CHÂN DUNG
HAY CHÂN TƯỚNG
NHÀ THƠ
NGUYỄN KHOA ĐIỀM
Vào những ngày Đại hội nhà văn VN lần thứ 7, tháng 4
năm 2005 tại Hà Nội, trong các cuộc nhậu có nhà thơ, nhà văn Trần Ninh Hồ,
Nguyễn Hồ, Trần Công Tấn, Mường Mán… thường “buôn chuyện” về nhà thơ Nguyễn
Khoa Điềm khi đó đang là Trưởng ban tư tưởng văn hóa trung ương.
Chuyện “buôn” rằng đồng chí Nguyễn Khoa Điềm thông
minh dĩnh ngộ từ nhỏ. Hồi năm 7 tuổi, trong bếp có “trách” * cá nục kho. Bé
Điềm thèm quá, đành ăn vụng, sau sợ bị mắng nên rắc vài mẩu cá từ chỗ để cái
“trách” tới gầm trạn để vu cho… con mèo ăn vụng cá. Dựng “ hiện trường giả” từ
tuổi nhi đồng vậy, quả nhiên sau này làm nên nghiệp lớn.
Chuyện “buôn rằng” hồi chiến tranh chống Mỹ ở trên rẫy
A Sầu, A Lưới mọi thứ đều thiếu thốn, cán bộ đói lắm, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm
thường cùng nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đốt rẫy bắt con “rít” (rết) nướng ăn,
ngon không thua gì... tôm nướng. Một hôm hai đồng chí phát hiện ra cái… hang chuột.
Eureka… một bữa chuột nướng tuyệt vời. Thế là nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường quạt
lửa hun khói một đầu hang, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm lăm lăm cầm con rựa (dao)
đứng chờ cuối hang, chuột chạy ra là… chém. Hai nhà bác cứ chờ, chờ mãi chẳng
thấy con chuột nào chạy ra. Sau cùng một ông già Vân Kiều đi qua vỗ vai Nguyễn
Khoa Điềm:
“Họ đi rồi… họ còn ở đó thì không tìm được nhà của
“họ” đâu…”
Ý cụ muốn nói chuột đã chạy rồi, nếu còn ở đó thì
không phát hiện được ra hang của nó đâu. Chuyện này có lẽ ám vào đồng chí
Nguyễn Khoa Điềm khiến suốt cả thời kỳ giữ chức Trưởng ban văn hóa tư tưởng
đồng chí chẳng chém được con “chuột” nào, chúng nó lẩn hết đâu mất.
Thời nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm làm trùm tư tưởng văn
hóa, không khí sáng tác không được “hồ hởi, phấn khởi” lắm, khiến ngay trong
Đại Hội Nhà Văn Việt Nam lần thứ VII, tại Hội Trường Ba Đình - Hà Nội chiều
ngày 23 – 4 - 2005, nhà thơ Trần Mạnh Hảo nhảy lên diễn đàn than thở:
“Vâng, tự do sáng tác là khi ngồi trước trang giấy,
nhà nghệ sĩ là Chúa Trời sáng thế. Anh tuyệt nhiên không được phép để một ám
ảnh sợ hãi nào quấy nhiễu mình. Ví như anh còn phải day dứt viết thế này, viết
thế nọ mới được duyệt in; rằng đang có bao nhiêu đôi mắt soi mói vô hình kiểm
duyệt anh từ xa ví như viết xong một câu văn là cứ phải mắc bệnh tương tư, nhớ
đến anh Khổng Minh Dụ (thiếu tướng công an - Cục trưởng Cục Bảo vệ tư tưởng văn
hoá (A25 Bộ Công An), Đỗ Kim Cuông (Vụ trưởng Vụ Văn Nghệ Ban tư tưởng văn hoá
Trung Ương), Trịnh Đình Khôi (chuyên viên cao cấp Ban Tư tưởng Văn Hoá Trung Ương
phụ trách theo dõi Hội Nhà Văn Việt Nam), Nguyễn Đình Nhã (Cục trưởng Cục xuất
bản - Bộ Văn hoá Thông tin), Vũ Duy Thông (Cục trưởng Cục báo chí Ban Tư Tưởng
Văn hoá Trung Ương), nhớ mấy anh canh cửa phê bình, nhớ anh giám đốc duyệt bài,
anh biên tập viên cầm hai tay hai cái kéo, nhớ anh duyệt lưu chiểu hồi này với
máy dò câu chữ nghe đồn còn kỹ hơn máy dò hành lý hải quan; thì than ôi, bằng
ấy cơ chế kiểm duyệt đè nặng lên tâm lý sáng tạo của anh, nên “vừa viết vừa
run” như thế; nghĩa là anh vừa viết vừa tự thiến đứa con tinh thầm của mình,
cho khi ra đời nó không được có cơ hội cuồng lên vì phát dục, xóa hết bản năng
sinh tồn bùng sôi của nó đi, đẽo gọt chân nó sao cho vừa với đôi giày “chính
trị” đi, thì nhà văn ơi, tự do sáng tác ơi, ta chào mi, vì mi quá nhiêu khê,
quá rách việc, quá nhiều cơ quan và nhiều cá nhân quyết định việc sống còn của
ngòi bút mi theo kiểu nhiều cha con khó lấy chồng. Quá nhiều người gác cửa, có
thể bất cứ lúc nào vui thì cho anh qua, buồn thì giữ anh lại khám xét, lục vấn,
xử lý cấm cản tuỳ tiện vô nguyên tắc như từng thô bạo xử lý bao nhiêu nhà văn,
bao nhiêu tác phẩm chết oan vì vừa ra đời đã bị bóp mũi.”
