KHỦNG HOẢNG NHƯ LÀ TÍN HIỆU TỐT LÀNH! - Tác giả: Inra Sara (Ninh Thuận)

Leave a Comment

 

(Tác giả Inra Sara thứ 2 từ trái sang phải, hàng trên)

KHỦNG HOẢNG NHƯ LÀ

TÍN HIỆU TỐT LÀNH!

*

1.

Thơ Việt đang khủng hoảng, cần nhìn nhận khủng hoảng kia như một tín hiệu tốt lành! Tại sao? Bởi không khủng hoảng, không bế tắc, ta mãi ngủ quên trên lối mòn, tự thỏa mãn với mấy thành tựu cũ. Khủng hoảng, thức nhận mình khủng hoảng là cơ hội để vượt bỏ.

Hành trình thơ Việt hiện đại, nói lên điều đó. Từ lãng mạn, hiện thực, [một phần] tượng trưng và siêu thực thời Thơ Mới, ta có thơ hiện thực xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, còn ở miền Nam là hiện sinh, hiện thực trần trụi, thơ Thiền. Qua thời Đổi mới, ta có thơ cách tân đủ loại, rồi Hiện đại, Tân hình thức, Hậu hiện đại, thơ Trình diễn, vân vân.

Xung đột mĩ học giữa truyền thống [cả truyền thống gần] và hiện đại diễn ra thường trực ở người sáng tạo lẫn người thưởng thức nghệ thuật.

Nhìn lại vài giọng thơ Việt thế hệ qua và phản ứng của các đại biểu của chúng. Tại sao các thế hệ thơ thuộc hệ mĩ học khác nhau không thể chấp nhận nhau, dù họ đều là nhà thơ hàng đầu ở thời họ! Xuân Diệu, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Quang Thiều, Đinh Linh cho đến tận hôm nay: Lê Vĩnh Tài

2.

Do đó, không lạ khi nổ ra vụ phản đối giải thưởng thơ trên báo Văn nghệ vừa qua, ở đó đại biểu của nó là bài “Mẹ tôi chửi kẻ trộm”. Bỏ qua bên các ý kiến thiếu thiện chí, sự thể nói lên sự trông đợi của độc giả thơ là khá lớn.

Không thỏa mãn, họ thất vọng và phản ứng. Lắm khi thất vọng và phản ứng sai.

Ở một thời chưa xa, cụ Huỳnh Thúc Kháng đòi nọc Lưu Trọng Lư ra đánh roi; và trong lúc Xuân Diệu không cho thơ Nguyễn Đình Thi là thơ, thì Tố Hữu chẳng chút ngần ngại khi thò tay sửa nát bét tập thơ thi sĩ tài hoa đậm tính cách mạng này. Cũng chớ quên vụ nhà thơ Trần Mạnh Hảo kêu đích danh thơ Nguyễn Quang Thiều là loại thơ giả cầy, thơ dịch mà dịch rất tồi! Đinh Linh là nhà thơ Việt hải ngoại sáng giá, không ít nhà thơ trong nước kêu đó không phải là thơ. Cứ thế, tiếp tục chương trình…

3.

Thời đại thay đổi, thơ phải thay đổi, qua đó thói quen thưởng thức thơ cũng phải thay đổi. Không chịu thay đổi, ta rớt lại phía sau. Bị bỏ lại, và không theo kịp, ta ra sức công kích người khai phá. Làm gì? Tôi phân thơ làm ba “loài” khác nhau.

Người làm vần để phục vụ đại chúng, gồm các nhà thơ phường xã, câu lạc bộ thơ hưu trí, thơ báo tường. Thơ ưa chuộng của bộ phận này là thể thơ cũ, lục bát đậm đà bản sắc, thơ có vần điệu êm tai, dễ lưu truyền và dễ nhớ.

Nhà thơ tiếp hiện luôn ở tư thế tiếp nhận và thể hiện các thành tựu gần. Họ sáng tác vừa với “tầm mong đợi” horizon of expectations của đại đa số độc giả đương thời, bằng cách mở rộng và khuếch trương cái hay, đẹp của thế hệ trước đó hoặc của chính mình.

