VỀ BÀI ĐIẾU VĂN CỦA ÔNG NGUYỄN QUANG THIỀU - Tác giả: Trần Mạnh Hảo (Sài Gòn)

Leave a Comment

 

VỀ BÀI ĐIẾU VĂN CỦA ÔNG

NGUYỄN QUANG THIỀU

*

KÍNH CHÀO NHỮNG NGỌN GIÓ CỦA TỰ DO, NHỮNG DÒNG SÔNG CỦA TỰ DO, NHỮNG ĐÁM MÂY CỦA TỰ DO, NHỮNG CƠN MƯA CỦA TỰ DO !

 

(Tác giả Trần Mạnh Hảo)

Nhờ bài điếu văn lịch sử của chủ tịch Hội Nhà Văn Nguyễn Quang Thiều đọc trong đám tang văn hào Nguyễn Huy Thiệp, tôi chợt phát hiện ra ông Thiều là một nhà tư tưởng, hơn nữa là một nhà tư tưởng của tự do. Nguyễn Quang Thiều, sau nữa là Trần Mạnh Hảo là hai người ca ngợi văn tài của Nguyễn Huy Thiệp nhất. Nhưng Nguyễn Quang Thiều hơn tôi, tất nhiên là hơn cả Hữu Thỉnh một cái đầu. Vì ông Thiều đã nâng tinh thần văn chương Nguyễn Huy Thiệp lên thành biểu tượng của tự do, biểu tượng của sự giải thoát, bằng bài thơ chưa có tên ở cuối điếu văn, mà tôi mạo muội đặt tên nó là: TỰ DO.

Khái niệm TỰ DO là khái niệm của người Hi Lạp cổ gắn với tự do cá nhân, gắn với bầu cử tự do, gắn với đấu tranh nghị trường mang tinh thần dân chủ. Plato đã nói: “Không có tự do, không có con người”. Khẩu hiệu của Cách mạng Pháp : TỰ DO- BÌNH ĐẲNG-BÁC ÁI, luôn đặt tự do lên trên hết, không có tự do, xã hội sẽ chẳng có gì hết. Marx gọi tổng thống thứ 16 của Mỹ Abraham Lincoln là ngọn đuốc của tự do. Marx trong một đoạn văn đã nói đại ý : tự do là sự thăng hoa của con người vươn lên thoát khỏi tư hữu. Bác Hồ ta nói: “Không gì quý hơn độc lập tự do”. Xem ra, cả Marx và Hồ Chí Minh đều khao khát tự do cho mỗi con người.

Nguyễn Quang Thiều, một đảng viên chói sáng của đảng, một học trò nhỏ của Marx và Hồ Chí Minh chắc là muốn nhắc khéo đảng ta cần thêm từ TỰ DO vào mục tiêu của khẩu hiệu của đảng hiện nay “DÂN GIÀU NƯỚC MẠNH XÃ HỘI CÔNG BẰNG DÂN CHỦ VĂN MINH”. Nếu đảng nghe lời đảng viên chủ tịch hội nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều mà cho thêm khái niệm TỰ DO vào khẩu hiệu trên mới đúng với tư tưởng Hồ Chí Minh.

Chúng tôi không hề ngoa ngôn, sau khi bỏ ra ba đêm mất ngủ để nghiên cứu học tập tinh thần tự do trong bài thơ TỰ DO của chủ tịch Nguyễn Quang Thiều cuối bài điếu văn Nguyễn Huy Thiệp, xin mạo muội đánh giá bài thơ này của Nguyễn Quang Thiều hay hơn bài thơ của nhà thơ Hunggari FETOFI:

TỰ DO

Szabadság, szerelem

Szabadság, szerelem!

E kettő kell nekem.

Szerelmemért föláldozom

Az életet,

Szabadságért föláldozom

Szerelmemet.

(Pest, ngày 1-1-1847)

TỰ DO

(Xuân Diệu dịch)

Tự do và ái tình

Vì các ngươi ta sống

Vì tình yêu lồng lộng

Tôi hiến cả đời tôi

Vì tự do muôn đời

Tôi hy sinh tình ái.