Một tổng kết về “tự do sáng tác” như vậy hẳn rát mặt
ngài trưởng ban tư tưởng văn hóa. Vào khoảng năm 1994 , tôi cùng ông anh ruột
sống ở Sàigòn trước 1975 nay định cư ở Mỹ, nhà văn Nhật Tiến “hưởng ứng chủ
trương hòa giải hòa hợp dân tộc” ra chung tập truyện ngắn “Quê nhà, quê người”
– Nhật Tiến viết phần “Quê người”, tôi viết “Quê nhà”. Bản thảo gửi Nhà xuất
bản Văn Học, trầy trật mãi không xin được giấy phép. Nghe nói có ông lãnh đạo
chửi “Mẹ nó, thằng Việt kiều (ý nói Nhật Tiến) thì viết y như Việt cộng, còn
thằng Việt cộng (ám chỉ tôi) thì lại viết như… Việt kiều (!)". Cuốn sách
tưởng bế tắc, không xuất bản được. Sau nghe nói đồng chí Nguyễn Khoa Điềm có ý
kiến sao đó, cuốn sách lại có giấy phép tuy nhiên kèm theo yêu cầu là sách được
xuất bản nhưng cấm không được tuyên truyền trên các báo. Báo hại phóng viên một
số tờ báo sửa soạn phỏng vấn nhà văn Nhật Tiến đều phải rụt lại hết.
Thế rồi sang năm 2000, khi Nguyễn Khoa Điềm trúng cử
Ủy viên Bộ chính trị , Trưởng ban tư tưởng văn hóa thì liền sau đó cuốn “Chuyện
kể năm 2000” của Bùi Ngọc Tấn bị cấm, phải xay thành giấy vụn.
Cùng lúc với “Chuyện kể năm 2000” của Bùi Ngọc Tấn,
một cuốn sách khác cũng bị dìm chết tức tưởi khi mới xuất xưởng in mà dư luận
dường như không hề biết tới: cuốn “Những người con của đất” - Nhà xuất bản Văn
học của Đỗ Bàn.
Cuốn sách viết về thời kỳ đổi mới những năm tám chín
mươi ở một tỉnh miền núi nghèo đói. Nền kinh tế thị trường định hướng Xã Hội
Chủ Nghĩa đã gây nên tình trạng đấu đá tranh giành quyền lực trong Đảng. Ông
Duy đại diện cho phái tân tiến, có học, cần phải đổi mới gấp, chịu làm, năng
động muốn phá vỡ cơ chế hiện tại. Ông Bí thư Tỉnh phái ôn hoà, làm hay không
làm cũng chưa chết ai, cứ đợi đấy. Ông Trịnh Giám đốc công an Tỉnh ở phái bảo
thủ cơ hội, chờ thời tiêu diệt những người coi thường mình.
“Tao vô học nhưng tao phải là tao, chúng mày thích “tự
cởi trói cho mình trước khi trời trói”, thì hãy đợi đấy!”
Một xã hội lùng nhùng, một nền kinh tế lùng nhùng, chỉ
có thằng nói không có thằng dám làm? Nghị quyết, chỉ thị, nghị định, quy chế…
chỉ là những văn bản cho bọn cơ hội bóp chết người trung thực dám làm và dám
chịu trách nhiệm. Văn bản chỉ thị của Tỉnh thay đổi xoành xoạch: bắt dân phá
rau, hoa, chè, cà phê trồng khoai lang, cao lương… khi thất bại đành bán rừng
đổi gạo cứu đói và một loạt sai phạm đó lại dội vào đầu những người thực hiện.
Trong một thời gian ngắn, Giám đốc công an Trịnh đã
bắt ngót trăm giám đốc của các đơn vị kinh tế trong tỉnh, từ ngành chè, cà phê,
lâm nghiệp, thương nghiệp… có người đáng bậc cha chú, đàn anh của mình, có
người đồng chí trong những ngày Trịnh truy quét Fulrô… bắt và bắt làm cho cả
tỉnh rúm ró lại. Những người như ông Duy chỉ còn biết thở dài ngao ngán, còn
ông bí thư thì như bù nhìn “rằm cũng ừ mười tư cũng gật”. Một xã hội công an
trị đến ngộp thở, bị bưng bít tới cùng đường thì còn gì là cuộc sống.
