THẦY GIÁO CHU CHẤM PHÚC KHẢO BÀI THƠ MẸ TÔI CHỬI KẺ TRỘM - Tác giả: Chu Mộng Long (Bình Định)

Leave a Comment

 

THẦY GIÁO CHU CHẤM PHÚC KHẢO

BÀI THƠ MẸ TÔI CHỬI KẺ TRỘM

*

(Tác giả Chu Mộng Long)

Không cần khoe Tiến sỹ dạy Lý thuyết phê bình văn học. Tôi chỉ khiêm tốn khoe làm thầy giáo chấm văn học sinh tiểu học. Em Tòng Văn Hân thông cảm, vì dù sao tôi cũng là thầy giáo chấm văn nhiều thế hệ. Hứa chấm đúng theo yêu cầu của Tân Chủ tịch Hội đồng thơ Hội Nhà văn, Inra Sara.

Tân Chủ tịch Hội đồng thơ đưa ra 5 tiêu chí: Cấu trúc lạ, ngôn từ độc sáng, thi ảnh mới mẻ, thi tứ độc đáo, cảm xúc lay động trái tim / khối óc người đọc (xem nguyên văn stt trước). Cái giọng "Này nhé" của ông hiển nhiên khẳng định bài thơ Mẹ tôi chửi kẻ trộm đạt cả năm. Tiếc là ông không thèm chứng minh cho thiên hạ thông. Coi như ông thách tôi chứng minh vậy! Tôi chứng minh cụ thể từng tiêu chí, không nói vo cho ra vẻ bác học như các ông.

1) Bài thơ Mẹ tôi chửi kẻ trộm đúng là cấu trúc lạ. Lạ đến mức xưa nay chưa ai kể chuyện bằng văn xuôi rồi ngắt xuống hàng từng câu để gọi là Tân hình thức. Ngay cả thơ Tân hình thức trên thế giới cũng không làm cái việc đơn giản như vậy, vì đó chỉ có thể là của học sinh lớp 2 chưa hiểu đoạn văn là gì. Lạ nhất là dù xuống hàng mà vẫn đọc liền mạch như đọc truyện (đọc hết truyện gà heo leo nhanh đến truyện người) chứ không có khoảng trống nào để chữ thăng hoa và người đọc tưởng tượng.

2) Thơ là nghệ thuật ngôn từ, dù có dở đến cỡ nào, bình dân cỡ nào cũng phải loé sáng lên một chút câu chữ có chất thơ. Đằng này bài thơ Mẹ tôi chửi kẻ trộm dùng ngôn từ "rất mộc mạc" đúng như Ban Giám khảo nhận định. Không chỉ mộc mạc mà nhiều câu còn ngô ngố như học sinh dân tộc thiểu số mới học nói tiếng Việt. Chẳng hạn "Đàn tiếp đàn núc ních/Lứa tiếp lứa không ngừng" là nói con lợn chơi rồng rắn lên mây chứ lợn đẻ thì phải có thời gian mọng chín hoa sung rồi làm trò gì nữa chứ? Làm thơ ngô ngố như học sinh dân tộc thiểu số mới học tiếng Việt là độc sáng về nghệ thuật ngôn từ chứ còn gì nữa? Chẳng phải nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc nói từ "Thơ" tiếng Việt có gốc là thơ ngây, thơ thẩn, thơ dại..., tức ngô ngố gì đó sao?

3) Ngôn từ là ký hiệu trừu tượng, bản thân ký hiệu ngôn từ không có "thi ảnh" tức màu sắc như hội hoạ hay âm thanh như âm nhạc được. Cả bài thơ toàn câu kể thì càng khó có thi ảnh. Nhưng bài thơ Mẹ tôi chửi kẻ trộm thì đúng là có thi ảnh rất mới mẻ. Bạn đọc hãy ráng mà tưởng tượng bà mẹ đứng ở hàng rào chửi vống sang hàng xóm. Đã chửi thì phải tốc váy, mà chửi yêu thì tốc váy càng cao. Rồi ta ráng hình dung có bốn thằng đàn ông nghe và xem được những gì đang diễn ra. Rồi bốn thằng đó hình dung bà còn đứa con gái bị nhốt trong nhà như nhốt con gà con lợn. Cái mới mẻ ở đây là "mờ mờ thi ảnh", nên tưởng tượng sâu xa bao nhiêu cũng được, đúng không?

