(Nhà văn Văn Lê) |
VĂN LÊ - TRÁI TIM NÓNG BỎNG
TRONG MÙA HÈ GIÁ BUỐT
*
(Tác giả Ngô Vĩnh Bình) |
Là một người trực tiếp tham gia
Chiến dịch Mậu Thân – 1968, lại từng có cơ hội tiếp xúc với nhiều tư liệu lịch
sử thuộc dạng “tuyệt mật” và gần gũi với những nhân vật, những tướng lĩnh trong
cuộc nên Văn Lê có nhiều thuận lợi trong việc tái hiện sự kiện hùng tráng và bi
thương này. Ông đã dành nhiều trang viết cả văn học và điện ảnh cho sự kiện Mậu
Thân – 1968 với một trái tim ấm nóng của một nhà văn, một nghệ sĩ.
Như nhiều người cầm bút khác,
Văn Lê khởi đầu làm thơ, và mới ở tuổi 26, ông đã đoạt Giải A cuộc thi thơ của
báo Văn Nghệ (cuộc thi Thơ năm 1974-75), bắt đầu khẳng định tên tuổi mình trên
thi đàn. Sau đó, ông được trao Giải B cuộc thi thơ của Tạp chí Văn nghệ Quân
đội năm 1982, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1994 về đề tài chiến tranh
cách mạng… Nhưng có lẽ nhắc đến Văn Lê phải nhắc đến bộ ba tiểu thuyết một thời
gây xôn xao văn giới: Nếu anh còn được sống, Cao hơn bầu trời và Mùa hè giá
buốt, trong đó Mùa hè giá buốt (xuất bản năm 2008) đoạt Giải B (không có Giải
A) – giải thưởng Văn học Nghệ thuật 5 năm Bộ Quốc phòng (2004-2009) và Giải A
Giải thưởng Văn học nghệ thuật thành phố Hồ Chí Minh 5 năm (2006-2011), đó cũng là
lần trao giải thưởng 5 năm đầu tiên của Thành phố.
Là một người trực tiếp tham gia
Chiến dịch Mậu Thân – 1968, lại từng có cơ hội tiếp xúc với nhiều tư liệu lịch
sử thuộc dạng “tuyệt mật” và gần gũi với những nhân vật, những tướng lĩnh trong
cuộc nên Văn Lê có nhiều thuận lợi trong việc tái hiện sự kiện Mậu Thân 1968.
Nhà văn có lần tâm sự: Chiến dịch này đã ám ảnh hầu hết những người trong cuộc
còn sống sót; đồng thời cũng là nỗi bức xúc của nhiều cán bộ lãnh đạo cao cấp
về sự thành bại của nó. Tôi viết về Mậu Thân- 1968 để mọi người chiêm nghiệm,
suy ngẫm thêm về cuộc chiến. Bấy giờ bộ đội ta từ trên rừng xuống đồng bằng và
đánh vào thành phố với tâm trạng vô cùng hưng phấn, giống như sắp vào trận đánh
cuối cùng. Cấp trên dường như cũng có ý định chấm dứt chiến tranh bằng chiến
dịch này. Sau đợt 1, quân giải phóng thu được một số thắng lợi, Mĩ đề nghị phía
Việt Nam ngồi vào bàn đàm phán. Nhưng có lẽ do ý muốn cấp trên đánh cho địch
“lấm lưng” nên đã tiến công đợt 2 nhằm vào ngày 4 tháng 5. Chính đợt 2 này,
trước sự phòng bị và phản công quyết liệt của địch, quân ta đã bị tổn thất rất
lớn. Chỉ riêng mặt trận Sài Gòn mất gần 55.000 chiến sĩ. Cái giá xương máu phải
trả quá lớn!”.
Tiểu thuyết Mùa hè giá buốt kể
về số phận của Tiểu đoàn bộ binh 505 trong chiến dịch Mậu Thân và xoáy vào đợt
hai của cuộc chiến đấu. Hơn chín phần mười quân số của tiểu đoàn đã hi sinh.
Toàn thể cán bộ Ban chỉ huy tiểu đoàn không một ai sống sót (tr551). Tiểu đoàn
trưởng Nguyễn Sỹ Việt, vốn là một sinh viên Sài Gòn, một cán bộ kiên gan đầy
triển vọng cũng hi sinh, mang theo một mối tình lãng mạn, đẹp như một bài thơ!