“Những người con của đất” là tiếng nói cảnh tỉnh của
những con người trung thực thẳng thắn, sống hết mình vì nhân dân, đã bị hào
quang của đảng qua những kẻ dối trá làm mờ mắt mà hy sinh tính mạng một cách vô
ích. Nhưng đất vẫn là đất, ai cũng phải sống rồi chết trên mảnh đất này, những
kẻ độc ác, cơ hội, tham lam rồi sẽ bị đất huỷ hoại không thương tiếc.
Khi cuốn sách được phát hành cùng thời với cuốn
“Chuyện kể năm 2000” của nhà văn Bùi Ngọc Tấn, Giám đốc Trịnh đã tìm mọi cách
cấm phát hành, làm việc với các ngành pháp luật của tỉnh để truy tố người viết…
Lúc đó tôi là Trưởng Chi nhánh phía Nam Nhà xuất bản Văn Học, đành phải im lặng
tiến hành thủ tục “thu hồi sách”. Sách bị giam cầm, người viết như tù giam lỏng
trong thời ông Nguyễn Khoa Điềm ngồi chót vót trong ngành văn hóa tư tưởng.
Sang năm 2003 lại một vụ “cấm sách” dưới triều ông
Nguyễn Khoa Điềm. Lần này động trời hơn vì tác giả bị cấm lại là ông nhà văn
nổi tiếng ca ngợi cách mạng: Nguyễn Khải, lúc đó là Phó Chủ tịch Hội nhà văn Việt
Nam, đại biểu quốc hội khóa 8. Hơn thế, cuốn sách đã đăng nhiều kỳ trên tạp chí
Nhà văn, nhưng đến khi in thành sách thì lại… cấm phát hành. Thực ra cuốn
“Thượng đế thì cười” chẳng chửi Đảng cũng không bôi đen chế độ, nó chỉ có mỗi
tội kể chuyện đại biểu quốc hội… ngủ gật.
Chương 22, Nguyễn Khải huỵch toẹt chuyện quốc hội:
“Trong suốt một nhiệm kỳ Quốc hội khoá 8 hắn chỉ phát
biểu có một lần về những điều bổ sung cho Luật Báo chí. Hắn đề nghị Quốc hội
xem xét cho ra báo tư nhân và nhà xuất bản tư nhân để đảm bảo quyền tự do ngôn
luận, tự do xuất bản của một xã hội văn minh. Hắn vừa ngồi xuống thì bà T. cũng
là đại biểu của thành phố Hồ Chí Minh, nguyên là một nữ luật sư danh tiếng của
Sài Gòn trước đây, một thượng nghị sĩ trong phe đối lập với chính quyền Thiệu,
đứng lên phản đối liền. Bà nói, đại ý, rằng hắn chưa từng sống trong xã hội tư
bản nên mới ngộ nhận là ở đó có tự do báo chí! Không có đâu! Danh nghĩa là báo
của tư nhân nhưng nguồn tài trợ thường xuyên để nuôi sống nó luôn luôn là của
các tổ chức chính trị, tôn giáo, nghề nghiệp đầy quyền lực… Bà vừa dứt lời
tiếng vỗ tay đã vỡ ra vang dội và kéo dài khắp hội trường. Ông chủ quyền lực
bắt đầu ghét hắn từ ngày ấy, đã muốn đuổi hắn ra khỏi cơ quan quyền lực từ ngày
ấy. Rồi hắn lại ngủ gật nữa. Trong những phiên họp tranh cãi sôi nổi về một từ,
một câu trong những điều luật bổ sung của Bộ luật Hình sự, thì hắn ngủ gục, đầu
vẫn ngay, lưng vẫn thẳng nhưng đầu óc đã trống rỗng, mờ mịt, người ngồi cạnh
phải hích nhẹ hắn mới bừng tỉnh. Một ông nghị gật như các báo vẫn chế giễu các
ông nghị bản xứ thời Pháp thuộc.…”
Sách in xong bị cấm phát hành nhưng cũng còn may không
bị đốt như “Chuyện kể năm 2000” của Bùi Ngọc Tấn, sau một năm nằm kho, cấp trên
mới ra điều kiện muốn “giải tỏa” cuốn sách thì phải cắt bỏ cái đoạn “đại biếu
quốc hội ngủ gật” .
Nguyễn Khải tâm sự:
“Tôi thấy đoạn kể chuyện ngủ gật ở Quốc hội cũng chỉ
là chuyện nói vui, còn nhiều chuyện khác có ý nghĩa hơn, chỉ vì đoạn này mà
cuốn sách không thể tới được tay bạn đọc thì cũng tiếc nên tôi đồng ý cắt một
trang. Anh em bảo thế là không hay, cái ông Khải này lúc nào cũng nhân nhượng.
Thật sự tôi thấy điều ấy cũng không phải là quan trọng nhất, cắt bỏ đi cũng chả
ảnh hưởng gì đến quyển sách.”
