VUA
MINH MẠNG TRỊ TỘI
BỌN
CƯỜNG HÀO TỈNH, HUYỆN, XÃ
Thời
phong kiến, hệ thống thanh tra của nhà nước gồm các cơ quan: Đô Ngự sử (từ thời
Nguyễn đổi thành Viện Đô sát) ở cấp trung ương, Giám sát Ngự sử ở cấp liên trấn
(thời Nguyễn là cấp liên tỉnh) và Hiến ty ở cấp trấn (thời Nguyễn là tỉnh). Mỗi
cơ quan, mỗi cấp thanh tra này có chức năng, nhiệm vụ riêng, song đều có nhiệm
vụ chung là kiểm tra, giám sát quan lại, phát hiện các vụ việc tiêu cực của họ.
Các cơ quan cũng như các chức quan của hệ thống thanh tra này hoạt động độc
lập, không phụ thuộc vào nhau và cũng không phụ thuộc vào cơ quan hành chính
cũng như cơ quan ngành dọc cùng cấp hoặc trên cấp. Chẳng hạn, một vị Hiến sát
sứ ở Hiến ty (thanh tra cấp tỉnh), phát hiện một vị quan tỉnh tham tang, có
quyền tâu thẳng lên Viện Đô sát, thậm chí tâu thẳng lên vua, không cần thông
qua Giám sát Ngự sử (thanh tra cấp liên tỉnh); cũng không phải thông qua Tổng
đốc hay Tuần phủ là các quan đứng đầu tỉnh đó.
Ngoài
ra, những khi một địa phương nào đó trải qua binh đao, quan lại ức hiếp dân
chúng gây tao loạn, các vua thường cử đoàn thanh tra đặc biệt, gọi là Kinh lược
sứ, gồm các quan đại thần có uy tín, tài năng và công tâm đến, có nhiệm vụ làm
rõ nguyên nhân, ổn định tình hình; được toàn quyền giải quyết các vụ việc ở địa
phương đó rồi tâu báo lại với vua.
Vào
tháng Tư năm Đinh Hợi, triều Vua Minh Mạng (tháng 5 năm 1827), tại trấn Nam
Định (từ năm 1831 đổi thành tỉnh Nam Định), nhân dân gặp nhiều đau khổ vì nạn
trộm cướp hoành hành và quan lại địa phương nhũng nhiễu, hà hiếp. Nhiều đơn
thư kêu cứu liên tiếp gửi vào triều đình Huế. Vua Minh Mạng bèn phái một đoàn
kinh lược sứ, đứng đầu là các quan đại thần Nguyễn Văn Hiếu Nguyễn Kim Xán ra
Bắc xem xét tình hình.
Đến
Nam Định, các quan Kinh lược một mặt khẩn cấp xét cấp tiền gạo cho những
người bị hại ở các làng quê; mặt khác đi đến các phủ huyện nào cũng cho phép
người dân được đến gặp quan thanh tra triều đình phản ánh tình hình quan lại
địa phương.
Sau
một thời gian, đoàn Kinh lược sứ thu được rất nhiều chứng cứ về các hành vi
tham tang, ức hiếp dân chúng của quan lại các cấp trấn này. Một số quan cấp
phủ, huyện bị đưa ra xét xử ngay, khiến cho nhiều quan các phủ huyện khác lo
sợ. Từ nỗi lo sợ “dắt dây” của quan lại các phủ huyện, các quan Kinh lược sứ
phát hiện ra đầu mối của tình hình tao loạn ở trấn Nam Định chính là một số
quan chức trấn này, gồm Cai án Phạm Thanh, Thư ký Bùi Khắc Tham. Họ là những kẻ
“gian tham, giảo quyệt, hung ác, người trong vùng đều oán giận”. Nghe tin có
quan Kinh lược sứ của triều đình về, các quan tham này đều lo sợ, đến nỗi Phạm
Thanh bỏ cả ấn tín, công sở chạy trốn.
Vụ
việc được tâu lên Vua Minh Mạng. Vua lệnh cho các quan Kinh lược sứ phải bắt
bằng được Phạm Thanh, bằng không sẽ bị xử theo luật “cố thả”. Vua lại dụ quở
trách các quan trấn thần Nam Định: “Lũ các ngươi làm quan trong hạt lại để
có nhiều kẻ tham lam, làm hại dân, rồi lại bao che cho chúng mà nói dối vua,
dám tâu rằng không xét thấy việc tham bỉ. Đến như Phạm Thanh tội lớn, khi Kinh
lược sứ đến nơi thì sự việc vỡ lở nên lọt tin ra để nó trốn được. Các ngươi
trị dân thì vỗ nuôi sai pháp, giặc nổi như ong; xét quan thì không biết phân
biệt, dung túng thiên vị, như thế thì khép vào tội cách chức chưa thỏa”.
Rồi
Vua ra lệnh giải chức của các quan đầu trấn Nam Định là Đỗ Văn Thịnh,
Trần Chính Đức, Vũ Đức Khuê; đồng thời lệnh cho họ trong ba tháng phải bắt được
những kẻ phạm tội, căn cứ vào đó để xét giảm tội hay không.
