NÓI LẠI ĐIỀU NÀY ĐỂ KHÔNG BÀN ĐẾN NỮA - Tác giả: Trần Đăng Khoa (Hà Nội)

Leave a Comment

 

NÓI LẠI ĐIỀU NÀY

ĐỂ KHÔNG BÀN ĐẾN NỮA

*

(Tác giả Trần Đăng Khoa)

Vâng! Đúng thế. Chẳng nên nói mãi về một chuyện đáng buồn này. Ngày 30 tháng Tư đã qua cách đây đúng một tuần rồi. Ngày 30 tháng Tư năm 1975 còn xa hơn nữa, cách hôm nay đến 43 năm, gần một nửa thế kỷ. Vậy mà hôm nay tôi vẫn phải bàn đến nó. Bàn đến nó để hy vọng không phải nói lại câu chuyện này nữa. Đây là một mảng lịch sử. Và theo tôi, là tư liệu đáng tin cậy nhất về sự kiện lịch sử này. Bởi đây là tiếng nói của người trong cuộc, trong đó có một phóng viên nước ngoài, nhà báo Đức chuyên nghiệp Borries Gallasch, người đã cho quân giải phóng mượn chiếc máy ghi âm để ghi lời đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh. Ông là người chứng kiến toàn bộ sự việc. Ông cũng đã viết cả một cuốn sách về sự kiện này. Cuốn sách ấy cũng đã được dịch sang tiếng Việt.

Vậy mà chúng ta vẫn cứ tranh luận, thậm chí cãi nhau, bất phân thắng bại về người thảo lời đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh. Cuộc tranh luận kéo dài suốt mấy chục năm qua. Tôi cũng đã viết về anh Bùi Quang Thận, người cắm cờ ở Dinh Độc Lập và anh Ngô Văn Nhỡ, đại uý xe tăng, người đã hy sinh trước của ngõ Sài Gòn đúng buổi trưa ngày 30-4-1975. Từ năm 1996, khi tôi về quân đoàn II lấy tư liệu viết loạt bài này thì ở Quân đoàn vừa diễn ra Hội thảo lịch sử về người thảo thư đầu hàng cho Tổng thống Dương Văn Minh. Lúc đó, anh Phạm Xuân Thệ đang là Trung tướng, Tư lệnh quân đoàn. Anh cũng nói với tôi và nhà thơ Vương Trọng, như anh đã nói trong nhiều cuốn phim về sự kiện lịch sử buổi trưa 30-4-1975. Nhưng ngay từ dạo đó, chúng tôi cũng đã không tin, dù hồi đó không có tư liệu cụ thể như bây giờ.
Không tin vì hai lý do: Một: Văn bản đầu hàng cho Dương Văn Minh rất chặt chẽ, kín kẽ, phải là văn của Chính uỷ, chứ khó có thể là văn của một anh Đại uý, chỉ huy quân sự, giỏi chiến đấu, chứ khó có sự kín kẽ như một nhà chính trị. Tất nhiên đấy chỉ là suy luận thôi, và điều đó cũng không mấy chắc chắn, vì không ít anh chỉ huy quân sự mà cũng rất kín kẽ, rất "chính trị". Và điều thứ hai, điều này mới quan trọng hơn: Anh Thệ chỉ làm những điều như anh nói, khi không có anh Bùi Tùng. Khi anh Bùi Tùng đã có mặt thì anh Thệ không thể "trèo lên đầu" anh Bùi Tùng được, vì anh Tùng là cấp trên, là chỉ huy cao nhất, Trung tá, Chính uỷ Lữ đoàn, còn anh Thệ mới chỉ là Đại uý, Trung đoàn phó, chức vụ và cấp bậc cách xa anh Tùng lắm, nên anh Thệ không thể "chơi trội". Trừ khi anh Tùng giao cho anh Thệ làm việc đó. Kỷ luật quân đội, đâu có đùa. Chỉ chênh nhau một cấp đã khác rồi, ở đây chênh đến mấy cấp, nên không có chuyện đó được.

Sau này, dự Hội thảo, anh Thệ là Trung Tướng, Tư lệnh Quân khu, còn anh Bùi Tùng chỉ là ông Đại tá đã về hưu, lại là cấp dưới anh Thệ cũng rất xa, vì thế mới có sự nhập nhẹm, nên Viện Lịch sử Quân sự mới có kết luận theo kiểu vui vẻ cả, như chia xôi trong mâm cỗ: Anh Thệ thảo thư đầu hàng, anh Tùng thảo thư chấp nhận đầu hàng. Đó là sự trí trá. Cần trả lại sự thật cho lịch sử. Sự thật là anh Thận cắm cờ trên nóc dinh, anh Tùng thảo thư đầu hàng của Dương Văn Minh và thư chấp nhận đầu hàng của Quân Giải phóng. Anh Thệ có mặt trong dinh và dẫn Tổng thống Dương Văn Minh ra xe đi cùng Dương Văn Minh sang Đài phát thanh. Thế thôi. Chính vì thiếu sự khách quan mới có chuyện lùm xùm. Anh Nguyễn Khắc Nguyệt, một người lính trận, có mặt tại Dinh Độc Lập đã phải lên tiếng trong Facebook của mình: "Sự kiện 30.4.1975, lịch sử không bao giờ chấp nhận sự ngoắt ngoéo, mù mờ. Mặc dù cuộc Hội thảo đã đưa ra kết luận song cái kết luận này lại gây ra phản ứng dữ dội từ một số nhân chứng và sự không đồng tình, không "tâm phục, khẩu phục" trong dư luận chung. Cuộc bút chiến, tranh luận vẫn tiếp tục. Ngay sau khi báo chí đưa tin nội dung kết luận của Viện Lịch sử Quân sự, từ thành phố Hồ Chí Minh, đại tá Bùi Tùng đã lập tức phản ứng. Ông cho rằng "kết luận" đó không khách quan, nghiêng về phía Trung tướng tư lệnh Quân khu I Phạm Xuân Thệ và yêu cầu phải tiếp tục làm sáng tỏ sự thật lịch sử”.