Trong mấy ngày giáp tết Ất Dậu, ông Nguyễn Khoa Điềm
làm một việc xưa nay một ông Trưởng ban văn hoá tư tưởng của Đảng chưa bao giờ
làm là tới tận nhà riêng chúc tết một số… nhà báo. Và cũng trong một cuộc Hội
thảo về công tác phê bình lý luận, tháng 11 năm 2004 tại Hà Nội ông Nguyễn Khoa
Điềm có những phát biểu mới mẻ xưa nay các ông Trưởng ban văn hoá tư tưởng của
Đảng chưa dám nói bao giờ.
Nói thế nào thì nói, qua những hành động đó người ta
thấy một sự cải thiện hình ảnh ông trùm văn hoá văn nghệ Việt Nam xưa nay vốn
vẫn bị coi là một “ông kẹ” luôn luôn cầm roi uốn nắn tư tưởng khắp bàn dân
thiên hạ.
Ấy vậy rồi xảy ra một việc động trời chưa từng thấy
“trên mặt trận văn hoá và tư tưởng“. Một nhà “phê bình lý luận “nổi tiếng
Mao-ít ở thành phố Hồ Chí Minh là Giáo sư Trần Thanh Đạm, trên tạp chí “Văn” số
Tết Ất Dậu của Hội nhà văn thành phố Hồ Chí Minh đã viết một bài nảy lửa đả phá
một số quan điểm mới mẻ của ông Nguyễn Khoa Điềm làm người đọc bật ngửa về sự
mạo phạm cấp trên, cả gan vuốt râu hùm, công khai phê phán lãnh đạo Đảng ngay
trong dịp kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Đảng.
Ngay trong phần mở đầu dài dòng đầy những nguyên tắc
mácxít cứng nhắc, ông Trần Thanh Đạm đã khen xỏ đồng chí Trưởng ban văn hoá tư
tưởng:
”Diễn giả (tức Nguyễn Khoa Điềm) không chỉ nói lên các
ý kiến của mình với tư cách một nhà thơ, một người nghệ sĩ, ngoài các tư tưởng
có tính cách chỉ đạo, còn có những ý tưởng riêng có tính cách cá nhân… làm bài
phát biểu bớt đi tính áp đặt mà tăng thêm tính gợi mở, khuyến khích suy nghĩ và
thảo luận…”
Thực ra đã là lãnh đạo Đảng trên bất cứ trận địa nào,
khi phát biểu trước quần chúng lúc nào cũng phải mang tính cách huấn thị và chỉ
được nói những quan điểm của Đảng mà thôi, sao “đồng chí” dám phá lệ gài “ý
kiến cá nhân” vào đó? Thật là một câu phê bình chết người đối với lãnh tụ Đảng
và chính vì lo cho Đảng, vì “bảo vệ Đảng” nên một quần chúng cách mạng như Giáo
sư Trần Thanh Đạm phải “thí mạng cùi” nhảy ra vạch trần “những ý kiến cá nhân
sai trái” của đồng chí Trưởng ban tư tưởng văn hoá để bảo vệ đường lối mác xít
của Đảng. Tinh thần của Giáo sư Trần Thanh Đạm thật dũng cảm ghê gớm chưa?
Trong bài phát biểu của mình, ông Nguyễn Khoa Điềm
thẳng thắn thừa nhận:
“Đúng là lý luận văn học của ta còn nhiều bất cập và
thiếu hụt. Do hệ thống lý luận văn học này được sản sinh trong môi trường của
các nước xã hội chủ nghĩa trước đây…”
Trần Thanh Đạm cãi lại thủ trưởng:
“Đúng là lý luận văn học của chúng ta trước đây chịu
ảnh hưởng của các thành tựu lý luận văn học từ các nước xã hội chủ nghĩa (trước
hết là Liên xô)… song nói rằng lý luận văn học của ta sản sinh ra trong môi
trường đó thì chỉ đúng có một phần…”
Rồi ông ta cho rằng:
“Nền lý luận văn học của ta… sản sinh ra từ đường lối
lý luận và thực tiễn của cách mạng dân tộc, dân chủ và xã hội chủ nghĩa ở Việt
Nam từ 1930 và sớm hơn, từ đầu thế kỷ 20, thể hiện trong các văn kiện của Đảng:
Trường Chinh, Lê Duẩn, Phạm văn Đồng, Tố Hữu qua các đại hội văn nghệ và đại
hội nhà văn, các tác phẩm lý luận của các nhà văn, nhà thơ lớn của chúng ta
trong thế kỷ 20 như: Hải Triều, Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Chế Lan Viên, Đặng
Thai Mai, Hoài Thanh… và các nhà lý luận ưu tú khác…”
Trưng ra các cây đa cây đề trong “nền phê bình lý luận
cách mạng” theo cái lối mang ngoáo ộp ra doạ con nít, Trần Thanh Đạm có ý hạch
tội rằng nói như Nguyễn Khoa Điềm thì còn đâu là tính sáng tạo và tính độc lập
tự chủ của Đảng ta xưa nay vẫn được tuyên truyền rầm rĩ ra cả thế giới nữa.