Nghe
tin vậy, Bùi Khắc Kham cũng bỏ trốn, nhưng ít lâu sau cùng bị bắt với Phạm
Thanh. Nhân dân địa phương lại đem các việc làm xấu xa của họ ra tố cáo. Vua
Minh Mạng sai giải bọn Thanh - Kham đến chợ trung tâm của trấn, chém ngang lưng,
tịch thu gia tài của chúng đem chia cho những người dân nghèo.
Đoàn
Kinh lược sứ còn đi xem xét một số phủ, huyện khác, điều tra và đề nghị trị
tội một số quan lại thoái hóa. Tri phủ Kiến Xương Nguyễn Công Tuy tham tang
phải tội chết, Đồng Tri phủ Ứng Hòa Phan Thọ Vực và Tri huyện Đại An
Nguyễn Văn Nghiêm cố ý dung túng cho các nha lại nhũng nhiễu hại dân đều bị
cách chức. Nhiều quan của các nha phủ khác qua tra xét thấy không xứng đáng
chức đã bị truất bãi về làm dân.
Lời bàn:
Vụ việc trên đây được ghi rõ trong sách Đại Nam thực
lục - bộ quốc sử của nhà Nguyễn. Từ vụ việc này cho thấy những bài học giá
trị với việc quản lý xã hội và công tác thanh tra, giám sát quan lại ở các địa
phương.
Một là, mặc dù hệ thống thanh tra của Nhà nước phong
kiến có đủ “lệ bộ”, quy chế thanh tra, kiểm tra, giám sát khá rõ ràng, thậm chí
với nguyên tắc thanh tra độc lập - như đã nêu ở trên, nhưng vẫn có không ít vụ
quan lại vi phạm pháp luật với hai tội danh, cũng là hai “đặc trưng” cơ bản là
lợi dụng chức vụ để tham tang và ức hiếp dân chúng; nhiều vụ diễn ra rất trầm trọng,
khiến triều đình phải cử đoàn thanh tra đặc biệt về xem xét mà vụ việc ở trấn
Nam Định trên đây là điển hình. Đó là vì, chỉ cần lơi lỏng một chút trong công
tác thanh, kiểm tra, các quan lại “sẵn sàng” lợi dụng những kẽ hở của pháp
luật, tình trạng thiếu hiểu biết pháp luật và nỗi lo ngại của người dân về
những nỗi khổ ải mỗi khi phải đến cơ quan công quyền, cơ quan pháp luật; sự
quan liêu của bộ máy công quyền, sự dung túng - và cả thông đồng, “bảo kê” của
quan trên; tình trạng thông tin liên lạc kém v. v. để phạm tội. Cho nên,
công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát luôn phải thường xuyên, sâu sát mới có
thể ngăn chặn, hạn chế tình trạng quan lại lợi dụng để phạm tội; không thể để
khi sự việc xảy ra mới cử đoàn thanh tra đặc biệt về giải quyết, bởi khi đó,
hậu quả đã rất nặng nề.
Hai là, cả một “bộ sậu” quan lại ở Nam Định, từ cấp trấn
xuống cấp huyện thoái hóa, biến chất, trở thành “tập đoàn cường hào” hà
hiếp dân chúng nặng nề như thế, nếu không có sự sâu sát và nghiêm minh của các
quan Kinh lược sứ thì chắc chắn, những “quan cường hào” vẫn nhởn nhơ
ngoài vòng pháp luật, sau khi “tai qua nạn khỏi” sẽ quay lại tham nhũng và ức
hiếp dân, dân lại khổ thêm biết chừng nào. Cho hay, thanh tra phát hiện các vụ
việc tiêu cực đã là cần thiết, giải quyết dứt điểm vụ việc đó, hay nói một cách
khác, phải “trị tận gốc, bốc tận rễ” mới là điều quan trọng.
Ba là, công lao phát hiện ra những tiêu cực, thoái hóa
biến chất của quan trấn Nam Định đầu tiên chính là những người dân ở trấn này.
Cho hay, có hệ thống thanh tra các cấp với đầy đủ quy chế, quy tắc làm việc rõ
ràng cũng chỉ là một điểu kiện ban đầu, để phát hiện ra các vụ việc tiêu cực
của quan lại địa phương, người làm công tác thanh tra phải gần dân, sát dân,
lắng nghe ý kiến của người dân.
Bốn là, việc xử lý các quan lại thoái hóa, biến chất ở
trấn Nam Định rất kiên quyết và nghiêm khắc còn có vai trò rất lớn của Vua Minh
Mạng.
---------
Bài đã đăng trên
tạp chí Kiểm tra (Ủy ban Kiêm tra Trung ương) số tháng 8 năm 2011, có tiêu đề
“Sâu sát và nghiêm minh”. Nhân vụ Tiên Lãng, tác giả đổi lại tiêu đề để mọi
người cùng suy ngẫm, nội dung không thay đổi.
*.
BÙI
XUÂN ĐÍNH
Địa chỉ: Viện Dân Tộc Học Việt Nam, số 1
phố
Liễu Giai, quận Ba Đình, tp Hà Nội.
Email: buixuandinh.dth@mail.com.
Điện thoại: 097.378.62.03
…………………………………………………………………………
- Cập nhật từ messenger facebook Trần Hải Sơn ngày 17.02.2017.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng
Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ
nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
.
0 comments:
Đăng nhận xét