(Nhà báo Đức Borries Gallasch ngồi bên cạnh Tướng Dương Văn Minh)

Và nhà báo Đức, ông Borries Gallasch đã phải lên tiếng. Ta hãy nghe tiếng nói của ông. Cứ như lời ông thì "Ông Thệ vào Dinh trước ông Bùi Tùng. Nhưng khi đó trong Dinh rất hỗn loạn. Chẳng ai bảo được ai. Trật tự chỉ được thiết lập khi ông Bùi Tùng xuất hiện sau đó ít phút". Và rồi sau đó: "Ông Dương Văn Minh, ông Vũ Văn Mẫu và ông Bùi Tùng đã rời khỏi phòng, theo sau là những người đã có mặt tại đây để sang đài phát thanh. Chúng tôi bước xuống cầu thang ra bãi cỏ, đến ngang chỗ vòi phun nước, tổng thống Dương Văn Minh và thủ tướng Vũ Văn Mẫu leo lên một chiếc xe jeep được bảo vệ bởi hai chiến sĩ giải phóng. Đại úy Phạm Xuân Thệ đi xe này. Chính ủy Bùi Tùng và một người lính khác lên chiếc xe thứ hai. Tôi đang đứng ngay cạnh chiếc xe jeep nói chuyện với ông Bùi Tùng bằng tiếng Pháp, cố gắng xin ông ta để được lên xe. Ông gật đầu đồng ý. Luật sư Đỉnh với bộ râu dài cũng leo lên chiếc xe jeep này và chúng tôi lái đi. Chỉ có hai chiếc xe này của chúng tôi chạy giữa thành phố lúc ấy - một thành phố đã từng sôi sục mà nay sự sợ hãi bỗng nhiên được làm dịu đi - qua tòa đại sứ Mỹ trống hoác, đến đài phát thanh nằm trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Chúng tôi đi vào phòng thu nhỏ trên lầu một. Những kỹ thuật viên của chính đài này đã tháo chân dung của Nguyễn Văn Thiệu từ trên tường xuống và ném qua cửa sổ ra sân. Chúng tôi ngồi bất động một lát. Ông Mẫu quạt mặt mình bằng một quyển sách. Tổng thống Dương Văn Minh và chính ủy xe tăng Bùi Tùng ngồi trên hai chiếc ghế và tôi ngồi giữa họ tại một chiếc bàn nhỏ. Ông Tùng thảo văn kiện đầu hàng trên một mảnh giấy màu xanh. Ông viết khá vất vả. Có lúc ngồi bất động trong khi thảo ra được một vài từ rồi đến từ nữa, rồi lại thay thế bằng những từ khác. Sau 30 năm chiến đấu cho một mục đích, thật là khó để biết phải viết như thế nào. Nhưng rồi cũng viết xong. Cuối cùng mọi người đã sẵn sàng, nhưng không ai trong số người này biết sử dụng máy ghi âm. Chính ủy Tùng hướng dẫn rất rõ ràng những việc phải làm: ông Minh cần phải đọc lại bản tuyên bố vào máy ghi âm của tôi, việc này được lặp đi lặp lại đến ba lần. Lần đầu tiên ông Minh chần chừ vì được yêu cầu phải đọc là: "Tôi, Dương Văn Minh, tổng thống chính quyền Sài Gòn", nhưng ông ấy chỉ muốn nói: “Tôi, đại tướng Dương Văn Minh...”. Họ tranh luận qua lại và cuối cùng đi đến thỏa thuận: không nhượng bộ ông Minh. Ông Minh phải nói: "Tôi, đại tướng Dương Văn Minh, tổng thống của chính quyền Sài Gòn". Nhưng ông Minh không đọc được bản viết tay của chính ủy Tùng và nói sai nhiều lần. Tất cả mọi thứ lại phải được đọc lại từ đầu. Chật vật mãi cuối cùng cũng đã xong…"

(Trích từ sách của nhà báo Đức Borries. Ảnh Lê Trí Dũng)

Như vậy, mọi việc đã quá rõ ràng. Người thảo văn bản đầu hàng cho Tổng thống Dương Văn Minh và văn bản chấp nhận đầu hàng của Quân Giải phóng là ông Bùi Tùng chứ không phải ông Phạm Xuân Thệ. Đấy là chứng nhận của một nhân chứng, một người trong cuộc, lại là một nhà báo nổi tiếng quốc tế. Vậy thì còn tranh cãi gì nữa. Chuyện này đã có thể khép lại được rồi. Hy vọng đây là bài viết cuối cùng nói về một sự thật hiển nhiên, không có gì còn phải bàn cãi nữa. Tuy nhiên, chưa thấy Viện Lịch sử Quân sự có động thái gì phản ứng lại trước sự thật lịch sử này! Tôi rất mong Viện Lịch sử Quân sự cần phải kết luận lại. Vì đó là khoa học. Nếu nhập nhẹm, người ta sẽ không còn tin vào những trang sử khác cũng rất vinh quang của quân đội. Điều đó mới thật sự nguy hại.

*.

TRẦN ĐĂNG KHOA

(Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam)

Địa chỉ: phường Bồ Đề, quận Long Biên, tp Hà Nội.

Email: vovkhoa06@gmail.com 

 

.  

 

 

 

 

 

 

- ĐẶNG XUÂN XUYẾN giới thiệu -

(Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến)

.

0 comments:

Đăng nhận xét