Sau khi trưng ra ý kiến phát biểu của Nguyễn Khoa Điềm
về lý luận văn học:
“Hệ thống lý luận văn học của ta do phải tập trung cho
thắng lợi của chủ nghĩa xã hội mà phần nào bỏ quên hoặc tránh đi những đặc
trưng văn học, những vấn đề rộng lớn của văn chương và của con người …”
Ông Trần Thanh Đạm dám lên giọng “xách mé”:
“Có lẽ khó quan niệm một chủ nghĩa xã hội gì mà văn
học lại bỏ quên hoặc tránh né các vấn đề rộng lớn của văn chương và con người?…
Một chủ nghĩa xã hội như vậy còn xứng đáng được gọi là chủ nghĩa xã hội được
hay không?… Thực tế nước ta mới quá độ lên chủ nghĩa xã hội, còn phải “ tập
trung cho giải phóng dân tộc, đánh thắng đế quốc xâm lược “không thể phát triển
và xây dựng một nền văn học như trong hoà bình”… thế nhưng nói rằng chúng ta né
tránh hoặc bỏ quên các vấn đề đó thì không đúng…”
Táo tợn hơn, Trần Thanh Đạm phê phán sếp lớn:
“Tôi cho rằng lý giải các yếu kém thiếu hụt của lý
luận văn học chúng ta như diễn giả đã làm là có phần hời hợt, sơ lược, chủ
quan, không trên cơ sở một nhận thức lịch sử thật chu đáo, thận trọng…” rồi cả
doạ nạt:
“Kết cục của diễn biến hoà bình trong lĩnh vực tư
tưởng văn hoá là bạo loạn lật đổ trên lĩnh vực chính trị xã hội. Những người
cầm cờ, cầm lái không thể mơ hồ trong nhận thức của mình…”
Quả thực xưa nay, chưa ai dám công khai dạy dỗ “lãnh
đạo Đảng“ trên phương tiện báo chí của Đảng nặng nề thế này. Trong bài phát
biểu của Nguyễn Khoa Điềm có một luận điểm khá mạnh dạn, mới mẻ:
“Lâu nay trong quan hệ giữa nội dung và hình thức
chúng ta chỉ chú trọng những mặt nội dung mà xem nhẹ yếu tố hình thức, như vậy
là chúng ta mới đề cập mặt xã hội của văn chương mà chưa thấy yếu tính của văn
học là ngôn ngữ nghệ thuật…”
Sự thực, đây là một sự thừa nhận rất đáng biểu dương
đối với một nhà lãnh đạo văn hoá văn nghệ cộng sản. Tuy nhiên đối với các lý
luận gia “mác xít đến chiều” như Trần Thanh Đạm thì sự thừa nhận đó là đi chệch
đường lối văn hoá văn nghệ của Đảng cần kéo còi báo động:
“Diễn giả đã “vơ đũa cả nắm” khi dùng đại từ “chúng
ta“ ở đây, nếu nói “một số người trong chúng ta“ thì còn nghe được. Đó là những
kẻ cơ hội, giáo điều, thậm chí ngu dốt trong văn học nghệ thuật …”
Ô hô, nói vậy khác nào chửi sếp lớn là cơ hội, giáo
điều, ngu dốt?
Hẳn ai cũng biết, những cây bút “quốc doanh” đặc biệt
lý luận phê bình cả đời chỉ quyết làm cháu ngoan bác Mao, sống chết với tinh
thần văn nghệ Diên An chẳng mấy thiện cảm với nhà văn Nguyễn Huy Thiệp - người
cứ thích nói ngược những gì thiên hạ nói xuôi.
Trong con mắt các lý luận gia mác xít hơn cả cộng sản
như Mai Quốc Liên, Trần Trọng Đăng Đàn, Trần Thanh Đạm… Nguyễn Huy Thiệp như
một kẻ có tội, một con chiên ghẻ cần rút phép thông công, một kẻ “ngoại tình”
cần ném đá, một tên “ăn cơm cộng sản thờ ma Việt kiều”…
Vì sao Thiệp trở thành “phần tử nổi cộm”, cái gai
trong con mắt giới lý luận bảo thủ cực đoan như vậy? Thưa rằng xưa nay Thiệp
vốn “ăn lộc” tối đa của Nhà nước, suốt một thời đổi mới cho đến nhiều năm sau,
cả bộ máy tuyên truyền của Đảng “bốc thơm” Nguyễn Huy Thiệp lên mây xanh, trao
“cây bút vàng” cho Thiệp trên khắp các mặt báo chí, sách, điện ảnh, truyền hình
làm lu mờ cả những giá trị văn chương “cây đa cây đề “. Ăn “lộc Đảng” nhiều vậy
mà xem ra Thiệp không chịu ca ngợi Đảng lấy một câu gọi là ghi nhận mình cũng
từ cái nôi văn hoá xã hội chủ nghĩa chui ra.