Còn đây là bài thơ TỰ DO của Nguyễn Quang Thiều:

Và lúc này chúng ta nghe, những ngọn gió ngân vang

Trên những ngọn núi, những cánh rừng Hua Tát

Cùng tiếng rì rầm mãnh liệt của những dòng sông

Chảy qua đêm tối về biển cả không gì ngăn được

Đâu đấy trên những cánh đồng nhớ thương hoàng hôn đau đớn

Một đám mây mang tên Nguyễn Huy Thiệp

Thả xuống những cơn mưa của tự do và lấp lánh

Trong dội vang tiếng sấm dọc chân trời

Lúc này trong những ngôi nhà nhỏ bé và mờ tối, những nhân vật của ông

Đang thắp những ngọn nến và cất lời cầu nguyện

Ông đã từng bước vào những ngôi nhà trong đêm đầy gió

Với đau khổ, yêu thương đến bầm nát tim mình

Hãy thanh thản ra đi, Nguyễn Huy Thiệp, hỡi chàng hiệp sỹ

Cùng thanh gươm ngôn từ hắt sáng ban mai

Những cánh đồng đang dâng hương như mùa xuân thứ nhất

Trên mỗi dấu chân chàng một ký tự sinh ra.

(hết trích thơ Nguyễn Quang Thiều)

Tất cả thơ của Nguyễn Quang Thiều trước đây tôi đã đọc và phân tích, khẳng định không phải là thơ. Nhưng nhờ cái chết của Nguyễn Huy Thiệp, lần đầu tiên trong đời, Nguyễn Quang Thiều đốc ra làm thơ hay, mà là cực hay, vượt xa thơ Hữu Thỉnh.

Xin phân tích:

Bài thơ xuôi của chủ tịch Thiều tràn đầy cảm xúc. Chừng như tinh thần tự do dân chủ, tinh thần chống áp bức, chống việc bắt văn nghệ phải phục vụ chính trị, chống quan niệm Mao ít coi văn nghệ là nô bộc của chính trị đã biến thành thi hứng, thành những dòng sông tự do, những đám mây tự do, những ngọn gió của tự do, những cơn mưa tự do rơi xuống mảnh đất hình chữ S đang là sa mạc, khát khao ân sủng tự do rơi xuống từ tinh thần văn chương của Nguyễn Huy Thiệp…

Mà tinh thần khát khao tự do của văn hào Nguyễn Huy Thiệp lại xuất phát từ nghị quyết 5 trung ương cởi trói cho văn nghệ sĩ và trí thức, được Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đã ký do trưởng ban văn hóa tư tưởng Trần Độ chắp bút…

Đọc bài điếu văn của chủ tịch Thiều, nghe đồn anh em văn nghệ và trí thức từng tham gia hay có cảm tình với phong trào đòi tự do dân chủ của khối 8406 hoan hô chủ tịch Nguyễn Quang Thiều bằng bài điếu văn đọc trong đám tang Nguyễn Huy Thiệp đã gián tiếp tham gia khối 8406.

Tôi trả lời: quý vị lạc quan tếu quá sớm. Chủ tịch Thiều dẫu chết cũng không bao giờ chống đảng. Ông chỉ mong đảng thay đổi, trả tự do cho nhân dân, đừng trói văn nghệ sĩ trí thức như nghị quyết 5 của đảng đã khẳng định, theo tinh thần tự do của Marx và Hồ Chí Minh, theo tinh thần tự do dân chủ nhân văn mà cả đời cầm bút, văn hào Nguyễn Huy Thiệp đã thể hiện bằng máu mực của mình.,.

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Chuyện làng văn0

- Kho sách0

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 1l

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 2l

 

Mời nghe Đặng Xuân Xuyến đọc bài thơ QUÊ NGHÈO:

*.

Sài Gòn 26-03-2021

TRẦN MẠNH HẢO

Địa chỉ: 21/22 Xuân Thủy, phường Thảo Điền, 

quận 2, Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh.

Email: cokhicon@gmail.com

Điện thoại: 091 841 00 42

 

 

 

 

.............................................................................................................

- Cập nhật từ email: tahongtruong@yahoo.com.vn, ngày 10.04.2021.

- Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

0 comments:

Đăng nhận xét