Nhà thơ khai phá là kẻ luôn luôn trên đường phiêu lưu, thay đổi và làm mới. Họ sẵn sàng làm mếch lòng độc giả đã từng yêu mến họ, kiếm tìm bộ phận độc giả mới, khác. Bởi họ dám thay đổi cách viết, thay đổi cả mĩ học sáng tạo.

Mỗi loại thơ, mỗi “loài” nhà thơ tồn tại đều cần thiết. Tùy thế đứng và ý hướng viết, cả ba đều có ích cho cộng đồng, khi hệ mĩ học của độc giả đang bị phân hóa tạo nên tình trạng đa nguyên trong thưởng thức và cảm thụ văn học. Khi học biết xử sự công bằng ba “loài” trên, ta sẽ có cái nhìn mở về thơ và nhà thơ, qua đó sự phân biệt đối xử mới bị loại bỏ.

4.

Trở lại với thơ đoạt giải trên báo Văn nghệ.

Thơ dẫu là loài vô bằng cỡ nào, hoặc trình độ thưởng thức và cảm thụ văn chương bị phân hóa tới đâu, không phải là không thể [lôi nhau ra tòa] phân xử. Này nhé, nhà phê bình có thể truy vào năm thành tố: Cấu trúc bài thơ kia khác lạ tới đâu; thơ ca là nghệ thuật của ngôn từ, vậy ngôn từ nơi ấy độc sáng thế nào; thi ảnh mới mẻ chỗ nào; tứ thơ độc đáo ra sao; và cuối cùng toàn bài thơ có làm lay động [con tim/ khối óc] người đọc không?

Qua theo dõi vụ nổ vừa qua, tôi thấy ta chưa công tâm với nhà thơ. Hoặc phê phán đầy cảm tính và tùy tiện, hoặc từ lô cốt hệ mĩ học của mình, ta phán xét, chứ chưa đặt trên một nền tảng thuyết phục.

Tôi từng đề nghị lối “phê bình đi vào trong”. Trước một văn bản cụ thể, với tư cách người làm phê bình, bạn cần ‘đi vào trong’ hệ mĩ học của tác phẩm - dù tác phẩm đó thuộc loài cổ điển, hiện đại hay hậu hiện đại - để nhận ra cái ‘hay’, cái ‘đẹp’ của nó. Một nhà phê bình mà chỉ chấp nhận cái ‘hay - đẹp’ của sáng tác thuộc hệ mĩ học mình ưa chuộng, thì vừa bất lực trước văn bản thơ lạ lẫm, vừa không tránh khỏi phân biệt đối xử với loài thơ khác gu của mình. Đây là điều diễn ra ngày qua ngày trên văn đàn, vài chục năm qua. Học biết chấp nhận [những] cái khác others là khởi đầu cho tinh thần dân chủ.

5.

Làm gì trước mắt? Bàn tròn Văn chương - một tổ chức ngoại vi của Hội Nhà văn Việt Nam vào cuối thập niên 2010, hoạt động vừa chuyên nghiệp vừa lành mạnh, hi vọng sẽ được khởi động lại. Nữa, cơ quan cấp hai của Hội, báo Văn nghệ phải là diễn đàn mở đúng nghĩa của nhà văn và Hội Nhà văn, từ nêu quan điểm văn chương đến trao đổi, tranh luận học thuật liên quan đến nhà văn và văn học. Tác phẩm đoạt giải thưởng thường niên của Hội Nhà văn, công việc xét kết nạp hội viên, hội nghị văn học, vân vân bị dư luận xét nét, mục ”diễn đàn” ở báo Văn nghệ phải là tiếng nói phản hồi đáng tin cậy.

Chỉ như vậy Hội Nhà văn mới lấy lại uy tín vốn có của mình.

Đó là ba ý định hay đề nghị của tôi với tư cách Chủ tịch Hội đồng Thơ, được hay không còn tùy thuộc vào nhiều thứ khác.

*

INRASARA (tên thật: Phú Trạm)

Quê quán: Mỹ Nghiệp, thị trấn Phước Dân

huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận.

Địa chỉ: (Đang cập nhật)

 

 

 

 

.............................................................................................................

- Cập nhật từ email: quanboyman1992@yahoo.com.vn ngày 15.04.2021.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến. 

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

.

0 comments:

Đăng nhận xét