Đã không “trả nghĩa” cho Đảng thì chớ, Thiệp ngày càng
ngoa ngoắt xỏ xiên. Bỏ qua những lỗi bôi bác lịch sử hoặc bôi đen xã hội như
chuyện con dâu ông tướng hưu nhét cả thai nhi nấu cho chó ăn, trong vở kịch
“Suối nguồn êm dịu” vốn được bà Thuỵ Khuê ở đài RFI “tôn vinh” là “nhà thạch
học”, tức sử gia không viết lên giấy mà khắc vào đá, Thiệp đã chơi lại cái mẹo
“biểu tượng hai mặt” của Nhân Văn ngày trước, bôi bác nhân vật lãnh tụ trong
một xã hội “toàn trị” và bóng gió đề cao “Ông 2000” dễ thấy là biểu tượng của
“ông” “Hiến chương năm 2000” mấy năm trước được phát động rầm rộ ở Paris đòi
dân chủ, đa nguyên.
Không kể chuyện “đánh võ mồm” như trả lời phỏng vấn ở
Pháp “ói mửa vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước”, trong truyện vừa “Tuổi 20
yêu dấu”, ông Thiệp chửi tuốt luốt cả từ nhà trường tới quốc hội, và trong
“Chuyện trò với hoa thuỷ tiên”, Thiệp gọi đám nhà văn trong nước là bọn “giặc
già” vừa bất tài, vừa tham lam vừa thất học…
Bị chửi ông chửi cha vậy mà Hội nhà văn Việt Nam vẫn
im thin thít, ngay cả Tổng thư ký Hội Hữu Thỉnh vào những dịp đăng đàn diễn
thuyết cũng… ”ngó lơ”. Tình trạng nuông chiều, e nể Nguyễn Huy Thiệp làm các
phê bình lý luận gia mao ít ngồi đầy trong các Viện nghiên cứu và các trường
Đại học tức lộn ruột chỉ mong một ngày “hoàng đạo” nào đó sẽ tay dao tay thước
xúm vào đánh đòn hội chợ. Nào ngờ, ngày ấy chưa đến, đã thấy Nguyễn Huy Thiệp
chơi luôn một tiểu phẩm “Mổ xẻ nhà văn” xỏ xiên các nhà phê bình chỉ muốn tiến
thân bằng xác các nhà văn. Hành động đổ dầu vào lửa của Nguyễn Huy Thiệp càng
nung nấu thêm “lòng căm thù” của giới lý luận “mác xít tới bến” chỉ chờ cấp
trên gật đầu là xúm vào “bề hội đồng”.
Vậy mà có ai ngờ, đồng chí Trưởng ban văn hoá tư tưởng
Nguyễn Khoa Điềm chẳng những không phát lệnh “giết chết thằng Thiệp” lại còn
khen ngợi Thiệp thì còn trời đất nào nữa hở… trung ương Đảng?
Lẽ ra là người cầm cân nảy mực giữ gìn, bảo vệ tư
tưởng của Đảng, ông Nguyễn Khoa Điềm phải nghiêm khắc “lên án” và vạch ra những
tội lỗi của Thiệp, đằng này ngược lại đưa ra những luận điểm khá mới mẻ so với
cái vốn có của Đảng khi khen ngợi và có ý “tha bổng” Thiệp:
”Có người đã nói anh Thiệp đã viết những điều trước
nay chưa ai viết. Tôi thấy điều ấy không quan trọng lắm. Về mặt nội dung, có
những điều anh Thiệp sai nhưng về mặt đổi mới ngôn ngữ nghệ thuật thì anh Thiệp
lại có nhiều đóng góp… Ở vào thời điểm mang tính chuyển đổi thì nhiều lúc hình
thức lại mang tính cách mạng của nó…”
Vậy là những điều Nguyễn Huy Thiệp viết dù xưa nay
chưa ai dám viết cũng chẳng là cái gì phải làm ầm ĩ lên, cái chính là Thiệp đổi
mới ngôn ngữ nghệ thuật. Ông trùm văn hoá đã nói vậy tức đã “tha bổng” Thiệp.