Tiểu thuyết đã dựng lại những trận chiến dữ dội, bằng lối miêu tả trực diện làm
toát lên cái khốc liệt của cuộc chiến đấu với những mất mát hi sinh ghê gớm.
Đọc Mùa hè giá buốt, người đọc
thường gặp những câu chuyện, những chi tiết, gây cảm giác mạnh và đầy yếu tố
bất ngờ cuốn hút, qua đó, người đọc thấy được trái tim rộng lớn bao la và ấm
nóng của một người cầm bút. Như chuyện của anh lính Quách Trung Đoan: Sau trận
đánh, khi được giao nhiệm vụ đi thu dọn chiến trường Đoan thường đi sờ ngực áo
những người lính Sài Gòn chết làm anh em trong đơn vị dị nghị và có người đòi
xem xét kỉ luật anh ta. Chỉ đến khi biết mình sắp hi sinh anh đã thú thật với
tiểu đoàn trưởng Việt: “Em đã giấu cấp trên về lí lịch của mình. Nhà em có ba
anh em trai. Em ở đây, còn hai em nhỏ đang đi học ở nhà thì bị bắt lính. Thế là
anh em bắn nhau. Em buồn lắm. Cứ mỗi lần đụng độ với lính Sài Gòn là em có cảm
giác như đang giết em mình. Sau mỗi trận đánh, em thường lật xác đối phương,
tìm xem nơi ngực áo có tên em mình không. Trong lòng em không lúc nào hết dằn
vặt. Em luôn nghĩ rằng thà mình chết bởi tay các em, còn giết chúng thì em
không thể. Chuyện là như vậy. Bây giờ… thì em… mãn nguyện rồi!”. Lại có người
lính trẻ sau trận thắng đã giãi bày tâm sự một cách thực lòng với cấp trên qua
trang nhật kí: “Em sợ phải nhớ lại những gì xảy ra trong những ngày qua. Em
muốn quên hết mọi thứ… Em cũng không muốn một ai được biết những điều có thật
đã xảy ra trong mùa hè này.” (tr 513). Chỉ vậy thôi mà cái “mùa hè nọ đã trở
nên giá buốt”, trở nên khác thường!
Về đề tài Mậu Thân – 1968, Văn
Lê không chỉ có Mùa hè giá buốt ông còn có các tập thơ và trường ca; lại có bộ
phim tài liệu Sài Gòn xuân 68 đầy ấn tượng, phản ánh sự đau thương
mất mát của chiến sĩ, đồng bào thành phố trong sự kiện bi tráng này. Bộ phim đã
gây xúc động mạnh, được trao giải thưởng Galaxy của Nhật Bản và cũng là bộ phim
tài liệu mà Văn Lê tâm đắc.
Văn Lê là nhà thơ, nhà văn,
đồng thời là nhà biên kịch, viết kịch bản và đạo diễn phim. Ông là tác giả kịch
bản phim Long thành cầm giả ca – tác phẩm đoạt giải nhất trong cuộc thi viết về
1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Long thành cầm giả ca được Đào Bá Sơn đạo diễn
và đoạt giải Cánh diều vàng năm 2010, riêng Văn Lê nhận giải “Biên kịch xuất
sắc” nhất. Ngoài phim này Văn Lê còn biên kịch nhiều bộ phim khác, như: Thiện
và ác, Những ngôi chùa cổ Việt Nam, Từ một bức ảnh, Má Mười Tân Trụ… và là đạo
diễn các phim tài liệu: Cái bến, Sợ dây thừng bện chặt, Di chúc những oan hồn…
Nhà văn Văn Lê cũng là một người
bạn thân và gần với các nhà văn Quân đội, một cộng tác viên thân thiết và thủy
chung của Tạp chí Văn nghệ Quân đội suốt nhiều chục năm nay. Được tin ông đột
ngột ra đi, anh em Nhà số 4 rất bất ngờ, ai cũng ngậm ngùi tiếc nhớ!
*.
NGÔ VĨNH
BÌNH
Quê quán: Thôn Thụy Lôi, xã Thụy Lâm,.
huyện Đông
Anh, tỉnh Hà Nội
Thường trú: quận Hoàn Kiếm, tp Hà Nội.
.............................................................................................................
- Cập nhật
từ email: tranchicuong27@yahoo.com.vn gửi ngày 15.12.2020.
- Bài viết
không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
0 comments:
Đăng nhận xét