4) Thi tứ của bài thơ ai cũng hiểu là "dĩ ân báo oán", "phúc đức tại mẫu". Nếu chỉ dựa vào mấy cái thành ngữ Hán Việt ấy thì cổ lỗ, nhưng ở chiều sâu bên trong thì thật là mới mẻ, độc đáo. Mới mẻ, đúng ra, theo Lưu Hiệp, là sự kỳ diệu khi có sự gặp gỡ giữa ý và hình. Thành ngữ mới chỉ là ý, chuyện gà lợn và chuyện người mới độc, lạ về hình. Toàn tứ dồn vào cuối bài: nhà có một cô gái mà có đến "bốn nhà" đặt hàng để mua làm con dâu. Xin lỗi, vì tập tục miền núi vẫn là mua vợ hay mua chồng, nếu không thì cướp hôn. Tứ là sự thống nhất tư tưởng toàn bài, nối kết các hình khác nhau lại với nhau. Trên nói chuyện trộm gà, trộm lợn thì ắt ở dưới nói chuyện cướp gái như cướp gà cướp lợn. Tính nhân văn nổi lên ở đây là không phải mua hay cướp nữa, vì mẹ đã chửi yêu thì mẹ sẽ cho không, khỏi trộm cướp. Và với cái tứ ấy, "bốn nhà" mê gái như mê gà mê lợn kia phải là bốn thằng trộm cướp. Có thể hình dung khi rình nghe bà mẹ chửi yêu, bốn tên trộm cướp, tứ trụ của làng, đã sung sướng nhảy ra công khai tuyên thệ đã là hôn phu của cô gái mà chưa cần bà mẹ chính thức gật đầu! Gái như vậy là cao giá, phúc đức ba đời nhỉ?

5) Với cấu trúc, ngôn từ, thi ảnh, thi tứ như trên mà ai không bị lay động con tim, khối óc của mình thì là không có con tim, khối óc. Không biết có đúng không, nhưng chắc chắn, ai có máu trộm gái như trộm gà trộm lợn thì lay động không chỉ con tim, khối óc mà còn lay động toàn thân!

Này nhé, tôi chấm văn theo hệ hình tân mỹ học, rất hậu hiện đại, chứ không nằm trong "lô cốt mỹ học" cổ lỗ để "phê bình bên ngoài", tức sờ lông mẹ con nhà kia, à lộn, sờ lông bài thơ như ngài Tân Chủ tịch Hội đồng thơ nhắc nhở. Phê bình như vậy là sâu tận bên trong của "phê bình bên trong" đấy!

Kết luận, với tư cách một thầy giáo có kinh nghiệm chấm văn tiểu học nhiều năm, tôi vui tôi sướng biết bao nhiêu, tôi đứng về phe Chủ tịch Thiều khi đồng ý với ngài Tân Chủ tịch hội đồng thơ rằng bài thơ xứng đáng đoạt giải cao nhất của Hội Nhà văn, thậm chí giải Nobel vì xưa nay chưa có bài thơ nào mới, lạ, độc đáo, độc sáng như bài thơ này.

Ghi chú: Bạn nào phản đối thì tôi bịt mồm chứ không tranh cãi!

*.

CHU MỘNG LONG (tên thật Châu Minh Hùng)

Địa chỉ: Khoa GD Tiểu học Mầm non, Đại học Quy Nhơn

170 An Dương Vương, phường Nguyễn Văn Cừ,

thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định

Điện thoại: 0982.03.61.75

..

.

 

 

 

 

.............................................................................................................

- Cập nhật từ email: quanboyman1992@yahoo.com.vn ngày 15.04.2021.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến. 

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

.

0 comments:

Đăng nhận xét