Lập tức Trần Thanh Đạm dám xổ toẹt quan điểm của đồng chí Trưởng ban tư tưởng:
“Không cần phải là nhà lý luận uyên thâm gì cũng có
thể thấy nhận định của tác giả về Nguyễn Huy Thiệp là không chính xác, là tách
rời nội dung với hình thức, tách rời ngôn ngữ nghệ thuật với tư tưởng nghệ
thuật…”
Và to gan lớn tiếng mắng mỏ ông Ủy viên Bộ chính trị
dốt lý luận:
“Có lẽ do chưa nhận thức rõ về mặt lý luận cũng như
thực tiễn nên diễn giả đã tiếp cận các sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp một cách
siêu hình, tách rời máy móc nội dung và hình thức…”
Rôi bằng một giọng đay nghiến, khinh khỉnh hoàn toàn
ngược với giọng cấp dưới với cấp trên, Trần Thanh Đạm tuôn ra liên hồi những
lời lẽ đả phá mạnh mẽ ý kiến của Nguyễn Khoa Điềm:
“Há rằng“ phi anh hùng hoá “một ông tướng về hưu“ phi
thần tượng hoá một anh hùng dân tộc vv… chỉ là đổi mới và đóng góp cho ngôn ngữ
nghệ thuật hay sao?“
Táo tợn hơn, đây là lần đầu tiên trong lịch sử Nhà
nước Cộng hoà XHCN Việt Nam, một ông Trưởng ban văn hoá tư tưởng bị kết tội
công khai trên báo:
“Trong khi một số nhà văn, nhà phê bình lên án những
ngôn luận xằng bậy của anh Thiệp đối với các văn hữu trong Hội nhà văn thông
qua các bài như: Hoa thuỷ tiên, Mổ nhà văn, Tuổi 20 yêu dấu v.v… thậm chí xúc
phạm đến cuộc kháng chiến dân tộc thì đồng chí Nguyễn Khoa Điềm hình như có ý
muốn che chắn cho Nguyễn Huy Thiệp…”
Hơn thế nữa ông Nguyễn Khoa Điềm còn có một bước tiến
đổi mới khá xa so với những người tiền nhiệm khi ông phát biểu:
“Người nghệ sĩ có tư chất và thẩm quyền của họ, không
nên buộc họ lệ thuộc quá nhiều vào thực tại…”
Nghĩa là không nên ép uổng nhà văn viết “người thực
việc thực”, ”người tốt việc tốt”, không nên bắt buộc nhà văn phải “đi thực tế”
dựng nên “bức tranh hào hùng về cuộc sống sản xuất và chiến đấu của nhân dân
ta“. Vậy là Đảng đã “cởi trói” cái nghĩa vụ “phi sáng tạo“ cho nhà văn, đồng
thời còn thừa nhận “thẩm quyền” của người cầm bút.
Vớ được câu này, Trần Thanh Đạm mừng rỡ chẳng khác hải
quan khám ra hàng lậu. Lẽ ra mang danh nhà nghiên cứu, Trần Thanh Đạm phải
nhiệt liệt ủng hộ những tín hiệu đổi mới của ông Nguyễn Khoa Điềm, ngược lại đưa
ra những phản đối cũ rích:
“Người nghệ sĩ không phải lệ thuộc quá nhiều vào thực tại,
song tôi nghĩ người nghệ sĩ chân chính nào cũng quan tâm đến con người và cuộc
sống, có trách nhiệm với thực tại chứ không chỉ biết có tư chất và thẩm quyền
của mình…”
Nghĩa là Trần Thanh Đạm vẫn đề cao cái “nghĩa vụ xã
hội”, cái trách nhiệm “tổ chức quần chúng của Đảng” vốn là tôn chỉ của Hội nhà
văn Việt nam. Nguy hiểm cho ông Nguyễn Khoa Điềm hơn nữa khi ông nói:
“Cần tránh khuynh hướng cực đoan khi xem xét văn học
chỉ như một sáng tạo nghệ thuật thuần tuý và văn học chỉ như một vũ khí chính
trị…”
Ngay lập tức, Trần Thanh Đạm mang cả “lời Bác dậy” để
dằn mặt:
“Văn hoá nghệ thuật không ở ngoài mà ở trong kinh tế
và chính trị”.
Vậy đừng có tơ lơ mơ, chính trị bao giờ cũng là ‘thống
soái”, thế là Trần Thanh Đạm tiếp tục tiến lên, tiến lên ta quyết tiến lên,
tiến lên ta gọi cấp trên bằng... thằng. Tuy Đạm chưa dám gọi đồng chí Nguyễn
Khoa Điềm bằng thằng nhưng đã lớn tiếng mắng mỏ:
“Chưa bao giờ văn học và chính trị rời xa nhau nửa
bước, chỉ những kẻ tự lừa dối mình hoặc lừa dối người khác mới không trông thấy
hoặc giả vờ không trông thấy…”
Rồi đao to búa lớn, Đạm khẳng định lại cái “vòng kim
cô” vẫn úp trên đầu các nhà văn:
“Khẩu hiệu của Hội nhà văn Việt Nam và của báo Văn
Nghệ là: ”Vì Tổ quốc, vì Chủ nghĩa xã hội” là một cam kết chính trị trung thực,
thẳng thắn và đẹp đẽ. Theo tôi đó là ngọn cờ chính trị và chính nghĩa của văn
học Việt Nam hiện đại…”
Và sau hết Đạm nổi còi báo động:
“Mưu mô “diễn biến hoà bình“ khởi đầu từ trận địa văn
hoá tư tưởng trong đó có văn học nghệ thuật, truyền bá và thẩm thấu các các
quan niệm sai trái về nghệ thuật, nhân danh cái đẹp mơ hồ, trừu tượng để nguỵ
trang sự lừa dối, cái ác, cái xấu, nhằm làm hủ bại đạo đức tư tưởng của chúng
ta và con cái chúng ta…”
Suốt bài viết Đạm không hề nhắc tới chức vụ Uy viên Bộ
chính trị, Trưởng ban tư tưởng văn hoá của Đảng của ông Nguyễn Khoa Điềm làm
người ta không thể không đặt câu hỏi:
”Ai đang đứng sau Trần Thanh Đạm và tạp chí Văn của
Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh, nhất trong hình hình cuộc đấu đá ngày càng
gay cấn khi Đại hội Đảng đang tới gần?”
