉ có chúng ta mới là những người phải thể hiện lòng tự tôn dân tộc mình. Tôi không kêu gọi kỳ thị mà tôi kêu gọi sự thức tỉnh!"

    Thành Lộc

    Trả lờiXóa