Tất nhiên nếu đồng chí Trưởng ban tư tưởng văn hóa
Nguyễn Khoa Điềm vẫn ngồi vững trên ghế ngay cả khóa sau thì Trần Thanh Đạm có
uống cả ký “mật gấu” cũng không dám “mó dái ngựa”. Cả cái tạp chí “Văn” của Hội
nhà văn thành phố Hồ Chí Minh cũng vậy, nếu không đánh hơi thấy sếp cũ sắp đi,
sếp mới sắp về thì dù có lệnh của tuyên huấn thành ủy cũng không dám “cãi cấp
trên” vốn là điều tối kỵ trong “sổ tay phóng viên”.
Vì sao đồng chí Trưởng ban tư tưởng văn hóa Nguyễn
Khoa Điềm lại “đốc chứng” vậy ngay khi còn tại vị? Ngày nay trong kinh tế người
ta hay nói tới thuật ngữ “tái cấu trúc” tức là sắp xếp, tổ chức lại để xí xóa
mọi chuyện tham ô, tham nhũng. Các nhà văn, nhà lý luận văn học vào cuối đời
cũng có mốt “tái nhận thức“ kiểu như Chế Lan Viên với “Bánh vẽ”, Nguyễn Khải
với “Đi tìm cái tôi đã mất”, Nguyễn Đình Thi với “bài thơ gửi lại“… có tính
cách “phản tỉnh”, “nghĩ lại những điều đã nghĩ”.
Khác với họ, Nguyễn Khoa Điềm sớm “tái nhận thức” vào
cuối nhiệm kỳ và chắc cũng đã biết ngày trở về cố đô Huế cũng sắp tới.
Qua trường hợp Nguyễn Khoa Điềm, người ta thấy được
cái khó của các “nhà lãnh đạo tư tưởng“ Việt Nam. Giữa một biển cán bộ mênh
mông, ý thức hệ còn sặc mùi mao-ít, ông Nguyễn Khoa Điềm có muốn đổi mới, rũ bỏ
những cái cũ kỹ và lỗi thời, thực sự ông phải đương đầu với cơn bão bảo thủ ghê
gớm cả trong Đảng lẫn ngoài xã hội, đòi hỏi ở ông lòng dũng cảm và tâm huyết
thật sự vì dân vì nước là cái chưa thấy ở ông.
Từ dạo quay về làm dân ở Huế, tuy nhà thơ Nguyễn Khoa
Điềm - sống rất lặng lẽ và kín tiếng. “Bây giờ tôi chỉ còn chường cái mặt tôi
ra trong thơ”, nhưng dường như ông vẫn tiếp tục “tái nhận thức”. Tháng 6 -
2011, trả lời phóng viên báo Lao Động, ông nói những câu khối anh phải giật
mình:
“Bài trừ tất cả các loại văn hoá liên quan tới phong
kiến, thực dân... chúng ta đã cắt đứt quá khứ, cắt đứt sâu chừng nào thì được
cho là có quan điểm lập trường tốt chừng đó. Đó là một thái độ rất nguy hại.”
“Thơ thì phải nói thật lòng mình, không thể giấu mình,
không thể nói dối... Việt Nam chúng ta lại quan niệm văn học là đạo lý, trách
nhiệm... nên gò bó sự sáng tạo cũng như hạn chế sự thổ lộ. Trong khi văn chương
phải thể hiện cái đẹp nội tâm của con người.
“Vì vậy tôi đã nghỉ hưu, nhưng nhiều người lãnh đạo
mong tôi phải thế này thế kia, phải làm thơ ngợi ca, phải hô hào tiến lên...
Vừa rồi khi tôi công bố một số bài thơ trên báo sau khi về Huế, có rất nhiều ý
kiến khác nhau, thậm chí có người chê trách tôi “đổi giọng”, nhưng tôi không
quan tâm...
Tuy nhà thơ không quan tâm nhưng chắc độc giả thì chờ
đợi ông tiếp tục “đổi giọng” như thế. Nhà thơ Xuân Sách dường như chưa nhận ra
quá trình “tái nhận thức” của Nguyễn Khoa Điềm nên viết chân dung khá đơn giản:
Một mặt đường khát
vọng
Cuộc chiến tranh
đi qua
Rồi trở lại ngôi
nhà
Đốt lên ngọn lửa
ấm
Ngủ ngoan A kai ơi
Ngủ ngoan A kai
ời...
* trách: một loại niêu đất .
*.
NHẬT TUẤN
(tên thật: Bùi Nhật Tuấn)
Địa chỉ: (đang cập nhật)
Email: (đang cập nhật)
Điện thoại: (đang cập nhật)
- TRẦN ANH QUÂN giới
thiệu -
- Cập nhật từ email: quanboyman1992@yahoo.com.vn
ngày 16.04.2021.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang
Đặng Xuân Xuyến.
0 comments:
Đăng nhận xét